6. Đã đêm. Chín giờ. Nắng Normandie còn óng bên kia đồi. Nhưng mưa vẫn giăng phía biển Manche nước Anh.Trời hấp tấp hé lộ chút mảng xanh ngẩn ngơ. Chim rẻ quạt luồn cành u ơ hót trong cơn ngái ngủ.Tôi ngồi bên lò sưởi chọc than. Củi thông, củi sồi đua nhau tí tách nổ hoa lửa. Ống khói o o tiếng dế ngáy gọi bạn. Một nửa trái đất đang mơ màng. Bếp lá khô tuổi thơ nhặt bỏng thóc sót bỗng ảo quang hiện hình. Liu riu bếp Mẹ chong đêm hàn chờ tôi đi trận bất chợt về gõ cửa. Bếp Nội tro than trấu trộn ngụ ngôn La-Phông-Ten. Lửa lò Normandie cho tôi ngoảnh nhìn bao nhiêu ngọn lửa thắp qua cuộc đời. Có ngọn lửa nhóm một lần cháy mãi và cả ngọn lửa thắp đến tận giờ chẳng chịu ấm sáng bao lăm…
Hơi ấm râm ran lan tỏa xua đi giá lạnh chậm chạp cuối mùa xuân. Chạm tay lên đi-văng không còn giật mình vì lạnh. Ngoài cửa khóm hồng vàng nép sát kính như hút thêm hơi ấm cho những bông hoa. Vài cuốn tạp chí, báo mới hăng mực in, «Ruồi là ruồi» của Đỗ Phấn còn chương cuối, tất cả lộn xộn trên bàn. Tách café uống dở. Nana Mouskouri thiết tha L"amour c’est pour rien”. Giỏ đan cành sơn liễu đầy lặc củi. Chẳng biết đêm nay vắn dài mấy độ.
Hình như lửa nồng, mùi gỗ cháy thơm ngái làm nền vị bữa tối hoàn thành từ bàn tay xanh gầy của Chị chỉ là một giấc mơ. Bát đĩa, dao nĩa như còn lách cách. Chảo gang nung nóng chờ bơ sôi. Thăn bò tươi Normandie cho món bít-tết. Tim, mề gà xào trộn củ cải đỏ, bông cải xanh. Bánh mì mới cắt. Thêm pa-tê, thịt hun khói, đậu luộc. Vang Médoc 2012. Tôi ngơ ngơ say. Muốn ứa nước mắt. Muốn nhảy trên thảm cỏ giá lạnh hét to. Chị mỉm cười lắc đầu… Nụ cười ngẩn sáng.
Trên gác, tiếng Nana Mouskouri chợt lặng. Vòi nước nhà tắm xả. Bước chân Chị khẽ chuyển dịch trên thảm. Chậm rãi, hương nước hoa ban đêm buồn dịu. Nước Pháp bao nhiêu loài hoa khoe sắc. Giữa cánh đồng hoa cũng chẳng thấy buông hương tự nhiên. Có lẽ, hương của những bông hoa đã thuộc về những người đàn bà của chúng. Bàn phím gõ lách cách bền bỉ. Tin Viber tíu tíu reo. Bỏ thêm củi vào lò, trên gác hẳn lạnh hơn dưới này. Cả ngày Chị đánh vật với chiếc xe. Tôi không đỡ nổi việc gì giúp Chị. Ngồi im hay ngủ gật chưa bao giờ là một ý hay. Huyên thuyên thì lại khiến lái xe phân tán. Chuyện góp thì dễ bị coi vô duyên… ngốc ngếch.
Cánh cửa gỗ trên gác khép lại. Bậc cầu thang sẫm tối.
Tôi vớ áo choàng, mở cửa bước ra ngoài sân sỏi. Tôi đối diện mình và đối diện với mênh mang hương đêm Normandie. Bước chân đưa tôi ra đầu dốc lúc chiều lưỡng lự giữa ngã ba. Mũi tên GPS lúc đó đã chỉ hướng leo đồi. Lá hoa hai bên hàng rào lả xuống nóc xe, vờn cửa kính. Tầm mắt ngăn chia bởi sắc độ màu xanh vườn đồi. Chỉ có hơi thở chúng tôi chen lẫn giữa tiếng động cơ rì rì và bánh xe xào xạo đè sỏi bị gió vô tình cuốn đi.
Vòng vo rồi xe cũng rẽ vào ngõ nhà ông bạn Bonneville đường Bonneville. Chị đỗ chiếc Peugeot 208 song song với chiếc Peugeot 308 của chủ nhà trong sân. Trang trại ngự nơi sườn đồi cao hướng xuống lũng um cây xanh. Đối diện đồi bên kia, một trang trại khác, ống khói đang tỏa khói đen. Chắc là bếp mới nhóm. Cái ao đang đào dở, sỏi cuội bới lên tung tóe. Thảm cỏ như vừa được thợ cắt tóc trên Paris xén tỉa. Đàn bò năm con đang ngếch mõm lên bờ rào nhai lại. Con chó Nhật chạy nhắng. Hai căn nhà truyền thống biệt lập. Ngôi dành cho khách ngay đầu cổng, gara trống, đặt máy cày Kubota mini. Củi sưởi chất cao chạm nóc tầng hầm. Ngôi nhà chính ở cuối con đường sỏi, dưới thấp. Cây sồi cổ thụ đã được đốn tỉa cành nhánh, quanh thân đeo lủng lẳng những giỏ hoa hồng hớn hở…
Quý ông Bonnneville dáng thẳng, quần áo bò, tóc vuốt keo dựng ngược như trai trẻ, mặt mịn màng kem dưỡng da vồn vã hít má hỏi chào. Động thái đầu tiên là ông lùi giúp chiếc xe của khách lên dốc đặt yên vị trong gara. Rồi trao chìa khóa, hướng dẫn sử dụng tiện nghi trong nhà. Ông nhấn mạnh rằng chiếc lò sưởi Hà Lan sẽ réo u u khi ăn đủ nhiệt, không cần tiết kiệm làm gì. Củi sẵn cả cánh rừng. Và dặn thêm: chợ Carrefour mở đến 10 đêm, cách đây 3 km. Nhé.
Mưa đêm lất phất mát chân tóc. Những con bò đi lạc lục tục về chuồng. Vọng dưới ao đào dở, ễnh ương, ếch đua nhau khoe giọng. Ánh đèn pha xuyên qua bờ rào cây cao, ông Bonneville về muộn. Đằng sau Peugeot 308 là thùng xe kéo ngất ngưởng củi mới cắt. Hai người đàn ông xuống xe. Người đàn ông chemise đỏ nũng nịu chìa má cho ông Bonneville. Tay cầm khẩu súng săn, lại khoác túi nhưng chàng Bonneville đào hoa vẫn tình tứ kéo người tình vào lòng. Một cơn gió lạnh, đôi tình nhân rùng mình. Tôi ngỡ mình sẽ ngạc nhiên, hóa cũng thấy thường, có gì đặc biệt đâu họ cũng chỉ là hai con người, đang đắm đuối yêu…
Phong phanh trong đêm Normandie tôi bỗng thấm hết giá lạnh, cô đơn của kẻ một khi dưới chân mình không phải là đất quê hương. Ở nơi này, nếu lỡ bị xúc phạm, ngoài sự tê tái cá nhân, ta còn phải gánh đỡ thêm niềm kiêu hãnh của cả dân tộc.
Lúc chiều, nhận chìa khóa từ ông bạn để mở cửa ngôi nhà, tự nhiên tôi muốn ngồi xuống thềm gạch đỏ óng. Ngôi nhà hình như đã nhận ra tôi. Chúng tôi đã biết nhau qua những tấm ảnh ông chủ trang trại gửi. Và đêm nay mình tôi đối thoại với ngôi nhà, bâng khuâng trước bức tường dứng gỗ sồi nâu dầu dãi, chèn vữa vôi cát. Những cửa sổ trổ trên tầng áp mái thập thò, nhìn hé. Mái đá đen bắt đèn loang sáng. Cảm giác thương thương, quen thuộc ran da thịt, khí tươi thanhvà cỏ cây xanh thấm mềm. Dường như tôi đã thuộc về nơi này trong ký ức văn chương học trò.Thân phận tôi đã rơi từ trời sao xuống nơi này từ kiếp trước. Có thể tôi đã bước ra từ“Những vì sao” của Alphonse Daudet để cùng Chị“Đi tìm thời gian đã mất”với Marcel Proust…
7. Lẵng nhẵng theo sau Chị dạochợ Carrefour, tôi bỗng đụng quầy sách bày chắn giữa đường đi.Cũng chẳng khác gì quầy sách ở Hà Nội hay Sài Gòn. Vẫn Macr Levy, Michel Bussi, Danielle Steel hay tiểu sử Poutine bày lẫn CD ca nhạc và trò chơi điện tử. Hình như chúng đã yên vị lâu lắm.Cuốn thì ngả vàng, cuốn phủ bụi. Hành khách trên xe điện ngầm Paris năm nay thi thoảng mới thấy người đọc sách. Lượng người đọc sách khi di chuyển trên metro mỗi năm hình như lại thưa vắng hơn năm trước. Ngó toa nào cũng chỉ thấy thêm người ngủ gật, người say rượu.
Khách hàng tiềm năng là cô bé ôm bó hoa hồng bọc giấy kính hồng, tóc mướt chùm lúa mì chín, mắt nâu trong veo đang chờ mẹ mua cho tập truyện tranh… Có lẽ hôm nay là ngày sinh nhật bé. Tôi giơ máy ảnh, bé tặng chúng tôi nụ cười của thiên thần.
Ừ, rượu. Normandie là xứ rượu táo calvados lừng danh thế giới. Rượu mang tên vùng đất. Chẳng lẽ đến tận đây lại bỏ qua hương vị calvados. Soi khu vực bày bia rượu hồi lâu không thấy bày bán calvados, Chị hỏi người đàn ông cao lớn, bụng vổng, chòm râu vểnh vừa bước vào quầy thực phẩm. Tức thì ông ta nhún vai, cười rủm rỉm:
- Ô là, hơi xa đấy. Người như cô thì chớ mua thứ rượu đó ở đây. Loại rượu xứng đáng nhất dành cho cô ở bên kia kìa…
Bên kia đường, đối diện Carrefour, dưới màn mưa bụi cuối ngày, dãy nhà xưởng ngất ngưởng, xám, ống khói tuôn trắng xóa. Tôi bỗng nhận ra không khí thoảng vị nước quả lên men chua ngọt, hăng cay…Đây chính là một trong những lò calvados lớn nhất của vùng Pays d’Auge, trung tâm Normandie.
Chẳng hiểu do quá cảm tình với Chị hay là bản tính hiếu khách của người Normandie, đã quá 5 giờ chiều30 phút, vừa bước vào khoảng sân trải lát đá của xưởng rượu, chúng tôi được cô gái trẻ tươi cười chờ đón. Cô giới thiệu tổ hợp vừa sản xuất, vừa có quầy giới thiệu sản phẩm và bảo tàng trưng bày. Một thịnh tình ngoài mong đợi. Thì ra người chúng tôi gặp trong chợ Carrefour là ông chủ của cơ ngơi khủng này đã gọi điện báo trước với nhân viên.
Thế chiến đệ nhị đã tàn phá hầu hết những lò rượu truyền thống. Người Normandie khởi dựng lại từ vụn tro tàn. Khác với những hầm rượu nho luồn sâu dưới hầm đá, calvados dựng xưởng trên mặt đất. Chiếc xe Ford xanh da trời, bánh nan hoa, model những năm 40 thế kỷ trước của tiền bối vẫn được lưu giữ bóng mượt cùng với công cụ thô sơ xay ép cổ xưa bằng granit mòn vẹt, láng ngời và bộ khung gỗ sồi nứt nẻ. Nước táo chưng cất trong những chiếc nồi đồng đỏ, ủ trong thùng gỗ sồi hoặc thùng i-nox hiện đại. Tôi - chú thỏ giữa hai dãy thùng ủ rượu khổng lồ như dãy Boeing 777 xếp hàng trong ánh điện vàng mờ, đậm hơi nước đẫm hương rượu táo sền sệt.
Thổ nhưỡng Normandie đặc hữu hơn hai trăm loại táo dùng ép rượu. Người ta phải kết hợp các loại táo khác nhau đủ độ đường, tannin và độ chua cùng với loại táo trái nhỏ đỏ hồng để lấy hương. Mùa táo chín ngỡ ai đem hoa gắn lên tàng cây lộng lẫy. Hương táo làm rối cánh ong bay.Tiếc rằng tôi không được chứng ngày táo Normandie vào vụ chín. Nhưng bù lại thì tôi đã có cả mùa hoa táo trắng nở xuyên suốt những chặng đường lưu luyến nơi này.
Người Normandie biết chưng rượu táo từ thế kỷ XVI. Khoảng hai thế kỷ sau, con tàu El Calvados của hạm đội Tây Ban Nha gặp bão chìm gần bờ nơi trồng táo và nấu rượu của vùng Normandie. Ghi nhớ sự kiện đó, dân làng lấy tên con tàu đặt cho loại brandy mới nấu của làng. Chẳng ngờ chất lượng tuyệt hảo của Brandy táo, đã đẩy thương hiệu calvados sánh ngang sự nổi tiếng của cognac.
Ngày D-Day đẫm máu, các nữ kháng chiến quân đã khui những thùngcalvados ngon lâu năm chuốc say đám lính Đức canh ụ pháo trước khi quân Đồng minh đổ bộ lên Normandie.
Người công nhân già trông coi xưởng chưng cất, lấm lem bộ bảo hộ xanh, mặt đỏ hồng vì hít thở hơi cồn khuyếch tán, chòm râu bạc trắng tương phản gương mặt căng trẻ và mái tóc đen. Quá mê qui trình ủ và công nghệ chưng cất calvados như một nghệ thuật, ông đã bị giữ chân ở đây hơn ba mươi năm, dù đồng lương còm cõi. Ông chưa từng đi nghỉ hoặc đòi tăng lương. Thế mới thấy chẳng phải chỉ tình yêu con người với con người mới thiêng liêng. Không quá đặc biệt, nhưng ông thuộc dạng người tìm thấy tình yêu thiêng liêng trong công việc. Hít hơi cồn hàng ngày, trèo lên tụt xuống quan sát các nồi chưng, đôi chân đã có vấn đề… Ôm choàng lấy tôi yêu cầu chụp chung một kiểu ảnh năm tới, tuổi hưu, nếu tôi có ghé, ông sẽ không còn làm việc ở đấy nữa. Mắt nhòa hơi sương, ông chỉ vào các biển biểu qui trình chưng cất:
- Chính tôi đã vẽ chúng. Ngày ngày, tôi lau chùi mỗi đồng hồ, hệ thống tuy-ô, nồi hơi. Chỉ cần cảm giác nhiệt độ trong phòng là tôi có thể biết phải tăng, giảm nhiệt độ nồi hơi lên bao nhiêu hoặc xuống bao nhiêu độ.Tình yêu còn, nhưng cơ thể thì mỏi kiệt lắm rồi…Nó không nghe lời tôi nữa.
Ông còn định thổ lộ thêm nữa, nhưng cô gái đãý nhị lườm ông và kéo vội chúng tôi đi.Trời đất đâu chẳng vậy, người làm công kiếm đủ ăn đã may. Còn giàu có đương nhiêm bao giờ cũng thuộc về ông chủ.
Cả khu lò nấu và xưởng trữ rượu rộng mênh mông, nhưng chỉ có vài ba người làm việc nơi lò chưng. Chưa phải mùa táo chín. Nhân công thời vụ thu hoạch táo và ép táo đều nghỉ. Chỉ vào khoảng sân đá có đường kênh dẫn tới sông, cô gái khoe:
- Chúng tôi vận chuyển táo bằng sức ép của nước sông. Mỗi ngày cả vài chục tấn táo tựd âng ào về bến… Táo chất cao ngang nóc xưởng.
Chúng tôi trở lại quầy bar chờ tiết mục thưởng rượu. Tôi mê rượu bởi tính khai mở của nó, chứ không phải tín đồ uống rượu để lấy say. Lĩnh vực rượu calvados tôi mới sơ giao qua sách vở và đôi lần uống thử chai “ kẹp nách bay 13 giờ” do Chị mang nên cung cách thưởng lãm thứ rượu ngọt bốc lửa này hoàn toàn lơ mơ…
Calvados thường được dùng trực tiếp. Hương đặc trưng pha trộn giữa táo chín, đào, hồng, vanilla, gỗ sồi, caramel. Nhấp ngụm rượu, nuốt chậm, từ từ chạm lưỡi lên vòm miệng ta sẽ nhận ra những hương vị này phảng phất. Calvados là một dòng brandy ẩn chứa nhiều đặc tính xung động…Có thể dùng làm gia vị nấu nướng theo truyền thống Normandie, là rượu khai vị nhưng cũng có thể thưởng thức sau bữa ăn hoặc để pha các loại rượu mới. Quí tộc Normandie hoặc các tay chơi Paris dùng expresso hoặc café đen đậm trộn một chút calvados…
Nhận ly calvados XO 20 năm tuổi nồng cay, chưa kịp thưởng thức hương vị, tôi thấy phía ngoài sân đá thoáng bóng người công nhân chưng cất thập thững. Tức thì hình ảnh đôi mắt nhòa sương của ông đâu đó bỗng căng tràn trước tôi như trước màn hình chiếu rạp…
8. Bình minh đầu tiên tôi ở Normandie là bình minh của chủ trang trại. Chậm rãi, ươn ao như gã quí tộc làm chủ một điền trang ngàn mẫu rừng, ngàn mẫu trồng cấy, ngàn mẫu đồng cỏ chăn thả, tôi lắng nghe nhịp ngày mới xung quanh mình. Lò sưởi tàn vừa được nhóm lại. Lưỡi lửa đỏ hồng âu yếm miên man tấm kính chắn. Hương café Việt đánh thức cơn tĩnh lặng căn phòng khách trang trại Bonneville ra khỏi trường ngái ngủ. Peugeot 208 ướt nhoèn, cam phận nằm phiền não ngoài mưa gió cam phận nép bên thanh gỗ lát mép đường sỏi. Quen thuộc mà xa lạ. Sương sột soạt trên cánh lá hàng mận ngoài hiên. Trái mận chớm tròn xanh bi ve. Bầy gà rừng lộp độp đập cánh cố bay qua bờ rào cây cao. Có chú nặng mồng rơi bịch. Khóm hồng bám leo đầu hồi xòe thêm ba bông nữa. Vàng ngơ ngẩn…Thảm cỏ mướt mịn đến không thể mướt mịn hơn được nữa. Trong êm sắc cỏ, như có muôn cánh tay nõn khuyến dụ tôi hãy lăn tròn mấy vòng như là con chó đốm của quý ông Bonneville đang co cẳng cuộn thân.
Hương nước hoa mới của Chị. Cảm giác Chị đứng bếp đang nướng bánh mì. Phụ nữ như Chị thật lạ. Mạnh mẽ như nam giới khi cầm lái và nhiều lúc lại như ma sœur dòng tu khổ hạnh. Ở bên Chị tôi luôn chẳng biết phải làm thế nào cho phải. Lúc thì là ông già khờ khạo, bẳn tính. Lúc đứa trẻ ngô nghê háu đói, luôn miệng làm phiền. Chị gióng từ chiều qua, sáng nay mời người bạn chủ nhà nếm thử café Việt…
Sau bữa sáng hương vị café Việt lĩnh xướng. Chị vân vi đăm chiêu tấm bản đồ trước mặt. Arromanches, một địa chỉ lịch sử trong cuộc Đồng minh đổ bộ tái chiếm Normandie đang chờ đợi. Nhưng tại sao không tranh thủ đi dạo một buổi sáng trong veo thế này Anh nhỉ?
Con đường Bonneville la Louvet sau trang trại lẩn dưới bóng cây và bờ rào cây, trườn mình giữa miền hoa dại. Không khí lạnh ẩm, trong vắt, có thể cắt ra từng miếng như thạch. Thùy phổi đang hồng lên từng phút. Làm chủ không gian thênh thang màu xanh của lũng xa gò đồi rừng cây nồng nàn sắc hoa, chỉ có hai chúng tôi bước lặng, tịnh lòng hướng trên tầng lá, những bông hoa đang nở dưới mây trắng…
Tầm xuân hồng, tầm xuân trắng vồng ôm bờ cây. Đồng cỏ phập phồng hoa anh túc dại. Lúa mì sạ đã ngoi mầm xanh cốm mịn. Lúa mì gieo sớm làm đòng khệ nệ ôm bầu hạt non đầu ngọn. Đôi cây táo dại xù hoa trắng từ ngọn tới gốc, lũ quạ háo sắc xúm đến đậu cong cả cành. Mấy chú bò căng sữa lúc lắc cổ chuông gọi chủ. Bên bìa rừng mấy người thợ săn huơ tay bố trí đội hình, giăng lưới.Tiếng chó sủa nhưng nghe sao thanh bình.Một chú thỏ nâu nhởn nhơ chạy ngang bỗng vểnh tai sợ hãi…
Những ngôi nhà Normandie cách nhau một thung lũng dài một quả đồi vắng xinh gợi điểm hẹn trăng mật. Khung tường cột gỗ, dầm xà gỗ quét sơn nâu nổi bật trên vữa đất trộn vôi nhồi rơm rạ. Mái lợp đá ác-đoa.Lối rải sỏi đỏ. Cổng ngõ mở toang. Bờ rào gióng gỗ hờ hững. Khói lò sưởi cuộn trắng bạc trên đầu hồi nóc nhà, ngái gỗ thơm. Bên hàng rào, đầu chái nhà kho củi cưa đúng kích cỡ nhóm lò, xếp khối như đang dựng chiến lũy. Vài ngôi nhà, vườn cây thảm cỏ chăm mượt tựa công viên, hoa nở nhởn nhơ, nhưng đóng cổng cài then. Có lẽ chủ nhân của chúng ở Rouen hoặc tận Paris. Họ là những viên chức dành dụm tiền mua được mảnh đất riêng, hễ rảnh hoặc chờ ngày nghỉ là lao về quần quật xây đắp như nô lệ cho nhu cầu sở hữu ngôi nhà vườn của mình.
Vài ngôi nhà gẫy mái, tường thủng cỏ bò lan từ hàng rào, ống khói gục ngọn, biển số nhà lệch nghiêng cánh cổng. Dấp dính câu hỏi về lý do hoang lạnh chiếm hữu ngôi nhà. Nhưng câu hỏi nào cũng chỉ là giả thiết, lòng ta bất chợt cảm thương sự điêu tàn giữa bừng bừng tươi tốt cỏ hoa. Tôi biết, hai mươi năm Chị chạnh mơ một ngôi nhà tre Việt để lấy chốn đi về cho đam mê hoa sen, đọc sách, chơi đàn bầu, vẽ tranh lụa và lên chùa cầu Phật…
Giữa thiên nhiên phồn náo nhường này, hẳn những con người sinh và lớn lên ở đây, không thể không luôn nghĩ đến danh dự, và tốt lành để hoàn thành công việc bổn phận và cống hiến. Nếu có sự không vừa lòng, mãn ý thì chắc là những u sầu của hạnh phúc ánh xạ vào riêng từ số phận đơn biệt…Ấy là điều Chúa định. Ai dám kêu nài…
Không gian Normandie hoặc ở bất cứ ngoại ô nào các thành phố Pháp thật khó phân định con người đắm vào thiên nhiên hay thiên nhiên thắm vào đời sống con người. Nước Pháp không thừa tiền, nhưng chắc không thiếu để mở rộng những con đường liên xã, liên tổng. Qua tấm bưu ảnh cũ hơn hai trăm năm trước, con đường về nhà ông bạn vẫn y nguyên vóc dáng, có khác chăng là thiếu mất mấy bóng cây cổ thụ…Kề nhà Bonneville, tấm biển thông báo giấy phép xây dựng của trang trại hàng xóm chỉ được 175 mét vuông trên tổng diện tích 1675 mét vuông. Cũng phải thôi, Normandie là vùng chăn thả và canh tác nông nghiệp, nếu không tuân thủ nghiêm qui hoạch thì còn đâu những cánh rừng, con suối, bãi cỏ cho bò, dê, cừu đây? Chưa kể không gian bất tận xanh cho chúng tôi trên con đường đi dạo… giữa lòng nước Pháp văn minh vẫn nguyên sơ cổ kính….
9. Không ngờ khoảng cách giữa Bonneville và Arromanches tới cả trăm ki-lô-mét chứ không là mấy chục như lời ông chủ trang trại. GPS dẫn qua 50 cây số vẫn chưa thấy bóng Arromanches cuối chân trời. Ngỡ đường gần, chúng tôi dềnh dang xuất phát. Lên xe, trời ào mưa. Ôi, thời tiết Normandie đồng bóng như quý bà đa tình. Đang mưa bỗng òa nắng nhức nhối. Gió xoắn vặn lá cây, chưa kịp hong khô đường thì lai xối xả cơn. Mịt mù. Gạt nước xua nghẹn.
Ba giờ chiều xuống xe, nắng hong mưa chợt ửng. Arromanches thị trấn nhỏ hẹp bình yên giữa các vách đá, đã chứng các nền văn hóa cổ đại cắm rễ vào mình: Arremancia, Celtic, Gallic và Viking thay nhau ngự trị và lụi tàn. Người xưa đã sớm nhận ra vị trí chiến lược nên đã dẫn đến việc xây dựng pháo đài dưới vách đá để bảo vệ nó khỏi sự tấn công từ biển.
