1.Venezia, nơi gọi giấc mơ tình yêu với tôi khởi nguồn từ ga Santa Lucia. Tổ hợp kiến trúc xám tè bên bờ đầm phá loang nước và bùn - gợi sắc vẻ quen của những ga Việt dọc trung phần. Cộm lên chút thất vọng. Khắc khoải xa vận xuyên đêm từ Vienne tới Bắc Ý, sáng sớm cay mắt tôi chợt thấy vị biển mơ hồ thấm hơi thở, vài cánh hải âu đã chớp sáng thân tàu.
Bàn chân chen bàn chân trên đá granit xám, chắn ngang tầm mắt lủng lẳng đồ fake quần áo, kính, mũ, túi thập cẩm nhãn thời trang danh tiếng. Điều vừa thấy khiến tôi nghi ngại về người Ý.
Chẳng thể nào cả thế giới nhầm lẫn và chẳng thể nào vô cớ mà Chị hướng tôi đến nơi này.
2.Tôi ngợp trong không gian cổ xưa của cẩm thạch và màu gạch đỏ trầm dinh thự tuổi ngàn năm, khỏa bóng xuống Kênh Lớn (Grand Canal) sánh tảo lục, đắm ánh dương bất tận màu trời xanh azzurri[1]. Nếu không có những con thuyền gondola[2] đen bóng ngểnh đầu lên như con trăn nước với godoliere[3] áo sọc ngang đen trắng, quần đen, mũ cói buộc ruy-băng lụa đỏ đứng lệch vặn mái chèo, những vaporetto[4] sơn trắng dềnh dàng lừ đừ trườn mình trên sóng, không có những cây gỗ sồi chụm ba cắm sâu xuống đáy bùn vừa làm phao tiêu vừa làm trụ neo tàu thuyền, không có những giỏ hoa bướm treo dọc lan can nhà hàng nổi; nếu không Chị ở bên thì tôi đã chẳng dám tin mình hiện hữu trước Venezia…
Đám khách ngổn ngang hành lý từ ga S.Lucia xoài bậc xuống khoảng sân lát đá vừa trông ngược ngó xuôi vừa vặn người giậm chân. Những cặp tình nhân tay đan tay ngỡ ngàng nhìn ngắm. Bến tàu nổi tựa chiếc phà, nền xi-măng sần chống trượt, rào chắn i-nox, mái tôn lụp xụp, trần nhựa, chia đôi không gian để khách lên và xuống.
Tôi làm quen với vaporetto - chiếc xe buýt nước. Ghế xếp đầu và cuối khoang, cửa kéo tay hai hông, điều khiển bởi một lái tàu và một thủy thủ. Du khách nghển cố xoay ngang dọc, chỉ trỏ đích ngắm nào đấy cho nhau trầm trồ, bấm máy ảnh như kéo cò súng liên thanh. Người bản địa quá quen nhịp sông nước đã vô cảm trước dòng người vô tận đổ đến Venezia… Họ có thể phải nhường chỗ ngồi ít ỏi trên vaporetto hoặc phải trả lời liên tục những câu hỏi ngô nghê của du khách, nhưng bù lại túi tiền du khách sẽ đem nguồn dưỡng sức sống tưởng đã lụi tàn cho Venezia cùng những công trình kiến trúc đang nhúc nhích chìm dần xuống nước.
Thư chỉ dẫn trước cả tháng của ông Salvy, Tham tán Văn hóa Pháp tại Venezia cho chúng tôi hay từ ga Santa Lucia đến bến San Samuele chỉ mười lăm phút. Và từ bờ Kênh Lớn trèo lên tầng ba ngôi nhà của ông nếu mất hơn năm phút nghĩa là đã lạc đường.
Tròng trành chuyến vaporetto đầu tiên trong đời tôi trên mặt Kênh Lớn không có dòng chảy, bao nhiêu sóng hỗn mang kia do con người khua dậy dưới bánh lái và mái chèo tàu thuyền xuôi ngược. Kênh chỉ là cái van tiết lưu kiểu bình thông nhau của hai đầu phá.
Mê lộ thủy lặng lờ giữa những tường gạch long lở. Tường đá mốc lạnh với ô cửa trống rỗng hoặc khép kín, dầm chân trong bùn nước đột ngột hẫng một khoảng trống. Khoảng trống ấy có thể là khu vườn tưng bừng sắc hoa trúc đào lấp ló những pho tượng cẩm thạch rêu phong, có thể là nơi bắt đầu con ngõ của bến thuyền mà cũng có thể là một con lạch vừa khít cho hai con thuyền gondola sóng đôi mải mê hút vào ruột phố lô xô. Nơi cửa lạch thường là cây cầu đá, cây cầu gạch uốn vành trăng nhô lên để người chèo gondola không phải cúi đầu khi lướt qua. Kiểu dáng những cây cầu cũng chẳng khác, nếu như là không muốn nói là y chang những cây cầu cổ đại miền sông nước Trung Hoa. Chẳng biết người Venezia học lỏm người Trung Hoa hay ngược lại. Bởi cả hai dân tộc đó chẳng thiếu tính bảo thủ nhưng cũng thừa thãi khôn ngoan, thực dụng; chẳng tội gì mà không kiếm lợi từ thành quả người khác.
Mỗi nóc bến thuyền, trên đỉnh cao dinh thự danh tiếng, bao giờ cũng ngạo nghễ lá cờ Venezia mang biểu tượng con sư tử vàng trên nền màu rượu chát với sáu tua dài tương đương với ba chân trên bờ và ba chân dưới nước. Đúng vậy Venezia vừa củng cố vị thế trên đất liền vừa hướng ra biển những con tàu buôn. Và con sư tử cũng chính là biểu tượng của San Marco – vị thánh bảo trợ cho Venezia.
3. Bến San Samuele lọt giữa tòa giáo đường và dinh thự cổ đã biến thành bảo tàng. Hai con ngõ lớn có thể luồn chiếc Fiat 500 mà không sợ va đụng- ở đầu mút bên phải và bên trái bến ôm gọn khoảng sân lát đá cát kết, vài chiếc ghế gỗ bong sơn dưới cây hòe chưa kịp tỏa bóng, chiếc thùng rác tròn, chiếc thùng rác hình thang, trạm mua vé tự động và khẩu đá giếng cổ niêm phong tấm kim loại chụp kín.
Ông tham tán Văn hóa lãnh sự Pháp tại Venezia, tiến sĩ Salvy - người bạn già của chúng tôi đang ngóng đợi trên bờ. Vẻ như ông đã căn chính xác giờ tàu từ Vienne. Người đàn ông ngoại sáu mươi, cao lớn, lưng thẳng, kính lão, mái tóc bạc hất ngược để hiện diện rõ hơn vầng trán thông tuệ, chemise kẻ ô xanh mờ, quần xám và đặc biệt chiếc áo veste màu tường gạch của Venezia đã phôi pha mưa nắng. Ông mang ba dòng máu: Pháp, Anh, Nga từng học trường Hành chính Paris để ra làm Bộ trưởng nhưng rồi lại sang Anh giảng dạy đại học. Cuối đời, ông chọn Venezia để nghiên cứu và sinh sống. Ông viết cả ngàn trang về thành phố mọc từ đầm phá vốn chẳng liên quan gì tới huyết thống hay văn hóa mà chỉ vì một tình yêu vô điều kiện…
Ánh mắt đen sắc, thấu suốt người đối thoại, nụ cười tươi khó định dạng, Salvy đỡ tay kéo chiếc valise của Chị. Con ngõ hình như mới được lát lượt đá mới. Những bức tường dù mới được sơn nhưng vẫn không thể che phủ hết sự cũ mòn, ể oải của thời gian. Ngự nơi gờ cửa sổ, những chậu hoa đất nung lá đỏ loăn xoăn nở chấm hoa trắng muốt. Một vài người tóc bạc thập thững kéo xe giỏ ra bến. Họ chào ông Salvy như chào một người thân.
Chiếc sà lan mini tự hành lặc lè mạn những cát sỏi cặp bến. Khói diesel phụt cao ngụt. Ba chàng công nhân như vừa ngoi khỏi bùn, thấp bé râu cằm như cỏ gà sau mưa mỗi người một chiếc xe đẩy bánh hơi, căng thẳng đợi chiếc cẩu múc cát trút xuống. Muội khói dầu cháy chưa hết lởn vởn bay như tuyết đen. Họ thản nhiên hít thở thứ không khí ô nhiễm đó. Thi thoảng ai đó lại ho thốc lên, khục khặc, xì mũi.
Cánh cửa sắt màu lá cây già, trình trịch như cửa trạm biến thế, khóa điện nên mở nhẹ nhàng. Đèn bật sáng. Không khí cô đặc, bí hiểm. Cầu thang cuốn tròn lượn lên cao, trải nỉ xanh nhạt, nuốt chửng những âm thanh mọi đế giày. Mùi hợp dung của những ngôi nhà cổ quý tộc ám khói nến, son phấn và của gỗ, đá, thảm trải, len lụa hư nát đang được thay mới, kích thích người ta khám phá, chinh phục và khơi dậy cả những tự ti…
Thấy chúng tôi chú ý đến bạt che, giàn giáo trong gian xép, vụn vữa còn lấm lối đi, ông Salvy thanh minh kế hoạch sửa chữa lại ngôi nhà bị chậm do thiếu thợ lành nghề. Mà ở Venezia công thợ cao chẳng kém giáo sư đại học..
- Sơn mới có thể khiến các bạn khó chịu…nhưng tất cả đều hoàn hảo, tinh khôi…
Giới thiệu phòng tắm theo phong cách hoàng gia ốp lát thứ gạch tổng hợp siêu nhẹ, giả cẩm thạch ghi xám, nhà lịch sử nghệ thuật học phân trần:
- Để chống mặt đất quá tải dẫn đến lún chìm, kỹ sư trưởng của thành phố đã cấm mọi dự án tư nhân sử dụng vật liệu có tỉ trọng lớn. Đá và gạch đã bị loại trừ. Thứ xa hoa sang trọng ấy chỉ được dùng cho công việc trùng tu các di tích xếp hạng…
Phòng khách nơi tầng hai cửa sổ lớn mở theo trục hướng đông-tây. Ánh sáng hai chiều hòa sắc lên đồ vật sắp đặt theo tường, chừa khoảng trống trải hai tấm thảm nâu đỏ, họa tiết tím than và nâu vàng giữa phòng tạo cảm giác bề thế, uy nghi dù diện tích không rộng. Chính giữa là chiếc kệ đa năng có công dụng của bàn và tủ đựng. Chiến laptop đang mở chế độ check email. Bốn giá sách sơn trắng cao vượt quá đầu, lèn chặt những bộ sách bìa cứng, hoặc bọc da dê. Bức tranh lớn tông ghi xám vẽ bốn người phụ nữ bán thân trong không gian mờ ảo, không thể xác định các nhân vật đang ở trạng thái sinh hoạt nào của đời sống Venezia đặt dưới cửa gió máy điều hòa và phía trên chiếc sopha cổ. Thành chắn hai bên cao vút bằng sắt rèn. Đệm nền ghi xám, kẻ sọc nghệ già và nâu đỏ. Đèn bàn, lẫn giá nến hiện diện để trang trí nhiều hơn là cần chiếu sáng.
Đối diện bên cửa sổ phía đông kê bàn ăn, mặt tròn đá cẩm thạch vân xanh, ghế ngồi nhồi cỏ, bọc da, đóng đinh tán. Bên góc lò sưởi giả, chiếc ghế vành thúng, trùm vải sọc trắng đỏ, tiệp màu với bộ rèm cửa sổ vừa kéo nép góc lấy sáng. Chiếc bàn vuông một vài cuốn sách đọc dở đặt phiến giấy màu đánh dấu trang…đối diện với sopha hiện đại hoa văn vải kẻ xanh vàng.
Chị ngồi trên chiếc sopha cổ, bâng khuâng cánh tay chống mặt đệm. Một hình ảnh có lẽ tôi đã thấy trong những giấc mơ nào đó về sáng khi nửa chừng trang viết.
Chưa kịp cảm nhận căn phòng khách thì chủ nhà đã pha café mời chúng tôi. Sự chu đáo, lịch lãm lấn lướt cả nồng hậu. Người đàn ông trầm im khoanh tay vẻ đang chờ câu hỏi để bật ra những khuyến nghị. Chúng tôi yên lặng. Dẫu là thánh thì ông SaLvy chẳng thể nào nhồi vào đầu chúng tôi muôn sắc vẻ văn vật Venezia mấy ngàn năm qua vài điều thắc mắc. Hương café quánh nóng, thoảng vị chua đắng thơm ngây loang như hơi thở dài thiếu phụ. Một tách café đậm đặc lúc mặt trời sắp tròn bóng thì hơi khác thường với người Việt. Nhưng ở cảnh huống này, tôi bống thấy không gì thích hợp là một tách café. Để thưởng thức tách café Ý trên đất Venezia được pha bởi một tín đồ Venezia với nguồn nước và không khí Italia với tôi là sự kiện cả đời. Không chỉ đơn giản thời gian hay tiền bạc mà là cơ duyên với tình yêu…
Vài lời khuyên của chủ nhà vẫn được nêu như một động thái ngoại giao. Chị lắng nghe Salvy, vì chiều đãi chủ nhà nhiều hơn là cần thiết. Tấm bản đồ rối như mạng nhện bị chổi khua vón cục. Nào kênh lớn, nào kênh nhỏ, nào cầu, nào phố, nào ngõ, nào các công trình kiến trúc nổi tiếng đan xen. Chỉ có Chúa mới hiểu vì sao giữa vùng đấm phá mênh mông sình nước con người lại có thể dựng lên cả một đô thành hoa lệ dành cho muôn vàn lứa đôi tụ hẹn. Nơi tinh đất và tinh nước tôn vinh bện kết tạo nên linh hồn Venezia.
Cũng như câu chuyện số phận của những cơn mưa Chị mang và tôi là bức tường đất từng trơ trọi không mái che.
(Còn tiếp)
[1] Màu xanh của đội tuyển Ý
[2] Gondola: Con thuyền truyền thống của Venezia
[3] Người chèo những con thuyền gondola