Điểm hẹn ngày gặp lại, Đỗ Phấn chọn quán chuyên món cá ven sông. Mặt nước lúc trầm sắc phù sa, lúc thếch bạc màu ô nhiễm, thi thoảng lênh loang vỡ như cụm hoa nở lóe dưới sáng đèn. Đêm thu trong, sâu đến vô cùng. Tình cờ hay duyên cơ nào đó khiến tác giả lục túi tìm bút ký tặng người phương xa cuốn tiểu thuyết «Chảy qua bóng tối» bên triền đê chan gió sông Hồng.
«Chảy qua bóng tối» - Anh trả lại ánh sáng ban ngày và chọn bóng tối của màn đêm. Anh vật lộn với thế giới quanh năm cũng chỉ giống một ngày. Từ chối đối thoại, triền miên trong suy tưởng diễn ngôn gần như độc thoại. Không phê phán ai, không kêu gọi ai, không tham vọng thức tỉnh ai. Tự thân hiện thực và bi kịch của thân phận từ bóng tối vùng vẫy giữa những mối quan hệ xã hội lỏng lẻo, quẫy đạp vào sự vô cảm của con người.
Chọn Xóm Bến – một cái tên có thật trên bãi đất sông Hồng làm không gian, một không gian giao thoa đất-nước (âm-dương) cho những số phận trôi nổi dạt tới vì cơ cực mưu sinh, tác giả «có vẻ» trung thành với thực tế như một tiểu thuyết hiện thực. Cho dù những dòng nhật ký xen giữa các phần chuyển tiếp đôi khi sử dụng các chi tiết hư cấu: Đối thoại với lũ chim khuyên, với con chó Mượt, với dòng sông… đột ngột kéo người đọc ra khỏi không gian tác phẩm, buộc phải đồng lõa cùng với không gian của tác giả, tạo cảm giác hoài nghi, nhưng kiểm chứng về Xóm Bến nhọc nhằn hôm nay vẫn tồn tại giữa bãi sông Hồng dường như nguyên trạng mang lại tới hai lần tính thuyết phục cho tác phẩm.
Khái niệm về thời gian có tính tượng trưng của «Chảy qua bóng tối» được ước lượng trong bóng tối qua đôi mắt mù của nhân vật chính – lão Quảng, xác định bằng một đời người hơn sáu mươi năm, bắt đầu từ lúc «cái xóm nhỏ ngoài đê còn là một ngôi làng trù phú», « tấp nập buôn bán trên bến dưới thuyền», cho đến thời dự án lấy đất làm cầu «tám làn xe hiện đại nối vào đường cao tốc vành đai…», tới buổi đô thị hóa. Dòng sông chứng thực thời gian, là mối tình gắn bó bền chặt và đích thực hiếm hoi trong tác phẩm. Mò mẫm trong bóng tối, lắng nghe và cảm nhận dòng sông cùng lão Quảng: Đó là niềm vui nỗi buồn của nhân vật, là sự biến đổi theo chiều hướng phôi phai của xóm làng. Dòng sông nơi lão sinh ra và lớn lên, khi xưa «nhẫn nại làm nền cho những âm thanh dịu êm vùng đất bãi» (P.8). Rồi một ngày, «thế giới quanh lão vỡ vụn bởi những âm thanh chói tai phát ra từ chiếc loa nén treo ngay đầu xóm. Mỗi lần nó cất tiếng lão cảm thấy như dòng sông đột ngột biến mất» (P19). «Không gian tĩnh lặng trong căn nhà chợt giãn rộng ra đến vô tận. Không còn dòng sông bồi hồi sóng mọn chảy bên nhà…» (P23) «Một dòng sông lặng ngắt không tiếng sóng », «báo hiệu cơn cuồng nộ của thiên nhiên sắp ập đến…». Cũng chính dòng sông «ầm ì mùa nước lớn» mang đi con Mượt yêu quý của lão chỉ để lại tiếng «quẫy đạp và những tiếng sủa nghẹn nước xa dần». Trên mảnh đất được đền bù lão nhớ «tiếng trầm buồn khắc khoải của sóng sông…» (P171).
Vào phút tuyệt vọng nhất trong đời, “những cơn gió mát rượi bắt đầu thổi lên từ phía hạ lưu của dòng sông” đón lão. “Mình trở về với dòng sông. Để nó đưa mình đi đến đâu thì đến. Mình chuyện trò với dòng sông chung thủy lần cuối cùng. Nó sẽ cùng mình chảy qua bóng tối cuộc đời như cái việc nó đã làm từ nghìn xưa.” (P279). Ta hiểu dòng sông còn tồn tại thì thời gian sẽ lặp lại, các hiện tượng, sự việc và những cảnh đời sẽ luân hồi cùng thời gian.
Lão Quảng tự buông trên «dòng sông sục sôi nước mới. Tiếng còi ca nô buồn tẻ ngược dòng mãi ngoài xa. Nước đã chớm lên gờ đất lở ven bãi sông», «Dòng nước như một chiếc đệm mềm và mát tròng trành, tròng trành, ru lão vào giấc ngủ…», và chấp nhận thân phận, mặc cho «Gió trên mặt sông đẩy những củi rều rác rưởi bám vào quanh mình thành một mảng lớn dập dềnh trôi cùng lão…» (p280).
Tranh minh họa: Đỗ Phấn
Xuất hiện trên nền không gian và thời gian ấy là những mối quan hệ không ruột rà của lão Quảng và những câu chuyện xung quanh số phận của họ. Lão Quảng không phải là một nhân vật điển hình hay lý tưởng cũng như các nhân vật Xóm Bến đều là những con người bình thường không tính cách trội. Là người khiếm thị, lão Quảng không nhiều nhu cầu: «Ngôi nhà lão ở chỉ cần che nắng che mưa», và một cô gái quê «không ai tranh giành với lão». Những người dân chất phác, âm thầm trong bóng tối lãng quên, hôm nay vẫn đang tồn tại song song cùng với xã hội bên kia bờ sông Hồng. Điển hình của xã hội ấy, giữa lòng đô thị, là những đại gia, hoa hậu, là dân văn phòng, phe cánh và thế lực, là túy lúy mê man của thụ hưởng và trống rỗng như «Vô hồn» của Sergey Minaev đang như nam châm hút văn chương. Chọn mảng đề tài đối lập từng được khai thác trong dòng hiện thực phê phán, không nhằm gây giật gân lôi kéo dư luận, tác giả thách thức những trái tim bạn đọc và nhà phê bình vô cảm, trơ lỳ trước những thân phận nhỏ nhoi bên lề đời.
Tương tự như tính cách nhân vật, tác giả chủ ý xây dựng mối quan hệ giữa nhân vật vừa phải, không quá thờ ơ mà cũng không đủ mặn nồng khăng khít tới mức có thể gắn kết cùng sống chết. Tình bạn giữa lão Quảng và lão Hoạt, người đàn ông vừa «từ bỏ con thuyền rách nát lên bờ», mang theo bốn đứa con và bà vợ đang có bầu với những cặp mắt đói như «mắt lưới bủa vây bốn bề số phận». Họ từng là bạn nhậu, bạn tìm «bò lạc», bạn những phút hẫng hụt, cô đơn. Bạn đọc có thể từng le lói hy vọng như tôi, hồi hộp mong chiếc chèo gỗ của lão Hoạt vương vào thân xác lão Quảng trên dòng sông ngập rác rưởi cho họ nương vào nhau đoạn cùng tuyệt vọng của cuộc đời. Nhưng không! Mỗi nhân vật có một số phận đơn lập của riêng mình dù cùng trôi nổi trên một dòng sông. Lòng tốt của lão Quảng với Tiên, với Nhàn, với đứa con nuôi là Nghĩa cũng chẳng đủ dưỡng nổi chút sâu nặng nào. Mối quan hệ giữa Thúy và Sơn muối, giữa Lý và Cường, giữa Nhàn với Hùng, giữa vợ chồng cha con ông Chiến…hầu như thiếu vắng bóng dáng của tình yêu. Và cả nỗi luyến tiếc bi hài một thành phố không đủ người mù cho những đứa trẻ tìm dắt qua đường để lấy thành tích với thầy cô…Ta có thể nhận rõ trong tiểu thuyết, bản chất các nhân vật đều tử tế. Nhưng họ chẳng thể tốt hơn, bởi họ là những người đơn giản giữa môi trường xã hội nghèo kém. Và rồi thực tế mà họ phải đối diện dần biến họ trở thành vô cảm.
Nếu trong hai cuốn tiểu thuyết «Vắng mặt» và «Rừng người» của Đỗ Phấn, hành vi tình dục là một nhu cầu giải thoát cho mọi bế tắc, mâu thuẫn tâm trạng và nhàm chán của cuộc sống, để lại dấu ấn nhầy nhụa, lấm lem và ê chề, các nhân vật vùi mình trong tính dục sơ khai, tìm thứ ánh sáng nhất thời của đời sống như một lối thoát của lãng quên bản thân không lý tưởng thì trong «Chảy qua bóng tối», hành vi tình dục khi là cơm áo, khi hàm ơn, khi cầu lợi... Một sự cho nhận tuồn tuột hoan lạc bản năng mà không giành được quyền năng êm ái của cảm xúc tâm hồn. Tuy nhiên, không giống như Mạc Ngôn phải buột ra trong tác phẩm Châu chấu đỏ: Trước những quy phạm đạo đức lấy thú tính làm cơ sở và những tình cảm lấy nhân tính làm cơ sở, trời đất đang thăng bằng bỗng nhiên quay cuồng…Tác giả, ý thức được vai trò của người dẫn truyện, qua các mẩu nhật ký cuối mỗi phần, gián tiếp tham gia vào các sự kiện cùng nhân vật, giữ vẻ lãnh đạm tỉnh táo, ép đẩy nỗi đau trần trụi của người đọc trước sự vô cảm tới tàn nhẫn vào cao trào.
Giữa dòng sông tưởng mênh mang mà hạn hẹp và lạnh lẽo nơi đây, chỉ một chút thôi, dấu hiệu của yêu thương, của tình người, như một làn gió ấm áp an ủi cuộc đời, đã đủ chứa chan tác phẩm. Tình yêu vô cùng giản dị của lão Quảng với thiên nhiên vạn vật: «Một bữa ăn trưa trên cỏ trong khu vườn thoáng đãng bình yên rộn rã tiếng cười », «thảnh thơi dựa lưng vào gốc cây nghe đàn chim sẻ râm ran cãi cọ chành chọe trong tán lá…», bữa cơm hiếm hoi tương ái giữa các cô gái bán hoa thuê trọ Vân, Ly, Yến…và những giọt nước mắt chân thành của Nghĩa lúc ra tù…
Nhưng hình ảnh xót xa, chấn động sâu sắc nhất trong tác phẩm là cử chỉ của Hiên, cô bé phục vụ dành cho ông Chiến phút cận kề cái chết, khi mà cả gia đình vợ con đều xa lánh bỏ rơi ông. Hành vi tính dục, nhưng xót thương đến tận cùng, lòng cảm thông gói gọn thiên chức của người phụ nữ, người mẹ. Một điều đơn giản, giúp cho người đàn ông đang tuyệt vọng trong những giây phút cuối của cuộc đời tìm lại bản năng cội rễ của mình. Một chi tiết cao cả nhuốm sắc màu bi lụy của chủ nghĩa nhân văn thuần túy mà không phải cây bút nào cũng dám diễn đạt lại với vẻ dửng dưng đến thế...
«Ông muốn cháu ngồi đây với ông? Chiến khẽ gật đầu. Nhưng cánh tay vẫn ngọ ngoạy trong tay cô chới với. Cô đặt tay lên bụng Chiến gật đầu. Chiến mỉm cười khoan khoái, bàn tay gại gại vào tay cô kéo xuống. Cô kéo chăn lên đã thấy hai miếng dán của chiếc bỉm tuột rời ra. Bàn tay Chiến vẫn nắm tay cô mỗi lúc một chặt. Giờ thì cô đã hiểu. Cô nhẹ nhàng luồn tay vào trong chiếc bỉm mới nắm chặt một căng nhức động đậy liên hồi đều đều tuốt nhẹ. Chiến gật đầu liên tục.» (P247)
Ngôn ngữ chủ đạo của «Chảy qua bóng tối» là thủ pháp kể chuyện đan xen tự sự. Mọi đối thoại đều gián tiếp qua ngôn từ của người kể. Điều này đóng vai trò quan trọng trong tác phẩm. Cuộc vận hành triền miên của ý nghĩ từ đầu đến cuối tác phẩm làm cho người đọc thấy nhân vật của anh hết sức cô đơn. Văn anh giản dị, thoải mái và nhanh như ý nghĩ, xa lạ với nguyên tắc câu cú trịnh trọng, chân phương như những con người sông nước. Lối văn có tác dụng dìm sâu mâu thuẫn của tâm trạng trong khoảng không hun hút của bóng tối, sau những nỗ lực kiếm tìm chân lý đành chấp nhận buông xuôi cho nghịch lý - bi kịch của thân phận khiến cho người đọc bức bối. Khách quan và lạnh lùng như chính nhân vật, anh để hành động và sự việc tự toát lên tư tưởng của tác phẩm.
Thấm đẫm tính hiện thực nhưng không phải là hiện thực phê phán, anh không đẩy nhân vật của mình đến bước đường cùng. Anh đưa lão Hoạt trở lại với dòng sông trên con thuyền đã từng như là nhà của lão, để Nghĩa thoát lên biên giới tránh khỏi sợi xích của công lý, cho Nhàn được sống trong ngôi nhà của lão Quảng đã từng có tay cô chăm sóc và gây dựng... Lãng mạn và xúc động hơn cả lão Quảng. Hình như lão đã chết thật phải không anh? Nhưng dường như anh muốn nói với những thân phận trong bóng tối, rằng cuộc đời không bao giờ tắt hẳn hy vọng với người còn hy vọng. Lão Quảng lênh đênh trôi dạt tới giữa vòng tay cưu mang của những đồng cảnh, trại người khiếm thị, trở thành lão Sông. Lão được chăm chút quan tâm bởi lão Khiêm, được nghe tiếng trẻ mồ côi ríu rít nô đùa, được sử dụng đôi bàn tay khéo léo từng đan vót lồng chim kiếm sống để chẻ tăm. Và đêm nay, «tiếng nhị lồm bồm ngắt nhịp ngang tàng của lão Khiêm như những nhát cắt gọn ghẽ khiến lão Sông bừng tỉnh thoát ra khỏi day dứt nỗi niềm». Đôi mắt mù lòa cả cuộc đời của lão chợt thấy «một quầng sáng trong veo trước mắt mình»!
So sánh người khiếm thị và người sáng mắt trong chính tác phẩm, ta thấy họ đều giống nhau cả, đều đui mù trong đời sống thực. Khác hơn chăng là trời cho người khiếm thị khả năng nghe và cảm vượt trội người sáng mắt. Cảm nhận thế giới hiện hữu quanh ta từ bóng tối, lắng nghe diễn biến âm thanh cuộc đời thân phận con người bằng trái tim nhân hậu. Đọc xong «Chảy qua bóng tối», người ta lo sợ cho thực tại với những mối quan hệ xã hội nhạt nhẽo vô cảm, buộc phải nhìn nhận lại mình để thay đổi nhân sinh...đấy là thứ ánh sáng của phản tỉnh mà văn anh mang lại.
Dường như bóng tối đã chảy qua đời tôi, đời bạn, đời của những thân phận vô danh, dùng dằng trong những góc khuất số phận của tạo hóa mà chúng ta có thể hy vọng vào quầng sáng từ ngọn đèn Đỗ Phấn đã thắp lên. Và sông Hồng sẽ chẳng vì bóng tối ẩn khuất mà ngừng chảy. Ở Đỗ Phấn, trực giác của một người khiếm thị nhưng thấu thị đã đặt mỗi chúng ta vào góc khuất riêng tư để chiêm ngẫm lại mình...
N.C