CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Ký sự

NGƯỜI PHÁP VÀ VĂN HÓA ĐỒ HIỆU

Thứ năm ngày 6 tháng 12 năm 2012 12:14 AM

Lang thang Paris, tôi gặp không ít những cửa hàng mua, bán đồ hiệu en occasion (second-hand) rải rác ở những mặt phố lớn, nhỏ. Ngỡ đây cũng chỉ là nơi mua bán đồ cũ bình thường, nhưng bước vào tôi hoa mắt với những gì mục kích. Một thế giới thời trang cho quý ông, quý bà, đầy đủ từ đầu đến chân. Tất cả được, treo, bày trân trọng trên giá, trên mắc. Cầm lên một vài món đồ xem giá tôi bỗng giật mình. Giá nhiều món đồ hiệu đã dùng lướt, hoặc đôi năm vẫn khó có thể cập với thu nhập của một viên chức bình thường ở Pháp, chứ chưa nói Việt Nam.

Với người Pháp, đồ hiệu ngoài giá trị sử dụng hàng hóa chất lượng cao mà còn là biểu tượng đặc trưng của văn hóa. Nhiều người Pháp dùng đồ hiệu chẳng phải vì họ theo đòi chủ nghĩa vật chất hay là dồi dào tiền bạc mà vì sự trân trọng cái tôi, đề cao giá trị thẩm mỹ của một lối sống hài hòa với thời đại…

Họ tận hưởng cuộc sống mà điều kiện kinh tế cho phép. Những bộ trang phục hay là những sản phẩm phụ kiện: túi xách, khăn, kính, giày, mũ, đồ trang sức do các nhà thiết kế tên tuổi Pháp làm ra, kiểu dáng thời trang, chất lượng tuyệt hảo tôn cao sự tự tin và vẻ đẹp cho người sử dụng. Đồ hiệu đơn giản là chỉ dành cho một tầng lớp có đẳng cấp nhất định.

Thời trang thể hiện văn minh của một xã hội, bởi nó mang tính tiên phong. Các nhãn hiệu đồ hiệu danh tiếng đầu tư nghiên cứu dự đoán xu hướng tâm lý của người tiêu dùng và tính tương thích với các tiến bộ xã hội khác để thiết kế sản phẩm trước nửa năm hoặc cả năm: Mùa thời trang thu đông và xuân hè. 


Hầu hết người dùng đồ hiệu Pháp ở Pháp thuộc lứa tuổi ngoài ba mươi trở lên khi đã học hành xong và nghề nghiệp ổn định. Trước đồ hiệu họ có thái độ bình tĩnh và tự tin mua sắm. Sống giữa trung tâm thời trang của thế giới, họ được nhiều chọn lựa thỏa đáng cho việc áp đặt cái tôi và cái nhìn của xã hội dành cho thời trang Pháp và bản thân. Nếu các gia đình quý tộc chung thủy với giá trị truyền thống Pháp chọn các tên tuổi Hermès, Chanel, Balmain, Dior, Yves Saint Laurent, Louis Scherrer, …thì các trí thức, doanh nhân, công chức đề cao Lancel , Longchamp, (túi xách) Lanvin, Christian Lacroix, Christian Louboutin (giày)…

Giá của những thương hiệu này đôi khi đắt đến không tưởng ngay cả với tín đồ của Louis Vuitton, Chanel đình đám bên ngoài biên giới Pháp. Ví như một chiếc khăn quàng Hermès đã sử dụng có giá tới cả ngàn euros. Trong khi đó thanh niên Pháp xuất thân từ các gia đình trung lưu lại hướng tới những nhãn hiệu thời trang nhập khẩu đến từ Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản vì tính đại chúng và giá cũng đại chúng hơn…

Đồ hiệu nghĩa là chất lượng mỹ mãn, sang trọng, đắt giá, giữ giá. Chẳng ai muốn mua một thứ gì đó độc và đắt, để rồi vài tháng hay một năm sau lại thấy mặt hàng đó bị miệt thị ở một cửa hàng nhỏ lẻ. Điều này người Pháp biết hơn ai hết. Một chiếc túi du lịch xước đôi chấm mặt da có thể đựng vài bộ quần áo, màu rượu chát nhãn Lancel giá đồ cũ vẫn là 650 euros.

Một chiếc áo khoác nam Hermès ka-ki bóng màu kem sữa, cổ áo đã ám ngấn vàng, vạt lấm chấm vệt café giá 900 euros. Một chiếc đồng hồ automatic Patek Philippe - mặt sẫm, hình ô van đeo tay nam, quai da đã sờn 3650 euros. Cuộn dây ruy-băng có nhãn hiệu Chanel chạy suốt, nếu như một người bình thường thì chắc chỉ để dùng buộc cổ con mèo hay ăn vụng cũng được ghi giá 100 euros. Chiếc kính nữ gọng nhựa cổ điển Chloé 185 euros… Đó là những món đồ “vintage” độc Pháp, giá trị bởi sự quý hiếm và mang dấu ấn của năm tháng cùng thời đại sinh ra chúng. 

Dù đã qua sử dụng nhưng cầm trên tay những món đồ đó cảm giác vẫn có gì đó đặc biệt bởi sự chắc chắn, nuột, tinh, ấm áp một tin cậy. Mỗi loại đều có ký hiệu đặc biệt của nhà sản xuất để phân biệt với đồ copy mà nếu không được người bán hàng chỉ dẫn thì bình thường khó nhận ra. Một bà cụ ngoại lục tuần, sang trọng, phảng phất hương Hermès vị cam, tóc bạch kim bệ vệ bước vào kéo theo valise nhỏ. Cụ bán áo khoác lụa màu mơ chín hiệu Hermès giá hơn 2000 euros và mua bất kể thứ gì có hiệu Chanel. Có vẻ như cụ là tín đồ của Chanel. Người chủ hiệu với trong tủ kính chiếc hộp gỗ đàn hương trịnh trọng đưa bà cụ. Mắt sáng ngời, bà cụ lập cập mở nắp hộp lặng đi trước sợi dây chuyền bạch kim với biểu tượng hai chữ C dính lưng nhau…Đưa ngón tay nhăn nheo, nhạy cảm lần lần mặt sau của hai chữ C đấu lưng,cụ tìm một ký hiệu đánh dấu nào đó. Cụ bỗng gật gật đầu. Chủ cửa hàng đưa tiếp chiếc áo len, một chiếc túi xách da đen, may ô trái trám, dây đeo kim loại luồn da.. và không quên cuộn ruy-băng buộc cổ mèo!

Là trung tâm thời trang thế giới, nhưng không phải người dân Pháp nào cũng có điều kiện chưng đồ hiệu. Một công chức bình thường muốn sắm món đồ hiệu giá khoảng 1000 euros trở lại thì cũng phải tiết kiệm chi tiêu khác gần năm mới đủ. Mê đồ hiệu, nhưng với người Pháp đồ hiệu không phải là giá trị tính bằng euros mà là một lối sống, một cách hưởng thụ, bảo tồn niềm tự hào với văn hóa thời trang dân tộc đứng đầu thế giới. 

Trong khi đó ở châu Á thì vị thế xã hội và nhu cầu phô diễn bản thân mới là  những động cơ thúc đẩy nguồn cung đồ hiệu. Thị trường đồ hiệu châu lục này có sức mua 80 tỷ euros một năm. Đặc biệt là Trung Quốc - nơi nổi tiếng với những lò sản xuất đồ hiệu rởm thì người dùng đồ hiệu thì luôn khát khao muốn ai cũng biết họ xài hàng thật chứ không phải đồ cọp.

Quán triền đê sông Hồng, họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn sau hồi quan sát giới đẹp từng vuốt râu:

- Chín mươi chín món đồ hiệu các chị em nhà mình hôm nay kiêu hãnh niêm nót mang bên mình nếu rơi xuống sông Hồng, lập tức chúng trôi ngược về cội nguồn bên kia biên giới.

Người Việt có câu: quen nể dạ, lạ nể áo quần nên nhu cầu mua sắm đồ hiệu của những người thành đạt cũng đang lên cơn sốt. Các trung tâm mua sắm như Rex Arcade hay Vincom Center A hóa đơn thanh toán mua túi xách, ví, đồ phụ kiện trên 10.000 euros của các nhãn hiệu Chanel, Burberry, Cartier, Ferragamo, Rolex là chuyện cũng đã bình thường.

Người Pháp cho rằng nhu cầu đồ hiệu ở châu Á là lý do đẩy giá đồ hiệu ở Pháp lên cao ngang với các thị trường khác, họ đang phải chịu thiệt thòi vì giá đồ hiệu tăng từng quí. Khắp Paris đâu có cửa hàng của LV hoặc Chanel là thấy rồng rắn các quý bà quý cô chen nhau xếp hàng như thời bao cấp mua thực phẩm. Để bảo vệ giá trị thương hiệu và khách hàng nội địa, các hãng thời trang lớn ra qui định chỉ bán cho mỗi visa du lịch một món đồ. Ở châu Á làn sóng đồ hiệu thuộc tầng lớp trên có ảnh hưởng lớn trong xã hội tạo thành cơn bão du nhập văn hóa một cách thụ động, nhưng kèm theo đôi khi là cả những bi kịch đối những người trẻ lệch chuẩn và người già kệch cỡm.

Phát triển và hướng đến tương lai - đó là mục tiêu của cả thế giới. Đồ hiệu hay thời trang cũng không nằm ngoài áp lực phát triển ấy. Đồ hiệu làm cho người ta đẹp hơn, tự tin hơn thì thật hài hước khi ta lên án đồ hiệu. Và chẳng cách gì hay hơn là hãy học cách của người Pháp. Đồ hiệu, tốt thôi. Đó là chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích! 


N.T.T.K 

Chia sẻ trên Facebook