Bài đăng bởi báo Lao Động cuối tuần
Tháng hai. Nước cạn. Kè đá bên hữu ngạn đầu nguồn sông Đuống ngổn ngang sụt lở. Mũi đất vùng ngã ba sông lộ ra một doi cát sắc lẹm khứa lên mặt sóng. Chẳng hiểu sao mấy người bạn cũng đồng ý với mình khi quyết định đi đò. Với họ chỉ đơn giản là sang sông về vùng quê Xuân Canh bên ấy. Có thể đi đường Cầu Đuống xa hơn vài cây số với chiếc Toyota bóng loáng chỉ mất mấy phút. Nhưng với mình thì đó là một chuyến đò đặc biệt sau gần năm mươi năm không có dịp quay trở lại.
Con sông Đuống mờ mịt phía hạ lưu bến đò chảy qua làng mình. Ngôi làng có cái tên nôm na từ ngày khai khẩn, làng Cói. Cũng có một cái tên chữ văn vẻ nho học Cối Lâm, rừng cói. Cụ nội mình làm nghề bốc thuốc và dạy học ở đấy. Lấy tên hiệu là Cối Lâm cư sĩ. Chẳng biết vì sao ngày ấy người ta có thể làm một cư sĩ từ rất sớm. Vào lúc chỉ khoảng hai mươi tuổi. Cái tuổi đám thanh niên bây giờ đang hoạt náo vung văng ngoài đường. Nhiều đứa còn chẳng muốn về nhà.
Buổi sáng trời trở gió mùa. Mặt sông tao tác sóng vụn. Mùa này, bãi bồi ven sông đã xanh ngắt những ô ruộng trồng đậu trồng cà. Chiếc đò sắt cõng trên mình được ba chục chiếc xe máy. Cơ giới hóa toàn bộ cả khách lẫn đò. Người lái đò ăn mặc lịch sự. Áo vét quàng khăn len sáng màu. Giày da lộn khâu tay rất kiểu cách. Máy thuyền phành phạch ròn tan một hồi phả khói trắng la đà trên mặt sông. Con đò lững thững quay đầu nhằm thẳng bờ bên kia rẽ sóng.
Mình nhớ đến ông Trọng lái đò trên khúc sông này năm mươi năm trước. Người đàn ông nhỏ thó có nước da màu đồng hun nắng gió và một sức khỏe dị kì. Trời rét căm căm, cứ sau mươi chuyến đò ngang qua sông lại cởi trần ùm xuống tắm. Đặc biệt là ông ấy hình như cũng không quan tâm chút nào về chuyện mặc quần áo hay không. Có hôm cứ để nguyên bộ sậu như thế ngồi xổm trên đò làm vài vê thuốc lào. Có khách xuống đò mới thản nhiên xỏ chân vào chiếc quần ta ống sớ. Thắt chặt dải rút. Bắt đầu công việc. Đò chèo tay không có lộ trình giống như đò máy. Phải chống sào ngược lên thượng nguồn một đoạn rất xa tùy theo mùa nước. Từ đấy mới bơi chéo về bến bên kia. Ông Trọng là người có ngón “lậu” đò không ai bì kịp ở độ dẻo dai bền bỉ. Không ngắt nhịp đổi tư thế trong suốt hành trình. Mái chèo ve vẩy mềm mại như đuôi cá vừa đẩy vừa lái cập bờ bên kia chính xác vào bến đỗ. Dân làng tự lao ván gánh gồng lên bờ. Mình chẳng có việc gì bên ấy nhưng thỉnh thoảng rỗi rãi cũng ra xin ông đi vài vòng chơi. Ông ấy lái đò ăn công điểm hợp tác xã nên cũng chẳng hẹp hòi gì. Chỉ thỉnh thoảng sai mình xuống sông cọ chiếc điếu cày ống tre lên nước bóng lọng.
Ngôi làng của mình không còn nữa. Bờ lở phía bên ấy đã kéo hết đất đai xuống sông. Đình chùa phải chuyển vào trong đê. Dân cư cũng phải di dời theo vào. Đã quá lâu không còn nghe thấy ai nhắc đến cái tên làng Cói nữa, kể từ ngày bố mình mất. Ngày còn sống chỉ mình cụ vẫn hay nói đến chữ “về Cói” dù rằng lúc ấy làng đã chuyển vào trong đê gọi là thôn Thái Bình.
Ngược lên con dốc bến đò Xuân Canh. Vẫn còn rặng xoan gầy guộc và tiếng chim chiền chiện trong gió sớm gọi tuổi thơ về.
Đ.P
* Chú thích:Làng Cói thuộc Xã Mai Lâm, Huyện Đông Anh - Hà Nội
* Hình ảnh giao diện: Tranh Đỗ Phấn