CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Ký sự

BÌNH YÊN BÊN CHỊ VỚI SÔNG SEINE

Thứ tư ngày 21 tháng 11 năm 2012 11:34 PM

Tôi băn khoăn ngắm đen sánh café trong tách sứ trắng. Vốn quen gu café filtre, nhưng quán vỉa hè ngồi xoay mặt ra sông Seine chỉ phục vụ loại expresso đậm quánh. Lạ, e mất ngủ. Sao nhỉ, mất ngủ giữa Paris liệu có khác mất ngủ ở Hà Nội? Tôi chưa có trải nghiệm này. Chống má, với nỗi băn khoăn nào đó trước Chị là suất mischio, hợp dung café, cacao và kem sữa đánh đặc.

Do dự, tôi chưa muốn nhấp môi. Chất café như nước mắt đêm Phi châu. Tôi ở đây đâu phải để uống café Chị nhỉ. Café là lý do để ta ngồi lại giữa dòng nhân quần, trên chiếc ghế sợi nhựa giả mây đan, vàng cuộn beige, nơi mặt đá vỉa hè bên dòng Seine lặng trôi. Thả lỏng. Lắng nghe.


* * *

Bao nhiêu năm, tôi “ngồi đồng” quán Tiến bạc nơi cổng chợ Gia Cẩm. Ông chủ Tiến - mái tóc bạc, dây chuyền bạc to như con rết đại vắt ngang cổ và hàm răng trắng bong hoa sở. Quán lợp gồi, chằng đụp cót ép, ni-lon, dây thừng sợi tổng hợp căng tạo vòm mái chằng níu ngang thân mấy cây bàng. Ghế gỗ bìa. Ghế nhựa. Ly thủy tinh chấm bọt cho đen đá. Cốc sứ Bát Tràng cho nâu nóng, nâu đen. Sang thì gọi café filtre, “cái nồi ngồi cái cốc”. Bình dân thì café chưng lọc sẵn trong ấm nhôm ủ giỏ. Bao đêm lọ mọ, thiên hạ ngủ thì ta thức cày bài. Khi người đang ở nhiệm sở, thì ta mới lò dò khỏi giường. Xứ trung du hoang nghèo, thưa Chị, không café đơn độc thì tôi biết kiếm ai. Ngó khuôn mặt lạ thấy quen, gương mặt quen bỗng lạ. Không là bạn bè, nhưng vẫn ấm lòng thân.

Tôi quen với cách kéo ghế của anh thợ chữa đồng hồ, cách đưa tách lên miệng của bác chữa giày, ngón tay búng tàn thuốc anh kính khóa, cử chỉ chụm đầu vào nhau nói khẽ của hai anh thuế vụ, cái nghiêng mình của ông giám đốc nhà văn hóa công nhân khi phải qua mặt ai…


* * *

Chẳng hiểu vì sao tôi không có điểm dừng với không gian café. Vào độ tuổi chẳng nhớ xuể những không gian café đã trải, vậy mà không gian ấy lúc nào cũng chới với. Buổi hoa niên, café đen pha kiểu De Belloy của Nội, mỗi độ thu sang mùa thi thoảng dấy lên thơm ngẩn khu vườn thường xanh là dịp Cha xứ và Trụ trì chùa Cao ghé chuyện vãn.

Ngày lập ấp dựng trang trại, Cụ Nội  xin được chút hạt giống lạ từ xứ đạo Kẻ Sở [1] về gieo chỉ lớn nổi chục cây. Khi ra trái, chẳng ai biết sử dụng thế nào. May có Cha giám quản bày cách, biếu cả bộ rang xay và bộ lọc còn truyền lại đến Nội. Đấy là thứ trái mà Nội  âu yếm gọi là Arabica…

Xuân nồng, hàng café xùm xòa cuối vườn vồng như đống rơm, chi chít cành ngang tay Phật bà nhú búp hoa trắng xanh suốt từ thân tới đầu những-cánh-tay-cây. Ong bướm lần theo hương nồng ngọt, dính dịu bay bồng bồng quanh chùm hoa trắng rực ẩn trong lá xanh. Hoa bừng vài ba độ mỗi mùa xuân. Hoa chuyển màu nâu héo sau vài ngày. Chùm hoa biến thành chùm quả oval xinh xanh nhỉnh hơn đốt ngón út, chuyển sắc từ tiết hè hung vàng đến đỏ thắm núc nỉu chen uốn trĩu cành như chuỗi cườm hồng ngọc ngậm nắng thu.

Tôi bứt cành thấp, Nội với cành cao trên chiếc thang bàn bốn chân dành hái chè tươi của bà. Hái những trái chín đúng tầm. Bứt từng quả, đỏ tịm, vỏ căng ứa mật còn giữ hình chưa bị nhũn khi đụng tay. Không thể cưỡng lại sự cám dỗ, tôi lúng búng nhằn hết trái này đến trái khác, miễn sao giữ hai mảnh hạt giống lá mầm lạc đẩy lưỡi thả vào giỏ. Chút đường mỏng toèn ướt dính giữa vỏ quả và vỏ thóc chỉ đủ kích thích hàm hồ vị giác háo ngọt. Lưỡi càng rát tưa thì lại càng bị chất keo thơm thảo tựa mật ong của trái café dẫn dụ.

Nội dồn trái café chín lẫn cuội nhám vào chiếc thùng gỗ vốn được đựng nhựa sơn. Cấm trồng sơn, nên nó được tận dụng để tách vỏ quả. Trục gỗ xòe bốn cánh quạt thọc xuống đáy thùng, nhẩn nha Nội uống nước trà và cậm kịch đưa vòng xoay tay quay trong thùng gỗ. Nhân café đã tách vỏ quả tẩy rửa hết lớp đường ướt dính ngần lộ vỏ trấu xanh ngà gọi là cà phê thóc. Những mảnh hạt café mát lạnh tỏa hương thơm ngai ngái được Nội đóng túi vải diềm bâu nhuộm củ mâu ngâm bùn, từng cân trữ trong chum sành ủ lá chuối khô.

Cữ nào cần dùng Nội mới đem rang trong chiếc chảo bom khép kín quay quay trên than củi. Không kiếm ra bơ, Nội dùng mỡ gà trống thiến hồ hạt. Lao xao trong tôi mỗi sáng thức giấc âm thanh của hạt café chín ngậy lộn vòng lòng chảo bom tỏa hương trên lò than lẫn tiếng ho khan thậm thặc của Nội. Vô hình, Nội tạo cho tôi thói quen nhớ hương café mỗi buổi sáng như là điểm khởi đầu trong trẻo trước lê minh.


Xoải ê chân dọc quai de Montebello, Chị chọn một bàn ngẫu nhiên của con đường café. Chiều thu Paris phấp phỏng sắc lụa mây hồng căng hờ trên đỉnh Eiffel. Mặt sông Seine ngậm sóng, giữ luôn cả bóng hàng cây sếu, cây dẻ và con tàu dềnh dang ngược nước. Dòng sông qua thành phố bận rộn với tàu thuyền, những cây cầu cắt ngang mặt và bóng lâu đài, nhà thờ im soi. Nơi vườn  Luxembourg lá vàng vẫn rơi rơi trên vai tượng trắng. Trên đảo Île de la Cité, tòa án không ngơi xét xử và tuyên án tù. Bộ Tư pháp tiếp tục chuẩn bị những dự luật mới khắt khe, nghiêm khắc hơn. Sở Hiến binh bày mưu giăng bẫy tội phạm. Và nhà thờ Đức Bà, các con chiến thống hối trước cung thánh vàng son cầu xin Thiên Chúa sự thanh thản tâm hồn…


Quanh tôi và Chị những người Paris lịch lãm. Vị giáo sư khả kính cặm cụi viết tay, ngòi bút cày trên giấy rào rạo như kiến gặm mì khô, cặp môi ham hố chốc lại bập một ngụm champagne bọt lăn tăn sủi. Chàng thanh niên mở tờ báo thể thao, săm soi mục cá ngựa. Hai cô bạn một nâu mật ong, một đen tam thất chúi vào nhau thì thào trước máy tính.  Một khoảng tĩnh nghe được cả tiếng đầu ngón lướt và móng tay xiết khẽ trên bàn phím. Và hình như cả tiếng lao xao của nước sông Seine chợt lẩn trong hơi thở dài của Chị. Chuỗi thở dài bình yên tựa miếng bơ mềm thấm vào ruột bánh mì mới nóng. Có phiên bản tôi nào đó ngồi trên mây chăm chú dõi tôi và Chị, y như là tôi đang xem hình ảnh mình qua cuốn phim từ quá vãng. Một không gian dễ lầm ngộ đây là quá vỉa hè café Highlands - Lý Thường Kiệt - hay bình dị hơn là những góc café ghế nhựa thấp tè quanh quanh mấy phố cổ Hồ Gươm… nếu như nhắm mắt để cho hương café vây tỏa, chi phối!

Vấn Chị nguồn cội café Pháp nhưng bỗng tôi lại trẹo sang kiến trúc mặt tiền phố Pháp, giai điệu đường nét diện mạo quán café và tiệm ăn. Nụ cười trầm son sáng lên, Chị rằng nếu vắng những quán café thì Paris sẽ đánh mất một nửa linh hồn xuống sông Seine. Những quán café còn lâu đời hơn cả Eiffel. Không gian café gây nghiện với chính  người Paris, chứ chưa khẳng định cả với người ngoài. Người Pháp có thể thất hẹn với tình nhân chứ không bao giờ thất hẹn với café. Vua Louis XV chỉ thưởng thức loại café trồng nhà kính ở cung Versailles cho riêng. Ngài đúc chảo rang và cối xay vàng, tự mình chế tác café. Văn hào Balzac lang thang cả ngày khắp Paris tìm mua hạt café Mocha, hạt Bourbon và hạt Martinique để phối trộn với nhau làm nên thức uống yêu thích. Cuối đời, Balzac từng than ông kiệt sức vì năm mươi tách café mỗi ngày chứ không phải là ngày làm việc hai mươi tiếng!

Đường phố Paris bỗng chuyển động như được lập trình. Người cảnh sát da màu luôn miệng huýt còi chặn dòng xe để nhường lối người đi bộ sang đường, dù  tín hiệu đèn đã đỏ lòe. Cô gái tóc nâu mang bốt đen khóa bạc, áo choàng cổ viền lông rái cá, đi như lao đầu về phía trước. Gã sinh viên râu tóc như rơm vò, nách kẹp cuốn từ điển dày như viên gạch ba banh, khói thuốc lá như tàu hơi nước. Bà già lạch bạch ôm con mèo béo ú. Người đàn ông xách cặp vừa xuống taxi vuốt mãi mái tóc tưởng tưởng trên vầng trán trơn bóng. Đám di-gan vẻ ngái ngủ vô hại để che giấu ánh mắt sắc lẻm lảng vảng lại qua cố tình chạm vào du khách; chẳng biết họ sẽ bày trò gì với chiếc túi ta mang.

Một tinh thần phóng khoáng ngự trị, chi phối. Tưởng vô trật tự, tùy tiện nhưng tất cả vẫn phải tuân theo qui luật chung. Cái tôi được tôn trọng. Không cái tôi nào áp đặt được cho cái tôi nào. Tùy theo sắc màu mỗi quán để khách lựa chọn. Không ít quán là nơi là nơi gặp gỡ, tranh luận với nhau về sáng tác của họa sĩ, nhà văn, kỹ sư, bác sĩ. Các biên tập viên đại diện các nhà xuất bản đến đàm phán bàn thảo, ký hợp đồng. Giới văn nghệ sĩ dường như được các chủ quán ở đây ưu ái hơn khách thường. Họ có thể tĩnh lặng viết đọc miên man trong một góc tới giờ đóng cửa mà không bị quấy rầy lườm nguýt. Có quán dành chỗ riêng cho họ thưởng thức café ngắm phong cảnh, tận hưởng nhịp sống hoan cuồng của Paris lãng mạn.


Không ít gương mặt Việt, khách café trên quai de Montebello dọc sông Seine. Họa sĩ vẽ chân dung di động. Các lập trình viên máy tính. Các giáo viên dạy tiếng Pháp cho người Việt nhập cư. Các nhà văn nhà báo gốc Việt, tự do hay hợp đồng có điều kiện. Người Việt ở Paris thành danh được chính giới Pháp thừa nhận phần đông là các nhà khoa học, các họa sĩ còn sống hoặc đã mất mà người ta thường nhắc mỗi dịp cần điểm danh.

Văn tiếng Việt so xúi thi thoảng một vài tên tuổi tự vọng về quê hương bằng nhiều cách. Các salon văn chương Paris không mấy ai biết đến họ, dù người Pháp có công phát minh ra chữ Việt tượng thanh. Chữ Việt đã chắp cánh cho tâm hồn Việt vút lên trời tự do sáng tạo, nhưng nó chỉ là cánh chim đơn độc, run rẩy giữa không gian Paris… bất chấp nó là công trình kiến trúc phi vật thể kỳ diệu nhất của cuộc cưỡng hôn văn phương Tây với Việt. Tiếc, các tài năng văn chương Việt một thời và đương đại chỉ có thể cảm thụ tinh thần sáng tạo phóng khoáng của các quán café Paris gián tiếp, chứ không được đắm mình cọ xát trong xoáy trung tâm văn hóa thế giới. Nhà văn Việt còn thua xa các các nhà văn châu Phi về sự giao lưu, trải nghiệm với bên ngoài. Biết làm sao, khi cơ hội không phải lúc nào cũng công bằng với tất cả…

Xưa, Vũ Hoàng Chương trong cơn say làm thơ ca Công chúa Paris. Tiếp bút ông có Nguyên Sa, Duyên Anh, hai văn tài Việt lưu vong. Nguyên Sa trải hương cốm lòng lên lá sen, lên tà áo lụa Hà Đông mà thổn thức. Duyên Anh thì ê chề với café lúc uống ngồi khi uống đứng giữa tuyết băng… Sau cũng thêm vài tên tuổi thì chẳng thấy mấy văn, mà chỉ những chương sắc màu hận. Hận uất thì chẳng riêng ai nhưng ôm hận lâu thế, thổi lạnh giá vào lòng người đã tê tái mấy mươi năm thì ích gì sao? Người Việt còn chưa đủ đắng cay?

* * *

Chị không có lý do thời gian cho những ngồi quán nhâm nhi. Thèm khoảnh khắc café cho riêng, nhưng đời sống Paris với người xa xứ không cho phép nhiều ủy mỵ.  

Thấy quán vỉa hè dọc sông Seine bỗng thương quán Brodard góc đường Đồng Khởi, nhớ café hội họa Lâm, café hoa hồ Xuân Hương sương khói. Quán ồn tứ phương đồi Montmartre, quán hội mặt nghệ sĩ khu La-tinh suốt đường Saint-Germain-des-Prés. Quán sang trọng đại lộ Champs-Elysées mà chúng tôi cùng dạo tuk-tuk hay những quán thưa tèo khách lẻ, chưa bao giờ thôi nguôi ám người lữ khách nơi đất Pháp hai mươi năm. Đông dài, quán tưng bừng đèn màu sáng ban ngày vàng ấm, gọi mời một êm dịu chốc thoáng cho những cô đơn. Hạ đến, cánh cửa xếp biến mất, bàn ghế phô bày ngoài sân, vỉa hè cho khách ươn ao sưởi nắng với café.  

- Café Paris hấp dẫn đến đâu?

- Không rõ nữa…

Giọng Chị như nhòa vào cơn gió ào qua.

Hôm qua ngược quai, chúng tôi  gặp những địa chỉ café khơi gợi, nơi có thể thả tầm nhìn dọc bến sông Seine, phía những quầy sách cũ trải dài từ cầu Archevêché đến cầu Pont-Neuf. Thưa vèo lá nghiêng rắc vàng xuống dòng Seine. Đã thấy nhớ ngọn nhớ cành cao chớm gầy thưa xanh trên bờ ke dãy hộp xanh bán sách cũ. Tôi từng đọc chậm bài viết, xoay ngắm những tấm ảnh chụp về dãy hộp ấy và tưởng tượng sẽ có ngày đến tận nơi dựa lưng gốc cây, lục tìm sách mà Chị kể chuyện không biết bao nhiêu lần.


Chị cùng tôi ngồi chiếc quán còm ngay đầu cầu Pont-Neuf có ngả dẫn xuống ga métro và con phố đến Đại học Sorbonne IV, nơi mà Chị tòng học bốn năm. Chàng đẹp râu ngô, ôm con kỳ nhông xanh Caraïbe  yến da chảy xệ như cổ ông lão nghiện rượu đi dạo, mải nhìn Chị cụng đầu vào cột đèn. Người kéo đàn accordéon, mắt vàng đờ, nhàu tàn quân phục cũ, trải chiếc gilet da lộn bên lề mặt cầu ngóng những đồng xu cao hứng của khách du. Con chó đen nhóng, bảnh như hoàng tử của loài chó, gác mõm lên hai chân trước, canh chừng chiếc áo gilet vừa tõm rơi một xu lẻ. Mấy con nhạn nước bổ nhào từ đâu đó xuống mặt sông, tưởng đâm sầm  nát bấy vào nóc tàu bỗng bẻ hướng vọt lên. Cặp tiêm kích không quân Pháp tuần tiễu thủ đô sục lên trắng xốp hai vết sóng khí cao mờ.

* * *

Tôi chơi vơi trên hè phố Paris hỗn độn mùi café, nước hoa, son, phấn, cognac, cigare, thức ăn và cả thuốc khử mùi giày của dân văn phòng lộp cộp chạy qua. Mặt đường loáng ô tô bám nhau vận hành trong cơn mê cơ khí. Đường phố Paris làm người ta say. Thật vậy, tôi bị nhập vào cơn say lai pha của sóng và các hương vị có gốc hóa học kết hợp với alcool lẫn khói động cơ. Một cơn say phơi nhiễm giữa kinh đô ánh sáng. Cảm giác thăng bằng của cơ thể tôi lắc lư một chỗ như trái bóng bay bị đứa trẻ níu vào lưng chiếc ghế gỗ bong sơn.

Người hầu bàn râu vểnh, mắt chớp chớp liên hồi, chemise trắng, tạp dề trắng dài lụng thụng chấm gối, quần đen. Ông đem đến hai tách sứ trắng dầy café nóng, tách đen quánh, tách đầy bọt trắng mịn, hai chiếc thìa nhỏ, và một mẩu giấy tính tiền nhỏ như nhãn hộp diêm, đặt trên bàn.Trong đĩa của tôi còn thêm thanh chocolat bọc giấy bạc, không to quá để chán ngọt, nhưng cũng không bé quá để thòm thèm tức khẩu.

- Bà chắc không muốn bỏ sót hương vị ngọt ngào trong cuộc sống vốn chát đắng này. Còn ông, hẳn là người ưa thích hương vị đậm đà, mạnh mẽ như chính những xúc cảm mà expresso mang lại.

Người hầu bàn lả lướt quay gót. Chẳng lẽ ông ta tưởng tôi là một triết nhân đến từ phương Đông, còn Chị chủ nhân của một dãy cửa hàng thời trang trên lầu?

Chị nhướn đôi mày cong mềm cánh liễu:

- Ông ta có vấn đề?! Paris không khuyến khích hầu bàn tào lao với khách.

Thú vị, hầu bàn Paris có khác. Bay bướm mà vẫn lịch lãm ghê gớm.

Tôi biết nếu tìm café ngon theo gu Việt thì đừng đến Paris. Ngược với rượu, café Pháp chưa bao giờ đạt mức điêu luyện quý tộc của nó. Người Pháp nói chung và dân Paris nói riêng xem uống café khoảnh khắc nghỉ ngơi, thậm chí là một kiểu hưởng thụ, một lối sống bảo thủ có tính nguyên tắc của văn hóa. Mỗi sáng dân Pháp vẫn dùng café trong cốc lớn để nhúng bánh mì và dù trên phố người ta vẫn đi như chạy tới bến metro, thưởng thức café  thực sự thì nhất thiết phải kéo nhau ra quán ngồi thấm từng ngụm nhỏ... Nhưng ngặt nỗi bất kỳ ông chủ quán bar nào cũng mang sức ép: chuẩn bị ly café phải mang lại hiệu quả kinh tế nhất, chỉ được phép trong vài giây. Việc pha một ly café tử tế bị đẩy xuống thứ yếu, người ta tập trung vào những khoản cho lợi nhuận lớn hơn: rượu, đồ ăn...  

Chẳng lẽ đích của tôi đến Paris chỉ là để kiếm café ngon?

Thư xưa, Chị viết trong vườn Luxembourg dưới những vòm cây dẻ rói vàng  nhâm nhi một ly café crème. Thức café crème là café phê pha với kem tươi, có thể uống điểm xuyết trong ngày. Còn gì yên tĩnh bằng khoảng khắc trước tách café crème nóng khói trong gió thu se lạnh ở một không gian nửa rừng nửa phố khi nghĩ đến yêu thương. Và người duy mỹ như tôi, chắc sẽ  ngẩn ngơ ngắm những cô gái Paris cao dỏng, bước lướt trên vỉa hè lát đá như ngựa hoang hơn là nhìn mùa thu trong sắc lá…

Café buổi sáng của Chị thường diễn trong phòng bếp hay nơi làm việc quanh vài đồng nghiệp, góc chuyện phiếm, thời trang, thời tiết, chạm má xã giao là tập thói chưa bao giờ đủ cho tâm tư; nếu như không muốn nói không gian café ấy chỉ có thể kích nét mặt tươi một thoáng. Chị café một mình trong những khoảng năm bảy phút dư thừa trước khi bước qua cổng nơi làm việc. Ngồi một mình để nhớ mình là ai. Vị đắng đót, hương thơm nguyên ủy café đã bị kem, sữa át lấn như là đời sống xung quanh đang dồn ép căn tính Việt.

- Vậy thì còn một nửa linh hồn của Paris thì lưu giữ ở nơi đâu?

Lùi xa mặt bàn, Chị bình lặng:

- Đây. Tại nơi chúng ta hiện diện: trung tâm không gian kiến trúc cổ kính, tinh hoa không riêng Paris mà của chung nhân loại. Uống café ở Paris chính là uống không gian tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà, dòng sông Seine mà bất cứ ai đến đây cũng có thể giao cảm... Có một Paris riêng văn hóa Pháp chưa đủ. Ánh đèn Paris mê dụ nhân tài thế giới bởi môi trường tự do và các mạnh thường quân lịch lãm, dư tài lực kích thích sự sáng tạo cá nhân nghệ sĩ. Muốn chinh phục Paris thì hãy để Paris chinh phục. Paris công nhận nghĩa là cả thế giới công nhận. Nhân loại mang ơn Paris, nhưng Paris cũng không nguôi ơn nhân loại. Café ở đây chỉ là một lý do…

Không. Lúc này tôi muốn nói, Chị mới là lý do để tôi đến Paris. Paris vẫn chỉ là Paris nếu không có Chị. Paris vẫn chỉ là đô thành nhiều ánh sáng và nhiều sắt đá nhất trong các thủ đô. Chị đã làm một phần Việt của Paris. Paris cũng chưa phải là thế giới. Nhưng thế giới này không thể thiếu Paris. Và tôi…

Kiến trúc Paris thăng hoa từ Napoléon, bởi Hoàng đế đã chọn nó làm phương tiện biểu đạt sức mạnh văn hóa của thời đại. Trên lưng ngựa chinh phục Ai cập, ông vẫn tự tay ký các điều khoản qui định về quản lý nhà hát lớn Paris. Khoảng khắc Napoléon chiêm ngưỡng đá vươn trên kim tự tháp Kheops cũng mơ ước Paris sẽ có những kỳ quan kiến trúc để dấu nghìn năm hay là nó đã được hình thành từ những tháng ngày Trung úy uống café ở quán Le Procope trong lúc vội tính tiền đã lỡ quên chiếc mũ nhà binh của mình?

* * *

Ngồi giữa Paris mà quen ấm. Nét gần thân ấy tôi đã thấy ở không gian trung tâm kiến trúc Hà Nội và Sài Gòn bấy lâu hay do những trang văn học cổ điển Pháp nghiền ngẫm từ thuở học trò? Một cảm giác mong manh ở một sự ngộ nhận mơ hồ. Hai không gian văn hóa đẳng lập, tôi có quyền quan sát chứ không thể so sánh. Chẳng biết ai thế nào, với riêng thì tôi thầm cảm ơn các nghệ sĩ kiến trúc sư Pháp qui hoạch cho xứ sở mình những không gian đô thị nội dung chứa đựng tinh thần nhân loại mà không mất đi bản sắc Việt. Và ở hai đầu đất nước, hai đô thị lớn đã vươn thoát khỏi cái bóng nâu xám, lè tè của kiến trúc Trung Hoa ngoằn ngoèo, dập khuôn…

Không gian cá nhân Hà Nội, Sài Gòn hay Paris chỉ khác nhau tiện nghi, sắc màu nhưng đồng điệu giới hạn ở diện tích. Tôi từng ngậm ngùi viết về những con ngõ, những ngôi nhà Hà Nội tam giác, những ngôi nhà hình thang, những ngôi nhà mỏng như viên gạch bìa, tư gia hay cho khách du lịch thuê dường như đã phải co ro cố thu hẹp diện khối để nhường chỗ kiến trúc công. Nhưng biết Paris thì tôi kinh ngạc: cùng mười lăm, mười sáu mét vuông giữa trung tâm, các bức tường ngăn hắt hơi cũng thủng, góc cầu thang một người thở cũng thiếu dưỡng khí thì các chủ nhân của nó máu quý tộc xanh lét vẫn cứ đắp đổi kiếm thêm nhờ tiền cho thuê nhà vào các dịp hè, dịp đông. Họ sẵn sàng giao nhà, đồ dùng cho khách lạ, miễn là anh sòng phẳng.

Có lẽ Hà Nội giống Paris ở cách kheo khéo sắp đặt không gian hẹp. Nhưng Paris thì nhẩn nha làm chủ các chiều không gian. Người Pháp là cha đẻ của lưu giữ quá khứ. Họ sưu tập làm bảo tàng từ nút chai, cúc áo, đinh thúc ngựa đến máy bay Concorde. Hôm qua huy hoàng hay tẻ nhạt thì hiện tại người Pháp vẫn cứ làm rượu vang, cognac, dùng với gan ngỗng hoặc fromage và vé vào cửa nhà hát Opéra de Paris vẫn phải đăng ký trước cả năm mới có chỗ. Du khách vẫn nháo nhào ùa xuống sân bay Charles de Gaulle rồi gà gật trên TGV khám phá xứ sở Gaulois.

Quá khứ Việt có Loa thành, thành Phong Châu, chùa Một cột, nhà thờ đá Phát Diệm, cố đô Huế vẹn nguyên…và Hoàng thành còn ẩn dáng vóc địa tầng khảo cổ. Bằng lòng với quá khứ trong hỗn mang mặc cảm và tự hào, chúng ta nôn nóng hiện tại và hấp tấp với tương lai một chút thì cũng đành…

Chị hướng xuôi dòng Seine. Yên lặng.

Chị không kể, nhưng tôi cũng biết café Paris không phải lúc nào cũng mơ màng. Sông Seine cũng khi trong khi đục, sặc khói diesel tàu du lịch. Vỉa hè rầm rập cẳng chân du khách, chen như vịt chạy đồng, lộn lạo lá khô, phân chó, mẩu thuốc, bụi từ đế giày dép theo đến từ năm châu lục khuyếch tán vào đường thở khách uống café. Sở hữu những không gian café sang trọng là giới quý tộc gạo cội, những thiếu phụ nhân tình, hay phu nhân những quý ngài đeo răng giả, đội tóc giả…Đương nhiên phải kể thêm đám du khách cả đời mơ đặt chân lên đại lộ Champs-Eslysée một lần để vung tiền. Còn những viên chức làm công ăn lương thì  sáng tối bò dưới lòng đất như chuột trũi nhoai đến công sở, mấy thời gian mà đến đó…

Trái đất thì vẫn là trái đất chung, có chung luật đời, luật trời. Riêng chăng là cấp độ tương quan buồn vui phận người.

Đúng vậy, thưởng ngoại các cung bậc café Paris có đủ thứ hạng café tương ứng cho mọi tầng lớp như café ở bất cứ nơi nào. Nhưng uống ở Paris không có nghĩa là café pha theo cách Pháp. Các lứa đôi thường lấy quán café làm điểm hẹn. Nhưng quán café thì có cả trên tháp Eiffel, các ngõ ngách, quảng trường, hè đường, mấp mé bờ sông, lênh đênh du thuyền, chót vót trên ban công khách sạn. Đại chúng hay sang trọng kén khách, mỗi quán đều giấu công thức đến bảo thủ để giữ bản sắc riêng. Chủ quan trung thành, khách trung thành. Sang nhàn thì uống ngồi, vội bận thì uống đứng. Dẫu người sống cả đời ở Paris thì cũng không có thời gian đi khắp lượt các quán café.

Quán Le Procope của chàng Trung úy Napoléon, một trong những quán cổ nhất Paris cũng xa chẳng mấy chỗ chúng tôi ngồi. Nhưng không hiểu sao, tôi không hứng để đặt dấu mình trùng lên dấu Simon de Beauvoir, Hemingway, J.P. Sartre. Và trước nữa Diderot đã ngồi một góc quán soạn Từ điển bách khoa toàn thư. Benjamin Franklin tòng sự Đại sứ Pháp đã thảo những trang viết đầu nên Hiến pháp Hoa Kỳ trên mặt bàn loang dấu café bên cửa sổ…

Có lẽ vì sự kính trọng những siêu con người đó mà tôi chẳng nên hành hạ mình gọi điện đặt trước và dài cổ đợi nửa buổi mới có chỗ. Người xưa dư đủ vĩ đại, không cần có thêm một lời tụng ca từ tôi nữa. Đến đó thưởng thức thịt lợn xông khói hầm trái mận hoặc gan ngỗng áp chảo, rồi nâng niu một tách café Pháp, trước mặt tranh của Chagall, Brancusi, Picasso… sau lưng bức tranh lớn nàng Vénus khỏa thân và trên đầu là bức tranh “Paris phong tình” thì cũng đáng giá. Nhưng thôi…

* * *

Café gắn với hai tên tuổi văn chương mà tôi đặc biệt yêu quý. Guillaume Apollinaire [2]–nhà thơ gốc Ba Lan và Antoine de Saint-Exupéry [3] nhà văn quý tộc Pháp. Họ tài hoa và họ bạc mệnh.

Ngày nay Việt đời sống còi cọc lương nghề, không thiếu nghệ sĩ mở hàng quán. Nhưng từ năm 1913, Apollinaire đã đầu tư vào Café de Flore và sáng tác tập Alcools, xuất bản năm 1914 một số bài thơ viết theo kiểu tạo hình. Nơi đây thi sĩ  vừa bán café vừa làm văn phòng báo Les Soirées de Paris.

Café Les Deux-Magots nơi Antoine de Saint-Exupéry thường lui tới nghiềm ngẫm những trang viết và hẹn hò người tình. Địa chỉ café này cũng là nơi bảo chứng cho cuộc tình Picasso - Dora Maar mùa đông năm 1935. Nếu không có Café Les Deux Magots thì có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ được trầm trồ những họa phẩm Dora Maar với hai khuôn mặt. Cũng mùa đông 1935, vào ngày 30 tháng 12 lúc 14:45 sau chuyến bay dài 19 tiếng và 38 phút, Saint-Exupéry, cùng với hoa tiêu André Prévot trên chiếc Caudron Simoun, đã rơi xuống sa mạc Sahara thuộc Libye trên lộ trình tới Sài Gòn. Trải nghiệm sống sót trên sa mạc đã hối thúc Saint-Exupéry viết nên Hoàng tử bé ((Le Petit Prince) thân thương.

* * *

Vòng quanh café Paris cùng Chị thì tôi đã sống quá lâu so với tuổi của Apollinaire và Saint-Exupéry. Bản năng hướng tôi đến Paris. Và bản năng hướng tôi đến những giá trị tinh thần mà bấy lâu mến mộ. Mới hay, kẻ làm ra ánh sáng thì mới chiếu sáng được cho người khác. Tự Saint-Exupéry và Apollinaire đã đến tìm tôi nơi vỉa hè Paris. Tôi đã là người lớn và khó có thể hiểu thêm được nhiều điều muốn hiểu. Không có Chị, hẳn Paris cũng chỉ là sa mạc Sahara với tôi… 

Đã cùng Chị đắm không gian café Lâm, café Hàng Hành, café Brodard, café Việt Trì cổng chợ, café trên xe máy ghếch bánh lên vỉa, lá me rơi như mảnh trấu giữa ly nâu. Trong lặng tĩnh, cảm nhận tươi tốt của bản thân đang tan như viên đá, đang nhích xa như ngấn nắng chân tường. Nhìn Chị, tôi từng nhìn Chị như muốn hỏi có cách gì ngăn đá dừng tan, nắng dừng chạy.

Thời gian vỡ mảnh sắc thủy tinh an phận trong lòng những kẻ không thể nói nhiều trong quán café.Tôi tưởng mình nghiện café, đến bạc đầu mới nhận ra rằng đấy là tôi nhớ cái không gian café nào đó giúp mình vấn mình và san vọng tâm giao. Những café để đắng một mình nhắc tôi tin yêu hơn là dạ tiệc nồng sắc bên sánh champagne và bạch lạp… Vị đắng tràn miệng giúp tôi không ảo tưởng mình luôn may mắn, vị đắng cho tôi cái nhìn xuống mặt đất đang đi. Vị đắng cho tôi biết Chị như là Chị buổi đầu chè xanh mật mía ở vườn xưa. Như là chiều nay ngùi ngẫm Paris ngỡ nói muôn điều nước Việt thì tôi và Chị lại lan luyến chuyện café.

Chị nhắc hàng cây café lùm lùm như bà đầm mặc váy bầu nơi chân vườn đồi nhà Nội. Và hương hoa café gây gây thơm như vị bơ tươi. Mà chẳng biết vì lẽ gì tôi cố tình hay là quên không nhắc đến thứ cây ngụ cư bỗng tốt tươi miền lạ trong những bài viết quê hương. Cây cỏ cũng cần sự công bằng chứ đâu riêng con người?

Paris thiên đường của nghệ sĩ! Nhưng là nhà tù nghiệt ngã ngay cả với những tài năng xuất chúng và kẻ mứa tiền bạc. Nếu muốn được xưng là người Paris thì cũng cần chút may mắn. Lịch lãm và kênh kiệu, Paris mê dụ kẻ đến, người đi. Ánh sáng làm nhan sắc ánh tỏa quang xuống sắt đá. Paris chẳng cho không ai thứ gì và cũng chẳng lấy của ai thứ gì, ngạo nghễ trong thâm trầm, vậy mà ai cũng ám ảnh Paris, dù thời gian đủ cho một cái hôn chạm má xã giao hay một đời nặng nợ.

Chị hỏi hay là thăm đồi Montmartre, nhà thờ Sacré Coeur và khu các họa sĩ vẽ chân dung kiếm sống, nơi mà họa sĩ Salvador Dali từng ở, sau đó sẽ  thăm Café de Flore. Ý tưởng tuyệt vời, nhưng… trên đường tôi bỗng tuyệt vọng: Paris là tập hợp những vì sao cao, thấp tạo nên thiên hà dấu tích những siêu công dân nhân loại…Tôi là gì ở Paris? Một gã Á châu lợm cợm. Đến hay đi qua cửa sân bay Roissy cũng chỉ thêm cái gật đầu và nụ cười lập trình của nhân viên công vụ da màu. Hình như Paris và nước Pháp, chỉ cần mình Chị đón chờ, buồn vui với tôi…Bởi những người Pháp có thể yêu quý tôi họ đã chết lâu rồi.

Và tôi đã không tới đồi Montmartre, không Café de Flore mà đến Le Procope lúc nào chẳng rõ. Sự mê dụ của quán café cổ xưa nhất Paris khó lường hay những ngả phố Paris vòng vèo đưa đẩy bước chân? Tôi nhập dòng người tham quan nối nhau rồng rắn.  Lối cửa vào,  gian phải dành ăn nhẹ ban ngày được gọi là salle Jean De La Fontaine, salle bên trái Jean Jacques Rousseau. Dù có trả ngất ngưởng như đỉnh Eiffel thì những chai rượu trên giá kia cũng không được mở. Thảm sờn dấu giày, vàng ngà, vân hoa xanh, trải dọc lối đi và bậc đá cầu thang. Những mảng tường trầm màu rượu chát. Những bức chân dung giữa nhũ vàng. Tượng bán thân. Tủ ly cốc pha-lê. Giá sách. Không gian nội thất cung đình gợi đến một bảo tàng mỹ thuật nhiều hơn một café-restaurant. Ánh sáng vàng ảo. Không có chỗ, dù những ô trống riêng tư vẫn đang chờ ai đó, ghế mềm đỏ, khăn bàn trắng, và thìa dĩa nghiêm lạnh. Nếu có chỗ bữa tối thì hai suất giá cũng bằng một cuốc dạo tuk tuk chạy suốt đại lộ Champs-Elysees đến nhà thờ Đức Bà...


Từ biệt Le Procope, đương đại và quá khứ quấn rộn bước chân, chẳng mấy chốc cây cầu Mirabeau hiện chờn vờn trước mặt. Tôi bỗng muốn xem nước sông Seine quãng ấy chảy trôi thế nào. Cười xa, Chị tư lự. Dòng xiết hơn những khúc quanh và cồn sóng nơi giao lộ và lặng lẽ giữa hai bờ đá xám tro, dây trường xuân loang xanh từng đám. Dòng linh hồn cội rễ luôn chuyển dịch để cho tồn sinh của đô thành ánh sáng. Đứng trên mặt cầu níu lặng lan can kim loại tê dại, bỗng ánh vàng liệng dưới chân. Một chiếc lá! Tôi cúi nhặt. Chiếc lá mùa thu đầu tiên của tôi ở Paris. Xin dòng Seine nhận lấy. Thả chấm vàng xuống vân sóng, tôi nghe hổn hển gần bên các cặp môi hôn. Bao giờ lá trôi tới biển Manche? Lần xuống đường ke dạo bộ dưới cầu, trước mắt tôi vẫn vòng tay thanh xuân đan eo, đan vai. Tựa vào sắt lạnh trồi lên chuỗi đinh tán rive như hàng khuy đính dọc trụ cầu, tôi cảm nhận thêm một lần nỗi thương đau mà cầu Mirabeau chồn chân đã chứng các cuộc tình. Trôi trôi, bao nhiêu nước thì dòng Seine vẫn chảy…


Cây sắt Eiffel cô đơn trên nền trời bất chợt tím xanh bất tận. Một cánh bay lên chớp chớp đèn, dấu mắt rớm rời Paris. Hình như Saint-Exupéry đang nối chuyến đêm định mệnh để sáng mai hạ xuống Sài Gòn. “Những người lớn, chẳng bao giờ tự họ hiểu được cái gì cả, và thật là mệt cho trẻ con lúc nào cũng phải giải thích cho họ". [4]

Paris đâu nữa. Chưa bao giờ đồng nghĩa với Paris, Chị - hình bóng Việt áo dài ánh ướt, nón lá chông chênh giữa bụi mờ gió tuyết. Đây chẳng phải là điều bí mật cuối cùng. Tôi - Chị là hai không gian của hai mảnh café trên cùng trái. Nhưng thế giới chỉ có một. Dẫu không thuộc về nơi này, Tôi đang thuộc về bình yên bên Chị với sông Seine.


N.T.T.K - Paris, Tháng 7 năm 2012




[1] Kẻ Sở-thuộc tỉnh Hà Nam.

[2] Guillaume Apollinaire (26 .08.1880 - 09.11.1918)

[3] Antoine de Saint-Exupéry ( 29.06.1900  - mất tích 31.07.1944)

[4] Trích : Hoàn tử bé (Le Petit Prince) kiệt tác của Saint- Exupéry 


Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook