CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Ký sự

SINGAPORE - NHÌN TỪ MẶT ĐẤT

Thứ bẩy ngày 29 tháng 9 năm 2012 6:02 PM

altSingapore chờ tôi bằng cơn giông nhiệt đới biển Hạ Châu* lúc đáp xuống phi trường Changi. Hơi nước sóng sánh bốc ngược từ mặt bê tông trong nắng gắt cuối thu khiến ta nhận ra nét quen Sài Gòn, nơi chênh một giờ về tối.

Mươi phút đi bộ và thang cuốn, mươi phút tiếp cho thủ tục nhập cảnh và nhận hành lý. Những cái nghiêng đầu duyên và nụ cười ấm hiện tự nhiên ở gương mặt nhân viên công vụ, dù người gốc Hoa, da sáng, người Mã lai nét tròn tóc đen hay người gốc Ấn da nhuôm bồ hóng, nét như điêu khắc lảu nhảu tiếng Tamil. Toán cảnh sát võ trang đi tuần cứng nhắc nhịp bước chân ngỗng cũng mang gương mặt thân thiện.

Giữa sân bay bóng rợn, teo quắt trong đồng phục bảo hộ tím than, một cụ già, choàng áo ghi-lê phản quanh người: bình nước, cặp gắp rác, xẻng, túi đeo thức ăn, tay lăm lăm chổi và xẻng làm từ thùng đựng dầu ăn. Bước chân tập tễnh, nhẫn nại đẩy xe rác.
 
Dấu tích thời thuộc địa Anh trong văn hóa giao thông còn hiển diện ở tên phố, tên đường và các chỉ dẫn di chuyển, đặt ngang tầm mắt người lái xe, lái bên phải đi về bên trái. Đường rộng. Thưa xe. Cây xanh bản địa ngăn nắp hai bên đường chấp chới nhiều cành, tán rộng, lá nhỏ, vẻ cổ kính, tuy không quá cao, trông xa như cây nhựa. Người Sing tận dụng mọi rẻo đất thừa thẹo hoặc các lan can cầu vượt trồng dây leo, cây bụi xén tỉa thành hàng rào. Các loại hoa nhiều màu sắc như hoa giấy, hoa đơn, hổ lốn kiểu cách Pháp, Trung, Nhật.

Quê hương của loài cau vua hình như đã bứng trụi thứ thân cây suôn nồng nỗng  chọc trời này xuất khẩu sang xứ Việt làm cột điện ngang dọc cho các khu đô thị mới xây nên hiếm hoi tôi mới nhìn thấy vài chòm thưa oặt suốt dọc đường từ sân bay về trung tâm thành phố. 

Thảm cỏ trước mặt tiền khách sạn Grand Mercure Roxy như tấm phông xanh làm dịu kết cấu kim loại và micar bị những vết chân chồng xéo quen thói đi tắt giẫm lên thành một đường mòn thô thiển. Tiện và nhanh hơn... chừng chục bước chân nếu ta đi đàng hoàng lối chính. Luật pháp nghiêm minh ở Sing cũng chịu thua lối mòn của những thói quen ngang tắt!

altKhách sạn Grand Mercure Roxy

Giữa cỏ hoa chen lá của thành phố sắc màu thơm mùi thuốc tẩy rửa sát trùng, lại thấy người già như dã nhân rọ roạy cắt tỉa.

Phòng tôi ở tầng mười bốn, phải chờ đợi thang máy mất một, hai phút để lên xuống. Dọc hành lang, các tủ kính bày hiện vật trong quá vãng phát triển của quốc đảo. Có cả bát, đĩa sắt, hoa văn xanh đỏ của nhà máy sắt tráng men “Hải Phòng”…lấm chấm bong men, rạn vỡ lớp sơn sứ!!!

Khách sạn bốn sao, thuộc tập đoàn Accor của Pháp, nội thất cũ cổ với màu thảm lót và rèm cửa buồn tẻ. Hệ thống vòi tắm ngắn ngủn, gắn cố thủ vào tường bất tiện cho các công năng. Cách dè sẻn tới từng bộ dao cạo râu, không được bày sẵn trong buồng tắm nếu không hỏi, làm người ta liên tưởng tới “Lão hà tiện” của cụ Molière.

alt Bảo tàng lịch sử quốc gia

Khao khát biến đồ vật phủ bụi thời gian thành ngọc quý, người Sing gom góp không sót bất kỳ thứ gì của quá khứ: từ chiếc ghim cài tóc đến tờ hóa đơn thuế. Vỉa hè các phố cổ, từng viên gạch vỡ, từng thanh gỗ lát đã xuống mình mục oải cũng còn nguyên trạng. Ngôi nhà hát của người Hoa trơ trọi mấy bức tường, lè tè điếm canh đê, màu sơn đỏ tịm gợi đến bộ mặt các diễn viên Kinh kịch, được quây rào nghiêm cẩn, cắm biển chờ trùng tu trang trọng như Nhà hát Opéra Garnier giữa Paris. Bảo tàng lịch sử quốc gia Sing vẻ ngoài uy nghi bề thế ngỡ Hermitage tận Saint-Petersbourg; vẫn chăm chắm chờ ky cóp. Số lượng hiện vật phô bày hiện có tương đương với bảo tàng tỉnh lẻ Việt Nam.

alt

Hiện vật trong bảo tàng

Vua Nebuchadnezzar và nàng Amytis hồi trần chắc hẳn sẽ lạc bước về vườn treo Sands Sky Park của kiến trúc sư Do Thái Moshe Safidie, chất ngất trên độ cao tưởng tháp Eiffel hay choáng váng giữa sòng casino của LasVegas. Mải mê với các thương hiệu tên tuổi Chanel, Gucci, Hermès, Louis Vuitton, vương hậu sẽ chẳng có thời gian nào mà buồn nhớ quê hương. Khối thép trắng giống như hình ảnh con cá voi khổng lồ lướt sóng trườn qua đỉnh ba tháp nhà hướng ra đại dương dẫn đường về vườn treo Babylone cổ đại.

Ngạo nghễ tượng đài sư tử biển phun nước, biểu tượng cho sự giàu có và thịnh vượng của quốc đảo...

alt

Nhà hát cổ chờ trùng tu 

Tổ hợp quán ăn bày các món truyền thống của các tộc người Sing: mỳ sợi, bánh phở chan nước dùng đậm đặc vị hải sản, các món chiên xào đẫm dầu mỡ được hiển thị bằng ảnh chụp rõ nét, kèm theo giá tiền. Dãy quán được bố trí chạy quanh tường. Khoảng giữa lối đi kê bàn ghế.

Có lẽ món ăn quốc hồn quốc túy của người Sing là mỳ. Mỳ nước và mỳ khô. Nước dùng hầm cá cơm khô với hạt đậu tương và tạp phí lù viên cua, viên mực, viên thịt, đậu phụ rán, váng đậu, nấm, giá đỗ, rau muống, ớt ngọt, râu mực, chân cua....tôm nõn. Cách chế biến gia giảm như người Việt trình diễn nghệ thuật thao tác một bát phở.

Gia vị nêm nếm là tương: cay, chua, ngọt, mặn...Mỗi bát giá cao nhất khoảng 4,5 đô Sing. Khách thích mỳ khô thì chỉ chần mỳ trộn với nước tương đen.

Các ông chủ bà chủ hàng ăn ở Sing là những người bán hàng vô tư nhất thế giới vì không căng thẳng cạnh tranh với hàng quán liền bên, luôn phảng phất nụ cười khi thấy khách. Mỏi chân mình có ngồi luôn trước quầy hàng của họ nhưng lại mua hàng người góc đối diện cũng chẳng sao. Vẻ điềm tĩnh thanh thản thường trực. Họ tự tin không khách này mua đã có khách khác mua chăng? Cũng như họ tự tin đất nước này không thiếu vắng khách du lịch vì tò mò trước thành tích nhuốm màu huyền thoại của họ...

Lại những người già làm tạp vụ, dọn mâm bát, lau bàn ghế. Khăn mặt vắt vai, áo đồng phục. Đẩy chổi lau tiến tiến lui lui. Chân tay khấp khiểng, nhưng khéo léo. Gương mặt vô cảm, y như thứ robot đã lập trình. Khó mà ngon miệng khi mục kích cảnh người già lọ mọ cắm mặt chờ mình ăn xong để dọn dẹp...

Mặt bàn kính, mặt bàn nhựa vẻ khô ráo nhưng dấp dính. Đâu đâu cũng bát nhựa đĩa nhựa đũa nhựa xô nhựa xẻng hót rác nhựa chổi nhựa....vũ điệu nhựa tràn lan. Đời sống thị dân hiện đại của một đất nước phát triển bỗng hiện ra trơn tuột qua đồ nhựa.

Tạm bợ, qua quýt trong những đồ nhựa...

Khu Ấn kiều cách khách sạn tôi ở khoảng 10 đô Sing taxi. Đúng vào dịp chuẩn bị đón lễ hội Diwali, Năm Mới của người Ấn, còn gọi là lễ hội Ánh sáng, giăng suốt trục đường dài bốn năm cây số, đèn hoa giao nhau uốn lượn trên các cột điện, tạo nên tấm thảm với các chi tiết hoa văn màu sắc rực rỡ, thể hiện niềm vui, lòng thành kính ngưỡng mộ đấng tối cao. Hai bên vỉa hè san sát cửa hàng, đồ ăn Ấn, mỹ phẩm, thời trang, hệt Hàng Ngang, Hàng Đào. Tối muộn mà người chen người vẫn sin sít trên hè, cách khoảng ngang tay là có thể chạm vào thành xe bus hai tầng nghều nghễu phóng tốc độ cao, nhưng không ai bị đẩy xuống lòng đường loáng loáng xe bởi người ta đã thận trọng dựng lên một hàng song sắt chắn sát mép đường dù trông không được thẩm mỹ cho lắm. Có thể cảm nhận một không gian văn hóa hoàn toàn Ấn, cũng đủ sức mạnh bảo thủ như văn hóa Hán, ích kỷ như chỉ biết đến giá trị tự thân của nó. Túm năm tụm ba từng nhóm thanh niên, vẻ nghiêm trọng, tay đút túi quần, hút thuốc, chuyện phiếm. Các quí ông râu xồm bụng phệ như đeo trống, bóng nhẫy, dẫn theo bà vợ cũng phương phi không kém, trán điểm chấm son, tay xách nách kẹp các túi đồ và đàn con lốc nhốc bốn năm đứa đằng sau...

Đường phố oi nồng, ngậy mùi dầu ăn, mùi bánh mỳ nướng. Hình như hơi dầu ăn đã tráng một lớp chất lỏng mờ nhờn trên mọi gương mặt người bản địa. Hiệu ăn nào cũng ánh lên màu vàng của bột cà ri, sền sệt sữa dừa và thịt gà.

Hàng hóa ê hề  nhưng chất lượng kém. Cảm giác ấm lòng khi ta chạm vào chiếc áo chemise made in Viet Nam. Tuy cũng chỉ là hàng gia công ở Sài Gòn, nhưng chất lượng hơn hẳn mớ quần áo đang bày nhan nhản dọc hai bên đường.

Và cũng bóng người già như xác sấy khô, cặm cụi bên thùng rác, ể oải vung những nhát chổi ơ hờ.

altThấm mệt, tôi tìm kiếm taxi. Qua nhiều con phố mới thấy vô số cống rãnh lộ thiên, không được rào chắn, che đậy bảo hiểm phả mùi xú uế nồng nặc ngay trước của hàng cửa hiệu, dưới ánh đèn tù mù. Thậm chí có con phố chỉ trơ những cột đèn han gỉ.

Tôi chắc người đi bộ lớ xớ sẽ thụt xuống cống rãnh kia không tăm tích.

Cả tiếng đồng hồ, taxi, chiếc chật người, chiếc trống phóng ào ào như đang đến giờ giao ca. Một thanh niên khuyên tôi nên trở về khách sạn bằng xe bus, không hy vọng kiếm taxi giờ này ở khu Ấn kiều.

Leo đại lên một chiếc bus, tôi nhã nhặn hỏi tuyến xe về khách sạn.  Lái xe gốc Hoa cười ok chu đáo mời đứng ngay bên cạnh. Hai tầng nhà di động, một người lái, điều hòa mát lạnh. Cư dân Sing dùng thẻ điện tử quẹt chíp một tiếng. Khách du lịch tự động thả tiền vào chiếc hộp ngang chỗ lái xe ngồi. Từ trên cao nhìn xuống, bus và taxi chạy ra ngoại thành đều  ngột ngạt chật cứng khách. Những chiếc xe bong tróc sơn, phun khói dầu diezen chẳng kém công nông xứ Việt, một hình ảnh trái chiều với dòng xe bóng loáng, êm ru lưu hành nội đô...

Sau hai lần được các bác tài hướng dẫn chuyển xe bus, tôi trở về đúng vị trí xuất phát lúc quá nửa đêm.

Sau đêm mưa, tám giờ, các cửa hiệu vẫn đóng kín. Đường phố thưa vắng. Người Sing áp dụng chế độ làm lệch giờ. Bước chân xuống sảnh khách sạn, lập tức mùi thuốc tẩy trùng hăng xịt tóa lên cay mũi.

 Ngang qua dãy phố căn hộ kề tường của các viên chức trung lưu, nhà xinh, gọn như chuồng chim câu, chiều cao đồng đều dù kiến trúc khác nhau với dãy ô tô đậu trước phơi nắng mưa. Cặp vợ chồng trẻ chủ quán thấy tôi lơ ngơ giơ cao tay chào thân thiện.

Quán ăn duy nhất có màu xanh của rau. Không gian tổ hợp tựa lưng dọc theo bốn chiều tường gạch quen thuộc như các trung tâm thương mại lớn nhỏ trong thành phố, nằm dưới tầng hầm.

Trần tầng hầm sơn xám, thấm nước loang quầng như nấm mốc, bám nhằng nhịt đường ống nước, ga, dây điện, thông khí, hơi dầu rán đọng lấm chấm như bầy rận no tròn cớm nắng.

 Ông chủ gốc Hoa chừng bốn mươi, thấp, mập, ngây ngô nụ cười: áo pull cổ bẻ, quần lửng, dép xốp. Từ đầu đến chân vương vãi dầu rán, bột chiên, lẫn mồ hôi, chẳng khác gã Tàu bán lạc rang húng lìu hoặc tàu hũ ở Chợ Lớn. Người Sing chưa có điều luật cấm mặc đồ bẩn và tác phong luộm thuộn khi bán hàng thì phải.

Nhận ra tôi là khách Việt, anh chạy vào bếp cầm tay cô gái trắng xinh như nữ sinh trung học. Cô gái cất tiếng chào. Ôi, giọng miền Nam nước Việt giữa xứ người. Tim tôi rộn lên. Cô gái giới thiệu tên: Mơ-người Tây Ninh, lấy chồng Sing qua môi giới hôn nhân đã bảy năm.

Phút trước phút sau Mơ mở chiếc điện thoại khoe ảnh con trai. Anh chồng sợ thiệt cũng bật điện thoại sứt sẹo: ảnh vợ bế cậu bé  sáu tuổi kháu khỉnh, cười như hoa.

alt

Tổ hợp quán ăn

Tôi giúp vợ chồng Mơ nhặt rau muống. Rau nhập từ Malaysia và Việt Nam. Nhìn họ như đôi đũa lệch, một thoáng ái ngại lướt qua tôi. Mơ cởi mở:

- Cũng có một ổng là viên chức Sing, lương cao ưng con làm vợ. Ông đẹp hơn ông xã con đây. Nhưng lấy ổng thì con chỉ ru rú ở nhà chăm con, coi nhà cho ổng, đâu được ra ngoài đi đây đi đó. Con sẽ phụ thuộc vào từng đồng tiền ông đưa, lấy đâu tiền gửi về giúp ba má. Vậy nên con lấy ảnh đây, làm ra đồng tiền để còn được làm chủ đồng tiền....Thôi thì người ta xấu chút nhưng mà cũng dễ thương, một lòng một dạ vì vợ con...

Ừ, thân em như hạt mưa sa...Nếu tính được thì cứ tính cho hạt mưa rơi đúng nơi chốn đỡ phiền lòng nhất. Chẳng biết một mai khi có tiền rồi, liệu Mơ còn nghĩ như vậy nữa không?

Trong khi hai vợ chồng mải chuyện, ông lão quắc thước, giống viên chức hồi hưu hơn là một người từng bán mỳ xách túi hành đi vào. Ông lặng lẽ nhặt từ lá úa, từng mẩu rễ đen, rửa sạch, xắn ngắn bỏ vào chiếc đĩa nhựa vàng nhạt, nông toèn. Ông là bố chồng Mơ.

Vợ chồng Mơ thừa hưởng điểm bán hàng từ mẹ chồng. Tiền thuê quầy 5000 đô Sing mỗi tháng. Nhiều hôm đông khách mướt mồ hôi, bố chồng, chị chồng cùng ra phụ nhặt rau, rán đậu. Người chồng  có mặt từ sáu giờ sáng đến tám giờ tối dọn hàng xong mới về.

Quán chỉ có độc món xúp chủ vị với mỳ hoặc bánh phở. Riêng “phụ kiện” được xếp theo từng loại cho khách tự chọn: mỗi viên cua, miếng đậu phụ, con tôm...giá 0.40 xu Sing, lấy bao nhiêu tính bấy nhiêu. Không hiểu sao, bát của tôi dù có nhặt đầy hụ thì vẫn một giá. Thì ra, vợ chồng Mơ không tính với tôi.

-  Ở Sing có ăn cắp không?

Mơ cười lỏn lẻn:

- Ui chú ơi, ở đâu mà chẳng có ăn cắp. Ngày trước mới bán hàng con tưởng dân Sing không biết ăn cắp. Ngay như bà hàng xóm nhà con giàu sụ, con cái đi làm cho nhà nước, nhưng đến đây mua hàng vẫn lén bỏ vào túi nilon trong túi đeo vai từng viên mực chiên, từng mẩu râu mực…Họ cũng mặc cả từng viên, cãi mười sang tám, đâu có khác chợ Bến Thành...
 

- Bao giờ mua ô tô?
 

- Mua bây giờ cũng được, nhưng ông xã con nói không thích vì tốn kém lắm. Tiền mua không sợ bằng tiền chi phí sau khi mua. Tiền đó để cho con trai sau này. Và dư ra thì gửi về giúp ba má bên Việt Nam...

Chỉ sang quầy bán cháo cá bên cạnh, Mơ nói.

- Hai ông bà mở quầy hàng bán cho vui. Hàng ngày lái siêu xe đi làm. Đi muộn về sớm. Được cái món cháo cá của họ ngon quắt lưỡi. Chú hôm nào qua đó nếm thử coi.

Tôi đã kịp thấy cái quầy không người trông nom. Có người giao hàng bỏ mối vừa đến mở vung, trút một hộp cá ngừ vào thùng nước dùng rồi cứ việc bỏ đi.

- Quanh đây có người Việt mình nhiều không ?

- Tìm người Việt mình đâu có khó. Cách đây một con đường, bên khu G., cứ tối rất nhiều gái Việt xuất hiện. Họ sang đây du lịch, mua sắm, làm osin...và làm gái nữa.

Một cô gái nhỏ nhắn, trang phục công sở, xanh đen, sọc trắng, vẻ sắc sảo thông minh hiện trên gương mặt sáng, kính cận, túi LV to bằng nửa người, tay cầm chiếc ví cũng hiệu LV, bước vào quán, chào Mơ và ngó nghiêng tự nhiên như người nhà. 

Thủy - ấy là tên Việt. Claudia, tên giao tiếp ở Sing cho tiện vì không thể dùng cái tên có thanh điệu với người nước ngoài. Mỳ luộc trộn nước tương đen, thức điểm tâm Thủy Claudia lựa chọn. Vài câu xã giao, cô gái gốc Hà Nội đã liến thoắng thông tin về mình.

Ở Sing mười năm, học trường Anh, nay làm quản trị kinh doanh cho hãng bất động sản lớn nhất đảo quốc: Fareast. Thông thạo Anh ngữ, Hoa ngữ. Đã hơn ba mươi, nhưng chưa lập gia đình, dù yêu đôi lần. Cô chán Sing vì cái vẻ nhạt nhẽo khô cứng của nó. Hà Lan có lẽ là cái đích sẽ nhắm tới nếu từ bỏ công việc ở đây. Lương hai ngàn đô Mỹ chỉ tùng tiệm ở xứ mà đẳng cấp đã phân chia rõ rệt. Không thể mua sắm trong các trung tâm thương mại bình dân, mà mua đồ hiệu để trưng, thì lương đó chẳng thấm...

Lem lẻm nghiền thức ăn, Thủy Claudia lục túi lấy khăn giấy lau nước tương đen vương quanh môi. Quán hàng không có giấy cho khách lau miệng, cũng chẳng có thùng đựng rác cho mỗi bàn.

Nhìn ông già tập tễnh đẩy chổi lau nhẫn nại, đứng sát tường nhăm nhăm chờ mình ăn xong để dọn, cô gái thở dài:

- Sing ở Á châu, nhưng lại mang toàn bộ mô hình phát triển của châu Âu từ luật pháp đến những tập tính xã hội khác nên đời sống khá căng thẳng. Dân số Sing đang già chóng mặt. Họ thiếu hụt nhân công ở mọi lĩnh vực từ lao động phổ thông lẫn cao cấp. Người về hưu thì vào viện dưỡng lão. Con cái tách biệt với cha mẹ. Nhiều người già bị sang chấn tâm lý. Muốn hòa nhập với xã hội, họ phải xin ra ngoài làm tạp vụ. Một trong hai lý do giải thích cho việc đâu đâu anh cũng thấy người già  Sing còm cõi lao động chân tay...

altCông nhân xây dựng trở về khu tập thể sau giờ làm việc

Tôi nhớ đến bữa sáng ở khu Chinatown. Vẫn đặc trưng các quầy bán tập trung rải theo các lối đi, các ngõ ngách nóng nực, chen chúc. Trong nửa tiếng của sáng chủ nhật, tôi đã đếm được sáu mươi người già đi ăn sáng thì gần nửa số đó họ cần người thân trợ giúp của người thân hoặc xe lăn điện. Khí hậu Sing nóng ẩm, là lý do nhiều người mắc chứng xương khớp?!
 

- Văn hóa nghệ thuật của Sing hẳn ấn tượng?

Cô nhoẻn cười, vét nốt sợi mỳ trong bát:

- Điện ảnh, truyền hình nặng về giải trí. Văn học nhạt nhẽo. Lèo tèo mấy nhà thơ nhà văn. Em không đọc nổi họ. Chỉ tranh của họa sĩ khắp thế giới đang khuân về bày triển lãm ở đây là đáng xem. Người Sing đủ khôn để nhận ra sở đoản. Tiền bạc do các kỹ nghệ dịch vụ mang lại chưa đủ an tâm, họ đang nới rộng tham vọng trở thành một trung tâm nghệ thuật quốc tế lớn. Nhà nước rất nỗ lực quảng bá văn hóa ở Singapore bằng tiền tài trợ !
 

- Sao Thủy không nghĩ về bên nhà làm việc...

- Về ư, những người quen phong cách công vụ thẳng băng như em thì làm sao trụ nổi. Nhưng ra đi mãi thì cũng phải có ngày về....

Cô cười buồn, nhìn sang Mơ…xem đồng hồ, khoác túi: “Đến giờ meeting. Em chào anh nhé!”. Mải bước, cô đụng đầu vào cánh cửa kính, rồi cũng thoát ra tới hàng lang tối om để trèo lên đại lộ./.

*********

Trước giờ rời Singapore, tôi lội bộ đến dùng bữa sáng.

Tổ hợp Marina Bay Sands chìm dưới mưa mờ. Lại món mỳ muôn thuở của cư dân bản địa và những ai đang sống ở đây. Mưa rơi phía đảo Sentosa. Tôi đã tiêu hết chút tò mò với quốc đảo và chẳng thích thú gì cầm lon coca-cola hay khui nắp chai bia Tigre để so sánh mùi vị của nó với các tọa độ khác hoặc đứng chạng chân trước tượng hải sư chụp ảnh ghi dấu nơi mình đặt bước.

Ý chí, nhẫn nhịn và khôn khéo, nhưng họ đang căng thẳng...Họ nghèo nàn, tẻ nhạt đâu đó trong các bước chân lầm lụi của người già, dẫu họ mang cả thế giới bóng bẩy về phô diễn nhồi nhét trong ngôi nhà của mình.

Nước Việt của tôi đâu thiếu những vịnh biển mê hồn. Rồng Việt vẽ nét soi sóng Thái Bình Dương.

Bàn tay Mơ bé nhỏ. Tạm biệt em. Lời hẹn ngày trở lại còn xa lắm. Hình như ngấn nước loang mờ đôi mắt đen khi tôi quay bước. Người chồng ơ ơ đứng bên cũng giơ bàn tay loáng mỡ lên chào. Nụ cười ngây trên gương mặt phấp phỏng âu lo bên người cha thượt vai thở dốc trước nồi nước dùng sùng sục khói…
 

Singapore - Tháng 11 năm 2011.

 N.T.T.K.

 

* Hạ Châu- tên cũ của Singapore.

Bình luận

        Rất hân hạnh, bạn là người đầu tiên gửi lời bình luận đến chúng tôi !
Gửi lời bình
  • Mã xác nhận
  •  
  • Họ tên
  • Email
  • Nội dung
Chia sẻ trên Facebook