1.Vọng cảnh nơi sân thượng Shangri-La hotel hoặc bên sông Seine, tôi đã thấy thời gian là một thứ cũng dư thừa như nhan sắc và tiền bạc ở Paris. Kẻ lững đững dắt chó dạo, người café ươn ao sưởi nắng và những cặp tình nhân mắt đắm mắt bên ke sông thì tiếng chuông báo giờ nhà thờ Đức Bà cũng không mấy ý nghĩa.
Và khi hạ bước dưới đường ngầm vô tình ta biết một Paris khác ẩn dưới lòng đất. Cạnh những mỏ đá hoang ẩm, những hầm nghĩa địa quanh co bảo yên hài cốt và những cống ngầm của Victor Hugo là Paris với vẻ mặt hốc hác chứa đầy bóng tối, hối hả trong những toa kim loại rít ken két, giật bổ chửng khi dừng khi hãm bất kể ngày đêm. Một Paris hổn hển, chen lấn nơm nớp thiếu thời gian…
2.Métro parisien - mười sáu tuyến và hai trăm chín tám bến của hơn hai trăm ki-lô-mét nổi chìm liên thông mạng nhện dưới độ sâu từ hai mươi đến bốn mươi mét không đồng nhất do kết cấu địa tầng. Các bến métro được trang trí phong cách Art Nouveau. Màu sắc dịu nâu, xanh mù tạt, màu tím, vàng, tím hoa cà và xanh lam phổ vào hình ảnh của hoa, rễ, nụ, mạng nhện, lông công và đường cong phức hợp. Gần hai tỷ lượt hành khách hàng năm qua lại dưới những mái vòm bến đỗ không gian nghệ thuật cổ điển và hiện đại, chẳng mấy ai dư thời gian dừng lại thưởng lãm. Có chăng lèo tèo du khách đã thông tỏ ngóc ngách Paris thì mới bình tâm ngắm bích họa trên vách và trần bến được dán bởi các viên gạch gốm men màu hình vuông hoặc chữ nhật…
Bến Cluny La Sorbonne
3.Giờ làm ở Paris từ tám giờ ba mươi đến mười bảy giờ ba mươi.Tùy công việc và tùy mùa mà đến sớm hay muộn, miễn đủ ba nhăm đến ba bảy giờ mỗi tuần, dù tư nhân hay nhà nước. Sống ở vùng ven thì phải chuẩn bị trước ba bốn tiếng cho bữa sáng và di chuyển trên những phương tiện khác nhau trước khi tới bến métro đầu tiên của ngoại ô đặng kịp giờ làm. Mà người làm công ăn lương trong thành phố nào chẳng sống ở ngoại ô. Sẵn ô tô nhưng mấy ai, kể cả những ông chủ lớn dám chọn phương tiện cá nhân này. Nó quá mạo hiểm. Giờ cao điểm, Paris cũng lâm nạn tắc đường như Bangkok như Hà Nội.
Tôi suýt ngất vì nóng và thiếu dưỡng trên chuyến buýt từ sân bay vào Paris. Do nghẽn lối mà gã lái da màu keo kiệt chỉ bật quạt và mở cửa lạnh vù vù chĩa vào ghế lái. Mấy ông bà già ngồi phía trên khẩn khoản xin tăng độ lạnh, gã trơ tráo đáp:
- Tôi sắp thành kem đây này! Các ông các bà đều đang chửa cả hay sao mà kêu nóng luôn miệng như dê đói ăn thế!
Tránh ùn tắc, người vào Paris chỉ có một lựa chọn khôn ngoan là dùng métro. Nhưng tàu phương tiện này cũng chậm, nếu như anh không biết đua marathon và có chút kỹ năng của bóng bầu dục, quăng thân lăn xả qua cửa toa, bất chấp hình vẽ con thỏ hồng la lối bị kẹp tay chân trên tấm biển cảnh báo. Va vào đâu cũng được, miễn là đừng bị dộng vào mặt. Bị chậm thì chỉ có thể trách mình yếu đuối, chứ không đổ lỗi cho thiên hạ. Đã chậm một bến thì lỡ luôn bến chuyển tiếp theo. Mỗi lần chậm đôi phút, cộng dồn mươi bến là phăng teo mười lăm hai mươi phút ngon ơ.
Buổi sáng, nếu là mùa hè thì còn thấy sắc màu tươi sáng. Nhưng mùa đông nhòa một màu đen xám nhúc nhích nơi họng cầu thang hút xuống khúc khuỷu bậc thang rầm rầm bước chân, phì phào nhịp thở và ngổn ngang valise, túi kéo ken cứng. Đây là nơi duy nhất ở Paris ta có thể va chạm mà không bị chiếu ánh mắt lạnh lùng. Tự dưng không quen biết, nhưng người ta sẵn lòng giúp nhau dịch chuyển một túi đồ, né thân nhích vào hoặc kéo ta lên nếu ta lỡ trớn chới với bên ngoài toa để cánh cửa kịp đóng khi bánh sắt rít lên…
Tinh thần bình đẳng, bác ái có thể thấy le lói sáng ở nơi này. Có thể là như thế, mà cũng có thể là ai cũng bị sợ chậm dây chuyền, người đằng trước không thoát thì làm sao mình thoát.
4.Trên đường ke hay ở trong toa, dù là cô người mẫu xinh ngời nồng hương J’adore của Dior hoặc ông chủ lớn phưỡn bụng ngái mùi cigare, văn phòng ở đại lộ Champs-Elysées thì cũng chẳng khác ông lão gác cổng, cùng đứng cùng ngồi, vai sánh vai, thân bên thân cùng lắc lư dập dúi vào nhau khi dừng đỗ. Tàu lướt đi: giật, rung, lắc đám người vón cục, lèn cứng như bầy cá trong tảng băng bỗng được nới lỏng bởi rã đông. Trong quầng sáng đèn trần, bà già đội mũ trùm ngoáy ngoáy kim đan. Anh thư ký chứng khoán há hốc ôm chiếc cặp ngủ mót. Cậu sinh viên mở sách đọc, để yên cho bạn gái ngả đầu lên lòng. Cô gái da màu giúp việc duỗi cong bàn tay ngắm chiếc nhẫn mặt đá hồng ngọc giả to như trứng cút. Thiếu phụ châu Á trong bộ đồ đen kín đáo quay mặt vào góc soi gương kiểm tra lại son môi chợt nhận ra bên cạnh bà còng lưng, dắt cháu gái cồng kềnh áo ấm như cuộn rơm, liền dứng dậy nhường ghế.
Bến dừng đầu tiên. Lịch bịch, người ào vào cửa toa. Không gian cá nhân lại bị co thêm một chút. Một vài bóng đen bắt đầu cựa quậy. Ấy là loại khách đi tàu nhưng không bao giờ phải trả tiền. Họ bám vào mỗi chuyến tàu như một thứ ký sinh kiếm miếng sống. Đội ngũ những kẻ ăn xin. Gã bán báo xương xẩu, trễ túi vải trước bụng lèo xèo xấp báo, beret sụp trán, khuơ tờ báo đăng tin Dominique Strauss-Kahn gặp sự cố tình ái. Có lẽ báo chỉ là cái cớ. Gã cất tiếng rao bán, như đọc diễn từ ở một hội nghị chống thất nghiệp:
- Không kiếm được việc, không vốn liếng và cũng không muốn làm phong phú hơn bầy người ăn xin vốn đã đông đúc nên tôi bán báo này trong lúc chờ đợi xin được việc. Tất nhiên ít người quan tâm đến tờ báo tôi đang rao, nhưng để đỡ tủi lòng tôi khỏi mang tiếng ngửa tay xin ăn. Ai là ông chủ bà chủ trên tàu đây, nếu thấy hình hài tôi khỏe mạnh, giọng tôi tốt, có bất kể việc gì hãy thử đề nghị tôi... Chẳng những giảm số lượng người ăn xin thất nghiệp cho xã hội, công ty của ông bà còn được chính phủ bớt thuế. Nếu không phải là ông chủ bà chủ thì mua báo cho tôi, không có tiền lẻ thì cho tôi một cái ticket ăn trưa cũng được. Ông bà chỉ bị mất một bữa trưa còn một ticket của ông bà tôi hứa sẽ ăn năm bữa.
Mọi người mỉm cười, nhún vai giãn ra cho gã bán báo. Ai đó đã thả vào tay gã những xu lẻ và cả ticket bữa trưa công sở bảy euros. Khụt khịt gã vừa khuất thì một tay mặt phị bán hàng lách đến. Ông ta bán những băng vải cùng vòng đeo tay được kết bằng chỉ nhiều màu tương tự như vòng cầu phúc của đồng bào Tây Nguyên hay mấy bà già, trẻ con Hmôngz ở Sa Pa vẫn nài bán cho khách. Bàn tay ấp ngực, ông ta cất giọng trầm khàn :
- Thưa các quý ông quý bà, đây là những chiếc vòng may mắn do con gái tôi làm, để thể hiện lòng biết ơn của ông bà đã cho tôi tiền xu. Ông bà có thể lấy, không thích thì không lấy, đó là quyền tự do của ông bà. Riêng tôi thì tiền cho bao nhiêu tôi cũng nhận. Chiếc vòng này có thể mang lại may mắn cho các cô các bà, các em các cháu trong gia đình ông bà, bởi nó là vật chứng ghi nhận lòng hảo tâm của ông bà…
Trên tàu, các hành khất gia hiểu rằng phải cạnh tranh không ít đồng nghiệp nên các lời lẽ ăn xin thường được chủ nhân "lao động" kỹ càng với hy vọng may mắn hơn kẻ khác. Gây sốc. Kích mủi lòng, tạo hài hước, tất cả cũng chỉ nhằm thiên hạ tự nguyện mở ví...
Có kẻ giấu mặt, ăn xin bằng cách đặt lên mỗi cái ghế trống một móc treo chìa khóa đủ loại khác nhau kèm mẩu giấy tôi là người câm điếc. Ai muốn thì lấy, để lên đó một vài euros. Thường thì kẻ ăn xin không chịu há mồm kia không thu được gì mấy vì người ta nghi hoặc thật giả. Lượn hết một lượt tàu họ đành lượm lại thứ mà họ đặt trên ghế trống còn nguyên trạng.
Cô bé Digan dạt từ Roumanie sang vừa trật vú cho con bú vừa đi xin. Những ánh mắt hành khách Pháp biểu đạt sự phản cảm. Hình như với họ thì người mẹ trẻ kia đang hành hạ em bé có chủ ý và phụ nữ vạch vú ra như vậy là quá trơ trẽn nên họ vẫn nguội lòng khoanh tay. Cô Digan vẻ bất cần, hằn học ném cái nhìn ác cảm, tuyệt vọng với mọi người trên tàu.
Cậu thanh niên bảnh với chiếc áo gilet kẻ ka rô vàng tím, nhưng có vẻ lười tắm giặt, đã thực sự gây ấn tượng với tôi bằng giọng điệu của một chính khách:
- Tôi thực sự đau lòng phải trông cậy vào các ông các bà giúp đỡ cho một vài xu lẻ ngày hôm nay đặng để ăn và có tiền mua sách vở cho chương trình đang theo học. Tháng này tôi chỉ thiếu một trăm năm mươi euros thôi. Đúng là tôi đang làm một điều không phải, thời khủng hoảng kiếm được việc làm không dễ, không có việc làm vẫn phải ăn, vẫn phải mưu cầu thăng tiến. Nhưng xét cho cùng tôi là người đàng hoàng, lao động vất vả chỉ vì muốn vươn lên thoát khỏi bần hàn. Tôi lương thiện, hoàn toàn lương thiện gấp bội lần những kẻ giả vờ thất nghiệp, giả vờ bệnh tật, giả vờ học hành, giả vờ kết hôn chỉ để kiếm mấy đồng trợ cấp thất nghiệp của chính phủ và chất thêm gánh nặng thuế khóa lên lưng quý vị. Các vị đang lao động để nuôi béo một nước Pháp không xứng đáng với những đồng tiền mồ hôi nước mắt. Vậy các hãy lựa chọn đi, giúp đỡ một người chân chính như tôi đây hay là dung dưỡng cho bọn người vô liêm sỉ kia….
Thiếu phụ châu Á đưa hai ticket ăn trưa. Ông chủ lần túi áo veston…cô người mẫu tiếp theo. Mấy cậu sinh viên, rồi cả bà già cũng lục xắc đeo. Một cơn địa chấn nho nhỏ lan truyền kích đám đông lần lượt moi tiền đưa cho chàng ăn xin gilet kẻ ka rô vàng tím.
5. Ở Paris mọi cậy nhờ xin xỏ nên diễn ra vào đầu giờ làm việc buổi sáng, khi mà ai cũng vui vẻ, hy vọng vào một ngày tốt lành và nhất là còn đủ tỉnh táo để lắng nghe vấn đề của anh. Vì vậy người ăn xin cũng lao động rầm rộ vào khoảng thời gian này trên mỗi chuyến tàu thì phải. Người Pháp, giúp đỡ hay cho mấy xu buổi sáng sớm, hoặc đầu tháng không phải là vấn đề kiêng cữ mất lộc mà là niềm vui làm việc thiện. Ở Việt thì người ta hẳn sầm mặt khi bị hỏi đổi tiền, đổi hàng hoặc nữa là kẻ ăn xin khốn khổ nào đó xuất hiện trước cửa hàng, cửa hiệu chìa tay cầu bố thí vào buổi sáng. Nhưng sẽ vui vẻ rón tay moi mấy đồng lẻ lúc cuối chiều ngồi quán bia hay tan buổi chợ…
Thu mình trong métro cuối ngày trở ra ngoại ô Paris tôi bỗng nhận ra bao nhiêu sắc khí Pháp hài hước tươi mới của buổi sáng đã tiêu tan trong các văn phòng, các công xưởng và các cuộc việt dã lắt nhắt trước các bến tàu, bến buýt. Đám người dật dờ trong nhàu nhĩ và tơi tả. Nín lặng, chẳng ai còn sức quẫy đạp, tranh giành mà thụ động để cho cả tập hợp người xô đẩy lọt qua cửa tàu. Ai đó rã rời vào góc ghế, vật đờ ra thiu thiu ngủ. Ai sắp xuống bến thì cố cưỡng lại cơn buồn ngủ, nhưng mi mắt nhướn cố lên lại sụp xuống. Nơi góc toa các trụ chống phình ra khúc giữa chia ba nhánh làm tay vịn, cả một chùm người cúi gục vào nhau đu đưa như đang có câu chuyện to nhỏ. Khi tàu phanh gấp mấy cái đầu lại cụng nhau côm cốp, ai nấy giật mình: Oh, je sui désolé...! (Ôi, tôi xin lỗi). Mồ hôi của một ngày trên cơ thể, ẩm mốc trong những chiếc áo khoác vài năm chưa biết vòng quay máy giặt, thức ăn nhiều tỏi, giàu bơ lẩn trong hơi thở, thuốc sát trùng, son phấn nước hoa, sức nóng của động cơ hoạt động liên tục, bụi do xung lực của những má phanh bị mài mòn, cùng tấu lên một hổ lốn mùi dấp dính khứu giác như mùi cống rãnh bí tắc.
Tôi ngỡ đang chới với, sặc sụa trong khoang chuyến buýt cuối ngày cuối tuần vừa trườn khỏi sân bến Mỹ Đình. Những chuyến buýt lèn lắc dầu máy, sơn vữa, tôi cũng từng thấy ở xứ Sư tử biển láng giềng giàu xổi, khô khan. Đồng tiền kiếm chính đáng thì ở tọa độ nào cũng đẫm mồ hôi. Ai đó giương ánh mắt xa lạ nhìn tôi như cật vấn một kẻ ăn bám tiềm ẩn. Gai mặt, những muốn kêu lên: tôi là khách du lịch, tôi cũng đóng góp cho đất nước này bằng tiền thuế dịch vụ. Đây không phải là chốn tôi mong tìm hưởng mấy đồng tiền bố thí thất nghiệp để rồi nhìn về đất nước mình bằng ánh mắt vênh vang, kệch cỡm…Rassurez-vous![1]
Lại kẻ ăn xin xuất hiện. Lại vẫn những ca từ cũ cho những khán giả cũ. Phải nghe nhau lúc này đã là thử thách, huống là phải mở hầu bao. Một cậu bé xanh xao lập bập kèn harmonica, đeo chiếc giỏ trống trước ngực. Tiếng kèn bất lực giữa quánh đặc của sự thờ ơ. Hình như ai không ngủ cũng giả vờ nhắm nghiền mắt. Chính lúc ấy trước mắt tôi xuất hiện một thiên thần nhan sắc của nước Pháp. Nàng ngồi đối diện. Toa tàu âm u bỗng bừng sáng bởi mái tóc vàng xoăn mềm và ánh mắt xanh miên man. Tôi có thể chiêm ngưỡng mà không ngại ngần, không sợ ai đó biết mình bị hút hồn trước sự trong sáng thiên lương. Thiếu nữ mở cuốn sách trên lòng, lặng lẽ đọc với vẻ ngoan hiền của một học trò chăm. Hình ảnh đó khiến tôi nao nhớ đến những dòng hồi ký của Roger Vadim dành cho Brigitte Bardot thuở nàng thôi kẹp tóc.
Trên đường ke của bến đỗ vừa dừng, nhóm ngũ tấu nhạc dây, nghiêm trang bộ đồ lớn, tóc mượt, giày láng trình diễn trước đoàn tàu và dòng người qua vội mà như đang ở nhà hát lớn Paris. Có vẻ họ xuống hầm bến tàu để được chơi nhạc tự do, được thể hiện mình trước công chúng và luyện tập chứ không phải để kiếm sống. Tôi biết, có những nhà sản xuất đĩa nhạc lặn lội cả tháng trời để tìm kiếm những tài năng âm nhạc còn lẩn khuất giữa dòng chảy ngầm của Paris.
Các bến chờ chưa bao giờ thiếu một ông lão Nga sặc sụa hơi vodka lả lướt co kéo hộp đàn phong cầm dựa lưng vào vách hầm gắn tấm quảng cáo nước khoáng Evian, trước mũi giày ngửa một chiếc mũ nhờn váng. Chẳng hay ông lão mang tiếng reo ấm samovar và nhạc kịch Hồ Thiên Nga ra đổi mấy xu lẻ dưới đáy Paris? Bên khoảng nghỉ chân của những bậc cầu thang lên xuống hầm, một tay ghi-ta xứ sở đấu bò cao dỏng, mắt loang sóng tình gió mưa từ Andalousie trong điệu flamenco. Âm thanh đầu các ngón tay búng trên dây đàn tròn vo nhanh như chớp, điểm nhịp đế giày cứng giữ điệu cùng tiếng vỗ tay lẩn giữa ảo giác sắc váy đỏ đâu đó…
Thấp thoáng góc bậc cầu thang ngóc lên phố, cậu thiếu niên Bắc Phi cao nhẳng, áo thi đấu của đội bóng Juventus, lấc láo lắc xắc xâu mô hình tháp Eiffel ngang mặt du khách. Cạnh đó người đàn bà đội khăn vàng sọc đen, căng mập như con hà mã, cũng phất luôn tay những chiếc khăn lụa Trung Quốc mỏng xô xẹo…
6. Tàu điện ngầm Paris lấy sự tiện dụng của hành khách làm mục đích. Bên lối vào bến có ít nhất một quầy bán vé và các máy tự động. Qui trình soát vé tự động trước cửa có rào chắn. Chính sách vé nhiều loại giá khác nhau chú trọng đến yếu tố nhân bản, đứng về phía những người yếu đuối nhạy cảm với đời sống nhưng vẫn bảo đảm sự công bằng. Métro Paris miễn phí cho trẻ em dưới bốn tuổi, người hưởng trợ cấp tối thiểu, người hưởng trợ giúp y tế trong vùng Ile-de-France và nửa giá cho trẻ em dưới mười tuổi. Người già và các gia đình đông khẩu cũng được giảm giá vé.
Thi thoảng bắt gặp các cháu học sinh tiểu học rộn ràng như bầy sơn ca rực rỡ được cô giáo hướng dẫn đi ngoại khóa trên tàu. Nhất loạt người lớn đứng dậy nhường ghế và ru rín từng đứa. Niềm âu yếm bỗng chứa tràn cả toa tàu.
Vé được dùng chung cho các phương tiện như RER, buýt, tàu điện... giá phụ thuộc vào vùng đi lại. Vùng Một là nội đô tiếp vùng Hai và lần lượt đến vùng Năm, các chu vi vành tròn lớn dần, trùm bao phủ toàn bộ Ile-de-France.
Hệ thống Métro Paris thể hiện qua sơ đồ được gắn ở các bến và từng toa tàu. Hành lang ga trung tâm thường kéo dài, gồm nhiều đợt cầu thang lên xuống, kết hợp thang máy hoặc băng chuyền để giảm thời gian, sức lực cho người đổi tuyến. Mỗi tuyến được ký hiệu bằng số và tên bến cuối. Các ga lớn và bến nhỏ đều có bảng chỉ dẫn chi tiết giúp hành khách đến tận ke đợi tàu, tên bến được ghi chữ lớn trên vách kè, còn số hiệu của tuyến và hướng đi trên các bảng nhỏ thường đặt ở giữa kè. Bảng điện tử báo thời gian chờ giữa hai chuyến tàu kế tiếp được treo trên khoảng không nơi tàu đỗ sát mái vòm, nơi dễ thấy nhất.
Thùng đựng rác kim loại hay chất dẻo nhiều kiểu dáng ngộ nghĩnh đã bị loại trừ, thay vào đó là những túi nilon trong suốt, xọp xẹp tạm bợ bên lối đi. Biết làm sao được, khi thẩm mỹ được duy trì thì phải chấp nhận nguy cơ khủng bố cao.
Những chiếc ghế màu sắc đặt sát vách hầm chỉ để tượng trưng giúp những người vô gia cư có chỗ ngủ qua đêm và du khách lạc bến ngồi định vị chứ không thể đáp ứng đủ lượng người có nhu cầu nghỉ ngơi mỗi bến. Vả lại thời gian chờ đợi cũng không bõ đứng lên ngồi xuống ghế vào giờ cao điểm cứ hai phút một chuyến tàu, và bến đông khách thì thời gian trống chỉ là một phút ba mươi giây. Những chiếc ghế chỉ như vật trang trí cho bến đỡ cô đơn. Đôi khi người ta ngồi đó đễ ngẫm nghĩ cho cả một định mệnh.
Các kiến trúc sư, các kỹ sư Pháp thể hiện sự bay bổng với các công trình xây dựng trên dấu mốc tính mực nước biển, chứ không chủ trương đem điều ấy xuống lòng đất. Yếu tố tiện dụng đã được nhấn mạnh nhiêu hơn là hoa mỹ. Nhưng dấu ấn và tinh thần vị mỹ thuật của Paris thì chẳng thể dễ dàng bị lấn lướt.
Cảm hứng thẩm mỹ bỗng thầm ngân khi ánh sáng xiên ra từ bê-tông hòa chảy không gian. Những cánh chim cách điệu trên vòm trần ánh xạ màu men gốm. Những chữ ký của các danh nhân thuộc khu phố Latinh trên mặt đất ngự trên vách đường hầm. Và cả những chiếc ghế băng dài… tôi từng những muốn yên vị trên đó chờ đợi trước khi đến Paris. Trong những hốc tường của bến Louvre-Rivoli có những bản sao tác phẩm nổi tiếng của Bảo tàng Louvre được ánh đèn mang sắc sáng ban ngày chiếu rọi. Từng chữ cái của Bản tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1789 được khắc vào từng ô gạch gốm phủ kín bề mặt tường của bến Concorde… Tưởng như giọng của hầu tước Marquis De Lafayette còn ngân vọng giữa những bánh xe quay. Bến Parmentier được trang trí bằng các bức tranh mô tả chutrình trồng khoai tây ở Pháp bởi nó mang tên nhà nông học Antoine Parmentier! Và những người giỏi cổ văn đã không giấu được sự thích thú vì sự trùng lặp ngẫu nhiên cái tên bến cũng gần với từ parmentière, thứ tiếng Pháp cổ có nghĩa là củ khoai tây…
7. Hơn trăm năm vận trình métro lầm lũi dưới đáy Paris, những con tàu đã bỏ lại, đã né qua không ít bến hoang, bến tự dưng biến mất trên bản đồ, những “bến ma”(station fantôme), do trồi sụt, do qui hoạch. Thiên phận métro Paris ánh xạ thăng trầm cùng Paris. Đã cháy tàu, đã đâm va, đã đối diện với khủng bố, đã thấy hành khách tiếp hành khách tuyệt vọng lao mình quên sinh dưới bánh sắt. Mỗi con tàu, mỗi bến đều có một linh hồn mà nó mang tên, bởi mỗi toa mỗi bến chờ đã chứng không thể đếm hết những màu vẻ đời, lại còn chở thêm bao hồn người vô vọng chẳng có lý gì mà không biết thương đau.
Ngẫu nhiên không nhỉ, nhiều văn nghệ sĩ Pháp lấy Métro Paris khơi nguồn cảm hứng. Những bến đợi, những con tàu đã hóa thân phận với con người. Ai mê phong cách tạo hình điện ảnh Pháp hẳn biết : Les Portes de la nuit (Marcel Carné, 1946), Subway (Luc Besson,1985). Hình ảnh tàu điện ngầm trở nên thân thuộc trong các tác phẩm văn học của Louis Aragon, Jacques Prévert, Marcel Alain…
Tôi đã là người hoài cổ ngồi cuối toa nhẩm nhớ giai điệu Métro xa xưa: Métro/ Là thiếu phụ đang bước/ Để soi mình trong gương/ Métro/Mãi đi, đi mãi/ Nỗi buồn của em, tình yêu của em/ Niềm vui của em mỗi ngày…Đâu đó những hành khách trẻ còn dư thời gian “lướt đi, lướt đi, lướt và lướt mãi” với Le Métro de Paris cùng Edith Piaf.
Trong tiếng rít bánh sắt, trọng lượng bỗng hẫng đi hút xuyên lòng đất, tôi yên tâm chờ đợi con tàu sẽ đưa đến đích nơi chan chứa mặt trời. Khối người nhìn thấy mặt và không thấy mặt ngả ngốn, dồn nhét trong các toa xe điện ngầm kia mới thực sự là nguồn dưỡng sinh cho Paris. Dù họ có ở bất cứ đâu trong ngõ ngách, làm bất cứ công việc gì, đã cống hiến trí tuệ, sức lực và tình yêu cho Paris, thì Paris không thể không mang ơn họ. Áp lực của cả đô thành vĩ đại đang nén trọng lực xuống mái vòm métro như là sự phồn hoa Paris ngự trên những tấm lưng dẫu dãi, bờ vai trĩu, hút ánh sáng trong những quầng mắt hốc tối của những con người gắng gỏi trượt trôi đêm ngày…
Tôi mến yêu và thăng hoa với Paris trên trần thế. Một Paris xa cách vô cùng. Nhưng Paris ẩn khuất nơi lòng đất thì cho tôi sự chia sẻ, và một cảm thông cho tôi thấy mình đã hòa nhập với Paris ở phía mồ hôi, những người thực sự làm việc nuôi sống người khác thì ở Paris cũng lam lũ như nước Việt. Hạt cơm, miếng bánh nơi nào mà chẳng mang vị mặn. Mặt đất Paris hoa nở bao nhiêu, thì trong mạng nhện métro tê tái bấy nhiêu…
Tàu dừng hơi lâu một bến lẻ. Lên thì đã lên. Xuống thì đã xuống. Điện tắt phụt. Tối sâm si. Nhốn nháo. Hình như có đình công của công nhân lái tàu. Ngoi lên mặt đất lê bước tìm xe buýt chắc đến sáng chưa lần được về nhà. Ai đó chửi thề nhằm vào những kẻ ngáng đường. Lập tức bốn năm người át đi: Ông không não lại không có cả tim nữa, ai cũng cần phải sống cả, đòi thêm chút tiền lương cho công việc ở dưới địa ngục này là điều báng bổ Chúa hay sao?
Điện òa sáng. Con tàu bỗng gồng mình chuyển động. Đình công chỉ là tin vịt. Chui qua Shangri-La hotel. Chui qua sông Seine, qua Khải hoàn môn…. Tất cả lại hẫng vào lặng im. Tõm vào xoáy cơn buồn ngủ. Giọng ca Yves Montand bỗng diệu vợi: Metro/Mãi đi, đi mãi/ Nỗi buồn của em, tình yêu của em. Chao đảo vòng quay métro, trong bóng tối vẫn có thể nhìn thấy thắp sáng giữa con người là những bông hoa…
Bến Cluny-La Sorbonne, Juillet - 2012
N.T.T.K