CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Ký sự

BẢN VALSE MUỘN THÀNH VIENNE

Thứ năm ngày 1 tháng 8 năm 2013 12:00 AM

1.Sảnh Terminal 3 im vắng. Không ngờ sân bay Charles de Gaulle ồn gắt nặng không khí Bắc Phi lại có một góc lặng tỉnh lẻ. Vài toán khách Đông Âu nhu hậu, đẫn đờ tụm trước quầy check-in. Se se lạnh, hương cappuccino bỗng ấm cảm giác. Không còn thời gian, tôi chỉ kịp ngoái tạm biệt quầy bar nơi có nụ cười thân thiện ẩn chòm râu thưa hung của chàng trai trẻ choàng tạp dề tím. 

Dăm chiếc phi cơ ít chỗ lấm bụi, mỏi nhọc chờ thợ bảo trì như đang thiếp ngủ. Rời Paris ẩm ướt cơn mưa đêm tháng 6 rớt vài vụng ánh loáng đường băng dưới cánh hãng hàng không giá rẻ Flyniki, tôi bay đến điểm hẹn thành Vienne. Vienne, giao lộ hai chiều châu lục một thuở mà thời gian chưa mờ vết hằn bức tường sắt. Thành phố cho dù băng tuyết, bão quật mưa vùi thì những cặp tình nhân trang phục trắng đen vẫn dìu nhau bên dòng xanh Danube hay dưới bóng tượng đài Johann Strauss[1]

Tôi mang theo từ Việt nỗi đau văn chương tới Áo kỳ vọng được thắp ngọn nến trước tượng đài Stefan Zweig[2]. Và nơi ấy, có một đợi chờ đã sẵn chia sẻ cùng tôi niềm trăn trở với số phận Sissi[3]. Chúng tôi- ai cũng riêng nỗi ngỏ với tình yêu văn hóa Áo.

 

2.Sân bay Vienne kết hợp những đường cong mềm kéo dài của thép kính và  hành lang granit thoải bước ru êm. Ánh sáng đẫm không khí mát ngọt. Ngự trên bức tường kính dài hút khu vực nhận hành lý là những khuông nhạc của Johann Strauss, tranh của Klimt[4] hay tòa lâu đài di sản dòng họ Habsburg sáng ánh vàng tươi cả rêu phong. Lơ lửng trên mái vòm là những dải băng-dôn buông mình thông tin về các cuộc triển lãm nghệ thuật, nhạc kịch và giao hưởng. Có phải Vienne trịnh trọng nhấn mạnh với du khách hàm lượng văn hóa đang lưu giữ của mình?

 

Tàu về Radisson Blu Palais Hotel sạch chẳng kém khách sạn. Nỗi ám ảnh amoniac và bụi giấy vụn, bã kẹo cao su của toa xe nước Pháp bỗng dưng như chưa hề vướng trong tôi. Ghế nỉ xanh chấm hoa, nền thảm nhựa, mỗi toa dăm người khách.Tôi chọn cho mình riêng ghế bên cửa sổ nhìn ngắm ngoại ô Vienne. Ruộng vườn nhà máy đặc trưng Tây Âu không mang nhiều dị biệt.

 

Radisson Blu Palais vốn là tư gia quý tộc hoán cải nhưng dấu ấn phong cách hoàng cung Áo còn lưu đậm dấu. Những khối đá bọc ngoài vuông vức đặc trưng kiến trúc cổ điển Vienne. Nột thất màu vàng và nâu. Hình khối vuông, chữ nhật và tròn.Thảm hoa dây leo nền huyết dụ. Sảnh đón tiếp phòng chờ mở vòm thông mái nhưng cùng mặt bằng tầng trệt với phòng ăn, câu lạc bộ, được ngăn bởi những bức tường trổ cửa đi cao rộng, những cửa sổ lớn và chậu cảnh. Bên lối đi gắn những lồng đèn treo đúc kim loại, tỏa sáng vàng dịu. Bàn ghế vừa có thể ngồi café vừa dùng bữa hoặc ngả lưng thảnh thơi mà không phiền đến ai. Đẳng cấp của khách sạn 5 sao thể hiện ở mỗi không gian riêng đều được cách biệt vô hình và tôn trọng.

 

Tọa lạc trên vị trí đắc địa, từ Radisson có thế dễ dàng băng qua đại lộ sang Stadpark - công viên mềm dịu sắc lá. Vô số tượng danh nhân ẩn hiện trong các bóng cây trầm mặc. Thuận chân thì hướng đến Học viện Âm nhạc, Nhà thờ Jesuit, Nhà Figaro của Mozart hoặc tới Đài tưởng niệm chiến tranh của Liên-Xô cũng chỉ mươi phút dạo bộ.

 

Đứng trước đại lộ Ringstrasse người ta có cảm giác sắp băng qua những vạch kẻ, ký hiệu của một trò chơi nhiều hơn là vượt qua những phương tiện giao thông lao vun vút. Các kỹ sư giao thông qui hoạch đủ chỗ cho đường xe điện, xe ô tô, xe ngựa, người đi bộ và cả đường riêng người đi xe đạp. Dùng xe đạp đang là xu hướng của cả châu Âu. Và vẫn không thiếu chỗ cho những khối nhà kính làm lối xuống metro, bến chờ tàu điện, xe buýt. Ngã tư, ngã bảy bất kỳ, mọi người đều nhẫn nại chờ đợi đến lượt. Nhưng không hiếm kẻ đi bộ  ngó trước sau vắng phương tiện dù chưa có hiệu lệnh vẫn ào qua chẳng khác xứ Việt. Người Pháp thì khác, tôi đã chứng không ít đêm khuya dẫu chỉ một mình trước ngã ba, họ vẫn chờ hiệu lệnh. Phạm luật giao thông ở Pháp bị phạt nặng hơn hay là do thói quen văn hóa?

Nếu Paris là một siêu thị nghẹt cứng ngày thứ bảy mùa soldes[5] thì Vienne chỉ là một cửa hàng khiêm tốn ở một góc phố mà cư dân của nó đa phần thuộc viên chức.

Một nét Hà Nội xưa bỗng hiện giữa phố nghiêm: cỗ tàu điện hai toa sơn hai màu vàng ngà và đỏ thậm khậm khuỵch, rít bánh sắt hãm phanh dừng bến trả đón người. Se đắng đâu rồi tiếng tàu điện leng keng đầu ô! Hà Nội có xe điện sau Vienne mà giờ lại đánh mất sự thong dong vận hành cho cư dân Hà Nội trước cả Vienne. Truyền thống đô thị Hà Nội không tày dăm lẻ, chẳng chịu giữ lề mà lại cựa quậy mong để thêm nhưng hóa ra thành bớt. Những cụ ông mũ phớt kính râm, chống can, những cụ bà tay kéo giỏ đi mua hàng trên hai bánh xe nặng nhọc vì tuổi già chi phối từng bước. Hình như sắp xuất hiện mấy cụ hàng gồng, mấy anh công nhân làm ca, hay anh bộ đội mũ cối nữa thì phải…

 

Dãy cột quảng cáo hình trụ bọc kính khung inox tự xoay dựng trên dải phân cách trồng cây xanh, không víu vướng tầm mắt. Vienne không có những quảng cáo tấm lớn chăng ngang dọc. Đây đó những chiếc cân tự động rầu rĩ đứng nơi góc đường, ai muốn tường tận trọng lượng mình hay muốn cân hành lý trước khi lên máy bay chỉ cần bỏ vào khe nửa euro thì hãy đứng lên bệ. Không thấy nhiều người mỡ bụng quanh đây. Chính quyền Vienne đặt những chiếc cân nơi công viên hẳn hàm ý nhắc nhỏ cần giữ sự thăng bằng khi đã đoan kết với thế giới trạng thái đất nước trung lập vĩnh viễn sau thế chiến II.

 

Romy Schneider[6], một hồng nhan bạc phận mà thiếu phụ hẹn cùng tôi lần theo dấu đã có sự nghiệp để đời cùng Karlheinz Böhm[7]với phim Hoàng hậu Sissi.

Chị ám ảnh tôi bao nhiêu năm trong sắc lụa đen, nụ cười trầm và ánh mắt quở trách, chịu đựng… Tôi sẽ cùng Chị song hành kiếm tìm Schneider ở mọi góc thành Vienne.

Chị nhắc đến Stefan Zweig và các nữ nhân vật của các thiên truyện Hai bốn giờ của người đàn bà Bức thư của người đàn bà không quen biết. Nhân vật của Stefan Zweig, có ai hay mua hoa không nhỉ?

Góc đại lộ, hai ki-ốt bán hoa tươi khép vuông góc, mái ngói nâu. Tôi nhớ quán hoa Hải Phòng đã lâu lắm chẳng biết giờ còn mất. Hoa tươi vô vàn sắc, người mua muôn ngàn lựa. Hoa cắm sẵn trong bình nước để giữ sắc tươi lâu. Chị mua một bông hồng trắng.

3.Băng qua giao lộ, khi nhìn thấy quán Café Schwarzenbert số 17 đường Kärntner Ring chúng tôi bỗng níu tay nhau gần như cùng lúc bước vào. Địa chỉ café đầu tiên ở Vienne của chúng tôi nổi tiếng từ năm 1861. Chỗ ngồi trên sảnh và vỉa hè nhìn ra bức tượng Hoàng tử Karl Philipp of Schwarzenberg dũng mãnh trên lưng con ngựa gân guốc, viên tướng tài ba cống hiến trọn đời cho quân đội Áo. Sự kiện đầu tiên ở miền đất đầu tiên mà Chị và tôi lần đầu đặt bước, đặc biệt hơn một sự thiêng liêng, một lời hứa trĩu nặng hay là một giấc mơ bỗng thành hiện thực nhỉ?

 

Một không gian cổ điển ngự trị, trần bổ múi uốn vòm, đèn chùm, gương lớn, ghế đơn dựa thẳng ôm lưng, ghế băng dựa sát tường bọc da nâu mềm hút, cột vuông ốp gỗ sồi, tường đá hoa cương, rèm trang trí buông tua sẫm, khăn giấy màu rượu chát. Các quán café Vienne hình như không dùng khăn giấy trắng… Sang trọng vậy, nhưng vắng. Chẳng ai chịu bó chân trong đó khi gặp ngày đẹp trời.

Chị chọn chiếc bàn cuối giới hạn vỉa hè bên phải quán, cách dải cây hoa và tầm với tay là chạm làn đường xe đạp. Một vị trí có cả ba chiều tha hồ thả tầm nhìn ngắm Vienne chuyển động. Người bồi bàn lịch thiệp đưa menu nhưng không có ý chờ chúng tôi đặt món ngay. Anh ta dành thời gian cho khách lựa chọn chính xác nguyện vọng của mình.

Nghé mắt qua menu café đã lúng túng. Tách café loại nào cho thích hợp với sự sành điệu ở Vienne? Loại nào đây? Có hơn mười lăm thứ café, từ café  đen đơn thuần đến café sữa, rồi sản phẩm của hai thứ đó pha cùng nhau, từ cappuccino tới cappuccino đen hay sữa ngậy kem, loang làn mây bọt trắng xốp… Tất nhiên trí tưởng của tôi chỉ hình dung được từng ấy sắc màu café cũng đủ chóng mặt... Chẳng dễ chịu gì khi người Vienne tưởng tôi là gã du khách nhạt phèo. Chí ít tôi đang mang tham vọng của một kẻ khám phá văn hóa thành phố nơi mình đến. Chắc tôi đành cậy dồn vào Chị - thiếu phụ từ Paris tới…

Vienne hiện diện khoảng hai mươi địa chỉ café nổi tiếng ồn ã hoặc lặng tờ. Ở đâu khách cũng có thể nhẩn nha cả ngày chỉ với một tách café nhỏ xíu và lục tung cả mấy chục tờ báo úp mình trên những thanh suốt gỗ mà không bị hầu bàn gợi ý gọi thêm tách nữa hay rậm rịch qua lại làm phiền.

Một ly nước trắng sẽ được hầu bàn đặt bên tách café kèm theo món đặc sản có thể là một chiếc croissant, thức bánh trên bàn người Vienne trước khi sang Paris và sau mới mang danh của Pháp. Bánh croissant làm theo khẩu vị người Vienne tại Paris có thể làm bạn nghi hoặc từ «viennoiserie» (bánh ngọt) khởi nguồn từ Vienne. Thực ra, đó là nhờ người Thổ. Bánh croissant được các đầu bếp trong cung điện Topkapi tại Istanbul sáng tạo. Khi người Thổ xâm chiếm châu Âu thì loại bánh này đã theo gót đoàn quân chiếm đóng du nhập vào đất Áo. Người Áo chưa bao giờ quên nỗi cay đắng của kẻ bại trận, nhưng dư vị bánh croissant của kẻ thù thì lại mãi ngọt ngào như một đặc sản.

Và tùy theo khẩu vị café các loại bánh đi kèm, mỏng tang thấu suốt không khí hay đầy vổng kem, vài món ăn nhẹ sẽ được người hầu bàn đề nghị, ví như Tafelspitz. Miếng thăn bò đã được rim gần tiếng rưỡi bày với vài lát táo và mùi tây, rưới nước sốt lá hẹ và củ cải trắng là món khoái khẩu của đức phu quân hoàng hậu Sissi. François-Joseph mê mẩn món Tafelspitz đến nỗi những năm 1890, nhất loạt nhà hàng sang trọng ở Vienne thi nhau trưng Tafelspitz trên bàn tiệc lớn với hy vọng Hoàng đế có thể sẽ dừng chân ghé vào thưởng thức.

Và Chị đặt ngón trỏ lên chữ cappuccino nóng phủ kem ăn kèm với thức đặc sản khác lừng danh không kém croissant hay Tafelspitz mà những kẻ sành miệng ở Paris thường khuyên nhủ người thân mỗi khi ghé qua Vienne đừng quên thưởng lãm. Nguồn gốc của món bánh Sacher-Torte này được Chị kể cũng nhuốm sắc màu giai thoại của ngoại giao nước Áo liên quan đến Hoàng tử De Metternich, một tướng lĩnh Áo, người đưa ra nhiều chính sách đối ngoại hiệu quả. Nhiều thỏa thuận Áo - Pháp được ký kết với ngoại trưởng Pháp Talleyrand vào phút ăn tráng miệng nơi bàn tiệc, bên lẵng trái lê và khay fromage. Những lúc đó, Hoàng tử không ngừng thúc ép người bếp trưởng làm món bánh ga tô đặc sắc để thể hiện với ngoại trưởng Pháp.

Ngày hôm ấy, không may cho bếp trưởng bỗng dưng bị ốm, nhưng lại là ngày may mắn cho nước Áo. Người thực tập phụ việc mới 16 tuổi tên Franz Sacher[8] bắt buộc phải đảm đương việc này. Luống cuống, cậu cho trọng lượng của socolat, bột, bơ ngang bằng nhau và phủ  một băng socolat lạnh. Và để đỡ khô, cậu quậy thêm vào đó một chút mứt mơ rồi bày ra cùng một loại kem không ngọt nổi tiếng của người Vienne là Schlagobers. Thành công của món "torte" (bánh ga tô vuông theo tiếng Đức) được thành Vienne biết đến và trìu mến đặt tên: bánh Torte của Sacher, sau này gọi tắt Sacher-Torte.

Tách cappuccino nóng sục phủ kem cao bồng trắng tuyết cuối cùng cũng được hầu bàn mang ra cùng với đĩa sứ đựng miếng bánh hình nêm, nâu sậm ngát hương socolat ngọt đắng và vị mứt mơ chua dịu. Tôi nhìn Chị đắn đo rồi mới mạnh dạn cầm chiếc thìa café quệt nhẹ phấn kem trên tách. Ngậy, thanh dịu không đường như tan biến vào hư vô. Đợi vài khắc qua đi, nhấp nửa ngụm cappuccino nóng bỏng tựa suối nguồn từ hỏa diệm sơn vùi dưới tuyết hâm nóng lồng ngực để kích thích thêm nữa cơn thèm. Ấy là lúc mới mon men đưa thìa sán đến miếng bánh nghiêng tênh hênh đang gọi mời. Không dừng và cũng không chờ được nữa, tôi hơi run khi xắn thìa thâm nhập vào góc nhọn của miếng bánh… Chẳng biết phiến lưỡi âu yếm hay là miếng bánh đang âu yếm nhau, vị giác bị căng mỏng để thấm hương vị trái chiều nhau ngọt đắng của socolat và chua dịu dưn dứt của mứt mơ…

- Đặc sản Sacher-Torte của Vienne không đúng như người Paris đồn thổi hay sao mà anh có vẻ căng thẳng vậy? Chị nheo mắt trong ánh sáng ngược.

- Chẳng thức gì vượt quá sự đồn thổi. Nhưng đây là bánh lạ với khẩu vị châu Á vốn quen với sự áp đặt, định hướng mùi vị đơn biệt. Nó đa sắc vị nên chưa thể khẳng định là ngon hoặc không… Ấn tượng!

* * *

Và bữa trưa đầu tiên cùng Chị ở Vienne đến chậm hơn một tiếng so với giờ ăn Paris. Chúng tôi tìm địa chỉ ẩm thực. Hóa ra ở Vienne có thể tới quán bất cứ lúc nào, nếu như nó còn mở cửa. Người Vienne ăn nhậu cũng lai rai, lắt nhắt như Hà Nội, Sài Gòn. Còn Paris thì bữa trưa, bữa tối với những món nhất định chỉ diễn ra trong khoảng thời gian nhất định. Rồi Chị cũng ưng một nhà hàng đối diện tòa nhà Bank Austria choàng ngấn nắng vách kính và chóp nóc hình trứng cung điện phía xa. Nhìn ngấn nắng bò lan bậc đá, Chị bảo châu Âu năm nay lạ, hơi hướng mùa đông lấn suốt mùa hè. Các thực khách sùm sụp khăn áo đẩy cửa bước vào phải tìm quanh chỗ móc mũ áo.

Có vẻ khách của quán  thuộc viên chức ngân hàng và bộ công nghiệp, bộ du lịch làm việc quanh đây.Thêm hai du khách là Chị và tôi - thì chẳng biết gọi là gì. Chẳng phải khách du lịch, nhưng cũng không thuộc giới viên chức ở đâu đó. Chúng tôi đến đây theo giấc chiêm bao mà cũng có thể là tiếng gọi vọng xa từ những trang sách phủ bụi của Stefan Zweigmột thuở và những thước phim nhựa về Hoàng hậu Sissi nhuốm vàng.

Chiếc bàn vuông nhìn qua của sổ đặt hai chậu hoàng dương, phía xa  ngã ba tượng đài người lính Hồng quân cắm giữ cột cờ thẳng đứng đỡ khiên vàng mặt địa cầu nổi biểu tượng búa liềm trên quốc huy Liên Xô. Dãy cột đằng sau hình vòng cung nâng dòng chữ Nga mạ vàng khắc ghi xương máu quân đội Xô-viết đã đánh đuổi phát-xít Đức và mang lại tự do cho châu Âu. Cột nước khi phun cao lúc ngắt nhịp trước quần thể tượng đài như những lời thổn thức của linh hồn người chết, như dòng chảy bất tận của lịch sử không thể thay đổi.  Bệ đá hoa cương tượng đài vẫn tươi những bông hồng đỏ. Và hôm nay có thêm một bông hồng trắng. Cụ già ngồi xe lăn tung vụn bánh mỳ cho đàn chim bồ câu chạy quẩn dưới chân tránh những hạt nước bay từ đài phun.

- Họ đã đến đây góp phần tiêu diệt phát-xít, nhưng cũng đã bày xe tăng giữa những dàn nhạc của thủ đô Vienne suốt mười năm trời.

Còn tôi - một cựu binh cuối thế kỷ XX cũng chỉ biết khoanh tay ngẫm ngợi. Đại bác, bom, mìn, súng bắn tỉa tắt tiếng lâu rồi, nhưng dư âm vẫn dội lên từ thẳm sâu đất Áo từng giây theo cột nước phụt mờ mịt khói sương.

Restaurant đặc trưng Áo, mọi đồ vật từ chai rượu, chai bia, bình pha café, máy xay hoa quả, ly, cốc đều được design theo xu hướng hình trụ, thanh nhã và hơi lạnh lùng. Quầy bar, bàn ghế, tủ rượu, bếp nấu được kết hợp giữa thép trắng mờ và gỗ nguyên khối, dịu lớp sơn nâu vàng. Và tất nhiên thêm vào một thanh niên chemise trắng, quần đen, đeo nơ ánh mắt xanh loãng tưởng thờ ơ nhưng lại rõ cả cái nhíu mày của khách…

Nét siêu thực duy nhất là quả cầu bẻ xoăn, vo uốn từ sợi dây thép cứng treo lở lửng trên đầu. Chỉ một sợi dây mà không biết bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu trong một khối tròn rối rắm như thế giới thật. Có lẽ dấu vết Stefan Zweig định vị ở sợi dây của khối cầu kia. 

Hai suất pizza. Một cốc bia Áo. Một chai khoáng mặn là đủ năng lượng cho buổi chiều tìm theo dấu Stefan Zweig. Sông Danube đã gần lắm có thể nghe sóng dội vào bờ đá, nhưng nhạc của Johann Strauss vẫn chưa được tấu lên.

Tôi bỗng nhận ra sự đầy đặn, thật thà trong mỗi món ăn mà người Áo phục vụ. Đĩa pizza sức trai tơ lực bốc vác mới dùng hết. Phải chăng có sự cảm thông nào đó tự nhiên chảy trong huyết quản họ hôm nay đối với người khác? Quá khứ  chiến tranh suốt thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX đói lả khiến cư dân Áo rời bỏ đất nước tìm đến Mỹ, Braxin, Achentina, Canada, Australia cả mấy triệu người. Đặc biệt khi mối đe dọa Quốc Xã trở thành hiện thực đã buộc nhiều người phải làm di dân. Phần đông họ là người Do Thái, người bị bức hại chính trị. Không ít trong số di dân là tinh hoa khoa học và văn hóa đương thời của nước Áo…

Và Stefan Zweig.

Tôi hình dung đây là một trong những con phố từng in dấu chân Stefan Zweig, những nhà hàng, những quán café san sát nhau của thành Vienne từng được nhà văn mô tả tỉ mẩn không chỉ một lần trong các tác phẩm để đời. Từ đây để ra ga Vienne cũng chỉ mười phút xe hơi hay hai mươi phút xe ngựa thời đó. Stefan Zweig  từng đội mưa trong ban mai đi đón người tình từ Paris tới cùng với tách café nóng pha kiểu Pháp nhỏ giọt đậm. Vâng, Chị cũng từ Paris tới, nhưng Chị đã đến Vienne trước tôi bằng số phận của Sissi và của một Schneider.

Đợi người hầu bàn đến gần, Chị chuyển lời  đến người chủ quán bệ vệ khoác len xám dài tay muốn hỏi về một công dân danh tiếng của Vienne. Có những người khách phương xa muốn đến đặt hoa trước tượng đài ông ấy.

 

4. Vụt đứng dậy sốt sắng, ông chủ tiến đến bàn chúng tôi, cố diễn tả một thứ tiếng Anh dịu dàng pha đậm giọng  Đức gắt gỏng:

- Thật vinh dự cho cửa hàng chúng tôi. Bà và ông cần gì ạ…

- Vâng, hẳn là ông biết người này ạ?

Phấp phỏng Chị mở tấm chân dung đen trắng Stefan Zweig trong cuốn sổ trước mặt người chủ quán. Lặng hồi lâu, ông ta lấy khăn tay chấm trán, lắc đầu:

- Xin lỗi bà, tôi không thể đoán được người này là ai? Ông ta là người Anh chăng?

- Stefan Zweig - nhà văn công dân Áo với cả ngàn trang viết về Vienne được cả thế giới biết đến.

Ông chủ quán nhún vai:

-Tôi có nghe nói đến thì phải… nhưng rất tiếc hình như đã từ lâu lắm?

Chị cười, cái cười như nhấp dấm táo mà Zweig đã tả nhân vật nữ Ngõ hẻm dưới ánhtrăng khi thấy người chồng ki bo bỗng tỏ ra hối lỗi, hào phóng.

- Vậy có thể tìm kiếm thông tin về Zweig ở Vienne từ đâu…?

Nhăn trán, ông ta lật tấm carte cửa hàng ghi địa chỉ của một trung tâm hướng dẫn du lịch cạnh khách sạn Marriott. Tòa nhà số 5 phố Stubenring. Lần tới được địa chỉ trên chúng tôi phải chờ bốn mươi phút nữa mới đến giờ mở cửa. Vào được cửa đã thấy hội trường chật kín những quý ông, quý bà sang trọng. Một vài diễn giả đang chuẩn bị bài phát biểu. Qua anh chàng râu vểnh phụ trách tiếp đón chúng tôi được biết hôm nay có một cuộc hội thảo du lịch. Hỏi về Stefan Zweig thì nhận được một cử chỉ lắc đầu quyết liệt: «Không! Chúng tôi không biết ông ta!». Khi quay đi, một người lớn tuổi với theo:

-  Đó là người rất sành café!

Vâng có lẽ thế! Một người lịch lãm như Stefan Zweig thì không thể không sành café và tâm lý phụ nữ. Trong bất tận những quán café nối nhau khắp vỉa hè thành Vienne kia không thể thiếu vắng một hai quán là chốn quen lối đi về của nhà văn. Gương mặt đi bên của Chị lúc nào cũng ở giữa khoảng cách của nghiêm nghị với cởi mở dù ngay trong cả nét cười. Tôi không biết cách để Chị nở một nụ cười thanh thản, không hồ nghi. Nước Áo hay thủ đô Vienne đã không như Chị hình dung? Chị đã quyết đi tìm dấu tích của nhà văn yêu quí. Chúng tôi bỗng nhiên giống nhân viên SS Gestapo bám theo từng mẩu vụn về Stefan Zweig trên đất nước của ông.

Cảm thấy áy náy, ông ta còn ném theo một hy vọng cho chúng tôi:

- Ông bà có thể ghé qua trường đại học Mỹ thuật bên cạnh đây xem. May ra các giáo sư hoặc các sinh viên được học về ông ấy cũng nên…

Tấm biển đồng: UNIVERSITAT FUR ANGEWANDTE KUNST hiện ra sau lần Chị hỏi thăm đường. Cánh cổng gỗ sồi khổng lồ trạm trổ như cửa vào thánh đường cao vút tận gờ trần tầng một chiếm trọn sáu mét. Viền khung cửa ốp gạch gốm đỏ, triện hoa văn, đầu sư tử.

Chúng tôi lơ đãng lướt đọc thông báo bắt đầu ghi tên cho mùa tuyển sinh mới. Lang thang khắp các phòng học trống, ai cũng tất bật nơi hành lang, tay cầm một thứ gì đó, chẳng để ý đến ai. Lên tầng hai, tầng ba, tầng bốn… Ngoài cánh cửa các lớp họ ghi tên giáo viên chủ nhiệm và danh sách sinh viên. Bức tường trước lớp trưng bày những tác phẩm của sinh viên mới thực hiện. Loang lổ, phá cách trên chất liệu cũ mới. Những ý tưởng ngây thơ hoặc phù phiếm hay lặp lại đều được tự do trình bày. Chúng tôi ấn tượng với tác phẩm hình ảnh cô gái sau tấm kính ô tô vỡ rạn. Chụp một vài kiểu ảnh. Lạc đến căng-tin sinh viên hòng mong hé một cơ hội.

Chị ể oải hỏi tôi có cần ăn uống chút gì cho đỡ mệt không? Mỗi khi không thể xoay chuyển thì Chị lại thúc tôi nạp thêm năng lượng. Tôi có phải là đứa trẻ đâu mà cần được an ủi bằng ăn uống, hỡi Chị.

- Stefan Zweig không có chỗ ở nơi này… dù Vienne vẫn là Vienne của nước Áo …

Vâng, Vienne bây giờ đâu phải là Vienne mà Stefan Zweig trốn chạy phát-xít. Métro không chắn cửa, mọi người tự động đưa vé vào máy, công viên sạch làu, ăn xin dồn vào một góc, quần áo túi ngủ được xếp gọn trên mỗi ghế. Đến mặt bàn ăn nhà ga cũng khô ráo không dấp dính. Thành Vienne hiếm gặp người da màu. Rải rác có người Thổ làm công. Quán ăn Thổ cũng chụp ảnh món ăn, ghi giá tiền như ở Singapore. Những gương mặt Thổ trên đất Áo tôi đều thấy vẻ tự tin đàng hoàng, kiêu hãnh. Người Thổ đã từng chiếm đóng Áo xa xưa và hình như bây giờ giấc mơ hoàng hoa  của người Thổ lại hiện về, nhất là khi người Áo không bỏ phiếu cho họ bước vào ngôi nhà cộng đồng châu Âu.

Đã biết vài địa chỉ quán ăn người Việt, nhưng chúng tôi chưa thể… Có một Vienne khép kín hoặc mang thói quen tiết kiệm. Bánh vẫn được tính từng lát khi thanh toán. Các cửa hàng cửa hiệu, kể cả cửa hàng thời trang không có neon rọi, không mấy khi sáng choang đèn như ở Paris. Thực ra các nhân viên vẫn làm việc, đèn chỉ sáng bên trong. Ngôi nhà Strauss từng ở, gác dưới giờ là tiệm bán McDonald’s. Tên ngôi trường Stefan Zweig từng học mất tích tự bao giờ dưới một cái tên mới. Quầy thông tin ở ga Vienne chẳng khác lẫm thóc kín miệng, rèm kéo thụp xuống chỉ để ke hở bằng hai bàn tay. Muốn hỏi gì thì hé mắt nhìn nghiêng y con chiên xưng tội…

Gập ghềnh hè đá thành Vienne, Chị nghiêng mình bước vội, đuổi theo cái bóng của mình. Ngẩn ngơ nhìn ngắm, nhưng tôi còn đủ khôn ngoan để không lạc mất niềm hy vọng duy nhất là Chị ở giữa đô thành dư thừa những vở nhạc kịch cả bi lẫn hài.

5.Trong không gian Vienne hình như chúng tôi có 48 giờ một ngày. Tất bật. Háo hức. Nóng rực xoải dài những bước khám phá. Ăn sáng ở khách sạn niêm nót cẩn thận như trước trận đánh. Khoác ba lô và tấm bản đồ mở sẵn nhảy tàu điện, chui xuống métro rồi lại trèo lên xe buýt hai tầng hay chảnh hơn thì gọi taxi khi không thể lê nổi bước vì bàn chân rộp phồng của Chị. Chẳng hiểu sao chúng tôi quẩn quanh phải qua lại cây cầu bắc ngang dòng kênh tiếp nước cho sông Danube tới bốn năm lần. Nơi bốn góc đầu cầu, người ta đặt trên cột trụ cao bốn chiếc đầu sắt sơn trắng hàn vá nham nhở với lỗ mũi tông hốc cho chim tha rác làm tổ. Có điều gì đó gặp nhau ở đây với bức tượng ghép đá tảng, được trói giữ dựng nên hình hài bằng những que sắt ở ngã ba đường nối sân bay và thành phố Nice bên Pháp. Con người của thời đại lý trí thì cần phải cứng mạnh như sắt đá, dù là sắt đá cắt ghép…

Lạc bước hay là Chị đã hoạch định trước? Chúng tôi dừng bước trước tòa nhà đa sắc, đa vật liệu của Hundertwasse được tạo tác từ năm 1983 đến 1986. Một ngôi nhà kỳ quái nếu xét theo nghĩa thông tục của những kiến trúc sư giáo điều.

- Chẳng có sự chắp vá nào hài hòa hơn. Cuối cùng thì cũng có người khẳng định quyền được tự do trong kiến trúc và xây dựng cho chính ngôi nhà của mình…

- Hình như nó được phôi thai từ những mẩu vật liệu thừa cũ…- Tôi nhận xét!

- Đến như con người còn cũ - Chị mỉm cười giơ máy ảnh.

 

Đã chuẩn bị tâm lý sẽ gặp một tác phẩm kiến trúc dị thường, nhưng khoảng khắc đặt tay lên bức tường ốp gạch sặc sỡ của tòa nhà họa sĩ Hundertwasser[9] tôi không khỏi bị choáng ngợp. Một sự pha trộn giữa hình khối, phong cách và màu sắc. Công trình sáng tạo hiện đại này được sự bảo trợ của tòa thị chính Vienne, là nơi trú ngụ của thăng hoa, vượt lên tầm một tòa nhà xã hội deluxe. Người  nghệ sĩ bất qui tắc sáng tạo nó từng khẳng định tòa nhà là một «giấc mơ kiến trúc» của ông.

Buổi sáng yên tĩnh tiếng chim hót rạng rỡ nơi góc đường Kegelgasse, số 36 và Löwenstrass của quận 3, chúng tôi mãi mới thoát ra khỏi trạng thái ngẩn ngơ như đứa trẻ lớn xác trước tòa  lâu đài tuổi thơ của mình bỗng mọc lên từ địa phủ. Một kiến trúc không bình thường, một kho báu không đầy đủ, nơi người ta có thể buồn cười khi nhận ra những củ hành theo kiến trúc nhà thờ Nga, những cabine điện thoại kiểu Anh, những ban công kiểu Pháp và nhiều kiến trúc baroque khác, những khu vườn lơ lửng như vườn Babylone và những cột đá hoàng cung kiểu Hy lạp. Dù người lớn hay con trẻ ở bất kỳ tọa độ nào của thế giới đều có thể tìm thấy phân mảnh ký ức hoặc giấc mơ đã trải nghiệm. Họa sĩ không muốn những đường thẳng. Ông phô bày cho chúng ta thấy những cột uốn lượn lồi lên lõm xuống bằng sành, bằng vàng, từ màu sắc, các khối mosaique ở tất cả các chi tiết. Ông thêm vào những khoảng sân gỗ sồi, hoa và dự tính cả nơi chăn thả cừu mà người Vienne co thể tưởng tượng là không thể tìm thấy trong thành phố.

Suốt ba năm, Hundertwasser vạ vật ở công trường, như vừa chủ thi công vừa thợ với bay trộn vữa và bút vẽ… Tất nhiên trong quá trình xây dựng, người ta phải hủy bỏ dự án những con cừu và đồng chăn, phải bằng lòng với những khu vườn đơn giản. Trẻ em tự an ủi với phòng chơi được trang bị hai lần cầu trượt: chúng được mẹ giám sát từ một lô nơi họ có thể đan và trò chuyện sau khi đã cung cấp theo đòi hỏi của Vienne: người cà phê, người bánh ngọt. Người Vienne thân thiết gọi đó là ngôi nhà của Schtroumpfs (nhà trong tranh hình họa).

 

Hundertwasser từng tỏ bày với Andreas, một người sống trong tòa nhà: Ngôi  nhà, không chỉ đơn giản là ngôi nhà, nó là tâm hồn của tôi. Andreas trở thành một hướng dẫn viên trong thế giới đầy những ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ông tiết lộ, việc xây ngôi nhà này tốn 40 triệu francs, nhờ vào sự trợ giúp hào phóng của ông thị trưởng Đảng xã hội Vienne thời đó: Helmut Zilk. Nhưng để được vào thuê ở, mỗi người thuê phải trả hẳn 500.000 francs (năm 2005) cho 110 mét và 72 mét đất vườn, ngoài ra mỗi tháng phải trả 45 frans một mét vuông. Người thuê có thể ký hợp đồng thuê không thời hạn và có thể chuyển nhượng cho người ruột thịt gần…[10]  

 

Chúng tôi liên tưởng đến công trình Crazy House của kiến trúc sư Đặng Việt Nga cùng sáng tạo tương tự như Hundertwasser. Phá cách với lối kiến trúc tuân thủ cảm hứng cá tính mỗi con người có lòng khát khao hướng đến tự do. Tòa biệt thự độc lập mang vóc dáng hình hài những gốc cây, hang động giữa rừng già nhưng bên trong là những căn phòng có nột thất khách sạn hạng sang. Ngôi nhà hấp dẫn du khách bởi những góc cạnh, đường cong uốn lượn, những hình thù kỳ lạ… Ô cửa sổ lồi lõm con mắt của thú rừng. Bậc thang xoắn quanh gốc cây, những căn phòng hốc cây, thân tre, quả bầu, cọp, gấu, đại bàng, kangaroo, chim trĩ...

Crazy House hay ngôi Nhà Cây đã từng bị cho là phi chính thống, không ngay thẳng, bị khép vào tội “những kiến trúc kỳ quái không phù hợp với phong cảnh vốn có của Đà Lạt, phải đập bỏ càng sớm càng tốt!”. Trước thời hạn phải bức sát vài ngày Carazy House may mắn được giải cứu …

Crazy House hiện tại cũng nổi tiếng không kém gì Hundertwasser, và cũng là một địa chỉ du khách tới Đà Lạt không thể không ghé thăm. Chỉ có điều Carazy House được xây từ tiền cóp nhặt hoặc đi vay của cá nhân và suýt nữa bị phá dỡ…

Tiếng động của đoàn tàu điện ngoài phố vọng đến. Giật mình. Chẳng có nhiều thời gian cho chúng tôi lưu lại bên Hundertwasser. Ôm cây cột sứ nhũ bạc. Ngồi lên bệ cửa sổ.Tạo dáng trước cửa lớn. Đứng trên vỉa hè lồi như nấm mộ hoang lát gạch đất đen… Chụp vô số ảnh, để chúng tôi nhớ rằng mình đã lưu dấu bằng cách hít thở, suy ngẫm, bằng cảm xúc tại một địa danh văn hóa Áo phi truyền thống với Stefan Zweig. Và không khỏi ngùi ngẫm nghĩ rằng chưa biết bao giờ số phận mới hẹn chúng tôi cùng trở lại nơi này. Tôi nhặt mảnh gạch vỡ trên hè bỏ vào túi cóc ba lô.

Lại lật bản đồ, căng ra phán đoán, tìm hướng…

Hy vọng được người Áo nói về Stefan Zweig lại được nhen lên khi bắt gặp hiệu sách cũ ở trung tâm mua sắm. Tôi cảm giác những người Áo trưởng thành hình như ai cũng biết Zweig, nhưng chẳng một ai muốn nhắc đến nhà văn. Ông chủ hiệu lờ đờ phó mặc chúng tôi lục lọi. Tha hồ chụp ảnh. Một vài cuốn của Zweig bản tiếng Đức cũ mèm. Chị không biết tiếng Đức, còn tôi thì càng không thể đọc nổi dăm ba ký tự… Chị là đại diện văn hóa cho tôi ở châu lục này. Không tìm ra chút tài liệu nào nói về ông một cách cụ thể. Vậy mà ở ngoài kia, ngay trước cửa hiệu sách cũ, người Áo đã bắt chước người Mỹ cho đúc những ngôi sao danh vọng trên mặt đường bộ hành. Những ngôi sao trắng trên nền nhựa đường chúng tôi đã thấy những cái tên: Alban Berg, Gustav Mahler… còn nhiều còn nhiều lắm. Nhưng không có tên Stefan Zweig!

- Giá ông bà cần tìm hiểu về các nhạc sĩ của chúng tôi thì sẽ sẵn tài liệu hơn… Người bán sách cũ phân trần. Có vẻ như Zweig đã quá cổ điển và quí tộc để thời cộng hòa người ta tìm đến.

Chị thở dài.

- Một nền cộng hòa dựa được dựa trên những giá trị cổ điển thì phải biết ơn nó. Nó không dễ bị xô lệch khi dựa vào những giá trị chưa được kiểm chứng. Ở Vienne đi tìm một cái ngõ hẻm có dáng dấp trong văn của Zweig cũng khó chẳng kém đi tìm ông vậy. Và bây giờ đang cuối tháng, chờ đến bao giờ có trăng mọc?

 

Có vẻ như Zweig đang ở đâu đó quan sát chúng tôi. Cảm giác ấy thật ấm lòng. Lại lang thang tìm kiếm. Loanh quanh chưa quá mấy trăm mét lại lạc giữa những khối nhà vuông. Đi về phía chúng tôi tưởng có ngôi trường tiểu học của ông khi xưa. Càng đi càng thấy phố hun hút chạy dốc xuống. Mấy thanh niên chơi xe đạp địa hình, nhún nhảy điều khiển bánh xe vượt lên từng bậc đá. Thoát khỏi con dốc phố qua một cửa hàng kem Ý: một đại lộ lớn đột ngột phơi mở. Ô tô, mô tô cảnh sát đồng loạt chớp nháy đèn tín hiệu dẫn đường cho đoàn diễu hành của thanh niên các nước châu Phi đến tham dự liên hoan âm nhạc thanh niên. Trống kèn, múa bụng, nhảy, lượt thượt những bộ quần áo kẻ sặc sỡ, mũ chụp đầu, khăn quấn, kính đen, vòng lắc, và những bàn tay đeo nhẫn tủa tủa như ốc nhồi bậu, những nụ cười trắng lóa nắng.

Toa xe điện đơn độc vừa trờ tới phải tạm dừng nhường đường cho đoàn diễu hành. Xoay ngang xoay dọc tấm bản đồ, Chị hỏi người trấn cửa lên xuống toa xe. Ông ta  đáp lại bằng thứ tiếng Pháp du dương:

- Hãy lên xe đi đã, lên xe thì tôi sẽ chỉ đường cho. 

Chẳng biết người canh cửa kéo hay là Chị đẩy tôi lên toa xe điện. Chúng tôi vừa thoát khỏi không khí lễ hội châu Phi thì lại bị nổ tung trong ca khúc của toán thanh niên Pháp đang đàn hát nhảy múa trên sàn xe. Họ là một trong số những đại biểu đến Vienne dự hội nghị âm nhạc Trẻ. Người đàn ông tóc ngắn ôm cây phong cầm ngồi đầu ghế nghiêng ngả cầm nhịp, lố nhố phía trong đám thanh niên mặc đồng phục tím than. Một thanh niên đeo kính, áo kẻ xanh da trời, quần bó ống đến gối, đeo băng đỏ bằng nhựa bơm hơi trên cánh tay… Ai cũng một lon bia trào bọt. Nghe Chị đáp bằng tiếng Pháp, họ reo mừng lôi chúng tôi theo vòng nhảy, ấn vào tay lon bia vừa khui nắp. Men nhạc, men bia thốc cho tình người giao hòa thăng hoa. Tách tách lóa đèn flash.Chúng tôi bị co kéo tứ phía để chụp ảnh cùng. Nghiêng ngả. Có điều gì đó thân thiết khiến cay sống mũi. Chẳng hiểu vì sao giữa những người xa lạ bỗng trào dâng tình cảm nhân quần.Tôi chưa kịp xuôi ngụm bia đầu thì người gác toa xe đã giật áo chỉ xuống bến. Gửi tiền vé thì ông hất cao chiếc mũ rộng vành cười xòa. Đứng dưới đường chúng tôi vẫn còn chưa kịp tin những gì vừa mới chứng… Cửa toa xe một hai cánh còn luyến vẫy hồi lưu.

 

6.Bạn sẽ làm gì lần đầu đến Vienne, hoàn toàn tự do và bị lạc giữa mê cung của nó? Tuy không vĩ đại như Paris, kỳ vĩ như Rome hay Venise thì Vienne vẫn dư sức làm cho ta bối rối. Dù được chuẩn bị thì những dự định tốt đẹp ban đầu, để thực hiện cũng chẳng dễ như kế hoạch trên giấy. Một không gian văn hóa 360 độ đều hấp dẫn bạn khó có thể cưỡng lại. Bạn muốn biết mọi diễn biến đang va đập với mình và trở thành con rối trước tham vọng của chính mình.

Những quán kem Ý đến giờ đông khách. Kem Ý sản xuất tại Vienne cũng hoành tráng chẳng kém pizza made in Vienna. Cốc kem hoa quả ngồn ngộn như tảng băng Bắc Cực mới trôi về. Tám giờ tối nắng vẫn ánh vàng tháp chuông, nhuộm thắm mặt người. Rồi cũng kiếm được chiếc taxi qua người chạy bàn của quán Konzert Cafe Schwarzenberg với món bánh ngọt nổi tiếng đặc trưng của ẩm thực Vienne mà chúng tôi vừa thưởng thức. Món bánh phủ kem không đường và rắc bột chocolat đậm đặc. Những người mua vé xem nhạc kịch và nghe giao hưởng cũng lục tục khăn áo, trang điểm đến nhà hát.

Âm nhạc mới là thứ nghệ thuật để người ta say mê Vienne và để Vienne kiêu hãnh. Với 300 nhà hát kịch và phòng hòa nhạc Vienne xứng đáng là đô thành của những nhà hát. Nhà hát kịch quốc gia Vienne, mặc nhiên được coi là “trung tâm ca nhạc kịch của thế giới”. Chúng tôi không đủ sức thốt lên cảm thán trước tòa kiến trúc hùng vĩ mang phong cách La Mã. Đá hoa cương chi phối kết cấu và nhịp điệu khán phòng, khán đài và hình ảnh của các nhạc sĩ lớn, nghệ sĩ nổi tiếng treo gắn trên các sảnh gia tăng thêm vẻ hàn lâm.

 

Mọi góc quảng trường lớn, nhởn nhơ những người bán vé trong trang phục thế kỷ XIX đội tóc giả, áo choàng thêu viền gấu viền cửa ống tay, cổ xếp nếp, vai bồng, tất bó hết bắp chân. Họ quan sát du khách thấy ai có tiềm năng là lễ phép mời đến nhà hát của mình xem nhạc kịch, nghe giao hưởng hay dự những buổi trình tấu dàn nhạc dây, dàn nhạc hơi. Họ đông đảo như lái xe taxi bến xe Mỹ Đình, đứng lởn vởn quanh những cỗ xe thùng dán quảng cáo chương trình nhà hát của mình. Từ chối mua vé, nhưng tôi ngỏ ý muốn chụp ảnh chung với một anh chàng thì nhận được lời chấp thuận vui vẻ. Anh  hy vọng chúng tôi sẽ đổi ý sau khi được chụp ảnh chung? Hỏi bất kỳ một người dân Vienne tối nay nhà hát nào trình diễn âm nhạc của Mozart hay Strauss thì tôi đều nhận được câu trả lời chính xác. Âm nhạc tự thân là ngôn ngữ quốc tế. Dù không biết tiếng Đức thì người ta vẫn có thể thưởng thức những chương trình ca nhạc được dàn dựng, ánh sáng, mỹ thuật và âm thanh hiện đại. Nhưng chúng tôi cũng không dám chắc đám đông kia đang rồng rắn trước nhà hát Quốc gia Vienne với giá vé vào cửa quân bình 60 EUR tất cả đều thấu hiểu những gì họ sắp xem và nghe… Thói quen trưởng giả cũng là một thứ nô lệ khiến khách du lịch chạy theo đám đông.

 

Nheo ngắm dòng người nối nhau bước vào cửa nhà hát Hoàng Gia, Chị nói rằng:

- Thì con người dễ cảm thụ âm thanh hơn là ngôn ngữ văn chương. Và con người hiện đại ngày càng lười đọc những cuốn sách bắt người ta phải đau khổ hay suy nghĩ mà Zweig đã từng viết. Nếu giải mã hình ảnh những người Pháp chăm chú đọc sách trong các toa xe điện ngầm là họ đọc gì thì anh sẽ thất vọng. Sách dày hay sách mỏng, đa phần là thứ giải trí tiêu thời gian. Họ đọc theo thói quen phải đọc. Vậy thôi.

Giá đủ thời gian, chúng tôi cũng sẽ đắm mình trong thánh đường không gian âm nhạc quí tộc của thành Vienne một lần, chắc không thể thưởng thức hết mọi điều ở đó, nhưng ít ra cũng có được một cảm giác trải nghiệm thả hồn vút bay trên vòm trần dát vàng cùng với các thiên thần dang cánh ôm đàn…

 

Trên đỉnh núi vọng xuống thành Vienne, thung lũng trải dài hai bên bờ sông Danube sáng lóa những mảng tường những mái vòm cung điện chưa bị những tòa nhà cao tầng làm vướng chân trời. Dường như cả trăm năm đường chân trời Vienne không mấy thay đổi. Vẫn những nhà hát, những cung điện, những bảo tàng, những quán café, những quảng trường với các tượng đài danh nhân đội mưa nắng và chịu đựng phân chim bồ câu. Mà chỉ có sự thay đổi bên dưới đường chân trời là những con người sống, chết, tán tụ. Tôi nhận ra đô thành dưới chân mình chỉ có âm nhạc mới là điều quan trọng, chỉ có âm nhạc mới mang lại niềm tự hào đầy đủ vật chất và tinh thần cho Vienne! Mặc cho Stefan Zweig yêu quí và viết bao nhiêu về Vienne hay nước Áo đi chăng nữa thì hình như ông vẫn thập thững trong bóng tối xứ sở. Ở đâu đó những mảnh tường đá lớp học, tòa dinh thự ông sinh ra người ta chiếu cố gắn vào tấm biển đồng nhỏ nhỏ nhắc nhớ đến Zweig một cách miễn cưỡng nhất cũng đã kịp rêu phong lâu lắm rồi.

 

Tiếc thay, ngay cả sự rêu phong ấy, chúng tôi cũng chưa thể chạm tay.

Sự thơ mộng cuối cùng với Vienne chúng tôi dành cho sông Danube. Dòng sông mà bất kỳ người yêu nhạc nào cũng ước mơ đến cũng như mọi lứa đôi đều khao khát khỏa nước sông Seine. Con tàu bềnh bọt trắng dọc sông Danube xanh ngời tâm tưởng tôi bao nhiêu năm khi mở mỗi trang sách của Zweig. Sông Seine cùng Chị năm trước bình yên với Apollinaire trên cầu Mirabeau nay đã xao sóng vỗ để đối diện Danube của Johann Strauss in bóng lâu đài, nhà thờ và những vườn nho lưng núi.

- Vậy, riêng chúng ta có thể cứu với được hình ảnh Zweig trên quê hương của ông khỏi sự quên lãng hay không? Tôi buột hỏi.

- Không hy vọng, chúng ta cứu chính ký ức của chính chúng ta không hoen gỉ thêm nữa ở mức nào đó… với Zweig hay là với Sissi. Vì ít nhiều chúng ta ở vùng văn hóa ngoại biên của họ.

Dòng Danube đục loang như vừa pha sữa tươi trườn chậm rãi qua gầm cầu mới cũ, qua ngôi nhà thờ gạch đỏ vươn cao bên bến sông. Sương pha khói sóng và những cánh nhạn vụt bay vụt biến. Lăn phăn sóng ru. Mặt trời lúc hiện chói lói lúc ỉu xìu trong mây thấp. Tôi không còn nhớ mình là ai. Và ai đang là mình. Lơ lửng nước mây. Vừa muốn nắm tay Chị cùng nhảy xuống tan lẫn vào Danube và vừa muốn hét lên tên một dòng sông nước Việt. Danube cuộc gặp của một trăm năm hẹn. Mặt người soi mặt sông xanh…

 

Mọi dòng sông huyền thoại đều tạo riêng chỉ dấu. Danube chỉ xanh trong những khán phòng rực rỡ xiêm áo và ánh sáng, để cho Danube hiện thực sống động với tất cả phù sa và rác rến chảy xuôi. Hy vọng nghe bản nhạc lừng danh của Strauss về Danube khi ngồi trên Danube tiêu tán. Hóa ra đó là ý nghĩ mơ mộng ngây ngô khi ta ở một tọa độ văn hóa khác. Người Áo chỉ nghe nhạc khi đóng kín cửa trong nhà hát.

Đến với Danube thì hãy cảm nhận Danube theo cách của riêng mình.

Ấy là lời khuyên của Chị trước nỗi thất vọng của tôi.

Họ không thể hay không muốn giải thiêng thứ âm nhạc thượng lưu phổ đến mọi du khách?! Tôi không muốn tin trước mặt kia là dòng Danube đã đẹp thanh cao ngang thần thánh trong trí nhân loại bởi Strauss. Vẫn chỉ là một dòng nước thoát xuống từ núi cao nước Đức qua  biên giới vào Áo để xuyên nối châu Âu. Tôi và Chị yêu mến Danube trước khi tận thấy Danube, bởi Stefan Zweig, bởi Romy Schneider cộng hưởng. Thôi thì hãy để tình yêu ấy yên định, tôi ơi xáo trộn lên để làm gì? Như sông Lô, sông Thao của nước Việt nhu nhịn đã chẳng được tắm hào quang trong âm nhạc của Văn Cao, Đỗ Nhuận đó sao. Chúng thành sông thiêng của con dân Việt từ thuở nôi tre muôn ngả vẫn chung cội nguồn dù có đục trong mấy những năm trường. 

7. Chưa buổi chiều nào chậm như ở Vienne, bởi một phần tiếp cận vòng cực thì Viên là thành phố xa nhất tôi đến. Trong tôi đang diễn tiến không thường: Kính trọng Stefan Zweig và mê đắm văn ông. Những gì tưởng trước đó và hiện thực Vienne đối với ông khiến cho tôi tổn thương hơn cả sự đau lòng.

 

Chưa xa mà đã thấy vắng những con phố thơm café và chocolat rưng rưng khói, lặn lội tới ngõ nào cũng là tin cậy. Tọa độ Vienne là để người xa mang tình yêu của mình đến dùng Vienne như một tấm gương soi. Tôi biết mình đã mến luyến với Vienne nhưng sự giận hờn vì Zweig dễ nào nguôi nhanh được. Còn Chị tha thiết Vienne hơn tôi bởi nhiều điều không thể cắt nghĩa, bởi nàng Romy Schneider- Sissi kia chưa từng mất bóng một ngày.

Nửa muốn mở vòng tay, nửa muốn khép lại, Vienne như một quý ông đứng tuổi trên áo veste dưới quần bò mà hương nước hoa Scorpio Gold vương vấn khói cigarette hảo hạng, móng tay mài bóng, nhưng bộ râu quên chưa cạo, mắt chớp chậm và nụ cười vừa đủ nhận sắc thái.

Chúng tôi sẽ chia tay Vienne trong ít giờ nữa. Xuôi Danube đến Budapest hay tạt ngang đất Đức. Trong dư quang cuối ngày nhịp sống Vienne bỗng trầm xuống để vó ngựa ron giòn mặt đường đá đưa du khách lòng vòng thong dong...

Ngẩn ngơ Chị giơ tay vẫn hai đứa trẻ lơ ngơ trên xe trong lòng mẹ. Chúng hớn hở dang tay hồi đáp.

 

Chín giờ đêm nay tàu tốc hành từ Vienne đến Venise. Chị sẽ tới Venise trước  tôi. Công việc ở đó ngổn ngang đợi.

Đứng bên Chị, trên chót đỉnh Cobenzl lướt nhìn thung lũng thành Vienne nhô phơi dinh thự của dòng họ Habsburg còn lóa vàng son tôi ngơ ngẩn đôi hồi. Vienne đang làm mới mình bằng cách tẩy rửa lớp bụi thời gian ám đen trên mái vòm và từng viên gạch đỏ xây nhà thờ. Những bức tường đá, những bức tượng thiên thần đứng trên tòa thị chính, nhà hát lớn sẽ lần lượt được tắm gội theo cách nào đó. Chị day dứt tự vấn hay là một câu hỏi cho tôi.

- Tại sao Vienne lại lãng quên Stefan Zweig nhỉ? Về văn tài và tư cách ông đều xứng đáng có một tượng đài ở thành phố này… Vienne không nhắc đến Zweig cũng như không muốn nhắc đến Hít-le vậy. Chẳng hay Vienne lờ cả hai một cách tế nhị. Vì cả hai đều khiến cho Vienne xấu hổ. Stefan Zweig làm họ nhớ đến nghĩa vụ lương tâm khi bỏ ngoài tai lời cảnh báo của nhà văn về họa phát-xít, mặc cái chết tự tận của ông và vợ ở Braxin nhuốm đen một trang sử Áo. Còn Hít-le thì buộc họ phải tẩy xóa trong ký ức vì sợ hãi và kinh hoàng. Đấy có thể gọi là sự lịch lãm của thành Vienne chăng?

Phơi mình giữa cỏ xanh cách không xa tượng Wolfgang Amadeus Mozart lắng nghe mạch đất, tôi tin: Vienne chưa bao giờ và chẳng bao giờ có thể quên Stefan Zweig. Vienne dấu yêu nhà văn theo cái cách của mình. Tác phẩm của ông chưa nguôi làm rớm máu trái tim bạn đọc toàn cầu. Không hiện hình, nhưng tinh thần ấy đang ngầm chảy trong đời sống nơi đây. Một dòng dưỡng sinh cội nguồn xanh tươi tốt cho Vienne.

Tôi sẽ tiễn Chị đến góc phố café. Hầu như chuỗi ngày ở Vienne, ngày nào Chị cũng hỏi tôi một câu quen: Hay là ta dùng một ly café nhỉ? Các quán café trung tâm thành Vienne còn giữ được vẻ cổ truyền đã trở thành huyền thoại nhờ những người khách của nó. Trong đó có Stefan Zweig…

Chẳng có nhà văn nào biết diễn tả đầy đủ đức tính tận hiến và vị tha của người đàn bà khi yêu như Stefan Zweig. Và cũng chẳng có ai biết thống hối thói vô tình như Stefan Zweig. Ông làm cho người ta sợ khi nghĩ đến kết cục của thứ tình yêu đó, nhưng cũng chính ông lại khuyến  khích chúng ta lao đầu vào cái mê cung một nửa là địa ngục, một nửa là thiên đường. Ông làm chúng ta hạnh phúc bằng cách để chúng ta tự thức về đau đớn riêng chung.

Taxi đã đợi trước góc phố quán hoa. Một phút Chị quên tôi để ngước lên bầu trời Vienne còn ánh ngày bên những vì sao bắt đầu loe sáng. Hương nước hoa ngọt dịu của Chị tựa hương ngọc lan trong đêm tối hẳn sẽ mang đến tận Venise, thầm thì...

Đế chế thời Sissi chưa bao giờ tuyệt dấu. Nhưng những điệu valse người Vienne không còn da diết, sách của Zweig người Vienne chỉ còn ông chủ hiệu sách cũ nâng niu. Giận trách ai đây Vienne hỡi, Danube xuôi xanh, Seine mài lõm chân cầu, Thao, Lô ứa bao nhiêu nước mắt đã luân hồi…

Trên gác cao góc phố Stubenring, cánh cửa khép hờ ban công tầm xuân. Bản Valse No.9 Lời từ biệt của Frederic Chopin vẳng qua tiếng chạy đĩa than. Âm giai khiến tôi hình dung đến một bông hoa rực rỡ mang vẻ sầu muộn vừa mới hái cắm bình pha lê trong căn phòng đồ gỗ ánh nâu và trải thảm đỏ rờn ánh nến. Sao không là bản valse Danube xanh của Strauss từng khiến cả thành Vienne hoan cuồng trong luân vũ?  Bản Valse của Chopin tấu trong đêm thành Vienne như dành riêng tặng Chị người khởi hành muộn đến Venise…

Tháng 7 năm 2013 - N.T.T.K

 


[1]Johann Strauss (1804-1849) - nhà soạn nhạc Áo

[2]Stefan Zweig (1881-1942) - nhà văn gốc Do Thái, sinh tại Áo 

[3]Sissi (1837-1898) tức Hoàng hậu nước Áo Elisabeth cũng là nữ hoàng của Hongrie

[4] Gustav Klimt (1862-1918) - họa sĩ Áo

[5]Soldes : Mùa hạ giá  – Do chính phủ quyết định, một năm hai lần tại Pháp

[6] Romy Schneider (1935-1982) sinh tại Vienne, diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Đức, mang quốc tịch Pháp trong vai Hoàng hậu Sissi.

[7]Karlheinz Böhm (sinh năm 1925) – diễn viên điện ảnh Áo trong vai Hoàng đế François-Joseph.

[8]Franz Sacher (1816-1907) - Người phát minh ra món bánh truyền thống Sacher-Torte

[9]Friedensreich Hundertwasser (1928-2000) – họa sĩ, kiến trúc sư Áo

[10] Những con số được cung cấp từ tư liệu của Jean des Cars – nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa.

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook