CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

THÁP RÙA

Thứ hai ngày 14 tháng 5 năm 2012 1:40 AM

Có những thứ trên đời ít ai muốn nó đi vào lịch sử vậy mà nó vẫn lừng lững tồn tại và ngày càng được nhiều người yêu mến. Ở Hà Nội có vài thứ như thế. Lớn thì có cầu Long Biên, nhà máy bia Ông Mền (Hommel?), Nhà Hát Lớn thành phố do người Pháp xây dựng… Lịch sử có chép lại những chương lầm than khốn khổ của người Hà Nội khi phải làm phu phen tạp dịch trong những công trình như thế. Chẳng tự hào gì. Nhỏ thì có Tháp Rùa trên hồ Gươm bán tín bán nghi do gia đình Bá Hộ Kim xây ở đấy hơn trăm năm trước để bí mật đặt mộ. Số phận của công trình có một không hai trong lịch sử này thật kì lạ. Nó không thỏa mãn ao ước của gia đình Bá Hộ Kim đặt hài cốt tiền nhân vào đấy. Cũng không phải là việc chính quyền đương thời muốn làm. Lại có nhận xét của các kiến trúc sư rằng Tháp Rùa là một thất bại thảm hại trong nỗ lực gắn kết thẩm mĩ kiến trúc Đông Tây. Vậy mà nó vẫn tồn tại. Và ngạc nhiên hơn, nó là công trình cổ duy nhất ở Hà Nội còn bền vững nguyên bản cho đến bây giờ.


Tranh: Đỗ Phấn

Bạn từ miền Nam ra chơi hẹn tôi đón ở bến xe gần tòa nhà cao chót vót hơn hai mươi tầng ngoài bờ sông. Ra đến nơi mới biết ngoài ấy không chỉ có một tòa nhà cao như vậy. Dừng xe gọi điện lại bạn bảo đọc số nhà gần đấy. Vẫn không tìm ra bởi con phố ấy có cách đánh số nhà loạn xạ từ ngày người ta làm thêm đường dẫn lên cầu Chương Dương. Đành phải bảo bạn mô tả lại hình dáng và màu sắc của tòa nhà ấy. Ngửa mặt lên trời mà tìm. Những kiến trúc khổng lồ có hình khối và màu sắc giống nhau đến vô cảm thật khó để đặt cho nó một tên gọi riêng biệt dù biết rằng chẳng có một tòa nhà nào không tên. To thế cũng chẳng dễ tìm.

Tháp Rùa tồn tại bởi lí do thẩm mĩ là chính. Vẻ đẹp của nó rất khó gọi tên. Không phải thứ thẩm mĩ rạch ròi Đông Tây Kim Cổ của kiến trúc. Cũng không phải vì kích thước áp đảo của một tòa cao ốc. Lại càng không phải di tích lịch sử gắn liền với những chiến công hiển hách của tiền nhân. Đơn giản, nó chỉ như một nét chấm phá tuyệt diệu vào đúng cái nơi cần có trong khung cảnh mênh mang nước Hồ Lục Thủy, cùng Đền Ngọc Sơn và Cầu Thê Húc làm nên diện mạo không thể khác của Hồ Gươm. Thậm chí chỉ một thay đổi nhỏ ngày hết chiến tranh phá hoại người ta cho quét vôi xám lên tường tháp với mong muốn làm cho nó cổ kính thêm đã bị nhà văn Nguyễn Tuân viết bài bày tỏ thất vọng của mình. Theo cụ Nguyễn, Tháp Rùa cứ nên quét vôi trắng như xưa nay vẫn thế. Cũ đi quét lại. Vẫn trắng. Đó là màu trắng êm đềm của kí ức. Một kí ức trọn vẹn duy nhất còn tồn tại trong lòng người Hà Nội hôm nay. Cái kiêu kì bác bậc văn hoa của cụ Nguyễn hóa ra rất gần với chuẩn mực thẩm mĩ hàn lâm. Cụ nhìn ra cái bóng đổ lung lay trắng trên mặt nước xanh cây là một hòa sắc sinh động thần diệu khác hẳn với cái bóng xám u buồn. Hòa sắc này các họa sĩ phương Đông và phương Tây đều đã cùng nhau khai thác từ mấy trăm năm rồi. Cứ xem tranh của L.D.Vinci, J.J.Vermeer hay của Vương Duy, Trương Trạch Đoan thì biết.

Tháp Rùa là một cái tên nằm trong tâm thức người Hà Nội. Nghĩa đen hoàn toàn. Cái tên ấy không phản ánh bất kì một sự tích, công năng hay vị trí địa lí nào cả. Chỉ đơn giản là nơi xa xưa những con rùa bò lên nằm sưởi nắng và sinh sản. Ngày nhỏ, tôi theo lũ bạn bơi từ phía đường Lê Thái Tổ ra chân tháp nhặt được rất nhiều trứng rùa ở đấy. Mang về nhà cho vào ấm tích đổ cát ẩm lên để ấp. Nở ra những con vật bụng hoa đỏ nhí nhoáy bò. Người lớn bảo là ba ba. Chẳng hiểu ra làm sao. Lại mang ra Hồ Gươm thả xuống. Về sau thì Tháp Rùa đã mang nhiều ý nghĩa hơn. Một chút gắn với sự tích Lê Lợi mượn gươm thần. Một chút gắn với thẩm mĩ cảnh quan. Và thấp thoáng một chút thôi là niềm tự hào của ai đó mua được nhà ở những nơi nằm trong vòng tròn bán kính một kilomet có tâm là Tháp Rùa.

Tôi chở người bạn miền Nam bằng xe máy đi một vòng quanh hồ. Sững sờ tiết thu lướt thướt gió trên mặt hồ xanh đến ngạt thở. Cây lá xôn xao sắc màu phía Đền Ngọc Sơn tĩnh lặng. Bạn than phiền về một vật thể màu xanh cobal chói lọi nửa nổi nửa chìm lập lờ ngay cạnh chân Tháp Rùa. Nó có mặt trong tất cả những bức ảnh lưu niệm chụp chiều qua khiến bạn rất buồn. Đó là cái “bệnh viện” lưu động chữa trị thương tích cho con rùa còn lại duy nhất trong hồ. Rùa đã ra “viện” nhưng “viện” thì hình như vẫn còn lưu luyến nơi này. Thế mới biết cái hình ảnh Tháp Rùa trên Hồ Gươm quyến rũ bền chặt đến mức nào. Bạn mới chỉ gặp nó đôi lần trong những chuyến công tác trước. Tôi sinh ra ở gần nó. Sống cạnh nó hơn nửa thế kỉ. Bây giờ thỉnh thoảng đưa thằng cháu ngoại đi qua Hồ Hoàn Kiếm. Bảo nó rằng, ông cho cháu về chơi Tháp Rùa! Nó bảo, ông nói sai rồi, phải gọi là đến!

9-2011
  Đ.P

Bình luận

        Rất hân hạnh, bạn là người đầu tiên gửi lời bình luận đến chúng tôi !
Gửi lời bình
  • Mã xác nhận
  •  
  • Họ tên
  • Email
  • Nội dung
Chia sẻ trên Facebook