1. Nếu Paris là bộ cánh sặc sỡ của con gà trống thì Dijon chỉ là một chiếc lông đuôi của bộ cánh ấy. Nhưng trước chiếc lông vũ ánh xạ sắc màu người ta vẫn hình dung ra được cả con gà trống. Dijon là hình ảnh thu nhỏ của Paris và nước Pháp.
Dijon đứng trên triền đồi đá vôi phong hóa miền Đông Nam nước Pháp, đá là vật liệu hồn cốt của “thành phố Nghệ thuật và Lịch sử”. Di tích thời La Mã đan xen với kiến trúc Trung Đại nhưng vẫn hài hòa phong cách Phục Hưng hay Gothique của các dinh thự, các tòa giáo đường cùng lúc tấu lên khúc ca rêu mốc thời gian bất tử. Người ta khai thác mỏ đá ngầm để tránh đào bới, phá vỡ diện mạo cảnh quan đặc sắc của những cánh đồng nho. Nước Pháp, các đô thành chất ngất đá cổ, nhưng hầu như mặt đất không mấy hằn dấu vết tàn phá của công trường xẻ núi. Dường như các công trình kiến trúc được con người gieo trồng và đã tự mọc lên như các chồi cây.
Dưới tán dù vuông trắng, ghế tựa sợi nhựa tổng hợp giả mây đan của quán ăn, tôi và Chị ngồi hướng ra thênh thang nắng. Một khoảng lặng ngấm thấm những nén chứa tổng kết và quan sát. Mọi quán nhô ra vỉa hè, đâu đâu cũng một loại ghế tương tự. Khác chăng là màu sắc. Chiếc bàn đầu của dãy quán che dù vuông nối nhau tăm tắp viền theo vòng cung quảng trường Libération. Dãy phố bao quanh quảng trường thiết kế như một vòng thành La Mã. Tầng trệt là cửa hiệu, tầng gác là công sở, nhà băng và các công ty lớn. Đến được đây, Chị đã phải lái xe vòng vèo nửa tiếng đồng hồ giữa những lối phố hẹp như đường hầm tìm bãi đỗ xe dưới tầng ngầm siêu thị.
Thảnh thơi xứ lạ, tâm hồn bỗng phô bày những cung bậc bâng khuâng. Café đen kiểu Pháp rót trong ly sứ trắng nhỏ như trái trứng gà ri trông đặc sánh nhưng hàm lượng cafeine chẳng bao lăm. Chủ yếu là bơ và váng kem. Đĩa, ly nóng, sạch tinh như vừa mang ra khỏi lò nung. Cùng xanh nhưng màu xanh trời xứ Bourgogne tưởng có thể đứng trên nóc nhà thờ Đức Bà kiễng chân là với tới. Còn ánh xanh mắt thiếu nữ tóc vàng bất chợt chạm vào ta thì thăm thẳm đến ngột ngạt. Ánh mắt hiếm hoi thuần chất Pháp ta ít thấy ngoài đời.
Đường phố Paris hay Dijon chen chúc nhuôm nhoam sắc dân Á-Phi ào ào sải bước. Họ là dân du lịch và cũng có thể là công dân Pháp xuất xứ từ các cựu thuộc địa. Đâu cũng biển cấm còi. Lái xe Pháp chẳng thích bóp còi. Bù lại thì lái xe của các nhà chức trách luôn luôn rú còi hụ bất kể lúc nào. Không cứu thương cứu hỏa thì quan chức công vụ. Người đi bộ chốc lại giật thột, nảy người ngoái lại đằng sau.
Lâu đài Công tước vùng Bourgogne - Tòa thị chính Dijon èo uột lá cờ thiếu gió. Mái đá ác-đoa đang bóc thay lớp mới. Các khung cửa, các chi tiết trang trí đã mài bóng mạ lại lớp vàng son một thuở. Trấn giữ cánh cổng trổ giữa hàng rào sắt rèn hoa lá đen tím, toán cảnh sát địa phương cũng trang phục đen tím. Con đường băng ngang mặt tiền lâu đài tấp nập người xe, tiếp giáp với quảng trưởng hình móng ngựa Libération. Bên lề các khối đá trắng cắt gọt hình chữ nhật đặt nằm làm rào chắn, đồng thời làm chỗ ngồi cho du khách ngắm dàn phun nước mở ra hình chữ V với khoảng không mênh mông lát đá nghiêng nghiêng ra ba vòm cửa đường cung phía trước.
Trẻ lẫm chẫm, chạy qua chạy lại mỗi khi vòi nước thụt xuống, tắt ngủm lại bỗng giật mình cười ré khoái chí khi dàn nước vụt bùng cao. Khuôn nhạc trầm bổng thể hiện bằng hình ảnh các cột nước phun cao thấp. Đàn bồ câu nhặt vụn bánh mì chán chê, khệ nệ vác diều đến vòi nước rỉa lông.
Thân xác im lìm trên ghế, nhưng hồn thì đang gửi lang thang trên cao.
Thưởng café cùng Chị ở Dijon! Cùng nguyên cảm giác café Paris. Thiếu chăng là dòng sông Seine ể oải với hàng cây trẻ trung soi bóng và những con tàu du lịch dềnh dàng. Nét duyên thầm của Dijon có lẽ là vẻ thư nhàn của cô bé da màu vừa ăn kem vừa giũa móng tay. Ở đôi tình nhân già xách túi giấy, đi mươi bước lại đứng giữa đường ghé tai nhau thì thầm, cười móm mém. Ở người lái taxi ngả ghế chăm chú bấm chơi trò trong điện thoại. Ở toán cảnh sát, khoanh tay, dựa lưng vào hàng rào sắt thờ ơ ngắm mây bay trên trời…
Nhưng Dijon không hẳn là thế. Dijon cổ kính, kiêu kỳ, sự cởi mở lẩn đâu đó sau vỏ bọc xã giao.
2. Gã trai quản lý nhà hàng lượn lờ quanh bàn một khoảng cách dễ chịu. Cuốn sổ lọt thỏm lòng bàn tay kẹp cây bút chì ghi thực đơn. Chiếc túi bụng lễ mễ lọc cọc tiền xu. Hai ống quần đen nhờn nhờn bơ và lấm chấm fromage. Gã thì thào hỏi quý khách có cần ăn một chút điểm tâm.
Chị khuyến khích nên mở rộng biên giới nghệ thuật ẩm thực bằng chút bánh ngọt phủ kem, chocolate. Ôi chao, nếm vị bánh ngọt của người Pháp tại đất Pháp mới hay sự mê dụ chết người. Giờ thì tôi có thể lý giải tại sao, bữa sáng của người Pháp đôi khi một cốc café, trưa lỏng chỏng vài lát bánh mì, suất thịt bò bifteck hoặc cá sốt, bữa tối từa tựa thêm món soupe loãng thếch, cốc rượu vang đỏ, vậy mà họ cứ lừng lững lặc lè tựa gấu Bắc cực vào ngủ đông. Thủ phạm của các khối mỡ di động trên đường phố không đâu khác là bánh ngọt, chocolate, kem. Mỗi loại có đến vài chục phiên bản với các hương vị khác nhau mà người Pháp nhẩn nha nạp vào miệng cả ngày khi ra ngoài. Và kết quả là người Pháp nào “tốt bụng” thì vào bữa khi tiếp khách cũng nhấn mạnh: tôi đang ăn kiêng!
Những thức bánh ngọt đó luôn luôn nựng nịu vị giác. Đã ăn một lại luôn muốn ăn hai. Vừa ăn vừa tự hứa, đây sẽ là lần sa ngã cuối cùng, vì thế sự ngon nếu không nhanh nhanh chiếm lĩnh sẽ bị ai cướp mất. Chúng giàu năng lượng đến nỗi: một suất kem vani và bánh ngọt dùng lúc 9 giờ sáng đến 13 giờ vẫn khiến ậm ạch.
Soi thực đơn thấy món bánh crêpes nhân ốc sên, tôi bỗng nhớ món bánh crêpes của chú bé Rémi làm từ chút bột, chút bơ cuối cùng nơi gian bếp lạnh của má Barberin trong Không Gia Đình của Hector Malot. Nhớ trận bão tuyết giết chết cụ Vitalis trên đường tới Dijon. Cụ chủ gánh xiếc chết vì đói và rét. Các ga xe điện ngầm ở Pháp không còn mấy những gánh xiếc rong, nhưng còn vô số người hát rong. Mỗi mùa hè, mùa đông vẫn không thiếu những cụ già chết nóng, chết rét. Người may và người không may. Người giàu và người nghèo thì sự cách biệt chưa bao giờ thay đổi, dù ở Pháp hay là bất cứ đâu.
Quan sát đám người núng nính lô nhô phơi nắng giữa quảng trường, tôi nhận xét:
- Người Dijon nặng cân hơn người Paris thì phải!
- Cũng có thể !
Nhoẻn cười, Chị chia sẻ sự thú vị với chàng phục vụ bất cứ lúc nào cũng đon đả khi gặp khách nhìn. Một chàng điển trai với cái mũi đậm La Mã. Giơ cuốn sổ ghi thực đơn lên trời, cậu chàng nhún vai:
- Ô, đương nhiên thôi. Vùng Bougogne của chúng tôi không khí trong lành hơn, thủ phủ của rượu vang, cognac, moutarde vàng, thịt bò hầm, ốc sên và bánh ngọt vị quả ngon nhất Pháp. Chúng tôi có gu ẩm thực riêng, tinh tế. Paris thì làm sao địch được. Chỉ hơn đông người và các tệ nạn. Công dân của chúng tôi có hơi béo một chút nhưng lại có tư thế bệ vệ, khỏe mạnh !Tôi nghĩ rằng ông bà nên thử chất lượng món ốc sên hoặc thịt bò hầm ngay tại đây…
Nghệ thuật ẩm thực Pháp ngự đỉnh ống khói nhà bếp cao nhất thế giới và tỏa bóng xuống bàn ăn của bao nhiêu quốc gia trong những thế kỷ qua là nhờ giá trị tự thân. Mỗi món đều tinh chế bằng những công thức cầu kỳ, nhiêu khê kết hợp thẩm mỹ đến hóa thực phẩm, trong sự giao tình hương vị của phương Tây và phương Đông. Thứ ẩm thực khiến người ta luôn kinh ngạc và ẩn ức như là phụ thuộc vào một người tình kiêu đỏng nếu như đã trót một lần được chiếu cố.
Đằng sau cường quốc văn hóa nghệ thuật, khoa học và công nghệ là một nước Pháp căn cốt nông nghiệp bởi ưu thế thiên nhiên. Các công dân chất lượng cao của thế giới đổ về Paris du lịch, học tập và nghiên cứu góp thêm một nhân tố thăng hoa ẩm thực Pháp.
Diện mặt mặt phố Pháp, chính là diện mạo đa sắc của các quán café, các nhà hàng thỏa mãn cho mọi tầng lớp. Hơn nữa lĩnh vực ẩm thực ở Pháp cũng bình đẳng bác ái. Đến Paris, người ta có thể tìm kiếm bất kỳ món ăn oái oăm của mọi châu lục. Càng bình đẳng, thì tinh hoa càng được tôn vinh. Người Pháp đủ tự tin đến ngạo mạn ở lĩnh vực này. Ẩm thực chính là mỏ tiền hoàn lưu của người Pháp.
Bỗng đâu gã mắt một mí, râu thưa như ngạnh trê ào đến kéo ghế ngồi cạnh. Tiếng Pháp, tiếng Quan thoại chen nhau. Ho. Khạc. Ngoáy mũi. Bày trên bàn một xấp bưu thiếp nhàu lấm. Làm quen, bán hàng hay muốn nhận đồng hương? Mà cũng có thể gã muốn xin tiền! Tôi lắc đầu. Chị yên lặng như không có chuyện gì xảy ra. Xổ một thôi không thấy chúng tôi phản ứng, gã bỏ sang bàn bên cạnh có mấy vị khách Hà Lan vừa tới.
Cậu phục vụ ghé tới thanh minh:
- Để vừa lòng tất cả mọi người thật khó khăn. Chúng ta ai cũng có vấn đề nào đó với những người khách không mời. Họ luôn song hành làm phiền chúng ta. Thượng đế gửi họ đến cho ta như để nhắc nhở là chúng ta đang hạnh phúc…Ông ta có vấn đề về tâm lý…
- Chắc cậu đã tiếp đủ các hạng người của thế giới?
Cánh mũi La Mã nhếch lên tinh quái, cậu trả lời tôi.
- Vâng, có lẽ là vậy….
Bỗng cậu đờ ra cau có, nhìn về phía cổng tòa Thị chính. Thấy lạ, tôi ngó theo: lá cờ đuôi nheo màu đỏ, buộc trên cây gậy gỗ được người đàn bà trung niên đội mũ vải trùm khăn bông trắng, in hoa mẫu đơn giơ cao phờ phẽo dẫn theo đám người Á xộc xệch. Chốc bà lại quay lại nhìn, lại giơ lá cờ đỏ lên vẫy vẫy đoàn người chú ý.
Cậu ta gần như rùng mình:
- Họ mà kéo vào đây thì chắc tôi sạt nghiệp mất.
Tôi hiểu lý do cậu sợ mấy người Á kia. Tôi đã chứng không ít lần họ mà sà vào quán ở Việt Nam và khi đứng dậy, thì đến cái giấy lau cũng bị vét nhẵn. Nước lọc thì phải thêm hai ba bình. Tô cơm to như chậu giặt cũng tiếp ba bốn bận. Họ còn nèo thêm vào túi quần cả hộp tương ớt chẳng ngại ngần. Bẻ tăm, khạc nhổ, vứt giấy lau thẳng xuống chân. Khi đã yêu cầu điều gì kèo kẽo bám riết lấy cho đến khi được đáp ứng.
Đám người rước cờ đỏ đuôi nheo đã không vào quán. Cậu quản lý thở phào hé nhìn dòng người tay xách nách mang khuất dần sau góc phố bán đồ lưu niệm. Sự cởi mở vụt trở lại.
- Ông bà có cần thêm gì nữa không ạ?
Toan tính rồi tôi gọi ly Kir! Một đặc sản của Dijon được pha từ rượu vang trắng và liqueur de cassis mà tôi đã được biết vị khi ở La Victorine với ông bà chủ hiếu khách. Chị cũng chẳng đấu tranh nổi với sự kiêng khem. Một Chocolate Chantilly – dưỡng chất của ca cao nóng rãy trong cốc sứ phủ kem cao như những phiến tuyết sắp đặt nghệ thuật hiên ngang chẳng khác đỉnh Alpes; tất nhiên nếu như so với chủng loại đồng hạng ở nhà hàng kem Thủy Tạ!
Gã trai huýt sáo nhào vào phía trong cánh cửa kính gắn chìm giữa bức tường đá. Chưa đầy hai phút sau, trên khay lót nỉ đỏ đã sóng ly Kir thắm sắc hồng đào. Gã vui miệng véo von:
- Chặc! Đến Dijon mà không biết đến con cú thông thái và khôn ngoan thì coi như chưa đến…
Con người luôn có xu hướng xây dựng cho riêng mình truyền thuyết phiên bản trên cơ sở truyền thuyết nguyễn mẫu. Biết vậy, nhưng tôi không thể từ chối tò mò. Nhất định tôi cũng phải tận chứng con cú. Trên TGV đám hành khách Bắc Phi vốn sùng tín những biểu tượng đa thần giáo đã thì thào cần phải có hành động ra sao khi đối diện con cú. Con cú không bình thường đó chỉ có một mắt ngự phía sau nhà thờ Đức Bà Dijon. Du khách đến Dijon mà không đến chiêm bái con cú thì sẽ gặp điều không hay.
Nhấp ngụm Kir mát lạnh chứa ngọn lửa dịu dàng. Chẳng mất gì, lại tránh được ám ảnh điều xấu xảy ra cho mình, tại sao không truy tìm con cú thông thái nhỉ. Nhìn tôi qua ngọn núi kem, Chị giơ ngón trỏ lên khẳng định rằng sẽ đồng tình với đề xuất của tôi.
- Dijon có một con sư tử đặc biệt nữa. Cậu chắc rành đường tới đó.
Chị bất chợt lên tiếng, cậu chàng ngẩn ngơ:
- Sư tử nào nhỉ ?
Đặt tay ngang miệng, Chị ra hiệu tôi không nên hỏi thêm. Hẳn chuyện khác thường mà không phải ai ở Dijon cũng biết.
3. Điểm xuất phát từ quảng trường Darcy. Trên mặt đường lát sa thạch xám đen, giữa những mạch vữa người ta gắn tấm đồng thau hình tam giác nhọn khắc chìm con cú ngoảng mặt nhìn thao láo và một tập hợp nét mang tính tượng trưng như đám mây, như chiếc lá nho dưới chân nó. Tôi những muốn đấy là lá nho như một ký hiệu riêng của Bourgogne. Cách mấy chục bước thì mũi tên đồng lại hiện vàng chóe ngay dưới mũi giày. Tịnh tiến theo tam giác đồng con cú, ta đi vòng vèo qua những phố cổ không sắc màu. Sắc màu duy nhất là sắc màu của đá, của đất nung, của gỗ đã nhòa thời gian như bùn đất cổ đại đắp đổi nên những ngôi nhà. Mái nhà dốc đứng chống tuyết. Tường gạch mộc, được những súc gỗ sồi nguyên khối chằng chéo zích–zắc chịu lực như một điểm nhấn trang trí của lối kiến trúc trung cổ. Tường nhà và mặt đường tiệp màu, gợi lên cảm giác bí hiểm nhạt nhòa nào đó khó gọi nên lời. Khung cửa được trổ ra với cả sự khó nhọc. Duy chỉ một cánh. Cửa sổ tận dụng mọi diện tích có thể để lấy ánh sáng. Thông ra mặt đường đá là những ngõ cụt rải sỏi, lơ thơ cỏ, khóm cây tầm ma, cây khổ ngải khựng lại trước cánh cổng sắt, cổng gỗ im ỉm khóa hay bức tường đá cao vóng long lở. Dòng chữ viết ngay ngắn bằng chìa khóa xuyên qua rêu phong: Je t’aime! Ô là tình yêu, tình yêu nói ra vẫn chưa đủ. Nó còn cần phải được khắc trên đá cho vĩnh cửu!!!
Phố Verrerie là nơi có những cửa hiệu xinh xắn. Đẩy một cánh bất kỳ của căn nhà cổ, tôi đã phải định vị thị lực khá lâu mới thích nghi thứ ánh sáng xám nhờ. Và một mùi hăng hắc, mốc chua mà chỉ có thể gọi đó là mùi thời gian tù đọng hàng thiên niên kỷ vẫn tồn lưu. La liệt bày, sắp, đặt, móc, treo, cài trên giá, trong tủ, quanh tường, trên đầu, dưới chân đủ các dạng đồ souvenirs rẻ tiền vốn dành cho những du khách thích mua quà theo số lượng và trẻ con thích sưu tập. Một xe đẩy bán hàng rong ở quảng trường bị lộn trái ra thì phải. Chủ nhân không rõ giới, trọc lốc, xăm cái đầu chó Bull há hốc trên đỉnh, môi son thắm lịm, đeo các loại khuy khắp cơ thể, trố trố nhìn tôi chờ đợi…
E ngại nếu không mua hàng thì chủ nhân sẽ có hành động quá khích, phải mua một vật gì đó, nhưng tôi không biết nhặt lên thứ gì. Chẳng lẽ trả tiền rồi lại ném đi. Vòng vo lượn quanh, thật khó khăn để quyết định. Giương mắt nhìn chứ không dám động tay. Chủ nhân có điện thoại. Câu chuyện khiến gương mặt phi giới tính bỗng cười. Tiếng cười trong, hồn nhiên như trẻ nhỏ bỗng xóa tan nỗi lo ngại vô cớ. Tôi vội nghiêng chào, bước ra đường…
Mặt trời xứ Bougogne tưới thứ nắng dấp dính như tơ nhện vương da mặt. Tôi như đang biến lẫn vào không gian siêu thực.
Chị ngồi trên chiếc ghế sắt kê bên chiếc bàn vuông chân gập trước ngôi nhà có bức tường giống hệt ngôi nhà cửa hàng bán đồ souvenirs. Một cảm giác lạ lùng, người ngồi kia, với bộ bàn ghế đơn sơ và cánh cửa ngôi nhà mở hé, hình như tôi đã gặp ở đâu đó. Biểu tượng con cú và con mèo trên đỉnh tháp nhà. Vâng, tôi đã gặp và đã ra vào cùng nhân vật nữ gọt khoai tây trước bếp lò. Bước chân cậm kịch, thìa, đĩa va lách cách vang bóng tối. Người đi lại trong hành lang lọt sáng. Ánh sáng rọi nửa khuôn mặt. Giờ thì tôi nhớ: chuỗi hình ảnh lướt lướt trong trí đó là trường đoạn bộ phim Pháp về mối tình nàng hầu với ông chủ đã sử dụng ngôi nhà làm bối cảnh. Ngôi nhà xây năm 1483.
Hơn một nghìn năm trăm năm qua đã có bao nhiêu kiếp người sống dưới mái nhà này? Ai ông chủ ? Ai đầy tớ? Ai bất hạnh? Ai may mắn hạnh phúc? Ai ác độc? Ai thiên lương? Ai bị tình yêu đày đọa? Ai tuyệt vọng? Nếu tính đơn vị thì hẳn số người cũng bằng nhân mạng một dãy phố của Dijon đương đại. Vậy mà tất cả những con người xương thịt biết buồn vui ấy giờ biến mất tăm vào thinh không. Ngôi nhà vẫn trụ lại thản nhiên chịu đựng sự già cỗi của mình…
- Biết vui, buồn vậy mà đời người lại quá ngắn so với một viên đá, một cái cây, một tấm áo, một chiếc bình…và một ngôi nhà! Con cú thông thái liệu có giúp gì cho con người hạnh phúc hơn không? Chị bỗng thở dài như mới bừng tỉnh sau cái vòng sắt khóa cửa ngôi nhà nghìn tuổi.
- Biết vui buồn mà còn muốn sống lâu bên như đồ vật! Giới hạn 100 nămThượng đế ban mà nhiều người còn dùng không hết, thưa Chị.
Giữa những phiến sa thạch, vuông, chữ nhật lát đường, trong bóng rợp của nhà thờ Đức Bà bỗng vàng rực tấm biển đồng chữ nhật. Tấm biển khác thường và hình con cú cũng khác thường. Mắt cú tròn như đeo kính, hai chòm lông mỗi bên đầu ba cái chĩa hai bên, mỏ nhọn quặp xuống, hai chân đứng thẳng, một bên cánh thì giơ lên như bàn tay người đang chào. Một gương mặt cú tinh quái, ẩn hiện nét cười như đang giễu nhại khách du.
Chẳng lẽ con cú nằm tèn tẹt giữa đường! Tôi nhìn quanh tìm kiếm giữa hẻm phố. Từ đầu phố đối diện cũng lố nhố người ngáo ngơ hỏi đường. Hẳn là tìm cú. Bỗng Chị khẽ reo:
- Kia! Ngay trên đầu ấy, ngự cột đá của nhà thờ!
Ngẩng lên, mỏi mắt vẫn chẳng thấy con cú ở chỗ nào. Sừng sững bức tường đá với hàng cột chịu lực ngửa ngật cổ không thấu. Nhưng rồi thì tôi cũng mục kích con cú đá nổi tiếng thế giới. Không tin vào mắt mình nữa. Ấy là một điểm chồi màu nâu vàng óng như tẩm dầu olive, to như trái ổi mỡ từ cạnh cây cột đá vạt lõm. Đấy chính là con cú người ta đã điêu khắc lên cột đá nhà thờ. Một con cú không còn mặt, dựa lưng vào cột đá, chân bấm sâu vào cành cây sần sùi. Tôi chỉ có cảm giác được khuôn mặt nó bởi hai chòm lông giống như hai cái tai định vị phía sau. Người dân Dijon thành tâm tin rằng dùng bàn tay trái sờ vào mặt con cú dựa lưng vào nhà thờ hồi lâu, trong lòng đọc thầm một điều ước muốn sẽ được như ý cùng những điều may mắn bất ngờ khác.
Niềm tin chân chất ấy lại được các công dân Dijon lưu truyền làm phước cho các du khách đến đây. Họ vào cửa trước nhà thờ Đức Bà Dijon cầu Chúa rồi ra phía sau lầm rầm xin xỏ chim cú niềm vui. Bởi chim cú chính là hiện thân của Chúa, đến thầm lặng với mọi người trong bóng tối. Tự dưng trong tôi ấm dịu, tôi cũng tin thế và không muốn biết thêm một giải trình nào làm hư hao niềm tin thiên thần ấy.
Vươn lên cao, đặt bàn tay trái lên mặt chim cú, bàn tay phải đặt lên ngực. Trái tim tôi bỗng quặn nhịp, dập dồn. Bàn tay trái lạnh tê, nhồn nhột trên mặt cú lồi lõm như có luồng điện kích ứng, nhắm mắt tôi cầu khấn. Tôi đối diện với Chúa. Và ngỏ bày…
Dòng người phía sau tôi nhẫn lặng. Vẻ như mọi người không còn chú ý đến thời gian, sẵn sàng chờ đợi cả trăm năm nữa, miễn là bộc bạch tâm nguyện xong trước Chúa.
Phải gánh vác khổ nạn mang hy vọng cho con người, chim cú đón nhận muôn bàn tay trái của nhân loại, bàn tay của trái tim, dù dầu mỡ, dù bùn đất, hay mềm mịn thơm tho hoặc dính dấp mồ hôi ấp lên mặt. Có ai đếm đã bao nhiêu lượt bàn tay trái da trắng, da đen, da vàng, da đỏ đặt lên mặt cú mỗi trăm năm qua? Vậy mà có cả bàn tay kẻ ác đã từng làm hư hao mặt cú.
4. Đến một thành phố xa lạ nếu không dư thời gian, việc đầu tiên cần làm là tìm một nhà hàng, một tiệm ăn. Khi ổn định sức khỏe thì chẳng gì hay bằng tham quan các bảo tàng. Chúng tôi đã ưu tiên cho việc tâm linh trước. Ấy là hành trình ngược lịch sử Dijon hay là đi tìm con cú thông thái. Đã định sẵn, chúng tôi chọn Bảo tàng Mỹ thuật (Musée des Beaux-Arts) tọa lạc bên Tòa thị chính. Bảo tàng Khảo cổ học, Bảo tàng Moutarde dù tha thiết thì cũng đành lỗi hẹn.
Một điều lạ, ngay bên lối rẽ tay trái qua vài góc gấp và vòm cuốn phơi lộ hai ngôi mộ. Trên mỗi ngôi mộ đặt một pho tượng nằm của chính người dưới mộ. Ấy là hai cha con công tước lừng danh của Bougogne: Philippe Quả cảm (Philippe Le Hardi 1342-1404) và Jean Không biết sợ (Jean Sans Peur 1371-1419), người hùng trong chiến cuộc Trăm năm với nước Anh. Trên tường vây quanh là các bức họa chân dung những người đàn bà của họ lộng lẫy xiêm y. Dường như các công tước vừa mới từ chiến trận trở về nằm nghỉ trong la đà son phấn của vòng tay nhan sắc, dư hương vẫn còn thoảng quanh.
Lòng kiêu hãnh quý tộc Pháp, hơn ở đâu hết được chia đều cho các công dân của Dijon bắt đầu từ dòng họ quận công Bougogne. Các vị quận công nghiễm nhiên trở thành á thánh trong ngôi đền nghệ thuật. Ấy cũng chính là sức mạnh văn hóa phi vật thể để làm nên diện mạo đặc sắc của Le Petit Paris.
Mỗi bước dọc thảm đỏ trải qua các bức tranh một nấc tôi lạc trong thế giới màu sắc, từ cổ điển đến hiện đại, và cả của những miền châu Phi thuộc Pháp. Bảo tàng Mỹ thuật Dijon cũng chẳng kém gì một bảo tàng Mỹ thuật quốc gia, nếu như không có Paris! Riêng một bảo tàng Mỹ thuật Dijon đã khiến cho các họa sĩ yếu bóng vía choáng ngợp nữa là tôi, kẻ xem tranh bản năng trước vàng son choáng lộng của những căn phòng trưng bày mênh mông như thánh đường. Làm sao chúng tôi có thể chiêm ngưỡng lần lượt các tác phẩm, những vật phẩm các thời đại chen ứ mấy tầng nhà với những lối đi rối như tổ mối, dưới sự giám sát dày đặc của các nhân viên và các caméra an ninh trong vài giờ. Thị giác cảm xúc sẽ tê liệt sau mấy mươi phút thưởng lãm.
Thôi thì những điều nghi hoặc sẽ phải tự xoay xỏa. Để xác tín mặt đá ngũ sắc trên chiếc bàn cổ có phải là đá xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỹ, Chị đã trao đổi với người đàn ông gốc Phi đạo mạo cầm microphone sóng ngắn chắp tay sau lung:
- Hẳn đây là đá hoa cương ngũ sắc của Thổ Nhĩ Kỳ?
Nụ cười hơ hơ, nông toèn giữa gương mặt phính:
- Bằng đá à? Không, nó bằng đồng đấy.
- Sao lại là đồng… Rõ ràng đây là chất liệu đá mà!
- Không, đồng đấy mà. Thì… đá hay đồng nó cũng giống nhau cả thôi.
Câu trả lời hồn nhiên và thành thực đến mức không thể đổ lỗi cho là tắc trách hoặc thiếu lịch sự.
Chúa ơi! Tôi không thể tin được. Ở Bảo tàng rượu Cassissium, chúng tôi cũng đành bó tay khi muốn biết loại cành cây gì chỉ to bằng ngón chân cái chẻ đôi mà lại có độ bền để làm nẹp giữ miệng thùng tono gỗ sồi cao lút đầu. Cô hướng dẫn viên gốc Ai-cập tóc xoăn đen nhờ cười trừ:
- Thì nó là một cành cây thôi.
Kết thúc cuộc thăm, khi cô ta cao giọng lễ độ rằng có ai cần hỏi gì nữa không, thì một ông khách Đức đã cắm cảu: Nếu có hỏi thì cô cũng có biết đâu mà trả lời.
Và buổi sáng, ngang qua khu triển lãm thấy cậu thanh niên căng chiếc cổng chào bóng hơi, chúng tôi cũng muốn biết thứ gì sắp khai trương. Thanh niên đó nhún vai:
- Tôi không biết. Tôi chỉ được giao bơm hơi và dựng cái cổng này lên…
Bây giờ tôi mới hiểu cả thế giới người đổ xô đến cầu ước con cú thông thái. Khi muốn được giải đáp thắc mắc nào đấy ở Dijon quả là không dễ. Những chuyên gia, những trí thức, những quý tộc ở xa vời vợi đằng sau bốn bức tường đá dày cả mét, cánh cửa gỗ sồi nẹp đồng đỏ nặng nghìn cân, chốt thép, nhâm nhi champagne lạnh với ốc sên hấp tẩm moutarde hoặc đang ngâm mình trong bồn tắm cẩm thạch. Chẳng biết đây có phải là căn bệnh tự mãn, già nua của công sở nước Pháp hay là vấn nạn thiếu nhân công trong các ngành dịch vụ. Thiếu nhân lực chuyên môn nên người ta dằn lòng tuyển dụng những người làm hợp đồng ngắn hạn (mission temporaire) cốt để có người trông coi khỏi thất tán tài sản.
Rốt cuộc quay gót xuống từng bậc cầu thang bảo tàng Mỹ thuật, trong tôi vẫn không thôi ngạc nhiên vì người nhân viên lạ lùng đó. Bao nhiêu ấn tượng cái đẹp, cái kỹ vĩ của nghệ thuật cứ bị một đám mây mờ lởn vởn che khuất.
Lưng chiều thong dong xuôi con dốc nhỏ qua cổng trường đại học Đại học Tổng hợp Bourgogne (Université de Bourgogne), Chị kể rằng có người bạn tài sắc vừa làm xong tiến sĩ Văn chương ở ngôi đền học thuật danh giá nghiêm lạnh này. Xưa Nội từng vuốt chỏm tóc tôi ước mơ có một ngày tôi cầm tấm bằng Tiến sĩ của Đại học Paris, thì dù Nội phải làm trâu ngựa cho cả làng cũng cam. Có bằng Tiến sĩ kéo cày còn hơn trọc phú ngồi trường kỷ chồm hỗm phẩy phe quạt lụa. Sự học long đong, chữ nghĩa dăm vụn, thời vận rối tôi mãi mãi phụ Người. Hơn bốn mươi năm sau ước mơ của Nội, lang thang đất Pháp nghe chuyện khoa bảng người đời tôi vẫn chỉ là thằng cha ngô ngọng tây tàu.
Hóa ra người Dijon cũng thích phô phang sắc màu lòe loẹt ở những khu phố trung tâm. Không thể kể hết mẫu mã cờ. Cờ của các ông Thánh. Cờ tu viện. Cờ của vua, Cờ của tướng. Cờ của các đạo quân. Cờ các quý tộc… Hầu như tất cả là nền đỏ với những họa tiết thanh gươm, lưỡi tầm sét, con chim cú hay dấu con nhép, tấm khiên... Dijon nghiện không khí hội hè mừng chiến thắng của các quận công hay trưng ra như vậy cũng chỉ là để hút khách du?
Còn một Dijon cách biệt. Những tư dinh quý tộc xưa. Cánh cửa tán đinh đồng, móc kéo chuông mòn lõm, những cánh ô cửa sổ chữ nhật lượn vòm, những balcon song sắt rèn phình bụng củ hành đeo giỏ hoa tươi của nàng Juliette vẫn ngóng chờ chàng Roméo đêm đêm, dây trường xuân leo bám xanh trĩu cả lòng.
Góc sân sỏi, xe limo thay cho xe ngựa. Chàng Roméo ục ịch chống gậy. Chỉ còn chiếc mũ phớt trắng ngất ngưởng trên đầu vẫn kiêu hãnh như xưa. Nàng Juliette tóc bạc phơ ôm con chó Nhật, luôn có vấn đề với cái sắc đeo Chanel trên đôi vai gọng vó. Cả hai nương nương nhau đi dạo quanh vườn…
Dưới bức tường đá, cặp tình nhân trẻ đi bụi, da trắng, môi hồng, mắt xanh, phục trang một màu huyết dụ, ngả ngốn trên tấm vải len trải, con chó đen nằm thượt gác mõn lên chân chủ thở dốc, sợi xích thép trắng to như thừng trâu quấn mấy vòng trên cổ gã trai. Chiếc mũ vải nhờn mồ hôi ngửa tơ hơ, ai đó ném vào vài xu lẻ. Cô gái quỳ sau lưng, đang tết những bím tóc nhỏ xíu như nhành liễu.
Cặp tình nhân như con nhà quý tộc bị văng ra khỏi thành La Mã tao loạn cổ xưa nào đang vất vưởng chờ cơ hội có ai giúp đỡ để tìm đường về nhà.
Trước tiệm kem Ý, Chị dừng bước. Thêm một Chocolate Chantilly nữa chăng? Tôi buột miệng. Chị phảy tay rằng có chuyện khác hay hơn. Theo lời người bạn tài sắc ở Dijon còn có một con sư tử biết trốn tìm nữa.
Phố Vauban, l'Hôtel Legouz de Gerland, được xây năm 1690, chúng tôi chạm đến tòa thành quân sự lối vào chiếu lệch tâm khoảng sân đủ chỗ cho trận bóng đá gôn tôm. Trên mặt thành lững lững tượng hai con sư tử oai vệ dựng bờm, nhe răng đối nhau. Hai con sư tử như muôn con sư tử vô tri vẫn đứng canh đền đài cung vua phủ chúa tây ta. Sự oai phong mốc rêu canh giữ cho quyền uy chết lịm. Cả hai con chôn chân xuống gạch đá. Chúng có thể chạy trốn tìm đi đâu? Điều gì bí mật ở đây nhỉ mà bao nhiêu khách du phía xa cũng đang chỉ trỏ về hai con sư tử? Dưới ánh chiều chói, tôi không rõ là sư tử điêu khắc đá hay đắp xi-măng.
Chui qua vòm thành, ngoái nhìn lên thì, con sư tử bên góc phải biến mất. Chỉ con bên trái hiện diện. Cảm thấy có điều gì mập mờ, giật lùi sâu vào giữa sân để nới rộng tầm nhìn, thì tôi mục kích con sư tử thứ hai. Con bên trái. Phát hiện này khiến tôi mất hứng. Buồn thiu như vừa bị cướp mất ống thổi bóng xà phòng thời con trẻ. Giá như tôi không đi giật lùi, không mở rộng tầm nhìn thì đâu đến nỗi. Được chứng một điều kỳ diệu, bí hiểm chẳng hay hơn là nhìn trần trụi xi măng là xi măng, gạch đá là gạch đá.
Kiến trúc Martin de Noinville khéo léo đánh lừa thị giác người xem bằng cách biến đổi góc nhìn theo độ uốn cong của cánh cửa, tạo nên ảo giác. Mặt ngoài thành tạo thành đường thẳng kéo dài, còn bên trong thành lại là một giếng trời khổng lồ. Chính cái vòng bán nguyệt đó đã đẩy con sư tử bên trái khuất lấp, nếu ta đứng gần tường thành từ phía trong.
Một trò chơi kiến trúc, nhưng người Dijon cũng biến nó thành vàng, bằng cách phủ lên gạch đá, xi-măng một lớp sương mù huyền thoại, đánh thức thơ ngây của kẻ không chịu mở mắt nhìn xa rộng.
5. Chiếc Twingo xanh mộng rù rì lượn quanh lối phố. Chị lái xe như người mộng du. Đi đâu và dừng đâu nhỉ? Giờ đi Lausanne còn dư dả đủ để chia sớt với Dijon. Mỗi viên đá lát đường như đang cất lời lưu luyến. Mỗi ô cửa chớp chớp mắt nhìn. Mỗi mái nhà cũng mở lòng thổn thức. Quảng trường Nhà hát phố Rameau mang tên nhà soạn nhạc Dijon mới biết đến hôm qua? Quảng trường Libération hồi hộp, âu lo giây phút ban đầu, phập phồng chờ đợi mỗi nhịp dàn nước trào phun? Hay lại trở lại nẻo đường truy tìm chim cú? Ngắm nhà thờ Đức Bà Dijon, trang trí đầu thú, biểu tượng của con người, động vật và ác quỷ? Nghe tiếng thời gian từ chiếc đồng hồ của Jacquemart, mang về từ Courtrai - Bỉ năm 1382, tri ân người Dijon trong cuộc chiến Flandres?
Ghé vào tiệm nào đó khẳng định lại món thịt bò băm trộn sốt cà chua, chua chói, sốt moutarde cay giật bắn mình rằng cũng không đến nỗi tệ. Chỉ vì cái tên nghe lạ lẫm mà tôi đã vòi Chị gọi. Ui, đó cũng chính là món Mr Bean đã phải rùng mình trối chết. Mr đã giở hết ngón trò láu cá mới thoát nạn món Tartare. Không! Có lẽ nên mang theo chút moutarde để hương vị của thứ gia vị lâu đời nhất của nhân loại sẽ giúp tôi lưu nhớ Dijon được tăng kích bội phần.
Giờ khắc chia xa Dijon điểm. Trả lại chiếc Twingo cung cúc ngoan hiền bất kể những cung đường thẳng, cung đường quanh, trên nóc tầng ba trước cửa ga Dijon vốn là nhà của nó. Một chặng đường vừa khép. Chặng mới đã nôn nao mời xa. Chị nhỉ? Dijon cổ kính, trưởng giả và phồn hoa tận xương tủy, đã đóng dấu lên số phận chúng ta những chìm sâu như vết khắc chim cú lên tấm biển đồng tam giác.
Chuyến xe buýt điện vừa tới. Du khách ngơ ngác nhìn quanh. Chàng Roméo lụ khụ ho còng lưng đẩy chiếc xe lăn nàng Juliette tóc bạc đang ngủ gật lọc xọc mặt đường đá. Je t’aime!*
Chuông nguyện nhà thờ Đức Bà Dijon tan loang trời xanh. Chị làm dấu Thánh. Mong ước của tôi thấu đến Chúa. Lời khấn nguyện phía sau nhà thờ Đức Bà, xin Ngài hãy cho con giữ riêng điều bí mật Dijon…
Mê đắm đến bao nhiêu. Nước về rồi nước chảy. Nào mấy nợ nần, thành Dijon kiêu hãnh, phù hoa mà khi ngoảnh đi với Lausanne sương khói mí mắt tôi cũng cay như vương hơi moutarde.
Dijon tháng 7 năm 2012.
N.T.T.K
*Anh yêu em!