Dám hỏi, ai ghé Paris mà được dạo trên xe tuk-tuk như tôi? Chẳng ngờ chiếc xe lôi gắn động cơ Honda được người Thái lan sáng chế để chở khách, chở người, phân bón ra đồng, chở hoa trái ra chợ, được du nhập vào Sài Gòn giờ lại nghễu nghện hiện diện dưới chân tháp Eiffel. Thứ bị hắt hủi ở đường phố Đông Nam Á lại dương dương tự đắc ngay bên lâu đài kỹ trị của sắt thép. Khung sườn inox chóe sáng, cánh cửa lửng hai bên khóa chốt, mui xếp vải giả da đỏ cờ y như siêu xe. Khoang lái kín có kính bảo vệ bài trí đồng hồ công tơ mét. Gương chiếu hậu tròn xoe thao láo như hai mắt cú dõi phía sau.
Chủ nhân, gã trai Maroc tầm thước, gương mặt láu lỉnh, điệu bộ của Charlie Chaplin, tóc đen, chân râu hoe vàng, hai tay trao chuyền chiếc điện thoại Samsung cảm ứng đã ghi sẵn các lộ trình thủ đô Paris. Gã trịnh trọng đứng bên tuk-tuk y như sắp chuyên chở tổng thống…
Quên bẵng cây tháp Eiffel ngất nghểu thọc lên trời xanh Paris một niềm kiêu hãnh, chụp một vài kiểu ảnh theo thông lệ của một khách du lịch trên hành trình khám phá, tôi sán lại với tuk-tuk.
Đọc được ánh lo ngại, băn khoăn trong mắt tôi, gã liến láu.
- Nó chẳng khác gì một chiếc limo khi lướt trên mọi con phố Paris…
Hình ảnh chiếc xe Á giữa trời Âu quen thuộc mà lạ lùng. Chiếc xe đỗ sát lối đi bộ giữa cây cầu Inéa dẫn thẳng tới chân tháp Eiffel ngềnh ngàng như con cua biển khổng lồ mới lôi từ bể nước sôi lên. Hai cửa xe mở toang mời mọc. Gã trai nhún chân như hề chèo làm điệu bộ hỏi tôi muốn thử không? Tất nhiên! Ngồi tuk-tuk mà lượn dạo Paris không phải ý tưởng quá tồi. Sau khi thỏa thuận bằng những cái vỗ tay, dậm chân, lắc đầu, gã trai gần như đẩy tôi lên xe. Chới với...
Động cơ bỗng thốc lên đanh giòn khiến hai viên cảnh sát chống khủng bố đang đi tuần cũng nghểnh cổ nhìn. Khói dầu xanh quánh đùn đùn đùn dưới gầm xe, bốc la đà trên đầu khách bộ hành đến từ mọi ngõ ngách trên thế giới. Chiếc xe bất ngờ tăng ga như ngựa bất kham. Tôi lạng người trong thùng, xô về bên cửa đối diện, sườn va đập đau điếng. Tuk-tuk hòa vào dòng xe tấp nập con đường xuôi dọc quai sông một cách bình đẳng giữa muôn phương tiện giao thông. Hàng cây sồi thẫm lặng ngả bóng in sắc nước nâu hồng buổi chiều xuống dòng Seine. Sự bình yên ở ngoại ô Bangkok, Sài Gòn bỗng tràn ngập nơi phồn hoa đô hội nhất thế giới. Paris lên đèn bắt đầu từ những công trình công cộng, thắp dần lên dải thiên hà dưới mặt đất. Các quán cafe, quán ăn vỉa hè kê ghế sát phần đường xe buýt, phần đường đi bộ. Sự yên tĩnh và chuyển động tiếp giáp nhau một sợi dây chăng vô hình mà dân Paris hay kẻ mới đến Paris đều tôn trọng. Mặt phơi đón gió, tóc bay như cỏ rối trong bão khi xe cộ lướt qua ngay bên ly quần sắc nếp là và ly champagne ướp lạnh. Đô thành ánh sáng sẽ kém duyên, kém hấp dẫn du khách đi nhiều lắm nếu mất đi thú vui cafe và ăn nhẹ, thủ thỉ bên người tình trên vỉa hè phố... Một vấn nạn của bất kỳ đô thị nào khác trở thành một trong những nét đặc trưng lưu luyến của Paris.
Còn với tuk-tuk thì sao? Có gì đặc biệt khiến ông thị trưởng Paris dám chấp nhận thứ phương tiện bán thô sơ, nguyên nhân của ô nhiễm và tắc đường triền miên mà ông, bà thị trưởng lớn bé ở Thái hay các nước Đông Nam Á đều rùng mình khi nghĩ đến? Tôi tin chắc, ông thị trưởng Paris và các cố vấn kỹ sư đông đảo bâu quanh không phải là những kẻ điếc lác liều lĩnh vì nhận hối lộ khi ký giấy lưu hành cho tuk-tuk.
Điểm tới đầu tiên, đại lộ lừng danh Champs-Elysées. Xe lướt qua Khải Hoàn Môn rồi túc túc dạo quanh lại quảng trường Concorde. Tuk-tuk rung lên sòng sọc, đua tốc độ với mọi nhãn mác ô tô đang bám đuôi nhau. Từng viên đá cổ hình vuông đặt vừa lòng tay như chiếc bánh mỳ nướng cháy lát đường theo hình móng ngựa đan vân còn chua dứt dư ba bánh xích xe tăng, gót giày quân nhân diễu hành Quốc khánh Pháp giờ vẫn kịp tung những cú xóc ruột gan cho tuk-tuk!
Công nhân đang tháo dỡ những dãy ghế dành cho quan chức và các công dân ưu tú đã ngồi hai bên đại lộ dưới hàng cây xén tỉa chiêm ngắm các đoàn binh diễu hành, dưới sự giám sát của cảnh sát. Khắp Paris nếu tinh ý sẽ nhận ra ngay nhiều toán cảnh sát vũ trang đi tuần vẻ thận trọng nhưng thanh thản. Sự cảnh giác trước vấn nạn khủng bố khiến đôi mắt của người Pháp xanh thẫm hơn tạo cho ta cảm giác họ tinh tường, dịu dàng hơn chứ không lo lắng hay căng thẳng.
Hình dung về Champs-Elysées bao nhiêu năm trước, tôi vẫn nghĩ nó là thảm nhựa nhẵn mịn! Xe ô tô không nổ máy khẽ ủn nhẹ là bon bon. Hóa ra người Pháp không đơn giản. Mặc các vương tôn công tử xưa và các đại gia lái siêu xe ngày nay có kêu than những viên đá lát đường làm hỏng nhanh móng ngựa bánh xe. Lịch sử là khoa học khách quan, dù là lịch sử dân tộc hay lịch sử một con đường không một chính trị gia hay kỹ nghệ gia nào dám tác động thay đổi bản chất của nó.
Giữa khoảng trống cột tín hiệu phân làn, từng lứa đôi đến từ Nhật bản, Hàn quốc tạo dáng cho bộ ảnh cưới để các tay máy Pháp tất bật xoay xỏa ghi lại hình ảnh. Có lẽ chẳng có đại lộ nào trên thế giới lại có thể chụp ảnh cưới trên dải phân cách giữa dòng xe phóng như săn bắt cướp. Váy cưới bay vân vân như mây trắng tôn vinh nhan sắc cô dâu, phụ họa niềm kiêu hãnh của chú rể giữa muôn gió bụi đến mọi ngóc ngách thế giới thổi dọc Champs- Elysées.
Chẳng biết điều gì khiến những lứa đôi kia tự tin đến thế khi đứng giữa trung tâm thế giới chụp ảnh cưới mà như đang chụp ảnh ở đất nước mình? Có phải tuổi trẻ họ bất chấp hay là sự hợp dung thâm hậu, cởi mở của văn hóa Pháp? Gã tuk-tuk nổi hứng trước đèn đỏ làm hiệu với tôi: Nhảy xuống làm một kiểu ảnh đi. Thèm nhỏ dãi một kiểu ảnh trên tuk-tuck giữa đại lộ danh giá thênh thang này nhưng tôi không dám liều. Tiếng Pháp ú ớ, vải mẩu tiếng Anh dắt lưng luật pháp xứ người chẳng rành, nghe theo anh rệp* nhỡ pu-lít hoạnh họe thì thanh minh làm sao?
Nhưng tuk-tuk đã dừng bánh trước đèn đỏ. Gã lái nhảy phắt xuống chụp nhanh vài kiểu về phía tôi. Ào tới, công tử Ả rập ngồi xe mui trần khoái trá reo lên chỉ trỏ tuk-tuk, phanh đốt lốp như vừa phát hiện ra một tân thế giới, bàn tay phục phịch mỡ phủ lông đen mượt còn kịp với sang vỗ vào hông tuk tuk…Ô-là-la trước khi ga vọt đi.
Đèn trước khi chuyển sang vàng thì gã tuk tuk đã kịp nhảy lên ghế lái mím môi vít ga. Họng cay nghẹt khói, tôi thắc mắc:
- Động cơ chiếc xe có vấn đề, thứ nó thải ra quá ô nhiễm cho Paris, tại sao cảnh sát môi trường không cấm nhỉ ?
- Làm sao mà cấm tôi được khi nó là phương tiện cá nhân. Nó không ô nhiễm, anh cảm vậy thôi vì anh đang ở trên đại lộ đông phương tiện qua lại nhất thế giới. Tôi lái nó 4 năm hơn rồi, chẳng có ai cấm cả. Phải tuân thủ nghiêm ngặt các qui định về kỹ thuật, luật giao thông. Miễn là tôi có giấy phép, có đóng thuế đầy đủ.
Vừa lúc xuất hiện chiếc xe đạp lôi đang long nhong kiếm khách, người lái nằm ngửa mặt, chân đạp như bọ ngựa ngược lên trời, với dòng quảng cáo: Bạn có thể ngồi sau tôi đi khắp mọi nơi. Tuk-tuk cười khì: Đấy ông xem, gã kia còn cá tính gấp mấy lần tôi, mà hắn có gặp rắc rối nào đâu…Paris là cả thế giới, và thế giới trong một ngôi nhà Paris, mọi người có khả năng xoay xỏa đều có quyền ngẩng cao đầu ở này…Tôi là kẻ như vậy. Dù tôi là một gã trai nghèo từ tỉnh Troyes lên đây. Tôi không chiếm chỗ của ai cả. Tôi làm công việc của mình một cách lương thiện. Tôi chỉ thêm tôi vào cho Paris.
Tôi ngồi im mà chẳng kiếm được thêm thắc mắc nào hay hơn. Lộ trình tiếp đến là tòa nhà Thượng Viện rồi thẳng tới Nhà Thờ Đức Bà Paris, qua con cầu Pont-Neuf sang ngang dòng Seine nơi đầu dãy các hộp sắt sơn xanh bán sách ngoài trời. Tuk-tuk nán lại chờ, gã tài xế lại vắt vẻo ngồi buông chân bên thành xe quan sát sự đời. Quảng trường trước nhà thờ Đức Bà, trên mặt cầu du khách và cả những người Paris nhàn cư xúm xít xem các nghệ sỹ đường phố biểu diễn: Nàng Esmeranda hiện đại nuốt lửa, ném dao, xoay vòng bằng đầu, tượng nhân, vẽ truyền thần…; cùng nhau vỗ tay reo hò tán thưởng như là bao nhiêu năm trước khi Victor Hugo viết Nhà thờ Đức Bà Paris. Ngồi ở góc khuất kẻ khất thực say rượu ngủ vùi, trước mặt là chiếc bát chỏng chơ vài xu lẻ, bên con chó cũng nhẫn nhịn cúi đầu như chủ, chẳng dám sủa kẻ dám lại quá gần ông chủ của nó như tôi. Hoạt cảnh đường phố Paris bao nhiêu đêm xuyên thế kỷ không thay đổi mà chỉ cộng thêm và thay sắc màu hoặc hoán đổi.
Bên quán cafe vỉa hè nhìn ra bến métro Cluny-La Sorbonne, vị giáo sư hay nhà văn đạo mạo cắm cúi trước trang bản thảo không đếm xỉa đến ồn náo vây quanh, cổ áo veste thay cho cổ xếp nếp bồng.
Thế kỷ 21 là hình ảnh chiếc xe tuk- tuk thay cho con la. Con chó của người xin ăn vẫn vậy. Chỉ có điều ông chủ nó giờ thì mặc quần áo rằn ri. Có phải ông là cựu chiến binh hay chỉ là một kẻ say rượu tầm thường?
- Tuk-tuk là con ngựa may mắn cho anh?
- Chắc vậy. Hy vọng sau hai năm nữa tôi có thể về đánh nó về quê, trong túi rủng tiền để có thể cưới vợ. Ông có muốn biết ga métro nào có dàn nhạc chơi hay nhất không? Dàn nhạc Digan hoặc Đông Âu đều có cả.
Chưa đầy 40 phút tuk-tuk đã xiến đứt hơn 40 euros thì không đến nỗi là con ngựa chứng phản chủ. Tuk-tuk còn moi được tiền trong túi của kẻ chẳng lạ gì tuk-tuk! Cách gì thì tôi cũng phải đi métro, RER, taxi hay tàu TGV, máy bay…bất cứ đâu trên đất Pháp, nhưng tôi đã phải nèo thêm một cuốc tuk-tuk vì tuk-tuk quá đỗi gần thân…Mất tiền mà cảm giác hưng phấn, thú vị mãi ngân nga. Cùng một người ở tọa độ được hoan nghênh nhưng dịch sang vị trí khác lại bị ghẻ lạnh thì cũng bình thường. Vật thì cũng vậy…
Nhưng tôi vẫn cứ thấy làm sao ấy, có thể là chạnh lòng khi người Pháp mang tuk-tuk về Paris và ưu ái nó trên những con phố, những địa danh văn hóa, lịch sử vương giả nhất thế giới. Tuk-tuk có lỗi gì trong việc tắc đường ở Bangkok hay Sài Gòn? Tại ông thị trưởng ở những nơi đó quá nghiêm minh hay là do ông thị trưởng Paris gàn dở...thích sưu tầm những thứ bỏ đi của thế giới. Và đấy là biệt tài của người Pháp dù đụng vào những thứ đồng nát của người khác như tuk-tuk hay cây cột đá granit hồng từ Louxor - Ai Cập về Paris thời vua Louis-Philippe I trấn trên quảng trường Concorde thì chúng vụt trở thành tài sản văn hóa của nước Pháp.
Tôi lặng ngắm bóng thiếu phụ áo đen đang đi tới. Đêm Paris 22h mới thực sự mơn man bóng tối. Gã tuk-tuk toét cười nhận tiền, nhấc cao chiếc mũ hàng nhái Panama từ các chủ xưởng người Tàu chào ngọng bằng tiếng Việt.
Tuk tuk đỏ-trắng khuất sau góc phố bỗng ngoặt lại, gã chỉ tay vào địa chỉ bên hông xe. Vâng, tôi sẽ nhớ dù anh không nhắc. Tự hỏi, không biết lần sau ghé Paris, thứ phương tiện giao thông nào dưới chân tháp Eiffel nữa bị tẩy chay từ Đông Nam Á sẽ gạ gẫm thêm một chuyến du hành?
N.T.T.K
* Rệp: Lối gọi người gốc A-rập của người Việt ở Pháp.