CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Ký sự

MÙA XUÂN CHẬM BƯỚC NORMANDIE - KỲ I

Thứ bẩy ngày 13 tháng 9 năm 2014 12:00 AM

1.Không ngờ Tôi gặp lại dòng Seine khi đến Rouen - thành phố trăm gác chuông, theo cách Victor Hugo từng gọi Normandie.Từ ngôi nhà, khu vườn, ao hoa súng làng Giverny cách vài mươi cây số, họa sĩ Claude Monet một thuở khụng khịnh đến ngắm vẽ nhà thờ lớn Notre-Dame chóp tháp kim loại vút vươn 150 mét.

Seine xanh nao trườn từ phía vách đá trắng xa cuốn phăm sóng bạc. Chị xanh xao trong gió lạnh sắc huyền trên cầu đối diện Nhà hát. Đăm chiêu tượng đài Pierre Corneille bước dạo giữa Paris thế kỷ 17. Mớ xung đột dục vọng cá nhân, nghĩa vụ công dân, danh dự và tình yêu hỗn mang cõi người hơn ba trăm năm cởi thắt trong vở “Le Cid” chưa gióng hồi kết dù ở nơi này hay bất cứ đâu, chỉ thay đổi sắc màu đạo diễn. Cuối tháng Năm mà mùa Hạ miền Bắc Pháp chưa thật về. Áo choàng mùa Thu thậm ánh rêu bạc khoác vai Xuân, Normandie bỗng tươi nắng thắm dùng dắng cùng Chị đợi tôi cất bước…

 

2.Nước Pháp trong tôi không thuần nỗi văn chương nghệ thuật mà là kết nối hệ lụy gia tộc nhào lộn lịch sử dân tộc. Dẫu trở đi hồi lại cũng chỉ để rọi thêm những khoảng sáng tối trong một đời người phải minh định. Bên bếp lửa mùa đông ủ trấu củi gộc thời hợp tác xã, Nội rùng mình trận càn lê-dương đạn đum đum xuyên tường đá ong, nhưng ngùi ngẫm nhắc những vần thơ La Fontaine được Nguyễn Văn Vĩnh chuyển ngữ Việt, hóa tàn tro giữa sân nhà thờ.

Paris, vầng quang mơ của những ai thiếu thời đọc văn học cổ điển. Tôi cũng chẳng ngoại lệ. Ít nhiều đã chứng Paris vàng son và rêu mốc, nhưng Paris chưa hẳn là nước Pháp. Nước Pháp còn là vùng, miền địa văn hóa mang gương mặt quý tộc chồng xếp nếp nhăn kiêu hãnh một cách bí hiểm và cố chấp không muốn hoặc không thể so sánh với Paris. Những vương công sở hữu cả tòa thành trầm tích dấu chiến trận với công trình kiến trúc: nhà thờ, nhà hát, tòa án, nhà tù, bảo tàng, ruộng đồng, rừng cây ngựa chạy chồn chân…Đầy thức ngon sạch, rượu lâu năm, mỹ nữ và các văn nhân dư tài đức ca ngợi miền đất văn hiến.

 

Normandie là một đặc thù như thế! Tôi không rõ điều gì đang đợi ở Normandie - Địa danh nghe Chị đọc lên mỗi âm vần êm thơm điều bí mật thì thầm gọi mở đêm xuân hay một sáng mai thu dịu thức sự mơ màng.

Nước sông Seine ở Rouen khác nước sông Seine ở Paris và Le Havre. Bên tôi là Chị vịn thành cầu ngắm bọt sóng. Bóng người sóng đôi ngả sóng. Ngược sóng phía vách núi trắng, hai bờ quai sông mở thoáng, tàu thuyền trắng mộng choàng dây níu cọc sắt thìu thịu ngủ, bất chợt gợi nhớ ảnh hình khúc quanh dòng Danube thành Vienne năm trước. Seine của Rouen trong lộng ton sur ton với trời Normandie thi thoảng mới hé sau quầng mây ẩm ướt dư vị những thôi mưa khí hậu đại dương, phiêu gió Tây, nhưng cũng đủ mềm lòng kẻ cứng dạ.  Khởi từ cao nguyên Langres, dịch chuyển đến Rouen thì dòng Seine đã ôm trọn Paris trong lòng khi trổ mình ra cảng biển Le Havre. Cũng như sông Hồng, sông Hương quê hương Việt, sông Seine khơi nguồn cảm hứng vô tận không những cho văn nhân nước Pháp mà cả những ai như đôi lần làm khách ghé thăm.

 

Đang mùa xén cây. Hàng cây dẻ vài chục năm tuổi, trụi trần vẻ xấu hổ giơ khung xương lòng khòng đứng nem nép trên hè. Vết cắt ứ nhựa, mầm chồi đã bật xanh, chẳng mấy ngày hè nữa, sắc xanh sẽ rợp rờn lòng phố. Tóc vàng mắt thiên thanh ai thắp nhan sắc sáng bên cây.

 

Có lẽ Rouen là điểm nhấn đô thị đa sắc nhất trung du Normandie. Nó mang vẻ đẹp u sầu muôn thuở nơi tỉnh lỵ nước Pháp, dù đã có những cây cầu mới vịn hai bờ Seine, những khu công nghiệp, những vòng xuyến ngã năm ngã bảy ngoại vi, lóa mắt xe hơi, xe tải siêu trường thì nó vẫn cứ là tỉnh lẻ trước Paris và cứ là phố thị của gã quý tộc nhà nông. Rộng rãi, phóng túng và chất phác, xuề xòa. Vắng, thưa. Ể oải…

 

3.Bữa trưa muộn của chúng tôi nơi quán 1’Horloge café khiến tôi ngỡ ngàng. Vẫn ấy cơ số tài chính như Paris nhưng trên đĩa miếng bít-tết nóng hổi sủi mỡ căng nở như cả khúc bánh baguette, khoai tây chiên ngộn vàng chỉ chực lăn xuống khăn trải bàn. Nước sốt thấm tròn vị ánh sắc màu với cà chua bi, xà lách xoăn và chiếc ly chứa đến một phần tư lít vang đỏ, tất cả mọi thức bày hân hoan khẳng định trọng lượng gấp đôi chúng bạn ở Paris.

Sự chênh lệch lượng, chất đơn vị thức ăn giữa Paris và Rouen cũng tương tự nếu đối chứng Hà Nội với Việt Trì. Ngon, rẻ, nhưng người Paris không kỳ cục vượt hơn 120 km đến Rouen thưởng thức. Yếu tố địa văn hóa chi phối lối sống chứ chưa hẳn là ở Paris hay Hà Nội người ta cấu lãi suất cao hơn.

Bàn bên, hai ông lão chơi đố ô chữ, uống say, chốc chốc lại nhao với sang chúng tôi hết “Bonjour”  lại” Merci”. Ô la la…Rouen! Paris khác, khi uống say giới cống rãnh cũng lừ đừ như một ông hoàng.

 

Tản bộ vòng vèo các con ngõ đá, hai mặt cửa hiệu phơi bày dấu trung cổ, ôm giữ những quầy bán sách cũ, bàn ghế, valise, rương hòm, thảm cũ, những lối cầu thang hẹp lên những căn phòng chênh vênh trên cao. Chỉ tiếng bước chân chúng tôi vọng lại với chúng tôi. Khách mà như chủ nhân. Chủ nhân không nhà. Bàn ghế giăng khép kín sát lối đi. Nến nguyên đầu bấc. Menu buổi tối chưa được mang ra. Thảng hoặc đụng cụ già đội mũ rộng vành dắt chó, bác đưa thư báo đạp xe, anh da màu trán hói, râu dê giao bánh mì,  đặt chai sữa, ông già Tàu cõm cõi bán bút lông, cậu phó mộc đeo tạp dề cao-su ngồi sửa đồ nội thất cũ trong cửa hàng đồ cổ ngáp dài…

Họ đặt cái nhìn thờ ơ lên chúng tôi.

Cửa hàng của hãng túi xách lâu đời Lancel trong tòa nhà cổ, trưng biển solde mười lăm phần trăm mỗi sản phẩm. Đây là thương hiệu dành cho giới trung lưu Pháp, đẹp, tinh tế, bền, tính thời trang ổn định, giá không quá đắt. Viên chức bản địa lương trói tròn, không phải ai cũng dư vài trăm euros một năm dành cho thú vui xa xỉ. Vốn mê loại túi đeo không long trọng, tôi hăm hở vào cửa hàng. Quả nhiên mãn nhãn những thứ mình thích…Hết nâng lên lại đặt xuống.

Chị đang ngây người trước cửa hàng liền kề bày bộn các loại “độc dược” sưu tập kính mát hãng tên tuổi. Một anh chàng trẻ tuổi tinh quái chuyên la cà cửa hàng cửa hiệu thời trang trên Paris cuối mỗi mùa giảm giá, mua những sản phẩm đơn chiếc mang tính nghệ thuật cao, cất trong kho, vài năm sau mới mang ra bán. Đỗ Phấn từng souvenir tôi chiếc kính John Richmond gọng titan, mắt xanh ngọc, khiến bao tay chơi xoa xuýt. Lâu nay, tôi muốn tìm một cái tương tự cho nó có đôi mà chưa thấy. Ở Paris Chị truy tầm đã lâu mà cũng không ra. Nay nó bỗng hiện lù lù trước mắt ở Rouen. Không phải John mà là Randolph…

Tay trai trẻ râu bắp cười hiền, trịnh trọng đưa chiếc kính tôi xem, ngay khi tôi chiếu ánh nhìn vào nó.

- Ông sẽ mua nó. Tôi biết. Chưa ai vào đây mà ra tay không cả. Khuôn mặt ông sẽ hứng khởi với chiếc kính này.

Ngoắc gọng lên, vừa nhìn vào gương, tôi đã mềm lòng.

Ngỡ sẽ bị khứa không thương xót, nhưng chàng râu bắp tố cái ngưỡng vô cùng dễ chịu. Tôi không tin giá cho đồ hiệu. Dường đã quen với điều đó, chàng ta bí hiểm:

- Tôi có đầu vào hợp lý. Có lãi rồi. Tôi kinh doanh niềm vui của khách hàng mà!

Chần chừ gì mà không đeo kính mới. 

Tiếng chuông nhà thờ Notre-Dame rền rền trút thác âm thanh óng vàng lấp mọi khoảng trống Rouen khiến cho nhịp ngực đập cũng nảy nao, ngơ ngác. Chúng tôi ngẩng lên trời tìm sự mặc khải nào đó của Chúa. Bầy chim câu vẫn đậu bình yên trên trăm chóp chuông cao mơ màng. Phải chăng, ở quá gần Chúa, bầy chim không còn nghe thấy tiếng Ngài?

 

Cửa quán cuối ngõ đá bỗng hé. Nữ chủ, tựa khúc cây khô, mặt sần, giày thể thao, ống quần hoa tím buộc túm, áo len xám, nồng men dang tay kéo mời chúng tôi vào cụng ly. Một quán bar tam giác tối sẫm. Trần, xà gỗ lủng lẳng đính, treo những ly những cốc sắc màu, sứt sẹo. Khói thuốc lá quánh cay. Chiếc bình cao ngỏng như con thiên nga xám, bọt bia sùi nơi mỏ…Không gian dành cho những kẻ tâm giao. Dân chủ và bình dân.

