CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

NHIỄU SỰ HÀNG RONG

Chủ nhật ngày 2 tháng 12 năm 2012 12:48 PM

Cữ đầu hè, bà nội tôi thắc thỏm đứng ngồi ngóng ra đầu phố chờ bóng dáng tất bật quang gánh của người bán sứa từ mạn Hải Phòng lên. Có lẽ đó là gánh hàng rong đầu tiên trong đời tôi được quan sát kỹ lưỡng.

Gần sáu mươi năm vẫn nhớ như in.

Đôi thúng sơn đậy hai chiếc mẹt tre bày biện trên ấy đủ thứ gia vị cho một món quà vặt đặc sắc. Hũ mắm tôm pha, rau kinh giới, bạc hà, tía tô. Đậu nướng vàng lựng màu nước nghệ xếp ngay ngắn trên vuông lá chuối xanh. Cô hàng sứa thoăn thoắt dùng con dao bằng cật nứa lạng những miếng sứa đỏ hồng ngâm trong thúng nước vỏ cây vẹt màu gụ tím.

Sứa cắt ra bày lên đĩa gốm hoa lam Bát Tràng đưa tận tay các bà các cụ. Họ ngồi quây quần bên góc phố vừa ăn vừa chuyện trò. Chỉ mang máng nhớ những câu chuyện của họ đại loại xoay quanh việc tem phiếu thực phẩm. Tháng này cá biển cắt ô số mấy. Đậu tương hạt bán thay ô mua đậu phụ.

Ngày ấy hàng rong trong phố chỉ được phép bán những thứ không nằm trong chế độ phân phối. Làm gì có chuyện cắp một mẹt thịt lợn đến tận cửa nhà hung hăng rao bán như bây giờ. Chủ yếu hàng rong chỉ bán hoa quả, kim băng, thuốc chuột và quà vặt. Với lũ trẻ thành phố thì quen thuộc nhất với chúng là hàng kẹo kéo, kẹo bông, bánh chín tầng mây, lạc rang ngô rang, bánh gối và táo dầm... nhiều không kể hết. Những hàng rong cắt tóc, tẩm quất, đồng nát là mối quan tâm của người lớn.

Thành phố lúc ấy thiếu một hàng rong vô cùng cần thiết nhưng chẳng hiểu tại sao không bao giờ có. Đó là ông hoạn lợn. Có vẻ như ông ấy làm cái nghề không được nhã cho lắm dù rằng người Hà Nội thanh lịch lúc ấy có đến gần nửa dân số nuôi lợn trong nhà. Lợn nằm dưới gậm giường ngáy to hơn cả ông chủ.

Hàng rong bây giờ có lẽ là hoạt động kinh doanh tự do vô bờ bến nhất ở thành phố. Sẽ chẳng ngạc nhiên khi có tiếng chuông gọi cửa chủ nhà phải tiếp đủ loại hàng rong trên đời. Từ đồ điện tử gia dụng cho đến khoan cắt bêtông. Từ chó mèo, cây cảnh cho đến thuốc chống mối mọt và giấy vệ sinh. Quần áo may sẵn và giày dép. Sợ nhất là thực phẩm chức năng và những viên thuốc “An cung ngưu hoàng hoàn” xuất xứ mập mờ được rỉ tai nhau như thần dược. Có anh bán dạo còn sáng kiến thông báo với chủ nhà cái bếp gas này cháu vừa trộm được của công ty mang bán rẻ, bác mua hộ cháu! Rất nhiều “công ty” di động bây giờ có lối tiếp thị giang hồ như thế.

Hàng rong bây giờ bán đủ thứ nhưng hiếm khi dành cho trẻ con. Bán được một cái kẹo cho trẻ thành phố bây giờ không dễ. Bố mẹ chúng đã cấm tiệt từ lâu rồi. Trẻ con thành phố tuyệt đối không bao giờ được tự ý mua đồ ăn thức uống khác với nền giáo dục ẩm thực gia đình. Hàng rong cho người lớn là loại hình đắc địa trong thành phố khi mà mật độ giao thông đã lên đến mức kinh hoàng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hàng rong.

Không có ngày nào đi xe trên phố mà không phải tránh hàng rong, chỉ trừ dịp Tết. Nhưng hàng rong là cuộc sống của rất nhiều dân phố ngại vác túi tiền lỏng lẻo của mình bước chân vào những siêu thị lớn. Và cũng là cuộc sống của rất nhiều người ngoại tỉnh ra thành phố hành nghề bán hàng rong. Họ thuê nhà ở những xóm trọ rẻ tiền ngày ngày rong ruổi trên khắp các nẻo đường. Không ít người trong số họ vô tư nuôi được cả một đàn con vào đại học mà không hề nghĩ rằng những mảnh bằng của con cái chưa chắc đã hơn gì gánh hàng rong.

Bất cứ cái gì có nhiều thì cũng có đồ giả kèm theo. Hàng rong không phải là ngoại lệ. Ở khu phố cổ có đến chín phần là hàng rong giả tạo. Khách của họ là những ông tây bà đầm trong trắng yêu thiên nhiên con người phường phố. Yêu nhầm cả cái sự nồng nhiệt hiếu khách của đám hàng rong gian manh ngoại tỉnh kéo về. Có khi phải trả mấy trăm nghìn cho một miếng dứa chấm muối ớt.

Và cũng ngần ấy khi người bán hàng nhiệt tình đặt lên vai khách đôi quang gánh cho bạn bè chụp ảnh. Giá của kỷ niệm ở Hà Nội không hề nhỏ khiến người Việt hết hồn. Nhưng có lẽ người ngoại quốc ưa suy luận không nghĩ thế. Chỉ bằng tiền một miếng dứa thôi mà!

Vài năm trước có dịp tung tăng sang thành phố Barcelona ở Tây Ban Nha, tôi gặp một anh chàng bán kính dạo ở cửa ga Sans trung tâm thành phố. Anh chàng đeo một chiếc kính râm gọng vàng chóe, vắt trên tay tấm vải gai treo đầy những cặp kính đủ màu.

Ngờ ngợ nhận ra đồng hương trên vỉa hè đầu phố Hoàng Hoa Thám nhà mình, tôi đánh liều hỏi bằng tiếng Việt, cậu sang đây lâu chưa? Anh chàng lấm lét nhìn quanh và nở nụ cười bẽn lẽn giơ mớ kính râm lên trước mặt tôi, bác mua đi, hai “ơ” (euro) một chiếc như ở nhà thôi! Anh bạn đi cùng tôi phì cười bảo hàng rong có lẽ là thứ văn hóa duy nhất xuất khẩu được cho đến lúc này!

Đ.P

Tranh Đức Trí -Tư liệu
Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook