1. Montreuil ám ảnh tôi những trái chiều nó chứa đựng hay vì một quãng đường Chị xuân sắc ở nơi này? Đọc Chị viết về thành phố sinh đôi của Paris với những giấc mơ thắp sáng và cả những giấc mơ tàn sao mà thản nhiên đến vậy.
Thành phố đầu cầu của lục địa Đen tập kết chờ thời nhuộm màu lục địa Trắng. Riêng cộng đồng Mali thời đỉnh chiếm tới mười phần trăm dân số Montreuil. Người Pháp hài hước đặt thêm phụ danh cho thành phố "Bamako-sur-Seine" hay “Mali-sous-Bois”. Đó cũng chỉ là một trong chín mươi sắc tộc lưu dân thế giới từng hy vọng mình là một phần ánh sáng Paris nhưng lại sa chân, trượt phận xuống cống ngầm kinh đô rồi phiêu số bám víu Montreuil. Sân bay Charles de Gaulle có những sớm check-out bội nồng không khí Bắc Phi, thì Montreuil, cách Notre-Dame de Paris 7.5 ki-lô-mét ngổn ngang cả khu Hồi giáo mà ta từng gặp ở Ai-Cập,Marocco, Algérie...
Sát vách Paris nhưng Montreuil chỉ có hai nhà thờ Công giáo chính là Saint Peter và Saint Paul ể oải rung chuông mỗi giờ cao điểm, nhưng nhà thờ Hồi giáo nghẹt người quỳ sụp hàng lối ngày năm lần Lễ nguyện Salah lên tới con số mười một…
Thăm chốn xưa Chị sống, tôi trĩu từng khái niệm đơn thuần, không lụy niềm riêng để mà thắp sáng lại hàng hàng nến cũ như Chị. Tôi là cơn cớ, là lý do để Chị kiên nhẫn với Montreuil thêm lần nữa. Se se bình minh mưa ẩm, giai điệu Casablanca thoát ra từ quán vắng thưa khách ngủ muộn, nhức khé đèn vàng trong quầng hoa tầm xuân tháng Năm ríu bước tôi hồi cố dấu chân Chị.
2.Từ Paris, chui metro hay ngồi xe buýt thì đều đến trục lộ Rue de Paris chạy xuyên những giao lộ chẵn lẻ, những khối phố tẻ nhạt và âu sầu phủ bụi của Montreuil. Logo của Montreuil tôi gặp trên các tòa nhà công sở, lưng ba-lô con trẻ đến trường, trên chiếc xe đạp khóa còng queo gốc cây, ghế đá. Chữ M cách điệu, âm tự đầu của thành phố đồng thời cũng là mái nhà xưởng, thân cây với trái đào mờ hiện: Quá khứ song hành công nghiệp và nông nghiệp của Montreuil.
Bập lên vỉa hè gạch xi-măng, tôi nhận ra sự khác thường nào đó bủa vây. Rầm rập. Ù ù. Lạch bạch. Phành phạch. Hai dòng người ngược chiều nhau. Người Paris nhoài lên mặt đất, khép áo, giữ túi, cau có như bị hạ thấp nhân phẩm hấp tấp nhằm những tòa nhà khép kín ở trung tâm. Người Montreuil phăm phởm xuống tuy-nen, tiến vào văn phòng trên đại lộ Champs- Elysées.Tất nhiên số đông vạ vật trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tị nạn hay chui nhủi nơi căn phòng hộp diêm áp mái trốn cảnh sát hoặc căng mắt dưới tầng hầm gia công quần áo. Mùa đông chẳng mấy tuần mà người ta không chứng xác người nhập cư bấy nát vắt ngang đường métro. Đâu đó sau cánh cửa những căn hộ lộng lẫy, băng đảng anh em nhà Hornec mơ màng nhả khói cigar, ngắm bọt champagne điều chỉnh hành vi đám thuộc hạ sắc mặt hốc hác hoặc nề bia rượu nơi quán café gườm lỳ nhìn dòng cần lao tuôn chảy ngoài phố mà toan tính. Ấy, những kẻ im trong bóng tối nhưng làm chủ cả ban ngày.
Phố nối phố nham nhở, chắp vá, như vừa lắng cơn say. Mỗi thành phố Pháp đều có Kiến trúc sư trưởng, nhưng ở Montreuil, tôi đã vô vọng tìm kiếm nhịp điệu chỉ huy mang tính chuyên biệt uy quyền ấy. Các ngôi nhà đua nhau tự mọc tùy thích, kiểu dạng phố bến Phà đen ngoài đê sông Hồng một thuở. Khác chăng là qui mô và kích cỡ mỗi công trình. Giới cá mập địa ốc Paris nhìn ra vị trí đắc lợi của Montreuil đã đầu tư dài hạn. Mà tổ hợp khách sạn Ibis, siêu thị Carrefour lóa tường kính đối diện tòa nhà công đoàn xỉn bê tông, gạch đỏ mốc đen là ví dụ. Ngay cả hãng Air France dẹp thói quí tộc bỏ chạy khỏi Paris đắt cháy khói để tái cơ cấu. Danh sách các tên tuổi có thể kể tiếp: France Agrimer, BNP Parisbas, Tòa án tị nạn Quốc gia, Trụ sở CGT(cơ quan thuộc công đoàn Pháp) và các công ty CNTT(công nghệ thông tin) Ban quản lý Đại học vùng Ile-de- France….
Trọn buổi sáng nơi quán café Noir, tôi ngó mặt đường. Nồng nỗng người lớn chen nhau, chẳng thấy bóng trẻ con nào ngoại trừ những đứa còn thũng thẵng buông chân trên lưng mẹ. Montreuil có tới 25 trường mầm non và 22 trường tiểu học cấp xã. Mọi đứa trẻ ở Pháp đến độ tuổi đi học đều phải tới lớp. Đó là luật, dù chúng là con của bất cứ thành phần nào…
Là một trong những thành phố nhộn nhạo, bất ổn nhất đất nước, nhưng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của Montreuil lại dày dặn và đa sắc. Hệ thống thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm Thể thao kết nối liên hoàn đáp ứng đầy đủ các nhu cầu tùy hứng của dân chúng….
Ngành xuất bản và nhà sách có tới 900 nhân viên hoạt động. Đây cũng là lý do để Hội chợ sách tổ chức thường niên từ năm 1984, diễn ra vào tháng Mười tại Halle Dufriche Marcel, Rue de Paris. Một điểm hút các nhà văn thế giới tụ dồn về kỳ vọng cơ hội phổ biến tác phẩm thông qua dịch thuật, in ấn. Thấp thoáng bóng dáng của dăm ba nhà văn Việt…
Montreuil còi cọc trước Paris, nhưng nếu muốn tôi vẫn có cơ chiêm ngưỡng bộ sưu tập lịch sử phong trào Xã Hội và Chủ nghĩa Cộng sản, thuộc Bảo tàng Lịch sử Đời sống, xây dựng từ năm 1939. Hay thời sự hơn thì rảo bước tới Trung tâm Nghệ thuật Đương đại, khai trương ngày 16 tháng 10 năm 2013. Đặc biệt Gallery ABCD do Bruno Decharme, nhà làm phim và ghi âm đề xuất năm 1999, tọa lạc 12 rue Voltaire, bảo tồn và trưng bày bộ sưu tập danh tiếng của nghệ thuật Art Brut.
Cảm thức đã vượt ngưỡng trong tôi. Thượng đế mặc khải đám khổ nhục đứng ngoài nghệ thuật lại được làm chủ một trường phái nghệ thuật siêu linh. Những tác phẩm sáng tạo vô thức cội nguồn cảm hứng tinh thần, không dựa vào truyền thống hoặc kỹ thuật. Nó không theo phong cách hay bất kỳ xu hướng nghệ thuật nào mà là sự tự phát và thậm chí không hoàn thành với mục đích làm “nghệ thuật.” Những tác phẩm thuần khiết, phôi thai từ sự cô đơn, từ thúc đẩy của thế giới vô thức, nơi không bị can thiệp bởi áp lực sự ca ngợi, hay tung hô giao đãi thường thấy trong đời sống.
Ứng với địa hình, người ta chia Montreuil làm hai khu vực: Hạ Montreuil- Tây Nam gần lâu đài Vincennes, tập trung tầng lớp buôn bán và công chức. Thượng Montreuil thuộc về Bắc và phía Đông, nơi từng có những vườn đào mọng ngọt trên dải đồi đất sét cao lanh cho hương vị trứ danh cung tiến vua Pháp. Trớ trêu Thượng Montreuil nghe cao giá thế thì tơi tả nghèo. Hạ Montreuil tưởng hạ tiện thì chót vót sang giàu… Với tôi thì Montreuil chứa bao nhiêu phận số thì có bấy nhiêu góc khuất cái tôi ẩn ức cần một sự cảm thông, chia sẻ. Kể cả những kẻ giàu mứa lực quyền.
Chưa xa Montreuil từng mang xu hướng xã hội chủ nghĩa, dấu ấn của nghị sĩ Cộng sản nối tiếp nhau thắng cử lãnh đạo. Người Cộng sản chủ trương mọi tầng lớp hòa đồng, bình đẳng quyền lợi thụ hưởng. Họ cố gắng tạo một trường lành mạnh, nhưng trớ trêu, thành phố ở vị trí hỗn giao của những kẻ nhập cư lậu, trộm cắp, ma túy, mại dâm, công nhân thất nghiệp, thợ thủ công, dân nghèo phiêu dạt. Trong đó không ít chủng loại nghệ sĩ, Paris không thừa nhận đều tìm đến ngụ thi thố với chính bản thân mình và những kẻ tương tự như mình...
Vô hình, với thời gian- Montreuil biến thành rốn chũm, chứa đựng cả thiên thần lẫn ác quỷ, sân sau cho mafia nhảy múa. Cuộc bầu cử gần nhất, đảng Cộng sản đã phải nhường chỗ cho đảng Xanh. Lác đác những cuộc biểu tình. Đốt xe hơi. Đập kính nhà hàng. Hẳn là chương mới ở Montreuil đang viết tiếp chẳng thiếu dư vị xung đột mới cũ.
3.Cậu thiếu niên đi xe đạp của hệ thống Bikeways ngồi bên trạm xe buýt. Chiếc xe đạp thuê vỡ lốp, cậu đang chờ người ta đến mang chiếc xe mới, và thu hồi chiếc xe hỏng. Một chiếc xe tốt đến đâu cũng vẫn bị hỏng. Một thành phố hoàn hảo, cũng không tránh được vết hoen ố. Nhưng chiếc xe hỏng ở mức độ nào, thành phố hoen ố ở mức độ nào lại phụ thuộc vào chất lượng sản xuất, chất lượng xây dựng cùng với cơ chế của người sử dụng…
Montreuil hiện giờ là chiếc lốp vỡ, nhưng là chiếc lốp vỡ của “chiếc đạp Peugeot” hoặc vết hoen cặn café trên tấm bản đồ nước Pháp bọc chất dẻo. Chính vì nhờ thiết kế tinh vi toàn cục, nên Montreuil dù có bị coi là nơi kém an ninh nhất nước thì mặc nhiên nó vẫn được hưởng lợi tự thân của cả bộ máy chất lượng cao. Với 8.92 km2, Montreuil kém thành phố Hải Dương kết nghĩa gần chín lần nhưng nền tảng văn hóa của thành phố bất ổn nhất nước Pháp vẫn gấp vài trăm lần Hải Dương… Khập khiễng, nhưng biết làm sao. Vẫn phải so sánh để thấy sự tương quan nào đó…
Tôi như muôn mảnh vụn của thế giới. Thật nhẹ nhõm khi không phải căng căng ý thức những nghĩa vụ tập thể. Tôi đen. Tôi xám. Tôi đỏ.Tôi nhờ nhờ. Không ai nhìn, không ai bảo sao, thản nhiên và vô tư đi. Tôi cũng chỉ là gạch đá, cát sỏi bóng cây, chiếc lá rụng hay chiếc ô tô móp tai đỗ bên hè. Hãy suy nghĩ tự lo cho bản thân…
Ai đó chắc chắn sẽ quan tâm khi tôi tự dưng gục ngã giữa đường hoặc thọc mũi vào chuyện người khác. Cảm giác về một trạng thái của không gian thành phố đặt ra cho ta sự thỏa hiệp, đồng lõa luôn treo lơ lửng đâu đó, đằng sau, trước mặt, tay phải, tay trái.
Mái hiên di động cái tùm hụp váy đụp, cái căng vổng lên cao, rạp hàng xanh đỏ, thúc ép tràn lấn vỉa hè, lăm le đẩy người đi bộ bật xuống lòng đường. Bia trữ thùng lạnh, rượu chất ngất kệ, kem đánh răng, mỹ phẩm, xà phòng, túi ni-lon, ba-lô, valise rẻ tiền, dây buộc, đinh, ghim… Hoa trái đa hợp nho táo tím, khoai tây, ca-rốt, dâu, củ cải đỏ châu Âu, cà tím thổn thện, dưa leo gân guốc, đỗ, lạc vân vi châu Á, sắn, khoai lang dài thuỗn, khoai sọ lăn lóc, bí ngô hằn khía, những con cá khô hun khói như thanh củi chẻ châu Phi còn tua tủa răng nhọn.
Các cửa hiệu cắt tóc nam, cửa hiệu nail, đèn nháy biển hiệu. Shop thời trang ngả ngốn mannequin đứng ngồi khoác lên thân thể composite 99% là hàng nhái xuất xứ từ các nước Bắc Phi hoặc ở các xưởng may bất hợp pháp quanh Paris. Nhà hàng ẩm thực Hồi giáo đủ tiêu chuẩn Halal của người Thổ hay của người Algerie thế hệ nhập cư thứ hai…
Bầu không khí dấp dính, bí hiểm bởi những ánh mắt tưởng thờ ơ, nhưng không bỏ qua cử chỉ của khách lạ. Đấy có thể là gã đàn ông Bắc Phi láng mượt áo da, tóc vuốt keo bóng hay tay Thổ Nhĩ Kỳ mồ hôi gắt nhức như nước đái bọ xít đeo kính đen hoặc lão già da trắng, da cổ nhăn xếp như lò xo, trán hói ngồi khoang sau xe Mercedes dòng S đen chói phì phà khói cigar.
Tôi khư khư giữ chiếc túi dù đã đeo trước bụng.Nhìn đâu cũng ra một tên cướp tiềm ẩn. Đọc Chị viết Montreuil - tôi đã ám ảnh sự bất an nơi này. Cướp mất tiền thì chưa đáng sợ, nhưng mất hộ chiếu thì quả là không dám hình dung. Biết thế tôi chẳng đọc bài viết ấy trước khi đến đây. Lỡ rồi thì biết làm sao. Phải thừa nhận rằng, tôi cũng là độc giả phức tạp.
Chốc lại đụng nhóm đàn ông tối rầm như cả đống than trong đêm ba nươi di động, đi ngược chiều lụng thụng áo choàng chấm gót, mũ chụp hoa văn, chỉ hàm răng trắng lóa lúc ẩn lúc hiện. Hay, một quý bà nâu nhờ, bụng phồng như bồ thóc chứa cả tấn, túi L.V nặng trĩu, từ lỗ mũi đến ngón chân rủng roẻng dây rợ vòng lắc cả vàng lẫn đồng nhức gắt thứ nước hoa mùi đinh hương lẫn nghệ tây đặc như khói a-xít chọc vào mũi.
Chưa kịp định thần thì cậu choai xăm trổ suốt hai cánh tay, tóc mào gà nhuộm đỏ, cưỡi xe máy khủng rú ga ầm ầm vít ga như tự sát. Chưa yên thì đám trẻ con tóc tết lông nhím trượt patin hết cắm đầu trên vỉa hè lại lộn xuống đường, nhằm thẳng vào tôi mà xông tới.
Vừa kịp nép sát hè né tránh thì lại đụng ngay gã lang thang dắt chó nhoài đầu ngõ. Con chó đen cao lớn như chú nai sừng, cổ đeo lắc bạc đính gia huy, đẹp như hoàng tử nhà chó. Còn ông chủ hốc hác tựa bộ xương phủ lên lượt da xanh rớt với chiếc áo khoác bóng như phết một lớp keo dán chưa kịp khô, đôi mắt nâu nhợt như hai trái táo rụng lâu xuống nước, nhe hàm răng thưa vàng rơi rụng.
Tủ ngóc ngách hộp đêm trời ơi nào đó bỗng bốn năm cô gái chừng mười sáu mười bảy trên người chỉ có may-ô, quần soóc ngắn lảo đảo bùng ra phả ra hơi rượu chua loét và cần sa khét như cứt gà sáp cháy. Nhan sắc mảnh mai nõn nà khiến tôi ngỡ đấy là đám vũ nữ vừa tàn đêm từ hậu cung của một sultan…
Cô nàng đeo khoen mũi chật chưỡng vươn tay, chưa kịp né thì đôi môi cô đã trượt xuống cổ tôi lạnh ngắt. May, một người đi cùng kịp thời gỡ cánh tay cô, giải thoát cho tôi.
4.Từng cùng Chị tầm bới đồ chợ trời Brussels - chợ trời đồ cổ lớn nhất châu Âu nên tôi chẳng mấy tiếc không gặp phiên Montreuil.
Chợ trời Montreuil nức tiếng đa dạng, cận kề Paris nên được nhiều người chú ý. Một nét văn hóa đặc sắc gợi nhiều chiều chạm đến đời sống mới cũ. Vật dụng tạp trong nhà ngoài trời liên quan đến con người không dùng đến đều mang ra chợ trời. Không ít nhà sưu tập kiếm được ối thứ mua một hai euro bán lãi vài ngàn. Dân săn đồ cổ Việt dường như chẳng mấy phiên là không cày ngang, lộn dọc tầm nã đồng hồ cổ, xe đạp, xe máy cổ, đèn, quạt. Chợ thường họp vào cuối tuần trên khuôn viên lát bê-tông, liền kề bãi đỗ xe và trồng cây dẻ hàng lối nghiêm ngắn, tạo những ô vuông đủ để căng lều bạt. Khoảngmặt bằng được các nhà sách Paris và Montreuil chiếu cố lôi nhau ra đấy tổ chức hội chợ. Sáng sáng ngồi trên tầng 2 phòng buffet khách sạn Ibis nhấn nhá thứ café loãng tệch như café tráng cốc xứ Việt tôi gắng hình dung quầy sách ông bạn Nguyễn Việt Hà, từng tham dự năm trước giữa vuông cây xanh nào… Họ ngoảng mặt sang Ibis hay hướng về phía tháp Eiffel nghễu nghện đón đợi những bạn đọc tiềm năng ghé thăm bàn sách?
Ai mê nhạc phẩm Phiên chợ Ba tư nếu ghé Montreiul thăm chợ Arab thì ít nhiều được đắm trong tinh thần của nó.Người Arab bán hàng Arab cho người Arab.Có đủ mọi duy trì đời sống, thiếu chăng là những sóng cát, bước chân lạc đà và bóng cây chà là chập chờn ốc đảo…
Vắng cây nhưng trái chà là khô nguyên chùm bao giấy sáp nâu bày mọi cửa hàng tạp phẩm. Nồng đa hợp hương của nước hoa phụ nữ, của đinh hương, hoàng đàn, bột nghệ, bạc hà, bột quế, nhục đậu khấu cộng hưởng với âm thanh bán mua thẽ thọt cùng nhiệt độ cơ thể người dồn tụ. Ám ảnh ánh thẳm mắt đa tình cam phận sau vành khăn choàng đen... Chợ Arab - chợ người đàn ông làm chủ. Ngó góc nào cũng mặt râu hùm hàm én đứng quầy.Ông già đạo mạo, sau giá móc quần áo phụ nữ lòe loẹt, ghi giá loại 3E loại 4E. Cậu thiếu niên chăm chú lật ngửa thùng carton bày bán mấy chai nước hoa, mấy thỏi son, thật giả lẫn lộn giá từ 1 E đến 33 E. Gã trung niên - chủ chiếc xe tải quan trọng đầy ự hàng điện tử.Ai ai cũng tự hào thiên chức bán buôn nuôi gia đình. Nụ cười tươi trên môi, họ vồn vã giới thiệu mặt hàng. Khách mặc sức lựa chọn, bới lục. Mua hay không mua, người bán không suy chuyển sắc thân thiện. Như muôn chợ tỉnh, người ta có thế mua ở đây từ cây kim khâu, cuộn băng dính, chiếc khóa valise, con dao nhựa, thìa nhựa, ống hút nước giải khát, đến thịt cừu, thịt gà, hải sản, hàng điện tử, giày dép, mũ, túi, khăn choàng… hương liệu, gia vị…
Đồ Arab rẻ cạnh tranh chẳng khác hàng Tàu, nhưng chất lượng trội hẳn vì sự an toàn cho người sử dụng.Sản xuất hàng tiêu dùng gia tăng công nghệ mà vẫn tiếp nối giá trị truyền thống hàng ngàn năm. Cước vận chuyển từ Bắc Phi sang Pháp rẻ hơn hơn cả trăm lần so với Trung Hoa. Ít ra thì người Arab họ còn tin có đấng Allah sẽ thưởng phạt công minh. Một niềm tin phổ quát thống nhất trong cộng đồng.
Khay trái vả mọng đỏ, hồng sắc ngọt, nhắc nhớ tới cây vả chết khô mà Chúa Giê-su đã quở(*"Trong "thánh kinh Ma-thi-ơ" 21.18-22", có ghi: "Sáng mai khi trở lại thành thì Ngài đói. Thấy một cây vả ở bên đường, Ngài bèn lại gần, song chỉ thấy những lá mà thôi, thì Ngài phán cùng cây vả rằng: Mày chẳng khi nào sinh ra trái nữa! Cây vả tức thì khô đi.” Chùm chà là khô quánh màu sáp ongtrong tay đàn ông vừa bán hàng vừa bỏ tọt từng trái nhai bỏm bẻm.Cốc uống trà thủy tinh đen khảm vàng, khảm bạc, tinh xảo, được các ông nhấc lên đặt xuống.Bánh ngọt nức ngậy mật ong, trái cây rực như vồng hoa hút mắt đám trẻ choai. Khăn choàng, áo choàng mịn mượt viền đăng-ten thủ công. Giày lộn da khâu tay. Thảm len hoa văn rối mắt, từng giấu giếm bao bước chân trần trinh nữ. Vòng cổ lánh ánh bạc, vòng tay vàng chói như vẫn còn đang rung ngân trong nhịp điệu bellydance… ngây trầm hương. Nhộn các bà, các cô ướm thử.
Tất từng ấy phô bày bên lối đi như vừa được nàng Sheherazade mang ra từ cung điện vua Arab. Còn tôi như kẻ mộng du bước trên nền gạch xi-măng Montreuil mà tưởng đang loay hoay rút chân trên cát bỏng.
Bên quầy mỹ phẩm, bà người Ấn chủ cửa hàng trên phố lớn tôi vừa ghé hôm qua quen mặt, đang thì thọt thử hương mấy chai nước hoa. Liếc qua cũng biết chúng là sản phẩm biếu khách dùng thử, nhưng bằng cách nào đó chúng lại có mặt ở đây để bán…Đồ hiệu ở cửa hàng lớn không nhất thiết phải đi thẳng từ nhà phân phối chính hãng! Đó cũng là một chân lý ở Montreuil.
Đứng giữa chợ Arab tôi hiểu không phải nơi nào người thu nhập thấp cũng nhắm mắt chấp nhận hàng rẻ của Tàu. Ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng Arab ở Pháp quả là đáng nể.
Hàng hóa niêm yết giá theo từng chủng loại y trong siêu thị. Không có chuyện mặc cả. Dường như lưu dân Arab bằng lòng với lãi suất mỏng manh từ những món hàng vài ba E hơn là những toan tính lớn.Và sự bằng lòng ấy, lại được nước Pháp làm bệ đỡ cho sự yên phận ấy ngày càng yên phận…
5.Tòa biệt thự xây gạch đỏ tràn hoa anh túc đỏ dại trước sân, vẻ xa hoa lạc lõng giữa khối phố lúp xúp không khỏi khiến tôi thầm so với những biệt thự phố Tây ở Hà Nội. Cảm giác, quen lạ bâng khuâng như hơi nóng lạnh len qua kẽ tay. Tôi bỗng nhận ra trước sân cỏ đặt hai quả cầu mang hí họa mặt người.Hai gương mặt đang trò chuyện. Đằng sau hai quả cầu một dòng chữ: hãy giữ lấy điều anh biết cho riêng anh. Một nhắc nhở hàm ngôn của mafia Montreuil. Liệu hồn, những gì anh nhìn thấy ở đây khôn ngoan thì hãy giữ cho riêng anh. Quả không hổ là mafia của nước Pháp văn chương. Chữ bề bề chữ, đâu cần giơ con dao khẩu súng dí vào đầu người ta lạnh lùng kiểu Ý: Omerta! Khu xưởng hoang, những bức graffiti gai góc đen đỏ chiễm lĩnh mọi bứt tường.
Những chiếc xe sẫm màu, tuôn khói dầu ì ạch.
Tôi vấp đám đông trước ngã ba vườn hoa tam giác. Một đám đông Á châu đi du lịch hiếu kỳ quây vòng, cổ vũ cho cặp trai gái châu Phi đang trình diễn kịch hát hay kịch truyền thống . A, ha hình như cặp đôi đang trình diễn thơ.Nàng tự đọc thơ bằng tiếng Arab rồi tự dịch ra tiếng Pháp chộn rộn thổ âm.Chàng chuyển động hình thể minh họa cho lời thơ nàng đọc.Chàng xanh lẹt màu moutarde như cây gậy chống nhảy sào, tóc tết rảnh, buộc chùm. Chàng đang lên cơn co giật, uốn mình, lúc cúi gập, lúc bật ngửa. Đôi chân vòng kiềng lắc lắc, ngoáy tứ phía. Vụt ngồi xuống, chàng ôm mặt quằn quại. Bất thần đứng lên lảo đảo, rũ vai bước đi rời rãchàng gục dưới chân nàng.
Nàng nổi váng phì nhiêu như phù sa sông Nil sau mùa lụt, mặt màu trái bơ chín, mí xanh lợt, tóc duỗi, nhuộm hoe… Áo ba lỗ đỏ bé xíu níu chặt vòng một khiến phần gốc đôi nhũ hoa phòi ra như đôi trái bàu nậm. Cặp mông cong vểnh, tưởng như chiếc quần vải lanh mắc hờ phần sau con ngựa vằn. Giữ micro bằng hai tay đặt sát cái miệng phồn thực tuôn ra chuỗi âm thanh đứt quãng u u a a, é é ô ô kéo dài. Mỗi trường đoạn diễn cảm thì cặp tuyết lê lắc qua lắc lại dánh nhịp song hành với đôi mông cong vảnh vót.Sau mỗi nhịp thơ, khổ thơ nàng lại lao vào vòng tay chiếc sào nhảy moutarde, vặn vẹo người, sau, trước, phải trái…
Cảnh huống cứ quen quen, tôi bỗng nhớ Hồ Anh Thái, từng cười mỉm: ”Một nhà thơ nữ Indonesia dáng vẻ như vận động viên, một nhà thơ Malaysia tóc bù xù hầm hố, một nhà thơ Brunei ủ rũ... khi nhảy lên đọc thơ như biến thành người khác, rũ đầu xù tóc vung tay gào lạc giọng. Ấn tượng nhất là một nhà thơ mời anh bạn thân lên cầm tập thơ đọc phụ họa với mình. Ông xướng bùm bùm bùm, anh bạn họa tặc tặc tặc. Hàng trăm bùm bùm tặc tặc... Một chuỗi vụ nổ những từ tượng thanh.”
Ui, thì ra tính hí kịch thơ ca Á-Âu chung bóng dáng đã được ông nhà văn tinh quái đọc vị tám hoánh rồi.
Trên tấm vải sọc vằn da ngựa, trải dưới đất, lịch kịch một vài xu lấp lóa ánh đồng đáp xuống. Chút tiền đắp đổi, để hồi sinh năng lượng cơ bắp thì quá tượng trưng mà để hàm ơn thì ca thì nó lại là điệu mạ lị.
Anh chàng gốc Algérie từng học Văn chương Đại học Paris VII giờ đi bán kem, nhún vai bực bõ vì người đứng che kín lối vào nhà hàng.
- Ở châu Phi nóng quá, đầu họ không chịu được. Phải mò sang đây để trình diễn thơ cho hạ nhiệt.Mười năm nay, chưa tuần nào cái vườn hoa này được yên ả.
Nhìn tôi túi đeo, túi xách, anh chàng Algérie giãn đôi lông mày hỏi:
- Cán bộ sứ quán à ?
- Chẳng lẽ tôi giống cán bộ sứ quán danh giá lắm sao? Tôi cảnh giác vặn lại, anh chàng bị làm khán giả bắt buộc lơ đi, bỗng cảu nhảu:
- Châu Á chắc hiếm người điên khùng. Sang du lịch bên đây ai cũng cổ vũ cho đám nhà thơ trình diễn.Hừm, thơ thì trước hết phải thuộc về nghệ thuật ngôn từ chứ đâu phải uốn éo phô phang hình thể gầy béo. Các vũ công nhà hát Paris học hành mười mấy năm múa may nhiều lúc xem còn thấy ớn nữa là các nhà thơ thế giới thứ ba hoàn toàn mù tịt về nghệ thuật biểu đạt cơ thể dám liều mạng gọi là trình diễn thơ ! Ha ha ha các nhà thơ thì đi múa còn vũ công đi tìm ý nghĩa vần điều ngôn từ...
- Công dân Montreuil tha hồ thưởng thức nghệ thuật không mất tiền ông còn kêu ca gì…
- Chẳng có thứ miến phí nào lại bổ béo ngon lành. Miếng fromage miễn phía bao chỉ có ở trong bẫy chuột…Nghệ thuật miễn phí ngày ngày chúng tôi sắp ngộ độc nghệ thuật cả lượt...
- ???
- Ôi dào, ông không biết đâu. Montreuil không thôi đã có hơn 300 nghệ sĩ trú ngụ…chủ yếu là vẽ tranh và điêu khắc…
- Cơ gì mà giới nghệ sĩ lại kéo đến đây như bầy ong đánh hơi thấy mật hoa vậy?
- Montreuil dành riêng một khu vực để các nghệ sĩ trong nước và nước ngoài có thể triển lãm, trưng bày mọi hình thái tác phẩm thể nghiệm phi lý điên rồ nhất mà không phải trả bất kỳ khoản chi phí nào. Người bình thường một khi đã chọn Montreuil trú ngụ, thì có nghĩa họ đã đặt bước cuối đường hầm số phận. Có lẽ đây là nghệ thuật quản lý của nhà chức trách. Bà thị trưởng Montreuil rõ hơn ai điều này, nên thể tất cho mọi sự trớ trêu, mở van xả stress cứu rỗi mỗi cá nhân và tạo sự an toàn cho xã hội. Ai cũng có thể cất lên tiếng nói của mình trong không gian chung… Nguyên lý được thể hiện cái tôi ngôn ngữ, được trưng bày, biểu diễn tác phẩm vẫn tốt hơn là không được lên tiếng. Còn tác phẩm hoặc triết thuyết có thuyết phục, có ai tán thưởng hay không lại là câu chuyện khác.
Montreuil- không gian phi thực đáng mơ ước của mọi khuynh hướng văn học nghệ thuật. Ngẫu nhiên nó là thành phố sinh đôi với Paris nhưng thuộc chiều âm của mọi phương diện. Dù muốn dù không thì cuộc sống nơi đây vẫn diễn tiến hoặc hân hoan chốc lát hoặc đau khổ triền miên trên đống rơm của rối rắm, bất an, bất trắc….
Cải huấn Montreuil, chính khách Pháp không thiếu tiềm năng. Nhưng cải huấn để làm gì khi muôn vàn Montreuil chạy tứ tan gieo rắc mảnh vụn Montreuil khắp đất nước? Tập trung rác bụi một chỗ quản lý chẳng tiện hơn sao !
6.Tiệm ăn Turkey dưới chân mười lăm tầng khách sạn Ibis dăm phút đi bộ, kể cả đụng đèn đỏ và băng đường. Gần chỗ ở, hợp túi tiền, hơn nữa thịt cừu tươi nhập khẩu trược tiếp từ Bắc Phi đậm khó cưỡng, nên ba ngày liền, ít nhất một bữa trong ngày tôi làm thực khách của ba anh em trai người Turkey. Chỉ lần thứ hai tôi trở lại, họ đã tươi cười chạy ra đón tận cửa..
Người Trung Hoa chuộng màu đỏ, và người Turkey xem chừng sự yêu thích này có phần trội hơn. Tấm biển hiệu đã đỏ chói. Nội thất quán, hình ảnh mỗi món ăn đều có sắc đỏ của thịt cừu, cà chua, đều đặt trên nền màu đỏ. Nhân viên phục vụ trang phục đỏ. Bàn ghế đỏ. Vuông vuông, bé bé.
Anh cả- Chủ quán ngoài 50 lừng lững như con hà mã, đeo tạp dề đứng bếp. Chú út thấp bé phụ việc, mắt lác. Anh hai bồi bàn, đón khách xong, ngồi bóc tỏi bằng cách tẽ từng tép thả vào chiếc hộp nhựa, vặn nắp lại rồi không ngừng xóc qua xóc lại cho vỏ khô bao tép tỏi bung ra. Trong góc phòng ăn, người đàn bà phúng phính váy áo khăn đen vẻ vừa thờ ơ vừa khao khát nhìn đường phố giữ bé gái lẫm chẫm đi trong vòng tay kiểm soát…
Thực đơn hình ảnh treo ngay bên quầy bếp. Thủ pháp điện ảnh đã cứu rỗi mọi bất đồng ngôn ngữ giữa chủ khách dường như đã phổ cập mọi tọa độ du lịch thế giới.Thịt cừu nướng xiên, và xúc xích cừu tươi. Cơm gạo miến, khô xoăn. Bánh mì dàn mỏng, nướng bếp lò, không khác thứ bánh mì thời bao cấp miền Bắc, nhồi chay không bột nở, rồi áp lên chảo lót lá chuối tươi. Khoai tây chiên. Xà-lách xoăn. Nước xốt màu trắng sột sệt, điểm hạt lấn tấm đen, nhưng vị không nổi trội. Đồ uống kèm luôn là nước quả, coca, pepsi không ga. Sau bữa tráng miệng nước trà đen ngọt quánh, nực hương bạc hà…
Nghe nói với thức ăn truyền thống đó người đàn ông Hồi giáo ngồi lỳ ở hiệu buôn cả ngày, đến tối tối vẫn dư sức phục vụ ba bốn bà vợ mâng mâng không ai phải phàn nàn.
Đợi tôi dùng đụng dĩa hăm hở, đầu bếp mới tự tin tiến đến.
- Có hợp khẩu vị của ông không?
Thịt cừu tươi chế biến đặc sắc hết mùi cừu, tất nhiên là hoàn hảo. Mọi chuyện đều ổn, trừ món khoai tây chiên đẫm dầu bữa nào cũng được chú em út ông quán bày chất ngất như đụn rạ cả đĩa. Tôi yêu cầu không phục vụ khoai tây chiên nhưng nhà hàng từ chối. Thành phần thực đơn của món tôi gọi nhất thiết phải đủ khoai tây chiên. Tôi không dùng thì nhà hàng vẫn phải tiếp, không thể vi phạm luật tổ tiên và thánh ý Allah được.
Dọn bàn, phần khoai tây nguyên vị tôi chưa đụng dĩa, anh chàng bồi trút thẳng vào sọt rác chứ không bê vào cất đâu đó.
-Ông làm ăn xa thế này có nhớ đất nước không?
- Hỏi lạ nhỉ? Tôi không nhớ đất nước mình thì nhớ đất nước nào nữa?
- Sao ông lại chọn nơi đây để sống ?
- Số phận chọn thôi.
- Ờ đây ông có giàu hơn ở nhà không?
- Không. Nghèo lắm.
- Được học hành hơn ở nhà chứ?
- Tiền đâu mà học.
- Vậy sao không hồi hương?
- Bọn trẻ thì sao? Chúng toàn nói tiếng Pháp.
- Thành phần nào thường là khách của nhà hàng?
- Bất cứ thành phần nào Allah phái đến.
Buổi tối trước khi rời Montreuil, Chị đã hướng dẫn tôi đến nhà hàng thế hệ thứ 2 của người Algérie nhập cư, thưởng thức thêm sắc màu ẩm thực Hồi giáo ở Montreuil.
Đĩa sứ lớn lót xa-lách tú ụ bốn khúc khấu đuôi cừu, đuôi bò tựa bốn khổ bánh ga-tô sinh nhật, hai chiếc xúc-xích cừu tươi như hai khúc dồi lợn, hai xiên thịt cừu nướng. Một bát lớn súp rau củ đủ cho một gia đình bốn người, một đĩa lùm lùm hạt kê đồ nhồi bơ óng ả.
Người phục vụ đeo nơ tía loanh quanh phía xa, tôi chợt ngẩng nhìn là họ đã nhẹ nhàng ở bên.
- Rượu vang không vừa ý ông phải không ạ?
Không, rượu vang rất tuyệt. Không ngờ đồ ăn Algérie kết hợp với vang Pháp lại thăng hoa đến thế. Tôi định nói vậy, nhưng sợ nhà hàng chạnh lòng ái quốc, nên chỉ mỉm cười uống cong ngón tay trỏ tán thưởng.
- Cửa hàng bán rượu, ông không sợ bị các tín đồ tẩy chay sao?
- Thị phần của chúng tôi là những tín đồ nhạt đạo và khách du lịch. Xa đất nước, thì các tín đồ trung trinh nhất cũng phải du di mới sống sót được… Chính Allah đã mặc khải cho chúng tôi sự khôn ngoan này.
- Có nghĩa là ông đã cải đạo ?
- Trường hợp nào cũng có ngoại lệ mà ông!
7.Tôi nhấn nhá bữa sáng. Lắng nghe dòng xe tiến lui giữa Montreuil - Paris. Chín giờ bắt bus ra Roissy. Sau mười ba giờ tiếp theo sẽ là Nội Bài. Ấn tượng Montreuil sắp thành khái niệm những so sánh. Paris ẩn hiện qua sương mỏng. Chẳng rõ là sương hay khói.Tháp Eiffel cô đơn chân trời. Anh chàng người Mali hùng hục chúi vào đĩa bánh mì, fromage, thịt hun khói cao ngất như trái núi đá trong công viên phía lâu đài Vincennes.
Hóa ra, có đoàn bên Mali mới sang. Anh ta được mời đến làm hướng dẫn viên dẫn họ vào Paris. Ba tháng nay, anh chưa được bữa nào tử tế cả. Vừa đi học nghề sửa chữa đồ mộc vừa phải đi bốc vác ở chợ. Bên quê nhà anh ta là con một điền chủ giàu có.
- Anh về Mali mà hưởng sung sướng ở đây làm gì?
- Không, tôi không về được…
- Tại sao…
- Vì chưa tới thới điểm… Tôi phải thành đạt, phải có nghề, có tiền đã…Ở đây tôi được tự tìm đường cho mình. Tôi không phải tuân nghe những giáo điều …
Tự lự, tôi nói với anh chàng, không hiểu vì lý do gì mà công dân Á-Phi vẫn ùn ùn đổ đến Pháp chưa một ngày dừng nghỉ. Dù phải đối diện quá nhiều rủi ro. Nhiều người thế châp tính mạng, gia sản ở cố quốc, để có thẻ cư trú lâu dài. Chẳng lẽ chỉ vì mức sống ở nơi đây quá cao, hưởng thụ văn hóa quá phong phú. Xem ra không hẳn thế, chui nhủi như chuột ở Montreuil đâu phải là niềm vinh hạnh? Nếu thành đạt ở mảnh đất này, muốn đến xem một buổi biểu diễn ở Nhà hát Paris có lẽ phải đăng ký vài ba năm chưa đến lượt.
Chàng thờ dài:
- Nực cười là ở Mali, nhiều kẻ đi Paris chơi mươi hôm về cứ mang Paris ra lập lòe. Cứ như sờ vào chân tháp Eiffel là Paris đã cấp chứng chỉ bảo đảm cho sự vinh quang quê mùa, giả tạo. Ngồi nhậu nhẹt cứ mang tên mấy cây cầu chảy qua sông Seine, mấy ngôi mộ vĩ nhân đã chết từ thế kỷ trước làm chứng cho sự thông thái của mình… Ai biêt đâu, sang đây phải nằm trên đệm khai mùi chuột, gặm bánh mì cứng, uống nước máy. Huênh hoang với đám sinh viên Mali du học ngáo ngơ nói văn, diễn thơ bày thời trang. Chứ người Pháp hơi đâu họ để ý. Tôi cũng đã từng như họ - mấy kẻ tòng văn nghệ chưa trưởng thành kia..
Bỗng nhân viên phục vụ buffet tiến tới yêu cầu chàng Mali trả thêm 10E nữa. Bởi bạn chàng ta chỉ đặt phòng Ibis hạng tối thiểu. Phòng ăn hạng tối thiểu ở bên trái. Buffet hạng đó gồm bánh mì, táo, fromage và café chứ không có mấy chục món như bên phải.
Chàng Mali lắp bắp, tái nhợt, đứng dậy cố nuốt xuôi ngụm café bỏng:
- Ồ có chuyện hiểu lầm ở đây rồi.
Chàng khuất sau cánh cửa. Tôi không thể không thở dài. Dòng xe miên man ngược xuôi dưới chân. Hàng cây dẻ bãi trống chợ trời xanh ngợp. Chợt nhớ câu chuyện với Chị hồi hôm lúc đứng trước ngưỡng cửa khóa nhà ông thợ chữa phong cầm của nhà hát Paris cư ngụ. Vừa bấm chuông vừa gõ cửa. Nẻo phố dẫn vào chung cư Chị từng thuê trọ. Bầy mèo hoang đi sau bà bảo mẫu Arab dắt tay bé gái Việt tập bước bập bỗng, Chị tư lự dõi theo. Mái phố ẩm, bỗng tươi hừng chút nắng.
Không phải điều gì ở Pháp cũng ổn. Người tốt ở đâu sống cũng khó khăn nữa là Montreuil. Nơi đây luôn thách thức với mọi cá nhân. Có thể không bao giờ đạt đích tiền bạc hay học vấn. Nhưng ai cũng có quyền bộc lộ cái tôi một cách ôn hòa… được nói tiếng nói của mình giữa trường công chúng. Montreuil - dù mafia, dù mại dâm, cướp giật thế nào thì vẫn là nơi chốn con người với con người được thắp không ít hơn một giấc mơ và cũng từng ấy giấc mơ tàn…
N.T.T.K - Montreuil tháng 5 năm 2014.