1.Tôi thiếp ngủ bên tay lái của Chị. Chiếc Renault Twingo xanh mộng hai cửa, thuê trước ga Dijon lướt về Beaune tốc độ 120 ki-lô-mét/giờ, xuyên sắc nắng thắm như mật ong hoa cải dầu. Gió thổn thức tung mái tóc. Đã lắng yên hương cau, hương nhãn trung du và nếp cái hoa vàng nâu sồng Bắc bộ để tôi vượt qua bỡ ngỡ làm quen bao hương vị mới: nhựa thông, gỗ tươi, oải hương, anh đào, violet…. Và dĩ nhiên là chát dịu, chua dịu, mặn thanh của những ly vang sánh tím, những ly vang nâu vàng…
Có phải không, đây nơi Chị từng mong đưa tôi tới? Rong chơi vườn nho như đứa trẻ và nếm rượu vang như một playboy sành sỏi. Chị nghĩ chắc tôi sẽ sâu sắc hơn khi nhìn bên ngoài thế giới bằng ánh mắt Chị đã từng? Vùng Côte-d’Or phong nhiêu ùa vào tôi dập dồn xúc cảm phiêu lưu.
Dải đường láng mịn suối chocolat đen chảy trên địa mạo phân chia lúa mì vàng dưới lũng và xanh nho nghiêng mình sườn núi. Xa xa rơm cuộn bó máy nằm nghiêng rải rác trên gốc rạ lởm chởm như những kiện cáp điện lăn lóc trên nền hàng cây vuốt ngọn lên trời.
Ruộng nho nối tiếp ruộng nho. Nho tan lan nhòa nhòa ngút chân trời. Búp non nghều, lá tơ run rẩy gió mai nhuốm hơi lạnh. Trời Bourgogne xanh quánh, phiến nắng buông chùm tia rải quạt rạo rực cuối con đường.
Tôi buột thốt lên :
- Sao mà người ta lại trồng lắm nho đến thế?!
Biển báo phía trước như lời chào mọc giữa bờ hoa cỏ dại. Chúng tôi đang ở Morey-Saint-Denis của miền Bourgogne. A ha, nhà chức trách đã cho phép dừng xe trên quốc lộ. Điểm đỗ cho khách du lịch muốn tham quan, chụp ảnh vườn nho. Quay sang bên lái, tôi chưa kịp ngỏ lời Chị đã bật đèn xin đường lề phải. Nụ cười mơ hồ môi trầm và ánh tinh nghịch sau mắt kính nâu.
2. Một thoáng run đặt chân xuống miền đất sở hữu những giống nho đỏng đảnh để tinh chiết thứ vang, thứ cognac ngon nhất, đắt nhất thế giới, chưa ngơi làm tốn giấy bút, mực nho, sơn dầu của văn nhân tài tử ngợi ca lẫn nguyền rủa, nơi ám ảnh nỗi đau đáu tôi nợ Nội chai vang trắng một chiều ba mươi Tết…
Tôi biết phía sau mình, Chị đang dõi. Chẳng lẽ tôi chỉ là đứa trẻ lốp chốp trong hình hài gã đàn ông phong trần. Tự bao giờ niềm vui của tôi đã là niềm vui của Chị. Bước qua bờ hoa dại hàng rào, tôi bỗng nhớ viền hoa ven nương ngô phơi màu sơn nguyên Hà Giang cũng nức cánh ong bay. Tay vịn hai luống nho được giữ bởi hai sợi dây thép rùng rình buộc níu hàng cọc bê tông làm giàn đỡ cây. Thân nho đen sạm, quằn queo như bầy rồng đất đội đá mà vươn cao lút đầu, chiết ra từng chùm quả xanh mơ muôn con mắt ngây ngô, trắng phấn. Chùm tháo láo, chùm mơ màng nơi kẽ lá. Luống nho chạy ngược lên sườn đồi, kiệt tầm nhìn dưới mặt trời. Đất hoàng thổ nhạt gần màu gan gà lổn nhổn đá mảnh như kính ô tô vỡ mà ta thường thấy nơi công trường khai thác đá dăm bỏ hoang toát lên mùi vôi hả lâu ngày. Ấy là những vụn đá cung cấp lượng canxi phong hóa bung ra từ dãy núi cổ, cực kỳ bổ dưỡng với nho. Không tận chứng ngát ngàn nho đang sinh, tươi nhuần thì khó có thể tin mặt đất cằn khô nơi con người không dám đặt chân trần lại nở quả vàng. Dấu vết đỉnh núi cổ đại giờ là sống đồi tầm trung nhường chỗ rừng trồng giữ nước cho ruộng nho dưới thấp.
Gã nông phu râu ngô, cắn tẩu thuốc lệch, nhấn pê-đan quay đầu cỗ máy lênh khênh làm ta liên tưởng đến giống lai ghép giữa bọ ngựa và hươu cao cổ đang cày phá váng vun gốc nho. Dọc đường, mươi lần con quái vật kia lao xồng xộc trên sườn dốc chực đâm ngang đầu xe. Tôi suýt hét lên, thì gã nông phu tài tử đạp ngoắt phanh chui tọt vào luống nho, ngoái giơ tay chào.
Hai cha con chủ trại cởi trần nhào vữa, xếp đá xây lại đoạn tường rào đổ do cơn mưa đêm trước bên gốc cây sồi đơn lẻ. Kết cấu tường bao chẳng khác tường trình đất, tường xếp đá quanh nhà vườn vùng trung du miền Bắc Việt. Đá xây là thứ đá phấn phong hóa, xám, dạng mảnh, miết tay thấy những tinh thể mica lấm chấm nhũ bạc. Vườn nho của họ đươc bao tường đá chỉ mở một cửa ra vào, diện tích cũng không hơn mấy thửa ruộng khoán cấy rau màu ngoại thành Hà Nội.
Cũng là nho, sao ruộng thì tường đá bao, ruộng chỉ lưới thép chăng sơ? Nhã nhặn khen ruộng nho, Chị đem thắc mắc của tôi hỏi ông già bụng tono, ngấn cổ bụi đen nhờn. Lột đôi găng tay sũng vữa bùn, ném xuống đống đá, ông lão cười khà:
- Ranh giới giữa các ruộng nho vùng Bourgogne cho người ta biết thứ bậc của rượu. Điều này được mặc định từ nhiều thế kỷ trước. Hai ruộng nho cách chỉ một con đường nhỏ mà đặc tính thổ nhưỡng đã khác hẳn nhau nên chất lượng trái nho cũng khác một trời một vực. Ruộng nho trên đồi khác ruộng nho dưới chân đồi. Ruộng nho bên sườn nhiều nắng khác bên sườn ít nắng. Nên chẳng lạ khi hai ruộng nho liền kề mà ruộng này thì cho thứ nho để sản xuất rượu thượng hạng, còn ruộng kia chỉ là nho bình thường để sản xuất thứ rượu bình thường… Nho hay rượu thì cũng như người, đều có hạng nọ hạng kia. Chúa sinh như thế mà.
- Làm sao phân biệt ai là nhà cung cấp uy tín, ai bình thường thưa ông?
Ông lão nhún vai:
- Cách tốt nhất là tự ông bà phải nếm qua hàng ngàn chai rượu…nếu như không có những chủ trại như tôi hoặc những sommeliers de France như Benjamin Roffet hoặc cô Pascaline Lepeltier tư vấn. Kinh nghiệm đôi khi không thể xuất khẩu. Rất tiếc chúng tôi rắc rối với đoạn bờ rào, nếu không có thể mời ông bà ghé qua hầm rượu của tôi. Dù sao, ông bà chọn Beaune làm đích thăm là nhất rồi…
3. Cung đường lạ, chưa quen GPS với chỉ dẫn hỗ trợ trái khoáy bằng tiếng Tây Ban Nha, căng thẳng thấm mồ hôi trên gương mặt Chị. Từng dịch chuyển dưới đạn pháo không chỉ một lần trong các vùng nội chiến Bắc Phi, nhưng nẻo đường đến Beaune với Chị cũng chẳng dễ dàng. Đôi khi con đường yên bình lại chứa nhiều giông bão hơn con đường đạn lửa.
Dẫn lối theo đường tắt, GPS đã bỏ qua lâu dài Le Clos de Vougeot nổi danh từ thế kỷ XV bởi những dòng vang được các tu sĩ ở đây nắm bí quyết. Đành vậy, nó sẽ là điểm dừng khi trở về.
Chẳng biết Chị đang vui hay buồn. Ngay cả trong giấc mơ của giấc mơ, tôi cũng chưa dám mơ đồng hành cùng Chị nơi đất nước người một chiều sương khói. Niềm vui một đời, hạnh phúc một lần, có khi chỉ là một chuyến đi lặng lẽ vu vơ. Hạnh phúc là đường đã mở.
Con lộ lọt giữa thảm lúa mì, rón rén nép dưới hàng cây trắng toát vóng cao, vòng vèo rơi vào những ngôi làng cổ nghễu nghện ống khói và chú gà trống sắt ngửa cổ gáy trên nóc nhà. Sự bình yên, dịu dàng đến u sầu. Nhiều khoảng khắc, tôi ngỡ mình đang trôi bồng cùng đám mây xa. Có lúc con đường dường như sững lại trước bức tường đá nhà thờ ngẩn ngơ những giỏ hoa treo. Những ngôi làng cổ tích thiếp ngủ trong bùa chú của phù thủy. Không người già, không trẻ em, mọi cánh cửa đóng ỉm như đã mấy trăm năm!
Hình như GPS có vấn đề! Láng xe vào sân rải sỏi của một tu viện, Chị định cầu âu hỏi thăm. Vô ích, chẳng vân mồng bóng người. Ngước theo cây thánh giá trên đỉnh tháp, tôi thoáng thấy nụ cười giễu cợt và thương yêu của Chúa. Ra đường giơ tay vẫy hú họa. Mỏi mắt mới thấy chiếc xe công trình chở cát sỏi phóng ào như bão lốc. Nắng dưới tầm ngực. Cái mím môi của Chị như để xoa dịu tôi và tự trấn an mình. Chị lên xe nổ máy đành lại theo mũi tên chỉ đường và giọng nhắc ngọt nghẹt của GPS.
Bơ vơ giữa cánh đồng củ cải đường, vọt qua cây cầu sắt cổ han gỉ hẹp như thang cứu hỏa, khu rừng đen thẫm chờ trước mặt lù lù biển cảnh báo cẩn thận thú hoang băng ngang. Bóng tối bỗng sờ sẫm. Đèn xe tự động chiếu sáng. Tôi nhọ nhoạy trên ghế. Có thể lắm, đang lạc rừng! Không khéo phải nằm trong xe suốt đêm co quắp như con tôm đông lạnh hoặc ngủ đỗ đâu đó dưới tầng hầm của một tu viện rải rơm và gặm bánh nguội?
Cây rừng ngả nghiêng, tôi lo! Lo trong linh cảm tốt lành! Ở bên Chị đã là may, đã là niềm vui du hành bất tận trong yên lặng. Nếu có phải xuyên rừng gai sắc đẵng đẵng đêm cùng Chị thì lòng tôi đã sẵn. Chẳng cứ phải đến hầm rượu…
Bỗng chân trời rùng sáng. Chiếc xe khựng lại giây phút, Chị nhìn tôi. Triền đồi mênh mông hướng dướng là hướng dương đang nổi sóng muôn cánh hoa vàng chạy về đường chân trời nôn nao sắp ngạt thở. Dường như bao nhiêu nắng cuối hạ nước Pháp dồn tụ về đây thắp lên muôn ngọn đèn soi sáng cho mỗi vòng bánh xe quay.
Mi mắt líu ríu, tràn trề thị giác hướng dương, tôi những muốn gục xuống ấm mềm mà thiếp trôi trong mê lộ miên hoa không bao giờ tận.
4. Không hẳn là hầm rượu lớn nhất Beaune, nhưng Patriarche đặc biệt bởi hệ thống đường ngầm dài 5 km nối thông với các hầm rượu khác ở giữa lòng thành phố. Nép dưới bóng cây sồi lớn, khối nhà vàng nhạt rêu mốc, nặng nề nằm thụt sau khoảng sân rộng sỏi răm. Cửa sắt rèn nhãn bóng dấu tay, mở hé.
Tới Beaune đã 5 giờ chiều muộn. Cuối ngày mặt trời nồng tỏa nhiệt. Hầm rượu sẽ đóng cửa trong ba mươi phút nữa. Chị bỗng cuống như rằng nó sắp biến mất. Đã cất công đến tận đây rồi, chẳng lẽ….
Người đàn bà trung niên, nhợt béo nhũn và tàn nhang, trong sắc phục nhờ nhờ họa tiết hoa tím trên màu moutarde ngồi sau quầy bán vé và đồ lưu niệm xòe tay bưng miệng ngáp, ể oải trả lời:
- Mười ba euros mỗi vé.
Ngần ngừ, Chị lục túi rồi thập thò một chiếc thẻ xanh. Híc! Ô la la… tức thì vé đã giảm xuống còn 5 euros cho hai người.
Lối xuống hầm tối, nhòa bóng điện nhợt giữa đám mạng nhện đầy bụi gắn trên vòm trần hang, bậc đá lớn. Những dấu búa thợ thủ công đục sâu hút xuống lòng đất như không có điểm dừng. Mỗi bước lại một lần chợn rợn không biết có gì ở dưới đáy sâu kia, xuống rồi liệu có đường thoát lên mặt đất hay không.
Bước chân sững khi tới nền hầm, tôi chạm vào bờ vai Chị. Dịu dàng. Ánh sáng bỗng nhiều hơn. Vẩn những hạt li li. Mái vòm xây đá nâng bổng lên cao bởi những cây cột trụ lượn vát hình trứng ngược mở ra một khoảng không với những đường hầm tỏa lối. Mặt bàn tròn lớn, bày chiếc nến khổng lồ, chân là cả thùng tono gỗ sồi. Trong các khoảng lõm của các bức tường, phù điêu, tranh mô tả diễn trình làm rượu…Không khí thanh sạch mát lạnh thấm vào phổi. Cảm giác thoáng, nhưng thiếu gió, thiếu nắng khiến cho da thịt như bịt bọc thêm một lần quần áo.
Trước bốn năm ngả đường hầm chẳng biết rẽ ngả nào, tôi bất chợt níu tay Chị. Một tấm biển gắn trên tường hướng dẫn sơ đồ hầm. Nhờ nó Chị mới lọ mọ dẫn tôi đến được gian hầm bảo ôn những thùng gỗ sồi chứa nước nho ép chờ lên men rượu. Chúng tôi như hai chú chuột Mickey lọt thỏm giữa hai dãy thùng gỗ hình trứng có thể làm chậu tắm cho khổng long cao cổ, đặt nghiêng trên bệ đá, xếp liền nhau giữa khung sắt ghìm giữ bất động. Những thanh gỗ sồi nguyên thủy không sơn phết dày rộng như khổ ván dựng thuyền buồn, gia nhiệt uốn cong theo phom, được đai sắt bao từng khoanh. Mỗi một thùng gắn một tấm biển đồng, chữ khắc chìm ghi date sản xuất và những dữ liệu cần thiết.
Tiến sâu vào lòng đất, nhịp thở bỗng dội trở lại bên tai. Hương nước hoa của Chị ngọt đằm, như tín hiệu dẫn đường. Lẫm chẫm trong bóng sáng mờ ảo. Tỉnh trí thì trước mặt hiện một khoang hầm, hai bên vách được ngăn từng ô vuông dạng tổ ong, các chai rượu trần xếp tráo nhau vượt cao quá đầu.
Chai, thùng đặt nằm ngang để rượu thấm ướt nắp tránh không khí lọt qua. Ánh sáng, gió, mọi rung chuyển đều ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình ủ chín của rượu.Vì thế người ta phải khoét đá chui xuống âm ty trữ và cất rượu.
Hơn ba triệu chai lưu trữ trong hầm, nhưng tôi không thể biết là đã đi qua bao nhiêu chai, bao nhiêu thùng lớn nhỏ trong hệ thống đường hầm mạng nhện chằng chịt. Hết tầng hầm thứ nhất lại tụt cầu thang xuống tầng hầm thứ hai. Mê lộ. Khó có thể tính chính xác có bao nhiêu héctolitre trong mỗi hầm rượu. Người ta phân chia từng lô, từng năm theo hệ thống ký hiệu riêng. Đời ông sản xuất thì đời cháu bán. Người đời trước trách nhiệm lo cho người đời sau bằng chất lượng mỗi mùa nho, mỗi thùng tono rượu cụ thể. Đó không chỉ là truyền thống mà còn là qui chuẩn đạo đức và văn hóa…
Giờ thì tôi hiểu mỗi chai rượu Chị gửi qua cánh bay ngoài men rượu thăng hoa trong tinh cốt nước nho còn cả bao nhiêu là thời gian không thể đếm của đời người.
5.Trong không khí chát phai mùi rượu vừa mở nút, Chị bỗng giơ tay làm hiệu. Có tiếng người thở khẽ, tiếng ly pha lê tanh tanh như vọng từ âm ty địa phủ, tiếng chẹp miệng... Tiến lên mấy chục bước thì gặp khoang hầm khoét hình thúng, thấp một nhịp với đường hầm. Chính giữa chỉ kê chiếc bàn tròn. Lờ mờ, thấp cao lố nhố bóng người đứng vòng quanh. Trên bàn bày những chai rượu còn nguyên dấu bụi. Có chai đã mở. Nút bần còn dính chặt xoắn thép. Bóng đèn tròn vàng ảo chỉ đủ sáng hắt xuống mặt bàn. Bàn tay mập ú, bàn tay trắng ởn, bàn tay lông xoăn… như tay rối chậm chạp ghi chép vào các cuốn sổ tay bé xíu. Bí hiểm, trịnh trọng y như cuộc họp hội Tam điểm…
Chị thì thào, đó là các nhà buôn và chủ hầm đang thử rượu. Những chuyên gia đánh giá rượu lương tháng từ 4 đến 5 ngàn euros, chỉ bằng khứu giác làm xao động vòng sóng trong ly dậy hương và đầu lưỡi vừa chạm giọt vang chưa hết một giây lan tỏa, họ đã nhận biết loại vang ấy từ giống nho nào, thuộc vùng nào, trồng đất sét hay đất khô, năm đó nắng gắt, hay nắng dịu và nhiều gió hay ít gió… Kết quả đàm phám, hợp đồng có được ký kết hay không hoàn toàn phụ thuộc vào những lễ thử rượu này.
Phải xuống địa tầng hầm rượu nước Pháp mới rõ con người đã kỳ công nhường nào trong việc thỏa mãn nhu cầu say sưa của chính con người. Và cũng chẳng có nguồn lợi nhuận nào bền vững hơn nguồn lợi thu từ dịch vụ đó…
Tôi thoáng ngợp trước tiềm lực ngành rượu Pháp. Riêng người Pháp đã là cả một thế giới rượu, họ không cần ai cất rượu cho mình, nhưng thế giới sẽ không là thế giới nếu người Pháp không cất rượu.
Không thể lặn lội khắp hầm rượu Patriarche, bởi góc nào cũng vòm hầm, tường gạch, tường đá và dằng dặc những thùng những chai phủ bụi thiu ngủ trong ánh đèn mờ nhòa như mộ địa. Beaune có trăm hầm rượu lớn nhỏ. Dẫu dành cả năm để chui xuống đặt tay lên từng chai vang của từng hầm, thì kiến thức về rượu vang cũng chẳng gia tăng bao lăm. Một thế giới mà tôi chỉ có thể cảm nhận, không có khả năng thấu rõ những phần chìm trong bóng tối đường hầm. Nhưng chắc: phàm là những gì liên quan lợi nhuận thu từ đến lạc thú thì nó cũng mang đầy đủ sắc thái ái ố nộ hỉ như muôn mặt khác của con người…
6.Có lẽ mặt đất của Beaune thích hợp với tôi hơn. Đây đó tàn phai dấu tích thành đá, hào sâu thời La Mã. Những con phố, nhỏ hẹp, với những tòa nhà kết cấu khung gỗ sồi, xây gạch đỏ. Giỏ hoa. Giỏ hoa. Nối tiếp giỏ hoa lắt lẻo chênh vênh trên ban công, giữa mái nhà như là bướm bay.
Là trung tâm vùng rượu nho Bourgognes với vô số vườn nho hư truyền nên Beaune chứa hầm trữ rượu nho của nhiều danh tiếng. Du khách đủ màu da, sắc phục tùy hứng dắt díu, rầm rập bước chen đến Beaune để thỏa sức "nếm rượu nho" tại hầm. Các quán ăn, quán rượu luôn ồn áo kẻ dừng bước ăn trưa, ăn tối.
Chọn một quán rượu ngẫu nhiêu, Chị gọi chai Grand Cru. Tôi đê mê lớp đá lót vỉa hè lưu tồn từ thời trung cổ dưới đế giày đang rên than những ngôn từ lịch sử, tay xoắn qua lại hai chiếc mở nút chai làm bằng cội nho khô, nhưng vẫn kịp nhận ra là Chị đã xa xỉ ngoài dự kiến. Trước đây vài phút, Chị từ chối nếm những vang «của số đông» được mời nồng nhiệt dưới hầm. Thứ nhạt nhẽo nước tráng cốc rượu làm thánh lễ ấy! Vẻ cười bí hiểm, như muốn dành cho tôi bất ngờ.
- Vì chúng ta không đủ sức chứa mấy chục loại vang một lúc. Déguster* xong ngần ấy loại thì ngủ lịm trong hầm Patriarche đến mai!
Gã bồi bàn chemise đỏ, gilet trắng, quần đen láng từng milimet như vừa chui ra khỏi tiệm dưỡng dung, bàn tay đỡ nhau trước ngực, nhã nhặn cúi hỏi:
- Có thật bà muốn mang chai Grand Cru ra ngoài vỉa hè nhà hàng?
- Vâng, nếu đây là một ngoại lệ… để có chút lãng mạn ngắm đường phố buổi chiều…
Sắc chemise hắt lên hay là huyết tố trong người dâng trào khiến gã bồi ngẩn ngơ ngắm khách rồi đáp vội:
- Dạ, dĩ nhiên là được chứ…dĩ nhiên ý bà không tệ…
Chai Grand Cru kiêu hãnh, nghiêm lạnh chờ giữa bàn. Bánh mì vuông nâu sậm phủ bột áo mỏng như sương xếp giỏ đợi món thăn bò tái sốt moutarde truyền thống đang thực thi phía trong bếp. Ngắm mái nhà "Hospices de Beaune», nguyên kiến trúc tiêu biểu thế kỷ XV, kết cấu khung rầm gỗ, mái ngói men màu, Chị tư lự:
- Đa phần các gia đình người Pháp, mỗi khi tới nơi ở mới, vừa ổn định, việc đầu tiên họ nghĩ đến là một nơi giữ rượu. Xây một gian hầm hoặc mua những cốp đựng. Người ta nói người Pháp tích trữ bảo quản rượu giống cách người Trung hoa giấu người tình: để có thêm tự tin vào bản thân khi ngắm nghía và thụ hưởng trong bí mật… Thân phận cây nho trong nội chiến Tây Ban Nha từng bị nhổ để trồng lúa mì. Kinh Thánh nhắc đến rượu vang hơn năm trăm lẻ một lần… Rượu vang không thể thiếu trong các buổi hành lễ của Nhà thờ Công giáo. Mới thấy rượu với người liền như duyên phận…
Chơi với Đỗ Phấn, tôi được nới rộng hiểu về rượu vang nhưng tiếc là đã không cặn vặn thêm những lần tiếp kiến ông anh bên ly rượu vang.
Gã bồi trở lại, nhã nhặn thưa có thể khui rượu được chưa. Chị mỉm cười, nhắc tôi cùng ngắt sóng điện thoại. Chai rượu trong tấm khăn bông khô dày được đưa lại cho Chị kiểm tra lần cuối. Không cầm chai rượu, nhưng Chị nghé mắt chăm chú nhãn hiệu, năm ra lò… và khẽ gật.
Gã bồi khéo léo cắt vỏ bao nút chai, thận trọng lau sạch miệng chai một lần nữa, dùng chiếc ruột gà, chuôi gốc nho sơn vec-ni xoáy tròn theo chiều kim đồng hồ vào tâm nút bần cho tới gần bước xoắn cuối cùng. Gã lắc cổ tay, nút bần chồi lên khỏi miệng chai chừng một phần ba ngón tay và tiếp tục xoáy cho đến khi vòng xoắn cuối cùng ngập lút nút bần. Nín thở, gã từ từ kéo nút lên, nhón nút bần ra nhẹ nhàng…
Hơi ngạc nhiên, tôi thấy Chị đỡ lấy chiếc nút bần, lăn nó trên lòng tay hồng hồng. Chiếc nút căng đầy, không nứt, không khô quắt queo. Một chiếc nút bần đẹp của chai vang danh giá. Chị ra hiệu rót rượu.
Gã bồi kẹp hai chiếc ly Riedel rót vừa đủ cho một sự sành điệu mà người Pháp thể hiện, rồi lùi lại phía sau. Màu đỏ thẫm dội lên ánh tía sóng sánh tinh khiết trong lành như ánh của bình minh tím.
Nhón tay cầm chân ly tựa nhành bông tulipe, cử chỉ Chị thành kính như cầm cây nến lễ bất động sắp dâng lên bàn thờ Chúa. Một giây, hai giây đếm nhịp cánh hoa rơi từ giỏ hoa. Hơi nghiêng mặt, cánh mũi thanh tú chạm gờ miệng ly, nhịp thở nuốt chậm một làn hơi rượu vừa tràn xuống khoang miệng ly với bao dò xét. Lại một giây, hai giây đủ cho cánh hoa bướm rớt xuống bàn. Hơi thở dịu của Chị lay mặt ly vang phẳng căng nổi lăn tăn vân sóng. Hương rượu ngủ đã được đánh thức bằng hơi thở ấm...
Chị bắt đầu dè dặt xoay chân ly, đầu giữ nghiêm, khe khẽ thưởng làn hơi vừa bừng thức. Rồi chao nhẹ cho rượu loang sắc dưới hai phần ba thân ly ngưỡng cho phép. Đợi hương vị rượu thấm khứu giác la đà xâm chiếm vị giác một khoảng khắc thì Chị mới nhấp ngụm nhỏ. Tiếp nữa một chạm môi.
Một cái gật đầu, nụ cười sáng gương mặt. Gã bồi thả lỏng, trịnh trọng gạn rượu vào chiếc bình Bohemia hoa văn mài chìm. Rượu sẽ thở và cặn sẽ lắng yên dưới đáy pha-lê. Dưới ánh sáng đã thuộc về thời khắc đêm ở Beaune mà mặt trời vẫn rọi, chiếc bình rượu hắt muôn chùm tia sáng của kim cương tím.
Chút bánh mì lơ đãng giữa những ngón tay bâng quơ. Trong mắt Chị, chấm sáng loang một sắc biếc trầm xa. Hun hút. Hình như bầu trời Beaune những ngôi sao một hôm thưa mọc. Hình như gió vuốt ve muôn sắc. Hình như Chị thở dài…
Má thắm thêm sắc. Môi trầm thêm tím. Sao Chị chỉ nhìn thôi. Gió cuốn cờ Thánh trên đỉnh giáo đường thành Beaune quằn quại.
Chầm chậm tôi nâng ly lên môi. Hương hợp thành xa lạ như dưa tây mà cũng có thể là đào, nhấp môi thì vị chát dâng như đang trong rừng sồi nhiều gió, sau là vị ngọt chua dấm dứt…ngọt ngọt tê và hương dưa tây lại luân hồi…
Sau này vào một khoảng lặng tôi có hỏi, Chị bảo đấy là hương tanin có từ xác quả nho kết với nhựa gỗ sồi đóng thùng rượu mà nên. Hương vị càng ngân nga, kéo dài trong miệng thì đó loại rượu thành công.
- Rượu đắt nhất ở Beaune có giá là bao nhiêu ?
Tôi hỏi gã bồi khi bữa ăn đã gần kết. Gã đặt tay lên ngực, liếc Chị của tôi rồi tưng tửng đáp:
- Không có loại rượu đắt nhất mà chỉ có chai rượu đắt nhất. Khó có thể nói chính xác nhưng nếu là chai Romanée Conti làm từ nho Pinot Noir, là loại nho đỏng đảnh, quý phái, đặc hữu của Bourgogne dao động từ 2500 euros đến gần 8000 euros. Nhưng cũng nói thêm để ông hay, rằng rượu vang ông đang thưởng thức đây được tín đồ của vang giáo tôn vinh là thanh nhã có đẳng…
- Nước Pháp có bao nhiêu loại vang?
- Bao nhiêu giống nho thì bấy nhiêu nhãn vang…
7.Tôi ngơ ngác trong rượu vang và cả thế giới này. Ngơ ngác cả nơi hầm rượu, Chị lặng lặng dẫn lối, chốc lại ngoái lại đứng chờ tôi ngơ ngác nhìn quanh. Tôi đã là kẻ say khi chưa kịp uống cạn ly của mình. Đời người để say theo đúng nghĩa đã mấy ai. Tiền nhân Việt tẩm chữ trong rượu lưu danh cũng chỉ đếm đầu ngón tay: Nguyễn Du, Cáo Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính…
Cơn say nửa tiếng, cơn say một ngày, cơn say ngân nga một đời. Ai cũng sợ say, nhưng mấy ai cưỡng lại được sự ma mị của rượu. Mỗi vùng đất, mỗi người đều có thứ rượu riêng như một giá trị tinh thần… Và rượu Pháp, không chỉ người Việt mà còn với kẻ mê chơi rượu vang ở bất cứ đâu trên thế giới thì những cái tên Bourgogne hay Bordeaux còn là một giá trị văn hóa, dù bây giờ đã thêm vô số từ Úc, Mỹ, Tây Ban Nha, Chile, Ý thì dưới đáy điên đảo cơn say họ vẫn chung tình với niềm yêu vang Pháp.
Chiều ba mươi Tết xa mịt mờ, Nội trịnh trọng mang chai vang trắng ngâm lạnh dưới đáy giếng khơi, được người bạn cùng học định cư ở Pháp gửi biếu qua hai lần cửa ải và sáu tháng tàu biển. Tôi lanh chanh đòi xem. Nội để thằng cháu đích tôn cầm chai rượu ướt lạnh. Và tôi đã vuột tay để chai rượu giộng đáy xuống nền gạch. Chai rượu vẫn đứng nguyên, tưởng vỡ mà lại không thấy vỡ… Nội túm cổ chai nhấc lên…thì rượu mới òa dưới đáy, phần đế chai tròn xoe nằm lại như vừa bị lưỡi kim cương cắt rời. Mấy mươi năm, ký ức thính giác tôi vẫn bị âm thanh rơi vỡ của chai vang dội ngực.
Tôi đứng dậy, nhưng sao đường phố và hoa và người ở Beaune bỗng nhiên lộn ngược. Chị ơi! Lảo đảo. Chai chưa cạn, sao tôi say, Chị nhỉ? Đàn ông lúc nào cũng tỉnh liệu có là đàn ông tốt? Đàn ông lúc nào cũng say có phải đàn ông hay? Ừ, nếu có thể sau này tôi chết, Chị nhớ về tưới rượu xuống đất đã là vui…
Dù số phận mỉm cười, đã chìa tay nắm, nhưng Nội đã từ chối cả nghìn lần chai vang, từ chối những buổi chiều bên sông Seine để làm người thợ sửa đồng hồ và đóng cối xay miền trung du chuyên nghề sơn nhựa. Nếu không, thì bàn chân tôi giờ cũng có thể trùng lên dấu bước của Nội ở nơi này.
Ba năm sau, Nội vẫn không có thêm chai vang nào nữa. Tôi đi lính, thì ở quê Nội mất. Chai vang vỡ, Nội bảo được cất từ giống nho Chardonnay của vùng Bourgogne có khả năng thẩm thụ hương gỗ sồi nhiều nhất, thứ hương có vị bơ, mùi khoáng chất và mùi đá lửa hoặc là của cánh đồng cày ải nồng mùi lông ngựa…
Tôi đã cười ngơ ngơ.
Thưa Chị! Ấy là chai vang cuối cùng của Nội. Đã mấy lần tôi định kể, nhưng cứ lãng đi. Vậy mà đến tận bây giờ tôi mới có dịp, chẳng biết Chị có còn trông ngóng? Có nhớ cố hương những ngày vườn thường xanh?
Ly đẹp đã nâng loáng cơn say lạc xứ. Chén quỳnh tương thượng du sông Thao còn chờ nắng màu Thu rượu cẩn. Đợi Chị về tưới rượu bến sông…
Gặp rượu ngon đã khó, huống chi là rượu quý. Nhưng tìm được người xứng với người, xứng với rượu lại là định phận tùy duyên. Dẫu có ngụp lặn trong hầm rượu Bourgogne, dẫu ngập chìm muôn mê lộ hoa nước Pháp mà không có giai sắc như Chị, thì mỗi bước lãng du của tôi nào mấy nghĩa gì. Thưa Chị.
N.T.T.K - Beaune, Tháng 7 năm 2012.
* Nếm rượu.