Tôi sởn gai trong cơn lãnh phong biển Manche ở Arromanches. Thứ lãnh phong bất chợt nổi lên ở chiến địa cũ, tôi đã từng gặp trên sông Thạch Hãn, Điên Biên phủ, đường 9 Khe Sanh và nghĩa trang Trường Sơn. Cái lạnh nhập xương thịt rồi tỏa dần chi phối cảm giác. Những câu chữ lấp lánh trong cõi sâu hồn tôi của Margaret Pemberton trong tác phẩm “Đừng Bao Giờ Xa Em” bỗng chồi thức: Năm nay mùa xuân đến vùng Sainte-Marie Des-Ponts sớm hơn thường lệ. Những cơn gió hung bạo từ Đại Tây Dương vẫn quất vào những vách đá dựng đứng cách đó chừng dặm đường...
Tôi đã từng miên man tưởng tượng cúi rạp mình tránh gió nơi này.
Chị nắm chặt tay tôi níu lại như sợ rằng gió sẽ cuốn phăng. Sóng sẽ nhấn chìm tôi như bao người trai Âu- Mỹ khác đã biến mất ở tọa độ này dưới làn đạn súng máy. Thân xác người mong manh lướt qua, chỉ để lại hồn người ngự trị. Tóc buông bay Chị khắc bức tượng đài đen trên bờ cát triều đang dâng hóa thân của bao người mẹ, người vợ, người yêu vọng đàn ông đi trận muôn thuở. Hàng ngàn ngàn linh hồn người thắng lẫn kẻ thua hẳn còn chưa siêu thoát vẫn quẩn ngụ trên những đám mây quần tụ mọng hơi nước. Lạnh thấu hồng cầu. Sóng cuộn xám nhợt. Cát ẩm sũng. Bờ đá xơ rách tủa gai, đen sì như máu vón cục. Ngoài xa, nơi đầu sóng dãy những xác phà sắt nằm nghiêng hình vòng cung ôm lấy vụng biển. Dấu tích chiến trận kia đã nằm đó bảy mươi năm trong nước mặn, rong rêu trùm lấp. Những chiếc phao nổi được lai dắt từ bờ nước Anh đến đây kết nối thành cầu Mulberry thay thế cảng nước sâu La Havre và Cherbourg còn nằm trong tay quân Đức, lập điểm trụ cho binh lính và quân cụ Đồng Minh đổ bộ vào bờ D-Day (6-6-1944).Những khẩu pháo, những cỗ chiến xa, những nhịp cầu sắt tự hành, những bia đá, bia đồng và bảo tàng đổ bộ cùng nhau cất lên thứ ngôn ngữ thầm lặng về sự kiện bi hùng sắt máu nhất trong lịch sử hiện đại. Con người với con người tìm mọi thủ đoạn để giết hại nhau được nhiều số lượng nhất, tàn khốc nhất.
D-Day, trên bãi cát của năm điểm đổ bộ lên Normandie, xác trai trẻ nằm chống chất như những khúc gỗ bị đốt chặt dạt vào bờ. Sóng biển tung trào bọt máu thấm ướt nhòa cánh hải âu. Triều lên, sóng cuốn sạch xác lính ra biển, để rồi đêm tới bãi cát lại phủ lên đợt xác mới…
Arromanches rậm rịch kỷ miệm D-Day thứ 70.“The longest day”.Sự đau thương, bi hùng có sức hút dai dẳng chẳng kém các hợp chất ma túy. Quốc kỳ quân Đồng minh bảy mươi năm chưa bao giờ thôi bay bên bở biển Normandie.Và dòng người đến thăm viếng chiến địa cũ cũng chưa bao giờ ngừngnghỉ.
Thị trấn Arromanches nhỏ như chiếc bánh biscuit ùn ùn công dân các châu lục dồn về. Không hiếm những gương mặt châu Á, trong đó có tôi và Chị. Đông nhất vẫn là Mỹ, Pháp, Canada, Anh, Đức, Ba Lan…Họ viếng người thân trong các nghĩa trang, ghé bảo tàng đổ bộ nghe thuyết minh như nghe giảng kinh. Họ dốc tiền mua kỷ vật chiến trận được moi lên từ cát biển. Và chụp ảnh trong cơn say yêu nước bên các khí cụ dầu dãi ngoài trời.
Arromanches lèo tèo vài con phố chạy dọc. Hai phố chính song song với bờ biển. Dù không thể mở hàng quán trên con đường giáp biển vì gió, vẫn có vài chiếc bàn, chiếc ghế xếp sau tường đá bờ quai, chờ một ngày biển lặng đẹp. Chờ một hy vọng bình yên còn xa lắc… Rêu mốc mọi ngôi nhà cánh cửa khép kín chịu đựng nỗi đau riêng, khước từ mọi ồn náo. Tiệm café, cửa hàng ăn, cửa hàng lưu niệm, hiệu thuốc, bưu điện, khách sạn bình dân đều ở con phố trung tâm phía sau, được che chắn bởi dãy phố bám bờ biển. Diện mạo phố được khôi phục nguyên dạng như trước trận chiến. Nhưng sinh khí thì khô kiệt như những mô hình. Thấm từng ấy máu người chết trẻ như thế, làm sao mà không khác thường? Chỉ có ăng-ten truyền hình dạng giàn ống ngất nghểu trên cọc sắt mỗi mái nhà lay động như đang nối link với cô hồn. Những lá cờ Đồng minh tươi sắc, nhưng ướt đẫm, vẫn gồng bay giữa gió. ..
Hai nhà hàng lớn liền nhau. Một đông nghịt. Một vắng hiu.Chẳng hiểu tại sao.Chúng tôi chọn quán đông khách vì nghĩ rằng ngon.Không hẳn. Món súp cá nóng rẫy trong nồi sứ nhưng nhạt nhẽo và chua chua.Khoai tây chiên quá lửa đẫm dầu. Bù lại bia tươi Arromanches bất tuyệt như nước cam lộ. Cảnh vật vô hình và hữu hình đủ cho tôi hình dung không khí trận chiến được phục dựng trong bảo tàng đổ bộ với ảnh diện Arromanches hiện tại và quá khứ.
Giữa những con sóng, giữa đám đông, Chị lãng tôi thả bước bên bờ cát một mình. Tôi chạy nước rút với con nước triều lên để có thể chạm tay vào di tích chiếc phà sắt thủng đáy, lật nghiêng. Nhưng không kịp. Biển Manche lạnh lùng dễ gì để tôi toạn nguyện, sớm một giây, sóng đã òa dâng ngăn bước.Tôi đành xây lưng nhờ người du khách Đức bấm nhanh giúp vài kiểu. Ám ảnh. Người lính nào đã điều khiển con phà kia? Những ai đã vào bờ bước qua nó? Họ đã hy sinh dưới nước hay đã chạm cát? Còn ai sống sót sau cuộc chiến lấy vợ sinh con?
Vốc lên tay cát lạnh, Chị đưa tôi viên sạn san hô đen:
- Mang về nhé. Và nhớ Normandie. Nước Việt xa, thế giới rộng. Cơ hội trở lại đây chỉ có đôi lần. Có thể đây là máu kết của những con người nhân danh chính nghĩa và cả những người phải đứng về phe bất nghĩa. Chỉ có con người mới giết hại con người nhiều đến thế…
Chiếc trận qua đi, xác người thắng và xác người thua đều nằm lại Normandie.Mộ phần người lính thắng trận thì đương nhiên được chăm chút thân thương. Người Pháp không bắt buộc phải dành chỗ chôn cho kẻ xâm lược. Nhưng văn hóa Pháp nhân hòa, cao thượng, nhường một diện tích đất nông nghiệp màu mỡ đủ chỗ cho gần mười hai ngàn lính Đức phát-xít. Hoa vẫn được trồng trên đài tưởng niêm. Các ngôi mộ vẫn được chăm sóc. Du khách Đức hay du khách bất kỳ chạnh lòng thương cảm có thể đặt những bông hoa lên bia mộ vô danh lính phát-xít.
Một trăm năm kể từ trận chiến Normandie về trước, Đức-Pháp luôn trong hận thù. Sau Normandie những ân oán cũ đều được hai bên ghi nhớ, nhưng nhắc để tránh xa vũng bùn nhầy bám phi nhân buộc trói. Năng lượng, tinh lực cho căm thù, phòng ngừa, nghi kỵ được họ dành vào tái thiết mỗi tâm hồn con người và củng cố xung lực mỗi quốc gia. Và hiện tại Đức-Pháp vẫn là hai cường quốc trụ cột của châu lục và thế giới. Soi vào câu chuyện Việt, với nhau cùng bọc trăm trứng, hai phía Bắc-Nam sau chiến cuộc dư ba mươi năm vẫn lận đận mỗi lần một bàn tay chìa ra về phía một bàn tay. Tộc Việt thương quí của tôi ơi! Sao chúng ta có thể cao thượng, hòa hiệp với kẻ lạ còn với thịt xương của chính chúng ta lại ôi nhiêu như tép tôm chợ chiều? Triệu triệu bàn tay trong ngoài, sao không nên một đan kết thành trì trở che cho mẹ Việt trước thủy triều đen phía biển…
Mang ơn sinh mạng Đồng minh đặc biệt là Hoa Kỳ, Pháp trang trọng dành 70 mẫu Anh trên đồi cao nhìn ra bãi biển Omaha tọa độ đối công Mỹ-Đức tàn khốc nhất trận Normandie xây đài tưởng và nơi an nghỉ 9,387 binh sỹ của họ. Khu vườn nghĩa trang được thiết kế hoàn toàn bởi các kiến trúc sư Mỹ đậm phong cách Mỹ. Và 9,387 cây thập giá hoa cương trắng khắc dòng chữ“Here rests in honored glory a comrade in arms known but to God”( Nơi đây yên nghỉ trong vinh quang cao quý một người lính chỉ Chúa đoái thương ) trồng trên cỏ xanh, xếp đội ngũ. Hàng dọc, hàng ngang, hàng chéo, gióng cách nào những người lính chết trận vẫn đứng thẳng hàng.
Cuối chiều, gió biển Manche mãi chưa thôi rung lá cờ sao vạch. Du khách Mỹ đầu trần,mặt mưa ròng, đăm chiêu che nến ôm hoa lần theo từng cây thập giá trắng cúi xuống cầu nguyện. Nước Pháp đã thắp ngọn đuốc trên tay Nữ thần Tự do trên đảo Liberty trước cảng New York. góp thêm thành tố hào hoa, thượng tôn quyền làm người trong văn hóa Mỹ. Và nước Mỹ nghĩa hiệp không bỏ bạn lâm nạn, cả hai Thế chiến đều gửi những người con ưu tú của mình ra trận và chết ở một nơi cách xa quê hương họ mười ngàn cây số.
Chẳng hiểu điều gì sẽ xảy ra với nước Pháp và nhân loại, nếu không kết nối đồng minh, không có nghĩa cử vong thân của các thanh niên Mỹ, Anh, Canada, Ba Lan…đang yên giấc dưới cỏ xanh Normandie!
Và nước Pháp phải như thế nào mới được bạn bè chung tay cùng vượt khốn trong thòng lọng phát-xít? Người Việt đã buồn vui gì qua đau thương tương tự?!
Ngồi café có thêm biển Manche chút nữa. Thời gian Normandie đang buột xa không cách gì níu được. Tay áo không che kín bàn, từng ngón đan nhau phơi lạnh. Bàn tay tái tê của Chị. Nước Anh trực đối ngoài tầm với. Bao giờ ta sẽ cùng nhau nước Anh nữa Chị? Dãy cột cờ danh dự quân Đồng minh sẽ tung bay chừng nào có thể. Thủy triều nuốt chửng gần hết những di tích vòng cung phà tự hành đổ bộ. Du khách đến muộn đứng trên bờ quai chỉ bước sóng đã giấu nhòa đích ngắm cho nhau.
Giữa ngột ngạt con người, sao chúng tôi vẫn thấy bao nhiêu hoang lạnh. Ước gì, lý do tôi đến Normandie chỉ vì là Chị là rượu Calvados ủ giữa ngàn hoa mà không phải tính thêm dấu chiến trận phơi mưa gió còn kia. Chúng tôi xin phép anh chàng chủ quán pha café Việt mang theo. Chủ quán tự lự gật. Bàn tay Chị hỡ hững cầm thìa trên cốc sứ. Chị ngắm người đàn ông Mỹ tóc trắng đang gục đầu bên chiêc xe bọc thép Mỹ.
Cửa hàng đối diện bày tạp phí lù vật dụng liên quan đến cuộc đổ bộ. Ngoái sang Chị nhắc muốn mua gì không? Nước Việt đâu thiếu bom mìn, súng, đạn gỉ hoen, quân phục rã nát. Đã chọn cho tôi thứ ý nghĩa hơn nhiều, viên sỏi san hô đen moi bãi cát dưới kia… Không nhớ sao? Chị!
10. Chúng tôi lặng rời Arromanches trước dự cảm bão giông. Chị hiu hắt nụ cười mơ hồ, tôi trĩu nặng cảm giác như là mình có lỗi trọng. Điều muốn thấy thì đã thấy, điều cần hỏi thì đã hỏi. Đầy ắp cảm xúc. Vậy mà chúng tôi đang phải nhấm nháp dư vị buồn lặng… Có phải chăng linh hồn những người lính trẻ đang níu cánh cửa xe tiễn chào?
Mười phút vận hành, chiếc Iphone vẫn đảm đương nhiệm vụ GPS kiệt năng lượng. Trời ụp tối. Đèn xe cảm ứng tự sáng. Chị đã quên mang sạc điện. Trước ngã ba, cơn giông tản mình vây bủa. Giữa xám lạnh ngút mờ, tôi bỗng thấm nỗi cô đơn của Chị từng chịu đựng ở đất nước này. Chẳng ai có thể ban ơn cho ai hay san sẻ cho ai nếu người ta không kêu nài. Tất cả đều tự vận hành, tự chịu trách nhiệm cá nhân, nhưng không được làm phiền người khác.
Đường về Bonneville xuyên qua không ít phố thị, làng mạc cổ và khu công nghiệp với những vòng xuyến khổng lồ chi chít ngã ba, ngã tư, ngã năm, ngã sáu…. Hoa mắt các loại biển chỉ đường lớn nhỏ. Dân Paris quanh năm ngồi tàu điện, ô tô chỉ dạo phía ngoại ô như Chị thì thử thách này cũng không đơn giản cho lắm. Còn tôi chỉ là chú ốc vặn, chứ không dám nhận là vịt khi ra đồng đất nước người, huống là đang gặp nan đề. Đàn ông ở đất nước này trước phụ nữ chỉ là chú chó đốm ghẻ hoặc không ghẻ. Phó mặc phận số vậy. Chẳng đàn bà nào cứng rắn được mãi trước áp lực trong khi người đàn ông bên cạnh lại vô tích sự như bao lúa mỳ. Và bao lúa mỳ ấy, chỉ biết thở dài, biết ăn ngon nhưng để đỡ đần thì lại không. Tôi vô duyên y như núm vú trên cơ thể tôi vậy.
Lượn quanh vòng xuyến, lao vào ngả đường tâm niệm là đúng, khi phát hiện ra sai lầm muốn quay lại cũng phải tiến thêm một hai chục cây số mới gặp vị trí quay đầu, hun hút giữa ma trận những lối rẽ. Bốn năm lần lạc đường, Chị vẫn trắng lạnh, mắt mở to, bất động dõi đường, dõi biển hiệu. Ga chỉ giảm khi tới vòng xuyến để quan sát biển báo. Thiếu phụ đài các, dịu dàng biến mất nhường chỗ cho nữ chiến binh chỉ huy đoàn quân vượt thoát vòng vây. Động cơ Peugeot nhạy cảm, êm và bốc hơn một bậc Toyota. Không hiểu sao phần đông dân Việt đi ô tô vẫn mê Toyota? Thế giới quá nhiều sự lựa chọn tốt đẹp tại sao cứ nhất thiết phải duy trì một trật tự kỹ thuật mòn cũ. Thay đổi để mà thêm cơ hội thì chỉ có tốt, thiệt đến ai đâu..
- Khi chưa có GPS mọi người đều theo biển báo. Tại sao ta lại không làm được. Thử một lần không phụ thuộc máy móc xem sao…
Dào ôi, Chị đúng, nhưng có GPS vẫn hơn. Tôi nhấp nhổm trên ghế, tưởng tượng tình huống có thế phải ngủ trong xe giữa cánh đồng lúa mì hay bên vườn táo hoặc sân nhà thờ của ngôi làng nào đó. Mung lung ngã tư vòng qua lộn lại cả chục lần vẫn là con bò sữa với cô gái chăn bò đứng giữa vòng xuyến ngây ngô. Trời mưa sáng tối nhập nhèm, dòng xe lớn nhỏ, bám đuôi nhau hối thúc đi nhanh. Cùng nỗi sợ lạc đường, là nỗi lo tai nạn rình rập từng giây. Vài ba xe trượt bánh lật ngửa ở khúc quanh do tốc độ cao mảnh kính vụn văng tóe mặt đường, ống xả phực phực khói diesel, sinal chớp chớp sáng đỏ lòe. Cảnh sát phong tỏa hiện trường, xe cứu thương vòng vèo tìm cách tiếp cận nạn nhân. Cái chết đâu chỉ có diễn ra trong bom đạn…
Chiếc xe đầu kéo chồm lên cột dải phân cách. Cảnh sát chặn đường. Định hỏi thăm thì nhác thấy tấm biển chỉ đường quốc lộ A13, sáng lên, Chị reo khẽ, nụ cười ngọt miên man:
- Có thế chứ…
Chẳng còn cách nào khác, cứ quốc lộ A13 nhắm hướng Paris rồi tính.
Lên đường cao tốc, tôi bỗng không cưỡng nổi cơn buồn ngủ. Mí cứ sập xuống như đeo đá. Cảm giác yên lòng, tôi nao nao một ao ước giá chiếc Peugeot êm êm này đi mãi, đi mãi tới chân trời cùng Chị và kết thúc cùng với trái đất một ngày kia…
Mưa ngớt. Thiếu mười lăm phút là 10 giờ đêm. Trời Normandie mưa vẫn sáng sắc hồng. Chiếc xe nhẹ nhàng dừng trước cửa hàng bán đồ điện- điện tử thị tứ ven đường. Mưa rắc ấm lạnh biển Manche. Hàng cây sồi vừa xén cành trước nhà thờ đá đơn độc tháp chuông thẳng dựng. Những con bồ câu ngủ mơ bay loạng choạng trong quầng đêm sáng đèn. Cặp tình nhân trẻ áo thể thao in cờ Anh, ngồi nghỉ trên bậc thềm hôn nhau ngây ngất. Cú phanh êm, như sợ đánh thức, nhưng tôi đã tỉnh từ trước. Chị tong tả vào cửa hàng, khi trở ra trên tay không thể khác là bộ thiết bị sạc điện trên ô tô cho điện thoại mới và hai cốc café đựng hộp giấy. Lần đầu tiên, tôi thấy café hộp giấy của Pháp thơm ngon. GPS được tiếp nguồn nhẹ nhàng báo: Chúng tôi đang ở song song với Bonneville nhưng cách nhà ông chủ Bonneville 30 ki-lô-mét vì đi lạc đường.
Một con chó xù trắng đeo vòng cổ da khảm bạc ngay đầu mũi xe, đi lạc hay xổng nhà, nghếch nhìn ngã tư đèn đỏ lo âu.
11. Tôi sửa lại đôi gối trên sopha, bật máy hút bụi dọn vụn bánh mì, tàn củi vương. Xếp chai calvados uống dở vào kệ. Nhỡ có ngày trở lại. Kéo rèm cửa. Xem lại cánh tủ bát đã khép hết. Cúi xuống xỏ giày nơi bậc cửa. Và không quên ngoái lại căn phòng đã lưu giữ hộ tôi những phút giây Normandie mật ngọt, những khoảng khắc Normandie dỗi hờn. Hóa thạch nhé yên trong đáy sâu tâm hồn không gian và thời gian Normandie, ta đã chứng. Tôi băng qua thảm cỏ trước nhà, tì người hàng rào gỗ thông ngắm tỉ mỉ suốt lượt thung lũng. Ngắt một ngồng cải dại, tôi nhấm vị, vị mù tạt xé rách vòm họng, tê tái…
Chị đi quanh chiếc Peugeot kiểm tra bộ chạy, lật ca-pô quan sát máy xe. Quý ông Bonneville khoác tay người tình áo đỏ bẽn lẽn chào. Họ ngượng vì sự ngủ muộn của mình, dù đã hẹn là sáng nay cùng uống café.
Chưa xa mà đã lặng phút giây. Normandie đâu chỉ trận chiến gỉ sắt và nghĩa trang lính trận. Sông Seine êm trôi dù ở Rouen hay dưới cầu Normandie của xa lộ A29. Độ cao 214,77 mét chòng chành vút mặt, hai hàng dây văng xòa níu giữ cầu như hầm thời gian dẫn hút ta lên trời. Xe lướt mây. Le Havre sương khói xa mờ. Thành phố của những khối bê tông duyên dáng mà kiến trúc sư Auguste Perret đã thổi hồn, tái tạo từ gạch vụn. Ngược về Paris, chúng tôi ghé vội thị trấn Etretat thì gặp cơn cả gió. Gió nhiều thế, nếu không có cái nắm tay của Chị, tôi đã biến thành chiếc lá lộn vèo trời Etretat. Giai âm đàn Hang đụng bàn tay vỗ nhịp người nghệ sĩ đi rong ngồi bên gềnh sóng u u ngân dài. Tha thiết tiếng người tình kêu tên người tình giữa đại dương trưa vắng. Giữa lãnh nguyên tuyết rợn. Lộng biển hắt hào quang xanh mải mê lên trời thẳm. Vách đá trắng phấn dựng vòm hang kỳ quan, luồn sóng. Luồn cánh hải âu căng rộng...
Chợ quê Etretat, Viên mỡ bò của Guy de Maupassant bao năm vẫn ngồi xua ruồi sau giỏ đan cành liễu đựng bánh mì bên anh chồng bán phomat, thịt hun khói. Thưa Guy de Maupassant, điều gì khiến Ngài viết trước cho bia mộ: “Tôi đã thèm muốn tất cả mọi thứ và lấy niềm vui trong không có gì” .
Cuối kè đá, họa sĩ bán bức tranh chép «Etretat» của George Inness, mơ màng đám khói trắng đốt tảo bẹ bên bờ biển. Và anh chàng cứu hộ, đang ba hoa với cô gái Mỹ mảnh mai rằng vào mùa Thu năm 1868, Maupassant đã cứu nhà thơ Algernon Charles Swinburne khỏi bàn tay Thủy thần ngoài khơi Etretat. Và anh ta đang ngóng chờ cơ hội tương tự…
May không phải mùa Xuân đến sớm như dự cảm mất mát của tiểu thuyết gia Margaret Pemberton. Nhưng nơi đây cho tôi thấm cảm thế nào là nỗi bi kịch và hy vọng tầm nhân loại. Bi kịch mang tên Normandie. Và hy vọng mang tên Normandie.
Normandie mùa Xuân nay chậm bước.
Normandie. Đã đợi tôi như thế và tôi đã đến như thể.... Chật căng bờ trái ngọt vươn mãi không tới cùng. Ngất lịm calvados, choàng cái chết lâm sàng thân xác, để hồn ta vượt qua cơn xa cách đau tình. Và cả miền hoa tháng Năm rải mê hồn hương mỗi nhịp chân rén bước, mỗi một đận đan tay. Xe Peugeot tăng tốc…
Nhói trung du Việt, cũng trầm tích bao địa tầng văn hóa, hoa trái sánh ngọt, cũng từng tươi ròng vết thương cũng chói lóa chiến công nhưng chưa một khắc bớt vơi vận lận đận.
Ngựa trắng buông vó kiệu đồng cỏ. Bầy quạ đậu cây thánh giá cũ trên nóc nhà nguyện không xa cạnh boong-ke phát-xít pháo gỉ gục nòng. Vườn nối vườn táo hoa táo. Ao súng ao sen nhà Monet dâng nụ từ đáy nước hồi đêm. Khúc quanh đường đụng khúc quanh sông nồng vị calvados quyến rũ. Củi sồi lách tách reo lò sắt sưởi tình. Bánh mì baguette mới nướng phết bơ tươi từ sữa mới. Phiến bít-tết đầy hồng, tinh khôi quyện bơ tỏi, tiêu xanh khi vừa khẽ đưa lưỡi dao chưa kịp xiết tới trong đĩa sứ, bên sóng tím ly vang Grand Cru…
Một sớm mai tôi với Normandie gió đã thổi xuyên lòng. Có ngọn lửa thắp một lần cháy mãi.
Một đóa hồng xanh mùa xuân chậm nối bước hạ vẫn đủ kiêu hãnh bên ngàn ngàn anh túc dại cánh đồng. Bờ tầm xuân náo trùm sắc hoa bờ cây cao lao xao ru gió. Chị áo xanh bước dạo mãi dốc dài. Tóc dài…
Normandie, Tháng 6 .2014 - N.T.T.K