CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Ký sự

BỮA SÁNG PARISIEN

Thứ hai ngày 11 tháng 7 năm 2016 12:00 AM

Đôi khi lang thang Paris suốt tuần, nhưng chưa lần nào tôi có bữa sáng thực sự kiểu Paris. Tôi hình dung một sáng thức dậy lúc tám giờ, ươn ao ngó qua cửa sổ thấy tháp Eiffel mờ mọc giữa sương mỏng, nhấm nháp câu thơ của Louis Aragon: Ta chào nước Pháp mắt bồ câu. Rồi thả bộ chừng chục phút vỉa hè rợp xanh êm thênh nâng bước thấm hương hoa ngọt đằm thiếu phụ, ngắm phố lơ đãng, lạc đến café bất chợt đôi bên dòng Seine hay quanh quanh Montmartre. Hoặc cao hứng ngoi đếnChamps-Elysée nơi café George V ngắm công dân thế giới trẩy hội thời trang đại lộ.

Những địa chỉ café nổi tiếng trong tiến trình Paris cổ điển đến hiện đại.

Mấy lần trượt hụt bữa sáng parisien vì những lý do không đâu. Lần quá bến metro, lần chật chỗ, bữa không thức món như ý, nên có sao dùng vậy rồi tất tả chen ra sân bay CDG tiếp tục hành trình.

May, kết lộ trình Venezia (Italia), Monténégro, Croitia và Hi-Lạp năm 2016 cho cuốn sách dự tính, tôi đủ thời gian luyến láy với  Paris. Thành phố vẫn còn mùa xuân đâu đó trong mưa gió lửng lơ. Lòng náo hoan ca hẹn Eiffel, đợi hôn má sông Seine.

Không bận chuyện khách sạn bởi một người bạn đã kiếm giúp điểm hạ cánh vừa tầm:Căn hộ ba phòng trên tầng sáu chung cư kiểu Haussmann đứng tên Alix con gái ông Pierre Buchamann. Alix mắc bệnh chán ăn. Là bác sĩ giỏi nhưng không thể chữa cho mình, cô được gửi vào bệnh viện. Săn sóc mãi căn phòng trống, người cha- giám đốc công ty Công nghệ điều khiển học về hưu đã cho thuê để làm khuây.

Bàn viết và giường ngủ đều có góc trực diện tháp Eiffel. Số 96, đại lộ Malesherbes, quận 17, giáp quận 8 mấy chục số nhà, cách đại lộ Champs-Elysée hai bến metro. Tụt cầu thang xoắn khỏi tầng 6 chóng mặt, đẩy cánh cửa gỗ sồi sơn xanh, tay nắm đồng sáng choang đặc trưng của thế kỷ 18 đồ sộ như  cổng thành, lướt qua tiệm ăn Liban chềnh ềnh chậu olive trước cửa. Thực khách đầy ự những gương mặt Trung Đông rồm râu, bự thịt.

Gióng thẳng vạch kẻ của người đi bộ thẳng đại lộ Malesherbes, qua cửa hàng hoa Monceau nơi ngã tư, xuôi dốc cổng hậu vườn hoa Monceau xùm xòa chừng mười phút là chạm tới nhà thờ Saint-Augustin de Paris. Tòa kiến trúc mặt cắt hình con tàu  góc nào cũng khiến ta mê mải quên đi hiện tại. Dự án trùng tu Nhà thờ  bốn năm trước tôi đã chứng lễ khai trương, nhưng giàn giáo giờ vẫn ngềnh ngàng trước sảnh chính. Pháp cũng như các nước Âu lục, luôn hụt trước, ngắn sau kinh phí bảo trì di sản kiến trúc.

Đây là một trong những khu vực hưởng thành quả dự án qui hoạch và hiện đại hóa thủ đô Paris thời Đệ nhị đế chế - Napoléon III do nam tước Georges Eugène Haussmann tỉnh trưởng tỉnh Seine tiến hành từ 1852 đến 1870 .

Đặc trưng phố kiểu Haussmann. Mặt tiền của các đơn nguyên được thiết kế sao cho gần như trùng khớp với các đơn vị nhà liền kề: các balcon gờ tường gần như thẳng hàng và giống nhau về kiểu cách. Dạo trên vỉa hè giữa các tòa nhà đối nhau như đi giữa hai bức tường nhiều đường nét ở hai bên phố. Vì lẽ ấy nên người Paris gọi những con phố như vậy là "phố tường" ("rue-mur"). Ngoài mặt tường cắt mạch, chia ô huỳnh, tạo mảng  cột và những gờ chỉ tôn hình khối thì bộ cánh cổng mỗi khu nhà ngốn mấy chục khối gỗ sồi là cả một tập hợp những đường nét soi chạm tinh xảo. Tay mắm đồng vàng đúc tiện rồng phượng sư tử kỳ lân mọc cánh...

Nhìn bề ngoài thì ngỡ phía trong là những căn phòng chuẩn mực, nhưng thực chất khi bước chân vào mới thấy nó chia cắt ngẫu nhiên phản ánh thực trạng sở hữu diện tích đất của các chủ thể cách đây gần 300 năm. Hình chữ nhật, hình thang, hình vuông, tam giác, đa giác, chữ z, chữ y. Cũng như xứ Việt bây giờ, chủ đầu tư thương lượng được với bên sở hữu thì xây dựng đúng thiết kế. Nếu không thì cứ hiện trạng thế nào thì cứ nguyên xi thế mà xây. Bạn sẽ không ngạc nhiên, khi dùng bữa ở một nhà hàng nổi tiếng bám đại lộ diện tích 20 mét vuông, nham nhở như miếng bánh cắn dở, ba chiều gắn gương giúp thực khách quên đi cảm giác đang ăn nhậu trong một căn hầm.

Tầng trệt và tầng lửng với tường ốp sâu. Tầng hai  “quý tộc”cao vút với một hoặc hai balcon cầu kỳ, dành làm phòng khách đủ sức chứa cả buổi khiêu vũ. Tầng thứ ba và thứ tư phong cách tương tự nhưng  khung cửa sổ kém hoa mỹ hơn.Tầng  năm balcon mảnh và không trang trí. Tầng sáu áp mái vốn dành cho người giúp việc, cũng chính là nơi tôi đang lưu trú. Ba cửa sổ lớn. Hai cửa hai mặt đường và cửa góc nối. Nội thất xưa còn lại là hình dạng mái lợp, lớp gạch gốm tráng men đỏ, bát giác và lối cầu thang xoắn dốc gắt tối như leo lên tháp chuông hay chòi canh.

Mặt tiền xây, ốp thứ đá cát kết xốp, vàng nhạt, chạm gờ chỉ, hoa tiết đỡ bệ balcon, lan can sắt rèn, uốn sơn đen, mái nhà dốc 45 độ lợp đá ác-doa, giờ không hiếm khối nhà được thay thế bằng tôn dày mạ kẽm, xám màu. Phố chính  rợp bóng cây, đường sáu làn xe. Phong cách và vật liệu ta từng gặp đâu đó ở Vienna và Brussels…

Nhờ có nhận diện đặc trưng, nên khi đến Paris chỉ lướt qua khu phố là bạn biết ngay nó sinh ra trong thời Haussmann hay không.

Suốt hai mươi năm người Paris chịu khói bụi công trường xây dựng cùng với những chính sách tài chính khắt khe mới xây nên một móng nền Paris phát triển bền vững. Kinh nghiệm dự án của Haussmann đến giờ vẫn là điều Hà Nội của chúng ta cần học hỏi tham chiếu. Sau này, đồ án của Le Corbusier coi "quy hoạch đô thị là chìa khóa" để giải quyết mọi vấn đề kiến trúc xây dựng. Le Corbusier là tác giả hệ modulor* và các phương án thành phố ba triệu dân, phương án cải tạo trung tâm Parí đã thay thế ý tưởng của Haussmann. Nhưng thập niên 1970 thì quy định kiểu Haussmann và đơn vị nhà được tái dụng. Paris một lần nữa muồn tìm lại sự đồng nhất về kiến trúc cho bản thân giống như thời Đệ Nhị đế chế.

Chếch bên kia đại lộ Malesherbes, góc đan giao đường Lisbonne chân con dốc nhỏlà tiệm bánh mì Eric Kayser trang trọng như một phòng triển lãm mỹ thuật. Nơi đây người ta làm các loại bánh từ bột mì. Tiệm bán bánh nhưng vẫn phục vụ ăn uống cả ngày như mọi tiệm café của Paris. Khác với tiệm café Hà Nội, café Paris không chỉ bán café mà còn phục vụ ăn sáng, trưa, chiều tối với những thực đơn đa sắc.

EricKayser có lẽ là một thương hiệu bánh biệt lệ, bởi ở Paris chỉ có tiệm café mới phục vụ ăn uống cả mặn lẫn ngọt.

Bảng hiệu tiệm bánh, ERIC KAYSER- đơn giản là  tên được viết hoa gắn lên tường màu tím hồng phai. 

 

Người sáng lập ra thương hiệu Eric Kayser chính là anh thợ làm bánh và là nhà văn chuyên viết về ẩm thực Pháp Eric Kayser. Sinh năm 1964 ở Lure, Haute-Saône, trước ông, đã ba thế hệ nhà Kayser đều là thợ làm bánh truyền thống của Pháp ở Lorraine. Năm 1975 gia đình ông chuyển đến Côte d’Azur, mới 11 tuổi ông say mê học nghề  bánh tại Fréjus. Năm 1983 tuổi 19 Kayser đã là thành viên của Compagnon du Tour de France.**

Năm 1994 cùng với Patrick Castagna, Kayser cải tiến kỹ thuật nướng và làm men ủ bột, giúp cho bánh mì của họ có hương vị đặc biệt vì giữ được tối đa hương vị tự nhiên của nguyên liệu.

Ngày 13 tháng 9 năm 1996, Kayser khai trương tiệm bánh đầu tiên tại phố Monge, Paris. Sau hai mươi năm thương hiệu Eric Kayser chiếm lĩnh 18 cửa hàng ở Paris. Bánh mỳ Pháp, phong cách Kayser trong bữa ăn sáng parisien đã xuất hiện Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Nga, Nhật, Ukraine, Morocco, Senegal, Nam Hàn, Lebanon, UAE, Chile, Singapore, Mexico, Hồng Kông và Đài Loan…

Đặt chân đến quốc gia nào, Kayser vẫn  giữ phong vị đặc trưng bánh mỳ Pháp và kết hợp với gu ẩm thực địa phương, để hai bên làm phong phú cho nhau…

Tọa lạc góc trấn giữ hai mặt đường. Hai lối cửa. Cửa khách vào và cửa khách ra. Tường kính trong. Những chiếc ghế gỗ cao, sơn đen, phải nhướn người trèo mới có thế ngồi, ôm lấy chiếc bàn chữ nhậtmột chân lênh khênh, diện tích chỉ vừa đủ bày khay ăn cho hai người, trải hai tờ thực đơn, in giản dị. Điểm nhấn nét thanh nhã Pháp  là chiếc bình biến thể như nắm tay trẻ con hôm thì hình trứng, bữa hình trụ cắm hoa tươi hái từ ven cánh lúa mì hãy còn đẫm sương. Kiêu hãnh nhưng giấu mình giữ đa sắc bình hoa là bông hồng trắng nhỉnh hơn ngón tay út.

Chị chọn bàn bên dãy nhìn ra phố Lisbonne tĩnh mịch. Bức tường đá dày cả mét được đốn lửng cao bằng tầm nghế, phía ngoài lắp kính, mặt tường lát ván, lót đệm. Một chiếc ghế dài suốt bức tường. Nhường tôi ngồi chiếc ghế sơn đen, Chị sở hữu một vị trí ghế tường. Hai bên đều ngất ngưởng như nhau.

Quầy hàng đặt dọc căn phòng với những khay bánh nóng phức, rực sắc vàng của lửa của bơ, của mật ong của lúa mì chín rượi lao xao nắng cánh đồng miền Nam Pháp. Hương cam tươi hăng ngọt xè xè tỏa ra từ máy vắt. Từ miệng cốc sứ nuột nà vị café hư thực quấy rầy khứu giác còn mơ màng cơn mộng sông Seine. Cốc chocolate sánh màu mận chín càng thêm ngọt bởi cái nhìn chăm chú của cô gái da nâu xứ  New Caledonia cao lớn tóc chải ngược sau gáy như lá dừa gặp bão.

Và ánh mắt trầm luân của Chị thiêu thiêu. 

Chẳng vô tình Chị hẹn tôi dùng bữa sáng ở địa chỉ này. Ngồi đợi Chị, tôi chọn hướng sang nhà thờ St Augustin, ngắm công nhân đang dùng máy phun hỗn hợp cát mịn và nước bóc đi lớp bụi  thời Napoleon, chiến tranh thế giới thứ I, chiến tranh thế giới thứ II và bụi đương đại trên các pho tượng sắp hàng trên tiền sảnh. Chuyện lông gà lông vịt, đình công, lụt nước láng bờ ke sông Seine mấy hôm cũng khiến Pháp thất thu đến chục tỉ euros. Rồi chuyện người Paris nhốn nháo sắp hàng xách can nhựa chen mua xăng dự trữ vì hoang tin về nguồn cung.

Cư dân quận 17 và quận 8 của nhà hát Opera, đại lộ Champs-Elysée và trung tâm mua sắm Lafayette sống trong những tòa chung cư Haussmann sang trọng nhún vai. Vớ vẩn, Paris làm chi có lụt, báo chí rỗi việc vẽ chuyện. Đường phố hiếm phân chó, lắm cây xanh, lại thêm công viên Monceau nên chiếc ô tô nào ở đây cũng bết chất thải trắng, đen, nâu của chim chóc chấm tóe như dán tranh siêu thực của Picasso.

Cách vài quãng phố lại đụng cửa hàng các nghệ sĩ sáng tác tự do kết hợp lao động thủ công. Họ sáng tác các mẫu dây chuyền, đeo cổ, buộc tay, các bức tranh ảnh, tranh nhỏ đóng khung. Đồ làm bằng tay độc bản của nghệ sĩ ghi giá trên trời. Không ngẫu nhiên họ thành công giữa khu nhà giàu. Bởi chính họ thường là người giàu trước rồi, sẵn tiền hứng nhảy ra mở cửa hàng mỹ thuật. Chẳng hiểu gu tôi kém hay trình chưa cập, nhưng quả là mấy thứ đó không bắt mắt hơn mớ hàng xén trong tủ kính nhử tây ba-lo của mấy bà vợ họa sĩ tàng tàng bày ở phố cổ Hội An hay Hàng Ngang, Hàng Đào...

Paris là chốn thượng lưu hàng đầu thế giới đến hưởng lạc, mua sắm,  đồng hồ, phụ kiện trang sức từ vài chục đến vài triệu euros cứ tằng tằng. Để chống lại thói trưởng giả đế vương của thiên hạ, số đông người Paris đã viện đến sức mạnh nội tại của mình, đó là mang văn hóa, mang sáng tạo nghệ thuật phổ vào sắt thép đá gỗ dây gai vải bố thủy tinh thay kim cương bạch kim hồng ngọc. Chưa  đâu đề cao đồ hiệu như Paris và cũng chưa ở đâu biết tầm thường hóa đồ hiệu như Paris. Một phông nền văn hóa như Paris thì có đủ chỗ cho các nghệ sĩ, ít ra là để kiếm sống…

Song hành tiệm café là logo pharmacie chữ thập màu xanh chạy đèn lét. Tiệm café và hiệu thuộc ngang ngửa nhau về số lượng. Chủ tiệm café và dược sĩ có vẻ là nghề như trồng cây tiền trước cửa mỗi ngày mọc ra bao nhiêu tờ tiền. Một điều giống nhau đến kỳ lạ giữa Paris và Hà Nội, Sài Gòn, Việt Trì hay bất cứ thành phố nào khác của xứ Việt. Lo ăn rồi lo chữa bệnh.

Nếu chữa bệnh không khỏi thì trấn trị bằng phong thủy, yểm trạch.Chẳng biết dân quận 8 Paris tin thuyết phong thủy hơn hay dân Hà Nội hơn. Cửa hàng đá quý, bán quý dùng làm đồ trang sức phong thủy, quả cầu bày bàn làm việc, đá cục, cột trụ đa giác mũi nhọn trấn cửa…hầu như có mặt ở các phố, y như tiệm bánh, cửa hàng thịt, cá, rau quả…

Dọc đường tới Kayser, tôi ngó qua giá hoa cảnh cửa hàng hoa Monceau bỗng giật mình. Khóm hồng trắng, 100 E. Lơ thơ mấy ngọn bạc hà 20 E. Chậu lavande 20 E... Trong khi ra ngoại ô Paris thì có thể xin hàng xóm được. Người Paris dành tình yêu đắt đỏ cho hoa, nhưng cửa hàng hoa trong mỗi quận thưa thớt đếm đầu ngón tay…

Bữa bữa, đang lim dim tận hưởng miếng bánh Kayser mới nướng đầu ngày, tôi bị nghẹn bởi còi hụ của xe cảnh sát đã pí pe pí po riết róng, xồng xộc bốn năm chiêc xe máy khủng ào ào dẹp đường. Hình như vài năm trở lại đường phố Paris lúc nào cũng dội thứ âm thanh thôi thúc người ta phanh gấp hoặc lánh vội xe vào lề. Bảo vệ vận chuyển tiền. Xe chở tù. Xe tháp tùng yếu nhân. Xe cứu hỏa. Xe phản ứng nhanh chống khủng bố.Xe cứu thương. Nhiều khi tôi thấy đơn lẻ một chiếc xe cảnh sát sứt sẹo lờ đờ cũng rú còi cướp đường.

Không góc này thì chỗ kia, có lẽ Paris là thành phố không giây phút vắng tiếng còi hụ của giới chức thực thi pháp luật…Thêm nữa là tiếng rú moto phân khối lớn như máy bay phản lực cất cánh hay hạ cánh của đám công chức lẫn tay chơi trẻ. Thành Paris không hẳn yên tĩnh mộng mơ như nhịp chuyển dòng Seine. Nó căng đầy ánh sáng Eiffel nhưngchật ních tiếng ồn từ con người.

Xem ra sự bất an đang quay vù vù như cái quạt trần sắp bung móc giữ trên đầu Paris cũng như nhân loại. Một tội tổ tông mà con người hiện giờ đều không còn cách lảng tránh trên trái đất của mình.

Nhưng còn sống thì còn phải ăn. Cơ khổ, thời buổi ăn cách gì cũng là lựa chọn đứng về nhân ái hay ác tâm. Như muôn người Việt trong cơn ăn cá biển ô nhiễm hay ăn thịt chứa chất tạo nạc. Các siêu thị Auchan, Carrefour, Monoprix, Franprix, ED, Paris Store hàng hóa đều phải ghi rõ xuất xứ địa lý lẫn phương thức sản xuất, nào BIO nào không dùng lao động trẻ em.Nhân ái với mình, với người. Và ngược lại. Ăn cho xong bữa. Ăn lấy sức cày cuốc. Ăn lấy được. Ăn sinh bệnh. Ăn để thưởng thức đời sống trong tập hợp phong cách văn hóa nhân loại.

Trang phục đen, Chị ngồi đó như đêm Paris còn xanh quầng mắt.

Xây lưng ra đường Boulevard, Chị ngắm những tấm ảnh chụp bánh mì đóng khung trưng quanh bức tường trắng. Thớt thái bánh mì. Bông lúa mì. Bánh mì cắt lát. Bánh mì bẻ đôi. Bánh mì xé. Bánh mì xẻ dọc. Bánh mì to nhỏ xếp hình. Bánh mì mới nướng còn lấm bột áo trắng, tỏa hơi nóng rưng rưng. Những tấm ảnh nghệ thuật đượm sắc vị bánh mỳ đẹp đến mức tôi có thể xé những phiến giấy ấy nhai ngấu nghiến. Một thánh đường dành cho nghệ thuật chế tác bánh mì.

Khẽ khàng, Chị không quay lại với tôi. “Nhìn vào bánh mì khiến người liên tưởng đến thân phận con người”.

Người nuôi sống mọi tầng lớp là người luôn chân lấm tay bùn. Nhưng  bây giờ  cũng  là thời của những người, đôi khi một mình họ với trí tuệ và bàn tay trắng mịn có thể nuôi sống muôn ngàn người.

Cô hầu bàn cất tiếng chào líu ríu. Một nhan sắc Kayser mang vẻ đẹp nông thôn Pháp, phồn thực vương hương phố thị. Cổ áo khoét sâu đủ thấp thoáng phần trên đôi nhũ hoa xăm hình màu đối xứng chiếc đầu lâu và chiếc ống nhòm. Nơi bắt đầu khe ngực, cô đính hạt kim sa lấp lánh.

Chị gọi hai suất ăn sáng đặc trưng Paris của Kayser.

 

Cô gái nhún chân bước lui.

Người Paris  hay người Pháp đều “hảo ngọt” buổi sáng. Và Chị cũng vậy, menu bữa sáng với thịt hun khói, trứng, xúc xích kiểu Anh là một điều kỳ kỳ. Người Pháp IQ đâu kém người Anh, thừa biết dưỡng sức cho ngày mới bắt đầu bằng protein chuẩn hơn tinh bột và đường. Chẳng hiểu văn hào Anh Somerset Maugham khen hay chê  bữa sáng dân tộc mình 

- Ở Anh để ăn ngon thì một ngày nên ăn sáng ba lần.

Chị  lửng lơ nhận xét:

- Maugham kiêu ngạo đấy, ông ta thông đạt, ăn sáng kiểu Anh ngon xứng đáng ăn ba lần trong ngày. Khéo mà nghe , chỉ cần ba tháng thì calorie và cholesterol sẽ khiến một nữa dân số Anh đột quỵ

Nhưng không hiểu sao bữa sáng kiểu Pháp luôn “quyến ngọt” đến khó tin. Và nếu người Pháp có ăn trứng vào buổi sáng thì phải là luộc chứ không dính líu đến dầu hay bơ!

Chưa kịp cảm thấy sốt ruột thì phục vụ đã bê khay thức ra. Olala! Của Chị là nước cam tươi óng, chocolate quánh quẩn khói, chiếc bánh croissant được làm từ thứ bột mì xốp đặc biệt nhân mứt cam. Phần tôi là nửa chiếc baguette nhỉnh hơn trái mướp hương được chẻ dọc, cắm trong cốc pha lê. Dưới chân cốc baguette là hai núm bơ mặn và trắng bọc giấy tựa hai trái cerise. Hai hũ mứt cam và dâu như hai hũ dầu gió.Cốc sứ dày cộp sánh café đèn phủ lớp bọt nâu mỏng như màng lụa rơi hờ, hương vị lai pha giữa espresso và latte. Nhưng latte chỉ là phần trăm li ti nào đó, bởi tôi không cảm nhận được vị sữa tươi ở trong đó mà là sự ngậy béo thanh khiết sau cảm giác đắng dịu. Gói đường mía bằng mẩu đậu đũa. Chấm bánh xốp chẳng khác nửa trái chà là nằm úp. Chiếc thìa café và con dao ăn bằng bạc như mới thó từ bàn ăn của các chú lùn.Và sau cùng là cốc cước cam tươi tráng miệng, bổ sung nguồn vitamin.

Có nguyên tắc của đồ ăn thì cũng có công thức của cách ăn. Thức ăn trước và ăn sau, theo trình tự. Bởi chẳng ai ăn liền mấy thức một lúc được. Nhấp ngụm nước quả,  Chị bẻ đôi chiếc croissant, khẽ khàng nhúng vào tách chocolate nóng. Nếu thích thì có thể gia giảm thêm bơ. Miếng bánh được làm nóng thêm lần nữa, khi trong miệng, không cần nhai đã tự tan ra…

Baguette của Kayser chẻ đôi sẵn để người ăn phết bơ dàn đều bề mặt, sức nóng của bánh mì tự thấm bơ rồi mới tiếp thêm mứt cam hay mứt dâu…Tôi cắn miếng đầu tiên. Vị lúa mì tự nhiên thơm sực lên như một tiếng vang. Vỏ bánh baguette giòn nhưng không cứng, ruột mềm dai, bùi, ngậy miên man của bơ…để thăng hoa sự ngon, tôi chiêu ngụm café thêm vị đắng  mới gọi là hoàn hảo.Bỗng quên hết thế giới xung quanh, cơ thể con người cởi mở  tận hưởng thực tại thi vị, lãng mạn.

 Bước lặng vào Kayser hầu hết là cặp đôi. Họ ngồi sát bên tôi và Chị. Âm vực câu chuyện  đủ họ hiểu với nhau. Cười nửa miệng, nhai không thành tiếng. Có lẽ người Pháp là những thực khách lịch lãm không có đối thủ. Thảng hoặc có người đi lẻ thì ngồi cách xa, cố tình không làm phiền mắt người khác. Đến thẳng quầy mua bánh là khách hàng quen ở quanh mấy khối phố và những tiệm café, những khách sạn lớn.

Không hiếm khách veston, láng mượt, bộ dạng quan trọng cứ như là tổng giám đốc, trợ lý hay thư ký bộ trưởng, nhưng thực ra họ chẳng quan trọng gì và   công việc cũng không đòi hỏi quá nghiêm túc như  là nhân viên tiếp thị về du lịch, về nhà đất, xe hơi….bia, rượu…Họ lạnh lùng chọn góc khuất gọi chiếc bánh sừng bò với ly café nhạt.

Tôi từng nghĩ đồ ăn Pháp như gan ngỗng như là bơ chẳng hạn quá dư chất béo; nhưng các nhà ẩm thực học khẳng định những món ngậy béo đó rất tốt cho sức khỏe. Người Pháp nổi tiếng phong cách vừa ăn uống vừa đàm đạo, thưởng thức chút chút một. Nhiêu khê, rầy rà, tốn thời gian.Và tôi không khỏi ngạc trước biển hiệu Starbucks và McDonald’s  lấp ló khắp Paris. Giới trẻ xếp hàng dài cổ chờ bấm màn hình cảm ứng order ẩm thực kiểu Mỹ.

Hiện tại nhiều người Pháp vẫn chọn bánh mì ở một lò mì quen mới nướng biết hay mua thịt của những lò mổ vừa buông tay dao. Vì sao Eric Katser thành công giữa thời cạnh tranh từng giây thì cũng không ngạc nhiên, bởi ông là người Pháp, thực sự hiểu  tầm hồn người Pháp rung động ở tần số nào khi mỗi buổi sáng bước ra khỏi giường.

Đi dọc ngang nước Pháp, tôi hình dung một quốc gia nông nghiệp. Gần 60%  diện tích đất của Pháp được dùng vào mục đích nông nghiệp. Là quốc gia sản xuất thực phẩm chiếm hơn 20% tổng giá trị sản lượng của EU, đứng thứ tư trong số những nước sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới.Tuy nhiên, ngành nông nghiệp chỉ chiếm 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp và tạo được chưa tới 5% số việc làm. Vậy mà các chủ trang trại và các chủ hộ làm nông nhỏ lẻ đã nuôi béo tốt cả dân tộc và cả những người khách đến với họ. Dù con số chứng minh gì gì thì nước Pháp vẫn là cường quốc nông nghiệp. Bởi chỉ có một cường quốc nông nghiệp mới có cơ hội sản sinh ra một cường quốc về nghệ thuật ẩm thực hàng đầu thế giới: Ẩm thực Pháp.

Tiệm Eric Katser trang nghiêm nhưng rậm rịch Euro- 2016 và nhộn nhạo biểu tình phản đối luật lao động sửa đổi của dân Pháp dội vào. Cổ động viên các đội bóng và người đi biểu tình hòa đám đông. Chủ giương khẩu hiệu phản đối chính phủ, khách phất cờ cổ vũ bóng đá. Trên vỉa hè trẻ con đạp xe trượt hai bánh nhởn nhơ. Cảnh sát canh chừng, mọi hành động quá khích đều được hóa giải bằng những phương pháp khác nhau, không ngoại trừ  bạo lực. Công nhân xả nước máy cọ rửa vỉa hè, mặt đường, các trụ bán báo, các biển hiệu, rèm che nhà hàng lớn.  Vâng,  cũng xin nói thêm, hệ thống nước tưới cây và thau rửa đô thị của Paris cũng được hình thành từ thời Haussnamn. Ai có việc người ấy. Hỗn độn trong qui luật.

Nhưng vẫn có một nước Pháp phải uống analgin ngày ngày vì những chứng đau cơ hội. Như bụi xương rồng gai độc, dòng người nhập cư cuộn lăn trôi từ Bắc Phi, Nam Á gây những vết thương kín và hở trên thịt da nước Pháp. Chưa nói đến các phần tử khủng bố, cảm tình khủng bố ẩn tàng.

Một gia đình nhập cư Hồi giáo thường chỉ  ông bố đi làm sau lưng là hai ba vợ với cả chục đứa con líu xíu. Và còn vô số kẻ lười nhác ngồi nhà ăn lương thất nghiệp và xin đi học nghề quanh năm không chịu đụng tay làm một việc cụ thể.

Trong số này không ít các cô gái Việt học hành tử tế, ở nhà trông con phục vụ chồng tây và đi học nghề lén xin đi làm dọn phòng kiếm thêm đâu đó để có tiền son phấn hoặc gửi về giúp gia đình. Người may hơn thì ngồi két, coi như có đồng lương ổn định. Nguồn phúc lợi xã hội Pháp cứ phải nai lưng ra mà chi vì lý tưởng tự do bình đẳng bác ái. Và làm công ăn lương thuế thì mỗi năm lại một tăng, lương thì một ngày một bớt.Xung đột quyền lợi gây nên sự căng thẳng toàn xã hội

Nhưng đâu đó vẫn là một nước Pháp trầm mặc.

Pierre Buchamann, chủ nhà – từng là giám đốc công ty, về hưu ba năm. Lương hưu cao ngất, căn hộ ông ở là cả một tầng hai cao quí, dài rộng cả hai chục mét mặt tiền. Nội thất choáng lộng  vàng son thời Louis XIV và Đệ Nhị đế chế. Ba người con đều học trường Louis Le Grand. Alix là bác sĩ thì đã ốm đau. Còn Pierre cậu sinh viên và cô em hàng năm sang Việt Nam tham gia các chương trình từ thiện do nhà trường tài trợ.Nhưng ông tự nhiên vào vai người quét dọn căn phòng cho thuê. Hôm không kịp dọn phòng, ông lặng lẽ trả lại 30 euros tiền công ứng trước trong phong bì. Cậu con trai, không nề hà tiếp sức cho tôi, vác chiếc valise băng từ tầng ba lên tầng sáu.

Ông Buchamann kiếm bạc lẻ. Nhưng con trai con gái vẫn công của làm từ thiện. Alix mắc bệnh chán ăn ở đất nước có nhiều món ngon nhất thế giới. Người hôm nay ăn sáng ở Kayser hay ở tiệm café nào đó hai bên vỉa hè đại lộ Champs Elysées giá 20-25 E thì ngày mai vẫn bảnh chọe ăn sáng ở vỉa hè suồng sã ly café cốc giấy với chiếc bánh sừng bò, giá 2 E.

Không hiếm những khu nhà Haussmann im lìm như một pháo đài. Các cư dân của nó khép kín, giữa nguyên tắc chỉ giao lưu với người cùng nhóm. Họ sở hữu những siêu bức tranh, những  siêu khối tượng do những họa sĩ danh tiếng  tạo tác mà hàng thế kỷ nay công chúng chưa bao giờ nhìn thấy. Họ không cần sở hữu siêu xe, du thuyền, cổ phần nhà băng, ẩn dưới sáng lạnh của kim cương, bạch kim và da thuộc. Bước giữa Paris tưởng họ lẫn vào đám đông, nhưng đám đông lại vô tình khu biệt họ bằng cách lùi lại trước sự lạnh lùng xa cách, dửng dưng kia...

Rạng sáng chợt thức, vịn cửa sổ tôi ngắm Paris thiếp ngủ trong ánh sáng mai đầu hạ. Eiffel cô độc giữa trời, tự mình chuyển sắc, rọi đèn xoay quanh. Chốc lại rung mình nhấp nháy rồi bừng rực một màu vàng kim loại một màu tím miên man thẹn như một lời tỏ tình…Trên kệ, những cuốn sách Alix đọc dở đang lật trang sột soạt. Cánh tủ kẹt khẽ, những váy áo thời trang của cô bác sĩ cũng muốn sáng mai dạo phố. Bao giờ cây nếnAlix mang về từ Lourdes choàng thánh giá bên túi hoa lavende tỏa hương trầm dịu sẽ được thắp lên thay cho lời cầu phúc của Mẹ Maria?

Cụ bà Tuynidi phòng bên cậm kịch gậy chống đỡ hai khớp gối kim loại. Cụ nấu bữa sáng cho người con trai làm công nhân xây dựng. Nếu tôi sống bốn mươi năm trên tầng sáu như cụ, sớm muộn chắc cũng phải thay khớp gối.

Bữa sáng cuối với Paris. Vẫn Kayser thực đơn truyền thống parisien. Hơi sương buông suốt đường Boulevard và thánh giá giáo đường Saint-Augustin .Chocolate bánh sừng bò nước cam cho Chị. Còn tôi đương nhiên là baguette chẻ dọc cắm cốc pha lê. Cô gái da màu quốc đảo New Caledonia duyên dáng đặt ly café alongé để tôi có thêm thời gian thụ ngấm bữa sáng an lành.Ừ, cảm giác sẽ ngon bội, nếu ta biết món trên đĩa lành dạ.

Nhớ những bữa sáng bạn bè Hà Nội phở café đen đá, Sài Gòn hủ tiếu café sữa đá. Ngon, vui nhưng  nhìn nhau phấp phỏng nỗi formaldehyde ngậm sợi mì sợi phở, chất tạo bọt và quinin với bột đậu nành lộn lạo café.

Áo khoác thì hơi nóng. Chemise cài khuy thì vướng. Sáng thứ Bảy, sau vật vã đêm khai mạc Euro, Paris còn ngái ngủ.  Bốn giờ nữa check-in. Nẻo rời tôi lướt qua bao tiệm café  nữa ? Ngực tôi trĩu xuống như những viên đá lát đường hằn vết xe tăng Đức, gót giày sắt quân đồng minh và đám đông  biểu tình và cổ động viên bóng đá giày xéo. Chiếc ghế băng gỗ sơn xanh trong công viên tam giác dưới bóng xanh bên hông giáo đường Saint-Augustin tôi ngồi đợi Chị tan sở vừa có ai yên vị.

Nhướng cặp mày liễu, Chị đẩy cốc grand-crème nổi váng kem thơm sữa tươi về phía tôi. Và dành cốc allongé đắng đót cho mình. Lại những sự kiện lấn chen.

Tỉ lệ năm mươi năm mươi nước Anh li hôn với thể chế EU và những phiền nhiễu hệ lụy cho người Pháp. Điện văn trưa Hà Nội  à ơi như từ thế kỷ trước hỏi  Paris buổi sáng   kịp về Tam Đảo dự hội nghị lý luận Văn học đổi mới lần Bốn của  những nhà văn  công chức ăn lương nước ngân sách sắp tham gia TPP ! Số phận Su-30KM2 và Casa 212 đã thấy tọa độ chìm, giờ  lựa sức tìm hộp đen và giải mã...

Bữa sáng Paris  parisien  đang kết. Hẹn đợi Chị bữa sáng Hà Nội phong cách Tràng An cố quận. Sau ngày mai, tôi sẽ phải đếm bao nhiêu lá rụng, bao băng đá, tuyết rơi trong trí tưởng  trên lối sỏi công viên Monceau và vỉa hè đại lộ Boulevard để thấy lại quầng mắt Chị xanh khi hoa xuân nức nở Paris.

 

N.T.T.K - Paris. 6. 2016

 

*Modulor: Đây là một hệ tỉ lệ trong kiến trúc. Hệ tỉ lệ này, được xây dựng trên tỉ lệ vàng truyền thống kiến trúc châu Âu cổ đại được Le Corbusier kết hợp với các số đo của nhân trắc học con người nhằm mục đích phù hợp với các thiết kế kiến trúc cũng như đạt được vẻ đẹp hài hòa với tự nhiên.

**Compagnon du Tour de France : Hiệp hội những người thợ thủ công đồng hành với Tour de France . Hiệp hội tài trợ cho giải đấu này thường niên

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook