Nghị quyết 29 của Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI) đã nêu rõ thế nào là đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục – đào tạo Việt Nam. Quan điểm ấy phải được quán triệt trong tất cả mọi vấn đề, mọi bước đi của công cuộc đổi mới, trong đó có việc phát triển chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) và biên soạn sách giáo khoa (SGK). Từ chương trình tổng thể (chung) đến chương trình các môn học và các hoạt động giáo dục.
Vấn đề đặt ra là: thế nào là đổi mới căn bản, toàn diện trong việc phát triển chương trình và SGK mới? Xin nêu lên một số suy nghĩ tổng quát sau đây:
1) Chương trình hiện hành và truyền thống nói chung được tiếp cận theo hướng nội dung, CT mới hướng tới cách tiếp cận theo năng lực.
CT tiếp cận nội dung là CT chú trọng dạy và học cái gì? Còn CT theo năng lực là CT nhằm vào trọng tâm câu hỏi: dạy và học thế nào? Học xong HS làm được gì? Vận dụng được những gì đã học?
Chính vì thế CT truyền thống chạy theo số lượng các tác giả, tác phẩm, các đơn vị ngôn ngữ tiếng Việt, các kiểu văn bản cần tạo lập cho thật đầy đủ; theo cách ấy dù có cố gắng bao nhiêu cũng vẫn không đủ được. CT phát triển năng lực không chạy theo số lượng mà chỉ lựa chọn những kiến thức cần thiết (tác giả, tác phẩm, đơn vị tiếng Việt các kiểu văn bản) tiêu biểu giúp cho việc hình thành và phát triển các năng lực chung cũng như một số năng lực chuyên biệt, đặc biệt là năng lực giao tiếp và năng lực tiếp nhận, cảm thụ cái đẹp.
CT truyền thống yêu cầu nhớ nhiều, biết nhiều; CT phát triển năng lực yêu cầu vận dụng được nhiều vào cuộc sống, làm được nhiều. Với CT truyền thống, khi học một tác phẩm cụ thể, HS chỉ biết nội dung và ý nghĩa của cụ thể của tác phẩm ấy mà phần nhiều do thầy cô và sách vở cung cấp. CT phát triển năng lực yêu cầu không chỉ biết nội dung và ý nghĩa của tác phẩm được học mà còn phải biết cách khám phá ra vẻ đẹp nội dung và ý nghĩa đó nữa. Không những thế, từ việc biết cách khám phá phải biết vận dụng để tự khám phá, tự tìm ra vẻ đẹp nội dung và ý nghĩa của những văn bản - tác phẩm tương tự .
2) Chương trình Ngữ văn hiện hành nêu lên 03 mục tiêu, trong đó mục tiêu đầu tiên là “cung cấp cho HS những kiến thức phổ thông, cơ bản, hiện đại, có tính hệ thống về ngôn ngữ ( trọng tâm là tiếng Việt) và văn học ( trong tâm là văn học Việt Nam), phù hợp với trình độ phát triển của lưa tuổi và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”[1]. Mục tiêu thứ hai là hình thành và phát triển năng lực sử dụng tiếng Việt, tiếp nhận văn học, cảm thụ thẩm mĩ…. Mục tiêu thứ ba là bồi dưỡng tinh thần, tinh cảm như tình yêu tiếng Việt, yêu thiên nhiên, gia đình, lòng tự hào dân tộc…
Có thể thấy rõ cấu trúc nội dung của mục tiêu môn học này gồm 3 yếu tố: kiến thức, năng lực ( kỹ năng) và thái độ. Đây chính là cấu trúc “kinh điển” của mục tiêu GD trong nhà trường PT từ trước đến nay. Tuy nhiên, so với yêu cầu và xu thế mới có thể thấy một số bất cập trong cách xác định mục tiêu trên.
Thứ nhất: việc cung cấp kiến thức được coi là mục tiêu số một cho thấy chương trình tập trung nhấn mạnh kiến thức chứ không phải kĩ năng, năng lực.
Thứ hai: các khái niệm “cơ bản, hiện đại” và nhất là “tính hệ thống về ngôn ngữ và văn học”đã tạo điều kiện cho các tác giả chương trình và sách giáo khoa nghiêng về trang bị các tri thức mang tính hàn lâm và xây xựng môn Ngữ văn trong nhà trường tương ứng với toàn bộ khoa học Ngữ văn. Kết quả là HS được học tất cả từ ngôn ngữ học, Việt ngữ học, lý luận văn học, lịch sử văn học…trong đó có một số kiến thức quá cao sâu chưa cần đối với HS phổ thông.
Mục tiêu môn Ngữ văn mới, cần điều chỉnh sự bất cập nêu trên, theo hướng:
- Đề cao mục tiêu hình thành và phát triển năng lực ngữ văn, mà trước hết là năng giao tiếp với việc sử dụng thành thạo 4 kỹ năng cơ bản: đọc, viết, nghe, nói. Sau đó mới là các kỹ năng/ năng lực khác…
- Việc lựa chọn kiến thức ( văn học, tiếng Việt…) tất nhiên cần cơ bản, hiện đại nhưng phải hướng tới phục vụ cho yêu cầu phát triển năng lực, tránh kinh viện, không thiết thực và không quá chú trọng tính hệ thống ( hệ thống lịch sử văn học, hệ thống ngôn ngữ…)
- Vừa chú ý mục tiêu GD theo yêu cầu của xã hội; vừa quan tâm đến nhu cầu, sở thích của cá nhân người học và người dạy để xác định nội dung chương trình học tập ( GV và HS mong đợi dạy và học những gì?)
3) Chương trình hiện hành được thiết kế cắt khúc theo 03 cấp: CT Tiếng Việt Tiểu học thực chất được khởi thảo từ 1995 dần dần hoàn chỉnh vào 2000, chính thức ban hành vào 2002 cùng với SGK lớp Một. CT Ngữ văn trung học cơ sở (THCS) khởi động vào 1998 hoàn thành vào 2000 công bố 2002 cùng với SGK lớp 6 và CT THPT bắt đầu xây dựng lại vào năm 2000, năm 2003-2004 thí điểm và 2005 chính thức dạy học trong toàn quốc. Các CT gối nhau, có tiếp thu xem xét lẫn nhau, nhưng hoàn toàn không được thiết kế ngay từ đầu như một chỉnh thể, xuyên suốt toàn bộ giai đoạn phổ thông. Kết quả là nhiều nội dung dạy học chồng chéo, giẫm đạp lên nhau; vừa thừa, vừa thiếu; hệ thống thuật ngữ khái niệm giữa các cấp/ các lớp không thống nhất.
CT mới sẽ khắc phục nhược điểm này. Sẽ thiết kế một CT thống nhất, xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 nối kết, liên thông với CT mầm non và CT sau THPT, tạo thành một chỉnh thể chương trình chặt chẽ, có hệ thống, khoa học và phát triển có trình tự…
4) CT truyền thống/ hiện hành chủ yếu là một văn bản liệt kê các danh mục nội dung cần dạy ( dạy cái gì?). Phần phụ cũng có nêu những gì cần đạt rất khái quát ( vài trang) cho cả giai đoạn/cấp học, không có chuẩn trước khi viết SGK Ngữ văn. Chuẩn kiến thức và kỹ năng của CT Ngữ văn chỉ được xây dựng trên cơ sở khi SGK Ngữ văn đã triển khai thí điểm xong (2006). Có nghĩa là lấy nội dung SGK đã có để làm ra chuẩn cho phù hợp với CT. Ngay cả CT cũng được hoàn chỉnh thêm rất nhiều sau khi biên soạn SGK.
CT mới phải được thay đổi cách làm và quy trình, khắc phục hạn chế của cách làm truyền thống và hội nhập với thông lệ quốc tế. Nghĩa là trước hết phải xây dựng CT (dạy cái gì) và ngay sau hoặc cùng với nó là xây dựng chuẩn CT (dạy đến đâu, mức độ? phạm vi nào?). Chuẩn mới cũng phải là chuẩn năng lực nhằm đo được kết quả phát triển năng lực của HS. Chuẩn phải trình bày được các trình độ phát triển tăng dần theo cấp /lớp/ lứa tuổi ở những tiêu chí kiểm soát được.
5) CT hiện hành do cách làm cắt khúc nên về cấu trúc chương trình thiếu một trục tích hợp thống nhất. Với Tiếng Việt tiểu học, nội dung học tập được tích hợp theo chủ đề/ đề tài Ví dụ: Lớp Hai ( tập 1) có các chủ đề : em là học sinh, bạn bè, trường học, thầy cô, ông bà, cha mẹ, anh em, bạn trong nhà. Các kiến thức và kĩ năng cần hình thành về tiếng Việt, văn học, làm văn đều xoay quanh chủ đề/đề tài đó. Lên THCS các nội dung dạy học được tổ chức theo kiểu văn bản. Sáu kiểu văn bản được tập trung là: miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh và hành chính -công vụ. Mỗi lớp học một vài kiểu văn bản và các lớp sau lặp lại có nâng cao ở một số kiểu văn bản của lớp trước. Các kiến thức và kĩ năng về tiếng Việt , làm văn và văn học được lồng ghép/ tích hợp vào các kiểu văn bản. Nhưng do vẫn ám ảnh và chịu sức ép của lịch sử văn học nên nhiều khi tích hợp không triệt để, nhiều bài còn gượng ép. Ðến THPT chương trình lại được cấu trúc tích hợp theo một tiêu chí khác, đó là cụm thể loại bám sát vào các giai đoạn lịch sử. Đến đây thì các nội dung làm văn và tiếng Việt bị “vỡ trận” khó tích hợp và do đó đành cài đặt các kiến thức và kĩ năng hai phân môn trên một cách hình thức vào phần đọc văn.
Nhìn một cách tổng thể, hạn chế ở đây chính là việc thiết kế theo kiểu cắt khúc; không xây dựng CT tổng thể ngay từ đầu và xuyên suốt các cấp/lớp vì thế thiếu một trục tích hợp và phân hoá thống nhất; làm cho CT rối, không có lớp lang, thiếu tính khoa học và sư phạm.
CT mới sẽ phải khắc phục hạn chế này. Việc xác định trục chính tích hợp và phân hoá sẽ theo thông lệ quốc tế . Xuất phát từ mục tiêu, vị trí và vai trò của môn học mà lựa chọn trục chính là gì. Khi CT theo định hướng phát triển năng lực thì trục chính của môn học này phần lớn các nước xác định là lấy các kỹ năng: đọc, nói, nghe, viết ( cũng có nước thêm kĩ năng quan sát và trình bày). Các kĩ năng này nhằm hình thành và phát triển năng lực giao tiếp- một năng lực chung thiết yếu (key competence) mà bất kỳ HS nào cũng phải có. Ngoài ra qua các kĩ năng cơ bản này mà hình thành và phát triển năng lực tiếp nhận, cảm thụ cái đẹp, năng lực sáng tạo ( đọc văn, viết bài văn )... Như thế từ lớp 1 đến lớp 12 chương trình sẽ bám sát vào một trục duy nhất là trục kỹ năng để hình thành và phát triển năng lực vừa nêu theo các mức độ khác nhau, phù hợp với trình độ và lứa tuổi của HS ở các cấp/lớp khác nhau.
6) CT hiện hành thực hiện phân hoá bằng cách đưa vào chương trình nâng cao một số văn bản mà chương trình cơ bản không học hoặc đọc thêm; đồng thời tăng thêm một lượng thời gian ( CT cơ bản 3 tiết /tuần, CT nâng cao 4 tiết /tuần) . Thực tế số lượng văn bản giữa hai CT khác nhau không đáng kể, thời lượng cũng không hơn bao nhiêu; điều đáng nói là cách thức biên soạn của 2 bộ SGK cũng chẳng khác nhau là bao… nghĩa là không có gì để phân biệt rõ sự phân hoá giữa 2 loại đối tượng; hệ quả là tính phân hoá rất thấp.
Chương trình mới cần thực hiện phân hoá theo hướng tự chọn. Tất cả các HS sẽ được học theo một mặt bằng với các yêu cầu chung, hướng tới mục tiêu chung. Việc phân hoá được thực hiện trên cả 2 hình thức: phân hoá trong mỗi bài học với các câu hỏi, bài tập khác nhau ở tất cả các lớp; người thầy giáo trong quá trình giảng dạy của mình phải có trình độ dạy học đáp ứng được cả ba loại đối tượng khá giỏi, trung bình và yếu trong một lớp. Bên cạnh đó thực hiện phân hoá bằng nội dung chương trình với các yêu cầu khác nhau. Bắt đầu từ cuối cấp 2 và đặc biệt bắt đầu vào THPT, HS sẽ được học chương trình phân hóa bằng các chuyên đề học tập mở rộng, chuyên sâu về các phần tiếng Việt, làm văn và văn học, nhằm đáp ứng nguyện vọng, xu hướng của cá nhân HS. Như vậy trên cơ sở khung chương trình cơ bản, HS có thể lựa chọn theo các thiên hướng tự nhiên hay xã hội tùy vào năng lực, sở trường của mình.
7) Chuẩn của CT hiện hành ngoài hạn chế đã nêu là làm sau, làm trên cơ sở nội dung của SGK thí điểm còn hạn chế ở chỗ rất chung chung, chẳng để làm gì và không thể là chỗ dựa cho việc biên soạn hay kiểm tra, đánh giá và chỉ đạo dạy học gì được cả. Bằng chứng là sau đó, Bộ GD &ĐT lại phải biên soạn tiếp Tài liệu Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học.
Chương trình mới cần xây dựng chuẩn cần đạt trước khi viết SGK. Những mức độ cần đạt đề ra trong chuẩn không phụ thuộc vào SGK mà căn cứ vào mục tiêu GDPT, mục tiêu cấp học và mục tiêu môn học. Chuẩn phải nêu được những yêu cầu cần đạt cụ thể để làm căn cứ cho:
- Việc biên soạn SGK, sách bài tập, sách hướng dẫn giáo viên
- Làm chỗ dựa cho việc chỉ đạo dạy học
- Làm căn cứ để kiểm tra đánh gía kết quả học tập của HS
Chuẩn chương trình mới phải là chuẩn để đo năng lực của người học, không phải là chuẩn kiến thức và kỹ năng như trong CT hiện hành. Vì thế cách thức và nội dung thể hiện chuẩn cũng phải khác. Một số nước chuẩn còn có các bài minh họa của HS cho các trình độ đạt được.
8) CT hiện hành cũng như CT truyền thống chủ yếu theo hướng tập trung hóa (tập quyền). Cả nước có một CT, một bộ SGK thống nhất các nội dung dạy và học. Tuy những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến trong quản lý và tổ chức thực hiện nhằm mềm hoá CT, vận dụng linh hoạt cho các vùng miền, thực hiện CT nhà trường ở một số địa phương… Nhưng nhìn chung chưa phải thay đổi căn bản và toàn diện. CT vẫn quá cứng, thiếu sự mềm dẻo và không phù hợp với các vùng miền, các đối tượng học tập khác nhau.
Chương trình mới sẽ thiết kế theo tinh thần phi tập trung hoá (phân quyền). Bộ GD&ĐT tập trung xây dựng CT và chuẩn quốc gia còn lại dành quyền tự chủ cho các địa phương và nhà trường phát triển CT sao cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình. Như thế đòi hỏi CT quốc gia không thể nêu chi tiết, chỉ là khung chương trình, nêu lên các nội dung lớn cần dạy và học. Căn cứ vào đó chuẩn sẽ cụ thể hoá thành các mức độ năng lực khác nhau cho các đối tượng cấp /lớp khác nhau. Các tác giả SGK và giáo viên có thể tự chọn những văn bản, tác phẩm cụ thể và tự phát triển các nội dung kĩ năng khác miễn là đạt được mục tiêu bài học, mục tiêu và chuẩn chương phần/ môn học.
9) Sách giáo khoa hiện hành có 02 bộ theo 02 chương trình cơ bản và nâng cao. Nhưng do tính phân hoá quá thấp như trên đã nêu, nên thực chất là vẫn chỉ có một bộ. Cách biên soạn chủ yếu vẫn không khác trước là mấy, vẫn là cách biên soạn cho việc giảng văn chưa chưa phải cho đọc hiểu văn bản, càng chưa phải cho hình thành và phát triển năng lực.
Với chương trình mới, SGK sẽ theo hướng mở. Trước hết là mở trong cách sử dụng, không bắt buộc HS và giáo viên phải theo tuyệt đối; có thể có nhiều bộ sách khác nhau và sử dụng nhiều nguồn tư liệu khác nhau về cùng một vấn đề/ đề tài. Nội dung và cấu trúc SGK Ngữ văn mới cũng cần phải khác hiện hành theo hướng tăng cường nêu vấn đề, nêu hiện tượng, cách tìm kiếm thông tin; gợi mở cách giải quyết vấn đề; yêu cầu HS làm, vận dụng thực hành để tự tìm ra kết luận và hình hành cách học. Cần kết hợp SGK với công nghệ thông tin truyền thông ( ICT) một cách phù hợp, có hiệu quả; giúp cho việc đổi mới phương pháp dạy và học.
10) Về phương pháp dạy học: Tư tưởng quan trọng của CT Ngữ văn sau 2000 là chuyển từ phương pháp giảng văn sang phương pháp đọc hiểu văn bản. Đó là một bước tiến trong phương pháp dạy học văn ở nhà trường phổ thông. Theo định hướng này, dạy văn thực chất là dạy cho học sinh cách thức khám phá, giải mã văn bản – tác phẩm, từ đó hình thành năng lực tự học, tự đọc, tự tiếp nhận văn học nói riêng và văn bản nói chung. Thông qua mục tiêu trực tiếp này, tức qua đọc hiểu mà giáo dục tư tưởng, tình cảm, giáo dục nhân cách cao đẹp cho HS.
Tuy nhiên tư tưởng và phương pháp đọc hiểu nhìn chung mới dừng lại ở nhận thức là chính. Trong thực tế dạy học tư tưởng vừa nêu chưa được hiện thực hóa một cách toàn diện, đồng bộ và hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân: một số tác giả chưa nắm vững và chưa thể hiện được tư tưởng này trong biên soạn SGK; công tác đào tạo, bồi dưỡng GV về phương pháp mới chưa cập nhật, kiểm tra đánh giá chưa đổi mới, chưa đồng bộ…
Chương trình mới đề cao việc hình thành và phát triển năng lực. Với môn Ngữ văn trước hết tập trung vào năng lực giao tiếp, sau đó mới là các năng lực khác. Như thế bên cạnh nhiệm vụ phát triển năng lực tạo lập văn bản cho HS- một nhiệm vụ mà CT truyền thống vẫn chú ý, môn Ngữ văn hiện hành có nhiệm vụ phát triển năng lực đọc văn, và rộng hơn là năng lực tiếp nhận văn bản. Nhiệm vụ này đòi hỏi thay đổi phương pháp dạy và học một cách mạnh mẽ. Có rất nhiều PPDH ( kể cả PP chung và PP đặc thù) nhưng dù vận dụng PPDH nào thì phải hướng đến mục tiêu phát triển năng lực; nghĩa là phải ưu tiên cho việc thực hành vận dụng, gắn các nội dung học tập với việc trải nghiệm của HS; đặt người học vào các tình huống của thực tiễn đời sống yêu cầu phát biểu suy nghĩ và đề xuất các giải pháp hành động…
11) Về kiểm tra đánh giá: Với chương trình Ngữ văn sau 2000, công tác kiểm tra đánh giá đã có những chuyển biến tích cực; chẳng hạn định hướng ra đề mở, tăng cường nghị luận xã hội, kết hợp hình thức tự luận với trắc nghiệm…Tuy nhiên việc kiểm tra đánh giá Ngữ văn hiện hành vẫn còn hạn chế. Hạn chế lớn nhất là chưa đánh gía đúng được sự vận dụng kiến thức một cách sáng tạo; đề thi Ngữ văn chủ yếu vẫn là kiểm tra kiến thức, trí nhớ, tái hiện, làm theo, chép lại…học tác phẩm nào thi đúng tác phẩm đó; chỉ được kiểm tra vào đúng những gì GV đã dạy, trừ một số đề về nghị luận xã hội.
Chương trình Ngữ văn mới cần thay đổi theo hướng: khuyến khích sự sáng tạo, khả năng vận dụng kiến thức đã học cả nội dung lẫn phương pháp để giải quyết một nhiệm vụ tương tự, trong một tình huống mới. Việc kiểm tra các nội dung cụ thể được thực hiện trong suốt quá trình học ( miệng, 15 phút, 1 tiết giữa kỳ…) nhưng đến những bài kiểm tra cuối cần kiểm tra sự vận dụng kiến thức ở nhiều bài, liên môn, nhiều lĩnh vực.
Hà Nội, tháng 2/2014- Đ.N.T
Tài liệu tham khảo
1) Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành TW8 ( khoá XI)
2) Chương trình GDPT môn Ngữ văn ( 2006)- NXB GD
3) Dự thảo Đề án Đổi mới CT và SGK GDPT những năm sau 2015
4) Đỗ Ngọc Thống ( 2011) – Chương trình Ngữ văn trong nhà trường phổ thông Việt Nam – NXB Giáo dục.
[1] Bộ GD và ĐT (2006), Chương trình GDPT- môn Ngữ văn- NXB GD .