CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Ký sự

TAY ĐAN SÓNG NẰNG VENEZIA - KỲ V

Thứ năm ngày 3 tháng 4 năm 2014 12:00 AM

Tiếp theo KỲ IV và hết

9. Chiếc vaporetto khởi hành từ Burano nhằm hướng đảo Torcello dồn đống hành khách như chuyến tàu điện ngầm cuối ngày ở Paris. Mỗi lần ghé bến là một lần lèn thêm khách. Chúng tôi lại đụng cặp vợ chồng người Pháp. Ông bà cười tươi thay chào. Tàu vấp sóng chòng chành, khối người rùng rình va chạm. Đứng trên boong phía mũi tàu chúng tôi có cảm giác bị gió vuốt mỏng ra và nhuộm đẫm nắng lụa vàng giăng phơi từ đỉnh trời sắp tròn bóng. Phá Venezia chạy dọc biển Adriatic, nằm giữa cửa sông Pô và sông Piave, địa mạo chồi lên thành đảo nhỏ, đảo lớn xanh cây, chẳng khác mấy những điểm dân cư tránh lũ ở đồng bằng Nam bộ. Đảo được phù sa hai con sông và sóng biển bồi tụ, chứ không mất công của vun đắp như của ta. 

Màu ngói đỏ cam nung từ thứ sét moi dưới đáy phá nước, giờ lại hồi sắc nước rực như lửa rừng cháy loang. Vọt lên cuối đường chân trời, những cây tháp chơ vơ kiêu hãnh vàng son một thuở đang bị xô nghiêng. Nước Ý không chỉ có Pisa mới nghiêng. Những cây tháp ở vùng đầm phá đều nghiêng và xói lở hình dạng. Nơi trung tâm đảo Torcello, người ta đang quây kín giàn giáo quanh cây tháp để trùng tu. Tôi sắp tận chứng người ta sửa sang cây tháp thế nào.

 

Mốc giới thủy lộ dựng hai hàng cọc tiêu gỗ sồi, đóng chụm đầu ba cây một điểm nhô cao trên mặt sóng tới hai mét, cố định đai thép như vòng băng quấn đầu. Tùy khoảng cách mà người ta lắp đèn hiệu dùng quang năng. Trên mỗi bóng đèn tròn lại đội chiếc vương miện tua tủa kim sắt như lông nhím chống chim đậu phóng uế. Tàu thuyền lớn nhỏ phải di chuyển trong giới hạn thủy lộ. Đấy cũng là phương thức an toàn giao thông và bảo vệ  sinh cảnh đầm phá với tất cả vẻ hoang sơ ngàn xưa vốn chỉ có bùn, nước, thủy sinh và các loài chim trời di trú.

Xa trông bốn phía đâu cũng lưu dấu con người. Nhưng lênh đênh trên phá thì cảm giác hoang vu vẫn cứ lấn tràn dù ngược xuôi không ngớt những chuyến vaporetto trắng toát rẽ sóng.

Tàu cập dải bờ xây gạch đỏ giữa những cọc gỗ sồi của Torcello. Người ta dùng gỗ sồi nguyên thân đóng lút xuống bùn giữ đất quanh đảo, hoặc bờ kênh ken sít nhau. Cọc gỗ sồi làm cột neo thuyền, cột chống cầu tàu. Tua tủa cọc sồi len lỏi các con phố nước. Venezia là vùng phá nước lợ, nếu dùng phao tiêu bằng sắt sẽ chẳng được bao lăm vì muối biển và dễ bị dịch chuyển vị trí khi thủy triều. Chọn cọc gỗ sồi vừa rẻ vừa bền định vị những thủy lộ trên mặt đầm phá thì không gì khôn ngoan hơn.

 

Tôi nói với Chị có lẽ phải gọi Venezia là thành phố cọc gỗ sồi mới đúng. Hy vọng chúng tôi là người đầu tiên tặng Venezia thêm một biệt danh mới. Chắc hẳn nạn phá rừng trên thế giới có sự tiếp tay của Venezia do nhu cầu gỗ sồi.

Nắng tròn bóng, gắt nhưng không rát. Gió lặng. Một am nhỏ thờ Đức Mẹ bế ấu Chúa ngay góc tường gạch. Hoa tươi được trồng luôn trong chậu. Đi trước chúng tôi vẫn là cặp vợ chồng người Pháp. Chàng áo hồng, quần soóc trắng, giày trắng, nàng toàn thân trắng. Chàng xách túi LV cho nàng.  Da mặt ai nấy đỏ hừng tôm luộc. Bóng dáng thân quen của những con ngõ quê Bắc bộ lát gạch cổ xưa. Con đường lát gạch chỉ, dạng xương cá, song song với kênh nước xanh chạy sâu vào tim đảo. Dưới bóng cây keo gai, người nhạc công lớn tuổi, mũ vải, kính đen, áo tím đẫm mồ hôi khệ nệ kéo hộp đàn phong cầm giai điệu Trở về Rorrento. Chiếc áo pull vắt trên hộp đàn vẫn trống trơn chưa một xu mẻ. Sau lưng người nhạc công, khoảng trống cây bụi được chia cắt bởi hàng rào thép mắt cáo. Một  dạng khoanh lô bỏ đấy, mua để đầu tư chứ chưa vì nhu cầu xấy dựng. Bờ bên kia của con kênh bạt ngàn lau lách cúi rạp trong gió lướt tràn qua đám cây phi lao cằn cỗi.

 

Cư dân trên đảo chưa đầy năm chục. Đang mùa khách mà các nhà hàng vắng ngắt. Trước cửa mỗi nhà hàng đều trưng một chiếc xuồng máy bóng loáng gỗ tếch và hợp kim nhôm, giương cờ Venezia.

Ông Salvy mách trước, đừng quá tin mấy trang web quảng bá du lịch mà dấn thân vào nhà hàng Cipriani nổi tiếng. Nếu cần một nhà hàng vừa ngon vừa rẻ, ông khuyên chúng tôi hãy dừng chân tại Ostaria Al Ponte del Diavolo. Biển khắc tên gắn trên tầng hai, đứng xa nửa cây số đã nhìn thấy.

 

Mái nhà ken những cây sậy vùng đầm phá, điểm những thanh xà để mộc vừa chịu lực vừa trang trí. Ghế đan sợi bèo Nhật Bản. Sàn gắn từng viên sỏi màu. Sự trang nhã dụng công ngay cả trong khu vệ sinh. Vòi nước cong cao vút. Chậu rửa đặc sắc bằng những chiếc nồi đồng đỏ vừa cỡ, đặt xuống thân gỗ. Khu vườn cỏ xén tỉa công phu với những luống hoa và cây olive cổ lão. Nơi đây giống một khu nghỉ dưỡng nhiều hơn là nhà hàng. Người Ý quả là biết khai thác sự mủi lòng của con người trước thiên nhiên. 

Trong khi chờ bữa chúng tôi thay nhau ngồi trên chiếc đi-văng bày trên thảm cỏ dưới cây olive như là một tác phẩm sắp đặt. Bỏ giày, cởi tất để chân trần chạm lên thảm cỏ tơ, dim mắt tận hưởng gió nắng Torcello xạc xào lau sậy đầm phá nguyên dư âm thuở Byzantine.

 

Ngàn năm trước, cũng khoảnh khắc này đôi lứa Venezia nào cũng trên bãi cỏ xanh ngẩn ngơ như chúng tôi đây nghe cả thiên niên kỷ trôi qua cùng nhởn nhơ mây trắng? Hay tọa độ này là con đường rộn vó ngựa hoặc là một thương điếm tập nập bán mua?

Từng là trung tâm thương mại của Venezia nhưng Torcello giờ đây chỉ còn biết vịn vào quá khứ vàng son để tự hào: Ấy là Vương cung Thánh đường đầu tiên ở Venezia  được khởi tạo từ thời Byzantine. Bước vào nhà thờ, tôi được tắm gội trong ánh nhìn xót thương, ái ngại, tha thứ của Đức Trinh Nữ. Vàng ròng vương cung thánh đường đã mười ba thế kỷ vẫn khôi nguyên. Ánh mắt Đức Mẹ dịu dàng chạm tới linh hồn đánh thức cơn mê trong tôi cũng như từng khơi nhóm đức tin những con chiên Torcello sơ khởi.

 

Cây thánh giá gỗ chịu lực trên vòm trần đối diện với những bức tranh cẩn khảm gốm màu dưới nền nhà thờ. Các kỹ phẩm mosaico trên tường miêu tả cuộc sống sau khi chết của con người đối diện với sự phán xét của Chúa. Ở chốn linh thiêng này, nghệ thuật là một phần của đức tin và đức tin cũng chính là nguồn nuôi dưỡng nghệ thuật tạo nên Uy nghi của Vương cung Thánh đường. Nghệ thuật Byzantine dẫu le lói dư quang trên những mảnh gốm màu vỡ dập, nhưng lại truyền ngọn lửa thông điệp về một thế giới hoàn mỹ cho chúng sinh làm điểm tựa… Con người hao hụt lòng tin vào con người, nếu không có Chúa thì biết sống sao đây?!

 

Chúng tôi dạo vòng quanh nhà thờ theo lối mòn chìm trong lau lách, đạp lên cỏ dại đơm hoa cuối vụ trên dấu những phế tích gạch ngói vụn. Trên tầng cao tòa tháp đang trùng tu, hai người công nhân ngồi vắt vẻo giàn giáo gặm bánh mì, tu nước. Chiếc ca-nô cảnh sát ì ì lượn vòng tuần tra theo con lạch phá vỡ thinh lặng rồi lại rời xa. Người cảnh sát giơ tay về phía Chị cười rạng: Ciao!

Khu bảo tàng ngoài trời, vẫn dấu tích ngàn tuổi của các vị vua, các công hầu hóa tro bụi mà triều đại của họ giờ hiện diện ở bức tượng cụt đầu, những mảnh phù điêu sứt sẹo gắn trên bức tưỡng gãy đổ, những thiên thần gãy cánh. Giếng nước cạn khô. Chiếc ngai bằng đá cẩm thạch sần sùi giờ đây bất cứ thường dân nào trên thế giới lại qua đều muốn ghé bàn tọa chụp ảnh.

* * *  

Đảo Burano thân thiện và bình dị dang tay chào đón. Dãy nhà hai tầng kiểu lắp ghép với từng căn hộ sơn màu tương phản: tím, đỏ, vàng, xanh ngọc, xanh dương, vàng cam, vàng đất, rực rỡ không khác những khối hộp màu của trẻ con sắp đặt. Trước mỗi cửa nhà, khung rèm như vòng tay chìa ra buông tấm rèm vải sọc to, sắc màu nồng nàn không kém. Hệ thống dây phơi bốn làn y như dây dẫn điện có ròng rọc, gắn trên tầng hai trông vừa suồng sã vừa có vẻ ngộ ngĩnh cơ khí. Hình như tấm áo sặc sỡ của Burano luôn được thay mới. Nhưng dẫu có thay bao lượt áo, thì vẫn chẳng thể nào che giấu được cơ thể đã già nua rệu rã của những bức tường, mái lợp và những giàn ăng ten ôxy hóa.

 

Kênh đào dịu dàng ôm choàng phố, xuyên ngang các cây cầu vành lược. Chỉ ngồi trên hè thả chân khỏa nước cũng đủ làm cho những lá thuyền tiệp màu sặc sỡ với tường nhà tròng hờ vào thân sào cắm bến nghiêng ngả. Khó có thể đếm bao đôi chân của những cặp tình nhân trẻ thả xuống các dòng kênh Venezia. Cửa hàng bán đồ thêu ren, quần áo, galleria bày những bức tranh gần như là sao chép lại những ngôi nhà vốn đã là tranh. Quán café, kem cũng bé xinh vừa chỗ cho dăm khách ngồi bên trong và cũng ngần ấy khách lấn ra vỉa hè. Ngắm những ngôi nhà hướng ra mặt phá mà chạnh lòng thương vô cớ bao nhiêu ô cửa sổ ngóng đợi những con tàu.

 

Chị gọi một ly kem ngũ sắc, vồ vập thưởng thức như đứa trẻ. Nụ cười sánh lên mát ngọt đẫm gió chiều. Từ khi chúng tôi đến, chưa khi nào bầu trời Venezia lại có sắc xanh azzurri  đặc trưng như ở Burano hôm nay.

Cụ bà cầm đĩa đựng miếng pate chạy theo con mèo vừa tuột dây xích cổ. Cụ ông chống can, ngậm píp nhìn đâu đó con đê đang hình thành đầy những nghi hoặc và kỳ vọng. Một dự án không lồ ngăn thủy triều nhằm cứu Venezia không lún chìm thêm nữa xuống biển. Một vài cầu thủ buông câu lơ đãng. Họ mải uống bia nhiều hơn là theo dõi phao tiêu.

Những ngõ phố thênh thang của Burano lát đá cát kết sạch làu bởi sự chăm chút của con người và cả những cơn gió đủ sức cuốn bay bụi rác, đang trải lòng mời gọi bước chân đã rệu rã nhưng còn náo nức khám phá của chúng tôi.

 

Chúng tôi theo đám trẻ đạp xe nheo nhéo gọi nhau vào sâu giữa hai khối nhà. Người già gương kính đọc báo. Mèo, chó lang thang trốn nhà quanh đám chim bồ câu. Lọt vào con ngõ gạch đỏ trần sơn trắng, sát tường chiếc giá đỡ hình xương cá đỡ móc những con thuyền kayak composite nằm nghiêng như những chú cá heo nhựa bị gắn lên đó. Thêm mươi bước, một sàn mái khổng lồ khung gỗ thông nâu bóng che những con thuyền đua đáy bằng xanh đỏ tím vàng và gondola đua sơn lá cây già, viền mép vàng rực, đội mào thép trắng sáu răng tua. Biển kim loại gắn trên tường: Cantiere Agotino Amadi. Liền đấy khung gỗ lồng kính chân dung những người từng giành chiến thắng giải Bunranelli Vincitor hàng năm. Vài ba gương mặt trẻ phía trên những gương mặt đã nhăn nhúm. Song song khung gương bên là những lá cờ cắm mốc dấu vàng son. Vài ba vận động viên trang phục thi đấu đến phòng để đồ lấy con chốt gắn vào mép thuyền đỡ mái chèo. Mỗi người một con chốt có ghi riêng tên hoặc con số của mình.

 

Cười chào thân ái, họ tưởng chúng tôi là fan hâm mộ những tay đua thuyền đảo Burano.

 

10. Quán Ostaria di Botti. Bàn ăn kê sát mép bờ Kênh Lớn. Sóng đã không để chúng tôi yên, bất ngờ cuộn tung bụi nước thấm ướt chiếc khăn trải bàn huyết dụ màu của quý tộc La Mã. Người phục vụ vội điều chỉnh bàn ăn lui lại…

Bữa tối cuối cùng trước khi tạm biệt Venezia. Chạng vạng lên vaporetto ở S.Marco, chúng tôi chứng hoàng hôn trên Kênh Lớn xuyên qua trung tâm Venezia. Đại thủy lộ chứa cả một dòng sông được đào đắp bằng đôi bàn tay trần người Venezia. Cảm giác như là day dứt, bất lực chi phối khi đời người lúc nào cũng ngắn hơn so với những thành quả tinh thần của chính con người kết tinh nên. Họ ở đâu rồi?  Những  thế hệ kiến trúc sư, họa sĩ  lỗi lạc đến người thợ đóng cọc gỗ, thợ chạm khắc đá, thợ đào vét bùn? Thân xác đã về cát bụi, còn linh hồn nếu may như được Chúa đón thì hẳn đang ở đâu đó trên cao xanh rờn ngả sang tím để thẫm dần bóng tối. Thánh đường S.Marco hai ngàn sáu trăm cột đá và vòm trần dát tranh vàng, thánh đường Santa Maria Delle Salute hai mái vòm và đôi tháp chuông, cây cầy Rialto uốn cong nét mày, dinh Tổng trấn tráng lệ, uy nghi, những bức tường gạch đỏ hay sơn, năm hay sáu trăm hay ngàn năm trước vẫn đượm sắc nắng mỗi hoàng hôn hai bên bờ Grand Canal ngạo nghễ khẳng định sự trường tồn của chúng. 

Vaporetto chui qua vòm cầu Rialto. Mùi khu chợ bán cá, rau, thịt, củ quả từ thế kỷ thứ 16 vẫn còn nồng. Đâu đó phía sau cây cầu  Ponte dell' Accademia  kết cấu vòm sắt được bọc gỗ cho mềm lại, nơi các khung i-nox làm rào chắn lủng lẳng từng chùm khóa đồng khóa thép lồng đôi, chìa thì các đôi tình nhân đã vứt xuống dòng nước cùng với lời nguyền. Những chiếc chìa khóa lỉm bùn dưới đáy kênh xanh…

Bóng tối loang nhanh hơn trên mặt nước Kênh Lớn. Du khách trên gondola nhấp nhổm nhìn đồng hồ. Những chiếc vaporetto gồng mình phả khói, cưỡi sóng về bến. Những chiếc cano boong sơn cánh gián sang trọng như một quý ông,  một dạng taxi nước ở Venezia thì chẳng đi đâu mà vội. Chúng đủng đỉnh dạo bên này, lượn bên kia, khi cần thì chồm vút lên đầu sóng, luồn lách cọc tiêu, cột neo thuyền, vọt lên trước vaporetto. Trầm khan, tiếng còi cô độc rơi xuống mặt phá, vọng luồn vào các ngõ phố nước. Một chuyến du lịch xuyên đại dương vừa rời cảng: con tàu Serenade of the Seas trắng lộng mười một tầng vừa cập bến hôm qua giờ đã lên tiếng chào từ biệt.

 

Trời bắc Ý xanh nhòa đầy mắt và dòng Kênh Lớn hắt bóng đêm ra biển Adriatic đang dội lại cùng với những vì sao lên sớm nở bên lòng tôi day dứt. Một ngọn gió mơ hồ cũng đủ để thảng thốt, nữa là những bước sóng vô hồi đập vào bờ đá... Ta còn muốn theo bước chân du khách lang thang buông gót ngược xuôi. Ngay cả bước chân của hai xơ già lụng thụng áo choàng ghi xám, mà thời gian đè khớp gối khập khĩnh đang dìu nhau dọc bờ kênh cũng khiến Chị phải bìu ríu trông theo. Nơi đây không thắp nhiều đèn như Roma hay Paris. Ắp một không gian ánh sáng ảo huyền trời nước khiến cảm giác của con người trở nên không còn khả năng định vị. Người ta chỉ có thể nhìn thấy những dải ánh sáng tím xa chói những bông hoa tán xạ nổi trên mặt nước đen như cửa xuống địa phủ của Dante. Tôi không thấy màu nước đen khi đêm xuống của Venezia tín hiệu nào của chết chóc mà là sự gợi tưởng đến những gì huyền bí và linh thiêng còn ẩn giấu trước người phàm.

Chút ấm lòng gặp tên đường tên phố đượm phong vị dân gian chẳng khác Hà Nội, những thành phố ngàn tuổi. Tòa lâu đài văn hóa phi vật thể một khi đã đặt móng xuống nhân quần là nó đã trở thành bất tử.  Này đường Xà Phòng (Soap Street),  kia Hẻm Gia Vị (Ruga dei Speziali), cuối góc sang cầu bên kia là đường Cá Tầm (Calle del Storione), đường Thợ Vàng (Ruga degli Orefici) Hay là cây cầu có tên sặc mùi kỹ nữ là  Núm Vú kề bên quảng trường nhỏ.

Rượu vang Ý, steak bò của tôi với ba món muối chấm. Và Chị filet cá hồi cùng rau trộn rắc hạnh nhân. Trong mê trận thực đơn Ý, chúng tôi gọi món chắc chắn hợp với mình. Phiêu lưu ư? Không còn thời gian cho phép thử. Chẳng cần kiếm thêm câu chuyện mới. Mọi điều ở Venezia đều là câu chuyện. Bên kia bờ kênh nhóm tượng đài nhạc công: hai vĩ cầm và một hồ cầm đang đắm đuối tấu lên những khúc ca chới với dưới bóng cây sồi, ánh xạ sắc chiều vàng. Một con tàu buôn giao thực phẩm cho các cửa hàng vừa lướt qua. Có phải con tàu của Người lái buôn thành Venezia không nhỉ ? Wililam Shakespea đang ngồi sau vành lái?

Dẫu còn ngổn ngang hò hẹn, nhưng đêm nay sẽ là đêm tình tự của sông nước với trăng sao, của muôn bông hoa cỏ và pho tượng trắng.

  

11. Ông Salvy tiễn chúng tôi từ phòng khách ra bến S.Angelo. Bờ bên là bến S.Toma - địa hạt godolier của người phụ nữ duy nhất ở Venezia hành nghề. Quý cô Boscolo nào đấy vốn là huấn luyện viên thể dục. Ông kéo chiếc valise có bánh xe của Chị. Vẫn chiếc áo veste mà tường gạch và cặp kính lão không hề che đậy ánh mắt suy xét. Gần một cây số nép mình qua khe hẹp hai khối nhà và oằn lưng vác hành lý qua mấy đợt bậc đá của những cây cầu lẻ không tên, bến S.Angelo đã hiện trước mặt.

Ông Salvy ôm hôn, bắt tay. Lời hứa ngày trở lại được dùng dắng gióng lên. Tôi bỗng nhận ra sự bối rối của nỗi buồn đang lan trong ánh mắt người tham tán từng trải. Đã bao nhiêu người yêu mến Venezia ra đi không trở lại? Dù lời hứa của họ từng gieo giữa lòng sóng nước nơi đây.

 

Ba mươi phút một chuyến taxi nước ra sân bay Marco Polo. Giá 20 euros cho mỗi chỗ ngồi không tính hành lý. Người Ý quả là  lõi gạo, cả tuần rong chơi khắp Venezia trên vaporetto giá chỉ vài euros. Nhưng khách rời Venezia thì chẳng nể nang nữa. Không xe bus nước mà chỉ có taxi. Dùng taxi thì tiền phí phải cao. 

Biết làm sao, dẫu có sống trên vàng son di sản nhân loại thì người Venezia vẫn phải ăn, phải thở, phải yêu thương, phải chi dùng. Họ đâu  thể cho không bạn khi họ cũng vướng vô số vấn đề: Nào trùng tu, sang sửa các công trình kiến trúc đã mỏi mòn thời gian, gắng gượng với thành phố đang chìm dần xuống biển.

Không thể nói người Ý thiếu thân thiện và cũng không thể bảo họ là dân tộc cởi mở hay kín đáo. Họ không có xu hướng rõ ràng với ngoại ngữ nhất định. Nhưng khi bạn nói tiếng Pháp thì họ có thể hiểu. Tôi thầm so sánh họ với người Trung Hoa. Chẳng ngẫu nhiên hai dân tộc ở hai đầu mút của con đường tơ lụa. Toan tính và chi li từng sợi tóc cho mấy đời sau. Hào hiệp và độ lượng nhưng cũng không thiếu ti tiện. Ngủ trên vàng và cởi trần ăn thịt đồng loại. Mafia và Hội Tam Hoàng. Ferari, Lamborghini và Fiat. Hong Qi và xe kéo tay…Tần Thủy Hoàng sánh với Nero Claudius Caesar.

Nhận xét trên chẳng liên quan đến mỗi cá nhân. Chợn rợn Mafia cài lẩn, nhưng điều đó đâu ngăn chúng tôi không day dứt khi chia xa Venezia, hoặc bớt nhiệt hâm mộ công nghệ siêu xe Italia, thời trang Milano và màu mắt thiên thanh thiếu nữ Adriatic!

Không thể lướt qua mỗi cánh cửa gỗ sồi ám dấu thời gian hằn vân vòng sinh trưởng, gắn núm cửa hình hoa cúc, đầu sư tử, đầu rồng, bình phong dây leo, và các điển tích từ Kinh Thánh. Không thể lặng thầm cầu nguyện trước mỗi góc nhỏ thờ Đức Mẹ Maria, khiêm nhường lui vào bức tường bên lối đi luôn tươi hoa và nến thắp. Không thể đặt tay lên mỗi khẩu giếng đá vỡ rạn từ hình tròn đến hình vuông đã niêm phong nắp sắt hay ngắm mỗi chiếc cọc gỗ phao tiêu, chiếc cọc neo thuyền sơn vạch chéo trước dinh thự quý tộc, hay trầm trồ mỗi giỏ hoa rờn rỡ  trên gờ cửa, hé mở cánh sơn xanh, mỗi khóm hoa trúc đào tía, trúc đào hồng lả gió…

Chúng tôi không để chiếc khóa nào trên cầu Ponte dell' Accademia, bởi sắt thép vẫn gỉ mòn, ổ khóa cũng sẽ bung chốt trong tay kẻ trộm cắp, nhưng lời nguyền với Venezia của chúng tôi thì chẳng thể tản mác khỏi nơi đây khi Thánh Thần đã chứng.

 

Màu trời azzurri lúc đứng bóng xanh đến đau lòng. Luồng sáng chói trong ngực. Khoảng khắc bình yên và bão tố cùng cất lời. Sóng Kênh Lớn òa reo. Vaporetto, gondola khắc khoải xuôi ngược đón đưa những du khách hớn hở lần đầu khám phá Venezia. Chúng tôi dẫu có muốn ngoảnh lại, nhưng ngoảnh bao nhiêu lần để nhớ xiết những bức tường đỏ, những mái vòm nhà thờ lóa nắng, những ô cửa sẫm tối sau vòm cây ngậm hương café nóng thổn thức Italia… Hãy yên lành nhé, đợi bước chúng ta trở lại những viên đá lát bên bờ vịnh ngày tay đan tay trong nắng mới thơm. Bồ câu hãy cứ thung thăng bay đan cánh hải âu rỡn sóng.

Giai điệu Bốn mùa loang chiếm quảng trường S. Marco vút đỉnh tháp Đồng hồ.

Trước mặt đại thủy lộ giữa hai hàng phù tiêu gỗ sồi duyềnh cao bao sóng bạc. Những con sóng từ thời La Mã đến cộng hòa Venezia và Italia hiện tại chẳng phai màu huyền hoặc…

Sân bay Marco Polo cuối vời con mắt bên những cây tháp nghiêng nghiêng soi bóng đường chân trời. Ba giờ nữa chuyến bay đi Nice sẽ cất cánh. Vâng, nhưng đó sẽ là một câu chuyện khác, thuộc về nước Pháp. Và Chị.


 

N.T.T.K - Venezia tháng 7 năm 2013

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook