CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

NGƯỜI GIÀ TẬP SỐNG

Thứ hai ngày 14 tháng 5 năm 2012 1:57 AM

Cứ bảo “Khôn đâu đến trẻ...”. Trí khôn của người già xem ra cũng chỉ tròm trèm vừa đủ cho tuổi già. Và hình như mọi khôn ngoan nhanh nhẹn hữu ích đều đã dùng hết ngay từ khi còn trẻ?

Ở thành phố, người già sống như thế nào? Ăn uống đủ đầy thừa thãi. Câu ngạn ngữ “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới” đã lâu lắm không còn dùng đến. Tiệc nào cũng có người mời. Vui chân có khi ngày ba bốn tiệc. Chẳng ăn được gì thì cũng cố mà đến trệu trạo vài ba câu chuyện. Không bao giờ là đủ chuyện trò. Tất cả những người, những cảnh khi còn trẻ không có thời gian đàm đạo, nay gặp dịp là miên man bất tận. Thậm chí còn tự hào vì trí nhớ chưa phản bội lại mình. Nhớ chi tiết cả những chuyện hàng nửa thế kỉ trước. Tất nhiên toàn những chuyện vô thưởng vô phạt. Những chuyện có thưởng phạt thì đã nhận cả rồi, chẳng ai  muốn nhắc lại làm gì.

Tuổi già kèm theo bệnh tật. Muôn đời nay vẫn thế. Nhưng sẽ là rất đột ngột và đầy kinh hãi. Bao nhiêu những chứng bệnh vô phương cứu chữa thường hay đến vào lúc tuổi già. Một chút tim mạch. Một chút tiểu đường. Một chút huyết áp. Một chút xương khớp. Một chút mắt kém. Một chút lãng tai. Và chứng Alzheimer thì chẳng thể biết được là ít hay nhiều. Sống như thế nào với ngần ấy chứng bệnh cùng một lúc? Phải tập!



Thật lòng - Tranh sơn dầu 130x150 cm  Đỗ Phấn  (2011)

Đầu tiên là tập dưỡng sinh. Ngay từ khi mới về hưu. Bạn bè sẵn có ở các tổ hưu trí trên toàn quốc không bao giờ thiếu tài liệu hướng dẫn. Từ Thái cực quyền cho đến Đạt Ma dịch cân kinh. Từ ngồi thiền quán tưởng toàn bộ tâm trí vào nhịp thở hình vuông cho đến tập gươm đao giáo mác theo Thiếu Lâm tự. Việc tập tành cũng đòi hỏi công phu chuẩn bị. Áo quần phải may ở đâu? Đao kiếm phải thửa ở cửa hàng nào? Theo lớp nào có thày giỏi? (Thày phần lớn là người còn trẻ, rất khoẻ!). Dù rằng cả đời công chức rất hãi việc gì cũng phải làm tập thể, lấy ý kiến tập thể, thì đột nhiên khi về hưu lại thèm tập thể. Cụ tám mươi tập chung một bài thể dục với cụ ngoài năm mươi vẫn thấy vừa. Chỉ thở gấp hơn chút ít...

Nhưng một ngày tập nhiều nhất cũng chỉ hết độ hai giờ đồng hồ. Thời gian còn lại là quá thênh thang. Không thể dùng hết vào việc ngủ như ngày còn tại chức. Thăm thú bạn bè cũng thường chỉ độ một năm đầu. Về sau thấy đi lại kềnh càng tốn kém cũng thôi. Các cụ bà tận tình tham gia câu lạc bộ, hội hè. Thích nhất là câu lạc bộ Người tiêu dùng. Soạn thảo hàng gánh đơn từ đòi bồi thường một chiếc khăn mặt dệt lỗi. Nhưng mà vui. Và chắc chắn là lẽ phải sẽ  chiến thắng. Thứ mà khi còn trẻ không dễ gì có được? Truyền thống “kính già” vì thế được lưu truyền mãi mãi?

Các cụ ông dùng thời gian còn lại trong ngày cũng rất hữu ích. Ở các tổ thơ. Sáng tác nhiều. Không mệt mỏi. Một số cụ bà học thức trên trung bình cũng nhiệt tình tham gia. Chưa có thống kê cụ thể nhưng dòng thơ ca hưu trí luôn được khẳng định là phát triển mạnh mẽ nhất trong khi các dòng thơ khác đang đi vào khu vực cuối ngõ. Tất nhiên thơ các cụ cũng cần có bác Thanh Tùng ở nhà đài đôi khi “...Xin phép được sa bn câu trong bài thơ t tuyt ca c Y!”.

Chỉ lạ là ở những câu lạc bộ sôi nổi như vậy không mấy khi thấy bóng dáng một nhà thơ có tên tuổi? Chẳng biết do kỳ thị hay là họ cũng chán thơ rồi?

Người già ở Phương Đông dù sao cũng dễ sống hơn hẳn Phương Tây. Chưa bao giờ quyền uy bị thất lạc. Rất hiếm trường hợp phải vào sống ở trại dưỡng lão. Phần đông sống với con cháu, hoặc sống gần con cháu. Lúc cần vẫn có thể quát. Cũng chỉ là để dạy dỗ cho đám con cháu biết một chuyện đơn giản. Ai rồi cũng phải già. Rồi cũng phải ốm đau bệnh tật. Rồi cũng phải tập khí công và làm thơ. Thơ chưa hay thì người trẻ có thể sửa lại mà ngâm ngợi...

Đ.P

Chia sẻ trên Facebook