Bỏ lại sau lưng đền đài cung điện kinh đô cũ Luang Prabang trầm mặc bên dòng Mekong cuộn chảy, xe chở chúng tôi lao vào con đường đèo dốc quanh co liên tục suốt 9 tiếng đồng hồ. Không ở đâu trên đất nước Việt Nam còn những cánh rừng nguyên sinh dài rộng bao la đến thế. Cuối mùa mưa, rừng Lào rực rỡ khoe sắc màu. Những thân cây già cỗi bạc trắng lấp ló trong muôn trùng xanh lá. Những hoa đại, hoa dâm bụt và dã quỳ nở rộ ven con đường. Màn mưa xa mờ mịt những thung sâu vắng lặng chấp chới tiếng ve rừng.
Quá trưa, thị xã Phôn Xa Vẳn hiện ra dưới thung lũng trong tầm mắt. Bây giờ mới thấy lác đác bóng người. Một khoảng trời xanh lững thững mây òa ra chói lóa. Giờ mới biết bao nhiêu năm sống giữa Quận Hoàn Kiếm-Hà Nội, nơi có mật độ dân số lên đến hơn 4000 người trên một cây số vuông đã làm mình mất đi hoàn toàn cảm giác thưởng thức không gian sống. Bước chân ra đường chỉ có duy nhất một việc nhìn đường mà đi cho khỏi va chạm. Xiêng Khoảng có mật độ 17 người trên một cây số vuông. Nếu muốn, có thể đứng trên tầng ba khách sạn cao nhất thị xã mà đếm từng người một. Đếm từng ngôi nhà. Từng con đường. Và thậm chí cả những đám mây không vội vã trên bầu trời leo lẻo xanh Xiêng Khoảng.
Chẳng cần có bữa trưa theo lịch trình. Buổi sáng ăn buffet trong biệt thự Santi ở Luang Prabang chúng tôi đã bảo nhau nạp cho đủ năng lượng. Bữa trưa tỉnh lẻ không nhiều hứa hẹn hợp khẩu vị chẳng cứ ở Lào. Chúng tôi nhờ một hướng dẫn viên Lào cho đi thăm Cánh đồng chum cách không xa thị xã ngay khi vừa đặt chân đến.
Con đường mới mở mềm mại uốn mình đi vào khu di tích. Chỉ có một ngôi nhà nhỏ nép mình bên hàng cây bạch đàn lưa thưa lá bán hương hoa và nến với giá tiền rất tượng trưng. Chẳng giống bất cứ khu di tích nào mình từng biết với muôn vàn dịch vụ và đủ thứ phiền hà. Mua vé và vài thẻ hương, hướng dẫn viên dẫn chúng tôi lên ngọn đồi gần nhất có những chiếc chum đá khổng lồ bí ẩn. Cậu ấy cũng chỉ hoàn thành công việc dẫn đường. Mọi thông tin khoa học về di tích cậu ấy không hơn gì chúng tôi. Nhưng có một việc bất ngờ. Cậu ấy dẫn chúng tôi xuống hang đá Thông Thiên thắp hương. Nơi có bàn thờ tưởng nhớ vong linh các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Xiêng Khoảng trong chiến tranh chống Mỹ. Hơn bốn mươi năm rồi, những hố bom vẫn chằng chịt trên mặt đất um tùm cỏ dại trước cửa hang. Những ngọn gió mát lành miên man thổi qua Cánh đồng chum tụ về chỗ chúng tôi đứng. Khói hương cay mắt. Tôi khấn thầm lời tạ lỗi…
Bảy giờ tối trời vẫn chưa ngớt xanh. Ngoài đường thưa thớt bóng người. Những cơn mưa cuối mùa lại kéo về như mọi ngày. Lác đác. Chóng vánh. Rượu Kongsaden ngâm lá đắng dọn ra với thịt con dúi rừng. Đầu bếp khách sạn từ Việt Nam sang chế biến những món như thịt cầy ở ta. Cũng mắm tôm nhựa mận thơm lừng riềng mẻ. Rượu đắng không ngờ ngấm thế. Ngấm cả vào giấc mơ đêm lồng lộng trời xanh trên Cánh đồng chum mê mải gió. Những “Xiêng Khoảng mù sương” đọc đâu đó trong văn học nước nhà cứ như không có thật.
Chia tay Xiêng Khoảng vào lúc sáng sớm, tôi hỏi tên cậu hướng dẫn viên. Cậu ấy nhỏ nhẻ bảo tên em là Vắng. Đang làm luận án thạc sĩ kiến trúc ở Hà Nội. Nhìn hết một vòng quanh khách sạn chỉ có mình cậu ấy thôi. Chẳng biết đùa hay thật?
Đ.P
Ảnh: Tư liệu
___________________________________________________