CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Giáo dục

VẤN ĐỀ MỘT CHƯƠNG TRÌNH, NHIỀU BỘ SÁCH GIÁO KHOA

Thứ hai ngày 14 tháng 5 năm 2012 12:00 AM

1. Vấn đề một chương trình (CT) nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) đã được đặt ra từ lâu. Trong thực tế ở miền Nam trước giải phóng (1975) có rất nhiều bộ SGK khác nhau của cùng một CT, một lớp/cấp học. Sau 1975 CT cải cách giáo dục cấp PTTH, từ năm 1989 cũng đã thực hiện biên soạn hai bộ sách Văn và ba bộ sách Toán. Cho đến năm 2000, nhân phát biểu của một vị đại biểu Quốc hội, dư luận lại lên tiếng phê phán việc có hai, ba bộ SGK trong “một đất nước thống nhất”. Vừa hợp nhất hai bộ sách văn và ba bộ sách toán năm 2000 xong thì năm 2002 khi triển khai đổi mới CT giáo dục phổ thông theo nghị quyết 40 của Quốc Hội khóa X, lại tổ chức biên soạn 6 môn có hai bộ SGK. Dường như hai bộ vẫn chưa đủ, dư luận gần đây cho rằng cần có nhiều bộ SGK. Rất nhiều lí do được nêu lên: a) để “chống độc quyền”; b) để huy động được nhiều trí tuệ của đông đảo các tầng lớp trong xã hội, nhất là giáo viên ở các địa phương; c) và quan trọng hơn là sẽ khắc phục được những“băn khoăn”,“bất cập”mà lâu nay dư luận bức xúc, vì có ý kiến cho rằng:“trước nay chúng ta nêu lên nhiều băn khoăn, chỉ ra vô số bất cập của SGK chính là vì chúng ta chỉ có một bộ”[1]... Khoan hãy bàn đến chuyện nếu biên soạn nhiều bộ SGK thì liệu có hết được những “băn khoăn và vô số bất cập” về SGK hay không, bài viết này chỉ đề cập đến một số điều kiện quan trọng để có thể triển khai chủ trương một CT nhiều bộ SGK mà dư luận đang hết sức quan tâm.

Vấn đề một CT-  nhiều bộ SGK (nhất cương đa bản) là một chủ trương đúng. Trước hết vì nó phù hợp với bản chất và quy luật phát triển đa dạng của hiện thực đời sống; đó là xu thế của các nền giáo dục hiện đại, tiên tiến trong bối cảnh một thế giới bùng nổ thông tin, sự kết hợp đa phương tiện và thái độ tôn trọng sự đa dạng, khác biệt; sau đó mới là các lí do khác nữa trong điệu kiện cụ thể của Việt Nam, chẳng hạn:

a) Tránh được hiện tượng độc quyền trên nhiều bình diện: kinh doanh, phát hành, in ấn, biên soạn... Nhiều bộ SGK sẽ tạo ra được sự cạnh tranh ( tất nhiên sẽ có cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh không lành mạnh); sẽ huy động được trí tuệ của nhiều tầng lớp trong xã hội mà trước đây có thể do cơ chế hay cách tổ chức nào đó mà họ chưa có điều kiện tham gia. Sự cạnh tranh lành mạnh sẽ buộc người biên soạn làm việc có trách nhiệm hơn, cẩn trọng và chăm chút hơn đối với sản phẩm của chính mình.

b) Tạo ra nhiều nguồn thông tin đa dạng và phong phú, nhiều cách tiếp cận, nhiều phương pháp suy nghĩ, nhiều con đường đi đến chân lí...Xem một số bộ sách của nước ngoài có thể thấy cách thức biên soạn giữa các sách rất khác nhau. Cùng một vấn đề cuốn này chỉ nói vài câu, nhưng cuốn khác có thể nêu cả một đoạn dài, thậm chí hàng trang; cùng giới thiệu về một tác phẩm, cuốn A khai thác đoạn trích này, cuốn B có thể nêu đoạn trích, nội dung khác. Cùng một nhà văn nhưng mỗi sách học các tác phẩm cụ thể rất khác nhau...Thậm chí ở Mỹ, có quan điểm chỉ đưa vào học các tác phẩm “phức tạp”, có nhiều cách hiểu, có nhiều vấn đề đang tranh luận... để HS cùng tham gia phản bác, trao đổi, từ đó tự tìm cho mình một cách hiểu, một cách giải mã, tiếp nhận... Khác hẳn ở nước ta, một số người nhìn nhận SGK quá thô cứng, máy móc nên thường bắt bẻ một cách cơ học, quy kết thường vội vã... Hai bộ SGK chỉ mới khác nhau đôi chút là nhất định không chịu, cho là sai, và quy thành lỗi... Việc có nhiều bộ sách dần dần sẽ làm“bình thường hóa”cách nhìn nhận và đánh giá SGK.

c) Tạo ra nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng, chủ yếu là giáo viên (GV) và học sinh (HS), giống như ta vào ăn tự chọn ở một khách sạn lớn, tha hồ tìm món gì hợp với khẩu vị và sở thích của mình. Thực tiễn cuộc sống cũng đã thay đổi khác trước, dù không có nhiều SGK thì hiện nay GV và HS vẫn có thể tiếp cận vấn đề, giảng dạy và học tập từ những nguồn khác nhau của các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là từ internet. Chỉ khác ở chỗ nguồn trên mạng là dạng“hỗn tạp”, còn nếu được biên soạn thành SGK thì thông tin sẽ được chọn lọc và tổ chức có hệ thống theo một ý đồ sư phạm tốt hơn.

Như thế về quan điểm cá nhân, tôi hoàn toàn ủng hộ và tán thành xu hướng một CT- nhiều bộ SGK. Không phải bây giờ mà đã từ rất lâu rồi. Ít nhất là từ năm 2006, khi nghiên cứu về phát triển CT và tại liệu học tập ở Australia, tôi đã viết bài đăng trên Vietnamnet giới thiệu và phân tích tính linh hoạt của CT cũng như sự đa dạng của SGK và tài liệu giáo dục của Úc. Do công việc chuyên môn, tôi cũng được trực tiếp nghiên cứu CT và SGK của một số nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Sing-ga-po... thì thấy tất cả các nước này đều có nhiều bộ SGK.

Tuy nhiên cần phải nói ngay rằng, ở những nước có nhiều bộ SGK, cách xây dựng CT của họ khác với ta. Có nghĩa là một trong những điều kiện đầu tiên để triển khai chủ trương một CT- nhiều bộ sách là cần xem xét, điều chỉnh, thậm chí xây dựng lại CT giáo dục, nhất là CT các môn học.

Chương trình của Việt Nam từ sau 1975, kể cả CT xây dựng năm 2002 được Bộ trưởng Bộ GD và ĐT phê duyệt chính thức vào 2006, thực chất vẫn chỉ là CT để viết một bộ SGK. Trong những năm chống Mỹ và ngay cả giai đoạn cải cách GD trước 2000, CT chủ yếu chỉ là bản danh mục nêu lên các nội dung dạy học của từng môn và quy định đến từng bài, từng tiết học. Với CT môn Ngữ văn chẳng hạn, CT quy định đến tận văn bản tác phẩm và đoạn trích: dạy vấn đề gì, tác phẩm nào, trích đoạn nào, đọc thêm bài nào ?... Rất cụ thể, chi tiết, người viết sách hoàn toàn phải theo đúng như thế, không thể khác được. Đến CT 2002-2006 cách xây dựng CT các môn học có khác, nhưng quy định nội dung dạy học về cơ bản vẫn thế. Có nghĩa là vẫn buộc chặt người viết sách vào CT, làm thay người viết sách bằng những quy định quá cụ thể. Cách làm CT này như trên đã nói, chỉ là để cho một bộ SGK và rất “tiện lợi” cho việc quản lí của cơ quan chỉ đạo dạy học các cấp. Việc triển khai hai bộ SGK ở một số môn là yêu cầu xuất hiện sau khi đã làm CT, vì thế khi triển khai gặp rất nhiều lúng túng. Hệ quả là dù hai bộ SGK nhưng sự khác biệt là rất ít ỏi. Xem nhiều bài, nhiều chương của hai bộ sách Ngữ văn THPT, một câu hỏi tất yếu đặt ra: tổ chức biên soạn hai bộ như thế này để làm gì? Vì sự tồn tại của hai bộ sách theo cách làm như trên là rất ít ý nghĩa và gây cho xã hội nhiều băn khoăn thắc mắc về sự giống và khác nhau của hai bộ sách. Nguyên nhân chính không phải do các tác giả sách mà do quan niệm và cách tổ chức xây dựng CT. Bây giờ nếu theo hướng triển khai nhiều bộ trong khi CT vẫn giữ nguyên như thế thì làm thế nào mà có được nhiều bộ SGK đa dạng và đúng như mục tiêu, ý nghĩa của nó được. Trái lại sẽ rơi vào tình trạng “loạn SGK”. Nhiều bộ mà gần như giống nhau ( sáo sào, sao chép lại của nhau) thì nhiều để làm gì ? Có ích gì ? Như thế cần xem xét, điều chỉnh, thậm chí có phần, có môn phải làm lại CT theo tinh thần vừa cụ thể, vừa khái quát, vừa có phần cứng, vừa bảo đảm tính linh hoạt để làm chỗ dựa cơ bản cho việc ra đề thi và đánh giá kết quả học tập của học sinh. CT và Chuẩn CT hiện có là không thích hợp và sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận dụng để triển khai viết nhiều bộ sách cũng như kiểm tra, đánh giá .

2. Ý nghĩa cơ bản của việc biên soạn nhiều bộ SGK là nhằm nêu lên nhiều cách tiếp cận, nhiều con đường đến với chân lí, đa dạng hóa một đơn vị kiến thức cơ bản (chuẩn) bằng những nội dung cụ thể khác nhau. Theo tinh thần đó, CT chỉ nêu lên các đơn vị kiến thức và kĩ năng khái quát, cần đạt được ở từng chương, phần, lớp, cấp... Ví dụ với môn Ngữ văn, phần văn học, CT chỉ nên quy định các bộ phận văn học lớn cần học ( Văn học dân gian và văn học viết), sau đó là các thể loại (chẳng hạn văn học dân gian học các thể loại: truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn....). Sau thể loại là các đơn vị kiến thức và kĩ năng cần đạt được, ví dụ: sau khi học truyền thuyết, HS cần nắm được một số nội dung cơ bản và đặc điểm của truyền thuyết Việt Nam ( kiến thức); biết cách đọc-hiểu một truyền thuyết ( kỹ năng). CT chỉ như thế, dừng lại ở đó thôi hoặc cùng lắm là nêu các tác gia lớn cần học. Còn việc lựa chọn bao nhiêu truyện truyền thuyết, văn bản cụ thể nào, lấy ở đâu, cách khai thác nó như thế nào, cách biên soạn và trình bày cụ thể ra sao?... là công việc của người biên soạn SGK, tùy thuộc và mỗi tác giả/nhóm tác giả của mỗi bộ sách. Thậm chí CT của Pháp dành quyền chọn văn bản tác phẩm cần dạy cho từng giáo viên đứng lớp. Trong phần văn bản đọc (textes à lire) sau khi nêu cách tiếp cận thể loại (Approche des genres) ở phần Lựa chọn văn bản - tác phẩm (Choix de textes et d’œuvres), từ văn học thiếu nhi đến văn học trung đại... CT đều nêu rõ “việc lựa chọn giao cho GV” ( au choix du professeur). CT chỉ nêu ở phần phụ lục một danh sách các tác phẩm cổ điển và văn học thiếu nhi để GV tham khảo và lựa chọn[2].

Không phải chỉ ở Pháp mà CT môn học này của nhiều nước cũng được biên soạn theo tinh thần như thế. Đối với Việt Nam, Chương trình Phổ thông trung học 9 năm (biên soạn 1951) chỉ nêu rất khái quát; chẳng hạn đây là nội dung CT môn Quốc văn lớp 9[3]:


Giáo sư sẽ căn cứ vào các bài giảng văn để cung cấp cho HS những kiến thức cơ bản về văn học sử Việt Nam:

a) Căn cứ vào những câu tục ngữ, ca dao để nhận định về những đặc tính của văn chương bình dân về hai phương diện hình thức và nội dung.

b) Tóm tắt văn học sử Việt Nam trước truyện Kiều ( thành lập chữ Nôm, tóm tắt các truyện chính, nhắc qua thân thế các tác giả, nhận định về nội dung và ý thức phong kiến trong các tác phẩm, đề tài đại ý chung quanh trung, hiếu, tiết, nghĩa)

c) Truyện Kiều

d) Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ 19 đến đầu thế kỉ 20.”

Chương trình miền Nam, trước 1975 cũng đã xây dựng theo tinh thần vừa nêu. Đây là CT môn Quốc văn lớp Tám do Bộ Quốc gia Giáo dục ban hành kể từ niên khóa 1971-1972[4]:

 A. Giảng văn và văn học sử
I .- Văn thể: Thơ Đường luật
II.- Cổ văn (mỗi tuần 2 giờ): Trích giảng Lê Thánh Tôn, Nguyễn Bỉnh
      Khiêm, Bà huyện Thanh Quan, Lục Vân Tiên
III.- Kim văn (mỗi tuần 2 giờ):
1)     Một số bài về thể loại miêu tả, thuật sự có tính cách tế nhị, phức tạp.
2)     Văn nghị luận của Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bá Học, Phan Kế Bính và những bài trích trong các tạp chí văn chương, khoa học ( Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tri Tân, Thanh Nghị, Tao Đàn...)
B. Luận văn ( mỗi tuần 2 giờ)
I.- Thuật sự: (đề tài khó hơn, đòi hỏi sự sắp đặt tình tiết và biến chuyển động tác)
II.- Đơn từ, tờ trình, văn tự: (có tính cách thực tế)
III.- Nghị luận luân lí: (đề thông thường)
C. Trần thuyết
Ngoài phần tóm lược tác phẩm, bắt đầu tập cho HS cân nhắc giá trị của một tác phẩm (về văn chương, tâm lý, tư tưởng...) bằng cách đặt những câu hỏi hướng dẫn nghiên cứu thân thế và thời đại tác giả.

Rõ ràng nhìn vào hai CT Quốc văn vừa nêu trên, cho dù có những điểm không ổn, bất cập về nội dung và yêu cầu, nhưng cách xây dựng CT như thế mới có thể triển khai nhiều bộ SGK đúng với ý nghĩa của nó.

Ngoài ra cũng cần nói thêm, ngay cả khái niệm CT cũng không nên hiểu cứng nhắc. Nói là một CT, nhưng thực ra cần hiểu là một chuẩn CT thì đúng hơn. CT ở các nước phát triển được xây dựng theo hướng phi tập trung hóa. Có nghĩa là việc xây dựng CT được phân cấp, phân hóa rất khác nhau. Ví dụ như cách làm CT của Australia:

Dựa trên CT khung (framework curriculum) của Nhà nước liên bang, mỗi bang tự soạn ra CT học tập của bang mình (gọi là syllabus)[5] nhằm chi tiết hoá các định hướng và chuẩn của liên bang cho phù hợp với địa phương. Đến lượt mình, các nhà trường phổ thông ở các tiểu bang (quận, huyện) lại căn cứ vào CT của bang để cụ thể hoá tiếp tục cho phù hợp hơn nữa với địa phương của mình. CT này được gọi là CT làm việc (work program), có nơi gọi là CT nhà trường (school curriculum). Đây chính là CT thực học, chi tiết và cụ thể của mỗi nhà trường. CT làm việc này được các tiểu ban của địa phương và các tổ trưởng chuyên môn các trường soạn thảo, Hiệu trưởng nhà trường phê duyệt hàng năm. Như thế nội dung dạy học của mỗi trường có thể rất khác nhau, ngay trong một trường năm trước cũng khác năm sau; cơ quan giáo dục bang chỉ quản lý bằng chuẩn học tập của bang.

Điều đáng suy nghĩ nhất là tài liệu, cách thức tổ chức dạy học ở đây khá phong phú và mới mẻ. SGK có nhiều bộ khác nhau đã đành, nhưng quan trọng hơn: đó không phải là tài liệu học tập duy nhất. Hầu như tất cả mọi người từ lãnh đạo cơ quan quản lý giáo dục bang đến các cán bộ nghiên cứu đều trả lời thống nhất rằng SGK càng ngày càng ít quan trọng đi. Với họ, SGK chỉ là một trong các tài liệu học tập của GV và HS. Căn cứ vào yêu cầu cần đạt (chuẩn CT) GV cũng như HS có thể tham khảo và lấy từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau: các đĩa CD, DVD, radio, internet; các sách báo ngoài nhà trường... cùng với SGK để giảng dạy và học tập.

3. Việc chủ trương biên soạn nhiều bộ SGK còn liên quan đến nhiều vấn đề khác, cũng có nghĩa là phải có những điều kiện khác nữa. Không phải không có lí khi có ý kiến cho rằng, việc triển khai nhiều bộ SGK nếu không gắn với những thay đổi như chất lượng GV, cách thức quản lý, kiểm tra - đánh giá… thì SGK sẽ không đạt được kết quả tốt.  

Quả thật, việc có nhiều bộ SGK không hề đơn giản, không phải chỉ ở mối lo“sẽ loạn SGK”mà còn là mối lo về sự thiếu sự đồng bộ, thiếu những điều kiện cần thiết cho việc biên soạn và thực hiện nhiều bộ SGK. Ở đây chỉ xin nêu một vài vấn đề để thấy tính chất phức tạp của nhiều bộ sách và đó cũng là những điểm cần khắc phục khi muốn triển khai theo hướng này.

Thứ nhất: Về căn bản việc học hành ở nước ta vẫn chịu áp lực rất lớn của thi cử (điều này ở Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc... cũng đều thế cả), vì thế khi sử dụng nhiều bộ sách thì điều đầu tiên cần nghĩ đến là thực hiện kiểm tra, đánh giá như thế nào? Đề thi phải thay đổi ra sao để đáp ứng được sự đa dạng của nhiều bộ sách. Cách ra đề thi vẫn như cũ ( kể cả mấy năm gần đây) thì không thể thực hiện được hướng biên soạn một CT, nhiều bộ sách.

Thứ hai: Không chỉ chất lượng GV mà chất lượng của cán bộ quản lí các cấp cũng là một tồn tại lớn. Nhiều bộ sách sẽ có nhiều ý kiến, nhiều tình huống, nhiều kiến thức và kĩ năng cụ thể khác nhau; cách khai thác, trình bày cũng khác nhau...vì thế người thầy phải rất vững vàng (có năng lực thực sự) mới có thể đóng vai trò trọng tài, hướng dẫn HS cách học và những lưu ý cần thiết nhất. Cán bộ quản lí, chỉ đạo cũng phải rất có trình độ, công tâm, tôn trọng sự thật... thì mới ra được các quyết định đúng, chẳng hạn việc lựa chọn bộ sách nào? Chỉ đạo dạy học ra sao? (vì thực tế không thể và không nên cấm GV và HS sử dụng cùng một lúc nhiều bộ sách). Ngay việc thẩm định đánh giá để bản thảo nào được sử dụng của Hội đồng thẩm định Quốc gia (Bộ GD và ĐT) cũng đã vấn đề rất nan giải (nhất là với các môn khoa học xã hội)... Trong bối cảnh nước ta hiện nay, nếu không có những quy định chặt chẽ đều có thể xảy ra chuyện tiêu cực, khó tránh khỏi tình trạng nhiều khi bản thảo tốt, sách tốt hơn lại không được sử dụng.

Điểm cuối cùng cần nói là nếu cho biên soạn nhiều bộ SGK thì có trái với quy định của Luật giáo dục :“Bộ trưởng Bộ GD và ĐT… duyệt  SGK để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở GDPT”[6]. Bởi vì cho đến nay nhiều người vẫn hiểu thống nhấtduy nhất chỉ có một bộ SGK.

Thực tiễn nước ta cho thấy, một chủ trương dù rất đúng đắn nhưng nếu chưa đủ những điều kiện cơ bản, cần thiết; nếu tổ chức thực hiện nóng vội sẽ dẫn đến nhưng hậu quả khó khắc phục và không lường hết được.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, mặc dù có thể gặp rất nhiều sự phức tạp, khó khăn nếu triển khai ngay chủ trương một CT- nhiều bộ SGK, nhưng vẫn nên theo hướng này, miễn là có sự chuẩn bị thật tốt những điều kiện cần thiết nhất. Ban đầu có thể vấp những sai sót, nhưng sau đó dần dần sẽ trưởng thành. Còn nếu chờ cho thật đầy đủ các điều kiện mới tiến hành thì không biết đến bao giờ mới thực hiện được những ý tưởng tốt đẹp, cập nhật được với xu thế tiến bộ của thế giới; thậm chí không bao giờ làm được.

Đ.N.T - Hà Nội 21/04/2012

Tư liệu tham khảo:                                                     

1. Bộ GD và ĐT- (1951) - Chương trình Trung học phổ thông 9 năm
2. Bộ GD và ĐT- (1989) Chương trình môn Văn- tiếng Việt (THPT) và (2006) Chương trình Ngữ văn.
3. Trao "thẻ vào đời" cho sách giáo khoa – Vienamnet, 10-5-09
4. www. education.gouv.fr
5. Quốc văn lớp Tám – Vũ Quế Viên – Sài Gòn -1974
6. www.curriculum.edu.au 


[1] Trao "thẻ vào đời" cho sách giáo khoa – Vienamnet, 10-5-09

[2] www. education.gouv.fr

[3] Bộ GD(1951)- Chương trình Trung học trường phổ thông 9 năm– môn Quốc Văn

[4]  Quốc văn lớp Tám – Vũ Quế Viên – Sài Gòn -1974 ( trang 7)

[5] www.curriculum.edu.au

[6] Luật Giáo dục  Điều 29, mục 3.

Chia sẻ trên Facebook