CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

HÀ NỘI VẮNG

Thứ bẩy ngày 29 tháng 9 năm 2012 6:18 PM

Thỉnh thoảng xem lại những bộ phim cũ kỹ từ thời điện ảnh đen trắng trên kênh Cinemax để nhớ lại cái thời những rạp chiếu phim Tháng Tám, Công Nhân, Mê Linh còn tưng bừng nhộn nhịp. Vài phim cao bồi ở vào khoảng chuyển đổi từ đen trắng sang màu. Thực ra đó là những phim màu chính hiệu nhưng tư duy của đạo diễn vẫn hoàn toàn đen trắng. Đại khái bố trí trường quay dựa vào hiệu quả ánh sáng cho phim đen trắng và diễn xuất chậm chạp căng cứng góc cạnh của tư duy đơn sắc. Cái tiến trình chuyển đổi rụt rè lo lắng ấy không hiểu sao cứ làm ta liên tưởng đến trang phục phụ nữ Việt Nam. Chỉ tính từ phần thắt lưng trở xuống. Mấy nghìn năm váy đụp có thể thấy trong chạm khắc dân gian từ thời Đông Sơn trên trống đồng. Những mặc váy ấy trong hình vẽ không chỉ là đàn bà. Dĩ nhiên không giống với mấy anh chàng lịch lãm xứ Scotland mặc váy ca rô thổi kèn túi trong các lễ hội. Kì lạ thay, nó kéo dài suốt cho đến tận ngày nhà Nguyễn mất ngôi và hơn thế nữa dù rằng vua Minh Mạng đã ra chiếu cấm. “Tháng chín có chiếu vua ra/ Cấm quần không đáy người ta hãi hùng...”. Có lẽ Minh Mạng là ông vua Việt duy nhất quan tâm đến thời trang của dân chúng. Nhưng ông bị dân chúng phản kháng. Bởi vì mặc quần là quay lại với trang phục thời Lê nhái theo nhà Minh bên Tàu. “Quần không đáy” là bản sắc của người Việt. Có câu đố ngày xưa là “Vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu/ Bên ta thì có bên Tàu thì không?”. Chuyển sang mặc quần cũng cần có một tốc độ tư duy mềm mại êm ái nhất định như điện ảnh. Ban đầu là cái quần vải thâm thùng thình ống xéo theo tư duy váy rón rén chuyển thành chiếc quần lụa có hai ống rõ ràng. Rồi từ đó mới trở thành quần tây cài khuy kéo khóa như bây giờ. Nằm trong cơn lốc thông tin toàn cầu những tưởng chị em có nhiều chọn lựa hơn cho trang phục từ phần thắt lưng trở xuống. Nhưng không phải thế. Ngoài quần và váy ra vẫn chưa có lựa chọn nào trở thành phổ biến. Những phô bày ngoài sức che phủ của váy và quần dù chỉ là trong ảnh hoặc trên sàn diễn đều bị “ném đá” tơi bời. Nhưng rất lạ, bộ cánh quần trắng áo dài bằng tơ lụa đài các mẫu mực là thế hồi đầu thế kỉ XX của con gái Hà Nội giờ cũng chỉ còn lại trong những bức ảnh đen trắng chụp lớp người của bốn năm thế hệ trước. Bây giờ phụ nữ mà mặc những nhiêu khê ấy ra đường hẳn là Hà Nội vắng đi một nửa xe máy.

Người Hà Nội đông lên gấp mấy chục lần so với giữa thế kỷ trước nhưng thực ra hình như lại vắng đi rất nhiều. Bắt đầu là vắng đi tiếng còi tầm Nhà Hát Lớn làm người ta lãng quên gần như ngay lập tức hình ảnh những con sư tử đá có cánh uy nghi án ngữ trên nóc nhà. Tiếp đến là vắng đi hừng hực tiếng còi xe lửa đầu máy hơi nước ậm ạch từ ga Hàng Cỏ cắt ngang qua những con phố cũ Nguyễn Khuyến, Lê Duẩn, Nguyễn Thái Học, Điện Biên Phủ, Trần Phú, ngược cầu dẫn Phùng Hưng lên cầu Long Biên. Tiếng còi đầu máy hơi nước làm cho dân phố những đêm gió mùa tưởng tượng ra rất rõ vị trí và kích thước của thành phố mình đang sống. Tiếp nữa là vắng đi tiếng chuông leng keng tàu điện những sáng sớm rộn ràng đánh thức trong veo mặt nước Hồ Gươm. Cũng là lúc tiếng chuông xích lô ríu ran theo vòng bánh xe các bà các chị đi chợ sớm.

Chẳng biết thoang thoảng hương ngọc lan, móng rồng, dạ lan trong những biệt thự phố tây biến mất từ bao giờ. Thay vào đó là hình ảnh cơi nới chắp vá khốn khổ của những tòa nhà lở lói và mùi khói bếp than tổ ong nồng nặc như đi qua nhà máy điện Yên Phụ. Mùi hoa sữa vẫn còn phảng phất trên phố Nguyễn Du nhưng người đi đường đã hoàn toàn không còn thì giờ nhận biết. Hà Nội thiếu thời gian đến mức đã ra đường là phải phăm phăm mà đi cho đến nơi cần. Vắng được cảnh rồng rắn xếp hàng mậu dịch thì lại bị nhồi vào một chỗ xếp hàng vĩ đại hơn là những con đường tắc nghẽn. Đó là nơi vắng bặt nụ cười và chẳng quen ai.

Hà Nội đã từng có một thẩm mĩ kiến trúc đặc sắc với những ngói nâu tường trắng, cửa bức bàn và những chiếc đấu đầu hồi vuông vức chắc khỏe đầy chất tạo hình. Đó có lẽ cũng là chuẩn mực thẩm mĩ kiến trúc đầu tiên và duy nhất mang tính cộng đồng tự giác của đô thị. Người ta tự hào như nhau vì vẻ sang trọng đẹp đẽ tổng thể của nó. Bây giờ thật khó để thuyết phục một ai đó xây ngôi nhà của mình giống như nhà bên cạnh. Vắng đi những mặt phố êm đềm nhẫn nại nhún nhường và ngùn ngụt bày ra xanh đỏ sắc màu ngạo mạn hơn người trọc phú.

Vắng đi những người tinh tế khắt khe với ẩm thực, quà bánh dân dã thời tác phong công nghiệp được gói đựng bằng giấy ni lông buộc chun. Xôi lúa cũng thế mà xôi chè cũng vậy. Anh hàng bánh khúc rao đêm bằng loa pin váng cả óc nhưng bánh thì luôn được làm bằng lá su hào nhạt hoét. Nhớ đến nao lòng nắm rơm nếp vàng chói giắt cạnh thúng cốm đậy lá sen xanh ngắt năm nào. Hà Nội đang vắng đi một cái gì đó tựa như...Hà Nội?

Đ.P 

Ảnh: Tư liệu

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook