CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Ký sự

LA VICTORINE - THIÊN ĐƯỜNG NHỎ XỨ DIJON

Thứ bẩy ngày 29 tháng 9 năm 2012 12:00 AM

1.Thiên đường ấy- căn hộ áp mái nhũ bạc, giờ tôi xa mười ngàn cây số vẫn tỏa hương tinh sạch từ ván sàn gỗ thông, từ tấm drap vải bông thô, từ tấm bưu thiếp cũ đóng khung trang trí nơi cánh cửa, từ chiếc ghế sopha làm giường búp bê, từ những chiếc gối căng phồng dựa vào đốc giường mây êm dịu như vòng tay mẹ kê đầu, cho đến những bông hoa khô thấm tinh dầu oải hương gợi nhớ nồng nàn xa ngái…

La Victorine! La Victorine! Thiên đường nhỏ - mùa thu nhỏ Dijon góc riêng tôi day dứt.

Cuốn sách về Dijon sẽ chẳng bao giờ đọc hết và tấm bản đồ với những địa chỉ khoanh chì đỏ vẫn chờ tôi. Tập lưu bút, phong giấy viết thư. Bộ cốc pha café vẽ hoa cổ điển, thìa cán sứ, viên socola bọc giấy bạc thiếp ngủ đĩa xinh xinh thỏm lòng tay cạnh chiếc âu sứ đựng sưu tập chè bột ướp hương các loại hoa và xấp khăn giấy tiệp màu với căn phòng để tôi ngợp trong không gian của Stefan Zweig thế kỷ trước và một chút  của André Maurois.

La Victorine chiếc gương soi tâm hồn nơi đất khách, đã hiện lên những hình ảnh tinh khôi rung cảm bật thức trong tôi. Tuần trăng mật với văn hóa Pháp rượu và hoa làm chứng. Mới hay có những không gian khiến ta nhận thức lại bản thân, nhận ra được mất muôn thuở của đời người. Phút giây tôi muốn tan loãng trong trường hòa hợp với thiên nhiên, muốn ôm hôn, muốn thú nhận mọi lỗi lầm, muốn kiệt sức cống hiến cho những sáng tạo không chút băn khoăn…

2. Khoảnh khắc đứng bên vuông cửa sổ nghiêng theo mái nhà hướng lên bầu trời của Antoine de Saint-Exupéry mở ra khu vườn rộn sắc tôi thấy mình trong tiền kiếp dường như đã hiện diện ở nơi này. Những bông hoa từng đẫm nước mưa, từng chan chứa ánh trăng viên mãn và nắng tươi cuối hạ. Nàng vệ nữ phong sương nhún mình trên thảm cỏ sửa tấm khăn choàng dưới vòm cây táo. Nước mưa lưu dấu hay là dòng nước mắt chảy bao thiên nhiên kỷ giờ đã cạn? Hình như có tiếng mèo ngái ngủ cuộn khoanh trên cuốn sách, hình như tuổi thơ ta đã phôi phai vừa nhón gót đi qua nơi Hoàng tử bé băn khoăn tại sao bông hoa lại chỉ có ba cái gai. Từng viên sỏi cũng muốn nói với ta: Hãy mở lòng mà đón nhận thế giới với tất cả điều hay điều dở. Chỉ có vẻ đẹp của lòng nhân mới xứng đáng cho người ta sống. Đôi cây cọ song thân, trầm tư xòa tán lá đan cành vào nhau, dầm chân trong đám cuội nâu hồng phiêu gọi nắng Địa Trung Hải... Đặt tay lên thân cọ xù gai xứ tuyết, tôi bỗng tràn nỗi nhớ trung du trầm luân nơi huyết quản, nao loang ngọn gió lang bạt ngát đồi cọ quê Việt cách dặm ngàn…

Chiếc chìa khóa màu tím để mở cánh cổng sắt sơn tĩnh điện màu ghi ngoài hàng rào lúp xúp cây hoàng dương chạy ven lối đủ cho một góc quanh. Xoáy chìa một nửa vòng ngược chiều kim đồng hồ. Chiếc chìa khóa xanh mở cánh cửa sơn trắng vào nhà và cánh cửa gỗ để mộc trên gác. Mở hay khóa hai cánh cửa của căn hộ áp mái mỗi lần với tôi đều là thách thức. Tôi không thể nhớ là vặn tay nắm ngược lên hay vòng xuống cùng lúc với xoay chìa khóa, nên thường  phải loay hoay may thì mở được và may thì cũng khóa được…

Dải cầu thang dốc đứng gỗ thông trần, sao mà giống cây cầu thang đầu hồi nhà sàn Mường, nhà sàn Thái chênh vênh tay vịn như chuỗi thở khẽ khàng rơi xuống phòng đệm tĩnh lặng, hun hút của chờ đợi khi tôi với đôi giày chậm rãi buộc dây. Không ngoảnh lại, tôi cũng biết bao yêu thương, hổn hển, bao dâng hiến vỡ òa và thử thách của mình đang ở đó trên cao. Phía sau lưng là cánh cửa. Mỗi cánh cửa của La Victorine sẽ còn đóng và khép cho đến kết vòng đời cánh cửa, và mỗi lần vừa khép lại là để lưu giữ một lời hẹn và chờ đợi ngày tôi trở lại…

3.Dijon mê dụ tôi mấy mươi năm thiếu thời từ câu chuyện quanh nhà văn Mỹ: Mac Tuên có mái tóc  xù xoăn như gốc rạ gặp xoáy, đôi mắt bốc cháy, chiếc tẩu chĩa ra dưới bộ ria xùm xòa. Mac Tuên du lịch Pháp và đã chọn Dijon làm một trong những điểm lưu trú. Không chút khái niệm Dijon, chẳng biết nhờ mái tóc hay chiếc tẩu của Mac Tuên mà vùng đất mơ hồ đó phấp phỏng trong tôi lời gọi đến mỗi khi đời sống có sự nhắc nhớ nước Pháp. Tôi ước những ngày sống như một công dân Dijon…


Paris – Dijon,  300 ki-lo-met chưa hết 2 giờ vận trình tàu cao tốc TGV.  Chẳng lộng lẫy sang trọng như tôi hình dung, khoang tàu thoải mái, thân thiện đủ sạch sẽ và tin tưởng như bất kỳ vật dụng hay các nhà hàng, quán café của người Pháp chứa đựng thông điệp: cuộc sống đang diễn tiến, quan trọng anh là người như thế nào! TGV êm mượt như Mercedes, lướt trượt về phía trước hiệu quả đủ cho ta yên tâm thả lỏng tận hưởng cảm giác ngự trên miền nông nghiệp trù phú của nước Pháp. Ngủ lơ mơ. Thức lơ mơ. Bên thơm mát, an lành.

Những đồng và những rừng đan xen. Rừng trên những khoảng đồi thoai thoải, rừng non và rừng già. Gà gô và chim dẽ nhởn nhơ trước ánh mắt người dửng dưng. Ngô non oằn mướt rung gió. Hướng dương lộng lẫy muôn mặt trời nhỏ tỏ mặt hoa. Đang mùa thu hái lúa mì và đại mạch. Tịnh bóng nông phu ngoài những chiếc máy gặt liên hợp thưa thớt, nhỏ xíu cuối cánh đồng xa trong ánh nắng vàng dịu, mơ màng. Sắc nắng và sắc lúa mỳ, đại mạch quyện hắt màu no say của bia vàng lên bầu trời ngồn ngộn mây trắng huy hoàng tưởng như kiễng chân là với tới. Hình như ở đây, bầu trời thấp hơn nơi nước Việt.

Xuyên sâu vào cánh đồng, chấm di động vệt sáng của chiếc ô tô chậm rãi chở theo điều  tôi nhắn gửi: cuối con đường sẽ là miền đất nào nhỉ? Và ở đó con người có buồn vui thế nào?

Nơi đường ke ga Dijon, tôi trút bớt khí nén căng lồng ngực. Thì ra, Dijon là ga nhỏ nhưng đầy đủ tập hợp, cho một hình ảnh nước Pháp cổ xưa,  hiện đại và trật tự. Cầu thang cuốn, hầm xuyên nối thông bên tả bên hữu. Những bức tường sơn vàng ánh nâu, cắt mảng. Những mái che khu sắt han rỉ bám bụi và mạng nhện. Nhưng cũng không thiếu kính, nhôm, inox.

Siêu thị mini. Dịch vụ thuê xe. Quán café chỗ ngồi kê sin sít, xếp ghế trên vỉa hè tràn ra cả sân ga liền kề đầu bến taxi. Thực khách có thể hòa hơi thở vào nhau, nhưng vẫn có vách ngăn gọi là sự lịch lãm để không xía vào riêng tư cận kề. Người Pháp có vẻ luôn chấp nhận sự chật chội, bất tiện cho mỗi cá nhân và để dành những khoảng không gian rộng lớn cho mọi người cùng hưởng.Từ Dijon có thể sang Lausanne vươn tới Venice hoặc lan man đâu nữa thì Chúa cũng đã an bài các ngả đường thế giới đến châu Âu. Tôi không khỏi cười nhớ cảnh Mac Tuên ngủ quên trên tàu khi để vuột qua ga Dijon…

Hương mùa thu nước Pháp đã cận kề. Mọi kính xe đều hạ, hình như ai cũng tranh thủ hưởng không khí mát lành hay là xe ô tô châu Âu không mấy khi gắn máy lạnh. Không gian thấm mùi táo chín luồn trong tóc và mùi lá sồi già mới rụng ai ai nắng. Mùi rượu chát muốn chẹp miệng, máy môi. Mùi bánh mỳ  nướng tươi ngon ứa nước miếng. Vị bơ nồng ngậy của các món nước sốt trứ danh thoát ra nơi cửa tiệm quyện khói café mới rót.Và không thể khác là hương thơm tẩn ngẩn loang từ dáng thiếu phụ tất tả dắt con vừa bước sang ngã ba đường…Một thứ gì thật vội vàng tất bật trên phông nền của sự chậm rãi khoan thai cứ đan cài vào nhau trong bầu không khí ở Dijon hay ở bất cứ đâu trên đất Pháp.

4.Và ánh sáng rực lên khi Lydia- bà chủ La Victorine bước ra từ khu vườn cổ kính của những năm 1925. Áo hoa chui bó, xẻ ngực, in hoa, quần bó ống, mái tóc màu lúa mỳ chín quá nắng sáng trắng, để phom kiểu nam trông trẻ và mạnh mẽ, đôi mắt xanh sáng như biển Adriatic hắt bóng những cánh rừng nguyên sinh xứ  Slovenia xa xôi mà bà thừa hưởng từ người cha, trốn chạy chế độ độc tài Tito lang bạt đến Pháp…Nụ cười biểu cảm, chia sẻ cho người đối thoại sự ấm áp và cả sự đau khổ ẩn tàng…hẳn là từ người mẹ, một thiếu nữ I-ta-li-a.

Người chồng- ánh mắt điễm tĩnh qua cặp kính, tóc hoa râm cắt sát, thoải mái trong áo pull đen quần sooc lửng, dép đế mềm xuất hiện phía sau Lydia như một điểm tựa, một bức tường che. Với cái tuổi 62 thì ông quá trẻ so với cả người Á cùng độ. Kiểm tra an toàn cho các đoàn tàu TGV của công ty Alstom, ấy là công việc cách đây hai năm trước - thuộc tổ chức công đoàn. Hiện giờ ông là thành viên hiệp hội Ẩm thực của vùng. Chuyên gia nếm thức ăn. Trong sân chiếc xe máy BMW  và chiếc Land Rover Diesel màu rêu dãi dầu… tư thế sẵn sàng lăn bánh theo ông chủ, đủ biết công việc sau khi về hưu của ông cũng phải thường xuyên vắng nhà…

Họ là một cặp đẹp từ trẻ và bây giờ và mãi về sau vẫn là một cặp đẹp.

Họ quấn quýt bên nhau, cùng nhau nương bước khách giới thiệu khu vườn. Với họ khu vườn là một thực thể sống.  Tôi cảm nhận tình yêu thiên nhiên từ cách họ chìa tay về mỗi bông hoa, mỗi mầm cây là một đứa trẻ hoặc một ông già lẩm cẩm khó tính hoặc khóm hoa yểu điệu kiêu kỳ bắc bậc làm cao, với nụ cười luôn sáng. Mỗi bước đi là một bước tôi đánh thức trí nhớ của họ rằng họ đã vất vả chăm lo tạo dựng khu vườn như thế nào. Tôi bỗng nhận ra đã may mắn như thế nào khi bước qua ngưỡng cửa La Victorine. Bởi tôi biết chắc  người yêu cỏ hoa như Lydia và Christian chỉ có thể làm người tử tế. Tôi tin ông bà sẽ là người tôi có thể tìm đến trao gửi nỗi niềm, rủi lỡ khi gặp khó ở đất nước này. Người ta bảo rằng, có thể thấu tỏ về một người khi nghe người ấy nói về những bông hoa.

Giờ thì tôi ít nhiều đã thấm điều chân xác ấy cho riêng.

Ngọn giả sơn um tùm dây trường xuân chồi lên bên lối sỏi làm điểm nhấn trung tâm của khu vườn. Ba chiếc chuông nhỏ treo lưng chừng ẩn trong sắc lá đang sắp ngân lên những chùm âm ánh sáng. Vòi nước ro re lưng vách núi, đổ xuống hồ nước rong rêu ẩn hiện bóng cá chép Nhật, đớp bóng dưới rễ bèo cái và lục bình lẩn vẩn vòng sóng đâu đó ở trước cửa thư phòng các cụ đồ Việt.

Lydia khẽ búng vào chiếc chuông bật mí: Đây là một trong những chiếc chuông tình cờ cha tôi có được của Gustave Eiffel nhưng chúng tôi phải giấu nhẹm không thì chính quyền Dijon sẽ ngay lập tức thu giữ đưa vào bảo tàng… Nụ cười viên mãn thắm môi thiếu phụ. Bà chỉ tay sang vượt qua khu vườn:

- Ngôi nhà thiếu thời Gustave Eiffel đã sống cũng không xa đây lắm. Ông có thể dạo bộ đến đó ngay trước buổi chiều nay….

Khu vườn, một điểm hẹn phong cách văn hóa vườn của nhiều nước khác nhau từ xén tỉa đến hoang dã tự nhiên, những loài hoa và các loại cây vừa là cảnh sắc vừa làm chất phụ gia, hương liệu cho thực phẩm nhưng được trồng và chằm bẵm, nâng niu. Nào cerise, mận, phúc bồn tử, dâu... Riêng trái cassis, tựa như trái mồng tơi chín nhưng có hương vị đặc biệt, đã hiến cho văn hóa ẩm thức của Dijon một loại chất vừa làm rượu vừa làm phụ gia pha rượu, pha nước hoa… Những thức rượu, nước hoa được kết hợp với các phân tử cassis sẽ thăng hoa bội phần tốt đẹp sẵn có của sản phẩm mà còn thêm biệt hương lưu luyến của cassis.Tinh chất cassis góp phần làm mọi đồ uống của Bourgogne có linh hồn. Người ta đã dựng cả một bảo tàng Cassissium bên những lò chưng cất cassis, gọi mời du khách.

Vị chuyên gia nếm thức ăn, ngắt chùm quả cassis trong vườn nheo mắt cười, đẩy cặp kính:

- Trên đường đến Cassissium, ông có thể dừng xe vào bất cứ trang trại nào thưởng thức thú nếm rượu. Miễn là thấy trên chiếc thùng tono gỗ sồi có treo một chiếc chai rỗng…nhé!

Và đôi cây cọ lênh khênh giữa vườn hẳn là của độc không chỉ riêng La Victorine mà của cả Dijon. Lydia kiêu hãnh kể câu chuyện về cọ, nỗi nhọc giữ ấm cho cọ mùa đông, về hàng trúc quân tử mọc dưới chân tường đá, những khóm hoa từ lúc nở đến lúc tàn… Rằng tất cả từ bông hoa li ti không tên dưới chân chiếc ghế bong sơn cũng chẳng phải vô tình mọc. Hạt hoa dại đã được gieo từ tháng cuối đông.

Tôi cũng có câu chuyện những khu vườn của mình để nói với bà nhưng chưa có cơ hội. Một ngôi vườn thường xanh thuở thiếu thời vì những lý do dâu bể đã không còn. Và bà tưởng đã  mất cả đất nước Slovenia mà rồi lịch sử lọc sàng trả về nguyên vẹn phẩm giá cho núi sông của người cha phiêu bạt. 

Bất ngờ, bà thổ lộ rằng mình là cựu viên chức phục vụ ngành giáo dục. Một công việc bảo đảm hậu cần cho các trường học. Nhưng tiếc thay bà phải xin hưu sớm, vì cần thời gian ở nhà chăm sóc đứa con nuôi 17 tuổi gốc Hàn gặp vấn đề về sức khỏe và phần nào cũng để thực ước mơ riêng với khu vườn. Người ta không một lúc bơi trên hai chiếc thuyền, phải không ông? Dù sao thì việc rời bỏ một công việc đã từng làm nên ý nghĩa của cuộc đời mình, làm sao mà không cảm thấy mất mát. Ngày vinh dự nhận tấm bằng khen của chính phủ Pháp về những cống hiến cho ngành giáo dục, Lydia đã đề nghị mời một phụ nữ lao công lên trao tấm bằng khen đó cho mình và từ chối nhận từ tay quan chức tên tuổi…


Trong chuỗi hồi nhớ chộn rộn, Lydia đã khóc khi nhớ về người chú bị tra tấn chết gục trong bồn tắm. Những giọt nước mắt đã lăn rơi trên tay, trên tấm bằng khen…Một khoảng lặng trầm luân của buồi chiều Dijon cả gió.  Khi nụ cười trở lại thì ông bà bỗng nhớ ra là phải mời chúng tôi một chút gì đó. Hào phóng, ông mở nắp hầm rượu. Một chốn riêng tư của Nhạc và Rượu. Cả một dàn nhạc với đầy đủ bộ gõ, ghi ta, ampli, loa nén, loa thùng bản phổ mở nửa chừng trên giá nhạc…Và cả những chiếc đĩa CD vừa mới ghi những tác phẩm chủ nhân trình tấu. Đẩy tiếp cánh cửa thì là thế giới của những chai rượu đặc sắc đã sưu tập trong nhiều năm.

Thịt xông khói, giăm-bông cắt vuông bày  trên chiếc thớt gỗ sồi đã ba chục năm tuổi và một chai vang cũng xấp xỉ từng ấy năm. Chiếc thớt, con dao cũng là đồ vật của người cha truyền lại. Dĩ nhiên là không thể thiếu vị rượu cassis pha vang trắng được gọi là kir tươi như sắc hồng ngọc để cho tôi bối rối không thể chối từ và cũng không thể tiếp tục nâng thêm ly…

5. Dường như ở Dijon tôi đã không ngủ. Đêm Dijon thổn thức giao tình cùng tôi bằng hương thơm, mê dịu, bằng những cơn gió thì thào ngoài khung cửa áp mái, bằng ánh sáng đèn trong khu vườn ánh ướt sương, bằng cả trằn trọc đẫm mồ hôi, bằng cả trời sao kim cương nhấp nháy tò mò, đồng lõa…

Thưa Chị! Xin cảm ơn Em có tên là định mệnh đã chắp cánh cho tôi vượt bầu khí quyển, để đặt bước xuống Dijon tận hưởng cảm giác thiên đường một buổi ngậm ngùi…

Tấm khăn trải bàn cánh sen đằm dịu, khăn giấy in hoa thủ công chờ âu yếm bàn tay, giỏ hoa tươi phụng phịu bên bữa sáng miên man các loại mứt vườn nhà, trong các cốc thủy tinh xinh xinh. Bình nước cam Tây Ban Nha sánh vàng nức tinh dầu. Bánh mì épice đậm hương hồi chẳng đâu ở Pháp ngon hơn Dijon. Bánh mỳ vuông, vỏ cứng, ruột đen. Mật ong hoa oải hương sền sệt trắng màu sữa chua …Thêm cảm giác đại ngàn Tây Nguyên ở bên khi ly café Việt tôi mang theo bâng khuâng khói ấm làm điểm tựa đối trọng ẩm thực đã chinh phục chủ nhân La Victorine.Và thế là tất cả một Dijon đã biến tôi thành đứa trẻ ngỡ ngàng trong phút chốc sớm mai.

Giờ thì đã xa lắm Dijon. Lydia đứng kia trong tầm mắt tôi sát tường rào, đằng sau cánh cổng, bên những bông hoa đợi  khách phương xa, như chờ những người thân của mình, xếp chỗ cho họ trên căn phòng áp mái và nấu cho họ những bữa ăn với sản vật chưng cất từ vườn nhà để làm vui... Đã đi khắp thế giới và khi không thể tiếp thì bà nối hành trình bằng cách biến La Victorine – Chirstian et Lydia BOUDOT- 12 rue des Bleuets- 21600 LONGVIC-DIJON thành địa chỉ cho những ai yêu hoa và rượu cần chốn riêng lắng lại để khám phá bản thân, để tỏ bày với dấu yêu, thương khó...

Tung lên trời Dijon chùm chìa khóa hai màu, tôi giữ lại. Chiếc màu Tím- mở lên căn phòng áp mái còn lưu giữ lời hẹn chờ. Chiếc màu Xanh- mở lối vào khu vườn La Victorine và những triền xanh Bourgogne miên man rượu và hoa…

 

N.T.T.K.

Dijon tháng 7 năm 2012









Hoa trong vườn La Victorine

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook