Tiếng còi xe, tiếng động cơ, tiếng loa phường, tiếng máy khoan bê-tông, tiếng người, chẳng rõ ra chuyện trò tâm sự hay tranh cãi. Tất cả hòa làm một. Tất cả làm nên một sáng thứ bảy ồn ào Hà Nội từ mấy chục năm rồi. Người Hà Nội từ lâu tập cho mình lối thẩm âm hờ hững bâng quơ mới có thể bình tĩnh mà đi trên phố. Người Hà Nội cũng từ rất lâu rồi bỏ được thói quen ông ổng gọi nhau trên đường. Chẳng phải vì truyền thống thanh lịch mà bỏ. Chẳng qua là người ta đã bỏ ngoài tai tất cả mọi ồn ã phố phường. Kể cả cái tên mình.
Sớm nay, loa phường chưa kịp mở. Ngày nghỉ, phố cũng vắng tiếng còi xe huyên náo. Ngõ nhỏ bỗng vang lên một âm thanh nhịp nhàng tinh nghịch. Tiếng kẻng gọi người đổ rác của cô công nhân môi trường trẻ tuổi. Cô ấy mới đến làm thay người công nhân già nghỉ hưu. Thật lạ là đã từng có nhiều lần thay đổi như vậy nhưng chưa bao giờ những người công nhân có cách gõ kẻng giống nhau. Có lẽ trên đất nước mình chỉ còn lại duy nhất tiếng kẻng đổ rác là không có quy định gì cụ thể. Nó nằm bên ngoài tất cả các hiệu lệnh. Tự do vô cùng...
Tiếng kẻng vô tình giống y hệt tiếng chuông leng keng tàu điện ngày xưa. Thấm thoắt cũng hai chục năm rồi, kể từ ngày những mét đường ray tàu điện cuối cùng trên phố được dỡ bỏ sau khi đã tồn tại vừa đủ trăm năm. Không ngờ cái giới hạn sinh tử của con người “trăm tuổi” lại áp dụng cả cho tàu điện? Và cũng thật lạ là tàu điện chạy suốt trăm năm Hà Nội mà không hề có một thay đổi gì đáng kể về cấu tạo và hình dáng. Vẫn cần tà-vẹt uốn cong tì lên dây điện trên cao. Vẫn hộp số mười một tốc độ được gạt tay quay bằng đồng vàng mòn nhẵn. Mỗi khi đến ga cuối cùng, người lái tàu rút tay quay mang theo như chiếc chìa khóa khổng lồ. Một chiếc vô lăng phanh cơ giới bằng gang nặng trịch. Trẻ con phải đu cả người lên mà quay độ hơn hai mươi vòng thì tàu dừng bánh. Và núm chuông như nửa quả bưởi gồ lên dưới chân người lái. Cái chuông duy nhất trên đời được “bấm” bằng chân.
Những người lái tàu thường rất vui tính. Họ cho phép trẻ con thoải mái làm những thao tác trên bàn lái dưới sự kiểm soát của họ. Nhưng đặc biệt không bao giờ cho đạp vào chuông. Và trẻ con thì nhớ tiếng chuông của từng bác lái tàu. Đứng trong Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền nghe tiếng chuông tàu điện trên phố Hàng Bài cũng có thể nhận ra tàu bác Thái, bác Liêu, chú Hùng...
Năm tuyến đường xe điện Chợ Mơ, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Đông, Cầu Giấy, Yên Phụ đều tập kết về ga chính Bờ Hồ Hoàn Kiếm, cạnh nhà Thủy Tạ bây giờ. Những năm chiến tranh phá hoại, xe điện là phương tiện giao thông chủ yếu của lũ trẻ đi học ở những trường ven nội theo diện sơ tán không chính thức. Và một số đứa tiếp tục học lên đến bậc đại học ở các trường Sư phạm, Giao thông, Ngoại ngữ, Thủy lợi, Tổng hợp… vẫn dùng xe điện là phương tiện đi về cho đến tận những năm tám mươi. Xe điện chạy tốc độ chậm, trẻ con đi học độ nửa năm là nhảy tàu thành thạo. Muộn giờ học, có thể đứng chờ ở những khúc quanh mà lên tàu dễ dàng. Nhảy xuống nguy hiểm và phức tạp hơn. Đám trộm móc túi trên tàu có kỹ thuật “bổ cắm” rất điêu luyện. Tàu chạy tốc độ nào cũng có thể quay lưng lại hướng chạy mà nhảy cắm chân xuống đất “một chạm” im phăng phắc. Chưa từng thấy ở đâu, kể cả trên phim ảnh...
Thành phố chợt rùng mình thay da đổi thịt bắt đầu từ những năm đổi mới. Như một người vạm vỡ vươn mình đứng dậy rũ tung những phù sa trầm tích vấn vương. Xe điện là lựa chọn đầu tiên cho việc xóa bỏ. Chẳng thể duy trì một phương tiện giao thông chậm chạp và chiếm nhiều diện tích phố phường đến thế. Một nét đẹp chưa kịp thành cổ xưa đã bị phá đi không thương tiếc. Mới hay cái đẹp chả bao giờ quan trọng bằng những thứ khác. Những chiếc cột sắt tán đinh ấm áp bàn tay người thợ Phố Lò Rèn dùng để mắc dây cho xe điện chạy đã đem bán sắt vụn. Đó là những chiếc cột có tạo hình thẩm mĩ kì công vĩnh viễn không còn cơ hội làm lại. Tìm một bác thợ tán đinh ri-vê bây giờ còn khó hơn tìm một nghìn chiếc cột điện bằng bê-tông!
Hình như mọi đổi thay trên con người đều bắt đầu từ diện mạo. Lâu ngày gặp nhau người ta thường khách sáo khen nhau khỏe mạnh, trẻ ra. Sự thực luôn luôn ngược lại. Bởi nếu sự thật là như vậy thì cũng chả cần ai khen làm gì? Cái diện mạo của tuổi xế chiều thường được chăm chút theo tiêu chí của tuổi trẻ. Nhuộm tóc, bơm môi, căng da mặt, xóa tàn nhang đều là nhắm đến cái đích thẩm mĩ trong quá khứ.
Thành phố không phải là con người. Dù có đến hơn sáu triệu dân. Nó vẫn phải phục vụ những cơn dậy thì đỏng đảnh phi lí nhất của con người. Những di tích kiến trúc thuộc địa ôn hòa thân thiện nhanh chóng nhường chỗ cho nền kiến trúc tối thiểu công năng. Người thành phố hãnh diện khi được nhà nước phân phối cho một căn hộ tập thể xây theo lối chuồng trại lắp ghép bê-tông tấm lớn. Bây giờ vẫn còn tồn tại ở những khu Bách Khoa, Văn Chương, Trung Tự, Trương Định...Nhưng niềm hãnh diện của dân ở đấy xem ra đã có phần suy yếu. Mỗi lần có người người chết phải cưa cửa sổ để đưa quan tài vào, ra. Và nhiều cư dân sống lâu trong những căn nhà hộp đầy ức chế ấy bị chứng bệnh gọi là “leng keng tàu điện”. Chưa hẳn là điên nhưng cứ hâm hấp lăn tăn thế nào?
Mọi thứ được người ta xóa bỏ hình ảnh không thương tiếc. Nhỏ thì như vài biệt thự, nhà hát, quảng trường. Lớn hơn nữa là vài dãy phố, mấy hồ nước, dăm ba ngôi chợ. Dĩ nhiên là xóa bỏ những nhà máy xí ngiệp trong nội thành từ thời coi công nghiệp là then chốt. Nơi giai cấp công nhân chứng tỏ vị trí tiền phong của mình? Nghe nói đến cả cây cầu Long Biên cũng có kế hoạch tháo dỡ đường sắt. Và kinh hơn nữa là một Nhà Hà Nội học còn cho rằng tháo đường sắt ở cầu Long Biên ra cũng chẳng ảnh hưởng gì đến văn hóa Hà Nội? Cái chức danh Nhà Hà Nội học hình như cũng chỉ nói lên chuyện ham học thì phải?
Một di tích bị xóa bỏ đáng tiếc nhất phải kể đến là Nhà tù Hỏa Lò. Đó không những là một công trình kiến trúc độc đáo nhất trên toàn cõi Đông Dương mà còn là một di tích cách mạng quan trọng vào bậc nhất.
Lần đầu tiên con người ở xứ thuộc địa Đông Dương biết thế nào là hình dáng và công dụng của một cái nhà tù. Ấn tượng của người Hà Nội về nó là không cần diễn giải. Sợ! Nó im lìm đứng đầy dọa nạt. Nó làm cho nỗi sợ hãi thực sự trở thành một giá trị? Tòa nhà chót vót Hà Nội tower thay vào đó chẳng bao giờ gây nổi một ấn tượng tương tự.
Đáng ra Nhà tù Hỏa Lò nên trở thành một bảo tàng của Hà Nội. Nhiều người đã góp ý cho thành phố nên giữ lại bốn bức tường đá ấy. Ít nhất thì cũng không đến nỗi bảo tàng mang tên Hà Nội lại nằm trên đất Hà Tây bây giờ? Nhưng nhịp sống mới Hà Nội ồn ào quá thể. Người ta thậm chí gọi đến tên mình ngoài kia cũng chẳng thể nghe thấy gì? Những góp ý nhẹ nhàng thanh lịch theo kiểu người Hà Nội thường không có kết quả. Mới hay đức tính tốt đẹp ấy cũng có mặt trái của nó. Một mặt trái kém kiên quyết đã làm nên diện mạo thành phố xô bồ như hôm nay?
Tàu điện vắng mặt đã hai mươi năm. Những người “leng keng tàu điện” cũng không còn thấy nữa. Một số đã khỏi bệnh. Số còn lại chuyển hẳn sang Trâu Quỳ sinh sống. Câu thành ngữ ấy cũng gần như vắng mặt trong ngôn ngữ phố phường. Thế nhưng dư âm của tiếng chuông leng keng tàu điện hình như vẫn còn vang vọng trong tâm thức của những người thành phố trạc năm sáu mươi tuổi bây giờ. Cùng với nó là hình ảnh thanh bình của một Hà Nội vài mươi năm trước cũng chợt hiện lên vời vợi nhớ thương...
Đ.P