CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Ký sự

VÀ CƠN MƯA BẤT CHỢT XUỐNG LAUSANNE

Thứ bẩy ngày 20 tháng 10 năm 2012 4:36 PM

1. Cùng Chị đến Lausanne. Lausanne là định mệnh thêm một số phận.

Bến Ouchy, nghe sóng quật mình vào ghềnh granit đợt đợt triều nổ bùng tựa bụi băng bay mờ gió, tôi xác tín thêm điều Chị khẳng định: mọi con đường Lausanne đều đổ xuống hồ Léman.

Đến Lausanne nhiều người chung lối, nhưng lý do thì riêng vẻ.

Thủ phủ tiếng Pháp của Thụy Sĩ - diện mạo cây cột điện đến dinh thự, bảo tàng, nhà hát, nhà thờ đều giản lược nét hào hoa, cầu kỳ văn hóa xứ Gaulois. Người Thụy Sĩ nhấn mạnh thứ triết lý hiệu quả nhưng không kém thẩm mỹ. Lausanne nghiêm, lạnh như bộ veste vải len cao cấp khâu tay ba khuy màu tối trên người viên thư ký nhà băng trung tuổi, ấy là trực giác khi tôi đặt bước xuống sân ga, nheo mắt  nhìn thành phố.

Ẩn hiện đâu đó vẻ trịnh trọng, ánh mắt chăm chú của ông chủ nhà băng, chủ sản xuất đồng hồ thủ công, chủ chế biến thực phẩm thấp thoáng sau ô cửa hé rèm dõi theo những du khách thẩn thơ tản bộ dọc các con phố mà đọc ra các tiềm năng.

Chúa Trời khoanh Lausanne ở giữa Tây Âu còn gia ơn thêm cho các công dân của nó sự khôn ngoan, nhạy cảm với tất tật động loạn thế giới. Thiên hạ vui hay buồn đều là cơ hội kiếm tiền. Họ tự biến chiếc rương nhà mình thành cái két khóa số cho nhân loại và hoán đổi chiếc bàn ăn dưới bếp thành bàn bày văn kiện ký các hiệp định thương thảo của mọi quốc gia văn minh hay mông muội, mọi phe phái, băng nhóm thù địch hoặc đồng minh. Các người cứ việc đến cãi, chửi bằng đủ thứ ngôn ngữ ở đất nước này rồi lại trở về đâm chém, giết chóc nhau ở đâu chẳng quan trọng. Súng đạn không xong thì quay lại mà tranh cãi, đấu lý…bất kể lúc nào.Thụy Sĩ chỉ cần chút xíu lãi xuất làm thủ quỹ, dịch vụ ăn, nghỉ, thư giãn của quý vị…

Xem chừng xuất xứ cách người Thụy Sĩ làm giàu cũng đơn giản, sơ khai như cuộc chơi trận giả của lũ trẻ cùng phố, cùng làng. Hai phe chia đôi địch ta đấu trận, nhưng không quên cắt cử một đứa trông coi quần áo, cặp sách, giày dép, ngộ nhỡ hỏng hóc, mất cắp.

Và người Thụy Sĩ đã tự nguyện đứng ra làm việc đó.

Họ thừa thông minh, nhẫn nại vun vén không những riêng Lausanne  và cả đất nước phồn thịnh mà còn lấp lánh hấp dẫn như mặt hồ Léman dưới mặt trời bởi hàm lượng văn hóa được tích hợp tinh hoa nhân loại.

Còn tôi và Chị - thêm hai người Việt đến Lausanne: không có hợp đồng nào ký, cũng chẳng nan đề tranh cãi. Hiện diện ở nơi này giản đơn để biết lắng nghe mình buồn vui nơi sóng nước mây trời vĩ tuyến khác.

2. Du khách hỗn độn màu da ồn ã xếp hàng ra cầu tàu. Viên thủy thủ trưởng như Tarat Bunba oai vệ đứng chắn cửa, râu chổi bạc trắng luôn ngọ nguậy như đang che giấu nụ cười mai mỉa. Con tàu hơi nước Simplon sinh năm 1920, trắng lóa, ống khói sơn đen và vàng đất, cờ Pháp cắm đuôi tàu, cờ Thụy Sĩ gióng trước mũi phì phò ghé mạn. Sợi chão nhựa màu nước biển quăng ra loằng ngoằng quấn vòng  cột trụ cầu tàu. Tôi và Chị đứng bên lề người chen chúc. Chai nước và túi hoa quả. Chẳng vội, chuyến ngao du quanh Léman không thể thiếu chúng tôi. Làm người cuối xuống tàu thì đã sao. Hóa ra thiên hạ như nhau, biết trước đích nhưng vẫn chen lấn. Chen lấn theo kiểu Âu: nín lặng, hích lên một bờ vai, một bước chân là đã vượt lên trước.

Ban mai chuyển sáng, bầy thiên nga dang cánh lạnh liệng xuống hồ ngọc bích. Rừng cột buồm đã hạ lá, chao đảo khua dây chão thắt nút va lạch xạch dọc thân gỗ. Một đôi cánh cô độc thả mình trên ngọn sóng lênh đênh dưới hàng cọc đỡ cầu tàu. Đám xác tảo chết dưới đáy hồ chồi lên nổi váng nâu lềnh phềnh. Con thiên nga vươn cái đầu uy nghi, gồ bướu đầy phái tính khua cặp mỏ vàng như hai cánh hoa hướng dương trên chiếc cổ dài kiêu hãnh. Ông lão trông coi bến thuyền, tung mấy mẩu cá đông lạnh thở dài:

- Tội nghiệp, nó góa đã ba năm mà vẫn chẳng chịu cặp đôi với con khác. Trong một trận bão giữa đêm, vợ nó kẹt giữa hai mạn thuyền…

Con thiên nga bỗng nghểnh kêu khe khẽ như cất tiếng chào. Đầu sóng cuốn xác tảo vấy lên bộ cánh tuyết những chấm đen. Trên đê kè chắn sóng, cây cột thép sơn trắng gắn biểu tượng Lausanne, hễ có gió là chuyển động như chiếc phong vũ biểu: một vòng tròn hở, ba dây căng ngang. Chị bảo đấy là lá buồm, là chiếc hạc cầm mang hình mặt chiếc đồng hồ và chữ cái đầu của đồng tiền chung châu Âu.


Vợ chồng người Á, đồ hiệu toàn thân, dắt con gái chừng năm tuổi tịnh tiến ngang vị trí chúng tôi đang ngắm đời sống trên bờ Léman. Đứa trẻ bọc trong sắc hồng. Gương mặt họ có nét gì quen thuộc, như đã đụng ở Hà Nội hay Sài Gòn. Nhưng mắt họ lướt qua đầu người trực diện. Ánh nhìn hững hờ, lễnh loãng sự tẻ nhạt.

Trí nhớ vụt lóe: mấy gương mặt Việt kia, tôi chạm trong quán phở Sài Gòn, góc phố cuối con dốc lên phía đồi bảo tàng Olympique hôm trước. Khó diễn tả cảm xúc hân hoan muôn nỗi khi cách dải đất hình chữ S hơn mười ngàn cây số, giữa châu Âu bất chợt thấy biển hiệu tiếng Việt: Phở Sài Gòn.

Đã dùng bữa, nhưng tôi không thể cưỡng lại cơn thèm bước vào tiệm phở. Đằng sau cánh cửa kia là một mảnh văng xa của nước Việt mang đặc trưng nghệ thuật ẩm thực quê nhà. Trái tim đang đói nhớ tình thân Việt, tôi háo hức, Chị theo sau. Bước lưu lạc, hẳn Chị không mấy lạ những địa chỉ Phở.

Góc tiệm vợ chồng trẻ người Á và đứa con gái đang xì xụp. Nước dùng xương bò tóa vị gừng, hành nướng hăng ngấy lạ thường.

Ông chủ tiệm nhũn nhặn, tròn tay, tròn chân, tròn mặt, tóc cứng, da sần, quần đen nhờ, áo trắng nhờ, lẹp xẹp đôi dép nhựa xám thường bán ở Chợ Lớn cất tiếng chào. Giọng như thứ vữa tam hợp vôi cát xi măng, thổ ngữ Bắc-Trung-Nam hằn dấu ở các nguyên âm.

Vừa lúc có tiếng đũa rơi lăn trên mặt sàn nơi góc bàn của cặp vợ chồng trẻ người Á.

- Quý anh chị ở Việt Nam mới sang?

Tôi dịu lòng đáp lại bằng ngữ điệu Bắc Bộ gốc của mình.

- Vâng, thưa ông.

- Bắc kỳ, mình ạ. Bắc kỳ! - Tiếng ông chủ tiệm nói với vợ.

Khoảng 25 mét vuông bày bốn bàn ăn, hai chậu gốm Bình Dương trồng cây trúc mây.  Quầy bar kiêm thu ngân sát tường mở lối xuống tầng hầm làm nơi chế biến. Chị chọn chiếc bàn bên cửa sổ xuôi ngã tư trục đường xuống hồ Léman. Chủ tiệm trình menu. Phở. Đương nhiên là phở bò tái. Mười hai Francs (CHF) Thụy Sĩ một suất. Chiếc đồng hồ treo tường boong boong điểm giờ. Tôi khen tiếng chuông. Chị mải ngóng theo con đường dẫn xuống hồ.

- Một ngàn năm sáu mươi quan đó là cái giá tôi mua đấy. Sắp tới tôi xách về cho người bà con ở Huế.

Chủ tiệm đỡ lời. Có vẻ anh ta sẵn sàng hầu chuyện đồng hồ.

Mê sưu tập đồng hồ đeo tay cổ điển Thụy Sĩ, tôi ít nhiều có thông tin về thị trường này từ Pháp. Mua đồ cũ ở Thụy Sĩ không dễ, đặc biệt là đồng hồ cũ. Hiếm mua được trực tiếp từ người bán. Giao dịch diễn ra trên mạng. Và ở Thụy Sĩ đã có Việt kiều, Hoa kiều chuyên đi săn các loại đồng hồ cũ đem về cố quốc nên đồng hồ giả, đồng hồ nhái giả cổ là vấn nạn của tay mơ.

Chị hỏi ông lão coi bến Ouchy vài địa chỉ bán đồng hồ ở Lausanne. Ông nhún vai, hài hước:

- Ồ, cả Thụy Sĩ là cửa hàng bán đồng hồ.


Nơi đây, nếu không tin đồng bào mình thì tin ai? Và ông chủ tiệm đã không ngại dẫn tôi băng qua hai ngã tư, hai khối phố, quẹo trái ba trăm mét đến cửa hàng đồng hồ cũ. Dán mắt vào kính, tôi nhận ra hàng loại mẫu đồng hồ cổ trưng bán. Loại treo tường, để bàn làm việc, bàn phấn, bàn phòng khách, loại đeo tay, nam nữ. Sáng bóng. Niêm yết giá. Liếc qua, đồng đeo tay rẻ nhất cũng không dưới năm trăm quan. Những chiếc khủng thì lên tới vài ngàn, dù đã là đồ cũ nhưng được bán với giá đồ cổ. Không may, cửa hàng đóng đến tận sáng thứ  Hai. Mà Chúa nhật thì tôi đã khứ hồi Paris.

Ông chủ phở thăm dò:

- Nếu anh thích một trong những chiếc nào ở đây, tôi có thể kiếm ở chỗ khác. Không nên mua lớ xớ gặp bọn khịa là xơi đồ rởm liền à…

Trở lại tiệm phở, tôi tỏ ý quan tâm chiếc đồng hồ treo tường. Chủ tiệm tươi như hoa, kê ghế kiễng chân nhấc nó xuống. Xoa xuýt thổi bụi. Chưa cần xem máy, nhìn nước mạ mặt đồng hồ đã xỉn mà hàng chữ in trên đó lại sắc nét, tươi một cách đáng ngờ.

Chừng mười lăm phút sau thì người vợ hàm răng xanh đen, cũng lẹp xẹp đôi dép nhựa xám, tóc quấn gáy, ể oải như bà bán tạp hóa nơi phố huyện  ngả trưa, bê khay thức ăn, thận trọng đặt lên bàn khách rồi biến mất dưới ngách hầm.

Chủ tiệm trông chừng. Vồ vập bát phở, tôi khen thịt bò ngọt mềm. Tiếc là rau húng vị nhạt. Đá qua đá lại chuyện phiếm. Chủ tiệm là người vượt biên những năm tám mươi, tị nạn Malaixia hơn một năm thì được anh trai bảo lãnh qua Thụy Sĩ. Thành Việt kiều yêu nước, anh về quê cưới vợ dinh sang.

Họ làm công dân Lausanne đã hơn ba mươi năm.

Gia đình trẻ bàn bên kêu thanh toán bằng tiếng Pháp. Họ không có nhiều thời gian, có vẻ đang muốn rời tiệm phở càng nhanh càng tốt. Chủ tiệm nói tiếng Việt.Vậy mà hai bên vẫn hiểu nhau.

Có lẽ tôi đã tỏ bày ngạc nhiên nào đó. Chủ tiệm thẽ thọt:

- Cô cậu vừa rồi chắc hẳn là thế hệ thứ hai của người Việt ở hải ngoại. Họ thường dùng bản ngữ khi ra ngoài. Chỉ khi nào ở nhà mới dùng tiếng Việt.

Chị ngồi xoay cốc nước lọc vẻ như câu chuyện bên bàn đã quá quen.

Giờ thì ba vợ chồng cái con nhà nọ giờ đang chen chân xuống tàu Simplon. Bỗng đâu gã da đen cao như tòa tháp từ phía sau vượt lên xô bật cả ba khỏi hàng. Các góc phố Lausanne luôn lấp ló những gã đen gạ gẫm khách mua cần sa. Chẳng lẽ đây là một trong những gã ấy? Cặp vợ chồng lỉnh kỉnh máy ảnh, túi xách khuỵu xuống. Đứa trẻ tuột khỏi tay mẹ, cụng đầu vào khuỷu tay bà già phốp pháp bên cạnh. Chiếc nơ bướm cài tóc rơi xuống liền bị gã da đen giẫm lên. Chiếc nơ bẹp gí, bé gái mếu: Má ơi. Tiếng Việt sao bỗng ngẹn ngào. Buông túi, Chị đỡ tay đứa trẻ, vỗ về bằng ngôn ngữ mà nó vừa buột thốt như là đau đớn. Thút thít, quệt nước mắt, cô bé tin tưởng ngả đầu vào  vai Chị. Hai vợ chồng nọ vừa kịp  đến, gần như giằng lấy đứa trẻ. Cả hai đồng thanh buông: “Merci!” rồi nỗ lực tránh xa chúng tôi bằng cách xin lỗi người đi trước để chen vào hàng. Đứa trẻ ngoái lại ngơ ngác. Có điều gì lấn cấn như là vừa ăn món gì quá mặn, như là đôi bàn tay dính dầu xích hay nhựa đường chưa gột rửa.

Chị lóng ngóng trên tay chiếc nơ hồng rúm bẹp.

Tàu rời Ouchy, vân sóng lồng vân mây nâng buồm trắng dung dăng, bờ xa ẩn khuất lâu đài diễm lệ trong khói sương. Tôi lắng với nỗi buồn tê dịu. Chị ngồi đầu ghế hướng ra mặt sóng. Viên mãn, tròn đầy cũng khiến cho người ta nhạy cảm với ngày tháng mai này. Cận kề mà xa lắc, mỗi nỗi riêng thả riêng theo sóng, theo mây phô bày, tan tụ. Sóng trước đuổi sóng sau. Mây sa dưới nước, nước nhòa chân mây. Mặt hồ cắt đôi. Bầu trời cắt đôi. Cả Lausanne soi bóng  bỗng nghiêng ngả khuynh thành sau vệt sóng Simplon tiến tới.


Đến bến Parc du Bouget thì tôi không ổn với tiết chớm thu. Trang phục hè, chống sao nổi cái lạnh được gió cuốn phần phật. Ái ngại Chị trông chừng sắc vẻ tôi. Thoáng ân hận đã không nghe Chị mua áo khoác.  Áo đẹp thì giá trên trời, rộng như đồ tế. Áo hợp tầm thì sắc màu, kiểu dáng như để bán cho dân tị nạn châu Phi. Thà chịu rét. Lục tục theo chân chúng tôi cũng có vài người Á rời hạng nhất tụt xuống khoang hạng hai.

Tình cờ lại sắp đặt chúng tôi ngồi song hàng với gia đình trẻ nọ. Mỉm cười với bé gái, chiếc nơ hồng đã vuốt  phẳng, xập xòe trên lòng tay Chị như con bướm sắp sửa nhấc mình lên. Bé gái trằn giãy trong lòng mẹ, hoan hỉ: Của con chứ! Của con chứ! Bàn tay người mẹ nổi gân giữ chặt bé, quay mặt đi. Người cha gườm mắt.

Tôi chủ động lên tiếng:

- Nếu tôi không lầm, thì anh chị cũng là người Việt.

Người chồng nhếch môi:

- Non. Réf. Nous Canada!

Khí lạnh đỉnh tuyết Savoie Alpes tràn xuống và từ đáy sâu sông băng tiền sử chuồi theo sóng bỗng như cắt thịt da. Lạc đại ngàn, bơ vơ giữa hoang mạc tôi không thấy hoang vu như lúc này đứng trước huyết thống Việt của mình. Đồng bào của tôi đã lạc loài hay Tôi và Chị đang lạc loài.

3. Khoang vé hạng hai, vị trí ngồi thấp, tầm ngắm hạn chế, kín gió nên ấm hơn và liền với phòng ăn dành cho hạng nhất. Phòng gắn biển VIP. Nhà hàng chưa phục vụ, nhưng Chị ngỏ lời với bà trưởng quầy muốn được vào đợi bữa. Thảm đỏ màu rượu chát, hoa văn rong biển và cá heo, nốt nhấn cảm giác đại dương. Bốn dãy bàn trải khăn trắng dày xốp. Hai hàng cột gỗ gụ chống đỡ trần chạy suốt khoang, soi chỉ đũa y như hàng cột trụ thờ nữ thần Athéna. Cửa sổ kính tấm lớn. Lộng lẫy nghiêm cẩn kiểu cung đình.

Người phụ nữ mắt trố, tóc màu đồng, chemise phanh cúc cổ lộ ngực lép nâu rám, chăm chắm nhìn chiếc lắc đeo cổ Chanel của Chị. Trước khi lịch lãm nghiêng đầu đồng ý, chị ta dí dỏm kịp liếc về phía tôi:

- Tất nhiên thưa chàng Johnny Depp.

Chị mở máy tính làm việc. Chiếc nơ hồng lồng ngón tay đeo nhẫn. Nhả bàn phím được mươi chữ lại mơ màng ngắm cảnh sắc. Bến bờ tương lai lẩn khuất sương mù. Simplon sẽ quay guồng vẽ một vòng tròn khép kín trên mặt Léman.  Chúng tôi cùng nhớ về giấc mơ con tàu trắng và cánh buồm trắng, hải âu trắng, thiên nga trắng thuở thiếu thời. Chẳng còn thời gian đọc Cánh buồn đỏ thắm và chàng hoàng tử đợi đảo xa, chỉ có hiện tại phấp phỏng phận người…

Chị nhớ con tàu của cha. Chiếc Simplon hơi nước đặt bên con tàu vượt đại dương ngày xưa của cụ chẳng khác chiếc xuống cứu hộ lắc lẻo đeo bên mạn nó. Chiếc tàu vượt đại dương đầu tiên của nước Việt.

Tôi sợ thời khắc yếu lòng của con người hay là tôi ngại đối mặt với mềm yếu của chính tôi. Nước mắt và nước hồ Léman. Vờ cầm máy ảnh, tôi ra hành lang con tàu nhưng cụng vào góc khung cửa vuốt tròn. Dưới tấm kính chịu lực trong suốt, buồng máy gầm gào. Tôi đứng trên đó cảm nhận trái tim của con tàu chuyển nhịp. Cánh tay đòn đẩy piston cuồng loạn. Bên hông tàu, hai bánh guồng ngoặp sóng phằm phặp, nước văng ướt nhoèn mặt kính.

Léman nổi gió. Mưa rớt xuống đầu sóng xé lua rua. Né dưới mái hiên lan can che phao cứu hộ, tôi rụt cổ như con bồ nông thả mình lênh đênh. Những giọt mưa châu Âu đầu tiên thấm ướt tôi giữa hồ Lénam, có thể vân du từ sông hồ châu Á. Chị vẫy tôi trở vào. Chị đang tiếp chuyện người đàn bà cao ngỏng, tái xám, lấm chấm tàn nhang, mũi khoằm mỏ chim cú, mắt ghi sứ xám, cứng đờ. Giày bệt màu cam. Áo len xám mỏng phòng phành. Nép bên bà, một thiếu nữ khó đoán tuổi, còi cọc, tùm hụp chiêc mũ vải rộng vành, hếch nhìn, chiếc ba lô rúm ró. Vài phút cô lại tu chai nước Evian.

Những cánh buồm, những cánh hải âu ngột ngạt trong mưa.

Tôi trở vào khoang. Một cái gật đầu đủ cho lời chào. Chị giới thiệu người mới quen là thành viên hội nhà báo tự do Thụy Sĩ, vừa rời Trùng Khánh sau bốn năm thực tế.

Xòe bàn tay khô gầy lồng nhẫn bạc như ốc bậu, bà nói rằng mình là người Lausanne. Lausanne là thành phố giàu có nhất thế giới. Đúng, giàu nhất thế giới. Bà luôn mồm khẳng định.Và hễ khi nào có dịp là mẹ con bà theo tàu Simplon thư giãn. Chẳng cần phải xuống bến nào của bảy cái bến dọc hàng trình đến tận Genève. Thích thì quay về Lausanne trước bữa tối. Đây là chuyến đi của những người yêu sông nước. Dĩ nhiên hai mẹ con bà yêu sông nước.

Sắp tới, bà sang Việt Nam làm thiên phóng sự về vịnh Hạ Long. Ước được ngồi du thuyền trên vịnh biển của những con rồng nằm ngủ, qua đêm ở đó để ngắm bình mình nhiệt đới.


Bà đan hai bàn tay khô héo, móng tô màu cà-rốt:

- Tôi gặp không ít người Việt ở ngoài biên giới Việt . Có thể trong nước các bạn là một thực thể gắn kết, nhưng khi bước ra thế giới thì các bạn như là những củ khoai tây vương vãi trên mặt đất. Tự các bạn định ra thành phần khác nhau. Nào là người Nam người Bắc. Người 1945. Người 1954. Người trước 1975 và sau 1975…Ra đi bằng hộ chiếu hay di tản. Vượt biên hay lưu học sinh. Các bạn chỉ thân thiết trong nhóm nhỏ. Tự xưng là trí thức, nhưng nhiều người cứ như mắc bệnh tự kỷ, bám víu vào ngoại lai, dẫu quá khứ tận hưởng mọi ưu đãi của chế độ vẫn luôn than thở mình có vấn đề với cố quốc. Bên Đông Âu, mafia Việt trấn cướp, cắt cổ người Việt…Với các bạn, thật là khó khăn khi phải thoát khỏi cái bóng của mình. Các bạn thích ngoái lại đằng sau? Khắt khe với nhau bao nhiêu thì các bạn lại cởi mở và dễ quên, dễ tha thứ với người ngoài. Các bạn là dân tộc hướng ngoại nhưng lại đầy tự ti…

Người Trung Hoa ở hải ngoại chỉ cần nghe tiếng nói dân tộc mình lập tức đã tìm đến với nhau. Khó khăn cùng chịu, vui vẻ cùng chia. Họ quên nhanh đã từng ăn thịt nhau ở trong nước. Chiến tranh làm nên tên tuổi các bạn. Chính vì vậy các bạn giỏi đánh nhau. Từng xâm chiếm Campuchia, và không ngần ngại gây sự với Trung Hoa.

Sắc mặt Chị tái theo nhiệt độ ngôn ngữ của người tự xưng là nhà báo tự do kia. Bà ta hồ đồ ở những nhận định chủ quan, nhưng có những điều đắng lòng vì không phải là không có lý, vì nó vừa diễn ra ngay trên tàu Simplon này với đồng bào Việt của tôi.

Chị mềm mỏng:

- Lausanne chiếm cảm tình của tôi thêm chút là nhờ có bà. Tôi rất muốn biết chốn Chanel* yên nghỉ nơi đây. Bà có thông tin nào cho tôi không?

Nhà báo tự do nhướn đôi mày nhợt như lá lúa mì phơi nắng lâu ngày. Bà nhận ra dấu hiệu thời trang của Chị mang. Vẻ như không chờ đợi câu hỏi chi tiết, chiếc mũi mỏ chim rịn mồ hôi, lúc sau bà mới thú nhận:

- Chanel, dĩ nhiên là tôi biết. Có thể Chanel từng ở đây. Nhưng chốn yên nghỉ… thì quả thật là lần đầu tiên tôi nghe cô nói… Nguồn tin của cô bảo đảm chứ?

Yên lặng. Tiếng guồng nước phằm phặp, song hành nhịp piston giật cục như là con tàu đang nấc lên. Chị mỉm cười:

-Vâng, tôi nghĩ tôi có thể lầm…  

Cô con gái bà tu hết chai nước, móc tiếp chai nữa trong ba-lô.

Nhà báo vụng về xoay chủ đề câu chuyện:

- Đến Việt Nam lần đầu, tôi cần chuẩn bị những gì nhỉ?

- Việt Nam là dân tộc cởi mở, dễ tha thứ và hướng ngoại. Bà chẳng có gì phải lo lắng. Vịnh Hạ Long cảnh sắc có một không hai của trái đất. Đồ hải sản ngon và rẻ bằng một phần ba Lausanne. Tôi có nhiều địa chỉ bạn bè có thể giúp đỡ bà bất cứ điều gì.

- Liệu tôi có làm phiền cô và làm phiền các bạn cô ở đó…

Chị mở sổ ghi nhanh mấy dòng, bứt trang giấy đưa bà nhà báo. Cất tờ địa chỉ vào ví, bà  ta sốt sắng:

- Đến Lausanne thì trước tiên nên lặn lội vào các phố đồi. Sau  ngồi du thuyền ngắm nó từ hồ Léman. Lausanne cấu trúc bởi thổ và thủy. Tương khắc nhưng cũng tương sinh. Mùa đông, Léman đóng băng và là nơi trượt băng của người thành phố. Hầu như tháng nào cũng có  trình diễn nghệ thuật, hòa nhạc, triển lãm tranh tượng. Lausanne nối liền ba thành phố Genève, Bern và Zurich, đầu mút TGV từ Pháp đến…

Chặc, điều bà chú ý cũng tốt. Chúng tôi không mấy hứng với những địa chỉ đó. Xem bản đồ, Chị nhắc đến nhà thờ Đức Bà, phong cách Gothique độc đáo nhất Thụy Sĩ xây dựng thế kỷ XII ở trung tâm thành phố. Nhà thờ ngự đỉnh cao nguyên, uy nghi như Đức Giáo hoàng thả tầm nhìn sốt mến xuống thành phố và các giáo dân của mình.

Với tôi, ấn tượng Lausanne là xe điện bánh hơi, là métro không người lái. Nẻo phố lát đá ngúc ngắc bẻ góc ngang dọc ngóc lên đồi, trườn xuống lũng gợi đến Đà Lạt. Rãnh thoát mưa, đục nguyên khối granit, lõm giữa mặt đường để cho hai mặt phố quanh năm khô ráo. Và cách lái xe của người Lausanne: dù đoạn đường ngắn hay dài lên dốc xuống dốc họ đều vút ga với tốc độ cao nhất cho phép. Ngoài thuật lái thì phải kể đến tính năng an toàn của các dòng xe được nhập vào Thụy Sĩ với tiêu chuẩn cơ khí và khí thải khắt khe. Mỗi ngã tư, dẫu đến lượt mình, nhưng tài xế Lausanne nhẫn nại chờ người đi bộ dềnh dàng qua hết, tuyệt nhiên không bấm còi. Và hơn hết là kỹ năng đỗ xe ngang sườn dốc sin sít như cá sardine xếp hộp ở mọi tuyến phố.


4. Ngớt gió. Dải bờ trái thuộc Thụy Sĩ, nếp đồi mền phủ rừng cây và ruộng nho thoải chạy từ hồ lên cao. Thưa thoáng mươi mái nhà lè tè sát mép nước. Chồi lên dưới bóng sồi cổ thụ tòa lâu đài rêu loang, cánh cửa gỗ phiến tán đinh sắt khép chặt bí hiểm như bị yểm bùa. Nhưng bên góc vườn hướng ra hồ, bến du thuyền riêng mở thông thốc rào chắn. Lênh khênh, cần cẩu màu cam chói dựng lên để bảo trì những villa, nhà thờ, dinh thự cổ.  

Phía bên kia, bờ Pháp sa mù trùm lên những điểm sáng dinh thự lưng chừng núi.

Bến Nyon chấp chới phía mũi tàu lúc nào không hay. Nơi cầu tàu, cờ Thụy Sĩ, cờ Pháp và những lá cờ thánh bảo trợ của Nyon giăng hàng. Người lên và kẻ xuống xếp hàng chờ thủy thủ đẩy chiếc thang dẫn vào cầu tàu. Người trên bờ nhường cho người dưới tàu. Mỗi bến tàu dừng chưa đến mười phút.

Chuông rung báo phục vụ đồ ăn. Khoang ăn thênh thang thưa thớt mươi bàn có khách ở những góc nhìn đẹp. Bé gái màu hồng và cha mẹ ngồi quay lưng lại phía chúng tôi. Bé thúc thắc ho, vẻ như bị nhiễm lạnh. Chị ngắm nếp nơ hồng đặt trên bán phím chiếc laptop tắt nguồn. Chúng tôi đợi món cá vược đánh bắt từ hồ Léman.

Bà nhà báo lại gần chúc ngon miệng rồi ra mũi tàu. Bà gọi điện, đi lại chộn rộn giữa đám người đứng ngồi ngả ngốn. Cơ địa người Âu cho phép họ sảng khoái với cái lạnh co ro với người Á. Người phục vụ bàn đã giễu tôi là Johnny Depp mang tới chai nước loe miệng, bánh mỳ, khoai tây chiên.

Tiếng ho của bé gái phía bên kia bàn chốc chốc lại xóc lên chói tâm can. Chị nhấp nhỏm:

- Con bé cảm lạnh rồi.

Tiếng ho bỗng nghẹn ngang chừng. Ậm ọe. Con bé nấc cụt rồi nôn khan.Chị mở sắc lấy chai dầu gió Con Hổ đến bên  bàn ăn của bé. Vợ chồng trẻ ngơ ngác. Chị đặt hộp dầu gió chèn lên chiếc nơ hồng giữa bàn.

Tinh dầu gió chen ngang mùi nước sốt cam khiến cho vị thức ăn ngập ngừng lưng chừng thực quản. Tiếng bánh xe guồng xè xè. Tiếng ho rời rạc rồi dịu lại. Rúc rích tiếng đứa bé cười.

Vượt qua những sườn đồi, luống nho kẻ vạch, loang ngẩn cánh đồng oải hương rung tím  chân mây. Gió Lausanne tháng Bảy lướt thướt hương oải hương quẩn quanh mỗi con dốc, mỗi mái nhà, mỗi bức tường um xanh trường xuân, oải hương quyến lan man sóng hồ Léman.

Cột nước xé sóng xanh thốc gió xoáy ngược trời xanh dựng mành nước hình cánh buồm khổng lồ kết từ những bụi nước khúc xạ như pha lê trước cầu cảng Genève. Dăm cánh dù màu liệng điệng kéo người chơi lướt ván trượt nước bịt bọc trong  đồ cao su chống lạnh. Mặt hồ ngọc bích bỗng chuyển màu xanh ánh tím.


Món kem vani tráng miệng dịu hơn, sắc vị cũng bện thắm hơn trong sóng lạnh Léman. Sương núi dần loang sắc tuyết, che mờ những lối mòn trên đá của những người leo núi. Vẻ đẹp tê tái giữa cảm xúc những vị ngon. Mấy cặp tình nhân thi thoảng lại cọ môi nhau mỗi khi con tàu chồm lên một cơn sóng dồi. Cảnh sắc trên bờ luôn thay đổi. Gương mặt hành khách bị hối thúc chuyển dịch theo hàng lang con tàu như diễn trò đèn kéo quân. Họ nghiêng ngắm, nhao khỏi lan can, cố vươn thân thu ngắn tầm nhìn. Nữ tiếp viên-fan hâm mộ Johnny Depp trịnh trọng đến xin lỗi rằng đã đến giờ đổi ca. Nếu cần café thì cô ta phục vụ ngay được. Và chúng tôi có thể ngồi bao lâu cũng không vấn đề…

Bến Genève đã xoay ngang hông tàu. Thủy thủ  liệng sợi chão xanh tròng vào cột níu cầu tàu. Người đi, người ở giao nhau. Từ biệt và hẹn hò. Giơ tay và hôn, môi má.

Từ mũi tàu, sau một hồi điện đàm, bà nhà báo ngắm sóng, thi thoảng lại quay sang với con gái. Bà có ý trông chừng về phía chúng tôi. Chờ chúng tôi tráng miệng xong bà mới giơ tay ngỏ ý muốn gặp.  Bà xin lỗi Chị vì không thể tìm ra tọa độ an nghỉ của Chanel, dù đã bốc điện thoại gọi cho mấy đồng nghiệp cùng hiệp hội. Rất tiếc. Đôi mắt sứ xám chớp chớp, cứng đơ. Sao cô không hỏi dấu tích những Baron, Shelley, Rousseau, Hugo, Dickens nhỉ? Tại sao là Chanel?  Cô làm nghề thiết kế thời trang phải không ? Hãy để lại email của cô, bà hy vọng sẽ kiếm ra nay mai. Cười. Cảm ơn. Bà quay gót bước lên cầu tàu. Cô con gái cũng nhao đến lật gật ngơ ngơ lững đững theo mẹ.

Gia đình trẻ người Việt cũng lên bờ Genève. Căng thẳng với bộn bề túi đồ, họ muốn nhanh nhanh thoát khỏi con tàu. Bé lại làm rơi chiếc nơ hồng xuống gậm ghế. Người mẹ cúi nhặt thì người cha chộp lấy ném lại. Chiếc nơ hồng ủ rũ trên bàn. Bé gái  giãy trong tay mẹ ngoái nhìn chiếc nơ.

«Johnny Depp» chờ dài cổ chẳng thấy café. Thưởng thức Nescafé trên sóng Léman tôi đành hy vọng cơ hội khác.

Đám người gốc Phi và Trung Hoa liền lúc ào xuống tàu. Tôi cảm giác con tàu bỗng khẳm, không phải vì trọng lượng mà là vì sự ồn ào bất tận của toán khách mới. Hai bà lão Thụy Sĩ rỉ rả buôn chuyện sách vở, thời trang và đồ giảm giá siêu thị, chẳng khác mấy bà công chức mới về hưu bên nhà than vãn dâu con, lạm phát. Khoang hạng hai hay hạng nhất đã chẳng còn phân biệt. Khách thích hạng nào thì nhào vào hạng ấy miễn là chỗ đó trống.

Hai cô gái Hàn áo đỏ, kính đen kín mặt, bóng mũm như xúc-xích Đức mời tôi chụp chung kiểu ảnh ngoài hành lang. Chị bấm máy, mắt ngóng nơi bến tàu bé gái vừa xuống.


5. Léman - vành trăng xanh - dấu tích dòng sông băng tiền sử, một phần ba phía dây cung trong thuộc về Pháp. Tàu Simplon chạy trên hải phận giáp ranh phải tuân theo các qui định quốc tế về nghi thức cắm cờ của nước Pháp, nhiêu khê, phức tạp. Chỉ xao lãng cờ quạt chút là gây rắc rối ngoại giao.

Đứng trước mũi tàu chúng tôi dõi theo bầy sếu xám Xiberi đang chậm vòng cánh thả mình xuống mép hồ phía bờ Pháp. Đàn sâm cầm cổ biếc nháo nhác bùng ngược như quầng mây tối. Sau lưng Lausanne, đỉnh Savoie Alpes tuyết trắng nhòa. Lausanne ngày mai nắng hay mưa, có sương mù lạnh hay trời trong ấm lúc cuối chiều?  Hương nước hoa của Chị phai nơi gió chiều đánh thức bao tưởng tượng. Chị dùng nước hoa hiệu  gì nhỉ? Chưa một lần tôi hỏi. Con tàu tán xạ hương thơm một vòng hư thực sương khói Léman.

Âm thanh hôn môi. Tôi hé mắt. Chàng trai người Á chưa quá hai mươi, khuyên tai, khuyên mũi, tóc  hoe, cánh tay vẽ hoa lan Colombia choàng vai cô bạn gái da trắng thon thả, đeo bị vải lanh in mấy củ cà rốt, cao hơn hẳn cái đầu. Cậu nhọ nhoạy chiếc điện thoại đời mới. Có tiếng chuông, chàng trai bật ra tiếng Việt. Tim xốn xang một nhịp, nhưng tôi không giật mình ngạc nhiên nữa. Nội dung cuộc điện đàm về bài học của trường quản lý nhà hàng khách sạn và những khoản học phí. Hẳn cậu đang nói với cha mẹ. Giữa khoảng lặng, cậu lại dẩu môi hôn chụt chụt bạn gái.  

Chúng tôi ý tứ quay mặt về cuối mạn. Bọt sóng cuộn bong bóng dưới đuôi tàu để đàn cá hồi trắng nhào lên lặn xuống hân hoan.

- Cháu chào cô chú. Hẳn là chú mới ở Hà Nội sang?

- Sao cháu biết?

- Hì, chemise Pierre Cardin nhượng bản quyền cho hãng may ở Sài Gòn chú đang mang mà...

Đỗ đại học, điểm không quá cao để có thể tìm kiếm học bổng, cha mẹ đã gửi cậu đến Lausanne học quản lý khách sạn và nhà hàng trong hai năm. Sang đây vài tháng, cậu đã bẻ ghi cuộc đời vào hội họa sau khi ghé thăm Musée de l'Art Brut**. Tâm hồn cậu xảy ra cơn địa chấn trước những tác phẩm của những nghệ sĩ không tên tuổi, trần trụi như cảm xúc trực giác.

Tôi băn khoăn, nếu cậu chấp nhận nghệ thuật là phương thức trình bày cảm xúc hoặc quan niệm của bản thân về thế giới thì cậu sẽ học được gì từ những phẫn nộ, dằn vặt, bất an, tâm thế thái nhân cách của các nghệ sĩ từng là tử tội giết người, hiếp dâm, bạo dâm, đốt nhà, bệnh nhân tâm thần, trẻ con, người lang thang vô gia cư từ những tác phẩm phi bố cục, màu sắc, hình thể không theo qui luật thông tục?!  

Tôi nhớ bàn tay mình bất chợt tìm đến bàn tay Chị như chia bớt nỗi đau đớn trước bức tranh Tra Tấn. Những cô bé miệng cười mắt cười, váy xòe tơ hơ chiếc mỏ chim của  bé trai. Mỗi bức tranh có một mũi dao đâm từ từ hoặc thọc mạnh vào trái tim người trực diện.

Trời se lạnh, lá vàng cuốn từ rừng cao cận kề băng tuyết. Và những cơn bất chợt. Giá như Simplon quay guồng quay mãi. Và thế giới hôm nay của tôi bên Chị không phải muộn phiền. Và Léman không phải chứng những gì chúng tôi chứng. Lời đau dẫu với người dưng, thì đừng mở dù ở Lausanne hay bất cứ nơi nào.


Bầy thiên nga đã xếp cánh ngủ. Bến Ouchy ứ khách chờ chuyến tàu đêm. Những kẻ chọn dịch vụ VIP, nhâm nhi champagne, ăn tối trên boong thượng xem bắn pháo hoa phía bờ Pháp. Cậu họa sĩ theo đòi trường phái người ngoài nghệ thuật, giơ lên chiếc dương vật nhồi bông bọc da dê thắt nút, quấn vòng vòng xích bạc vẫy vẫy từ biệt. Tôi ngỡ mình nhìn nhầm, không hẳn đó là sinh thực khí! A, chính xác nó cũng giống nòng súng bị thắt nút thì phải.

Tôi không hâm mộ thể thao và Chị cũng không là công dân Lausanne cần đi bộ ngày ngày. Đã đủ tinh thần Pháp. Xin lỗi Nam tước Pierre de Coubertin*** với khẩu súng nòng bị thắt nút cùng dòng chữ "không bạo lực" hãy yên vị ở cái bảo tàng trứ danh không đáng bị chúng tôi quấy rầy.

6. Sáng chủ nhật trước khi về Paris, chúng tôi vơ vẩn trong cảm giác mất mát và níu kéo. Lausanne đang vuột khỏi vòng tay. Kè đá hoa cương ngổn ngang mảnh sắc đã kịp rêu xanh. Sóng chồm lên để sóng vỡ nát tan. Tròng trành con thuyền neo chờ chủ. Hướng về đông hay về tây thì vẫn dịu dàng đường quanh hồ vành trăng miết mải.

Dạo bộ giữa cơn mộng du từ quá vãng đến vị lai. Một cơn mơ bất chợt của đời người. Lội ngược mấy quãng con dốc lát đá mới, vòi nước, tượng trang trí inox đặt giữa đường. Lối phố quanh ngang sườn dốc lả dáng trúc quân tử, vương sắc ti-gôn, e lệ trái lê hình nậm rượu. Cây thủy tùng ba nhánh, đứng như gã khổng lồ trước lối vào dinh thự xanh biếc trường xuân. Tiếng violin rơi từ khung cửa khép hờ. Mối tình nào đã mất. Áp phích dán tường đá thông báo triển lãm những sắc màu: Van Gogh, Picasso, Kandinsky.

Chị nhắc tôi chụp kiểu ảnh để nhớ.

Làm sao nhớ xuể Lausanne, Chị nhỉ.


Tìm vào tâm Lausanne các trái đồi đồi xếp nếp liền nhau. Khoảng cách các ngọn đồi được nối bằng các cây cầu. Và một cây cầu: cầu Bessières nối phố cổ với phố mới. Kiến trúc Louis XVI  hòa nhịp đường nét cổ điển với trường Kỹ nghệ. Người ta kể rằng Noel năm 1975 có nam sinh viên Nam Việt Nam, tuyệt vọng vì không nhận được phù trợ tài chính và tin nhà sau chiến cuộc đã tự chấm dứt cuộc đời từ thành cầu Bessières, cao hai mươi mét, được những vòm cung sắt uốn tán ri-vê nâng đỡ, xuống mặt đường Centrale.

Từ đó, một công dân Thụy Sĩ  cứ vào dịp Noel là căng lều bạt canh giữ cây cầu, khuyên can ai có ý định quyên sinh. Người đàn ông bí hiểm làm việc tự nguyện trong suốt hai mươi năm đến lúc qua đời. Chúc thư, ông để trọn tài sản cho người tiếp công việc dang dở của mình.

Trèo ngược đường đồi, vô tình ngang tiệm phở Sài Gòn. Ông chủ người Việt bơ phờ ngáp trước cửa. Vươn vai. Một cái gật đầu hờ hững giống như đang ở Sài Gòn, Hà Nội gặp khách quen. Chị định kéo lướt đi. Tôi ríu Chị vào tiệm. Chẳng rõ là tôi muốn gọi phở hay là muốn chào đồng bào ở Lausanne một câu. Ông tây hói đang vục mặt xuống xuống chiếc bát chậu tú ụ sợi phở to tựa đũa cả, bở rữa. Lá mùi to như la lốt. Thịt bò dày tày đốt ngón tay. Nước dùng vẩn ngầu tựa nước đậu phụ.

Tự dưng tôi hẫng hụt như người mắc chứng đột ngột tiêu biến năng lượng. Ậm ừ tôi không biết phải làm gì. Chảy nhão đứng giữa tiệm. Một liếc mắt, Chị thấu tâm trạng tôi. Chuyển tình thế, Chị nhờ chủ tiệm đổi giùm 100 euros sang đồng Franc Thụy Sĩ. Lúc trả tiền ở siêu thị mua hai chiếc kem ba màu, thấy bảng thông báo tỉ giá hối đoái, tôi ngớ ra là chủ tiệm phở tính lõm mất thêm mấy suất. Chị cười:

- Người  mình đôi khi thế… dù chẳng đáng là bao.

Mới bước ra thế giới tôi gặp không ít người mình. Bao ngả rẽ chia khởi phát từ nguồn cội. Chẳng mấy thay đổi tâm tính dù nói tiếng Tây bồi lẫn tiếng Tây sành điệu. Ai đó di trú vẫn bê nguyên góc làng, quãng phố Việt đi theo. Số thành đạt thì kẻ thì biến thái, người thì bi quan. Lausanne- tôi thấm ê chề, chán nản. Chẳng lẽ mình với mình ngoài biên giới lại là đống khoai tây vun cao, khẽ động vào là lăn mỗi nơi mỗi củ. Mấy cuộc đời, bãi bể đã thành nương dâu sao người Việt không xóa đi khấp khiểng mà còn dựng lên ngăn cách với nhau? Chẳng lẽ chúng ta chỉ kết gắn giữa cơn súng đạn và trong mất còn  mới có thể gom góp yêu thương?

TGV chậm ba giây. Ga Lausanne nôn nao những chia ly. Người ta gọi những khoảng khắc đó là nỗi buồn của hạnh phúc. Mành mưa gây từ đỉnh Jura phía Bắc thành phố giăng xuôi xuôi. Những mái nhà chợt thẫm. Những mặt đường lênh loáng. Những thiên nga rụt cổ lướt thướt. Những lá vàng ánh ướt. Hương café nóng vừa rót thơm nhức, tôi chạnh nhớ sáng thu mù sương Đà Lạt. Con tàu Simplon già lão đỏm dáng trong bộ đồ trắng, lịch phịch đến, xình xịch đi. Cờ Pháp, cờ Thụy Sĩ cũng ủ rũ như nhau.

Gã trung niên người Á, cà-vạt đỏ đứng chờ đèn đỏ, nhai kẹo cao su chèm chẹp, chóc lưỡi ý như thạch sùng khoan khoái nuốt muỗi, bất ngờ phụt bã kẹo xuống hè đá granit. Bà già da đen ậm ạch xách hoa quả đứng bên, bối rối . Bà nhìn tôi và nhìn gã cà-vạt đỏ vẻ nghi ngờ dành chia đều cho cả hai. Xé mảnh giấy báo bà nặng nhọc cúi xuống chấm bã kẹo, tập tễnh quay lại ngã tư bỏ vào thùng rác.

Tôi lầm bầm. Đáp lại, gã lúng búng bằng thứ ngôn ngữ xủng xoảng như khua niêu đập nồi. Gã là người Á, nhưng không phải Việt. Thở phào.

Không cùng Chị tới Lausanne và mưa không bất chợt, chắc gì tôi nhận được từ Lausanne nhiều đến thế. Khoảnh khắc rọi sáng thấu bóng tối nỗi buồn Việt. Lausanne đủ xa lạ và tĩnh lặng để tôi ngộ ra mình và thế giới vây quanh một thuở giá trị tồn nghi. Bầy thiên nga chớp trắng mành mưa. Con thiên nga đơn độc vẫn chung tình. Mây trắng vẫn cứ bay khi tôi không ở nơi này. Hồ Léman cũng vậy, chẳng vì tôi xa mà phai xanh ngọc bích. Chiếc lá sồi già thẫm đỏ, đâu phải là chiếc lá cuối rụng nghiêng bờ vai trượt líu ríu ngực tiên nữ khỏa thân quỳ gối vọng sóng.  

Giữa cầu tàu, Chị ngoảnh lại bên giỏ hoa treo lưng cột đèn, gương mặt cười, mắt kính nâu in bóng tôi trước bóng núi Savoie Alpes rượi sắc tuyết. 

Chuông nhà thờ rùng rình hòa nhịp ngực, tôi hỏi Chúa của mình: Bao giờ con trở lại Lausanne! 


Lausanne, Tháng 7 năm 2012

N.T.T.K 

  

*Coco Chanel, tên thật Gabrielle Bonheur Chanel (1883-1971) -  nhà tạo mẫu người Pháp. Bà sáng lập mác thời trang cao cấp Chanel. 
** Bảo tàng được Jean Philippe Arthur Dubuffet (1901-1985) nhà họa sĩ và điêu khắc Pháp thành lập.
*** Nam tước Pierre de Coubertin-(1863 -1937)  người Pháp khai sinh ra Olympique hiện đại.

 

Chia sẻ trên Facebook