CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

NHỚ VỀ CÂY HÀ NỘI

Chủ nhật ngày 5 tháng 5 năm 2013 12:00 AM

Những gốc sấu già nua sần sùi u cục trên đường Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo. Những cây me già rỗng ruột phong phanh mưa nắng đầu đường Bà Triệu, Lê Thái Tổ. Vài cây sưa đơm hoa trắng trời cữ tháng giêng ở vườn hoa Cổ Tân cạnh Nhà hát lớn. Những cây vô ưu ven vườn hoa Chí Linh nở những chùm vàng rực như đám múa lân ngày hội. Mấy cây vông nem trổ bông như thắp lửa bên hồ Gươm xanh thẳm. Cây lộc vừng chín gốc gần cầu Thê Húc rắc những bông hoa li ti thắm đỏ suốt những đêm tháng bảy.

 Người bạn thời niên thiếu của tôi đã mất ở đấy trong một trận máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời thủ đô. Nhà cậu ấy nghèo và cũng không có quê để đi sơ tán. Cậu ở lại Hà Nội cắp khay dầu cháo quẩy lang thang bên hồ. Một mảnh đạn pháo đã rơi trúng đầu khi cậu trú chân dưới cây lộc vừng chín gốc. Hoa và máu chan hòa.

Nhiều năm sau, mỗi lần đi ngang qua gốc cây lộc vừng tôi vẫn thấy hình ảnh của cậu ấy như vừa mới đấy thôi. Một chú thiếu niên còi cọc đội mũ nan cắp chiếc khay gỗ lặc lè. Gương mặt nhoáng mồ hôi và luôn đọng lại một nụ cười trong vắt dưới hoa.

Lại cũng nhớ đến những hàng phượng vĩ chứa chan sắc đỏ tháng năm trên đường Lý Thường Kiệt. Con phố tây với những biệt thự kín cổng cao tường luôn thưa thớt bóng người. Nhớ đến hai cây hồng xiêm vĩ đại ở cuối đường Trần Hưng Đạo gần cửa ga Hàng Cỏ hình như không bao giờ ra quả. Nhớ những gốc xà cừ khổng lồ cuối đường Bà Triệu che chắn bên ngoài phân xưởng rèn Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo quanh năm ngùn ngụt tàn lửa.

Nhớ những buổi sáng mùa đông mịt mờ hơi sương run rẩy trên từng nhánh hao gầy hàng cây cơm nguội cuối đường Yên Phụ. Nhớ mấy cây đào tiên quả chín vàng chói lọi trong một biệt thự vắng vẻ thâm nghiêm có lính gác trên đường Hoàng Diệu. Ngày nhỏ tôi không sao hiểu nổi người ta trồng cây đào tiên chỉ để ngắm nhìn.

Cây Hà Nội không giống với bất cứ đâu trên đất nước. Những gốc cây mang đầy thương tích. Hình như nó đại diện cho cả nước đã và đang chịu đựng sức tàn phá của con người. Thời bao cấp, những gốc cây già nua cứng cáp là nơi để người ta đóng lên đấy những chiếc đinh dài treo mắc đủ thứ từ lốp xe đạp hỏng, rổ rá rách, giẻ lau nhà cho đến loa phường và biển “cấm đái bậy”. Những vết đinh lâu ngày đùn lên thành những u những cục. Chưa từng thấy một ai rút ra chiếc đinh nào từ cây. Chỉ có đóng thêm vào.

Những con phố nhỏ rợp tán lá bàng xanh Mai Hắc Đế, Triệu Việt Vương, Đội Cấn lại lâm vào thảm cảnh khác. Nhà đèn mắc dây điện đến đâu là cưa cụt ngọn đến đấy. Tìm một cây bàng lành lặn trong phố bây giờ là điều không thể. Nhưng vẫn còn may mắn hơn những cây xà cừ đại thụ cuối đường Bà Triệu. Người ta đã nhổ tận gốc và trồng thay thế vào đấy những nồng nỗng cau vua te tướp lá.

Người Pháp hẳn là đã bỏ ra không ít công sức trong việc quy hoạch cây cối trong thành phố. Những con phố lớn hầu như được trồng một loại cây làm ta dễ dàng mường tượng trong đầu hình ảnh của nó mỗi khi đi xa. Nghĩ đến phố Tràng Thi là lập tức nhớ đến mấy cây bàng cổ thụ trước cổng Bệnh viện Việt Đức.

Tự nhiên cứ nhớ đứng nhớ ngồi những gốc cây Hà Nội. Hàng cây sao thẳng tắp chọc trời phố Lò Đúc làm cho con phố lúc nào cũng mang một thứ ánh sáng như rạng đông kỳ ảo xao xác tiếng cò.

Nghĩ đến phố Nguyễn Du là nhớ đến hàng cây hoa sữa bồi hồi rắc hạt bông dịu dàng trong gió bấc. Nghĩ đến phố Trần Nhân Tông là nhớ đến lấp lánh ánh vàng của hàng cây bồ đề ra lá non cữ giêng hai trước cửa Trường Tây Sơn. Nghĩ đến phố Thợ Nhuộm là nhớ ngay ra mùa hoa bằng lăng tím đến ướt trời. Nghĩ đến đường Tràng Tiền là nhớ đến con phố duy nhất ở Hà Nội không có một bóng cây nào cả.

Bây giờ thì không còn như thế nữa. Thành phố đang ở vào giai đoạn cao trào của “đại dịch” bằng lăng. Tái tê tím suốt đầu hạ trên gần như tất cả các con phố. Nó biến sắc màu tượng trưng cho sự thủy chung trở nên rẻ tiền và kệch cỡm. Cây muồng hoa vàng cũng đang có mầm mống trở nên như vậy. Khi thành phố có bất cứ cây cũ nào bị đổ trong mùa mưa bão là lập tức được thay thế bằng cây bằng lăng. Chẳng cần biết bên cạnh nó là cây gì. Bằng lăng trồng cạnh phượng vĩ có thể nói là vô duyên hết cỡ.

Cứ như là cave có mặt trong hội nghị khoa học. Mặt phố bát nháo những cửa hàng cửa hiệu biển báo bắng nhắng nhưng thật lạ lại giống nhau đến kỳ quặc ở hai chiếc bể tròn sơn đỏ đặt trên đôn xám. Trong bể, không nghi ngờ gì cả, luôn là lộc vừng. Những cái cây cũng chứng tỏ phần nào gốc gác chủ nhân của nó.

Chẳng biết cây xanh trong thành phố có biến đổi theo một chu kỳ bí mật nào không? Kỷ niệm về cây của người Hà Nội đang mới dần theo năm tháng. Ảnh minh họa: Tư liệu

Đ.P

Ảnh: Tư liệu

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook