CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Giáo dục

HỌC PHIÊU LƯU - MẠO HIỂM

Chủ nhật ngày 8 tháng 6 năm 2014 12:00 AM

1. Cuối tháng ba khí hậu London rất dễ chịu, thời tiết bắt đầu dịch chuyển sang mùa hạ với những cơn mưa bất chợt. Từ London, chúng tôi đi tàu cao tốc đến Birminham để dự triển lãm thành tựu giáo dục Anh quốc (Educationshow 2014). Khu triển lãm rộng mênh mông mà đông đặc người và chật kín những gian hàng; trước hàng loạt các giới thiệu, thuyết trình, triển lãm hết sức đa dạng và phong phú về chương trình, sách giáo khoa, các tài liệu và thiết bị dạy học… tôi đặc biệt chú ý đến diễn dàn về giáo dục phiêu lưu-mạo hiểm cho học sinh trong nhà trường phổ thông (Adventure Learning for Schools). Hàng loạt câu hỏi hiện lên trong đầu tôi lúc ấy: Học phiêu lưu- mạo hiểm là học những gì và học như thế nào? Tại sao lại phải học về phiêu lưu-mạo hiểm? Học ở đâu và ai dạy ?.v.v… Đọc những tài liệu được phát và nghe giới thiệu, những câu hỏi trên dần dần sáng tỏ.

Ở nước Anh và nhiều nước phát triển, giáo dục không chỉ phó thác cho mình nhà trường. Rất nhiều tổ chức, cá nhân, xã hội đều chung tay góp sức và cùng chia sẻ sứ mệnh nặng nề mà vinh quang ấy. Một trong những hình thức giáo dục mới được rất nhiều học sinh tham gia là Trung tâm Widehorizon (tạm dịch: Chân trời rộng mở) được thành lập 2004 như là niềm hy vọng của giáo dục ngoài trời trong đó có dạy học phiêu lưu- mạo hiểm. Trung tâm này vốn là sáng kiến của các khu Greenwich và Lewisham thuộc thành phố London, sau mở rộng ra nhiều vùng khác.

Tầm nhìn hay sứ mạng của tổ chức này đơn giản là: “Chúng tôi tin rằng mỗi đứa trẻ đều có cơ hội trải nghiệm những tri thức về phiêu lưu-mạo hiểm như là một phần được giáo dục trong cuộc đời chúng.”[1] Tầm nhìn ấy bắt đầu từ một hiện thực mà họ cho là khó tin rằng: Hơn 50% trẻ con của nước Anh chưa bao giờ biết nông thôn, miền quê là gì; riêng London con số này là 35%. Cứ 10 đứa trẻ ở Thủ đô nước Anh thì có tới 4 em sống trong đói nghèo và luôn có nhu cầu được đến những địa điểm ngoài trời an toàn với giá thấp.

Việc rất nhiều trẻ em chưa biết nông thôn là gì cùng với sự giảm sút đáng kể cơ hội giáo dục thông qua các cuộc tổ chức thăm quan cho trẻ con ở các nhà trường phổ thông là nguyên nhân của sự lo lắng về tương lai của trẻ nhỏ, về quyền được kết nối với thiên nhiên giảm sút và vô số các lợi ích khác liên quan đến giáo dục ngoài trời. Những người sáng lập ra Chân trời rộng mở khẳng định: việc đi thăm các miền quê và trải nghiệm giáo dục ngoài trời là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển lành mạnh của trẻ và học tập về mạo hiểm là một chất xúc tác mạnh mẽ cho điều đó. Những khóa học và hoạt động mạo hiểm sẽ làm cho HS hứng thú, kích thích, vui vẻ, giúp cho trẻ cảm thấy dễ chịu và học tập tốt hơn.


Đoàn Bộ GD&ĐT Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ( giữa)

 

Hàng loạt các hoạt động ngoài trời cho tất cả các lứa tuổi học đường, từ tổ chức trải nghiệm thiên nhiên cho HS Tiểu học đến các hoạt động phiêu lưu, mạo hiểm cho HS thanh, thiếu niên. Nhiều hoạt động liên kết với các chủ đề của chương trình và phù hợp với mục đích, đối tượng học tập. Chẳng hạn, liên quan đến môn khoa học là việc quan sát: thú lớn và thú nhỏ; dầm mình xuống ao hồ; môi trường sống, vực đá, đầm lầy ( muối) siêu khí hậu… Liên quan đến môn Địa lý là các khái niệm bờ biển, sông ngòi, sự trái ngược của các hướng; địa mạo học…Liên quan đến môn nghệ thuật như làm báo, đồ gốm, môi trường nghệ thuật… Liên quan đến giáo dục thể chất là môn chạy định hướng, khám phá đường đua…Liên quan đến lịch sử như các triều đại Victory, WWII, khám phá của tôi…Liên quan đến thiết kế công nghệ là việc xây cất nhà cửa, những kĩ năng sinh tồn …Trong đó học phiêu lưu- mạo hiểm với các nội dung như:kayaking, bắn cung, leo dây thừng; xe đạp núi, leo trèo và cắm trại…


Cảnh bình yên trong Công viên Trung tâm London

 

Phiêu lưu, mạo hiểm đóng một vai trò quan trọng trong học tập và phát triển của con trẻ. Với một số người, phiêu lưu, mạo hiểm có thể trở thành một bí quyết học tập. Một HS tâm sự “ Học tập với cây bút và cuốn vở luôn là công việc nặng nhọc với tôi; nhưng tôi đã tìm thấy sự nhẹ nhàng trong học tập khi cùng một lúc liên hệ với những kinh nghiệm mạo hiểm và buồn cười” (Rob Jarvis)

Vai trò, tính hữu ích của các hoạt động ngoài trời và phiêu lưu- mạo hiểm đã được khẳng định rất rõ. Một nghiên cứu mới công bố chỉ ra rằng cần mở rộng các tri thức hữu ích cho trẻ em thông qua môi trường bên ngoài:“Các hoạt động học tập ngoài trời ví dụ như học ở vườn trường, công viên địa phương, thăm nông trại và các khu dân cư, sẽ làm cho các môn học chính giàu có thêm và giúp cho HS hứng thú học tập hơn.” Hussain Shefaar, một giáo viên dạy lớp 5 trường Tiểu học Cayley nhận xét: “Nhiều trẻ em đã vượt qua được những rào cản cá nhân và tất cả mọi HS đều tăng thêm lòng tự tin. Những kĩ năng làm việc nhóm của trẻ là rất tuyệt vời và điều đó đã mang lại cho các em cách nhìn quan trọng về sự trợ giúp bạn bè cùng trang lứa trong tất cả các hoạt động” Trong dạy học hiện đại, lớp học không thể là không gian sáng tạo cho tất cả mọi người; không gian cảm hứng thực sự chỉ có thể là môi trường tự nhiên với một số người; với một số khác có thể sử dụng phiêu lưu, mạo hiểm để bổ sung và mở rộng tri thức của họ.

Theo Chân trời rộng mở, những lợi ích của học tập phiêu lưu-mạo hiểm là xa rộng và lâu dài. Những kinh nghiệm trực tiếp là rất khó quên và là công cụ để phát triển sức khỏe cường tráng. Bởi vì những gì làm trực tiếp bằng tay bao giờ cũng là phương pháp học tập tốt nhất. Với hoạt động phiêu lưu, mạo hiểm, trẻ con là trung tâm và rất vui vẻ; do vậy chúng không thể quên được.

2. Từ triển lãm giáo dục nước Anh trở về Việt Nam, tôi cứ nghĩ mãi về hình thức giáo dục này. Bình thường, nói đến phiêu lưu- mạo hiểm là nói đến những hành động “có tính chất liều lĩnh, vội vàng, không tính toán kĩ trước khi làm, không lường đến hiệu quả nghiêm trọng có thể có”; “liều lĩnh khi làm một việc biết là có thể mang lại hậu quả rất tai hại” như Từ điển Tiếng Việt[2] đã nêu. Tuy nhiên, ở một phương diện khác, phiêu lưu- mạo hiểm có những điểm tích cực cần phải suy nghĩ, tận dụng và vận dụng phù hợp trong việc giáo dục tuổi trẻ học đường, tổ chức cho các em học cách phiêu lưu- mạo hiểm thông qua nhiều hình thức hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Còn nhớ những năm trước cách mạng tháng Tám cũng như trong kháng chiến chống Pháp, bài viết Chí mạo hiểm của Nguyễn Bá Học (1857-1921) đã được đưa vào nhiều sách giáo khoa trong nhà trường để giáo dục thanh thiếu niên cần có chí mạo hiểm. Cho đến sau này và hiện nay câu nói nổi tiếng trích từ bài văn ấy vẫn là đề tài cho các cuộc thi/ kỳ thi: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.”

Cái nhân hợp lý của lời khuyên cần có chí mạo hiểm, hay những điểm tích cực hàm chứa trong những hành động phiêu lưu là thái độ dám dấn thân, lòng dũng cảm đương đầu với các thử thách, hiểm nguy; dù biết đó là nghiệt ngã, dù biết có khi phải trả giá rất đắt, kể cả sinh mạng… Thời nào cũng vậy, làm việc gì cũng thế, tôi nghĩ trong nhiều trường hợp rất cần những hành động dám chấp nhận phiêu lưu- mạo hiểm, cũng là dám dấn thân. Triết lý dân gian “vào hang mới bắt được cọp”, “có chí làm quan, có gan làm giàu” cũng hàm ý ấy. Không phải ngẫu nhiên mà cố Tổng thống J. F. Kennedy (1917- 1963) rất thích hai câu thơ của Robert Frost (1874-1963) - nhà thơ Mỹ danh tiếng, người bốn lần đoạt giải Pulitzer :              

 "Trong rừng có nhiều lối đi

Và tôi chọn lối đi không có dấu chân người" .

Tuy nhiên, có một thực tiễn cần lưu ý: xã hội ngày càng phát triển, văn minh ngày một cao hơn thì con người, đặc biệt trẻ em những gia đình khá giả ngày càng được nuôi dưỡng một cách “công phu”,“cẩn trọng”với rất nhiều thiết bị hiện đại, hết sức tiện lợi, đủ đầy. Cái gì cũng đã có sẵn, không thiếu thứ gì cả… và vì vậy cũng chẳng cần vận động, tìm hiểu thêm từ cuộc sống làm gì; không cần nỗ lực của bản thân, lại càng cấm kị không được phiêu lưu- mạo hiểm. Ở cực đối lập, số trẻ em sinh ra trong đói nghèo, thiếu thốn, suốt ngày chỉ lo làm việc kiếm tiền để sống và tồn tại cái đã, nói gì đến chuyện du lịch, chơi bời, thử thách trong những cuộc phiêu lưu- mạo hiểm.

Cứ theo hiện trạng ấy và cộng thêm nhiều yếu tố khác nữa, nhà trường truyền thống thường gò bó học trò trong bốn bức trường và các hoạt động trong khuôn viên của nhà trường, chủ yếu là mảnh sân trường, thậm chí có trường không có cả sân chơi cho trẻ. Kết quả là, nhiều HS tiểu học ở thành phố không phân biệt nổi trâu và bò, ngan và ngỗng, sông và suối; nhiều em chưa bao giờ được ngắm một ánh trăng rằm…

Yêu cầu của dạy học hiện đại cho thấy, không gian học đường không thể bảo đảm hết các nhu cầu học tập theo nghĩa rộng - Học thông qua các trải nghiệm, gắn với cuộc sống thực. Đó là chưa nói tới một yêu cầu cao hơn là học sáng tạo. Từ xưa đến nay, rất nhiều ý tưởng mới mẻ, sáng tạo lại xuất hiện từ hoạt động trải nghiệm, từ sự va vấp, cọ sát, đối mặt với các tình huống có thực trong cuộc sống; và không ít sự sáng tạo lại là kết quả từ những hành động phiêu lưu- mạo hiểm…



[1] Tất cả các thông tin và trích dẫn trong phần 1 này đều từ http://www.widehorizons.org.uk

[2] Viện Ngôn ngữ học. 2000. Hoàng Phê ( chủ biên) – NXB Đà Nẵng

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook