CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

MỸ THUẬT Ở LÀNG

Thứ hai ngày 28 tháng 8 năm 2017 12:00 AM

Vẫn biết nghệ thuật quần chúng luôn có tính phong trào thời vụ, thế nhưng vẫn không khỏi ngạc nhiên khi đến thăm làng Cổ Đô.

Làng Cổ Đô thuộc huyện Ba Vì-Hà Nội là quê hương của vị sứ thần tiến sĩ Nguyễn Sư Mạnh đời vua Lê Thánh Tông. Năm 1500 ông đi sứ sang Tàu. Phanh bụng áo ra vào gặp vua nhà Minh. Vua Minh định bắt tội, ông bèn tâu rằng bụng mình đầy chữ đi đường xa sợ khú mất chữ thánh hiền cho nên phải phanh bụng ra là vì thế. Ông là người đã chép lại nguyên bản pho sách Thiên Vi Chính của nhà Minh hoàn toàn bằng trí nhớ khiến vua Minh phục tài phong cho tước thượng thư. Có lẽ ông là lưỡng quốc thượng thư đầu tiên của người Việt.

Một ngôi làng có truyền thống khoa bảng như thế cho nên không có gì lạ khi con cháu của Nguyễn Sư Mạnh đam mê nghệ thuật đến thế dù rằng mảnh đất ấy cho đến bây giờ vẫn làm ruộng mưu sinh là chính. Người Cổ Đô coi hội hoạ như một lẽ sống của làng.

Chúng ta đã từng biết đến khái niệm POP Art và cũng có không ít gièm pha định hướng cho nó. Lúc sinh thời nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân đã dịch khái niệm ấy ra tiếng Việt một cách trìu mến là “Nghệ thuật dân gian của những thành phố lớn”. Cách dịch ấy của ông đã phần nào xua tan đi những ác cảm của giới lãnh đạo văn nghệ với loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên họ vẫn không coi POP Art là nghệ thuật. Và thật ngạc nhiên, tuy bài xích rất tận tình nghệ thuật POP nhưng đường lối lãnh đạo của nhà nước lại luôn khuyến khích đầu tư cho nghệ thuật quần chúng. Cho đến tận bây giờ ở Hà Nội vẫn còn duy trì những “Nhà văn hoá nghệ thuật quần chúng” đến tận cấp Quận, Huyện.

Cổ Đô chỉ là một xã. Không nhận được nhiều đầu tư về văn hóa như Quận, Huyện. Dân làng tự đầu tư và hưởng thụ thành quả văn hoá của làng mình. Nhiều người con của làng đã trưởng thành trong lĩnh vực hội họa. Tiêu biểu có họa sĩ hàng đầu Nguyễn Sĩ Tốt (1919- 2002) là người đầu tiên tốt nghiệp hệ Đại học chính qui của trường Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1963. Ông Tốt có tác phẩm nổi tiếng “Tiếng đàn bầu” sáng tác năm 1963 hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Các hoạ sĩ đàn em của ông Nguyễn Sĩ Tốt là Ngô Bình Thiểm, Giang Văn Khích, Nguyễn Ngọc Thạch…đều tốt nghiệp những trường mỹ thuật danh giá và trở thành những họa sĩ tên tuổi của nền Mỹ thuật Việt Nam. 

Những nghệ sĩ chân đất của làng Cổ Đô kính trọng các bậc tài danh của làng mình. Nhưng không vì thế mà họ tự ti mặc cảm. Họ say mê sáng tác dù sống trong những hoàn cảnh không thể gọi là dư dả. Chính quyền xã hết sức động viên và chung tay xây dựng nên một Bảo tàng Mỹ thuật của làng. Có lẽ đó là Bảo tàng Mỹ thuật ở làng duy nhất trên toàn cõi Việt Nam.

Người xem sẽ đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi đến thăm Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô. Trước hết là về qui mô xây dựng và đầu tư trang thiết bị có thể sánh ngang với mọi phòng trưng bày hiện đại ở Hà Nội. Ông cựu chiến binh Đào Xuân Quang vừa là họa sĩ làng vừa là “Giám đốc bảo tàng” kể những câu chuyện hết sức ngậm ngùi. Họa sĩ làng hàng năm đóng góp mỗi người 200 nghìn đồng tiền Việt chỉ đủ để trả tiền điện nước. Ông “Giám đốc bảo tàng” không lương có tài sản là chiếc xe đạp từ thời bao cấp đi đôi dép cao su mòn vẹt vẫn hàng ngày đạp xe lên quét dọn trông coi bảo tàng và tiếp khách khứa xa gần

.

Bảo tàng Mỹ thuật làng Cổ Đô được tổ chức hoạt động không ngờ còn rôm rả phong phú hơn cả những bảo tàng nhà nước. Ở đấy có phần trưng bày thường xuyên của những hoạ sĩ làng thành danh và chưa thành danh. Ở đấy còn có hoạt động giao lưu nghệ thuật với nhiều nơi trên đất nước. Ở đấy cũng là nơi triển lãm những sáng tác mới nhất của các họa sĩ làng. Và ở đấy còn có những hoạt động tương tự như trại sáng tác thường xuyên của các họa sĩ làng. Ta có thể bắt gặp ở đấy những dụng cụ đồ nghề hết sức chuyên nghiệp.

Không chỉ có duy nhất một nhà bảo tàng chung của làng, mỗi hoạ sĩ làng cũng có những sưu tập tranh của riêng mình trong những ngôi nhà không lấy gì làm rộng rãi cho lắm. Cứ nhìn cách đóng khung treo tranh trong mỗi nhà là đủ thấy mặt bằng thẩm mỹ ở làng hơn đứt ngay cả những gia đình Hà Nội phố. Gia đình cố hoạ sĩ Nguyễn Sĩ Tốt sống trên một mảnh đất nhỏ hẹp cũng dành riêng cả một ngôi nhà hai tầng làm bảo tàng trưng bày những tác phẩm của bố con ông. Đó là nhà bảo tàng trong mơ của hoạ sĩ mà suốt đời ông không thể thực hiện được. Gia đình cố hoạ sĩ làng Nguyễn Ngọc Cũi cũng dành riêng cả một phòng khách lớn treo tác phẩm hội hoạ của ông cùng với một tủ trưng bày tượng nhỏ, gỗ lũa của ông lúc sinh thời.

Không thể gọi Mỹ thuật Cổ Đô như một nơi làm phong trào giống như phong trào mỹ thuật trên cả nước. Người Cổ Đô coi mỹ thuật như cơm ăn nước uống của mình. Họ không sáng tác vì mục đích hoặc phong trào nào cả. Thỉnh thoảng hoạ sĩ làng bán được vài bức tranh lại góp tiền mời Câu lạc bộ mỹ thuật của làng một bữa là hết. Chính vì thế phong trào mỹ thuật ở đây đã trở nên bền vững và vượt thoát ra ngoài khái niệm phong trào từ khá lâu. Các họa sĩ làng thành danh dù sống ở bất cứ đâu trên cả nước vẫn thường xuyên có những sáng tác đóng góp cho mỹ thuật Cổ Đô một cách tận tình.

Yêu chuộng cái đẹp hình như là tiền đề vững chắc cho việc xây dựng nền văn minh làng xã. Đến Cổ Đô không bao giờ gặp cảnh trẻ con nhũng nhẵng bám theo khách lạ chỉ trỏ phẩm bình. Ngạc nhiên hơn cả, đó lại là vùng sâu vùng xa nhất của thủ đô Hà Nội.

 ĐỖ PHẤN- 08/2017


Chia sẻ trên Facebook