CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

NHỚ VỀ QUÊ NHÀ

Thứ hai ngày 14 tháng 5 năm 2012 12:00 AM

Đi dọc theo con đường quốc lộ số 1 suốt từ Lạng Sơn cho đến tận Cà Mau bây giờ đã có những đoạn đường dài hàng trăm cây số chạy qua các đô thị nối tiếp nhau không còn ranh giới. Tốc độ đô thị hóa dường như khó bề kiểm soát. Hay không muốn kiểm soát? Nhiều thị trấn đã thành những thị xã sầm uất. Nhiều thị xã đã được nâng cấp lên thành phố. Và bộ mặt hành chính phố phường cũng được hình thành nhanh chóng.

Thành phố càng lớn, quan hệ con người hình như càng lỏng lẻo thì phải? Mười năm trước, tôi đã rất ngạc nhiên khi anh bạn ở Paris đưa mẹ vào sống trong trại dưỡng lão cách xa hàng trăm cây số. Anh ấy là người Việt. Ở một nơi phồn hoa cực độ như Paris, mẹ anh chẳng biết làm gì. Cũng không chơi với ai. Kể cả anh cũng không có thời gian gần mẹ để mà chăm sóc. Bây giờ thì chuyện đó đã thành chuyện của Việt Nam. Ở những thành phố lớn như Hà Nội. Thành phố Hồ Chí Minh…Họ hàng thân thích có khi hàng năm không gặp nhau là chuyện thường. Con cái ở xa, Tết mới về thăm bố mẹ. Lại có một làng gần Hà Nội chỉ có toàn trẻ em và người già ở nhà quanh năm. Người lớn đi làm ăn xa. Cũng đến Tết mới về thăm cha mẹ, con cái.

Về một nghĩa nào đó thì có lẽ chữ “xa nhà” chỉ nên dùng cho những người ở xa Tổ quốc. Họ mới thật sự là xa. Và không phải hễ cứ muốn là có thể về được. Nỗi nhớ nhà của người xa xứ vì thế cũng cồn cào gấp bội. Nhớ chồng, con, anh, em. Nhớ cha, mẹ, ông, bà. Nhớ họ hàng bạn hữu. Nhớ phố, nhớ làng. Nhớ món ăn truyền thống. Em gái nhỏ của tôi ngày mới xa Tổ quốc mỗi tháng viết về nhà hai lá thư đầy nước mắt. Phải gần một tháng sau gia đình mới nhận được chỗ nước mắt ấy. Trong thư nó nhắc đến cả cây me già rỗng bụng phong phanh cuối phố mùa đông. Là cái cây mà lúc ở nhà tôi chưa bao giờ thấy nó dừng bước ngắm nhìn dù chỉ một phút! Vẫn là em thôi. Chỉ thêm vào cuộc sống hai chữ “xa nhà”!

Người Việt ở những vùng đất trên thế giới tôi qua hình như đều có một tâm sự như vậy. Tin tức quê nhà là thứ khát khao hàng đầu. Bây giờ đã dễ dàng tìm kiếm trên mạng Internet. Mươi năm về trước chỉ có cách gặp được ai đó mới ở nhà sang để hỏi han. Tôi và anh bạn hoạ sĩ đã gặp một cô gái như vậy. Ở thủ đô Brussels, nước Bỉ. Cái cách ẵm em cắp nách vẹo sườn của cô đã làm cho tôi nhận ra đồng hương. Đó là một cô gái mảnh mai có cái nhìn u ẩn buồn làm công việc bán đồ ăn nhanh trong một quán nhỏ. Tôi và người bạn đi cùng không nói được tiếng Pháp. Cô gái cũng không thể nghe được thứ tiếng Anh giọng Nghệ An của bạn tôi. Đánh liều, tôi hỏi cô bằng tiếng Việt. Sở dĩ gọi là liều vì trước khi ra phố đã được một anh bạn Việt kiều bên ấy dặn. Chớ có hỏi han gì ai bằng tiếng Việt. Dù họ có là người Việt thì cũng khó mà nhận được câu trả lời. Nhưng thật bất ngờ. Cô gái đã trả lời tôi bằng một giọng rất chuẩn. Giọng Thủy Nguyên, Hải Phòng. Giọng nói đã được các nhà ngôn ngữ học đánh giá là chuẩn nhất Việt Nam. Và câu chuyện của cô dẫn dắt chúng tôi đến tận cái vùng quê nghèo ven biển ấy. Cặp mắt buồn u tối sáng dần lên. Rất may. Miền quê ấy của cô, tôi đã từng có vài lần đi qua. Và cũng quen biết vài người. Cô sang làm việc bên này đã được bốn năm. Bằng một con đường không chính thức. Chỉ với một ước ao dành dụm đủ tiền về quê xây cho bố mẹ một nếp nhà. Bao nhiêu người Việt xa xứ có một ước mơ nho nhỏ như vậy? Tôi chắc rằng nhiều. Rất nhiều. Có khi không phải chỉ xây nhà cho cha mẹ. Anh em, thậm chí bạn bè cũng là. Và không chỉ xây nhà cho người sống. Ai đã từng đi qua thành phố Huế đều thấy nghĩa trang là những công trình kiến trúc quy mô có khi còn lớn hơn nhà ở rất nhiều. Đa phần trong số ấy được làm bằng tiền của bà con Việt kiều xa Tổ quốc.

Những trí thức Việt Nam sống ở nước ngoài có thể nói là bộ phận đông đảo và có những đóng góp to lớn cho địa phương mình sinh sống cũng như hướng về Tổ quốc. Tâm sự của họ ngạc nhiên thay cũng giống như tâm sự nhớ về quê nhà của những người lao động bình thường. Tôi đã được gặp kiến trúc sư Phạm Ngọc Tới ở Paris. Ông là một trong số rất ít người Việt đã tốt nghiệp Trường cao đẳng mỹ thuật Paris vào giữa thế kỷ trước. Và gần như là người Việt duy nhất có những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn bản sắc văn hoá Việt ngay tại kinh đô ánh sáng Paris. Đầu năm vừa rồi, ông gửi tặng tôi một cuốn sách ông vừa xuất bản. Cuốn Hồi ức tuổi thơ . Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như đó chỉ là một cuốn hồi ký các cụ kể lể thanh minh dài dòng. Đến mức nhà nước phải ra chỉ thị quy định cho những ai mới được viết hồi ký để tránh lãng phí. Cuốn sách của ông viết rất sống động về một giai đoạn bi tráng của người Hà Nội những ngày đầu kháng chiến chống Pháp 1946. Nghĩa là cách chúng ta hôm nay hơn sáu chục năm rồi. Ký ức còn lại của những người lứa tuổi ông trên chính mảnh đất này chắc gì đã còn giữ lại được những câu chuyện rõ nét đến như vậy?

Không phải ai cũng may mắn như cô gái tôi gặp ở thủ đô nước Bỉ. Được làm việc và mơ ước trên một đất nước văn minh dân chủ bậc nhất. Rất nhiều người Việt ra đi phải chịu đựng những thử thách và công việc có khi còn vất vả hơn ở nhà. Đó là những cô dâu Hàn Quốc, Đài Loan. Đó là những công nhân lao động giản đơn ở Malaysia hay trên những con tàu biển biền biệt dài ngày. Phải đối mặt với giới chủ thô bạo. Hoặc có khi bị cướp biển ở châu Phi giam cầm cả năm trời có lẻ. Khoảng cách là quá xa để những người trong nước có thể kịp thời giúp đỡ.

Và cũng không phải tất cả những người ra đi đều hướng về Tổ quốc với một tấm lòng giống nhau. Vì những lí do chính trị do lịch sử để lại thì ít mà vì sự cách biệt đã làm cho hiểu biết của họ về một nước Việt Nam ngày nay không đầy đủ thì nhiều. Điều đó có một phần lỗi ở chúng ta. Những người đang sống trong nước đã làm gì để giúp đồng bào của mình ở xa Tổ quốc?

Dịp Tết này cũng như mọi năm. Cô em gái nhỏ xa nhà của tôi lại về thăm quê Hà Nội. Nó sẽ mang về hai thằng bé con nửa Đức nửa Việt vô cùng xinh xắn và tinh nghịch. Em lấy chồng người Đức đã hơn mười năm rồi. Cái vùng Freiburg ngã ba Đức, Thuỵ Sĩ, Pháp nơi em ở chỉ có ba người Việt Nam. Thật ngạc nhiên là hầu như họ cũng chỉ gặp nhau mỗi năm một lần. Mà lại là ở quê nhà Việt Nam!

Rất mừng vì nhà em đã có ba người Việt. Hai thằng cu mắt xanh nói tiếng Việt như mọi trẻ em Việt cùng lứa tuổi. Về Hà Nội khoái nhất được các bác dẫn đi chơi Hồ Tây. Nơi anh em nó có thể đứng ngay ven hồ mà thi nhau tè xuống nước cũng chẳng việc gì. Ở Đức không thể làm thế. Em cũng có một chút chạnh lòng. Vì anh chồng kiến trúc sư người Đức sau ngần ấy năm hôn nhân chỉ mới học được mỗi một từ tiếng Việt:Cám ơn! Nhưng được cái cậu ấy đi xe máy luồn lách trong phố rất giỏi. Kể cả vào giờ tan tầm…

Đ.P

Bình luận

        Rất hân hạnh, bạn là người đầu tiên gửi lời bình luận đến chúng tôi !
Gửi lời bình
  • Mã xác nhận
  •  
  • Họ tên
  • Email
  • Nội dung
Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook