CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

RÓN RÉN XEM l mảnh l mảnh l mảnh l CỦA LÊ ANH HOÀI

Thứ bẩy ngày 26 tháng 5 năm 2012 4:19 AM

Cách đây ba năm, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha có tặng tôi cuốn sách “Thơ đến từ đâu” của bác sĩ Nguyễn Đức Tùng. Một cuốn sách dày nhất (572 trang) tôi đủ can đảm đọc hết trong vòng ba năm trở lại đây. Đó là một cuốn sách nói về thơ. Người viết nói về thơ và các nhà thơ nói về thơ. Tôi không đủ kiến thức về thi ca để bàn chuyện hay dở đúng sai của cuốn sách nhưng rõ ràng những điều các nhà thơ và tác giả khúc nhôi tâm sự là chuyện có thật và đáng tin cậy. Với tôi, cuốn sách như một cánh cửa mở vào thế giới màu nhiệm huyền bí của thơ ca đương đại. Một thế giới luôn rộng mở nhưng không phải dành cho tất cả mọi người bước chân vào.

Thế nhưng những nhà thơ mà Nguyễn Đức Tùng phỏng vấn trong cuốn sách chỉ là một bộ phận nhỏ của thi đàn. Thơ Việt chục năm trở lại đây phát triển như vũ bão về số lượng. Người người, nhà nhà làm thơ. Thơ chính thống in trên sách báo, đọc và ngâm trên các phương tiện phát thanh truyền hình. Thơ bên lề in ở những nhà xuất bản cá nhân tự cấp phép. Thơ bộ đội, thơ phụ nữ, thơ thanh thiếu niên, thơ hưu trí vài ba cụ chung nhau tiền mỗi năm ra mắt một tập. Thơ tình ngọt lịm thổn thức đong đưa. Thơ thế sự hào sảng khinh cho đời bạc. Thơ nhang khói dằn vặt day dứt nỗi niềm lãng quên. Thơ hậu hiện đại chẳng biết nên bắt đầu đọc từ đoạn nào. Xuất hiện những tổ nhóm làm thơ. Những Câu lạc bộ thơ. Và cả những đơn vị hành chính thơ như “phường thơ”, “làng thơ”, những ban bệ thơ ở các hội đoàn văn học nghệ thuật. Có thể nói không có bất kỳ một ngành nghề lĩnh vực nào không có thơ. Một phát ngôn gần đây cho rằng Việt Nam là một “cường quốc thơ” kể cũng không sai nhưng chưa hẳn đúng. Ở chỗ “cung” vượt quá xa “cầu”. Một “cường quốc” không thể lệch lạc điều hành như vậy.

Thơ luôn có ít độc giả. “Làm thơ giờ sống ra sao/Chẳng còn nhà xuất bản nào chịu in” (Làm thơ giờ sống ra sao? - Chử Văn Long). Thực cái hơn kém của những bài thơ thông thường không đặc sắc lắm là không nhiều. Rất khó để lôi cuốn độc giả lạc bước vào một đại ngàn thơ gồm rất nhiều những bài những câu “không dở” nhưng chưa thể gọi là hay. Tiếc thay, số lượng những nhà thơ viết “không có câu nào dở” lại khá nhiều. Có ít nhất hai nhà thơ theo chỗ tôi biết đã tìm ra cách tiếp cận mới lạ để thơ của họ thoát ra khỏi âm u rậm rạp nhập nhằng dấp dính điệp trùng thi phẩm “không dở” miên man xuất hiện. Người đi tiên phong là nhà thơ Dương Tường với tập “Đàn-Thơ ngoài lời”. Một tập thơ mà ngoài tiêu đề trên bìa sách ghi là “Đàn-Thơ ngoài lời” ta không thể đọc nó theo lối truyền thống. Đơn giản là vì nó chỉ có mỗi chữ “Đàn” bên trong cùng với các hình vẽ khơi gợi vào một miền khác không có liên quan gì đến nhận thức văn bản.

Tập thơ l mảnh l mảnh l mảnh l Thơ đa ngữ l mới xuất bản của nhà thơ Lê Anh Hoài cũng tìm một cách tiếp cận khác lạ với độc giả như thế. Thú thực là tôi đã rón rén khi cầm nó trên tay. Xem. Giống như cách đây gần chục năm cầm cuốn “Đàn- Thơ ngoài lời” của Dương Tường. Ở đây người đọc ngoài việc thưởng thức 16 bài thơ bằng tiếng Việt còn được xem các bản dịch qua 4 ngôn ngữ Việt khác. Hơn thế, còn được thưởng lãm một ấn phẩm hết sức công phu về mặt thẩm mỹ.

Không quá ngạc nhiên khi biết Lê Anh Hoài ngoài chức phận nhà thơ còn là một nghệ sĩ mỹ thuật đa phương tiện. Anh từng có những màn trình diễn (performance và body painting) gây xôn xao dư luận mỹ thuật vài năm qua với những tác phẩm “Tôi là cột điện”, “Đồng Cu”, “Sự hủy diệt vô hình, “WC.doc” v.v...Và lần này, tập thơ l mảnh l mảnh l mảnh l lại là một tìm kiếm khá thiên về mỹ thuật so với một tập thơ thông thường. Với tập thơ này Lê Anh Hoài không trưng ra những kiếm tìm về mặt ngôn ngữ hay ý tưởng cao siêu. Cũng không dụng công nhào nặn con chữ, “con âm” đến mức li kì hiểm trở. 5 thứ ngôn ngữ được sử dụng trong tập thơ hoàn toàn bình đẳng như một cộng đồng thân thiện cùng nhau ngâm ngợi và ngẫm nghĩ. Người đọc bình thường cũng có thể đón nhận mạch lạc cảm xúc của tác giả với cuộc sống bên ngoài và một phần những ẩn ức chấp chới mộng mị thi ca. Nhưng điều làm nên sự hấp dẫn đặc biệt của tập thơ này theo tôi chính là cách trình bày in ấn đã biến nó thành gần như một tác phẩm mỹ thuật độc lập. Nói không ngoa rằng nếu một ai đó không biết tí gì về cả 5 ngôn ngữ hiện hình trong tập thơ thì khi cầm nó trên tay cảm xúc cũng không thể là số 0. Lê Anh Hoài tâm sự “Thành công này có sự đóng góp rất lớn của họa sĩ đồ họa Nguyễn Trung Hiếu. Lớn đến mức nếu gọi Nguyễn Trung Hiếu là đồng tác giả của tập thơ thì cũng không có gì sai”. Chúng ta dễ dàng nhận thấy ý thức cẩn trọng và một tay nghề design rất có hạng trên từng trang sách chỉ với hai màu đen trắng. Những ký tự của các dân tộc thiểu số Việt Nam được cách điệu để có thể đi thẳng vào người đọc không ở dạng ngữ nghĩa. Và hơn thế, Hiếu đã chứng minh được rằng chất thơ trong thiết kế đồ họa không phải là thứ luôn thiếu vắng trên các bìa sách được làm bằng công nghệ thông tin đương đại.

Rón rén xem l mảnhl mảnh l mảnh l mơ hồ thấy một con đường.

                                                              Đ.P - Hà Nội 5-2012

*l mảnh l mảnh l mảnh l thơ đa ngữ l  Lê anh Hoài- NXB Văn học 2012.















 

Bình luận

        Rất hân hạnh, bạn là người đầu tiên gửi lời bình luận đến chúng tôi !
Gửi lời bình
  • Mã xác nhận
  •  
  • Họ tên
  • Email
  • Nội dung
Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook