CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Ký sự

TAY ĐAN SÓNG NẮNG VENEZIA - KỲ II

Thứ sáu ngày 20 tháng 12 năm 2013 12:00 AM

4.  Nếu La Victorine năm trước là gác áp mái  đậm dấu thiếu phụ Pháp thì căn phòng ông Salvy dành riêng tôi đặc trưng của quý ông nước Ý. Nó chiếm hai phần ba tầng nhà, rộng năm mươi mét vuông. Thảm nâu. Tủ tiệp với tường nhà màu ghi xám chia đôi công năng nửa ngủ - làm việc, nửa phòng tắm - thư giãn. Bệ vệ với giường lớn, bàn làm việc bày sẵn tư liệu về Venezia. Gương lớn choán tường. Khăn tắm dày mượt. Ghế cứng, ghế mềm. Vô số hộp dầu xức. Một cấu trúc mang thông điệp hài hòa giữa một không gian sống tôn vinh giá trị con người.

Chủ nhà gõ cửa từng phòng trao bì thư, lịch trình các chuyến vaporetto, các nhà hàng có thể ghé mà không sợ bị chém chặt, các địa điểm cần tham quan và giấy đăng ký các món bữa sáng cho hôm sau .

Khoa học và tỉ mỉ đến mức yêu cầu khách đăng ký các món ăn sáng đã được định vị khoanh vùng trong sáu món. Nhất là với món trứng nhúng, khách cần phải điền vào mục ngâm nước sôi đếm chính xác từng phút. Cách của ông tham tán văn hóa cũng không tệ. Cầu kỳ vượt xa thói quen tùy hứng. Một sự chu đáo khiến tôi phải ái ngại.

Vòng vèo Hà Nội - Paris - Vienne tới Venezia chẳng lẽ lại lần lữa trước những gondola óng ả nắng mật ong và rờn xanh gió biển Adriatic ngoài cửa. Đi ngõ này hay kênh kia với tôi đều mới mẻ. Mỗi bước chân trên mặt đất hay mỗi mái chèo khỏa nước đều là thám hiểm Venezia lắng nghe bậc cảm xúc bản thân.

Người đang yêu thì gọi Venezia là thành phố tình yêu theo nguyên nghĩa. Người thích kịch nghệ thì gọi là thành phố mặt nạ. Người yêu kiến trúc gọi thành phố nổi, thành phố của những cây cầu, thành phố kênh rạch, thành phố ngõ, thành phố hoa trúc đào…Chúng tôi cũng gọi riêng Venezia của mình bằng cái tên chưa ai từng gọi.

 

Tôi hít căng gió mới. Tóc Chị bay mê sáng nụ cười. Mặt nước vỡ loang muôn mảnh sóng bạc dưới mặt trời. Nhởn nhơ qua lại bầy gondola đen nhóng, ghế ngồi bọc nhung huyết dụ tua vàng, dù lộng lẫy như sắp chờ hoàng đế ngự giá tuần du. Chuông nhà thờ Santa Maria della Salute nhô vươn bán đảo bên kia Kênh Lớn rùng rình trầm rung. Chim bồ câu bay túa nóc giáo đường. Ngoài cửa vịnh con tàu du hành trắng lừng lững nhích vào kênh. Bên bờ kè,  cờ Anh, cờ Mỹ, cờ Pháp bay phờ phật trên nóc du thuyền bóng nhẫy vừa cập bến như bầy cá voi ghếch đầu nằm thở. Lố nhố, đầu đen, đầu hung, đầu vàng, lớp nối lớp xô cuộn bên bờ vịnh.

 

Vừa đúng chuyến vaporetto chuẩn bị sang bờ bên. Với chiếc vé mua suốt hành trình, xuống tàu quên quẹt máy kiểm tra tự động mà chúng tôi chẳng bị ai căn vặn. Những ngày rong ruổi vaporetto chúng tôi không hề gặp nhân viên kiểm tra vé. Tôn trọng tinh thần tự giác của du khách chăng? Phải đến hôm rời Venezia ra sân bay Marco Polo tôi mới thấm cách làm tiền của người Ý.

Bản đồ trên tay, Chị chỉ huy cuộc hành thám, còn tôi trong vai sĩ quan tùy tùng luôn bám sau vài bước hoặc có lúc thành trợ lý lăng xăng chạy trước nhó nhoáy bấm ảnh. Từng đến Venezia nhưng chỉ cho công vụ, có lẽ quen với xe đưa thuyền rước nên khi bị thả vào khu phố cổ Chị cũng không phải là người dìu dắt lý tưởng cho lắm. Không mò ra đường, chỉ huy bỗng dưng cạu cọ, quở trợ lý ỉ lại, thiếu chủ động như muôn nữ lãnh đạo trên đời.

 

Quầy tạp hóa ẩn dưới bóng bồn cây và vồng hoa trắng nuốt. Thứ hoa giống hoa trà trắng, ẻo lả và ở dạng khóm bụi. Ông chủ sạm nắng có khuôn mặt Di-gan, mắt thao láo, đứng khoanh tay bên chiếc tháp tầng bày bán nước quả đóng chai và những miếng cùi dừa bổ miếng to. Người Ý ăn cùi dừa sống bằng cách dùng một vòi sen làm từ vỏ sừng của trái dừa luôn tưới nước đều từ đỉnh tháp xuống những mâm khay cùi dừa bên dưới. Cùi dừa tươi ngon đến nỗi, tôi nhấp nhứ muốn moi ngay vài euros lẻ để mua. Nhưng khi nhớ ở nhà cùi dừa chỉ dùng để ép dầu, làm mứt và giã vắt nước cốt làm phụ liệu thực phẩm thì tự nhiên tôi mất hứng.

Hầu như mỗi dinh thự cổ, mỗi nhà thờ cũ đều ắp dư quang níu bước du khách. Gallerie Dell’Accademia - tòa nhà hai tầng ốp đá trắng có cảm giác đồ sộ bằng tòa nhà sáu tầng hiện đại, chắn sững đầu lối ngõ, tấp nập khách vào cửa. Tôi hào hứng muốn ghé thăm, nhưng lại bị Chị kéo buột đi. Nếu sa đà vào các bảo tàng, các gallerie ở Vennezia thì không biết khi nào mới có thể kết thúc chuyến đi.

 

Tiếc, tôi tần ngần đứng ngoài tường kính chụp kiểu ảnh ghi dấu. Chị đang bối rối đối chiếu bản đồ trước hệ thống kênh rạch và ngõ, đan xen và liên kết với nhau bởi những cây cầu. Tất cả hao hao giông giống nhau. Có khi là con ngõ hút dưới hai dãy tường gạch vút lên với khoảng trời trên đầu hẹp như bàn tay đặt nghiêng. Quanh co một hồi lại dẫn ra lạch nước thanh mảnh đủ lọt chiếc gondola. Có khi là một cây cầu đón lối sang ngang nếu hông hai khối nhà làm tường chạy dọc mép nước. Mà cũng có thể là một lối lát đá song song một dòng kênh nhỡ để chiếc vaporetto đủ xoay chiều.

Nữ chỉ huy bỗng reo lên chỉ vào một cửa hàng. Tôi hoa mắt trước những chiếc mặt nạ lấp lánh sắc màu và trang kim, linh hồn của lễ hội hóa trang Venezia.  Bước vào cửa hàng, chúng tôi xin phép được ngắm và… chụp ảnh suông thôi vì  rằng không biết mua mặt nạ về để làm gì, chẳng có lễ hội nào ở quê nhà có thể đeo chúng. Không ngờ ông chủ đầu nuột như trái bóng bàn mới dễ dàng chấp thuận và cho phép dùng tạm mặt nạ làm đạo cụ chụp ảnh. Ông còn sốt sắng cho hay mới tháng trước đúng ngày này diễn ra ngày Việt Nam ở Venezia và chỉ cho tôi tấm bích chương cô gái Việt trang phục Hoàng tộc ngay trước cửa quán.


Chị bỗng thành con trẻ, dung dăng ướm mấy chiếc mặt nạ miêu nữ, tạo dáng. Nào gương mặt thiên thần, mặt ác quỷ, mặt hình chiếc lá phong, mặt hề, mặt người Mo, thần biển…Tôi ngồi trên chiếc sopha trắng êm phụp như mây cứ như là chủ nhân đang chờ bán những chiếc mặt nạ treo la liệt trên tường và lửng lơ dưới trần nhà.

Bauta là mặt nạ phổ biến nhất ở Venezia. Từ Bauta dùng để chỉ kiểu mặt nạ  chứ không có ý nghĩa gì khác. Nói là mặt nạ nhưng thực ra là cả một bộ gồm một áo choàng đen gọi là tabaro, một mũ vành ba múi đội lên đầu trên áo choàng đen và một mặt nạ trắng nhợt như mặt hồn ma gọi là Larva. Mặt nạ này với hình dạng của nó còn làm biến giọng nói khác đi với ngày thường. Vì vậy Bauta là một trong những mặt nạ  khiến để người đeo thành vô danh hoàn thiện nhất. Chẳng thể nhận dạng ra người dưới áo choàng đó là ai, đàn ông hay đàn bà, người giàu có hay kẻ bần nông.

Moretta có nghĩa là cô gái da đen. Mặt nạ màu đen và dành riêng cho phụ nữ, đặc biệt vì phía bên trong có gắn chiếc cúc và người đeo phải cắn răng giữ lấy cúc để khỏi bị rơi. Người phụ nữ đeo mặt nạ này không được nói  nên thường mê hoặc phái mày râu bởi sự im lặng bí hiểm của nàng. Đây chính là xuất xứ tại sao lại mặt nạ còn có tên servetta muta có nghĩa là cô hầu câm.

 

Nghệ nhân tạc khuôn bằng thạch cao, sau đó lót những lớp giấy đặc biệt, trắng hoặc màu, quết hồ, chờ khô để lấy ra khỏi khuôn và bắt đầu vẽ trang trí. Một chiếc mặt nạ được làm tỉ mỉ tốn hàng giờ, sau đó cần phải chà cho cũ, hoặc quét những lớp sơn màu vàng nâu xỉn rồi mới quét sơn nền và họa tiết, thêm chất liệu  trang trí khác như vải, lông chim, đá quý, vàng lá…Có những chiếc mặt nạ thực sự là một tác phẩm nghệ thuật, chỉ dành cho các nhà sưu tập chứ không đeo trong lễ hội và tất nhiên cũng giá đặc biệt. Ra đời từ thời Phục hưng, lễ hội hóa trang Venezia hàng năm đã đưa người ta thoát ra khỏi luật lệ, phong tục tập quán cùng cái nhàm chán để ẩn mình vào những lễ phục khác thường. Nghệ nhân làm mặt nạ giữ vị trí riêng được xã hội tôn trọng với những phường hội và luật lệ riêng của họ.

 

Lưu luyến từ biệt ông chủ cửa hàng mặt nạ, tiến mấy chục bước đường bờ kênh chúng tôi đứng trước màn dây trường xuân. Một ngách cửa xuyên tường khiêu khích tò mò dẫn vào khu vườn trùm bóng cây cổ không bóng người. Một bình cứu hỏa và la liệt thùng carton đã sử dụng, được khoét những ô vuông, ô tròn chất đống lên nhau, ngả nghiêng như những khối nhà vặn vẹo sắp đổ sụp dưới gốc cây. Càng đi sâu vào khu vườn thì càng bừa bộn khối hộp carton. Giữa con đường hầm, xuất hiện một chiếc bàn và cuốn sổ mở sẵn đặt cây bút. Hai cô gái và ba người đàn ông đứng tuổi từ đâu tiến đến đề nghị chúng tôi tự lấy một thùng cacton cầm kéo khoét những ô vuông hay tròn tùy ý và ký tên mình lên rồi chồng tiếp vào dãy hộp trong vườn. Thì ra chúng tôi đang đứng giữa hiện trường nghệ thuật sắp đặt của một nghệ sĩ từ Ai cập đến. Là một trong những cái nôi của mĩ thuật cổ điển, Venezia vẫn có sức hút riêng khó cưỡng với người trẻ. Những chiếc thùng carton, chính là thông điệp câm nín về những khối nhà ngả nghiêng sắp sụp! Hãy cứu những công trình kiến trúc và mỗi căn hộ lửng lơ áp mái của Venezia đang dần chìm xuống nước.

 

Người ta có thể cứu được một số phận đang ngạt nước, nhưng một thành phố, một quốc gia đang đi đến chu kỳ cuối của suy tàn thì thứ ngôn ngữ nghệ thuật câm nín kia liệu có cứu được không? Đã qua chưa, Venezia thuở vàng son? 

5. Đến Venezia không ngồi gondola cũng chẳng hề gì, nhưng chưa lướt gót trên những phiến đá lát quảng trường San Marco, chưa rợn ngợp trong ánh vàng huyền ảo  của ngôi nhà thờ San Marco xa hoa và tinh xảo thì không thể nói là đã đến Venezia. Venezia thiếu quảng trường San Marco thì chẳng còn là Venezia nữa. Và quảng trường San Marco mà không có nhà thờ San Marco thì coi như đã bị mất  linh hồn.

Góc quảng trường nơi bóng nắng chiều che mát, dàn nhạc chơi bản concerto dành cho vĩ cầm Le Quattro stagionio (Bốn mùa) của Antonio Lucio Vivaldi (1678-1741) – nhạc sĩ tài danh con trai nghệ sĩ vĩ cầm của chính nhà thờ San Marco. Khán giả  uống bia, café quanh những chiếc bàn ghế nhỏ thẽ thọt trao chuyện, hạn chế tối đa va chạm thìa nĩa, đĩa cốc. Họ là khách của quán café Florian, bỏ mặc gương trong khung vàng, ghế sofa nhung, đèn chùm pha lê tinh tế và những bức tranh cổ giữa những bức tường, nhao ra ngồi tràn dưới trời lộng gió. Một mình bước vào gian phòng trống người, tôi bỗng thấy mình bé nhỏ rồi lại thấy mình lớn lao trong sự kỳ quặc hơn bao giờ khi biết đây là quán café từ năm 1720. Đây đó là chỗ ngồi của Goethe, Honoré de Balzac, Lord Byron, Giacomo Casanova, Charles Dickens, Richard Wagner, Thomas Mann và Jean Cocteau…

 

Người lòng vòng luẩn quẩn loanh quanh từ các ngõ ngách túa ra chụp ảnh nhìn ngắm rồi lại tản mác vào các ngõ ngách chìm sâu trong những khối nhà gạch đá mòn lũa la liệt các cửa hàng mua sắm và ăn nhậu. Chim bồ câu  nhao xuống mổ vụn bánh mì như cơn bão đen quẩn trên đầu. Không biết chim bồ câu đông hơn hay du khách đông hơn.

 

Bên dưới con sư tử có cánh, người nối người chờ đến lượt trèo lên chụp ảnh. Mấy trăm phát minh ra máy ảnh góp phần đẩy không ít công trình kiến trúc bị tàn phá nhanh hơn do con người muốn gắn hình ảnh của mình bên chúng. Bệ đá đỡ con sư tử biểu tượng San Marco, một bên đã bị dấu chân hành hương mài lõm…Cảm giác nghẹt thở run rẩy thán phục khi tôi đứng dưới mái vòm cao chín mươi chín mét và chồi lên cơn say choáng trước vàng son chói lộng mà con người có thể tạo nên dưới trần thế để giãi bày niềm tin yêu Thượng đế. Một rừng hai ngàn sáu trăm cột thì đã năm trăm cột đá cẩm thạch, thạch anh, serpentine và thạch cao tuyết hoa dùng trang điểm cho bên trong và bên ngoài nhà thờ. Mỗi cuộc Thập tự chinh, người Venezia lại tha lôi về cột đá quý tô điểm cho nhà thờ. Các tấm tranh khảm kính mạ vàng từ thế kỷ XII nếu diện tích cộng dồn chẳng kém một sân bóng đá. Bộ tranh khảm lớn nhất châu Âu mô tả các đề tài trong kinh Cựu Ước và Tân Ước. Vì thế mà người ta gọi nhà thờ San Marco là nhà thờ Vàng.

  

Điểm nhấn trước sảnh nhà thờ là bộ tứ mã duy nhất còn lại từ thời  Cổ đại. Sau hai ngàn năm trầm thăng mắt chúng như vẫn phóng ra xung lực, vó tung lên chiếm lĩnh khoảng không kéo mặt đất lùi lại. Các cơ bắp sắp nổ tung và mạch máu căng phồng đã tới ngưỡng nứt vỡ. Với các văn bản lưu tồn nên người ta vẫn chưa thôi tranh cãi nơi đặt xưởng đúc chúng :  Hy Lạp, Roma, hay Alexandria?

Chẳng biết chúng tôi đã lấy đâu sức lực đi quanh một vòng San Marco chang nắng trong lúc gần như kiệt sức vì đói mệt. Du khách đều cảm giác đây có thể là lần đầu tiên và cũng là lần cuối. Hãy đến đây để thánh Marco ban phước. Buồn vui, phận người cách xa mấy biết ngày mai. Đến như nhà hát Phượng Hoàng (Teatro La Fenice) bị chính người thợ điện của nó đốt cháy hay như cột tháp chuông gạch đỏ hình con nêm lao vút trời cũng từng gẫy đổ trong cơn địa chấn. Giờ chúng đã hồi sinh trong diện mạo xưa nhưng tất cả cứ sáng choang và gượng gạo vô duyên với cảnh vật xung quanh.

Thời gian dửng dưng giáng xuống thân con sư tử già mang đầy thương tổn do thời thế, mình rệu rã, bù xù ghẻ lở. Vết thương cũ chưa kịp lành đã chịu thêm vết thương mới. Nhưng niềm kiêu hãnh sư tử, Venezia vẫn cứ gầm gừ xoay xỏa kéo dài cơn hấp hối…Sự cao ngạo Cộng hòa Venezia sẽ không bao giờ trở lại, Chúa ban ân huệ cho nơi đây cũng hơi quá tay. Chẳng có lý gì của cải cả thế giới lại tiếp tục đổ về đây tẩm liệm thêm vàng bạc cho các đền đài, cung điện trong khi những đứa trẻ châu Phi vẫn bắt cả ruồi ăn giữa sa mạc, những đứa trẻ sơn nguyên Hà Giang trán hằn sẹo bước chân trần trên gai đá tai mèo vè ăn mèn mèn mốc….

Người phục vụ quần đen chemise trắng ngửa bàn tay vuông góc đỡ những chiếc khay bạc, chạy đi chạy giữa những chiếc bàn gỗ dái ngựa ba trăm năm tuổi để mang đồ ăn ra ngoài sân. 

Tha hồ chọn bàn, gọi đồ uống. Café Florian nổi tiếng đâu kém café Le Procope ở Paris mà lại không phải chờ chỗ cả tuần. Tội gì không hưởng. Tuy nhiên đã hưởng thụ thì không rẻ. Một chocolate nóng 10 euros. Một trà chanh 9 euros. Cộng thêm âm nhạc Vivaldi 6 euros. Người bồi bàn nhã nhặn:

- Rượu vang và rượu sâm banh cũng  sẵn, hoàn hảo cho một bữa ăn nhẹ nhìn ra quảng trường... 

Tôi giật mình bừng tỉnh nhìn ra quảng trường. Chị bế đứa trẻ Bắc Phi, đặt lên vai công kênh cười đùa với nó giữa không gian chen chúc những người và chim bồ câu. Mấy người Libya da sẫm đẫm mồ hôi đẩy những chiếc xe hàng rong. Từng chồng mũ lưới che nắng, túi, quần áo in đủ loại nhãn mác danh tiếng, móc dây đeo chìa khóa dật dờ giữa dòng người nhấp nhô. Đám thanh niên da đen nhem nhúa gồng lên ném bịch con giống nhựa dẻo xuống đất bẹp lép như miếng dán để sau một vài giây con giống lại lẩy bẩy trỗi dậy trở về hình dáng ban đầu... 

(Còn tiếp)

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook