CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Giáo dục

ĐỀ VĂN VÀ VIỆC RÈN LUYỆN NĂNG LỰC VIẾT SÁNG TẠO

Chủ nhật ngày 9 tháng 6 năm 2013 12:00 AM

Viết sáng tạo là một trong các yêu cầu của dạy học tạo lập văn bản ở các nước phát triển. Viết sáng tạo (creative writing) cũng như đọc sáng tạo (creative reading) nhằm góp phần hình thành cho học sinh (HS) năng lực chung là năng lực sáng tạo (creative competence), một năng lực cốt lõi rất cần cho HS khi phải đối mặt với những thách thức và sự thay đổi liên tục của cuộc sống hiện đại. Từ trước đến nay ở Việt Nam thường chú ý đến bài văn hay. Nhưng thế nào là hay thì phụ thuộc khá nhiều vào cách nghĩ, cách cảm - “cái gu” thưởng thức của từng cá nhân… thành ra nhiều khi đánh giá bài văn vẫn nặng về cảm tính, chủ quan. Yêu cầu viết sáng tạo rõ hơn. Đó là phải có cái mới, phải có yếu tố mới cho dù nhỏ: mới về ý tưởng (nội dung), mới về cách biểu đạt (hình thức). Tuy nhiên để có sáng tạo là rất khó, cần phải tập dần, yêu cầu sáng tạo dần, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao… Muốn HS viết sáng tạo cần chú ý đến cách ra đề văn. Các sách dạy viết và hướng dẫn ôn luyện làm văn của nhiều nước đều rất quan tâm đến việc ra đề sao cho vừa giúp HS có hướng viết, cách viết nhưng vẫn không làm mất đi yêu cầu sáng tạo. Khi kiểm tra, đánh giá, thi cử, đề văn thường theo định hướng: bên cạnh các câu hỏi trắc nghiệm về khả năng đọc hiểu văn bản, còn có yêu cầu viết tự luận. Chẳng hạn, đây là đề văn tự luận trong kỳ thi tốt nghiệp cấp THPT của bang California[1].

Đề thi năm 2006-2007:

Nếu bạn có thời gian một ngày với một nhân chứng lịch sử hoặc một nhân vật tưởng tượng, bạn định gặp ai? Bạn sẽ làm gì trong suốt ngày ấy? Bạn sẽ đi đâu và bạn sẽ nói những gì?

Viết một bài văn kể lại những nơi mà bạn và người ấy đã đi, những gì mà hai người đã làm. Cần sử dụng các chi tiết và chứng cứ để làm sáng tỏ.

Đề thi năm 2007-2008:

Tất cả nghệ thuật, kịch, vũ điệu và âm nhạc trong giáo dục nhà trường đều là chủ đề tranh luận quốc gia. Một số người tin rằng các đề tài này không cần thiết đối với HS; một số người khác lại cho rằng các chủ đề này không chỉ cần thiết mà còn là sự sống còn của một nền giáo dục đa dạng.

Viết một bài nghị luận giải thích các loại hình nghệ thuật nêu trên có quan trọng hay không đối với giáo dục phổ thông. Hãy nêu những lí do và bằng chứng làm sáng tỏ cho luận điểm của bạn.

Hoặc đây là cách ra đề văn của Australia trong kỳ thi đánh giá quốc gia về trình độ viết của học sinh năm 2009.

Chiếc hộp: "Hôm nay chúng ta sẽ viết một bài văn tự sự hoặc một truyện ngắn.

Tư tưởng câu chuyện của bạn nằm trong chiếc hộp này. Cái gì bên trong chiếc hộp? Tìm ra nó như thế nào? Nó có giá trị hay không? Có thể nó là một vật sống! Cũng có thể xuất hiện một bức thư hoặc một vật gì đó đang ẩn náu.

Cái gì sẽ xảy ra trong câu chuyện bạn kể nếu chiếc hộp được mở ra? "

Các đề văn vừa nêu trên của bang California cũng như của Australia không chỉ hấp dẫn trong việc nêu vấn đề, đặt ra bài toán; mà kèm theo đó là các gợi ý, hướng dẫn cần thiết để HS có thể viết được mà vẫn không hạn chế sự sáng tạo. Bên cạnh các đề văn theo hướng mở chỉ nêu đề tài cần thảo luận, SGK các nước cũng rất chú ý những đề văn có đầy đủ phần gợi mở và những lưu ý về cách viết. Chẳng hạn trước khi nêu đề thường có mục:

 Nhắc  nhở:

  • Viết bài văn theo yêu cầu ghi bên dưới.
  • Bạn hãy đặt tên cho bài viết nếu bạn thích, nhưng không bắt buộc
  • Bạn không sử dụng từ điển. Nếu bạn không biết viết (chính tả) một từ như thế nào, phát âm một từ sai thì hãy gắng làm tốt nhất những gì bạn có thể.
  • Bạn có thể dùng chữ in hoặc chữ viết thảo
  • Viết rõ ràng! Bất cứ sự tẩy xóa hoặc ghi dấu nào cũng cần sạch sẽ.

Sau đó nêu đề văn:

Trong thời gian học ở trường THPT, học sinh được học nhiều dấu mốc lịch sử, những dấu mốc vẫn còn ảnh hướng đối với cuộc sống hôm nay. Hãy suy nghĩ về một dấu mốc lịch sử nào đó mà bạn đã học và cho đó là quan trọng.

   Viết bài nghị luận về dấu mốc lịch sử mà bạn suy nghĩ. Trao đổi về tầm quan trọng của nó đối với cuộc sống ngày nay. Hãy làm sáng tỏ bằng các chi tiết và ví dụ cụ thể.

Sau đề văn có mục “Kiểm tra bài viết của bạn”: 

       Kiểm tra theo các điểm đưới đây để có bài viết tốt nhất:

  • Đọc kỹ đề một cách cẩn thận
  • Tổ chức bài viết với mở bài, thân bài và kết luận thật ấn tượng
  • Sử dụng các chi tiết và ví dụ toàn diện để làm sáng tỏ ý kiến của mình
  • Sử dụng các từ ngữ phù hợp với người đọc và mục đích bài viết
  • Sử dụng nhiều loại câu khác nhau để hấp dẫn người đọc
  • Kiểm tra các lỗi về ngữ pháp, chính tả, dấu câu, viết hoa và mẫu câu.


Cách ra đề và hướng dẫn này rất phổ biến ở một số SGK dạy và rèn luyện cho HS kỹ năng viết. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu cách ra đề của một bộ SGK Văn học của Hoa Kỳ để GV có thêm tư liệu tham khảo.

 

                Hệ thống đề văn trong một bộ SGK văn học của Hoa Kỳ

SGK Văn học[1] của Hoa Kỳ được biên soạn tích hợp cao. Cả ba phần văn học, ngôn ngữ làm văn trong một cuốn. Phần trích dẫn dưới đây chủ yếu tập trung vào phần hướng dẫn viết bài văn ( làm văn) theo các dạng khác nhau. Ở mỗi dạng đều có hai hình thức:

- Viết dựa vào tư liệu văn học  (Writing from Literature); trong phần sau gọi tắt là Đề văn học ( Đề VH)

- Viết dựa vào hiện thực cuộc sống (Writing from the Real World), gọi tắt là Đề hiện thực (Đề HT)

Sau mỗi đề văn luyện tập, sách đều có gợi ý ngắn gọn để HS có hướng suy nghĩ, viết bài (chúng tôi gọi ngắn gọn là gợi ý)

Hệ thống đề cho lớp X

Nghị luận giải thích

a) Đề VH: Hãy viết một bài luận giải thích, làm sáng tỏ và giúp người đọc tìm thấy ý nghĩa mới của một tác phẩm văn học.

Gợi ý:

• Xung đột trong “Harrison Bergeron” đã giúp tác giả có được thông điệp xuyên suốt tác phẩm như thế nào?

• Khung cảnh và tâm trạng trong “Khám phá cho mùa hè” có ảnh hưởng như thế nào tới ý nghĩa của truyện ngắn này? 

b) Đề HT: Chọn một  câu chuyện đáng nhớ từ bộ phim hoặc cuốn sách mà bạn đã xem, đã đọc gần đây. Viết một bài luận tóm tắt ngắn gọn về câu chuyện đó và chỉ ra ý nghĩa hoặc thông điệp sâu rộng trong đó.   

Gợi ý:

• Những bội phim có các nhân vật mạnh mẽ như Người thợ xây trên cao hoặc Cưỡi cá voi . 

• Trình diễn trên truyền hình cần sử dụng một không gian riêng như phòng xử án hoặc một bệnh viện

Chuyện kể tự thuật

a) Đề VH: Chọn một truyện bạn đã đọc trong năm nay. Tìm một sự kiện thú vị trong truyện và viết bài văn tự thuật về sự kiện này theo quan điểm của một nhân vật trong đó. Bài tự thuật của bạn cần chỉ ra tại sao sự kiện này lại có ý nghĩa đối với nhân vật (người kể)

Gợi ý

• Lý lẽ về chăn màn trong “Vật sử dụng hàng ngày

• Johnny đang hỏi khi Mattie ở ngoài trong tác phẩm “ Shoofly Pie

b) Đề HT: Hãy viết một câu chuyện tự kể về một kinh nghiệm quan trọng mà bạn đã trải qua. 

Gợi ý

• Một sự kiện buồn cười, kinh hoàng hoặc buồn bã trong tuổi thơ của bạn.

• Một thời điểm quyết định trong cuộc đời bạn

• Một thành công hay thất bại khiến bạn nhớ mãi

Nghị luận so sánh- đối chiếu

a) Đề VH: Viết một bài luận so sánh hoặc đối chiếu hai tác phẩm văn học. Tập trung vào những yếu tố chính của văn học như đề tài, không gian, nhân vật; và giải thích tác động của các yếu tố đó như thế nào đối với ý nghĩa của tác phẩm. Từ bài viết của anh (chị) bạn đọc có thể hiểu thêm những điều mới mẻ về tác phẩm. 

Gợi ý:

• Tác phẩm “ Hai người bạn” và “ Khi nào ông Pirzada tới Dine

• “Cranes” và “Hai người bạn

b) Đề HT: Viết một bài luận so sánh hai sản phẩm sáng tạo mà bạn thấy thật tuyệt vời. Chọn các yếu tố chính của sản phẩm đó để làm cơ sở so sánh. Hãy suy nghĩ về không gian, nhân vật, thời gian hoặc đề tài như là các trọng điểm cần so sánh.

Gợi ý:

• Hai tình huống hài kịch trên truyền hình

• Hai hành động mạo hiểm trong phim

•  Hai bài hát

Nghị luận về nguyên nhân và kết quả

a) Đề VH:  Viết một bài luận nêu rõ mối quan hệ nhân- quả trong một tác phẩm hư cấu hoặc không hư cấu.

Gợi ý:

• Nguyên nhân và kết quả của bi kịch “ Vụ nổ: những gì sẽ nát vụn ở ngọn núi nhà Vua nổi giận”

b) Đề HT: Viết bài nghị luận trong đó giải thích về một mối quan hệ nhân - quả mà anh (chị) thấy thú vị và quan trọng.   

Gợi ý:

• Về một thành tích của bạn, chẳng hạn thắng trong cuộc chơi Game hoặc thành công trong một vai diễn kịch ở lớp 

• Một hiện tượng khoa học, chẳng hạn nhật thực hoặc sao chổi

• Một sự kiện lịch sử, chẳng hạn cách mạng Pháp hoặc sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929

Phân tích văn học

a) Đề VH: Chọn một hoặc nhiều bài thơ và viết bài luận phân tích ý nghĩa của chúng.

Gợi ý:

• Hình ảnh trong bài “Sonet 18

• Chủ đề trong bài “Tối nay tôi có thể viết…” và trong một bài Ballad[2]

•  Biểu trưng và hình ảnh trong bài “Con cá

b) Đề HT: Viết một bài luận về một web site âm nhạc, trong đó hãy phân tích tính trữ tình của một bài hát cụ thể. Cho ví dụ để giúp người đọc hiểu tại sao tính trữ tình lại quan trọng với bạn. 

Gợi ý: Có thể từ các trang về : country; rock or pop; rap or hip-hop; blues

Phê bình – điểm báo

a) Đề VH: Viết một bài phê bình một tác phẩm văn học. Suy nghĩ xem tác giả đã sử dụng các yếu tố phong cách (Ví dụ như việc lựa chọn từ ngữ, ngôn ngữ biểu trưng, ẩn dụ, hình ảnh, thức điệu hoặc chủ đề…) tác động đến sự cảm nhận của anh (chị) như thế nào? Bài viết có thể xuất phát từ quan điểm của bản thân về tác phẩm, giải thích tiêu chí mà anh (chị) sử dụng để đánh giá, nhận xét và cho biết có thể chia sẻ với người khác được không. 

Gợi ý:

• Sự lựa chọn chủ đề và từ ngữ trong tác phẩm “Mảnh vỡ của viên hồng ngọc

• Hình ảnh và âm hưởng trong tác phẩm “Giống cây Bulô

b) Đề HT:  Viết một bài phê bình về một truyện ngắn mà anh (chị) đã xem, đã đọc. Bài viết có thể xuất phát từ quan điểm của bản thân về tác phẩm, giải thích tiêu chí mà anh (chị) sử dụng để đánh giá, nhận xét và cho biết có thể chia sẻ với người khác được không.

Gợi ý:

• Một bộ phim hoặc một tư liệu mà anh(chị) có thể nêu lên một cách hiểu sâu sắc về một vấn đề đặc sắc.

• Một vở kịch hoặc một chương trình truyền hình đã làm thay đổi cách nhìn nhận của anh (chị) về thế giới.

Bài luận thông tin và phỏng vấn

a) Đề VH: Chọn một sự kiện mà anh chị biết. Tìm một ai đó có tham gia sự kiện này. Phỏng vấn người đó và viết bài luận thông tin dựa trên cơ sở  cuộc phỏng vấn và tư liệu đã đọc. Bài viết có thể nêu ngắn gọn về sự kiện, tên của người được phỏng vấn và giải thích sự phản ứng của người đó với sự kiện này.

Gợi ý:

• Về cuộc mưu sát Tiến sĩ  Dr. Martin Luther King Jr. (Trong bài “ Tụng ca về Dr. Martin Luther King Jr.”)

• Một truyện ngắn của người nhập cư ( truyện “Người khổng lồ mới”)

b) Đề HT: Chọn một thời kỳ lịch sử hoặc một sự kiện hấp dẫn với anh (chị). Phỏng vấn một ai đó đã sống và chứng kiến sự kiện này. Viết bài luận thông tin về người đã được phỏng vấn và giải thích mình đã học hỏi được gì từ người này.

Gợi ý:

• Cuộc sống trong suốt thời chiến tranh

• Một trận cuồng phong hoặc một thảm họa khác

• Văn hóa đại chúng những năm 1950s, 1960s, 1970s, or 1980s

Nghị luận thuyết phục

a) Đề VH: Chọn một tư tưởng sâu sắc mà bạn đã bắt gặp khi học chương này. Viết bài luận thuyết phục người khác ủng hộ cho tư tưởng đó. Bàn về nội dung văn học nhưng cần bảo đảm đã liên hệ với một vấn đề của hiện thực cuộc sống hôm nay.

Gợi ý :

• Tác phẩm Ăng-ti-gôn (Antigone- Có phải chính quyền luôn luôn đúng?)

• Cái chết của vua Arthur ( Ý nghĩa của lòng trung thành là gì?)

• Đông ki xốt  (Cuộc giao chiến vì lí tưởng có đáng không?)

b) Đề HT: Văn học trong chương này thường liên quan đến các vấn đề phổ quát như danh dự, lòng trung thành và sự phục vụ người khác. Những tư tưởng đó có mối quan hệ như thế nào với các vấn đề tồn tại ngày nay. Chọn một vấn đề mà anh (chị) cho là có ấn tượng mạnh và viết bài luận nhằm thuyết phục bạn đọc đồng ý với mình.

Gợi ý:

• Giúp đỡ những người vô gia cư

• Đi bầu cử

• Phục vụ Tổ quốc

• Ngăn chặn người khác bằng những trò lừa đảo

So sánh một vở kịch và bộ phim

a) Đề VH: Viết bài luận so sánh một màn từ bộ phim phóng tác vở “Julius Caesar” với chính màn này trong kịch của Shakespeare.

Gợi ý: Màn có thể so sánh

• Hồi 2, cảnh 2

• Hồi 3 cảnh 1

• Hồi 3, cảnh 2

b) Đề HT:  Chọn một truyện ngắn, truyện vừa hoặc một vở kịch mà bạn đã đọc và cảm thấy thích thú; hãy chuyển thể thành bộ phim. Viết bài so sánh tác phẩm văn học với bộ phim đã chuyển thể từ nó trên một trang web site điện ảnh.

Gợi ý:  có thể chọn truyện “Một tiếng sấm rền vang hoặc “ Tôi, người máy”

 

Hệ thống đề lớp XI

Nghị luận thuyết phục

a) Đề VH:  Chọn một vấn đề trong chương 1 mà bạn cho là có tác động mạnh mẽ. Viết bài luận thuyết phục giải thích vấn đề ấy và liên hệ với một tác phẩm văn học có đặt ra vấn đề này.

Gợi ý:

•  Phát biểu của Patrick Henry tại hội nghị ở Virginia  (Cái giá của tự do là gì?)

•  Những câu cách ngôn của Benjamin Franklin ( Có phải tính trung thực luôn luôn là một chính sách tốt nhất ?)

• Tác phẩm Con đường đến núi mưa ( Có thể dừng sự áp bức lại như thế nào?)

b) Đề HT:  Đôi khi có những vấn nạn tác động vào bạn một cách mạnh mẽ và bạn muốn thuyết phục người khác hành động chống lại. Viết một bài luận thuyết phục về một vấn nạn mà bạn thấy quan trọng. 

Gợi ý :

• Một vấn đề chính trị ở địa phương, chẳng hạn lệnh giới nghiêm

• Vấn đề môi trường và công bằng xã hội

•  Tự do và trách nhiệm của thông tin đại chúng ( media)

Trình bày suy nghĩ ( Reflective Essay )

a) Đề VH: Chọn một đoạn trích từ tác phẩm văn học trong chương này. Viết bài luận nêu suy nghĩ về mối liên hệ giữa đoạn trích với các sự kiện trong cuộc đời bạn. Bài viết có thể lí giải tại sao sự kiện ấy quan trọng với bạn và giải thích bạn có đồng ý hay không đồng ý với tác giả.

Gợi ý:

 “Dù tôi có thể được giúp đỡ và giới thiệu bởi người khác, tôi vẫn phải dựa vào chính mình như một người bạn thủy chung” ( Người phụ nữ trong thế kỉ XIX )

b) Đề HT: Viết bài luận nêu suy nghĩ của bạn về kinh nghiệm đã dạy bạn một bài học quan trọng. Kể cả việc giúp người đọc hiểu về những con người và các sự kiện mà bạn đã viết. Giải thích kinh nghiệm ấy đã làm thay đổi bạn như thế nào?

Gợi ý:

• Một chiến thắng hoặc thất bại trong thi đấu

• Một tai nạn có tác động mạnh đến bạn, ví dụ như hành động giết người ngẫu nhiên (ngộ sát) hoặc một cuộc xung đột.


Viết tiểu sử

a) Đề VH: Viết về một người nào đó, người đã mang lại cho anh (chị) nhận thức sâu sắc từ ý nghĩa cuộc đời của người ấy. Có thể nghiên cứu viết tiểu sử một nhà văn trong chương này, người có cuộc đời gây cảm hứng hoặc sự hấp dẫn cho anh (chị)  

Gợi ý:

Có thể chọn các nhà văn: Frederick Douglass; Abraham Lincoln;  Sojourner Truth; Mary Chesnut

b) Đề HT:  Viết một tiểu sử kể về một con người mà bạn tin rằng người ấy quan trọng và có ảnh hưởng to lớn. Kể cả các giai thoại và các chi tiết giúp người đọc hình dung được rõ ràng người ấy. Hãy làm cho bạn đọc hiểu rằng tại sao người ấy lại quan trọng với bạn.

Gợi ý

• Một người bạn - người đã dạy cho anh (chị) một điều gì đó rất quan trọng.

• Một giáo viên – người đã làm thay đổi đời anh (chị)

Phân tích văn học

a) Đề VH: Phân tích một tác phẩm văn học có thể giúp bạn hiểu sâu sắc tác phẩm này hơn. Viết một bài luận tập trung vào một hoặc nhiều yếu tố văn học, chẳng hạn bối cảnh không gian, nhân vật hoặc chi tiết cốt truyện của một tác phẩm hư cấu. Giải thích một yếu tố hoặc các yếu tố này góp phần tạo nghĩa cho tác phẩm như thế nào.

Gợi ý:

• Chủ đề trong tác phẩm Chiếc thuyền bỏ ngỏ;

• Khung cảnh trong tác phẩm Quy luật cuộc đời   

• Sự hài hước trong tác phẩm “The Outcasts of Poker Flat

b) Đề HT: Chọn một câu chuyện mà bạn đã đọc, đã xem và không thể dừng suy nghĩ. Viết một bài luận tóm tắt ngắn gọn về truyện ngắn đó và chỉ ra ý nghĩa của nó. Trọng tâm hướng vào các yếu tố đặc sắc đã tạo nên ý nghĩa và ấn tượng của tác phẩm này.

Gợi ý:

• Một chương trình truyền hình có tình huống hồi hộp hoặc xung đột dữ dội

• Các bộ phim có những nhân vật mạnh mẽ.

•  Truyện phiêu lưu hư cấu hoặc có thực in trong một tạp chí đã xuất bản.

Nghị luận so sánh - đối chiếu

a) Đề VH: Viết một bài luận so sánh và đối chiếu hai bài thơ. Bài viết cần tập trung vào các phương diện chính của bài thơ như chủ đề, phong cách, sự lựa chọn từ ngữ; để giúp bạn đọc thấy được sự sâu sắc trong các bài thơ ấy.  

Gợi ý: có thể so sánh các bài:

• “The Negro Speaks of Rivers” and “I, Too”

• “ Any Human to Another” and “A Black Man Talks of Reaping”

• “Richard Cory” and “Lucinda Matlock”

b) Đề HT:  So sánh và đối chiếu hai sản phẩm sáng tạo mà bạn thực sự thích thú. Chọn những phương diện chính của sản phẩm như là cơ sở để so sánh. Ví dụ cần tập trung vào dáng hình, nét đặc sắc, chủ đề, hoặc niên đại thời gian. Bài luận cần mang lại nhận thức mới trong các sản phẩm ấy.  

Gợi ý:

• Hai chương trình thám hiểm trên truyền hình

• Hai bức họa hoặc hai mảnh điêu khắc

• Hai hành động mạo hiểm trên phim

Luận về tình huống và giải pháp

a) Đề VH: Có thể bạn đã đọc trong chương này một điều gì đó và nó làm bạn suy nghĩ về một vấn đề ở một phương diện mới. Hãy chọn vấn đề mà bạn tìm thấy trong một tác phẩm văn học. Viết bài luận giới thiệu và xác định một giải pháp có thể cho vấn đề đó.

Gợi ý:

• Vấn đề tiếng mẹ đẻ ( xung đột văn hóa )

•  Thời thanh niên- III (đang trưởng thành)

b) HT: Những vấn nạn ở học đường, trong cộng đồng và trong thế giới rộng lớn này là khó tránh khỏi. Hãy chọn một vấn nạn mà bạn quan tâm sâu sắc và viết bài luận chỉ rõ vấn đề, phân tích nguyên nhân và nêu các giải pháp có thể.          

Gợi ý:

• Vấn nạn xã hội như tình trạng vô gia cư; những định kiến xã hội

• Vấn đề môi trường như sử dụng năng lượng hoặc khu vực đầm lầy bị hủy diệt

Bài nghiên cứu

a) Đề VH:  Phát triển câu hỏi về một bộ phận văn học mà bạn đã đọc. Viết một bài nghiên cứu chứng minh cho kết luận mà bạn nắm được về chủ đề ấy. Giới thiệu thông tin  từ ít nhất 6 nguồn như ý tưởng và cách hiểu của bạn.

Gợi ý: có thể sử dụng các nguồn như

• Chiếc nồi nấu kim loại  • Tấm huy hiệu đỏ của lòng dũng cảm

Chữ A màu đỏ  Gatsby vĩ đại

b) Đề HT: Viết bài nghiên cứu điều tra một sự kiện hoặc một tư tưởng từ lịch sử. Bài nghiên cứu của bạn cần giới thiệu và làm sáng tỏ thông tin từ ít nhất 6 nguồn  tư liệu.

Gợi ý: có thể chọn sự kiện hoặc tư tưởng sau

• Sự tái diễn một thành công hoặc thất bại ?

• Sự truyên truyền đã dẫn dắt Hoa Kỳ trong Đại chiến thế giới thứ nhất ?

 

Hệ thống đề lớp XII

Nghị luận so sánh và đối chiếu

a) Đề VH: Viết một bài luận so sánh hoặc đối chiếu hai tác phẩm văn học. Tập trung vào các yếu tố văn học chính như chủ đề, bối cảnh không gian, hoặc nhân vật và giải thích hiệu quả của các yếu tố đó như thế nào đối với toàn thể ý nghĩa của tác phẩm. Bài luận của bạn cần giúp người đọc tăng thêm sư hiểu biết mới về tác phẩm ấy.

Gợi ý:

Ngài Gawain và hiệp sĩ xanh với tác phẩm Cái chết của Arthur

•  Người vợ của LamentLá thư Paston

b) HT: Viết bài luận so sánh hai công trình sáng tạo mà bạn  thích thú. Những yếu tố chính của công trình là cơ sở so sánh. Bài viết cần giúp người đọc thấy cái mới sâu sắc trong công trình ấy.

Gợi ý:

• Chân dung được vẽ bởi hai phong cách nghệ sĩ khác nhau

• Kiểu mẫu nhà chung cư trong các phong cách kiến trúc khác nhau.

• Những bài  hát tình yêu với hai phong cách âm nhạc khác nhau

Nguyên nhân và kết qủa

a) Đề VH: Tác phẩm văn học thường là có đầy đủ nguyên nhân và kết quả. Hãy viết bài luận chỉ ra mối quan hệ nhân- quả trong một tác phẩm văn học.

Gợi ý:

• Hệ quả của tình yêu trong bài “Sonnet 29

• Kết quả của việc học tập trong tác phẩm Về sự học hành

• Hệ quả của việc kết hôn hoặc sống độc thân trong tác phẩm “ Cuộc sống hôn nhân và độc thân

• Hệ quả của lòng tham vọng trong tác phẩm Macbeth ( kịch của Sếcxpia)

b) Đề HT: Viết bài luận về mối quan hệ nguyên nhân và kết quả  mà bạn cho là quan trọng và thú vị. Bài viết có thể nêu nhiều nguyên nhân dẫn đến một kết quả như thế nào hoặc một nguyên nhân dẫn đến nhiều kết quả ra sao.

Gợi ý:

• Một sự kiện trong cuộc đời bạn, như kinh nghiệm cá nhân hoặc một thành tích đầy ý nghĩa.

• Một đạo luật mới dẫn đến một vài sự kiện hoặc nhiều sự kiện

• Một sự kiện lịch sử như sự thay đổi trong tư tưởng hoặc nghệ thuật đã chiếm lĩnh vị trí trong suốt thời kỳ Phục hưng

Nghị luận thuyết phục

a) Đề VH:  Chọn một tư tưởng từ chương 3 mà bạn cảm thấy có ấn tượng. Viết bài luận thuyết phục người khác đồng ý với bạn.  

Gợi ý:

• Quyền phụ nữ trong tác phẩm Một sự xác minh về quyền phụ nữ

• Bản chất của lòng tốt và cái xấu xa trong tác phẩm Candide ( tác phẩm của nhà văn Pháp Voltaire)

• Bất công xã hội trong tác phẩm “ Lời đề nghị nhã nhặn

b) Đề HT:  Bạn được thông báo về một sự bất công và muốn trừng trị hoặc muốn thay đổi luật. Hãy chọn một vấn nạn mà bạn cảm thấy rõ nhất viết bài luận thể hiện ý kiến của mình.

Gợi ý:

• Một vấn đề chính trị nơi bạn ở như cách xử lý tình trạng vô gia cư, ô nhiễm hoặc tiền thuế 

• Một tranh luận quốc gia hoặc quốc tế ví dụ sự đối xử với người tị nạn

• Chính sách nhà trường như sự thay đổi chương trình  hoặc sự lắp đặt máy dò sóng thép.

Trình bày suy nghĩ ( Reflective Essay)

a) Đề VH:  Chọn một đoạn trích từ bài thơ trong chương này, viết bài luận suy ngẫm về mối liên hệ giữa cuộc đời bạn với trích đoạn. Bạn có đồng ý với người nói trong bài thơ không và lí giải tại sao sự kiện đó lại quan trọng với bạn. 

Gợi ý : Có thể chọn trích đoạn trong các tác phẩm sau:

•  Nêu ba trích đoạn trong ba tác phẩm của Robert Burns; John Keats; và Percy Bysshe Shelley

b) Đề HT: Suy ngẫm về một kinh nghiệm, ở đó bạn có được một bài học quan trọng. Viết bài luận nêu kinh nghiệm này và chỉ ra nó đã làm bạn thay đổi như thế nào. Bao gồm cả những chi tiết giúp bạn đọc hình dung ra con người, địa điểm và sự kiện trong bài viết.  

Gợi ý

• Một người bạn đã gặp hoặc một địa danh đã đến thăm khiến bạn thay đổi thái độ hoặc niềm tin . 

• Một sự kiện đã khiến bạn trở nên độc lập

• Một thử thách ác liệt mà bạn phải đối mặt

Viết Tiểu sử

a)    Đề VH: Chọn một trong các nhà văn ở chương này có cuộc sống đặc biệt hoặc gây tò mò với bạn. Viết một bài tiểu sử kể  về nhà văn ấy, trọng tâm hướng vào ý nghĩa của nhà văn ấy đối với người khác.

Gợi ý: có thể chọn các nhà văn sau:

• Charlotte Brontë

• Charles Dickens

• George Eliot

• Robert Browning

b) Đề HT: Viết một tiểu sử kể về một người có vai trò rất quan trọng trong cuộc đời bạn hoặc trong cuộc sống của người khác. Bao gồm cả những chi tiết và giai thoại giúp người đọc hình dung rõ ràng về người ấy .

Gợi ý:

• Một giáo viên hoặc  một ông chủ đã giúp bạn

• Một người bạn luôn bên anh (chị)

• Một người họ hàng hoặc hàng xóm đã ganh đua với bạn

Phân tích văn học

a) Đề VH: Phân tích một tác phẩm văn học có thể giúp bạn hiểu sâu hơn tác phẩm ấy. Chọn một tác phẩm hư cấu và viết bài luận tập trung vào một hoặc nhiều yếu tố văn học như bối cảnh không gian, các nhân vật hoặc chi tiết, cốt truyện đã góp phần tạo nên ý nghĩa của tác phẩm.

Gợi ý:

• Chủ đề trong các bài thơ của T. S. Eliot

• Nhân vật và sự hồi hộp trong tác phẩm “Người tình hiểm độc

• Chủ nghĩa tượng trưng  trong tác phẩm “Người chiến thắng ngựa gỗ

b) Đề HT: Chọn một câu chuyện mà bạn đã xem, đã đọc và viết bài luận tóm tắt ngắn gọn câu chuyện, chỉ ra ý nghĩa của nó. Trọng tâm chú ý vào các yếu tố đặc sắc hàm chứa nhiều ý nghĩa và ấn tượng sâu sắc.

Gợi ý:

• Chương trình truyền hình có các nhân vật mạnh mẽ.

• Các bộ phim mang thông điệp lành mạnh về gia đình.

• Các trang Weblog đem lại nhiều hiểu biết sắc trong cuộc đời của các nhà văn.

Viết bài nghiên cứu

a)  Đề VH:  Phát triển câu hỏi về một bộ phận văn học mà bạn đã đọc. Viết bài nghiên cứu chứng minh kết luận về đề tài bạn nghiên cứu. Giới thiệu thông tin từ ít nhất 6 nguồn tư liệu.

Gợi ý: có thể từ các tác tư liệu sau:

Beowulf
• Frankenstein
• The Canterbury Tales
• Jane Eyre
• Macbeth
• Waiting for Godot

b) Đề HT: Viết bài nghiên cứu khảo sát một sự kiện hoặc một tư tưởng từ trong lịch sử. Giới thiệu cách hiểu của mình cũng như thông tin từ ít nhất 6 nguồn tư liệu.

Gợi ý: có thể dựa vào các câu hỏi khảo sát sau

• Đâu là sự thật của Vua Arthur?

• Sự từng trải của Charles Dickens có tác động như thế nào tới quan điểm về trẻ con lao động của ông ta ?

*

*    *

Tôi lần giở lại những nội dung trong bài viết này khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 vừa kết thúc trong đó có môn Ngữ văn với đề thi gây nhiều tranh cãi. Cung cấp cho bạn đọc một số tư liệu về đề văn qua bộ sách Văn học bậc THPT của Hoa Kỳ để có cái nhìn so sánh nhiều chiều, để tự mỗi người, nhất là giáo viên dạy Ngữ văn rút ra được kết luận của riêng mình, để tự đổi mới công việc dạy học và ra đề văn của chính mình.

Hà Nội, 07/06/2013

Phụ lục:

ĐỀ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2013

Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề

I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Trong phần cuối truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn, nhân vật bà mẹ Hạ Du đã có thái độ như thế nào khi nhìn thấy vòng hoa trên mộ con mình? Hình ảnh vòng hoa ấy có ý nghĩa gì?

Câu 2. (3,0 điểm)

Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau:

Chiều ngày 30 - 4 - 2013, bên bờ sông Lam, đoạn chảy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12 T7, Trường Trung học phổ thông Đô Lương I) nghe tiếng kêu cứu có người đuối nước dưới sông, em liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước, Nam đã nhảy xuống, lần lượt cứu được ba học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6. Khi đẩy được em thứ năm vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi.

(Theo Khánh Hoan, Thanhnienonline, ngày 6 - 5 - 2013)

II. PHẦN RIÊNG - PHẦN TỰ CHỌN (5,0 điểm)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b)

Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

Phân tích diễn biến tâm lí và hành động của nhân vật Mị qua cảnh đêm mùa xuân Mị muốn đi chơi và bị trói trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài (phần trích trong Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam - 2012).

Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)

Phân tích đoạn thơ sau trong Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm:

Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

(Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam - 2012, tr. 115 - 116 - 117)

---------Hết---------



[1] Literature – Grade 10, 11, 12 - Copyright © 2008 by McDougal Littell, a division of Houghton Mifflin Company. All rights reserved. 

[2] Một thể thơ rất nổi tiếng từ thời Trung cổ ở Anh và Ai-len, cho đến thế kỉ XIX vẫn sử dụng rộng rãi khắp Châu Âu và nhiều nước như Mỹ, Australia, Bắc Phi. 

Bình luận

        Rất hân hạnh, bạn là người đầu tiên gửi lời bình luận đến chúng tôi !
Gửi lời bình
  • Mã xác nhận
  •  
  • Họ tên
  • Email
  • Nội dung
Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook