CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

BẮC MỸ

Thứ ba ngày 15 tháng 5 năm 2012 12:00 AM

Chuyến bay chiều của hãng hàng không Cathay Pacific đưa chúng tôi từ Hongkong đến đất Mĩ. Máy bay Boeing 777-300 với 9 hàng ghế rộng rãi. Hành trình trên đường bay dài nhất trái đất không khỏi làm chúng tôi hồi hộp lo lắng. Hơn chục năm trước đã có lần tôi đi bằng máy bay A320 chật chội sang Châu Âu. Thấm mệt vì tiếng trẻ con khóc dù đã dừng chân nghỉ tại Dubai hơn 2 giờ đồng hồ. Chẳng hiểu tại sao trẻ con cả tây và ta cứ lên máy bay là khóc? Rất may chuyến bay này không có trẻ con. Và dàn tiếp viên xinh đẹp trong bộ đồng phục đỏ mận với mớ tóc chải bới rất cầu kì luôn có sẵn một nụ cười dành cho hành khách. 14 giờ bay với hai bữa ăn kèm rượu vang đỏ, thành phố New York đã lờ mờ hiện ra bên cửa sổ máy bay. Trùng điệp ánh đèn cao ốc bám dọc theo bờ sông Hudson. New York không ngủ.

Tiến gọi điện thoại cho bạn là Đức ở Washington DC ngay từ lúc còn ở sân bay Hongkong. Đức phải thuê một chiếc xe 12 chỗ từ đó lên New York đón chúng tôi. Quãng đường đi đón khách hơn 600 dặm là điều không tưởng ở Việt Nam nhưng với Mĩ là chuyện quá đỗi bình thường. Đức còn ghé qua Philadelphia đón thêm Alex Trần, một Việt kiều định cư tại đấy từ năm lên 7 tuổi. Anh sẽ làm “cán bộ đường lối” cho đoàn chúng tôi. Alex Trần là một thanh niên được đào tạo theo lối hoàn toàn Mĩ. Có phần máy móc. Từ lúc gặp đã không bao giờ thấy anh rời tay khỏi chiếc điện thoại. Mở GPS(máy định vị vệ tinh). Tìm thông tin hàng quán, nơi thăm thú và các bảo tàng. Tiến đùa, ông mà đi từ trên gác xuống dưới nhà có khi cũng phải dùng GPS! Alex Trần không giận. Anh chỉ tủm tỉm cười. Chính sự nhiệt tình và cẩn thận của anh đã giúp chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian trên đất Mĩ.

Khách sạn 4 sao W.J (Washington Jefferson) nằm trên con phố 51 rất dễ tìm. Đường phố New York trong khu downtown chia ô vuông vắn như bàn cờ. Những con phố được đánh số thứ tự làm cho một người dốt toán như tôi cũng chẳng khó khăn gì để tự tìm ra quy luật. Còn dễ hơn đi tìm nhà người quen trên những con phố tên tuổi lạ hoắc chẳng theo một quy luật nào cả ở phần thêm ra của Hà Nội.

 New York lạnh 6 độ dưới 0. Những đám tuyết còn rải rác trên phố. Những vũng nước đóng băng trơn trượt trên vỉa hè. Gió buốt từng cơn len lỏi qua những cao ốc chọc trời. Những khoảng trời bé tẹo rời rạc mây. Và những gương mặt người bình thản tự tin nườm nượp đi lại trên Quảng trường Thời đại(Times Square). Đức lái xe đưa chúng tôi đi một vòng quanh khu Manhattan rộng lớn với những tòa cao ốc gắn với tên tuổi của những nhà tư bản hàng đầu nước Mĩ. Rockerpheler, Donal Trum…Chạy xe ra sát bờ sông Hudson nhìn sang tượng Nữ thần tự do mờ ảo trong sương. Vào phố Wall xem những ngôi nhà nổi tiếng của thị trường chứng khoán. Và sau hết là ngang qua công trường xây dựng lại Tháp đôi WTC. Người ta dựng tường giả che kín công trường như một bùng binh lớn. Cất giấu trọn vẹn những đau thương ngày 11-9?

Ngày thứ hai dành trọn vẹn cho Bảo tàng nghệ thuật New York. Cái háo hức đợi chờ mong mỏi được chuẩn bị sẵn từ ở nhà đã thành sự thật. Đó là một bảo tàng vĩ đại theo mọi nghĩa. Những hiện vật, tranh tượng từ cổ đại đến hiện đại được trưng bày sang trọng đúng như giá trị của nó. Không phải những tòa cao ốc, không phải tượng Nữ thần tự do, không phải phố Wall mà chính là Bảo tàng nghệ thuật New York mới làm choáng ngợp chúng tôi về sự giàu có xa hoa của nước Mĩ. Được xem bản chính những bức tranh từ cổ điển, phục hưng cho đến hiện đại và đương đại trưng bày ở đây mới thấy sức mạnh của nước Mĩ không chỉ ở tài chính, quân sự mà còn thể hiện cả trong văn hóa. Họ đã sưu tầm được những giá trị kiệt xuất của nhân loại trên khắp mọi vùng miền thế giới trong một thời gian không dài và bằng một số tiền chắc chắn khó lòng tưởng tượng. Tự nhiên thấy tấm vé vào cửa giá 27USD rẻ đến bất ngờ.

Sáu giờ đồng hồ chạy xe trên đường cao tốc từ New York đến Boston hóa ra không trôi chảy. Bị kẹt xe ngay từ khi mới qua Bronx cửa ngõ New York. Alex Trần phải mở GPS ra tìm đường hướng dẫn cho Đức chạy vòng tránh chỗ kẹt xe kéo dài đến hàng trăm cây số. Về đến khách sạn Double tree ở Boston đã 9 giờ tối. Nhưng Tiến bảo về đến đây coi như đã về nhà. Anh từng có thời gian du học ba năm tại Boston. Tiến dẫn mọi người ra quán ăn quen ở khu Chinatown. Nhà hàng quá sức chật chội và đông đúc. Phải xếp hàng chờ hơn một tiếng mới có chỗ ngồi. Nhưng đồ ăn thì tuyệt vời ngon. Tiếc rằng họ chỉ bán duy nhất thứ rượu Sake nhạt phèo của Nhật Bản. Không có bất kì hàng ăn nào ở Mĩ được bán nguyên cả chai rượu mạnh. Nhớ đến hai ông bạn rượu ở Hà Nội là nhà văn Nguyễn Việt Hà và Bảo Ninh. Ngồi nhậu với hai ông ấy chẳng bao giờ hết dưới hai chai whisky. Rượu sake phải gọi chai 2 lít mới cho là tàm tạm. Muốn uống rượu mạnh theo tửu lượng của Bảo Ninh có lẽ phải qua hai chục quán. Nhớ ngày ông ấy đi Mĩ về kể rất nhiều chuyện trừ chuyện rượu. Lượng rượu ông được uống ở Boston có lẽ không đủ cho một câu chuyện.

Hai ngày ở Boston, Tiến hướng dẫn chúng tôi thăm Học viện công nghệ Massachusetts (MIT). Đại học lừng danh Harvard. Và dĩ nhiên Bảo tàng nghệ thuật Boston với bộ sưu tập hội họa hiện đại khét tiếng.

Vẻ cổ kính trang nhã của thành phố Boston làm chúng tôi liên tưởng rất nhiều đến những thành phố cổ châu Âu. Chỉ khác đất đai ở đây vô cùng rộng rãi. Những căn biệt thự thấp tầng nằm xinh xắn bên những đại lộ trồng hai hàng cây phong mùa này đã hết lá. Dòng sông Charles đóng băng loáng bạc lơ đãng mấy con ngỗng trời đứng im lìm như ngái ngủ. Bến cảng trắng toát những chiếc du thuyền bọc áo ngủ đông. Người Boston đi chậm, nói khẽ. Trái ngược với cái ồn ào sôi nổi của New York.

Chặng đường bộ dài nhất chúng tôi đi trên đất Mĩ từ Boston đến Washington DC do Tiến cầm lái. Lại một kinh ngạc nữa về quãng đường hơn một nghìn cây số chỉ đi mất 13 giờ đồng hồ kể cả nghỉ ăn trưa. DC lạnh 9 độ dưới 0 và vừa mới có mưa tuyết. Đức sống ở đây đã hai năm rồi. Anh dẫn chúng tôi đi ăn tối ở một nhà hàng Việt Nam có ông chủ là người Hải Hậu, Nam Định. Ông ấy từ Sài Gòn sang Mĩ từ sau 1975 mở quán ăn và thường giúp đỡ rất tận tình bà con Việt mình khi đến Washington DC. Tình cờ gặp cựu chiến binh Chuck Searcy ở đấy. Ông ấy hay sang Việt Nam giúp đỡ việc tháo gỡ bom mìn ở Quảng Trị và từng đến nhà tôi chơi nhiều lần. Vẫn tác phong chậm chạp và cái nhìn u ẩn của một cựu binh Mĩ bị hội chứng chiến tranh Việt Nam. Chuck nhận ra tôi trước khi tôi kịp nhớ tên ông ấy.

Khách sạn Marriott nằm cách trung tâm Washing ton DC 30 phút chạy xe. Những rừng thông trùng điệp xen kẽ những nếp nhà tuyết phủ thơ mộng. Đức mua một ngôi nhà ở gần đấy. Giá khá đắt nhưng thật xứng đồng tiền. Tưởng tượng về một xứ sở thần tiên nhất có lẽ cũng chỉ đến thế. Những rừng thông tuyết phủ chăng đèn rực rỡ mùa giáng sinh làm cho người lớn như chúng tôi cũng hình dung ra một ông già Noel dường như đang dong xe tuần lộc thấp thoáng đâu đó rất gần.

Thủ đô của nước Mĩ có nhiều dân da màu nhưng phần lớn họ là những viên chức chính phủ. Ăn mặc và tác phong cư xử đàng hoàng lịch sự khiến chúng tôi gần như không có cảm giác khác biệt về chủng tộc.

Ấn tượng mạnh nhất về Washington DC của tôi vẫn là bảo tàng. Tất cả các bảo tàng ở đây đều mở cửa miễn phí cho mọi người. Bảo tàng Nghệ thuật với những bức tranh trị hàng trăm triệu USD cũng vậy. Có đến hàng trăm phòng trưng bày trên bốn tầng. Mỗi phòng đều có nhân viên bảo vệ mặc đồng phục khoanh tay đứng im như tượng. Họ cũng vừa là người hướng dẫn khách tham quan tìm đến nơi mình muốn dù khắp nơi đều có bản đồ hướng dẫn. Một dẫn chứng sinh động nhất về việc sử dụng tiền đóng thuế của dân rất đáng học tập.

Chuyến bay 6 giờ đồng hồ băng ngang nước Mĩ đưa chúng tôi đến Las Vegas trên sa mạc Nevada. Dù đã đọc đâu đó biết trước rằng đây là một kinh đô cờ bạc của thế giới, chúng tôi vẫn không khỏi kinh ngạc. Chiếc máy đánh bạc đầu tiên khi bước chân xuống sân bay tôi nhìn thấy nằm ở ngay cửa ra vào toilet. Và trên suốt con đường từ sân bay về khách sạn Caesars Palace cũng lập lòe màn hình những con số.

Khái niệm về một khách sạn của tôi hoàn toàn đổ vỡ khi bước chân vào Caesars Palace. Sảnh chính nhường chỗ cho hàng ngàn chiếc máy đánh bạc sáng đèn với những bóng người thờ ơ nhả khói thuốc. Đàn bà nhiều hơn đàn ông trong trò chơi này. Có lẽ ở Mĩ chỉ duy nhất có nơi đây được hút thuốc trong nhà? Nhân viên tiếp tân đưa chìa khóa cho mấy phòng Tiến đặt trước qua mạng. Lại không quên phát cho mỗi người một tấm sơ đồ. Về sau chúng tôi mới biết nếu thiếu nó là không thể tìm được lối về phòng mình. Không thể hình dung được độ lớn của khách sạn là bao nhiêu. Trong khách sạn là những con phố ngoắt ngoéo đến kinh dị. Không có ngày và đêm ở đây. Phố Cleopatra trong khách sạn cho ta cảm giác về một buổi chiều chạng vạng với vòm trần được vẽ bầu trời ảm đạm mờ tối. Ánh sáng trong các cửa hiệu hắt ra con đường lát đá bên ngoài quét nhựa bóng như vừa tạnh cơn mưa chiều. Mọi dịch vụ đầy đủ tới mức làm ta có cảm tưởng chẳng cần phải bước chân ra phố làm gì.

Nhưng vẫn phải ra đường vào sáng hôm sau. Cả đoàn không ai biết đánh bạc và dĩ nhiên càng không định đến Las Vegas để đánh. Ở trong ấy là những ông chủ kếch xù cùng những nhân vật nổi tiếng màn bạc và thể thao. Mình chỉ liều đến mức ké cửa thuê một chuyến Limousin chạy lòng vòng quanh thành phố cho mãn nhãn. Cũng mất 140USD cho một giờ xe chạy. Tối hôm qua Alex Trần tra sách điện thoại trong khách sạn và gọi một cô vũ nữ lên phòng thử xem có những trò gì. Thấy quảng cáo trong sách vô cùng bốc lửa. Nửa tiếng sau thấy tiếng chân huỳnh huỵch ngoài hành lang. Cô gái tóc vàng mắt xanh cao khoảng mét bảy xuất hiện. Cặp đùi gấp đôi đùi Tiến. Và đặc biệt Alex bảo, chỉ trẻ hơn mẹ cháu ở nhà một tí! Mất 280USD cho màn chào hàng ấy.

Chia tay Alex Trần ở Las Vegas chúng tôi lên máy bay sang Vancouver. Thành phố miền tây Canada giá rét. Noel đã đến rất gần. Chỉ còn chừng hơn ba mươi giờ đồng hồ nữa. Nghĩa là ở Việt Nam giờ này trai gái đã tụ tập chuẩn bị ra nhà thờ và đi dạo phố. Tiến thuê một chiếc xe bảy chỗ trong khu Downtown giở bản đồ và GPS đưa chúng tôi lên khu núi tuyết Whisler. Hơn một giờ xe chạy trong mưa tuyết mịt mù. Thị trấn Whisler hiện ra như thần thoại. Những cây thông phủ tuyết trắng mịn dịu êm. Những ngôi nhà gỗ sơn màu sặc sỡ nhô lên trong những đụn tuyết như đồ chơi trẻ con. Vào nhà hàng Thụy Điển có máy sưởi ấm áp. Vancouver có một kênh truyền hình chiếu duy nhất hình ảnh lò sưởi có củi cháy và tiếng nổ phát ra lép bép suốt mùa đông. Người ta đã không dùng củi thật để sưởi từ rất lâu rồi.


Ngày hôm sau là ngày nghỉ lễ. Tất cả hàng quán và nơi vui chơi công cộng đều đóng cửa. Phải tìm xuống khu phố Tàu mua bánh bao lót dạ. Rất may là dân châu Á ở Vancouver khá nhiều. Có hẳn những làng của người Việt. Con gái của Nghĩa đi cùng đoàn đang du học ở đây. Cô bé rất tháo vát nhanh nhẹn. Đến nhà họ hàng trong làng Việt Nam tỉ mẩn đồ xôi đậu đen mang đến. Cũng đúng vào lúc mấy anh em bắt đầu thèm cơm Việt rồi.

Trận bão tuyết ở miền đông nước Mĩ không ngờ lại là trở ngại lớn cho chuyến bay từ Vancouver trở về Việt Nam. Các sân bay ở New York đóng cửa. Máy bay của Cathay Pacific không thể cất cánh để về Vancouver đón khách. Phải nói khó với nhân viên ngân hàng ở sân bay Vancouver mãi họ mới đổi cho 100USD ra tiền Canada để tiêu tạm trong lúc đợi chờ. Xe taxi buộc phải trả bằng tiền mặt. Chỉ dám loanh quanh ở sân bay vì sợ hết tiền xe.

Buổi sáng hôm sau, bảng điện tử hiện lên thông báo máy bay còn delay thêm 9 tiếng nữa. Mấy anh em ngán ngẩm chui ra ngoài sân bay đứng hút thuốc ngay cạnh chiếc ghế dài mà không thể ngồi xuống. Trên lưng ghế đã gắn biển in dòng chữ No smoking mất rồi. Mặt trời rét mướt nhô lên sau rặng thông non trước cửa. Đàn chim sơn ca tuyết hàng trăm con thức giấc hót vang trong lùm cây sẫm tối át hết toàn bộ tiếng xe chạy trên đường…

Đ.P


Bình luận

        Rất hân hạnh, bạn là người đầu tiên gửi lời bình luận đến chúng tôi !
Gửi lời bình
  • Mã xác nhận
  •  
  • Họ tên
  • Email
  • Nội dung
Chia sẻ trên Facebook