6. Đêm đầu tiên ở Venezia tưởng sẽ thiếp dịu êm, nhưng tôi không thể. Bao nhiêu xúc cảm hãy còn ngổn ngang sau một ngày nén căng những ảnh hình của một thế giới hoàn toàn khác. Cửa sổ vén rèm cho sao trời Venezia mờ soi căn phòng thay ánh đèn vàng khô.
Rón bước trên thảm, tôi lại gần chậu hoa gốm bên bệ cửa sổ, chạm vào bông hoa trắng nuột mát lạnh, ngắm sóng mái nhà ẩm sương với bóng mèo đủng đỉnh đi dạo dưới những dàn anten sóng truyền hình. Đệm, drap, gối trắng xốp sột soạt hồ mới giặt là vương bao lời thiếu phụ thầm thì chập chờn tới sáng…
Hình như sóng vỗ quanh, Kênh Lớn đang thở dài. Biển Adriatic ngoài đê chắn sóng. Gió miết lên những cần cẩu trên tàu và những tảng bê-tông ba chạc. Động cơ vaporetto rì rà xộc lên khói dầu diezel hăng cay. Tôi nhận ra mùi của Venezia là mùi nước biển pha mùi khói dầu và mùi gạch đá vôi vữa rêu phong bị nung nóng ban ngày trộn lẫn giờ đang tỏa ngai ngái. Tiếng gà gáy lan. Tiếng chó bâng quơ. Tiếng xích sắt choàng quanh cột gỗ. Bước lao công, bước công nhân đẩy xe cát sỏi thậm thuỵch ngõ vắng. Hương café nóng và bánh mì mới ra lò quẩn trên nóc ống khói…
Chị ngồi chờ tôi trong tinh khôi ánh sáng. Gió lộng rèm. Bàn ăn được đích thân ông tham tán chuẩn bị. Đồ sứ cổ điển. Tách café bé như trứng gà so. Phiến thịt lợn hun khói mỏng có thể cuốn thuốc lá, xếp thành bốn nụ hoa. Bánh mì thái chéo bày lẵng. Mứt cam cả vỏ, mứt đũm hương không nghiền hạt, sữa chua, mật ong, sữa, bơ, muối đường… ấy là những phụ gia cho bữa sáng kiểu Anh nhưng có nhiều phong vị Ý.
Trong khi chúng tôi dùng bữa sáng với vẻ thận trọng nhất có thế thì ông tham tán, chemise đóng thùng trong chiếc quần hôm qua với những chấm sơn tường vương trên gối, giương mục kỉnh, đi lại từ đầu phòng đến cuối phòng. Thi thoảng ông cúi xuống chiếc laptop theo một thói quen nhiều hơn là nhu cầu.
Câu chuyện xoay quanh Venezia. Bẹo cằm mình, ông tham tán nhún vai vẻ ngán ngẩm nhưng ánh mắt kiêu hãnh: Tôi đã phải trả lời 158 lần phỏng vấn về thành phố này. Ông nói về tình yêu vô điều kiện của mình với thành phố sông nước. Nhắc đến Paris quê nhà ông hờ hững: Mỗi năm tôi ghé qua nơi ồn ào đó một tuần. Danh nhân ảnh hưởng đến Venezia thì nhiều, nhưng ông tham tán chỉ nhắc ba người: Napoléon, Antonio Vivaldi và Giacomo Casanova[1].
- Về Napoléon, người đồng hương của tôi thì tài liệu về ông ấy nếu đem nghiền bột giấy cũng mất vài tháng. Còn Vivaldi sáng mai có cuộc hội thảo tại Trung tâm nghệ thuật hiện đại kế bên số 3260. Vivaldi xuất hiện thường xuyên trên quảng trường San Marco trong giai điệu Bốn mùa, trừ những ngày nước cao mùa lụt. Nếu may tôi sẽ có giấy mời cho các bạn...
Tự tin thế vì số 3262 là chính ngôi nhà ông sở hữu.
Ông đưa tay với cuốn: Histoire de ma vie [2] trên giá.
Ông tham tán dành nhiều cảm hứng cho Casanova cũng như cuốn sách. Một văn bản cũng ba đào như cuộc đời Casanova, sau những thập niên biến cố lại trở về nguyên vị. Bản gốc cuốn hồi ký giờ là tài sản của Pháp sẽ được Thư viện Quốc gia công bố nay mai để công chúng hiểu được phần nào sự thật cuộc đời bí ẩn của một con người có quá nhiều bước ngoặt.
Ông tham tán thì thào rằng Casanova sinh ra tại dãy nhà nơi chúng tôi đang ở. Ngôi nhà người bà của Casanova, người đã nuôi dạy ông cũng trên cùng phố này, phía tường gạch đỏ và những ô cửa sổ xanh. Nhưng cụ thể số nhà nào thì cả ông cũng chưa biết, dẫu đã hai mươi năm sống ở San Samuele. Ông vẫn chờ cơ may nhưng chẳng ai chịu hé miệng. Cuộc đời phóng đãng của Casanova không được các công dân Venezia mộ đạo nhắc đến hoặc do thói quen giữ kín bí mật của người Ý. Cũng có thể những người già trong khu phố muốn giữ sự yên tĩnh của nơi này. Một khi biết rõ ngôi nhà Casanova chào đời thì khách du lịch hiếu kỳ sẽ kéo như thác lũ. Nhà nước thu tiền nhưng công dân sở tại thì sẽ lãnh đủ sự huyên náo.
Sau bữa sáng lãng đãng hương café Ý, ông tham tán tiễn chúng tôi ra ngõ. Mặt trời rực như trái cam lửa lơ lửng giữa màu xanh lộng chói. Chúng tôi lên vaporetto, men theo kênh. Sóng trắng dềnh bọt. Bỏ qua bến Accademia tới bến Salute nơi cửa kênh dần nới rộng với mũi đất vểnh nhọn như chót đuôi mèo chọc ra vịnh. Mắt mở òa với biển cuốn gió mê man.
Hình như đêm qua khách lưu đã kiệt sức nên ngủ muộn. Và du khách tiềm năng còn chưa kịp check-out ở sân bay ga tàu. Chỉ tôi và Chị hưởng thụ con đường ven vịnh còn đẫm hơi đêm. Một bên sóng nước, một bên vườn cây cổ lão, Les jardins de la Biennale trùm ôm những bức tượng cẩm thạch rêu phong của 89 dinh thự cửa đóng khóa treo như cả trăm năm chưa mở. Nơi đây, hai năm một lần triển lãm các tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc hiện đại độc đáo của các nghệ sĩ Venezia và thế giới. Tượng đá trắng ngàn năm của nhà thơ Ý Giosuè Carducci[3] an nhiên dưới bóng rợp xanh và phai bạc gió biển trong xiềng xích của đại bàng tượng trưng cho tự do và kiêu hãnh vẫn cất lên những vần thơ kêu van lòng trung thành với đế chế La-mã thần thánh. Vượt qua cây cầu xinh ngang eo nước nhỏ bất chợt đụng khu rừng thông lùn đan cài bối rối. Những khối nhà tầng sơn violette, sơn nâu café ẩn hiện qua cành thưa. Và mặt cỏ xanh bời rung bông xốp như đuôi chồn đang chạy chen sắc hoa dại tím.
Trên bờ Ca' di Dio nhìn ra, con tàu du lịch Ibero sơn trắng toát, từ tầng thượng đến mớn nước xoải hình ảnh người trong tư thế vận động thể dục nhịp điệu lừ đừ như trái núi phủ tuyết tìm vị trí thả neo. Đám gondola đen nhẻm, gày nhẳng lẫn vaporetto mập mạp hay những sà-lan nghềnh ngàng khẳm mạn những bao lúa mì căng cứng, những chồng ống kim loại siêu tiêu chuẩn cũng chỉ là con kiến bên con voi, lượn lờ dè chừng cách Ibero cả trăm sải. Ibero không để ý những gì đang diễn ra dưới mạn, đường bệ và cao vợi, nó toát lên vẻ ngô nghê vô hại…
Không biết ngày xưa khi đào Kênh Lớn người Venezia có tính trước độ sâu để cho những con tàu du lịch khổng lồ ngày nay có thể qua lại bỉnh thường. Và cần bao nhiêu trái núi để xây hai bờ kênh gần bốn cây số, từ âm đáy nước?
Hải âu sà xuống đớp sóng lại vọt vót lên đài chỉ huy Ibero. Bầy chim mỏ dài vùng đầm phá vươn mình bay là là mặt nước tìm những gò đất và bụi cỏ để làm tổ cũng lạc cánh tới đây chen nhau nghỉ trên những đầu cọc gỗ phao tiêu và cột neo tàu thuyền…
Bờ bên là bến S. Giorgio Maggior và bến Zitelle nhô nhoi mấy ngọn cây xanh, loang nâu vệt tường gạch hắt bóng ngọn sóng. Xa xa nữa, mờ chân sóng là đảo Lido, nơi đặt khán phòng liên hoa phim Vénezia danh giá do bá tước Giuseppe Volpi di Misurata khởi xướng năm 1932. Biểu tượng của giải Sư tử vàng - giải trao cho phim hay nhất là con sư tử có cánh!
Phía trước chúng tôi, tường rào chạy dọc con kênh bảo vệ pháo đài trấn thủ Venezia. Có cầu sang, nhưng họng cầu đã khóa.
* * *
Chị đưa tay như muốn nhấc dây xích ra thì có tiếng thét làm chúng tôi giật nẩy mình. Một bà già tóc trắng xuất hiện với chiếc giỏ kéo đi chợ nhìn thẳng vào chúng tôi cảu nhảu một tràng dài. Ấp úng mãi mới định thần, Chị lấy hơi hỏi thăm làm thế nào để sang bờ vịnh bên kia. Bà lão dấm dứ nguýt dài vẻ mặt hối lỗi của Chị, hướng về gương mặt tử tế thiện cảm của tôi và phẩy tay làm hiệu bảo tôi theo. Tôi đi trước, Chị rón rén lúc túc theo sau. Khoảng cách vài chục bước chân luôn được duy trì. Mái tóc trắng bềnh bồng như bó hoa đồng nội của bà lão vẫy hãy chạy lên phía trước. Chỉ một tích tắc tranh thủ chụp ảnh là phải chạy hốc tốc đuổi theo, ngó ngang dọc mấy khối nhà mới lại thấy lấp lóa mái tóc trắng lênh bênh.
Bà lão đi mải miết, rẽ vào con đường hoa trúc đào bời bời bên dòng kênh dẫn chúng tôi vào khu phố thợ. Những khối nhà hộp ba bốn tầng sơn mới café lẫn sơn cũ màu gạch, điển hình trào lưu kiến trúc chung cư những năm bảy mươi thế kỷ trước mà ta có thể gặp bất kỳ quốc gia nào dành cho người lao động. Chăng ngang, chăng dọc giữa hai khối nhà là những dây phơi chăn, drap, áo gối, quần áo sặc sỡ bay tung lẫn vào sắc màu của dãy giỏ hoa dạ yến thảo viền lan can sắt uốn cong.
Tôi bỗng se lòng trong trạng thái ủy mị. Phải chăng sự thanh bần nơi trung tâm phồn hoa của thế giới khiến người ta dễ cảm thông, chia sẻ hơn? Hình ảnh chung cư dệt Việt Trì, Nam Định, tập thể Kim Liên, Trung Tự bụi mốc, khai nồng bỗng như lên tiếng gọi của người thân khó. Venezia đâu phải ai cũng quý tộc sống trong dinh thự, vòm trần dát vàng, tranh sơn dầu chen chúc trên tường ốp gỗ dái ngựa, sàn lát đá trắng Istria nuột nà và đá cẩm thạch hồng Veroba sâu lắng mỗi bậc cầu thang!
Dưới vẻ cũ mốc là một dòng chảy Venezia tinh sạch và ý tứ. Từ buổi sáng bước chân xuống ga S.Lucia và suốt những ngày luồn lách trong các ngõ ngách, kênh rạch tôi mới chỉ thấy vài ba vỏ chai nước lềnh phềnh dưới kênh và mấy chục mẩu đầu lọc thuốc lá dúi vào khe tường con ngách phải ngiêng người di chuyển. Dân Venezia thì không bàn nhưng khách du lịch không phải ai cũng xuất phát từ tọa độ văn hóa cao, nhưng khi đến nơi đây, tự nhiên đã hình thành ý thức không xả rác bất kỳ. Ngay ở những góc tường khuất che kín người, thùy phổi tôi vẫn nhận được không khí tươi vị biển. Nếu như cũng vị trí ấy mà ở Paris hay Sài Gòn, Hà Nội thì hẳn chẳng ai chịu đựng nổi nửa phút, chưa nói là đứng nghỉ hay là dịch chuyển trong ngóc ngách đó.
Chật chội và phóng khoáng, ấy là cảm giác khi theo bà tóc trắng chui luồn qua nhưng khu chung cư Venezia… Bà dừng bước nói chuyện với lên cùng thiếu phụ nhan sắc trên ban công bồng con nhỏ ngậm vú giả. Bà lướt qua cửa hàng bán thịt của cặp vợ chồng phục phịch như gấu Bắc cực. Bà he hét ngó cặp tình già, nếp nhăn chồng xếp thời gian trên gương mặt, gù gù bên nhau dưới bóng cây hong nắng. Cụ ông bậm bạch chống can rờ rẫm từng viên đá lát. Gã xương xẩu, bày rau quả bán giữa lối đi hay trên con thuyền nhỏ nép bờ kênh gãi cằm râu cau có nhìn đời. Đám trẻ chơi trò quăng vòng dây chun. Toán công nhân đang sửa đường cống ngầm.
Bà bỗng đột ngột dừng lại, buông xe giỏ, thản nhiên vươn vai hít thở bên bờ vịnh.
Mặt trời đã đứng bóng.
Mê theo dòng chảy Venezia sẽ chẳng biết khi nào dừng. Dường như chúng tôi cũng sợ không nhanh chân thì Venezia biến mất. Mặt nước dịu êm. Đám du thuyền rũ cờ thiếp ngủ. Trên đỉnh vòm cầu gồng lưng qua con lạch, dải bờ hữu lát đá phơi trước mắt chúng tôi lô xô sóng đầu người đen, vàng, nâu, hung ngọ nguậy.
Không mấy người Venezia chịu đày mình dưới nắng trưa rầm rập như biểu tình thế kia. Giờ này họ nương thân nơi hàng quán hoặc thảnh thơi ở nhà. Chỉ đám khách ngao du kiểu lướt sóng hoặc ít tiền hoặc thiếu thời gian cố kiết tận dụng cơ hội đi cho hết địa chỉ tư vấn như một thói quen phong trào. Mỗi điểm dừng chân mươi phút ngó quanh, chụp dăm kiểu ảnh rồi lại đùng đùng lôi nhau đi. Giữa đám hỗn mang ấy, mỗi cá thể cũng giống như bọt nước trên đầu sóng. A dua là căn bệnh dễ lây như cảm cúm. Bạn sẽ ăn uống, mua sắm, cười nói tương tự như ai đó bên cạnh mình. Người ta sợ dị biệt khi ở giữa đám đông hỗn độn…
Ngoảng lại, phút chốc bà lão tóc trắng biến mất vào đâu đó trên sóng người ùa ra từ các ngóc ngách.
Chúng tôi đang lang thang ở Via Garibaldi, góc sâu cùng của xóm bình dân Castello. Khoảng sân nhỏ Delfina, lớp vữa trát bong tróc lộ ra từng mảng tường gạch đỏ như tứa máu, cánh cửa gỗ mục rữa, hộp thư và chốt then cài hoen gỉ cứ như chiếc kim thời gian đã chết từ bao nhiêu thế kỷ. Những núm cửa đầu sư tử, chó sói, hoa cúc đúc bằng đồng nhuốm mồ hôi tay chưa che hết ánh dư quang quá khứ còn thoi thóp trên thớ gỗ sồi mòn mốc. Ánh thẳm Venezia mắt nhìn lạc đâu sau khung cửa sổ dây trường xuân buông rũ…
Lối qua lại, một tấm gia huy bằng đá trắng Istria nhưng đã sẫm màu bụi, điêu khắc công phu. Chính giữa khung dưới hình Thánh giá, nổi ba con cá heo được viền quanh bởi hai dây lá mềm mại và đối xứng mang kiến trúc gô-tích thế kỷ XV. Xa hơn chút nữa, khu giáo xứ San Francesco da Paula, trong hẻm rất nhỏ chiều ngang chỉ chừng một mét, âm u và tĩnh lặng, calle del Forn, số 2079, chúng tôi lặng đi rất lâu trước vẻ đẹp của tượng Đức Mẹ đồng trinh ôm ấu Chúa Jésus trong lòng đã bị mất tay. Bức tượng bằng gỗ được gắn vào tường, trong tình trạng hư hại đến xót lòng.
Bỗng từ đâu bà tóc trắng lại lù lù trước mặt. Bà cau mày nhìn chúng tôi. Lại ríu ran một hồi như chim hót. Chẳng phải là tiếng Ý, tiếng Pháp, hay tiếng Anh hoặc ngữ hệ Slavo. Phải chăng bà là phù thủy của người Digan đang sắp sửa giở chiêu trò nào đó.
Chúng tôi lắc đầu, cười gượng.
7. Một cặp người Pháp ngoại sáu mươi, ông chồng quấn sooc trắng, giày trắng, áo pull hồng, đeo chiếc túi LV rõ to lẽo đẽo chạy theo bà vợ môi đỏ chót, quầng mắt xanh dương, lượt thượt đồ màu kem, mái tóc giả phồng phềng theo nhịp bước cũng đang loanh quanh từ góc này đến góc khác…
Trước khi bị đám đông vây bủa, chúng tôi lại dấn theo bà già tóc trắng. Chiếc xe giỏ lọc xọc của bà nghiêng ngả trên đường đá. Bà đi về phía Bảo tàng Hàng hải rồi mất hút một cách khó hiểu. Trơ trọi, hai chúng tôi trước tòa nhà bốn tầng cũ mèm, hai chiếc mỏ neo sơn hắc ín đặt trước cửa, trên cao bức tường chính diện dòng chữ khiên tốn, đen rầm: Museo Storico Navale, gắn phù điêu đá trắng đầu sư tử cắm lá cờ Venezia.
Tôi rõ hơn tính cách chi li của người Ý không phô phang những điều mà ai cũng cần biết. Đã cần thì anh sẽ phải tìm đến. Khi đứng trước sân bay Marco Polo căng mắt tìm dòng chữ đó trên nóc tòa ga thì nó lại nấp ở mảng tường ngang tầm mắt bé tẹo. Ở Venezia không dễ tìm biển chỉ dẫn đến các địa chỉ nổi tiếng nếu cứ hếch mắt lên. Phải chịu khó nhìn xuống mặt đất thì sẽ thấy mũi tên chỉ những miếng dán màu các địa danh di tích, kể cả hai chữ WC mang đến phương án giải thoát.
Người Việt đã giễu thành phố Việt Trì có số nhà trên hai ngàn làm món để cười. Đến Venezia thì mới hay điều đó chẳng có gì khác thường. Số nhà mỗi khu phố có thể lên con số sáu bảy ngàn. Tính thực dụng của Ý có lẽ kịch trần nhân loại. Người ta in số nhà trực tiếp vào tường, chẳng nệ biển đồng, biển tráng men làm gì cho thêm phần tốn kém. Vậy mà qua bao năm năm tháng, số nhà vẫn hiện hữu, đủ để du khách có thể phân biệt dễ dàng….
Một thành phố chồi mọc giữa vùng nước đầm phá thì phải có đội thương thuyền và hải quân hùng hậu. Trước hết là để đi lại trong khu vực và chuyển vật liệu, vàng bạc khắp thế giới về tô điểm cho Venezia và chở hàng hóa của Venezia đi trao đổi. Hoạt động thương mại biển thì đương nhiên phải có lực lượng hải quân thiện chiến bảo đảm.
Người Venezia đã không bỏ sót một mẩu dây thừng hay một tấm ván của một con tàu cổ hay sự thay đổi cúc áo trang phục của hải quân hiện đại. Một mái chèo gãy đôi khi còn chứng bị kịch nhiều hơn một hải cảng, huống chi những con tàu từng đi vòng quanh thế giới hay những khẩu súng thần công gỉ sét. Tất cả đều được im lìm lưu giữ và trân trọng.
Vừa rời khỏ Museo Storico Navale rẽ vào con ngõ mươi bước chúng tôi lại đụng cặp Pháp đi tung tăng phía trước. Ánh sáng tình già đôi khi chói mắt nhưng vẫn khiến người ta cảm động. Đối chiếu bản đồ, nhìn bóng nắng, trực giác mách chúng tôi có thể lội bộ về bến S. Manuel.
Tôi lo ngại:
- Nhỡ bị lạc thì biết làm sao?
- Thì cứ ôm dọc theo dòng kênh hoặc một con ngách chạy ngang sẽ tới bờ kênh lớn. Chị khẳng định.
Vừa đi vừa xem bản đồ, suýt nữa thì Chị lại đụng vào bà già tóc trắng. Không thoát khỏi cái hấm hứ, bà lại xổ tiếp một tràng dài rồi ngúng nguẩy bỏ đi. Không hiểu bà bị chúng tôi ám hay bà ám chúng tôi nữa. Giao thông Venezia với người lạ rối như một đống rơm vừa rũ tung. Vậy mà chúng tôi cứ quanh quẩn đụng phải bà.
Khu phố mua sắm dành cho khách du lịch. Đồ hiệu lẫn đồ giả hiệu. Thủy tinh màu. Sổ sách đóng thủ công. Xưởng rèn đúc các núm cửa, tay nắm đồng. Bánh kẹo. Kem. Giày, dép. Mũ. Mặt nạ. Cửa hàng ăn. Cửa hàng mỹ phẩm, dược phẩm. Đặc biệt quá nhiều đồ da thủ công làm tại các xưởng ở Venezia. Các chủ cửa hàng lấp ló đa phần gương mặt người Hoa. Mẫu mã sản phẩm như đã gặp đâu đó.
Bạn có thể sà vào bất kỳ một cửa hàng, bới lộn sản phẩm, căn vặn tùy thích, xong buông tay đi sõng ra, người chủ chằng thay đổi nét mặt. Ghé quán sách thủ công của người chủ hói trán và cửa hàng sắt mỹ thuật mà cậu thanh niên đang cặm cụi nhấn nút hàn điện thì chúng tôi chỉ thấy nụ cười khi đến và đi.
Phía sau mỗi ngôi nhà ít nhất có một đến hai ô cửa thoát hiếm bịt lướt sắt khiến tôi nghĩ hỏa hoạn là một vấn nạn thường xuyên ở Venezia. Với không gian bị cắt, nén, ép khói lửa sẽ biến con người thành bầy chuột cống nếu thiếu những ô cửa cứu sinh kia. Đây đó nơi cửa nhà một vài tấm gỗ, kim loại nâng cao ngưỡng ngăn nước thủy triều, dù đã qua mùa lụt nhưng chủ nhà chẳng buồn tháo dỡ. Một hình ảnh cũng không xa lạ với cư dân Sài Gòn, Hà Nội.
Mệt nhoài, ngồi phịch xuống bậc ngôi nhà khóa cửa lại chạm nụ cười mê hồn của thiếu phụ trên tầng gác.Tiếng những chiếc phong linh binh bing điểm nhịp cho chiếc chong chóng màu sắc quay chuyển thời gian lật phật…
* * *
Nghệ thuật ferformance quằn quại trong chiếc lồng kính hình hộp, cô gái trẻ mâng quần bó chấm hoa loang, áo thụng đang biến mình thành con chim muốn cất cánh nhưng bị chặn lại bởi rào cản trong suốt, vô hình. Con chim tung cánh đụng trần, đụng góc lại rơi bịch về điểm xuất phát. Nó đau thương đưa mắt nhìn thế giới trong suốt nhưng không có cách gì vượt qua hộp kính. Bất lực. Khán giả thiếu niên vây quanh vỗ tay, khản giả già thì lắc đầu bí hiểm. Phải chăng người trẻ Ý vượt thoát khỏi xiềng xích quá khứ vinh quang của cha ông đang là một nan đề ?!
Cách mấy chục bước chân, trong hàng rào dây chăng, hai người thợ và một kiến trúc sư hướng dẫn đang bò xoài trước ngưỡng cửa shop mỹ phẩm để phục hồi lại mảnh đá cẩm thạch hồng bị vỡ to hơn bao diêm. Họ dùng máy thổi bụi, chổi lông, cồn cao độ lau sạch, quét thứ keo đặc biệt nào đó lên mảnh đá rồi ngồi chờ đợi…Gắn một miếng đá vỡ trên ngưỡng cửa mà họ làm như đang phục hồi chiếc bình gốm Trung Hoa đời Minh. Tôi giơ máy ảnh xin phép thì người kiến trúc sư đeo kính đen hiệu Prada lắc đầu lạnh lùng: Scusate ! (Xin lỗi )
Hiện tại Venzia là kẻ khốn khó sống trên vàng son mỹ tuyệt. Quá khứ vinh quang và kiêu hãnh nhưng cũng là gánh nặng tiền bạc trên vai người đóng thuế. Công trình kiến trúc mở cửa tham qua nào cũng thu vé, nhưng vẫn không quên trưng dòng chữ gợi lòng trắc ẩn của du khách mở ví thêm lấy nguồn trùng tu, bảo dưỡng. Người ta vẫn chưa thể hình dung được cần biết bao nghìn tỉ eruo và bao năm tháng để giữ gìn nhan sắc và sức khỏe Venezia hiện tại, chứ chưa nói gì đến phục nguyên những di sản kiến trúc của ông cha.
Bà già tóc trắng lại lấp ló sau cánh cửa. Hóa ra đây là lối thoát của con ngõ. Bà nói gì đó với kiến trúc sư đeo kính Prada. Bỗng nhiên ông ta cởi mở, tươi cười bảo tôi có thể chụp ảnh.
Chẳng biết phải cảm ơn ai, ông kiến trúc sư hay bà lão, thì chúng tôi đã thấy bà đang ngồi vắt vẻo bên cửa hàng kem đối diện. Một ly kem ngũ sắc như mây bồng trước mặt…khiêu khích.
(Còn tiếp)
[1] Giacomo Casanova (1725-1798), sinh tại Vénezia, từng là nghệ sĩ violon, nhà ảo thuật, nhà ngoại giao, nhà văn, người nổi tiếng phóng đãng của thành Venezia.
[2] “Câu chuyện đời tôi” (1789-1798) – Hồi ký của Giacomo Casanova.
[3] Giosuè Carducci (1835 - 1907) – nhà thơ Ý. Ông là người Ý đầu tiên đoạt giải thưởng Nobel năm 1906.