Bia tươi Ruoen nhất đẳng. Ngồi chiếc ghế cao chân cạnh quầy bar, tôi đợi. Bà chủ quán sục rửa hai chiếc ly trong vòi áp lực. Lau khô, trong veo rồi mới ghé mỏ thiên nga, xả bia. Chà, vàng óng như mật ong thuốc phiện lên men, bọt xốp mịn ngậy, chua nhưng thanh, đắng mềm và dịu, ngọt dài, thơm dính chân râu. Bia thấm ngay vào từng tế bào chứ không óc ách đâu đó. Nhoảng việc Hà Nội, tôi hay gặp Nguyễn Chí Hoan, Đỗ Phấn, hẹn bia cỏ Hàm Long, Ngọc Hà mỗi khi nản rượu. Giá lúc này có hai cạ ấy thêm ông Nguyễn Việt Hà duyên chuyện nữa thì tỉnh lỵ Rouen thành Paris thêm vào một Hà Nội. Hình như Hoan đang mím môi chép miệng trầm tư khi đụng miệng cốc thủy tinh sóng bia. Phấn tợp bia ngậm chút chút lắng nghe rồi mới nuốt. Hà vê vỏ lạc thả gió, uống một ngụm lại dằn cốc một lần, ề à : Chuyện dzư thế này…

 

Bia ngon nhường này, chuyện tươi chuyện cũ thì chẳng biết lúc nào tàn cuộc?

Bà quán níu lấy hai chúng tôi. Say. Một con nghiện chuyên nghiệp. Nhiễm độc thần kinh khiến cơ thể còm cõi của bà luôn rung rung giật giật như hội chứng parkinson. Nhìn máy ảnh tôi đeo, bà đưa ba ngón tay lên:

- Rouen…ồ...Rouen…có tuyệt không các bạn… ?

 

Vâng, tôi đâ thấy người ta bàn luận dưới mái nhà lợp đá ác-đoa, tường gạch đường Alsace Lorraine, hay khung nhà gỗ sồi khu Tòa án, trước đồng hồ văn thiên văn Gros-Horloge một kim hay trong bảo tàng nghệ thuật (Musée des Beaux-Arts de Rouen) dựng lên từ hố chôn nạn nhân dịch hạch. Giữa quảng trường Vieux Marché - nơi lập giàn thiêu sống thánh Jeanne d’Arc năm 1431 là Đài tưởng niệm bà với chiếc Thánh giá trên đỉnh cột buồn của ngôi nhà  hình con tàu lật ngược. Người Rouen nói Rouen là thành phố nghệ thuật và lịch sử. Nếu anh chưa tin những gì mình thấy hẳn sẽ được nhắc thêm văn hào Gustave Flaubert - chủ nhân của Madame Bovary diễm tuyệt, vận động viên xe đạp Jaques Anquetil năm lần quán quân Tour de France…

 

 4. Mưa Rouen. Cơn thưa, hạt nặng. Dường như đếm được từng hạt nước trời va đập cơ thể. Thịt da nóng. Hạt rơi lạnh.Chúng tôi rời Rouen về trang trại một người bạn thuộc vùng hạ Normandie.  Mặt trời tỏa sáng sau màn sa mù ửng hồng choàng vội mái phố bám sườn đồi dốc. Mưa cơn ẩm ướt của đại dương gây khó chịu cho người nhưng bổ dưỡng đồng cỏ và hoa trái miền trung du tươi nhuần, phủ chiếc áo trù phú lên Normandie. Đường nhoáng trơn. Thứ đá xám, cứng lỳ, vuông, chữ nhật, gây khó gót giày của Chị và bánh xe valise còng cọc tôi gồng tay kéo. Cơn mưa đầu tiên tôi muốn gặp trên đất Pháp đáng lẽ nên ở Paris, vì đã trót hình dung gặp mưa Paris trên sông Seine cho đủ mộng mị. Ghé Paris mươi lần, nhưng tôi chưa có duyên mưa. Nay gặp mưa tỉnh lỵ Rouen cũng lạ và hức náo, mơ hồ như là bâng khuâng trút khỏi lồng ngực cho vợi bớt hồi hộp…

 

Trong mưa con người thu mình lại để nhớ những cơn mưa.

Mưa tỉnh lỵ Phú Thọ thì xối bào sỏi đỏ để tương đồng với cơn nắng cay nghiệt bong vảy da trâu. Mưa Hà Nội con phố thành sông nổi nênh lá rụng. Ngồi co chân yên xe máy chờ nước rút…

Chị vào văn phòng hãng Herzt hoàn thiện giấy tờ thuê xe. Hai năm trước, chúng tôi từng thuê chiếc Renault Twingo hai cửa xanh mộng của họ. Ngồi quán café đợi Chị, lơ đãng tôi ngắm vòm trần ga Rouen trĩu thêm dưới lớp kính sôi mưa. Khung chịu lực mái vòm phức hợp cát, sỏi, xi-măng, thép cốt mà các đường nét trang trí gợi đến những khối gỗ được chạm tỉa hoặc sắt đúc khuôn mềm mại. Cũng vòm trần ga tỉnh lẻ, nhưng ga Dijon cửa ngõ miền Bourgogne hoa rượu năm xưa đâu được vẻ quyến rũ thế. Trần ga Việt Trì thì phẳng đừ mặt bê-tông mấy chục mét vuông quét vôi, thi thoảng rơi rụng.

Mười một giờ mười lăm. Cạn ly bia.

Mưa dốc ống máng ồng ộc. Mưa loằng ngoằng vẽ lối mặt kính. Người ta có thể bỏ cả đời để chờ đợi một chuyến đi. Và bất kỳ chuyến đi lớn bé thì người ta cũng luôn phải biết chờ đợi ở giữa những khoảng trống ở những bến những ga nào đó đầy rẫy những rủi ro ẩn rình bùng vỡ. Bề mặt bình yên của thế giới đủ khỏa lấp bị kịch nội tại khiến ta ảo tưởng rằng mọi điều vẫn tốt đẹp. Thiên hạ đua nhau đi tìm những điều tốt đẹp đó ở bên ngoài mình…

Chiếc xe Fiat 500, nóc trắng thân xám, nằm ô chuồng 53, tầng 3 sẽ đồng hành đưa chúng tôi về trang trại người bạn. Chị sững bước, bỗng ngần ngại. Hừ, phối màu chiếc xe chẳng khác chiếc hòm tiễn đưa người chết. Chùm chìa khóa trên tay Chị buột rơi xuống hố ga thoạt mưa. May mà tấm gang chắn không quá nặng, nên tôi có thể lật lên lấy lại chìa khóa không mấy thách thức.

Bặm môi, bấm nút chìa khóa điều khiển, đèn pha nháy nháy như giễu cợt buộc nghe lời Chị. Chốt cửa mở. Cảm giác bất an nào đó đã chi phố cả tôi và Chị cùng lúc nhìn con số 53. Chiếc xe lầm lì như một bố già Ý tròn vo, trán hói giương đôi mắt xếch thách đố. 

Lẳng lặng để hành lý sang bên, tôi chờ Chị lên kiểm tra làm quen xe. Xoay xỏa trong ca-bin, gắn GPS lên kính trái. Soi gương. Sửa tóc. Xoay chìa khóa. Máy nổ khậm khừ. Chị vừa chạm cần lái, Fiat 500 đã giật mình lùi khực. Hú vía. May chưa đụng tường. Lắc đầu. Sự bất an trong tôi dấy thành lo ngại. Tôi muốn Chị nên đổi chiếc xe khác. Tôi chưa bao giờ cảm tình với xe Ý, dù đó là Ferrari hay Lamborghini.

Chị không có lựa chọn nào khác là phải chinh phục Fiat 500. Lời cản lúc này của tôi dù có tránh được dự cảm đen tối thì cũng không ngăn nổi Chị. Chúng tôi chất hành lý lên khoang. Trình tự chuyển bánh diễn tiến chậm chạp khiến ngực tôi cứ trĩu nặng. Fiat 500 vừa bò ra khỏi chuồng thì bị chiếc Citroen đi lạc suýt tông ngược trở lại. Cả hai xe đều quên bật đèn.

Chị gạt mồ hôi trán:

- Hôm nay thế nào ấy nhỉ?

Trườn qua sàn, xe leo hẻm dốc xoáy vòng để lên mặt đường. Vách dốc xoáy sơn đen, dựng ngược. Ngồi trong xe không thể thấy mặt đường nên phải căn hai bên lái đồng đều một cách chính xác mới không đụng tường. Cài số 1, Chị tự tin nhấn ga vọt phốc. Chiếc xe khự lại như bị ma làm. Đạp phanh chân. Kéo phanh tay.  Chiếc xe nhúc nhích vài bước hoa lốp rồi ì ra. Tiếng máy bỗng gầm lên, mùi khét thum thủm thấm lọt vào khoang. Chiếc xe nghiêng về phía phụ. Nhanh nhẩu tôi kéo giúp Chị chiếc phanh tay. Tôi không thể thoát ra vì cánh cửa áp sát tường. Và Chị bỗng không làm chủ được chiếc xe. Rõ ràng là máy có vấn đề. Tôi đành ngồi im giữ tay phanh, nhắc Chị quay lại hầm xe nhờ người quản lý trợ giúp.

Người quản lý rực màu cam huỳnh huỵch trèo vào vặn khóa, đạp thốc ga. Tôi nghiêng ngả như bao tải khoai tây bên cạnh. Phút chốc Fiat nằm thở trên mặt sàn. Chàng nháy mắt:

-  Nó không được lịch sự cho lắm với phụ nữ nhỉ?

Mưa ngớt. Gió bớt. Lục tục lên xe. Chẳng chút hào hứng. Chị nhắc tôi cài dây an toàn. Fiat 500 hành tiến nhùng nhằng. Đường phố xe cắn đuôi nhau. Không nhanh nhập vào làn đường của mình thì phía sau xe sẽ dồn ứ. Chị đăm chiêu. Động cơ chợt lịm như bị nghẽn khí khặc khừ bò đến ngã tư đèn đỏ giữa chừng dốc. Vê côn, nuôi ga, Fiat rùng rình đứng yên. Đèn xanh. Nhả côn, Fiat lắc lư tiến. Đoạn đường thẳng. Ga thốc vút. Mùi khét của kim loại cháy trộn mắm tôm phảng phất ca-bin. Chun mũi, Chị nhắc tôi xem đế giày, liệu vô tình mang theo bã thải của chó.

Bỗng chiếc BMW đỏ phía sau vượt lên. Gã thanh niên cầm lái chỉ chỉ vào đầu xe chúng tôi. Nghểnh nhìn, tôi ú ớ. Khói trắng đùn đùn bên dưới nắp ca-pô như hun đống rấm. Mắt Chị vốn to tròn, bỗng ngơ ngác, bất động. Vừa tới ngã ba không đèn tín hiệu trên đỉnh dốc. Láng xe vào cổng biệt thự vắng, nhanh như một chiến binh, bật chốt cửa, Chị đẩy tôi xuống xe, đồng thời mở nắp cốp, ném hành lý xuống đất.Tôi kịp thời đón lấy. Cả hai khệ nệ bê vác chạy sang bên kia đường. Mưa rườn rượt gieo cơn. Xung quanh không hòng tìm khoảng balcon che. Nhìn phía nào cũng tường nhà thẳng đựng, cửa sổ thụt vào trong, trơ trọi bờ rào đá, bờ rào cây vút lên. Tự do mà chịu trận đi. Mưa luồn lạnh chậm rãi. Khói trắng ngùn ngụt tuôn xú khí, chiếc xe như sắp bùng lửa, phát nổ. Hình ảnh ôtô xe máy xứ Việt đang vận hành thi thoảng cháy rụi tưởng xa vời giờ hiện thực với tôi nơi đất Pháp.

Chị gọi văn phòng hãng Herzt thông báo sự cố. Giữa trưa điện thoại reo suông. Hai tiếng nữa họ mới làm việc. Chúng tôi ngồi bên đống valise, kông dám chui vào xe nhưng cũng không thể bỏ xe giữa đường, dù xe mới rời gara chưa đầy 2 ngàn mét. Mặt bệch. Xệch xoạc. Vọ vẹo và run rẩy.  

Chị nắm bàn tay tôi như trấn an:

- Mọi việc rồi sẽ ổn. 

Tôi cố cười:

- Chiếc xe đâu đã nổ tung. Chúng ta đang ở Rouen chứ không phải nơi rừng vắng…

- Hãng Herzt phải có trách nhiệm đổi cho ta xe khác.

- Hay chúng ta dừng chuyến đi?

Điện thoại bỗng réo rắt. Người bạn chủ trang trại ngóng, hỏi Chị mấy giờ xuất hành. Chị khẳng định trước 16h00 chiều chúng tôi sẽ có mặt ở trang trại, dù lúc này đang gặp chút rắc rối. Thuộc giới tính thứ ba, ông chủ trang trại vốn là đồng nghiệp cũ của Chị, nay thất nghiệp, nhận tiền bồi thường cùng bạn tình là ông kỹ sư dầu lửa về Bonneville mua đất lập trang trại, điền viên. Niềm vui của họ là tự xây nhà, chăn thả, săn bắn trồng hoa và chăm chút thay đổi không gian sống. Thi thoảng họ nài kéo bạn về nhà, thỏa mãn phần nào đó bên trong thiếu hụt… 

Mưa ngớt thì Chị cũng liên lạc được với đơn vị cứu hộ.

Nổ máy Fiat 500, chuyên viên cứu hộ mũi sần khắng định động cơ không vấn đề. Nó vẫn bảo đảm vận hành. Ông bà có thể lên chạy thử cùng tôi.

Chị lắc đầu:

- Tôi không hứng điều khiển động cơ cài bom! Vả lại ai có thể ngồi trong ca-bin nồng nặc mùi phô mai trứ danh Roquefort !

Có lẽ cái mũi sần không phát hiện vấn đề, chuyên viên cứu hộ vội vàng gí sát mặt vào lốc máy hít hà. Ngay lập tức, gương mặt trĩu nặng, ông ta giơ ngón tay lên trời thừa nhận. Ngó đống valise và bộ dạng căng thẳng rệu rã của chúng tôi, ông dịu giọng:

- Lên xe kéo cả đi. Tôi giúp các vị đến cửa ga.

Xe cứu hộ dừng trước cửa ga. Chị ký vào biên bản ông mũi sần đưa, Fiat 500 được kéo thẳng đến gara sửa chữa.

Mất thêm ba mươi phút, chiếc Peugeot 208 xám bạc thay thế mới được hãng Herzt bàn giao hầu hạ chúng tôi. Vừa thấy nó trên tầng thượng, Chị  như gặp tâm giao cũ, âu yếm vuốt ca-pô. Thì ra ba năm trời học lái kể trong phóng sự nào đó, Chị cậy cả vào dòng Peugeot. Chưa kể một năm sau khi lấy bằng, Chị cũng mua Peugeot cũ để tập đâm va…

 

5.Sau cơn mưa, ngoại biên Rouen ùn ùn sa mù. Thứ sa mù cận biển, lửng lơ như vẩn bột mỳ vương khói. Bỡ ngỡ, Peugeot 208 nhập vào cao tốc A13 bốn làn trực chỉ Caen và Le Havre. Tốc độ cho phép từ 90 km/h đến 130 km/h.

Hạ tầng giao thông Pháp khá hoàn chỉnh so với nhiều nước phát triển. Vậy mà người Pháp chưa có ý nghĩ dừng bước trong kỹ nghệ chinh phục khoảng cách. Không vô cớ TGV và Concorde sản sinh ở đất nước hình lục lăng. Và mọi ngả đường đến châu Âu, chẳng ai dại gì mà không qua Paris cho thuận tiện.

 

Quan sát hệ thống bảo đảm an toàn và biển hiệu chỉ dẫn giao thông trên một ki-lô-mét đường, tôi hiểu chúng ngốn một lượng không nhỏ trong tổng phí đầu tư. Ngàn ngàn động cơ gầm gào,triệu triệu chiếc lốp ghì miết mặt đường tạo thành xoáy lốc âm của phi đội máy bay phản lực tăng tốc. Cơn thôi miên âm thanh và tốc độ. Đêm. Ngày. Chợn rợn, tôi níu tay vịn, lần lần xem lại dây bảo hiểm cài đã chuẩn. Một tích tắc lạc tay lái là số phận bị cắt ngang. Chị bỗng thành nữ chiến binh trên tuấn mã Peugeot 208. Nghiêm thẳng, hai tay linh hoạt điều chuyển giữa vô-lăng và cần số. Những ngón tay xanh xao, quyết liệt. Cặp kính đen tương phản gương mặt trắng sứ. Tôi hóa chú bé quá giang, biết thân biết phận. Peugeot 208 vút, miết thẳng đường chân trời. Phiêu. Ớn lạnh sống lưng. Tê chót ngón. 

Vượt mỗi vòng xuyến, cắt hộp số khỏi động cơ, khoảng hẫng gia tốc ấn cơ thể xuống ghế đầy đe dọa. Tôi không dám nhìn những luồng xe đối diện vùn vụt tiến tưởng sắp cắt sườn. Mỗi lần như thế, tôi thầm kêu van Thánh bổn mạng của mình, xin ngài liếc mắt chở che. Địa mạo trung du Normandie gập ghềnh đồi thấp lăm răm trái cải dầu xanh đen bắt đầu trĩu hạt chen đồi cao trồng táo giăng hàng hoa trắng bung cánh bay lẩn rừng cây già, cây non và rẻo bình nguyên vừa cày ải ngái nâu với mần hạt hướng dương cắm rễ hiện trong tầm thị giác. Bò cừu núng nính, giữa đồng cỏ trong rào dây gai…

 

Qua trạm thu phí tự động, GPS nhắc hướng rẽ vào hệ thống giao thông liên hạt. Đường Bonneville, nhà ông Bonnneville số 986. Con đường xuyên qua giấc mơ hoa lá. Mặt đường ngon mềm như dải chocolate đen thỏm vừa một thân xe. Chiếc Peugeot 208 trong tay Chị bỗng hiền như chú cún con. Chị đang lái xe bằng ý nghĩ thì phải. Zích-zắc lên đồi ngoặt chúi xuống lũng rọc rạch khe nước, bẻ quành gốc cây, vọt ngược đỉnh đồi, lượn sát tường chuồng ngựa cũ, luồn qua những vòm cây nức hoa trắng, rực hoa vàng, lan man hoa tím. Hạ kính, gió tươi ùa nức khoang xe. Bông bênh.Thênh thênh. Lướt. Lươt. Trôi…trôi… trên mây nắng, với tay là hái được hoa, vuốt được lá… Chỉ đến lúc gặp xe ngược chiều chúng tôi mới giật mình tỉnh mộng.

 

Đụng mấy lần toàn râu hùm hàm én, ai cũng vui vẻ giật cài số R lấy lòng tay lái nữ xính đẹp. Một hai kẻ còn tỏ tị hiềm với gã đàn ông châu Á ngồi bên. Lúc ấy, tôi ước ao mình cầm lái. Nhưng giấy phép lái xe Việt của tôi đâu được Bộ giao thông Pháp công nhận. Toàn cầu hóa trong thế giới phẳng, khổ tâm làm sao khi hệ thống của mình lại thụt hẳn xuống. Thể diện quốc gia đôi khi chỉ là chuyện của một cá nhân như tôi lúc này.


Chia sẻ trên Facebook