CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

NGƯỜI GIÀ NGHỈ HÈ

Chủ nhật ngày 27 tháng 7 năm 2014 12:00 AM

Cháu học lớp ba. Nghỉ hè xong sẽ lên lớp bốn. Cũng không nghỉ hết hè. Chỉ đầu tháng tám là đã tập trung học hè. Lớp bốn bắt đầu từ đấy.

Trẻ con thành phố là nỗi lo của tất cả các bậc phụ huynh. Nghỉ hè chỉ có mỗi cách ở nhà chơi với ông bà. Cụ ông cất răng giả ở nhà, “lẫm chẫm” mua đôi patin tập trượt với cháu. Cụ bà luyện cầu lông và cá ngựa để so tài. Tất cả chỉ nhằm mục đích tiêu hết khoảng thời gian tháng rưỡi nghỉ hè. Nhưng thường là vẫn thừa ra rất nhiều thời gian cháu chẳng biết chơi gì với ai. Và sức khỏe của hai lớp người cách nhau nửa thế kỷ cũng không có nhiều trò chơi phù hợp với nhau lắm.

Cháu mười tuổi, trò chơi bền vững nhất đối với nó chỉ có hai món. Ipad, TV. Hết món nọ lại có thể tiếp tục sang món kia ngay lập tức. Trò chơi điện tử và hoạt hình suốt ngày không biết chán. Kết quả là cận thị. Không khó để đoán ra tương lai trước mắt sẽ là thích nghe các bản nhạc theo kiểu liên khúc. Liên khúc mùa hè, Liên khúc tình yêu, Non stop dancing như đám tuổi teen bây giờ.

Bà nghĩ ra một mẹo. Ra điều kiện nếu cháu tập viết xong một trang thì sẽ cho chơi games nửa giờ. Ông nghĩ ra một mẹo. Bảo cháu viết truyện để tập làm văn. Xong một truyện cho xem hoạt hình một giờ. Cháu nghĩ ra một mẹo. Gộp hai việc làm một. Viết truyện viễn tưởng kinh dị vừa đủ một trang xong chơi ipad và xem hoạt hình liền tiếng rưỡi. Chữ như gà bới. Truyện không đầu không đuôi kể về một con ma xấu tính học môn võ “karate ngáo đá” chuyên thách đố trẻ con chơi trò cụng đầu. Ông bảo, truyện của cháu chẳng ai hiểu được! Cháu lườm, có thế mà ông cũng không hiểu, đã gọi là viết truyện thì phải bịa chứ? Ông giật mình. Xem trên báo chí thấy dạo này người ta hay kêu ca ngành giáo dục vẫn chưa tìm ra triết lý giáo dục. Có lẽ trẻ con lên mười đã tìm ra rồi. Hình như chúng nhắc ta hãy để chúng tự do viết về điều chúng nghĩ ra. Chuyện thì phải bịa.

Ông và tất cả mọi người đều phải trải qua lứa tuổi lên mười. Thời của ông là chiến tranh bom đạn, đói ăn và rách áo. Nhưng không bị phụ huynh quản lý quá nhiều. Thực ra là không bao giờ có đủ phụ huynh để quản lý những đàn con năm sáu đứa thế hệ ông. Lớn lên “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa” là khẩu hiệu mà cũng là con đường duy nhất không bàn cãi. Dĩ nhiên không thể bịa. Mà cũng chẳng sao. Vẫn giành được độc lập và thống nhất đất nước như thường.

Trẻ con thành phố bây giờ ít ra được chăm bẵm gấp năm sáu lần thế hệ của ông. Mười năm đầu đời chưa bao giờ vắng mặt người lớn ở bên. Không bố mẹ ông bà thì cũng thày cô giáo. Đưa đi đón về mọi nơi mọi chỗ. Kiểm soát chặt chẽ ăn ngủ học hành. Mua sắm đầy đủ dụng cụ học tập và đồ chơi theo lứa tuổi. Cho trẻ học tất cả những môn ngoại khóa võ, vẽ, đàn, cờ và thể thao. Có vẻ như người lớn quyết tâm thực hiện bằng được khẩu hiệu “Tất cả vì phụ huynh thân yêu” chứ không hẳn là nhu cầu của trẻ con. Nếu học và chơi hết những thứ người lớn mong muốn, trẻ con hình như chỉ “già” đi mà không chịu lớn. Thằng cháu của ông đã bắt đầu có biểu hiện “lão hóa” trong cách tư duy logic về những việc phải làm cùng lúc và có cùng mục đích. Vừa luyện chữ và cũng là làm văn. Và còn có thể hướng dẫn ông sử dụng ipad và điện thoại smartphone.

Qua một mùa hè với cháu, ông cảm thấy mình “trưởng thành” lên rất nhiều. Nhưng cũng hơi lo. Vài tuổi nữa chẳng biết thằng cháu nghỉ hè sẽ dạy ông thêm điều gì? Chỉ mong nó đừng dắt ông lên sàn nhảy!!!

6-2014

Ảnh: Minh họa

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook