CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

KHÓI BẾP CAY NỒNG

Thứ bẩy ngày 7 tháng 6 năm 2014 12:00 AM

Nước mình có mấy ngàn năm đun củi? Chẳng ai biết cả. Thật ngạc nhiên, thứ nhiên liệu nguyên thủy là củi gỗ mà người Việt vẫn dùng phổ biến cho đến tận bây giờ dù rằng từ hơn một thế kỷ qua đã tìm ra than đá và gần đây nhất là dầu lửa trên biển Đông của Việt Nam.

Những năm 60 thế kỷ trước người Hà Nội đun củi. Có văn minh hơn các vùng nông thôn ở chỗ chế ra cái bếp đun mùn cưa. Thực thì cũng chẳng văn minh hơn. Chỉ vì lúc ấy vài nhà máy gỗ quốc doanh Bạch Đằng, Cầu Đuống có nguồn phế phẩm là mùn cưa cung cấp cho Hà Nội mà thôi. Bếp mùn cưa là đoạn ống gò cuốn bằng tôn đen đường kính chừng hơn một gang tay tán đinh lắp thêm ba mấu sắt làm kiềng.

Khoét lỗ vuông dưới chân làm cửa gió. Nhồi được một bếp mùn cưa đun cho hết bữa không phải chuyện dễ. Đặt một chiếc chai vào giữa lòng bếp. Dùng cây gỗ ngắn dồn từng vốc mùn cưa cho chặt vừa phải. Lỏng quá đun bị sụp. Chặt quá khó cháy và lãng phí mùn cưa. Thứ hàng phải mua bằng phiếu phân phối chất đốt có tiêu chuẩn rõ ràng tính theo nhân khẩu.

Bếp mùn cưa vẫn phải có vài thanh củi đun hỗ trợ vào cho lên ngọn lửa. Gặp hôm trời nồm giời, khói bếp xanh lè cay mắt. Gặp bao mùn cưa gỗ tươi, vừa đun vừa phải bịt mũi vì cái mùi thum thủm gỗ ngâm lâu ngày. Nồi gang nấu cơm bằng bếp mùn cưa, trẻ con tranh nhau miếng cháy thơm lừng giòn sụm. Nhưng cũng chỉ được vài năm. Cho đến khi đi sơ tán thì thôi. Về nông thôn dĩ nhiên không có bếp mùn cưa.

Người ta đun bằng bất cứ thứ gì cháy được. Rơm rạ, củi rều vớt trên sông. Lá khô quét về. Và lúc ấy cũng không ai còn đủ gạo để “nhẫn tâm” nấu một nồi cơm cháy. Cơm độn ngô, khoai, sắn có cháy ăn cũng chẳng ra gì. Bà nội tôi suốt ngày chảy nước mắt chẳng biết vì khói bếp cay nồng hay vì thương cháu đói ăn. Chưa có dịp nào hỏi được thì bà đã đi xa.

Sau chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, khi mọi người trở về Hà Nội thì đã không còn nhiều nhà đun bếp mùn cưa nữa. Dù lúc ấy mùn cưa vẫn còn. Người kéo chiếc xe ba gác dài thượt chở thuê từng xe mùn cưa cao như núi đã giải nghệ. Người Hà Nội đun bếp dầu hỏa. Cũng được mua dầu phân phối theo tiêu chuẩn.

Bếp dầu có hai loại. Một của nhà nước do nhà máy sắt tráng men Hải Phòng sản xuất. Một nữa do mấy ông thợ phố Hàng Thiếc mò mẫm cắt hộp sắt tây ra chế tạo. Tất nhiên bếp dầu nhà nước bán phân phối và bếp Hàng Thiếc bán tự do. Nhưng khói thì như nhau. Ăn một bữa cơm có mùi dầu hỏa là chuyện thường ngày.

Và khói bếp dầu bám muội lên nồi xoong là thứ khó rửa sạch. Nhọ nồi trên mặt thời ấy không phải là chuyện lạ khi ra đường. Chiếc nón của chị em thường khâu một mảnh gương nhỏ xíu bên trong chóp hình như chuyên để dùng vào việc kiểm soát nhọ nồi.

Đến giai đoạn bao cấp cuối cùng, dầu hỏa cũng trở nên khan hiếm không đủ cho dân phố nấu nướng hàng ngày. Nhưng ngạc nhiên thay, người Hà Nội nhất định không chịu quay lại dùng cái bếp mùn cưa nữa dù mùn cưa lúc ấy không hề thiếu. Người ta chế tạo ra một thứ chất đốt là nỗi kinh hoàng cho dân phố cho đến tận hôm nay. Than tổ ong. Các bếp ăn tập thể và lò bánh mì ngày trước cũng dùng than quả bàng nhưng không nhiều.

Ít người để ý đến khói bụi mà nó thải ra. Bếp than tổ ong thay thế cho bếp dầu đến tận từng nhà. Cả trên mấy tầng gác lẫn dưới mặt đất. Buổi sáng, từng hàng bếp xếp dài ngoài mặt phố hứng gió trời tỏa khói xanh khói vàng mù mịt xua đi chút thanh lịch như có mà như không. Mùi lưu huỳnh bốc lên ngất ngây chóng mặt. Khói bếp tưởng chỉ phun trào những đợt cuối cùng ấy là xong, nào ngờ…!

Giờ thì có muôn hình vạn trạng bếp đun chẳng cái nào có khói nữa. Người ta hình như lại thèm mùi khói bếp khi tìm những thú vui ăn uống cầu kỳ ở các quán nướng, quán lẩu dùng than hoa để nhâm nhi mùi khói. Mấy nghìn năm khói bếp dễ gì quên được. Nhưng những người bình thường phải bằng lòng với bếp gas, bếp điện, bếp từ, bếp hồng ngoại và lò vi sóng có chế độ nướng. Tất nhiên cá kho bằng nồi điện tự động thì cũng không mong gì có mảy may mùi khói.

Nước mình có hẳn một biển Đông bao la hùng tráng với trữ lượng dầu mỏ đáng kể thì trong tương lai không sợ gì thiếu cái đun. Phải giữ lấy nó bằng mọi giá để con cháu mình không bao giờ lâm vào cảnh tắt bếp. Là nghĩ thế…


 

Chia sẻ trên Facebook