1. Một vũ trụ xanh ánh tím òa xuống cổ thành Monsaraz bung biêng như chiếc yên ngựa đặt trên lưng con cá voi quẫy đuôi lơ lửng ở độ cao 195 mét. Chúng ta đang đứng trên đỉnh Monsaraz. Điểm cuối hành trình Portugal rơi vào tuần trăng giáp hạ. Xa mờ.
Khởi từ cổ kính Lisboa rồi Cascais tiếp đến Evora với Casa DA Governador sương khói. Sau khi biết thế nào là thành đá đen Monsaraz chúng ta sẽ quay lại Evora trầm mặc đáp bus tốc hành về Lisboa kết lộ trình dự tính.
Đây, xứ sở của những nhà thám hiểm gần sáu thế kỷ trước từng giương buồm dọc ngang các châu lục. Cậy duyên Chị – ái nữ vị thuyền trưởng cầm lái con tàu vượt đại dương đầu tiên của Việt Nam, ta có cơ hội ngược hành trình khám phá quê hương của những người đã khám phá thế giới. Giấc mơ Portugal đã sắp đặt số phận ta bên Chị. Tuổi thơ ta thiếu vắng cánh buồm khi chạm bờ biển Đông đã ám ảnh những cái tên: Bartolomeu Dias, Vasco da Gama, Ferdinand Magellan.
Có Chị, tâm tư ta được gieo cấy thêm hình ảnh lửa trại với món churrasco trong rừng sồi bần, rừng olive cổ, thưởng ly rượu Porto để nghe sương rơi lạnh lưng áo, nghe thì thầm bước thấp bước cao dưới trời sao vô tận, đón những buổi bình minh rùng gió lạnh trên tường thành thấy biển nhồi sóng, trên granit hồng nham nhở đỉnh núi máu ứa chân mây.
Thinh không sáng buốt. Viền chân trời mờ nhức. Gió lướt dao cạo. Ta tham lam những muốn tan thấm vào cỏ hoa đất đá nơi này và muốn phiêu vân như cánh nhạn Monsaraz cô độc mà hét to một tiếng để tin rằng mình không mơ ngủ…
Từ Evora đi Monsaraz phải đổi vài lần bus. Nếu Anabella và con gái không nhiệt tâm thì chắc mình vẫn đang ngác ngơ ở ngã ba đường nào hỏi thăm đường. Người quản lý của Casa DA Gouvernador xin nghỉ nửa buổi đánh chiếc Fiat sứt sẹo đưa chúng ta vượt vùng trung du sỏi đá và cỏ hoa hơn trăm cây số lên đỉnh cổ thành với vài chục euros tượng trưng… Có thứ lòng tốt cần điều kiện. Nhưng với hai mẹ con thiếu phụ Bồ, lòng tốt là lẽ tự nhiên. Bởi họ là người làm công lương thiện, tự bằng lòng với những gì không thể…
Giờ thì sương chiều đã đổ, Anabella và Katia chắc đang nấu bữa tối trang trại mà cũng có thể đi đón cậu con trai út ở trường cách nhà năm ki-lô-mét.
Sau những ngỡ ngàng cổ kính Lisboa, lóa mắt Cascais sóng Đại Tây Dương, mình trượt qua những tọa độ bạch đàn cằn cỗi sắc vuốt cỏ gai, lau sậy. Sồi bần xùm xòa. Hoa xoan biếc tím sắc oải hương. Phế thạch La Mã Evora thờ nữ thần Diana. Trĩu mọng quýt cam nhen hương hoa mùa mới bên hông nhà thờ. Lấp ló bờ tường dinh thự rêu phong. Nơi con đường lát đá, lảo đảo gã trai ôm vai bạn gái nhao ra khỏi quán bar còn chông chênh tiếng ghi-ta giai điệu fado chếnh choáng vị vang thanh ngọt.
Portugal – Không thể tính chúng mình đã băng qua bao núi, bao suối sông, những mái phố giao tranh, những chặng chuyển đường bay, đổi TGV, lên xuống tàu điện ngầm, bus, taxi và gò lưng ba-lô sưng chân cuốc bộ. Phải xê dịch đến độ nào đó thì người ta mới hiểu ý nghĩa câu nói: Kiếm bạn đồng hành tương hợp đến một nơi xa lạ khó hơn vạn lần kiếm người song hành với bạn cả đời.
Giờ là lúc mình nâng ly vang Monsaraz trên đỉnh đá cổ thành Monsaraz, trước sớm mai khi nói lời từ giã với những người bạn Bồ Đào Nha lam lũ và chân tình...
2. Nhớ không Chị, vẻ ngơ ngác của chúng mình trên chuyến bay Paris – Lisboa? Dân cư Bồ làm việc ở Pháp về hè lô lốc người thân bìu ríu. Hành lý lổng chổng. Trẻ con rướn khóc. Người già ho khan. Máy bay mà giống như chuyến xe bus nội đô Lisboa. Tiếp viên nam TAP Portugal body như danh thủ bóng đá Cristiano Ronaldo, cởi mở đấy nhưng lạnh. Tiếp viên nữ, khuôn mặt bầu bầu đặc trưng, tóc nâu, mắt nâu, tất tả.
Đồ ăn của TAP với ta khó như nhai cao su xốp. Chị thử kem và hộp nước quả, gật đầu: Thứ này không tệ.
Mưa òa khi đáp xuống sân bay Lisboa. Vòm trời tê xám nhào lộn vài cánh nhạn biển. Lòng chợt mềm trước mưa. Muốn xích lại tay cầm tay, chạnh buồn với những ý nghĩ rời vụn. Chúng tôi từng đếm những chuyến xuyên mưa xuyên nắng. Qua chuyến này lại đau đáu chuyến sẽ qua chuyến chưa qua.
Ga bay Lisboa yên, sạch, góc nào cũng inox và đá marble đen trắng. Phiền nỗi check-out đôi tiếng, hết đứng ngồi ra vào toilet chồn chân vẫn không thấy hành lý xuất hiện trên băng chuyền.
Taxi từ sân bay vào trung tâm Lisboa vượt những con dốc nghiêng người. Nhà khối cao tầng, vàng sém, tẻ nhạt dàn hàng ngang. Bóng cây cô độc. Ngã ba góc đèn đỏ, Chị giật mình: Ơ một cây xoan. Ánh nhìn chợt vương sắc tím rưng rưng.
Mỗi lần dừng đèn thì kiến văn của người sống 25 năm ở Pháp giúp tôi có thêm những mảnh ghép Lisboa. Thủ đô Portugal cũng thiêng như thành Roma, cả hai đô thị đều được xây dựng trên địa mạo bảy ngọn đồi và bên một con sông. Lisboa, còn gọi là thành phố của bảy ngọn đồi, nằm bên cửa sông Tagus, được công nhận là thủ đô của Bồ Đào Nha từ năm 1260, dưới những cái tên Olisipo, Lissabona.
Lisboa phổng phao chói lóa hào quang sau ngày Vasco de Gama tìm thấy con đường hương vị sang Ấn Độ (Calcutta) và các mỏ vàng được khám phá ở Basil. Thuyền thương thế giới đổ về Lisboa và từ Lisboa tỏa khắp thế giới. Các hội sở trao đổi gia vị, tơ lụa vàng và đá quý…
Buổi sáng Lễ Các Thánh ngày 1 tháng 11 năm 1775, con chiên đang cầu nguyện thì trận đại địa chấn chồm dậy từ âm ti. Lisboa bị Chúa rút thảm dưới chân. Nửa đô thành hóa gạch vụn. Sóng thần cuốn tàu bè dìm đáy biển. Hỏa hoạn thiêu thành phố ba ngày chưa tắt…
Giọng Chị chới với thoát ra khỏi những ám ảnh. Mỗi đô thành cũng như cá nhân, nào tránh được những trầm thăng phận số. Đầu thế kỷ XX, Lisboa thực chứng vụ ám sát vua Dom Carlos như cuộc đảo chính không đổ máu. Năm 1974 trên họng súng mỗi người lính cắm một bông hoa cẩm chướng đi diễu hành đã lật nhào nhà độc tài toàn trị Salazar.
Duy trì sự độc đoán nhiều năm, nhưng Salazar có công tạo sự ổn định chính trị, kinh tế phát triển và lèo lái đất nước đứng ngoài cuộc chiến Thế giới thứ Hai tàn khốc.
Những lát cắt Lisboa chớp lóe như ánh đèn pha lúc gần, lúc xa. Xe bám xe cách nửa vòng bánh, chen chúc như bầy cá da trơn mắc cạn phì khói dầu. Không hiếm Mercedes, BMW. Đa số là xe thương hiệu Pháp và Fiat Ý phân khúc hạng C dành cho đô thị. Thời gian thiếu mười phút là tròn một giờ, taxi thanh toán hết 35 euros.
Tan cơn mưa chiều. Bữa tối đầu tiên Lisboa của mình bên sông Tagus. Gió hơi nước ngang lúc mặn lúc lợ. So với Paris, năng lượng chiếu sáng Lisboa như con đom đóm đặt bên bóng điện. Thừa mứa hạng nhà hàng tầm tầm, đơn điệu nội thất, nhân viên đi vào đi ra dờ dật. Có lẽ bao nhiêu du khách thì bấy nhiêu nhà hàng. Trai đẹp gái xinh. Du khách ngắm du khách đi bên bờ sóng trong ánh sáng ảo mờ. Cột buồm du thuyền chao đảo ngoáy lộn như rừng cọc đang bị lay nhổ. Dù dòng Tagus trôi như không chảy…
Bồ Đào Nha – Nơi các dòng sông khơi nguồn cảm hứng cho các kiến trúc sư Bồ và thế giới trình diễn kỹ thuật và mỹ thuật ứng xử với bê tông sắt thép nối nhịp đôi bờ ngăn cách. Vòm cầu 25 tháng 4 xiên ngang sông Tagus như lối lên trời, công trình của các kỹ sư Mỹ thiết kế đang gánh đỡ ầm ầm xe lửa ô-tô. Một phiên bản cầu Cổng Vàng của San Francisco với kiểu dáng và cả màu sơn đỏ tịm. Cầu Dona Maria Pia bắc qua sông Douro ở Porto do kỹ sư huyền thoại Gustave Eiffel tạo tác từ thế kỷ trước. Cầu Vasco de Gama, cầu treo dây văng lớn nhất châu Âu dài 17.2 cây số. Niềm kiêu hãnh của Lisboa nhưng cũng được người Pháp, người Anh hỗ trợ tài chính, kỹ thuật thông qua nhà thầu Lusopnte.
Cảm giác giữa những cây cầu và những công trình kiến trúc khác của Lisboa có điều gì hơi khập khiễng, thiếu liền lạc. Đô thị bên bờ biển vốn xây dựng để phòng thủ. Còn những cây cầu lại cố gắng phá vỡ, vùng vẫy thoát ra khỏi điều ấy.
Trong quầng quang đầu cầu phía bên kia sông, tượng Chúa Jésus đứng trên đồi cao dang rộng hai cánh tay như chở che, tha thứ mà cũng như đang than khóc cho tội lỗi con người. Chúa ngự tọa độ nào vẫn vậy: Trên núi Tao Phùng nước Việt, Chúa ở Ba Lan, Chúa ở Peru hay ở Rio de Janeiro đỉnh núi Corcovado cao 700 mét… Chúng sinh vẫn một lòng phó thác. Dưới bến bầy thuyền đua như đàn thiên nga khổng lồ xếp cánh ngủ. Ngoài cửa biển, những chuyến tàu lỡ con nước triều, dập dềnh chong đèn chờ bến… Cô gái cầm bông hoa cẩm chướng ngẩn ngơ. Hải cảng dọc bờ Tagus, có còn không dấu con tàu Việt ngàn tấn ngày xưa ba Chị cầm lái chưa hẹn ngày trở lại?…
Món churrasco đã bày.
Ở Bồ Đào Nha, churrasco là một trong những món được du khách rỉ tai nhau thưởng thức. Đặc sắc phần thịt picanha – lấy từ mông bò. Thịt cắt miếng to như chiếc bánh mì tròn ướp đặc vị gia truyền khẩu vị người Bồ, nướng than củi làm nên biến tấu đặc trưng của món nướng Bồ.
Đầu bếp trong khi quạt than củi thực thi món nướng nhướn mắt vào trận đấu giao hữu của đội tuyển Portugal trên tivi mà không bị quá tay. Hai xiên churrasco sém cạnh vừa phải, sủi mỡ trong bề mặt miếng thịt màu gan gà vẫn được bày ra đúng lúc. Xà lách xanh, cà rốt, cà chua bi nướng, lá cần tây, nấm, salad mì ống, cơm súp đậu đen feijoada dân dã… Và hai ly vang tím sẫm như bóng đêm huyền bí sánh bọt chờ bập môi…
Ta hấp tấp cắt ngay miếng đầu tiên, nước ngọt ứa sánh tràn sứ trắng, phóng tay lật miếng lăn vào nước sốt… một hai giây rồi đưa lên, miệng há to bập vội. Cha chả, sao mà ngon… sao mà nóng… nóng như ngậm than… Chị đã cười độ lượng.
3. Buổi sáng ấy sông Tagus lờ đờ, Chị nhỉ. Sương mờ lướt thướt ngang sông. Nắng ngày mới nhuộm hồng tượng Chúa. Vài ba người đàn ông cởi trần ném lưỡi mồi hy vọng tít ngoài xa chờ cá cắn câu. Người đàn bà choàng khăn voan hoa lớn bán đồ lưu niệm ngáp dài thu lu trên ghế nhìn tôi như kẻ lạc loài.
Chị thì thào:
– Nếu bà kia chào mời thì đừng lên tiếng. Di-gan từ Lỗ Ma Ni đấy! Tích tắc bà ráp lại gần là phải giữ chặt lấy đồ… Đàn bà trẻ con sẽ quấn lấy mình…
Hơi thở tôi hãy còn nguyên vị cam tươi tinh chiết từ đất cằn những sườn đồi dốc đá. Cảm giác tôi vẫn ngân nga hương quế bánh pastel de belem. Tháp Belem – di sản văn hóa thế giới, năm tầng như quân cờ Vua, biểu tượng của Lisboa thời kỳ thám hiểm, trấn giữ bình an cho thành đô. Một thời là trung tâm điện tín, một thời thắp đèn giương cao làm ngọn hải đăng và cũng từng giữ trọng trách ngục thất của kẻ phạm tội…
Thuận theo dòng Tagus, tôi thinh lặng trước tượng đài Khám Phá (Padrao dos Descobrimento). Khám Phá – dáng chiếc thuyền đang lướt sóng vươn ra không gian chếnh choáng của sóng và trời xanh, bên kia sông Tagus, Chúa dang tay đón chờ. Cây Thánh Giá đỡ cột buồm cao vút. Hoàng tử Henri the Navigator nâng mô hình chiếc thuyền buồm dẫn đầu 32 danh nhân bất tử của Poutugal xếp hàng từ hai mạn lá buồm băng lên. Ấy là Vasco de Gama, người mở đường sang Ấn Độ, Pedro Alvares Cabral tìm ra Basil và Ferdinand Magellan đã đi vòng quanh thế giới cùng các quý tộc, nhà bản đồ học, nhà khoa học, nghệ sĩ và các nhà truyền giáo – những con người vĩ đại của thời tiên phong nới rộng không gian văn minh thế giới…
Quốc gia biển nào cũng tự hào về những vị thuyền trưởng quả cảm và tài trí. Xứ Bồ đương nhiên không thiếu đẳng tinh hoa ấy để tự hào. Và Chị có niềm riêng kiêu hãnh về người cha, vị thuyền trưởng Việt đầu tiên mở đường đến các hải cảng Tây Âu. Cảng Lisboa cũng là nơi ghi dấu chân vịt con tàu khổng lồ của ông thả neo khua sóng và bàn chân đặt bước lên bờ. Nơi lâu đài St.Georges, trên ngọn đồi cao nhất Lisboa, Chị tặng ta tấm phù điêu đá cát kết hình ảnh con tàu Ferdinand Magellan đi vòng quanh thế giới.
Ngược sáng, mặt trời tưới hào quang xuống tượng đài Khám Phá cao tương đương hai mươi tầng nhà. Tôi lẩn thẩn một chút triết gia. Có lẽ văn minh nhân loại sẽ chậm bước hơn, nếu không có những công dân Portugal đang dầu dãi trên cao kia. Mỗi quốc gia, mỗi con người nếu không tham vọng sôi sục khám phá bản thân, khám phá thế giới, thì trái đất hiện giờ ra sao?
Gió ào mang cái lạnh mùa xuân Đại Tây Dương. Sóng vấp bờ kè tung bọt nước như kim cắm vào da thịt. Chị khép áo măng-tô:
– Tượng đài Khám Phá là một trong những tượng đài độc đáo, ấn tượng của thế giới và là tượng đài hiện đại mỹ điệu nhất Portugal tiếp nối tinh thần cổ điển. Bởi nó kết hợp hoàn hảo các khối tròn, tả thực truyền thống với những khối hộp hiện đại khối cong phóng khoáng. Chẳng hiểu ngẫu nhiên hay trùng hợp, hay người Bắc Hàn copy kiểu dáng Khám Phá để tạo khối công nông binh trên quảng trường đặt tượng hai cha con Kim Chính Nhật. Thế vào cột buồm, cây thánh giá và mũi tàu là lá cờ giương cao, dưới hai bên lá cờ hai khối người hùng hổ xông lên…
Ngoài ý nghĩa tinh thần của Khám Phá, người Bồ ý thức cả vấn đề sử dụng vật liệu xây dựng tượng đài bảo đảm một trăm phần trăm Bồ. Tham quan tượng đài Khám Phá được giới thiệu luôn công nghiệp xi măng của thành phố Leiria và granit đen, granit hồng tạc tượng, điêu khắc bản đồ thế giới và lát vân sóng quảng trường, xuất xứ vùng Sintra trên dãy núi cùng tên dài mười cây số.
Mình lần bước lần những bậc thang cẩm thạch ẩm hơi sương từ bờ sông Tagus bước lên quảng trường Thương Mại (Placa do Comercio). Gót giày vang như tiếng gõ ván nắp quan tài. Quảng trường xây cất dưới thời Marque de Pombal sau thảm họa động đất năm 1775. Âm thanh đổ vỡ gây chết chóc đã lặng câm lòng đất nhưng chưa thôi ám ảnh. Nước Bồ nhân danh Chúa làm không ít điều tử tế, nhưng cũng quá nhiều điều bất đạo với chúng dân thuộc địa. Đến khi vàng son tột đỉnh, nước Bồ đã sụp khóc nức nở dưới chân Chúa vì thói kiêu ngạo…
Ba mặt quảng trường bủa vây những tòa khối kiến trúc tân cổ điển, văn phòng các bộ và các nhà hàng sang trọng. Âm khí chờn vờn trên những đám mây xám bỗng sà thấp. Giữa quảng trường Hoàng Gia, tượng vua Josei cưỡi ngựa như một bóng ma đen… Trên Khải hoàn môn vẫn những Vasco de Gama, Marqué de Pombal ngự trị. Sự tôn sùng thái quá những cá nhân có công, đôi khi cũng khiến tôi khó chịu thay cho lịch sử. Sử dụng vĩ nhân để nêu gương, nhưng dễ sa đà áp đặt khuôn mẫu quá khứ cho tương lai. Tôi cũng không vui khi đứng không xa nơi vua Carlos I và người con trai trưởng của ông ta ngã xuống trong vụ ám sát vào năm 1908…
Đằng sau trung tâm không gian quyền lực kia, là số phận của bao con dân chính quốc, thuộc địa và các trí thức, các văn nghệ sĩ, các hoàng thân, vua chúa của Portugal đã đánh đổi cả sinh mạng và danh dự mới đắp đổi được hình hài lổ đổ rêu phong mới cũ bây giờ.
Nắng như thoa mật ong lên da mà lại rát mặt. Khoác áo thì nóng, cởi vắt vai thì lạnh. Thảo nào, là tộc người da trắng, nhưng gương mặt cần lao của người Bồ lại sẫm màu mật mía. Nóng ban ngày, lạnh khi đêm. Độ chênh nhiệt khá lớn của khí hậu Địa Trung Hải khiến ai phơi mặt dưới mặt trời đều có làn da nâu rám.
Du khách như mối vỡ tổ tóa ra từ xe bus, xe tram, tuk-tuk, taxi phủ kín bước chân khắp quảng trường. Họng khô khốc đến muốn vục cạn dòng sông Tagus. Bùng nhùng túi đeo, khăn áo, vừa may mình đụng chàng bán giải khát bảnh chọe trên chiếc xe thùng mở cửa ngang. Lủng lẳng cam tươi, quýt thắm, chanh vàng, rau bạc hà trồng hộp nhựa, và gừng, và ớt…
– Thử vị nước chanh Bồ xem sao nhé…
Mỗi cốc vắt một quả chanh vàng to như bưởi Diễn. Nước chanh nguyên chất sánh như dấm chuối. Cạo, đập dập củ gừng, thả thêm nhánh bạc hà vặt trong hộp nhựa treo toòng teng sau lưng. Cắm ống hút. Xong nhé. Một euro một cốc đại. Hai chúng mình bỗng cùng bật kêu và lè ra ngụm nước chanh chua khé họng xói tận óc. Chủ quán thêm bốn năm thìa đường đỏ mà mình vẫn nhăn nhó, rùng mình.
Lục túi lôi tấm bản đồ, Chị an ủi:
– Thôi đành đi kiếm gì ngòn ngọt. Hay là gọi taxi đến Quảng trường Dom Pedro IV mạn Baxia trung tâm Lisboa thăm nhà hát Quốc gia, nhân thể ghé qua nhà thờ St. Domingos. Rồi xem giờ tàu lửa, nhà ga ngay đấy, nghe nói là một kiến trúc tuyệt vời…
Tuk-tuk Lisboa sơn trắng đơn điệu, ông chủ mũ rộng vành, dùng khăn trắng tinh phẩy bụi lau chùi ghế trước khi dắt tay khách lên thùng.
Phơi trần nắng gió, tuk-tuk chồm lên như ngựa chứng vòng vo qua quảng trường Rossio rồi chui qua hầm đại lộ Liberdade rộng nhất Lisbon với 6 làn xe, hai dải phân cách cây xanh và hai làn xe sát lề bộ hành. Ngân hàng, công ty lớn, xưởng to uy nghi dàn hàng đôi bên đại lộ.
Tuk-tuk chán ngán thả mình xuống khu phố đằng sau nhà hát như món hàng quá date. Phía sau mỗi đào kép đã là sóng gió, huống là sau lưng một nhà hát. Sau hào nhoáng của những vở nhạc kịch trữ tình, trình diễn những bài fado tha thiết là trần trụi trần gian. Xung quanh xám đen. Láo liên ánh mắt cảnh giác. Héo nụ cười âu lo. Bảng màu của tệ nạn di dân lậu nhuốm màu bạo lực. Lisboa đâu phải thiên đường nên chúng tôi đã gặp không ít bông hoa của bóng đêm các tộc như Brasil, Rumani, Nam Tư khoe đùi, ngực đứng hút thuốc lá ngóng đợi những chiếc xe ô-tô lướt qua dừng lại giữa ban ngày…
Mọi mét vuông vỉa hè khu phố chen chúc dân Phi châu ngơ ngáo bán hàng “chạy” DVD không bản quyền của “Nữ hoàng của Fafo” Amalia Rodrigues những năm bảy mươi thế kỷ trước và Miguel Capucho, Patricia Rodrigues hiện đại và đồ lưu niệm: Dây chìa khóa, vòng cổ, vòng tay, bưu thiếp, túi xách, ví, album làm từ vỏ sồi bần… Ui, sản phẩm của sồi bần. Ta cảm hứng với cây sồi bần từ khi biết uống rượu bởi cái nút chai. Kèo nèo muốn đi thăm rừng sồi bần nhưng Chị lo ngại. Ta chợt nhận ra mùi nồng ngái đã từng biết ở Amsterdam. Khói cần sa! Chị ngoặc tay… Chạy nhanh…
4. Mình lướt trên vỉa hè Lisboa tím trắng cánh hoa xoan, hoa cam. Đành thôi, quay lưng lại các Hoàng đế các danh nhân hóa tượng đồng gỉ xanh lấm phân chim, bỏ bữa sáng nóng, lên taxi lao vội ra ga tàu lửa nội địa. Ngồi chờ tàu, mình vẫn không thôi trầm trồ taxi Lisboa tiện, giá phải chăng như Sài Gòn, Hà Nội. Một khi quen soi định vị địa hình với bản đồ thì ngồi bus hay xe tram có thể đến bất cứ đâu Lisboa. Xe tram suýt làm “quả táo bất hòa” giữa chúng mình. Tại Chị cứ nhằm chiếc tram bảnh chọe nhất leo lên. Toa xe rộng thênh nhõn một hành khách áo pull hồng chạng chân ngồi. Một gã nhà giàu Brasil chơi ngông khi về chính quốc, thuê riêng một chuyến vãn cảnh phố phường.
Lisboa. Mình đến đây là khách lạ. Nhưng từ nay đã mang theo cảm mến Lisboa để rồi chưa định ngày trở lại. Nhịp chuyển động Lisboa không cuồng vội và cũng chẳng san sát gương mặt lo âu chen nhau trên phố như Paris nhưng đã kịp nhen lên trong mình chút an lòng, tin cậy. Quý tộc kín đáo đến thờ ơ. Thường dân bình thản phơi bày sự cam chịu. Góc phố nào cũng tiệm café, bánh ngọt Pastéis. Cửa quán luôn hé mở ân cần nuôi dưỡng cái thú lang thang.
Thưởng thức Pastéis chính hiệu mất vài euros nhưng chúng mình đến tận quán Antigua Confeitaria de Belem. Chẳng đâu ở Lisboa ngoài địa chỉ này có loại bánh nhân hoa quả với lớp vỏ mềm xốp, nhân ngậy đặc như trứng lòng đào nhưng vàng óng của trứng sữa nức hương vị quế, ngọt đậm nhưng vẫn dịu. Chiếc bánh tròn như trái tennis luôn cắt đôi khi nướng.
Đồn rằng chỉ ba người nắm được bí quyết gia truyền khâu chuẩn bị pha chế nguyên liệu để làm bánh trong căn phòng kín. Đến khu Belem không cần nhìn bảng hiệu, hễ thấy ở đâu người ta rồng rắn xếp hàng dài nhất, thì đấy chính là Antigua Confeitaria de Belem.
Loại Pastéis thường thì ê hề như cam quýt xứ này, ghé quán café nào cũng được phục vụ. Thứ Pastéis chế biến sẵn chờ trong tủ lạnh, khách có nhu cầu, người ta quăng vào lò vi sóng mươi phút là bỏng môi ngay.
Nhờ đến tiệm Antigua Confeitaria de Belem ta mới gặp người chủ tiệm hay chuyện gợi ý sao không đến Cascais, thành phố vệ tinh của Lisboa.
Ngẫu hứng Cascais đến bằng bus về ngồi tàu lửa, mình được vục chân trong cát nhỏ sạch tinh như vàng cám của những bãi biển Guincho và Sintra, men theo bờ biển ngắm biệt thự ẩn mình sau bóng chà là, cọ dầu và trắc bá. Biển xanh, trời xanh một vẻ cô đơn siêu thực. Không mảy liên quan đến cảnh sắc phô bày, sao ta như mắc nợ với xung quanh.
Thơ thẩn trên cầu cảng tung vụn bánh mì cho lũ chim há mỏ đậu trên rừng cột buồm du thuyền duềnh doàng lắc sóng… Công viên xanh ngợp cỏ mịn nhung bầy công nhún múa, những mạch đường rải sỏi phập phồng mặt đất. Trong bóng bạch đàn, đôi trẻ ngây ngất hôn nhau. Và những bức tượng đồng lầm lì, tượng đá thờ ơ, công hầu, khanh tướng buồn rầu chắc đã bội thực với thứ vinh quang không thể tụt xuống khỏi bệ cao để tung tăng làm dân thường, ăn nhậu và tình tang…
Cascais, chốn nghỉ dưỡng triều đình Portugal một thuở. Đệ Nhị thế chiến, xứ sở nút sồi bần mang thuộc tính trung dung. Cascais tập trung các hoàng gia lưu vong của châu Âu, gồm cả Tây Ban Nha, Ý, Hungary và Bulgaria. Và thủ tướng Salazar tay phải để nước Đức dùng vonfram của Bồ Đào Nha sản xuất vũ khí tiêu diệt Đồng minh, tay trái ngầm cung cấp quặng uranicho Hoa Kỳ chế quả bom nguyên tử đợi thời ném xuống Hiroshima nước Nhật... Bi kịch và hạnh phúc luân chuyển. Cascais vẫn luôn là mơ ước cho khát vọng tình nhân muốn tận hưởng những món hải sản đậm đà kích thích cảm giác với những bờ biển diễm tuyệt… Và khơi nguồn cảm hứng nghệ thuật cho mọi tâm hồn đa cảm của nghệ sĩ các quốc gia vùng Nam Âu.
Mờ xa ngoài khơi xanh tiệp trời xanh một cánh buồm lẻ trắng. Sự cô đơn bỗng dội dìm ta ướt đẫm. Nơi đây hội tụ các tay chơi đua thuyền, lướt ván diều nhờ thiên nhiên ưu ái gió và sóng biển thiên thanh... Mình nhận ra hình ảnh quen khi qua khách sạn 5 sao Hotel Palácio màu kem sữa phật phờ các thứ quốc kỳ, nơi James Bond bị bắn trong bộ phim nào đó chưa lâu…
Bảo tàng Conde Castro Guimarães vươn cao tháp Thánh Sebastian bên bờ vịnh lởm chởm đá hoa cương như hàm răng bầy cá sấu nước mặn. Những hiện vật phong cách thần bí, hấp dẫn, khiến tôi dù nghèo trí tưởng cũng hình dung ra Cascais rực thuở vàng son. Nào bình gốm Minh Thanh, gốm Chu Đậu, tủ gỗ Hoàng Đàn khảm trai, bình phong Nhật Bản, giáo đâm khiên nào cũng thủng, khiên chẳng giáo nào làm trầy…
5. Viên chức hỏa xa chu đáo đến ái ngại. Chân đau mà bà vẫn tập tễnh dẫn mình đến chân cầu thang cuốn hướng dẫn lên tầng trên, tìm đường ray số 4: Chú ý chuyến 9 giờ 59 phút đi Evora.
Dù cẩn thận thời gian tàu chạy mà ta vẫn nhầm. Qua cầu 25 tháng 4 chói nắng, qua con kênh cầu dẫn nước xây đá kiểu La Mã, ta phát hiện đó là chuyến tàu 9 giờ 48 phút thì đã quá hai ga.
Biến sắc, nhưng Chị điềm tĩnh hướng về phía mấy người già. Nụ cười ân phúc, một cụ bà cho hay mình cũng nhầm chuyến. Cụ sẽ xuống ga Pragal và cùng đón chuyến 9 giờ 59 phút.
Cụ bà đã không đi Evora. Cụ nói vậy để ta yên lòng. Giờ thì hãy cứ ngồi đây, chờ chuyến tới. Từ ga này thì chỉ có một đường tới Evora. Nhớ nhé.
Ga lẻ ở đâu cũng vẻ buồn hiu. Pragal nằm lưng đồi, hai đầu thốc gió lùa dưới mái che vòm cầu. Lác đác hoa đào dại phơi hồng bờ rào. Con dê trắng đeo chuông khua binh binh tìm cách chui qua lưới sắt. Chỏng chơ hai chiếc ghế gỗ sơn xanh lá cây già, ba cụ già kẻ xách làn, người ôm chó, cụ ông kéo túi bánh xe ngoắt qua.
Con tàu sơn màu cờ Portugal xịch tới. Mình thở phào. Toa xe Portugal tự đóng, vững chắc, rộng, tiện ích. Công nghệ chế tác vật dụng đời sống hiện đại của người Bồ cứ gợi đến phong cách tương tự của người Hà Lan. Thực dụng, nhưng không kém tinh tế. Lác đác khách du lịch, vài ba thanh niên nghỉ cuối tuần. Người già đan len, giương mục kỉnh đọc báo, chơi giải ô chữ. Con tàu lướt qua những đồi cằn xơ, thân thông lùn thấp và bạch đàn còi. Những ngôi nhà nông phu hiện ra tiêu sơ, thấp tè bên ga lẻ. Công xưởng bỏ hoang, cần cẩu gục đầu, ô-tô han gỉ, dây leo phủ trùm…
Dầu olive, quả olive muối Portugal vốn thi vị gấp mấy lần sản phẩm cùng loại của Ý, hương và vị đằm dịu, giá mềm hơn, nhưng vẫn không nổi tiếng như Ý. Người Ý vốn giỏi đặt giá cho mình.
Cụ bà đang ngóng trước cửa, dưới mái hiên ngói sụp, nhiều viên lơ lửng sắp rơi. Những khu vườn cỏ dại và những bờ tường rào xiêu. Bãi chăn thả dần hiện ở vùng đồng bằng, bò cừu đông đàn, nhà cửa đẹp hơn, mỡ màng hơn. Đồng cỏ rờn rờn những vạt hoa tím hoang, ngẩn gợi đến miền hoa oải hương nước Pháp.
– Sắp qua vùng rừng sồi bần rồi đấy…
Chị nhắc. Ta nhấp nhổm ngóng qua cửa sổ.
Đầu tàu khoan dần vào nội địa phía Nam. Chớm hiện dải rừng bần chen lẫn olive miên man cả chục cây số.
Rừng bần lúp xúp tựa rừng thông cằn Thanh Nghệ. Vòm sồi bần xanh thẫm như dải cây duối quả vàng làng Đường Lâm, Ngô Quyền từng buộc voi trận, buộc ngựa chiến.
Hơn một lần mình thưởng rượu những miền hoa nước Pháp. Lần nào ta mở chai, Chị cũng xét nút trước khi nếm rượu bằng cách bấm móng tay phân biệt độ mịn vỏ bần, để khẳng định đẳng cấp nút. Hạt mịn, vân đều tự nhiên là dập từ vỏ nguyên khối. Hạt thô, lổn nhổn là nút ép từ vỏ bần xay, kết dính keo ép. Rượu ngon phải có nút xứng tầm. Nút chai là cánh cổng giữ tòa thành của thần Bacchus. Nhân loại khui mười nút bần thì năm nút là sản phẩm của Portugal.
Chẳng biết tự bao giờ khi rượu tàn ta thường quờ tìm nút chai quan sát. Nếu đó là nút bần khi xiết trong tay nghe hương rượu ngấm vỏ bần phai quanh khứu giác để những bâng khuâng tưởng về nước Bồ cổ kính vời xa như cánh buồm khuất dưới sóng chân trời. Để rồi ta từng ao ước với mình một ngày sẽ đến tận gốc cây sồi bần chiêm ngắm nó.
Và ta đã được đặt tay lên vỏ cây bần khô sần giữa trang trại Casa DA Gouvernador ngoại ô Evora, sau hai mươi năm biết loại rượu quý được nút bần giữ, xem người thợ rừng khai thác vỏ bần.
Tách vỏ bần, thoáng qua tưởng nhẹ hều, nhưng cận cảnh mới hay người thợ phải vận hết sức lực điền bền bỉ và khéo léo thì mới trôi. Người công nhân mướt mồ hôi dùng rìu chém vòng quanh thân, định vị từng khoanh vỏ định bóc. Mỗi nhát bổ xuống lưỡi rìu dù sắc, nặng vẫn bị lớp vỏ xốp dày như cao su bật lại. Lực phản lực ê bắp cơ. Nhát chém sau phải ăn đúng nhát chém trước. Phải bốn năm lần lưỡi rìu giáng xuống thì mới thấu thân. Cắt ngang rồi chém tiếp dọc thân để mở lối, dùng lưỡi rìu nạy bật lớp vỏ dày xốp khỏi thân gỗ… Tiếp đến dùng cán rìu dộng mạnh hoặc tay kéo lật ngửa vỏ bần ra…
Bẻ cành lá xanh, Chị tần ngần:
– Sồi bần thọ tới 300 năm, gấp ba lần một đời người.
Chiếc lá xanh ram ráp như lá duối quả vàng, mép có gai li ti, khẽ chạm đã khiến ta rởn người. Khi sồi bần đủ 25 tuổi thì lớp vỏ mới đủ độ dày làm nút. Mỗi lần bóc phải cách nhau chín năm mới không tổn hại đến sinh trưởng của cây, để lớp vỏ mới tự hồi sinh trở lại. Năm thu hoạch được đánh dấu cẩn thận trên mỗi thân cây. Sau mỗi trận cháy rừng do vấn nạn trồng bạch đàn, với khí hậu hanh khô của Địa Trung Hải, sồi bần là cây sống sót duy nhất… Khắp Bồ Đào Nha, giống sồi bần truyền thống mỗi ngày đang thay lấn diện tích bạch đàn, loại cây mang lại thảm họa sinh thái tương tự như ở Việt Nam.
Nhưng phiền nỗi sồi bần sinh trưởng quá chậm, độ phủ che không kịp giữ nước chống lại nạn hạn hán đang sa mạc hóa miền trung du xứ Bồ như ngựa phi nước đại.
6. Ga cuối Evora – chặng hành trình 130 ki-lô-mét mất 1 giờ 20 phút. Thành phố bảo tàng, đô thị tự trị trong hạt Evora, vùng Alentejo phía Nam Portugal. Tới khu trung tâm lịch sử Evora, mình biết thêm một di sản văn hóa của UNESCO với tàn tích La Mã Templo de Diana.
Cú phanh đột ngột đánh thức ta. Tòa nhà đá nhám, niên hiệu năm 1941, giống một bưu cục hơn là cơ quan đường sắt. Chừng chục hành khách rời rạc xuống ke. Thành phố trên đồi cao trước mặt. Ngói đỏ chen đá đen, tường trắng cạnh tường rêu. Sau lưng là bình nguyên khô cằn với những làn đồi thấp mút mắt, lô nhô sồi bần, olive và dê cừu bết bùn đất.
Bầu trời rối bời những mây. Thi thoảng hé những mảnh vỡ nham nhở, xanh hút. Hơi lạnh vừa lướt như lưỡi mèo thì lại có luồng hơi nóng ập lò hơi nướng bánh ào qua. Tâm trạng con người cũng bị đẩy đi kéo lại…
Người phụ nữ trung niên tầm thước tóc xoăn, mắt nâu, thoáng tàn nhang, quần bò, áo dệt kim dài tay xẻ ngực rộng, giày bệt, đứng bên chiếc xe Fiat xộc xệch. Anabella – quản lý của Casa DA Gouvernador rụt rè mỉm cười. Nụ cười mím mím lạnh. Tự tin đấy mà lại chẳng tự tin điều gì.
Trang trại nằm ngoại biên Evora, xa trung tâm ba cây số rộng hai mươi héc-ta olive cổ đại, thả cừu, nuôi ngựa. Chủ nhân Casa Da Gouvernador là bạn Chị đã từng sống ở Pháp, bận việc bất ngờ bay sang Brasil nên không đi đón. Đang loay hoay với hành lý thì Katia – con gái của Anabella xuất hiện giúp mình xếp đồ lên chiếc Fiat.
Cô sinh viên mái tóc lúa mì chín, đeo kính mắt nâu pha ánh xanh mới học xong sư phạm nuôi dạy trẻ. Katia cầm lái, đeo máy nghe nhạc, nhai kẹo cao su. Cô giao tiếp bằng tiếng Anh lẫn tiếng Bồ.
Katia đang dạy hợp đồng một tuần hai buổi cho trường học gần nhà. Lên Lisboa thì có thể kiếm việc đúng nghề, nhưng thủ đô quá ồn ào. Cô chấp nhận làm ở thành phố quê hương lương thấp nhưng có cơ hội giúp cha mẹ, ít nhiều nuôi hai em đang đi học. Căn hộ của gia đình họ, năm người chưa được năm mươi mét vuông, trong chung cư lắp ghép. Ông bố là thợ quét sơn chuyên nghiệp.
Vợ chồng Anabella từng làm việc ở Pháp như bà chủ trang trại. Chị bảo, hầu như dân nghèo thành thị và nông dân nào cũng có người làm xây dựng, làm nhân viên dọn phòng khách sạn ở Pháp. Người lao động Bồ Đào Nha nhẫn chịu, khéo léo và trung thực. Kiếm được tiền ở Pháp họ gửi người thân mua đất, xây nhà, khi già trở về bản quán an hưởng, để lại thế hệ thứ hai sinh ra trên đất Pháp hy vọng cầm hộ chiếu công dân Pháp.
Vòng vèo trên con đường cổ đại lọt giữa hai bờ tường xếp đá phiến, uốn lượn trong rừng sồi bần và oilve thoai thoải sườn đồi. Ta có cảm giác, con đường sẽ dẫn ta tới kinh đô La Mã.
Ngôi nhà bỗng hiện ra từ câu chuyện cổ tích nào đấy. Casa DA Gouvernador kết hợp kính, gạch ngói đỏ, gỗ khúc, rầm, xà, ván cũ xây dựng trên nền móng biệt thự cổ. Kiến trúc hiện đại và truyền thống giao thoa mềm mại. Khi bà chủ vắng, trợ lý Anabella quán xuyến mọi sự. Katia giúp mẹ làm bữa. Cả biệt thự mênh mông mới thoáng gặp người đàn bà dọn phòng và ông lão lưng còng làm vườn.
Chị đeo tạp dề, xắn tay phù phép như một bartender của nhà hàng Michelin với hoa hồi, nhục đậu khấu, vani, tiêu trắng, đinh hương, đường đỏ, mật ong và việt quất đông lạnh là ta đã có một bình pha lê rượu ủ chăn dạ cho nhuần hương.
Chiếc đĩa than vấp kim xịt xẹt giữa chừng. Tiếng hát của Amalia Rodrigues trầm buồn điệu fado. Một nét nhịp bước lạc đà và sóng cát Ả Rập. Một chút samba chưa kịp kích hưng phấn đã kìm lại. Phảng phất dòng nhạc Andalusia nước láng giềng cùng dư ba của những dòng hải lưu đẩy đưa các chiến thuyền Bồ Đào Nha dội nên những âm thanh, hình ảnh đường phố hải cảng Lisboa. Hoàng gia lưu lạc trong rừng mưa nhiệt đới Brasil. Tây Ban Nha chiếm đóng. Thuộc quốc Brasil ly khai… Tất lánh nhói nỗi đau cam chịu số phận của dân tộc Portugal ẩn ức chỉ có thể giãi bày trong fado…
Trên tường, ảnh chân dung bà chủ trang phục diêm dúa nhưng không giấu che nổi lam lũ. Ánh mắt vừa tự tin, vừa rụt rè, vừa muốn cởi mở nhưng lại ngại ngùng với khách. Ánh mắt của Anabella. Ánh mắt của cả dân tộc Bồ là đó chăng?
Mỗi bước ta đều có ánh mắt của bà ân cần, nghe ngóng. Cảm giác, chính ta mới là chủ nhân nơi này. Ban ngày yên tĩnh đến mức chỉ nghe thấy hơi thở và tiếng chân đưa. Khi đêm choàng xuống thì vạn vật như bị thuốc mê, tất cả lịm lặng. Dê cừu cuộn đống vào nhau ngủ giữa vòng kẽm gai. Rừng olive cành lá trĩu sương, thả giọt xuống thảm cỏ lộp độp. Ngoài mặt hồ cuối vườn bì bõm nhái ếch tiếng vọng không thấu qua cửa kính…
Mỗi phòng một kiểu bàn ghế. Ghế sắt rèn hoa. Ghế gỗ sơn nâu, chấm hoa xanh. Ghế tựa thường. Sô-pha bọc da. Ghế nhồi rơm, cỏ…
Casa DA Gouvernador chuyên đón khách từ Brasil, Pháp, Anh muốn hưởng thụ đời sống chủ trại Portugal những thế kỷ trước. Nếu trúng mùa, du khách sẽ được tự mình thu hái, tách hạt olive và cùng ép dầu với người làm công của trang trại. Có tới vài trăm loài olive. Cùng giống loài nhưng chất lượng sẽ khác nhau tuỳ theo mỗi vùng canh tác. Điều kiện tự nhiên càng khắc nghiệt, cằn khô, nóng lạnh cực đoan thì quả olive càng có chất lượng cao. Người ta không tưới nước, bón phân cho olive. Thảo nào, rừng olive của trang trại trông lơ thơ vài cành như sắp chết khô chìa ra từ những gốc cây cổ lão, hốc hác, lồi lõm những dấu vết mục rỗng…
Anabella cho hay, olive cây nào sai quả lắm cũng chỉ được vài ba ki-lô-gam. Quả ít nên chín đều trong một hai ngày, thu hái bằng tay, không bị bầm dập lại được ép dầu trong vòng nửa ngày. Chất lượng dầu của trang trại không có loại dưới 50 euros một lít.
Mình là những người Việt đầu tiên ở đây. Chiêu ngụm rượu, chậm rãi chụp ảnh vật dụng đang phô bày của điền chủ Bồ xưa để rồi hình dung thế giới tinh thần của họ.
Đèn treo hình vuông, bìa sách da cổ, đèn cổ, đầu bò tót trên tường, radio vỏ gỗ tuyết tùng, huân huy chương, bằng chứng nhận, bưu thiếp, ảnh đen trắng, tạp chí cũ, máy chữ Triumph, máy ảnh Leica, giỏ cành liễu đan đựng thánh giá, đựng bình olive, ghế bành da nâu đen bóng dấu ấn thời gian. Thoảng mùi nến cháy. Mùi xà phòng thơm tinh chưng chế từ dầu olive lẫn mùi len dạ và da thuộc… Và nồi súp đang hầm trên lò củi sôi lục bục…
Tấm da bò thuộc sống trải thay thảm.
Nền gạch đá nhám, xám màu sắt gỉ. Ngự trên khúc gỗ, giá sắt đỡ bất cứ góc tường nào cũng là những quả địa cầu làm từ giấy, từ da, từ đồng đỏ, dấu ấn của những cuộc chinh phục hàng hải của Bồ giờ nằm phủ bụi. Và những mỏ neo han gỉ. Những khẩu súng thiếu lẫy cò. Gươm long cán, khiên thủng. Những mô hình thuyền chiến. Chẳng khác bảo tàng hàng hải ở Lisboa. Năm sáu trăm năm đã qua, nhưng người người đất nước này chưa nguôi thổn thức vì quá khứ thiếp vàng…
Phòng ăn, bàn ăn là những phiến gỗ dày ngang dài bốn mét, rộng hai mét đủ phục vụ hai mươi thực khách. Trên tường gắn đầu lợn rừng, đại bàng nhồi, da báo gấm, da ngựa vằn, sừng hươu. Những giá gỗ trưng bày sản phẩm của trang trại như xà phòng, dầu olive và các loại rượu mạnh mang tính decor hơn là giới thiệu hàng hóa…
Hãy còn mờ tối, hương café đã dâng lừng. Hai mẹ con Anabella chuẩn bị bữa sáng. Ngựa giậm vó. Cừu dê ọ ẹ be be. Đập cánh, gà bay lên cành olive nhả hơi vươn cổ ôôô báo sáng. Đi dạo, đi dạo mau. Thêm một ngày Casa Da Gouvernador. Bông hoa đẫm sương thức qua một đêm đầu đã ngả.
Ban mai ửng sắc cam chín. Có thể đạp xe. Có thể tản bộ. Lạnh. Hít căng tức phổi. Con đường sỏi khía vào nền cỏ điểm muôn hoa dại. Ong mật ngủ quên trong bầu hoa hồi đêm hay đã kịp gom phấn mật đầu ngày. Đàn bồ câu rừng dạn dĩ trước mũi giày chúng mình, gật gù nhặt sỏi.
Trĩu lòng vì những phấn khích, tay ta vô tình nắm chặt, xiết giữ sợ điều gì đó đang sắp sửa vuột bay. Lối sỏi uốn mình giữa những hàng olive cổ xưa mốc xù và những bức tường sụp đổ ám khói, luồn rừng thông thưa gẫy ngọn mùa bão rồi vòng qua tháp nước nghều ngào cánh quạt bơm gió.
Ngoặt góc tường đá đụng tới rừng sồi bần, thân loang nâu lớp da non mới mọc. Băng tiếp vạt sậy ủ rũ bông hoa ẩm hơi sương là đến lộ nhựa thủng thẳng hút vào bình nguyên cỏ gai hoa tím, lô nhô ngói đỏ trang trại, khuất sau sồi bần, olive.
Ta nhặt nhúm hạt olive khô quắt lẫn trong sỏi, bỏ vào túi. Nó chính là thần và xác Casa DA Gouvernador sẽ theo về nước Việt cùng ta…
Mỗi buffet sáng Casa DA Gouvernador là một đại tiệc. Mặt bàn tám mét vuông ngộn đầy thức món, bày hai bộ đồ ăn. Chúng mình hoang mang nhìn nhau. Anabella cười tươi đứng chờ với mái tóc mới bới cao trẻ trung. Sữa tươi, sữa chua đủ vị, café các loại, trà các vị hương, chocolat trắng, đen, bánh mì tròn, bánh mì dài, bánh mì nắm, bánh mì que. Bánh ngọt Pastéis, bơ mặn, bơ ngọt, giăm bông, thịt hun khói, trứng, xúc xích, formage, hoa quả, nước quả, hạt hướng dương, vừng, lạc, hạnh nhân, hạt dẻ…
Đêm khuya trở về từ thành phố, taxi thả mình bên ngoài hàng rào đá xếp cao thì phòng ăn của Casa Da Gouvernador vẫn sáng đèn chờ. Trên đĩa những chiếc khăn ăn xếp cánh bông hoa hồng thắm. Anabella chuẩn bị sẵn bàn ăn với những món khách có thể tự hâm nóng. Trên nệm trắng hoa hồng đỏ sánh với chocolat...
7. Với Lisboa, mình gìn giữ sự háo hức để quan sát, đối chứng với thủ đô các nước châu Âu khác. Cascais cho sự ngẫu hứng tình yêu của con người ý nghĩa hơn khi được đặt trong khung cảnh thiên nhiên tương xứng. Đến Evora ta thấy riêng hình ảnh Bồ Đào Nha cá tính và cũng mang thuộc tính chung như bao nhiêu thị thành tỉnh lẻ.
Bác tài Lisboa cười mỉm: Cẩn thận với ma trận taxi Evora nhé. Vậy mà mình vẫn ngỡ ngàng. Cước taxi Evora gấp đôi Lisboa. Taxi không chạy rông hay nằm chờ nghêu ngao. Cần thì phải ghé siêu thị, quán ăn tiệm café mới có thể gọi taxi. Đồng hồ tính cước ở đây cũng nhảy nhanh hơn Lisboa. Gã taxi Mercedes đưa chúng mình từ Evora về Gouvernador hay tay chủ quán khi trả lại tiền thừa đều khều khợt gãi đầu như đang lên cơn ngứa. Hoặc ông chủ bán hàng lưu niệm những sản phẩm từ vỏ cây sồi bần dưới chân đền thờ La Mã thì vác tờ 50 euros chạy cả dãy phố đổi tiền lẻ. Rồi tiền lẻ lại tìm thấy ngay trong ngăn kéo quầy hàng. Những tủn mủn gây khó chịu mình đâu đụng ở Lisboa. Nhỉ? Không phải không có lý, khi mỗi nước chỉ một thủ đô kèm theo vô số tỉnh lẻ. Thủ đô không hẳn toàn người tử tế, nhưng ở đó nó quy chiếu chung cho sự sòng phẳng và lịch sự…
Chẳng biết vì khó khăn hay thuộc tính khôn vặt chi phối các mối giao tiếp xã hội đã tạo nên một phần các giá trị tỉnh lẻ. Hễ khách lạ sang trọng thì càng bắt nạt hét giá. Phải chăng họ thường trực phân khúc tâm lý rằng người giàu vài đồng lẻ thì đáng là bao. Ngoại trừ đôi điều ngứa ngáy cỏn con đó thì Evora vẫn là thành phố đáng sống nhất sau Lisboa của Portugal – theo như bình chọn của một tạp chí kinh tế cửa xứ sở sồi bần.
Ở Evora ta mò mẫm phố ngang, ngõ dọc, lên dốc, xuống dốc của tòa thành cổ nguyên vẹn tường bảo vệ. Phi pho. Chân mỏi, mắt căng xót mồ hôi. Đường phố hẹp như chiến hào. Hai mặt phố đối nhau qua con đường đá nhám củ đậu. Những căn nhà chật hẹp như lều vịt, cánh cửa sơn xanh, ra vào chủ nhân khom lưng suốt cả ngàn năm không hề thay đổi. Quán ăn VIP đến quán ăn vỉa hè, đâu cũng chỉ có vài món chung chung. Mình đã chén tới năm con sardines, mỗi suất còn thêm vô số khoai tây nướng nữa. Mình đã mạo hái đôi ba trái cam quýt mọc trên phố để Chị nếm thử mà không hề cảm thấy tội lỗi. Bỏ cam rụng thối còn có tội hơn. Lãng phí thức ăn, Chúa cũng ghét. Có những biệt thự cửa đóng then cài, vườn cam quýt chín trĩu trịt vây quanh trữ lượng vài ba tấn quả mà người ta cũng bỏ mứa mặc cho rụng cho rơi…
Hôm mới đến Casa Da Gouvernador, Anabella lái xe đưa chúng ta ra trung tâm Evora tìm tiệm ăn, ta đã không khỏi xuýt xoa tiếc những trái cam rơi rụng.
– Sao người ta không thu hái nhỉ? Để rụng rơi quá phí…
– Có phải của mình đâu mà dùng.
– Của ai vậy?
– Thành phố…
– Thành phố không sử dụng thì mình nhặt chứ sao…
– Ra chợ mua ăn ngon hơn.
Mải chụp ảnh hoa vườn biệt thự cổ, bị chó bull phộc ra hù, chúng ta lôi nhau chạy thì đụng phải soeur bán kẹo nuga dưới bóng cây quả đấu. Thôi thì mua mươi euros để khỏi nghe soeur càu nhàu. Ta bâng khuâng trước đền thờ Diana nghiêng vài cột đá. Có lẽ thời gian tồn tại của ta trên trái đất chỉ bằng một dấu mưa mòn mờ trên cột đá rêu phong. Hòa mình vào các quảng trường ngất nghểu vòi nước phun là lố nhố kẻ nhàn du. Ta là một phần thế giới và cũng chợt nhận ra rằng mình lạc lõng, thừa ra với đám đông. Muốn biết họ, nhưng lại không thích họ biết mình. Ta không dám nhìn vào mắt những kẻ bán hàng rong, không ít lần quay mặt trước bàn tay chìa ra của người ăn xin.
Quỳ gối làm dấu thánh trước cung thánh lộng chói vàng thiếp, gỗ quý cẩn ngà voi đến cung thánh sơ sài cây thánh giá gỗ đen xỉn thì lòng thống hối của ta vẫn tươi nguyên đâu có khác. Và nhà thờ Capela da Ossos – cất giữ năm ngàn hài cốt cư dân Evora thế kỷ XVI gửi thông điệp gì đây cho sự sống và sự chết của thế kỷ XXI? Xương cốt con chiên dựng nên cung thánh và xà cột tường ngăn chập chờn ánh nến âm u tỏa mùi chết chóc, nhưng chúng mình không cảm thấy lạnh lẽo. Chúa ở trong sự sống và cả trong sự chết.
Cổng thành Monsaraz buổi chiều chặng cuối hành trình Portugal, mình ngồi bên nhau trên núi cao ngắm lá rừng olive lật mình sáng bạc. Lá sồi bần chuyển sắc xanh sắc nâu. Cừu đàn như cuộn len lồng phồng di động. Tít tắp gốc nho nâu đen sắp hàng, chạy luống song song. Đột ngột trảng trống dội hoa vàng hoa tím dại. Sườn đồi uốn nghiêng cong sắc cỏ.
Cũng những lùm cây lúp xúp, những đàn cừu, những vạt đồi cát xói lở, đỏ khé gợi vùng Ninh Thuận. Khác chăng là những thửa ruộng vừa mới uốn mình trở dậy dưới lưỡi cày nở phồng như bột bánh. Những dải đường mềm lụa xe ngược, xe xuôi. Những mảnh vỡ nước hồ của con sông Guadiana cận biên Tây Ban Nha ánh ngọc bích loang sắc xanh lên trời bích ngọc. Mảnh trăng thượng huyền mòn gầy như chiếc liềm cùn mắc mấy sợi mây hồng phấn.
Những bức tường trắng giảm bức xạ nhiệt ban ngày, dấu ấn kiến trúc Hồi giáo của ngươi Moor từng thống trị nơi này và những mái ngói đỏ – sản phẩm của người La Mã thì lại giúp hấp thụ nhiệt ban đêm. Không hiếm hình ảnh cây thánh sắt giá ngự trên mái vòm củ hành… Hai phong cách kiến trúc không phong cách nào lấn át, làm chủ được tòa thành.
Dù Monsaraz được mệnh danh là thành phố trắng, nhưng thực chất bao quanh những ngôi nhà tường trắng là trường thành đá đen. Phải chăng máu người Moor, người Bồ, người La Mã từng thấm quyện tạo nên cái màu nâu đen đặc trưng của đá cổ thành…
Chiến tranh, tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp văn hóa, chiếm đóng, tôn giáo chà xát cả nghìn năm mảnh đất này, người Bồ với 95% dân số tín ngưỡng Thiên Chúa giáo vẫn còn dấu vết tín ngưỡng ngây thơ đa thần cổ xưa. Người ốm vẫn cho là bị ma quỷ nhập vào. Vẫn tin khấn con mắt quỷ và các hành động ma thuật đuổi quỷ trừ tà cứu người. Khi có tang, mọi người đưa tang đều mặc áo đen, đặc biệt các bà góa phải mặc áo đen suốt đời…
Monsaraz không xa Olivenca, vùng đất thuộc về Tây Ban Nha từ năm 1801 nhưng tranh chấp với Portugal. Hội nghị Vienna năm 1815, Tây Ban Nha tuyên bố đồng ý trao Olivenca về Portugal. Hơn hai trăm năm, dù Bồ Đào Nha ráo riết yêu cầu Tây Ban Nha thực hiện việc chuyển giao Olivenca nhưng sự việc vẫn nhùng nhằng trì hoãn đến tận bây giờ…
Chuyện tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia láng giềng, một bên lớn xác, giàu có, tham vọng bành trướng, với một bên nhỏ bé, kiêu hãnh chưa bao giờ là câu chuyện lạ của thế giới từ cổ đại đến đương đại. Chân lý thực sự chỉ đứng về nước nhỏ một khi bản thân họ phải dám trả giá và biết vận dụng trí tuệ sức mạnh liên kết toàn dân tộc. Bởi nước nhỏ không đồng nghĩa là nước yếu hèn…
8. Quán rượu Templaris nửa hướng phố chính mái ngói ống thấp tè, nửa sàn gỗ đặt dầm khung sắt. Tường kính vươn chênh vênh lấn vỉa tường thành. Trần trệt thoải theo sườn dốc. Khoảng sân đá hẫng xuống, một cánh cửa trổ thông ra hào bảo vệ, đáy đủ rộng để di chuyển binh lính thiết cụ, lương thảo và lúc bình thường giữ vai trò con đường di chuyển vòng quanh thành.
Giữa nham nhở đá, trồi lên cây cam, quầng lá mỡ như vừa gội dầu olive. Lóa những chấm lửa cam chín, uốn cong cành, đã kịp bung từng chùm hoa trắng ngần nơi kẽ lá. Trái cam chín to như trái bưởi phủ Đoan, hoa cam tỏa hương quánh đặc giữa tiếng ong bay trong sắc khí buổi chiều hanh lạnh…
Ngược dốc đá vừa đủ hai người tránh nhau, cánh cửa sắt sơn đen, cúi thấp bước xuống ba bậc đá mới lọt vào không gian sáng trắng khăn trải bàn và chai lọ cốc chén. Kiếm, khiên, gia huy, sừng bò gắn mặt tường. Quán vắng phảng ngậy dầu olive lẫn cam tươi.
Hai gã phục vụ bàn đứng tuổi, giống nhau lạ lùng, béo lùn, hồng căng, hói, bụng phệ, nụ cười thắm những thân thiện. Vẫn ánh mắt tự tin và thiếu chút gì tự tin. Thực đơn bọc vỏ sồi bần toàn tiếng Bồ, không tiếng Anh cũng chẳng thèm tiếng Pháp. Chị đề nghị được dùng món đặc trưng Bồ của nhà hàng.
Chàng bồi hình quả bầu nậm, phính hồng, bóng nhẵn, trán như vừa xức dầu, cúi đầu kiên nhẫn, lăm lăm chiếc bút ghi thực đơn. Dường như chàng ta sẵn sàng đứng đó cả trăm năm chỉ để chờ khách đặt vài ba món. Rời thực đơn, Chị cười nhắc lại yêu cầu trước đó.
Chàng bồi trẻ nghiêng đầu duyên cười xướng to chai Porto Ferreira và hai món gì đó líu lo dài dòng. Ta được ưu ái với ly rượu mang ra tức thì. Kinh tế Bồ suy giảm, nhưng ly vang nhà hàng rót trên Monsaraz nổi tiếng đắt đỏ dung tích vẫn gấp rưỡi Paris hoa lệ. Ly vang chát trong thùng gỗ tuyệt vời của nhà hàng quen trang trại Gouvernador ở Evora cũng rung rinh tràn mép ly. Ta thấy: Không nổi tiếng rượu vang như Pháp, nhưng người Bồ hào phóng rượu hơn là người Pháp.
Chờ dài cổ chẳng thấy món, ngoảnh đi, ngó lại khách từ cửa chính lèn cứng gian phòng. Gã bồi chạy tới chạy lui đón. Đoàn khách người Anh. Cậm kịch những ông những bà khập khễnh chống can, dìu nhau, áo khoác, áo len choàng vai vắt cổ… lặng lẽ kiếm chỗ.
Không vô cớ dân đảo quốc sương mù lũ lượt du lịch Bồ Đào Nha. Hiệp ước liên minh Anh – Bồ ký kết năm 1373 hiện vẫn giữ thời hiệu. Một liên minh lâu đời nhất thế giới. Trong lịch sử, cả hai nước cùng tham chiến bảo vệ lẫn nhau trong chiến trận bán đảo Iberia và Đệ Nhất thế chiến. Người Việt chúng ta có thể học người Bồ qua sự kiện tìm kiếm đồng minh và liên minh này chăng?
Chàng bầu nậm rón rén bê món. Suất của Chị, một khúc cá tuyết im lìm trong nước sốt trong rắc hành. Phần của ta, đĩa đất sét nung hỗn hợp cùng cá với tôm, khoai tây nghiền, pho mát nướng nóng phừng phực. Vị Porto sực lên mê dụ. Nhưng không hiểu sao, miệng vẫn cứ nhạt thếch không có trạng thái háo hức muốn cầm dĩa…
Những người Anh sang trọng, uống cạn bình nước lọc vẫn loay hoay chọn món chưa xong.
Chẳng bù bữa trưa ở Monsaraz, tại “tiệm tối giản” hai phòng ăn nhưng chỉ phục vụ được sáu chỗ ngồi, một ngoài trời, một kín như ngách hầm. Cô chủ lầm lì như con hà mã đang chửa ngồi sau quầy. Tự lấy món. Tự thanh toán. Đến bánh mì và bơ cũng phải trả tiền mua thêm. Nước lọc nửa bình. Súp đậu hộp hâm nóng, thịt cừu khô khốc trong đĩa cơm rời rạc như gạo sấy nhúng nước lã. Mọi món như đã ngâm trong nước biển.
Hai mươi euros cho hai suất “tối giản”.
Thức ăn người Bồ hầu như món nào cũng dư muối, Chị nhỉ. Dẫu nghệ thuật ẩm thực Bồ hợp dung khẩu vị các đoàn quân viễn chinh, các đội thuyền buôn mang về từ khắp thế giới, nhưng vẫn không bão hòa được tính khem kiệm của nông dân canh tác trên đất sỏi cằn, tính xẻn so của người thợ xây xa nhà với chiếc làn đồ ăn vợ sắp, tính chắt bóp nâng niu thực phẩm dự trữ của thủy thủ lênh đênh hàng năm giữa đại dương…
Thời gian khó, vợ con thủy thủ Bồ không dám ăn thịt bò, vốn như thức ăn xa xỉ được ngâm trong nước muối dành cho đàn ông đi khám phá đất mới. Trẻ con, đàn bà, người già ở nhà chỉ dám ăn lòng và xương…
Dường như xu hướng vị giác cũng phản ánh tính cách dân tộc. Người Tàu ưa béo, ưa bùi. Người Pháp thích vị, thích hương lạ, ngâm tẩm, chế biến cầu kỳ. Người Việt ưa thanh nhã, trung tính.
Người Bồ ảnh hưởng ẩm thực Địa Trung Hải, nhưng lại muốn thức gì cũng rành rẽ tận cùng. Ngọt thì phải gắt như món bánh Pastéis lừng danh, mặn thì như thịt hun khói, và nước chanh thì không pha đường. Trên bàn ăn người Bồ không thể thiếu chai dầu olive, chai dấm táo. Ai thích béo thì tra thêm dầu, ai muốn nhạt thì nêm dấm táo… Piri Piri – loại ớt cay nhỏ của người Bồ du nhập từ Mễ rồi mang sang phổ biến ở Ấn đổi về hạt tiêu đen để kết hợp với quế, vani và nghệ tây, mùi và mùi tây, tỏi được dùng trong nhiều món. Món dân tộc đặc sắc nhất là cá tuyết Đại Tây Dương (Gadus morhua) có đến 365 cách thức chế biến khác nhau.
Đến Evora, được Anabella giới thiệu nhà hàng ruột, tránh món cá thì gặp món cừu, thịt lợn mặn đắng với khoai tây hầm hành lõng bõng. Cá nồng mùi dầu, thịt ruột nóng như nung.
Ngắm Lisbon và sông Tagus từ trên cao hồi tưởng về những thăng trầm lịch sử, nhưng ta không quên được vị thức ăn Bồ ám ảnh quanh chân râu. A, không hẳn thế, ở Cascais mình được gợi ý gọi món:Arroz de Pato, nguyên liệu gồm thịt vịt, cơm và thịt lợn. Trước khi cho vào lò nướng thì các loại thịt đã được hầm chín mềm. Vừa bặp môi đã tan chảy. Tiếp thêm ngụm vang đỏ. Ôi chao, món Arroz de Pato đã đưa ta tới ngưỡng cảm thức. Ngon rùng mình.
Món Amêijoas à Bulhão Pato gần giống hàu hấp cần tây ở Brussels, nhưng đây là ngao xào với dầu olive, rau mùi, tỏi và vang trắng… Vị hậu, đậm và duyên, ngâm nga chỉ dám ăn chậm chậm, mút mát, sợ cái vị ngon sẽ biến mất vào dạ dày quá nhanh. Ruột ngao thơm ngậy kèm nước sốt chấm với bánh mì giòn, ta đã phải vừa ăn vừa ư hư định hát khiến Chị phải nhướn mắt ra hiệu ý tứ!
Rượu vang Bồ ngay từ thời La Mã đã được liên tưởng với Bacchus, vị thần rượu và lễ hội trong thần thoại La Mã. Ngày nay một vài loại rượu vang của xứ này được xếp vào loại rượu vang ngon trên thế giới, đặc biệt là rượu vang ngọt Porto.
Chàng bầu nậm giơ cao chai rượu cổ dài nút bọc nhôm, tem trắng dòng chữ Monsaraz-premium thiếp vàng. Loại vang cao cấp được sản sinh từ những cánh đồng nho dưới chân tòa thành Monsaraz, trong cuộc thi quốc tế tại Brussels, năm 2008 – một trong những cuộc thi rượu vang biểu tượng nhất châu Âu có 500 loại từ hơn 20 quốc gia trên thế giới. Chai này thì hao tổn khá khá euros đây. Chưa đến Porto mà chúng mình vẫn uống Porto, huống là đang ở Monsaraz mà bỏ qua loại vang mang chính tên Monsaraz thì quá ngố. Cơ hội gần như có một không hai với ta.
Năng lượng sống của một dân tộc phụ thuộc vào năng lực tiêu thụ thức ăn. Sức hấp dẫn của nghệ thuật ẩm thực chính là sức hấp dẫn của một nền văn hóa. Hình như ta đã nhận xét thế khi nhấp ngụm rượu Monsaraz-premium! Ai bảo thức ăn ngon và rượu ngon không làm cho con người thăng hoa trí tưởng sản sinh ra văn hóa nghệ thuật?
9. Casa Pinto – đối diện với nhà thờ chính chạy dọc tòa thành. Khoảng không gian kết hợp sân nhà thờ với mặt đường rộng mươi chiếc sân bóng chuyền được gọi là quảng trường trung tâm. Chiếc Ford Ecosport màu cam chói phiên bản 2015 đậu chếch phía cửa. Chợ ở dưới chân núi. Người ta đang chuyển thực phẩm từ trên xe xuống…
Mặt tiền trắng lóa rộng nửa con phố. Bước qua hai cây olive trồng trong chum sành, đẩy cánh cửa treo túi vải đựng hoa lavender khô vào nhà, hai thái dương bỗng bị ép chặt bởi không gian vuốt dài của nhà ống. Nhưng chỉ một thoáng, không khí dịu ngây hương trầm được làn gió vô hình từ sâu trong căn nhà đối lưu ve vuốt, giải tỏa. Tiếng nước róc rách khoan thủng các bức tường, xuyên qua ký ức niêm phong. Hương hoa cam thương quen quyện hương trầm. Bụi đường, nỗi lo lắng, hồi hộp không đâu nơi xa lạ bỗng biến tan… Nhẹ bẫng…
Với năm phòng, Casa Pinto bố cục lệch tầng như mọi ngôi nhà ở đây để tận dụng công năng do địa mạo thoải dốc. Sảnh đợi phong cách nội thất Ấn. Phù điêu đồng, tranh thần Ganesha lộng lẫy mình người đầu voi. Mỗi phòng dựng một không gian văn hóa đặc trưng của một châu lục. Lối cầu thang dựng ngược, xinh xinh, bậc lót thảm cói, tay vịn gỗ, lan can cài trang trí những gốc, cành olive khô chuốt vỏ, gợi đến những khúc xương động vật phơi trắng sa mạc. Người ta kết ghép những “khúc xương” đó thành thân cây chới với giơ nhánh trong góc phòng khách. Chờn rợn, huyền bí. Phảng phất màu bạo lực, lẫn khiêu gợi. Trần gỗ, xà nguyên thân cây hun khói. Đèn chùm đồng gồm những chiếc đèn hình trái lựu, đính hạt thủy tinh mài, tua lụa đỏ, lóa những chùm tia sáng hồng kiểu sân khấu…
Dường như có một triết gia Ả Rập quấn khăn karo, râu dài đang đợi ta để kể câu chuyện bí mật về thành Monsaraz hoặc ẩn hiện một nàng công chúa che mạng đôi mắt sâu thẳm đang đốt trầm rồi dâng lên cốc nước trà bạc hà đã rắc bột bùa ngải.
Viên quản lý gốc Liban dáng như mẫu nam về già xem danh sách đăng ký và ngạc nhiên thấy chúng mình vác bộ hành lý đến. Xe của Anabella chỉ được phép đến bãi đậu ngoài cổng thành.
– Các vị không có xe ô-tô à? Vậy thì lưu trú ở đây làm gì những hai ngày…
– Không, chúng tôi có xe riêng đưa đến. Nhưng ông có thể hướng dẫn chúng tôi tham quan kia mà…
Viên quản lý khục cười, chỉ ra ngoài phố:
– Không có gì mà phải hướng dẫn! Nhà thờ trước mặt, ngay bên kia đường nhé! Bảo tàng bước qua hai bước phía tay trái! Tháp canh và đấu trường bên phải! Có gì đâu mà phải hướng dẫn. Cứ đi, quanh vài bước lại trở về đây. Ngoài ra có cái view 360 độ nhìn thấy mọi góc hồ nước. Đi vài tiếng là hết. Không có siêu thị chợ búa gì cả! Ở hai ngày mà không có xe thì không biết làm gì cho hết. Buồn đấy.
Bổ ngớ. Không ngờ Monsaraz chon von cô độc trên núi. Buồn thì sao. Buồn người ta vui của mình. Sự lựa chọn cảm tính bởi địa danh Monsaraz, tòa thành đá cổ từ thời La Mã. Đúng, đây là tòa thành La Mã trần trụi, thích hợp với những kẻ máu mê phiêu lưu, không có nghĩa là mình không tương hợp.
Một nhà thờ, hai tháp canh và đấu trường nhỏ, một bảo tàng mười mét vuông trưng bày một chiếc bừa cổ, hai nộm nhân nam nữ và màn hình cảm ứng lật ảnh, vài quán ăn phục vụ khách đến và đi trong ngày. Có sở cảnh sát bệnh viện, nghĩa trang… Mọi con đường như những con ngõ đều lát đá khai thác từ chính quả núi mà thời cổ đại người ta đã dùng xây dựng tòa thành.
Mình ối việc để làm với những ghi chép. Nhưng thời gian cho Bồ đã cận. Vả lại Chị có ý muốn trải nghiệm lộ trình khứ hồi Evora - Lisboa với xe bus tốc hành.
Chị bấm máy định gọi cho Anabella, may sao hai mẹ con họ xuất hiện như cây đèn thần của Aladdin sai khiến. Thì ra cô bé Katia và mẹ cũng lần đầu đến đây. Hào hứng với danh thắng nổi tiếng, hai mẹ con ríu riu giơ điện thoại ghi ảnh. Lạ nhỉ, Monsaraz di sản văn hóa thế giới cách Evora hơn giờ chạy xe, thế mà cả hai mẹ con Anabella chưa đến một lần. Ô, chính ta có thể đến tận Monsaraz nhưng đã hai mươi năm rồi hẹn đến Mỹ Sơn một lần mà chưa thể...
Mình hủy một ngày dự tính ở Monsaraz và sẽ trở lại Casa DA Gouvernador. Anabella ôm chầm lấy vai Chị rạng rỡ. Những ngày ở Casa DA Gouvernador khiến hai người là bạn thân tự lúc nào. Tất tả, Anabella dàn xếp với quản lý Casa Pinto. Họ đàm thoại tiếng Bồ trực tiếp với ông chủ là một người Ấn tận đẩu đâu.Việc êm thuận. Lịch trình rút bớt mà không mất tiền đặt cọc.
Hẹn ngày mai, lúc mặt trời đứng bóng, Anabella sẽ quay lại trên chiếc Fiat con rùa.
Được biết ông chủ Casa Pinto là người Ấn, mình hơi ngạc nhiên. Viên quản lý xoáy chiếc bút lòng vòng vào tờ báo, giảng giải. Giá đầu tư ở Monsaraz quá đắt với người Bồ, không mấy ai đủ sức vươn lên đây. Họ đầu tư dưới thấp an toàn hơn. Khách từ khắp các châu lục. Chủ hàng quán vài mét vuông, hay nhà nghỉ hạng sang như Casa Pinto đều là người Pháp, người Anh, Tây Ban Nha.
Vì thế ở Monsaraz không một ông chủ nào người Hoa. Trong khi thị tứ lèng tèng của châu Âu hay chính đất Bồ chưa kịp ám hơi khách du lịch đã chình ình cửa hàng của họ, bày bán hằm bà lằng từ bông ngoáy tai, thẻ chìa khóa, áo pull in tiếng Anh sai chính tả, mặc vào thì ngứa như con ghẻ cà răng, giày đi nửa ngày thối chân, dép đi hai ngày đứt quai. Và đặc biệt là valise, túi xách, túi đeo rẻ tiền hằng hà sa số kiểu dáng, lỡ tay kéo khóa là rách toạc…
10. Asilah – Căn phòng mang phong cách Hồi giáo. Phòng đối diện, lệch tầng tên Goa – phong cách Ấn. Hành lang và bậc cầu thang trải thảm cói căng đét. Cửa sổ phòng nhìn xuống mênh mông trang trại olive, thuôn thuôn trước mặt hai ống khói hình trứng trắng toát. Cây chanh thắp những chấm quả vàng phân vân trong góc sân nhỏ có hai bộ bàn ghế xinh xinh với nhiều bình đất nung trồng cây dương xỉ và rêu Nhật. Dây sử quân tử chăng hoa tím sữa lên gờ cửa sổ. Vòi tắm, gương sen đồng. Chậu rửa gốm, gương đôi khung gỗ mộc. Chiếc đèn trần ngôi sao đa giác. Phù điêu chim đại bàng vạch đường bay thẳng đứng… Sự thanh tao lẫn nghiêm cẩn chiếm lĩnh căn phòng. Đâu đây đang vang lên những âm thanh thầm thì, bí ẩn. Vừa cởi mở vừa khép chặt. Chân dung sơn dầu tông đen xám người phụ nữ có đôi mắt ướt thách thức, giễu cợt và cặp môi tím mim mím bí hiểm. Có điều gì đó khẽ như tấm voan đen mờ vừa được thiếu phụ thả choàng lên ngọn núi lửa phủ tuyết sắp trào phun. Ta bỗng trĩu mi thiu ngủ trong hương thơm thổn thức, muốn đặt mình xuống tấm nệm căng mềm đang chờ đợi… Một không gian sau này, ta có dịp gặp lại hồi thức ở Princess d’Annam Resort & Spa tọa lạc ở lạc ở mũi Kê Gà, Bình Thuận xứ Việt.
Dưới chân núi hoàng hôn nhuộm tím, phất lên một dải mây hồng vốn chỉ xuất hiện ở miền Địa Trung Hải. Bẻ bánh mì nhấm nháp, chiêu nước lọc, gương mặt Chị phủ lớp men sứ trắng lạnh. Chị đương thế nào? Chị vui hay buồn Chị nhỉ. Chỉ biết Chị đang ở bên đằm thắm đong đầy. Tất cả giấu sau lớp men sứ trắng. Điện thoại smartphone thi thoảng lại xoạch một tin nhắn.
Buổi chiều dạo quanh cổ thành cô tịch, ngác ngơ các cặp già lái xe sang và xe nhà lưu động. Góc nào cũng biển chỉ dẫn quán ăn thụt thò ngõ đá cụt. Quán trọ, khách sạn đá, trát vữa đất sét quét vôi. Màu trắng chan chứa khắp các căn nhà, tất cả vật liệu dựng đứng được gọi bức tường. Xa trắng, gần trắng. Màu trắng áp đảo đến nhức mắt. Màu trắng tường nhà le lói cả nơi đường chân trời. Mọi cánh cửa khép chặt có lẽ để tránh cái nóng hoặc những cái nhìn vô tình đến sỗ sàng của du khách.
Địa mạo Monsaraz vênh vao yên ngựa, đường đi hẹp, dốc nghiêng, vặn vẹo, hẫng bậc đá hoặc ngoắt lên, gập khúc bên phải, hất ngược bên trái. Nhìn đá thấy dấu vết con người phổ lên đá suốt ngàn năm tiếp nối.
Dưới chân thành, cảnh sắc trung du nước Bồ bày trong ánh dương phai ngày lổ đổ bóng tối lan nhòa các thung lũng, khe núi.
Chúc nhau. Mình hồi hộp nâng ly Ferreira óng màu mật ong pha café. Ngọt, cay, chát, đắng, mặn chiếm lĩnh khứu giác, mươi phút lướt qua, mặt như chạm lửa, chót mũi như chạm băng… tim dồn hơn lên đôi nhịp. Ta bỗng cảm giác mong manh giữa bao la màu tím đen đang tràn, điểm xuyết những chấm đèn thưa xa. Người lính Thiên Chúa giáo xưa trấn ải Monsaraz từng ngồi chỗ đây canh chừng sự xâm nhập của người Ả Rập… Nhấp ngụm thứ hai, yên lặng… chập chờn dưới núi, vó ngựa cuốn cát bụi, mũ giáp, khiên đồng, gươm giáo, lòe nắng cổ đại mất hút vào bóng tối.
Món cá da trơn ngon nhất nhà hàng Templaris và ngon nhất nước Bồ thịt trắng, hơi dai, nhạt nhẽo, xương sống nhỏ tít như đoạn xích dây chuyền. Nước sốt nhờ nhợ mặn, vị quế, vị hồi. Nếu món cá lăng ngã ba Hạc cũng dòng da trơn đạt ba sao Michelin thì đây chưa có sao nào. Đĩa tôm cá trộn khoai tây, cà chua nghiền lộn nhộn sắc vị. Mỗi miếng như đất sét trát lên vòm họng và kẽ răng. Cũng mặn sém mồm. Tiếng là ẩm thực phong phú, nhưng hai mươi ngày trên đất Bồ mình dùng mấy mươi bữa chính món đặc trưng vẫn là cá, thịt bò, cừu, lợn chế biến giản đơn, cốt là nhiều đạm, giàu calori và dồi dào muối…
Bàn bên, ông bà già Anh chẳng biết đã ăn xong món chính lúc nào. Trên bàn đã bày món tráng miệng lạ: “xúc xích sôcôla”, chúng xếp đầy giá trong các siêu thị của Bồ. Bột chocolat, bơ, trứng và vụn bánh được trộn đều với nhau trước khi được nhồi chặt bên trong túi vải hình trụ và làm thành món bánh có hình dạng chiếc xúc xích. Và kia, chúng được thái ra y những khoanh dồi lợn người Việt vẫn hăng hái ăn kèm hành củ nhúng tái hoặc với cháo trắng nóng. Ông già Anh điệu nghệ dùng dĩa xiên từng lát nhẩn nha nhai gật gù… Người vợ dùng loại fromage được làm từ sữa cừu với hương vị đặc trưng, vỏ ngoài cứng, bên trong mềm dẻo như sữa ông Thọ cô đặc để lạnh…
Chị nghi ngờ trước món ngon nhất Monsaraz. Mình trao đổi món, chia nhau mỗi thứ một nửa.
Anh chàng bồi trẻ thi thoảng nhao qua ý chừng chờ đợi những lời khen của mình. Chị làm như không nhận ra sự sốt mến ấy. Thở than:
– Người Bồ đằm thắm, nên ẩm thực của họ phản ánh điều ấy. Sự đậm đà đôi khi hơi thái quá.
Thì hẳn, ta nghĩ, ai bảo Chị sống những hai mươi năm ở cường quốc ẩm thực số một thế giới.
Một cánh hoa cam trên cây chợt rụng xuống bàn.
– Sao không gọi nước cam?
– Ừ nhỉ… Nước Việt không thiếu cam ngọt, quýt ngon, chanh thơm đặc vị, nhưng so với trái cây có múi ở xứ Bồ thì cũng quá phân vân. Người ta dùng máy gọt vỏ rồi mới ép nước cam. Cam nguyên chất thêm vào những múi cam bóc nõn ngần…
Cam quýt dường như là giống cây tự sinh trên khắp xứ Bồ. Đường phố hễ có khoảng đất nào trống là có cam quýt chanh mọc lên. Chúng tươi tốt vô tư ngã ba ngã tư đường, góc công viên. Trên cây đeo quả chín quả xanh chen hoa trắng nhụy vàng. Trái rụng lăn lóc trên cỏ xanh, trên vỉa hè ngay trước mũi giày...
Và ta cứ xao lòng không đâu trước cây xoan tần ngần hoa tím, quả ươm vàng đã tháng Tư chưa chịu khô mình. Ta đã gặp không ít cây xoan trên đất Bồ. Mỗi khi thấy sắc hoa tím và vòm lá thưa mỏng lại không khỏi giật mình như gặp người quen quên không chào. Ta thương cây xoan cô độc bên cửa sông Taugus, không xa tượng đài Khám Phá. Cứ như là nó đã theo người Việt nào đó sang đây rồi bị bỏ rơi. Ta ái ngại cho cây xoan bị nhốt giữa bốn bức tường, dưới tháp canh tòa thành Monsaraz. Hay hàng xoan trồng dọc lối vào bến xe liên tỉnh Evora, y đám lính canh, cành nhánh bị xén tỉa, nhưng vẫn tươi quân dung. Lá chưa kịp xòe, hoa đã tím và quả mùa cũ vẫn đương treo sắc vàng đậm hạt cườm.
Và rừng sồi bần, rừng olive dầm chân buồn bã trong cỏ gai hoa tím, rắc ríu nhau chạy đến đường chân trời. Người ta bảo trong mỗi người Bồ đều hội tụ phẩm tính của cây sồi bần, cây olive và cây nho. Đó là sự cần cù bất chấp thời gian chịu đựng cái nóng và vươn sống trên đất sỏi kiệt màu để dâng ngậy, cho bùi và gìn giữ sự thăng hoa để mơ ước và hy vọng…
Cả đất nước Bồ Đào Nha đặt trên các ngọn đồi. Bởi hầu hết các thành phố quan trọng của Bồ đều xây trên các ngọn đồi. Và nguồn dưỡng sinh kinh tế không nhỏ dựa vào nguồn trang trại đồi cây sồi bần, cây olive và các mỏ kim loại quý, vật liệu xây dựng ở các vùng đồi núi. Thành phố nào cũng xây quảng trường đường lát đá hoa cương sắp xếp hoa văn hình sóng nhiều biến thể nghệ thuật. Các vỉa hè bằng phẳng, vững bền tới cả trăm năm, nhưng khi mặt đá ướt nước, chúng sẽ trở nên trơn trượt, khó lường dưới đế giày.
Do dấu vết kiến trúc Moorish đậm nét phía Nam Tây Ban Nha nên sự giao thoa văn hóa đã cho Bồ những hình ảnh các tòa nhà vuông vức ngói đỏ hồng rực rỡ, tường trắng nắng tinh khôi, cổng sắt diêm dúa, sân phẳng rộng, hoa trồng dọc các ban công. Thi thoảng gặp các tòa nhà cổ mặt tiền ốp gạch gốm men lam của dòng nghệ thuật Azulejos thuần Bồ.
Mọi hình ảnh yên thuần, trật tự nhưng chúng mình không thấy đây là đất nước đang tươi vui, hạnh phúc. Nhịp sống đều đều, buồn buồn day dứt như giai điệu fado. Tất cả toát lên nhịp đời an phận. Nhưng tất cả lại như đang ẩn giấu cả nỗi chờ đợi ở một sự sống khác. Có lẽ thế chăng, bởi 87% người Bồ theo Công giáo Roma. Là nước phát triển, mức sống thứ 19 trên thế giới, bình yên thứ 14 và toàn cầu hóa xếp thứ 13, Bồ vượt trước nước Việt quá nhiều thời gian và khoảng cách.
Vàng son không thiếp mãi trên cột buồm chiến thắng, sự giàu sang hùng cường bong tróc theo thời gian.
Chính khát vọng chiến thẳng bản thân trước thiên nhiên đã khiến một dân tộc vài triệu người làm nên một quốc gia ra đời sớm nhất và kéo dài nhất lịch sử những đế quốc thực dân châu Âu. Nhờ thám hiểm hàng hải thế kỷ XV – XVI, Bồ trở thành một đế quốc toàn cầu sở hữu thuộc địa ở châu Phi, Nam Mỹ, châu Á và là một trong những đế chế kinh tế, chính trị và quân sự mạnh nhất thế giới?!
Bắt đầu từ vụ chiếm Ceuta năm 1415 đến sự kiện trả lại Macau lãnh thổ hải ngoại cuối cùng của Bồ cho Trung Hoa đại lục tháng 12 năm 1999 – Đế quốc Bồ duy trì được gần 600 năm.
Nhưng rồi biến cố lịch sử, thiên tai, góp thêm vào là thể chế độc tài đã vùi dập dân tộc Bồ kiêu hãnh thành những kẻ túng bấn và thất thế ở châu Âu.
Chúng ta không ngạc nhiên khi biết Bồ Đào Nha sở hữu nền giáo dục đại học lâu đời như Anh “Oxford”, Pháp “Sorbone”, Tây Ban Nha “Salamanca”. Đại học Coimbra thành lập ở một chủng viện từ năm 1290 tại Lisboa. Khuôn viên trường hiện nay nằm trọn trên quả đồi trong cung điện Alcáçovas hoàng gia xưa ở thành Coimbra.
Điểm nhấn Coimbra là thư viện Joanine 250.000 đầu sách, phong cách nội thất choáng lộng, xa hoa. Vật liệu quý mang về từ thuộc địa: gỗ mun Brasil, vàng và đá cẩm thạch châu Phi. Toàn bộ diện tích bề mặt tường được bao phủ bởi các giá sách làm bằng gỗ dái ngựa sơn mài nhiều màu với kiểu họa tiết sặc sỡ ảnh hưởng mỹ thuật cung đình phương Đông.
Hệ thống thư viện Bồ Đào Nha bắt đầu từ những sưu tập trong tu viện và từ thời kỳ Trung Cổ, có điều luật về đọc sách công cộng. Nhưng chúng ta hiếm gặp hình ảnh những sinh viên, người già đọc sách ngoài công viên hay trên các phương tiện giao thông…
Năm 1625 giáo sĩ Alexandre de Rhodes – cùng bốn cha Dòng tên và một giáo sĩ Nhật Bản đã cập bến Hội An. Duyên tình nước Việt với văn hóa Bồ đã bắt đầu từ đấy chăng? Không gặp người Pháp vĩ đại ấy, thì hành trang văn hóa người Việt chúng ta hôm nay viết thứ chữ gì nhỉ? Ấy thế mà người Việt mới biết đến văn học hiện đại của Bồ không lâu qua các tác phẩm của José Maria Eca de Queiroz và nhà văn nhận Nobel văn chương 1988 José Saramago (16.1.1922 –18.6.2010).
Mình bỗng nhận ra mình hạnh phúc hơn bao kẻ đam mê sách, bỗng được run rẩy trước khối nhà tầng hai trang trí gạch Azulejos nơi góc phố R. Garrett – Lisboa có hiệu sách lâu đời nhất thế giới đang mở cửa. Hiệu sách Bertrand với logo chữ B màu trắng nền đỏ trên niên số 1732. Tuổi lên mười, ta đi mười ba cây số đường rừng mua cuốn sách đầu tiên. Và ngoài tuổi năm mươi đến tận nơi cửa hiệu sách lâu đời nhất của loài người cũng xúc cảm như cầm trên tay cuốn sách giữa rừng xưa… Cũng đã may, nhưng phải sau bốn mươi năm ta mới có thể vượt qua chặng đường 20 ngàn cây số chẳng phải là điều không bình thường và cũng quá thường hay sao?
Bồ Đào Nha, chưa biết khi nào mới thôi day dứt bởi quá khứ vàng son. Đất nước này đang đối diện với bao nan đề nội tại và thực thể châu lục. Chưa thôi dòng người lũ lượt bỏ xứ ra đi tìm miếng bánh ngoài biên giới. Và cũng chưa biết khi nào dừng những khách du đến đây chỉ để thỏa tò mò vì hào quang đế quốc còn le lói trên các tượng đài. Ở một cấp độ nào đó, thì Bồ cũng chẳng khác nước Việt, xuất khẩu chủ yếu là quần áo, giày dép nút bần, bột giấy và một chút sản phẩm hóa chất, máy móc.
Chính phủ cánh hữu đương nhiệm của Thủ tướng Pedro Passos Coelho thực thi chính sách khắc khổ vùng vẫy thoát vết xe đổ là món nợ công đang siết quanh cổ. Thói vung tay quá trán hành hạ cả một đất nước chứ chẳng riêng một người. Nhưng tính cách khem kiệm khiến người dân Bồ thích nghi với chi tiêu tối giản dễ hơn Hy Lạp… Dân Bồ không mấy hăng hái đi biểu tình.
Thế giới đâu có phẳng nhờ kết nối như Thomas Friedman[1] vẽ vời. Joseph Stiglitz tỉnh táo hơn khi “biên tập” sách của Friedman[2] rằng “thế giới kết nối hơn mà không bằng phẳng hơn”. Địa mạo trái đất tạo hóa nhào nặn thế nào thì nay vẫn vậy, dù có động sơn, tạo thủy cũng chỉ là chuyển biến cục bộ. Thông tin giúp thúc đẩy các mối xung đột trở nên sâu sắc, tốn ít thời gian chờ bùng nổ hơn khi mà mỗi cá nhân còn chịu đựng sự bất bình đẳng, bị tước đoạt các cơ hội giữa thế giới ngày một trở nên giàu có, phức điệu nhờ những sân chơi lồi lõm, gồ ghề… Một dân tộc, một đất nước, một đời người cũng chẳng thoát khỏi quy luật tồn sinh Chúa định.
Không lẽ Portugal giờ đây vẫn ôm cành nguyệt quế rụng xơ lá tự ve vuốt mình bằng thời gian chết. Mà thời gian trôi một chiều lên phía trước chứ không bước giật lùi trở lại và nó kéo chúng ta tới tương lai, mặc ta muốn hay không.
11. Ta ngồi trên chiếc kỷ lót nệm bông, che mành gió nơi sân thượng Casa Pinto ngắm trăng thượng tuần giữa sao mờ. Những chiếc gối dành cho hai người nhưng chỉ mình ta dựa. Những bông hoa vây quanh ban ngày cũng khép cánh lâu rồi. Chỉ có hương hoa cam mê tỉnh. Non nước Portugal đẫm sương khoảng sáng khoảng tối hun hút những rộng dài. Đêm đầu tiên cũng là đêm cuối ở Monsaraz. Trăng lạnh. Ta lạnh trong sự cô đơn thanh thoát. Chị đã ngủ hay thao thức với những riêng tư vui buồn?
Monsaraz quờ tay là chạm đá. Thứ sa thạch nâu đen pha sắc, được quật lên tại chỗ làm hồn cốt cổ thành. Vô tình cũng ứa máu. Thành đá vòng ôm ngọn núi. Một trạm bưu điện, một hiệu thuốc, một trạm cảnh sát. Thế cũng đủ cấu trúc cho một địa chỉ hành chính. Thứ vốn dĩ đã cao dưới mặt đất là nhà thờ và tháp canh thì trên núi chiều cao lại được kích lên vượt bậc. Đã cao lại còn cao thêm…
Nhà thờ đá rêu phong, tháp chuông viền vân mây, cửa uốn vòm, cô độc cây thánh giá thép. Tháp canh đá sừng sững hốc lỗ châu mai, nửa Hồi giáo, nửa Thiên Chúa giáo. Sự uy nghi, đa chiều, lưỡng phân như hiện thân của Bồ nửa quay về quá khứ, nửa hướng tới tương lai gập ghềnh. Nắng nung đá đắng khét. Khí nóng ngậm trong đá cuối ngày vẫn phả ra như hơi lò nướng bánh Pastéis.
Ngày mai gặp Anabella và Katia. Mình sẽ trở lại Evora với Casa DA Gouvernador… rừng sồi bần, rừng olive cổ quái, bầy cừu dê và con ngựa tía đua hùng dũng vẫn brừ… brừ đánh hơi.
Sẽ khứ hồi Lisboa, để sau lưng một mùa xuân dang dở bao điều. Chẳng rõ Portugal nợ mình hay mình nợ đất nước này. Nợ Anabella, nợ Katia những điều bình dị nhất mà bất cứ người Portugal nào cũng có thể chìa tay đan kết.
Làm sao mình đi khắp Portugal.
Hãy còn Porto với những dãy nhà như tranh vẽ. Và ta nợ chỗ ngồi mái vòm quảng trường Placa da Ribeira, ngắm nhìn tàu bè chầm chậm trên dòng Douro mỗi khi chiều sẫm.
Hãy còn đó thung lũng Douro. Mình nợ con đường vắt ngang đèo đạp xe nợ con thuyền dọc sông Douro xanh ngọc giữa bạt ngàn ruộng bậc thang nho phủ kín sắc phì nhiêu.
Mình đã nâng ly Monsaraz trong khát khô Monsaraz.
Nơi tiệm rượu Templaris, vẳng giọng người đàn ông trầm khàn, pha ngữ điệu Anh trên dải âm guitar hát khúc fado cứa lòng…
“Ta nâng ly chát đắng, ta nâng ly ngọt dịu dàng, ta nâng ly tha thiết, nhìn vào mắt nàng lẽ nào ta phải tin những điều đau đớn giấu kín dưới nụ cười. Trăng cổ thành sáng như mũi kiếm sắc cắt đoạn lòng ta, cắt đoạn con đường vượt biển những ngày xa cố quốc. Trái tim ta đêm nay không ngủ, gửi người đẹp từng uống rượu cùng ta ở cổ thành Monsaraz những năm xa…”[3]
Trăng thượng tuần buông sáng lạnh nhưng ta chưa thể bái biệt cổ thành trắng lũy đá đen. Hương cam len như nỗi đau nhớ neo khóa cõi lòng đang thức mở. Monsaraz mảnh vỡ của tấm gương xứ Bồ góp thêm một chấm mờ cao giữa trời sao, ta đến và rời đi suốt hành trình phận số mà đích chờ phía trước vẫn hẹn ta mưa nắng chẳng phai mùa.
Hút chân đèo, lóa sáng đèn pha của chiếc xe ngược dốc như hai thanh trường kiếm thọc vào bóng tối. Buốt nhói.
Lisboa tháng 4 năm 2015
[1] Thomas Loren Friedman (sinh 20 tháng 7 năm 1953) nhà báo Mỹ viết cho The New York Times. Ba lần giải thưởng Pulitzr. Chủ đề chính của ông là các vấn đề ngoại giao, thương mại toàn cầu, Trung Đông và môi trường.
[2] Joseph Eugene Stiglitz (sinh 9 tháng 2 năm 1943) nhà nghiên cứu kinh tế Mỹ và giáo sư tại Đại học Columbia. Giải thưởng Nobel về thành tựu nghiên cứu khoa học kinh tế (2001).
[3] Lời một bài hát của điệu Fado.