CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

MIẾNG NGON BÉ TÍ

Thứ sáu ngày 5 tháng 4 năm 2013 12:00 AM

Địa giới hành chính và ngay cả ruộng đất cũng khoanh vùng chia nhỏ. Và cuối cùng thì là giấc mơ, những “Giấc mơ con đè nát cuộc đời con” (Chế Lan Viên).

Bé nhất phải kể đến hạt vừng. Nó vừa là món ăn riêng biệt như kẹo vừng, muối vừng, vừa là phụ gia cho rất nhiều món khác. Thậm chí còn là câu thần chú linh nghiệm của anh chàng Ali Baba trong truyện Một nghìn một đêm lẻ: “Vừng ơi mở ra!”. Hạt vừng bé thế nhưng đã từng nuôi sống Đạt Ma sư tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ trước khi Ngài mang đạo truyền vào Trung Hoa.

Truyền thuyết kể rằng Ngài trong “Cửu niên diện bích” (Chín năm quay mặt vào vách) sám hối mỗi ngày chỉ cần ăn mười hạt vừng. Vừng không những ngon mà còn đủ dinh dưỡng, chẳng biết có mang thêm ý nghĩa chay tịnh hay không nữa.

Quãng hơn hai chục năm trước bên rìa thị xã Bắc Ninh có quán nhậu đặc biệt bởi một món ăn mới nghe tưởng như bịa: tiết canh chim sẻ. Nhưng hoàn toàn có thật. Chủ quán là một người đàn ông có gương mặt hắc ám lờ đờ rượu. Nhân viên là đàn con lít nhít chừng tám, chín tuổi. Đầu bếp là cô vợ nõn nà vàng đeo đỏ người. Chú bé lớn nhất cầm chiếc kim khâu bắt một con sẻ trong lồng ra cắt tiết bằng cách khêu sợi động mạch ở cổ chim cho chảy vào đĩa nhân băm sẵn.

Nhân làm bằng thịt xương chim sẻ rán non cũng rắc mề và gan chim thái mỏng như giấy quấn thuốc lá. Cắt tiết xong rắc lên mặt đĩa mươi lăm hạt vừng rang. Phải bảy con chim sẻ, mỗi con mười một giọt tiết thì mới được đĩa tiết canh bé chừng lòng bàn tay. Việc của chủ quán còn lại chỉ là ngồi ba hoa về con số bảy. Nó phù hợp với “thật sự đàn ông”. Bảy con chim sẻ cho bảy mươi bảy giọt tiết. Thêm một nữa là trở thành thằng “tám vía”.

Tiết canh chim sẻ ăn với một phần tư lá mùi tàu và ba giọt chanh vắt vào. Đủ khéo tay sáng mắt thì hẵng tự làm. Nếu không, phải nhờ đến chú bé phục vụ tám tuổi chùi tay vào quần vắt hộ chanh. Mỗi người chỉ được ăn một đĩa thôi vì chẳng bao giờ có đủ chim sẻ sống. Muốn biết nó ngon đến đâu nhiều khi phải tham khảo thêm ý kiến của thằng ngồi cạnh. Nó cũng hỏi mình.

Thịt ếch là món ăn dân dã quen thuộc nhưng cái phần ngon nhất của con ếch lại chưa bao giờ là thịt. Nó là cái tù và. Cái đoạn dạ dày chắc nịch ấy của con ếch nhỏ bằng đầu ngón tay út, mổ ra đôi khi có nguyên cả con cua trong ấy. Cũng không bao giờ có đủ tù và ếch cho một món ăn đông người. Phải kèm thêm da ếch xát muối để làm món xào mướp hương. Đi câu ếch bằng cần câu quăng không gì tốt hơn dùng chiếc hoa mướp vàng làm mồi dù ếch không phải là loài ăn chay.

Lên vùng núi non Bắc Kạn, Cao Bằng thì được mời thưởng thức món trứng kiến và nhộng ong xào, chiên hoặc hấp xôi nếp. Hạt nếp và trứng kiến lẫn vào nhau không còn phân biệt được bằng mắt, đầu lưỡi cảm nhận vị béo tê cay, tai nghe được âm thanh lấm tấm nổ ròn. Giờ thì cũng không nhất thiết phải lên tận núi rừng xa lắc. Ở Hà Nội bây giờ bắt đầu có vài quán đặc sản côn trùng, đủ cả từ cào cào, châu chấu, chuồn chuồn, bọ xít, đến ve sầu, bò cạp, cà cuống, bổ củi và trứng kiến, nhộng ong. Chế biến lại hầu như chỉ có một kiểu rang lá chanh. Thanh lịch thế mà làm gì.

Những miếng ngon bé tí không phải người Việt nào cũng ăn, cũng thích. Nhiều khi chỉ là “Giấc mơ con...”. Người Nhật thích ăn thịt con vật to lớn nhất hành tinh: cá voi. Chẳng biết kích thước giấc mơ của họ thế nào?

Đ.P

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook