Từ chương trình giáo dục phổ thông Hàn Quốc,
đề xuất hướng tích hợp và phân hóa cho chương trình
GDPT Việt Nam sau 2015
I. Tích hợp trong chương trình GDPT Hàn Quốc
Trong chương trình GDPT của Hàn Quốc vấn đề tích hợp được thể hiện rõ nhất ở giai đoạn giáo dục cơ bản, bao gồm chương trình (CT) tiểu học và THCS.
Với CT tiểu học, các nội dung tích hợp được thực hiện cao độ và đậm đặc ở lớp 1 và 2 với các nội dung như: chúng ta là lớp Một, cuộc sống dễ chịu, cuộc sống thông minh và cuộc sống kỷ luật. Từ lớp 3 đến lớp 10 (CT 2009 chỉ đến lớp 9), các nội dung tích hợp thể hiện rõ ở hai môn: Khoa học và Tìm hiểu xã hội. Sau đây xin mô tả một số nét chính về đặc điểm và cấu trúc nội dung tích hợp và phân hóa của chương trình GDPT Hàn Quốc.
1. Tích hợp ở lớp 1 và lớp 2
Tích hợp ở lớp 1và 2 nhằm giúp nhà trường quản lý CT trên cơ sở các chủ đề chung rút ra từ kinh nghiệm của HS; đây không phải là tích hợp các môn học mà xuất phát từ trình độ phát triển và nhu cầu giáo dục. Nó còn nhiều ý nghĩa hơn cả tích hợp giữa các môn học.
Mục đích của tích hợp chương trình môn học ở L1 và 2 là giúp HS thích nghi với cuộc sống nhà trường, học được những nếp sống và điều chỉnh chúng, hiểu được mối quan hệ giữa các em và thế giới xung quanh, phát triển lành mạnh tinh thần và thể chất. Tích hợp CT nhằm đạt được các mục tiêu chính của GD Hàn Quốc. Yêu cầu của tích hợp CT là:
- Thứ nhất, dựa trên cơ sở trình độ phát triển các lớp thấp bậc tiểu học
- Thứ hai, tích hợp trên cơ sở kinh nghiệm sống của HS
- Thứ ba, tích hợp nhiều hoạt động và kinh nghiệm vào các chủ đề chung, thực hiện một cách linh hoạt
Tích hợp CT lớp 1&2 bao gồm các nội dung: Chúng ta là lớp Một, Cuộc sống kỷ luật, Cuộc sống thông minh và Cuộc sống dễ chịu. Mỗi nội dung có một đặc trưng, nhằm duy trì đặc điểm và sự kết dính với nhau trong CT tích hợp.
CHÚNG TA LÀ LỚP MỘT
a) Đặc điểm: Nội dung này tập trung vào cuộc sống mới ở nhà trường nhằm giúp HS thích nghi với môi trường mới trong những tháng đầu tiên, được tổ chức với 4 chủ đề chính: cuộc sống nhà trường thân thiện; cuộc sống nhà trường kỷ luật; cuộc sống nhà trường dễ chịu và cuộc sống nhà trường thông minh.
b) Cấu trúc nội dung thường chia làm hai dạng: Chủ đề chính và chủ đề hoạt động. Mỗi chủ đề chính được thực hiện bằng nhiều chủ đề hoạt động, chẳng hạn chủ đề chính Cuộc sống nhà trường kỷ luật được thực hiện bằng 4 chủ đề hoạt động: Sống an toàn; Sống sạch sẽ; Tự mình làm; Chào hỏi. Mỗi chủ đề hoạt động lại có nhiều nội dung cụ thể, chẳng hạn chủ đề hoạt động Sống an toàn có các nội dung như HS học quan sát thứ tự và quy tắc giao thông để sống an toàn:
+ Chờ đợi trên đường
+ Đi bên phải đường phố
+ Không chơi trò nguy hiểm
+ Đi đường an toàn, quan sát xe ô tô
CUỘC SỐNG KỶ LUẬT
a) Đặc điểm
Cuộc sống kỷ luật giúp HS những kinh nghiệm và thực hành các thói quen sống cơ bản, cách cư xử và các quy tắc cần thiết trong cuộc sống cá nhân và xã hội. Có 5 chủ đề chính: tự làm việc; tư thế điệu bộ; quan tâm người khác; giữ trật tự và yêu đất nước của tôi. Ngoài ra còn phản ánh các nội dung tích hợp như môi trường, kinh tế, quyền con người, đạo đức giao tiếp thông tin, sự thống nhất, cuộc sống tiết kiệm, an toàn giao thông, GD nghề như là một chủ đề hoạt động.
b) Cấu trúc nội dung
Cũng giống như Chúng ta là lớp Một, các chủ đề chính luôn kèm theo các chủ đề hoạt động, ví dụ chủ đề chính Tự làm gồm các chủ đề hoạt động sau: Giữ gìn vệ sinh cơ thể; Giữ đúng tư thế; Sẵn sàng tự làm. Trong mỗi chủ đề hoạt động lại có các nội dung cụ thể như Giữ gìn vệ sinh cơ thể : HS học và thực hành giữ gìn cơ thể mình sạch sẽ:
+ Tự rửa tay, chân thường xuyên
+ Tự đánh răng
+ Tắm rửa
CUỘC SỐNG THÔNG MINH
a) Đặc điểm
Nhằm giúp HS hiểu các hiện tượng tự nhiên và xã hội xung quanh các em và giải quyết các vấn đề của cuộc sống hàng ngày với những cách thức khác nhau. Nội dung môn học được tổ chức trên cơ sở các hoạt động thăm dò/ khám phá như trải nghiệm; họp nhóm; đo lường, khám phá, giới thiệu, làm và chơi… giúp HS hiểu mối quan hệ giữa các hiện tượng xã hội và tự nhiên. Nó cũng giúp HS có phương pháp đa dạng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày…
b) Cấu trúc nội dung
Các chủ đề chính được triển khai bằng nhiều chủ đề hoạt động, tương đương với các chủ đề hoạt động là các hành động khám phá cơ bản như : quan sát, làm việc nhóm, đo đạc, làm thử, trò chơi...
Các chủ đề chính của lớp 1 bao gồm: Cơ thể của tôi, chuyến đi mùa xuân, mùa hạ vui vẻ, gia đình tôi, không gian mênh mông, mùa đông thú vị.
Các chủ đề chính của lớp 2 gồm: Tôi lớn lên mỗi ngày, nhà tôi, thành phố của tôi, một ngày của tôi, chợ games, một năm của tôi.
CUỘC SỐNG DỄ CHỊU
a) Đặc điểm: Cuộc sống dễ chịu nhằm giúp HS phát triển lành mạnh thể chất và tinh thần, nuôi dưỡng sáng tạo, sự thưởng thức và thái độ đạo đức; sử dụng các trò chơi và hoạt động vui vẻ.
b) Cấu trúc nội dung: Môn học này giới thiệu với HS các chủ đề và các hoạt động theo mỗi lớp. Với lớp 1 chủ đề chính là gia đình và bạn bè; muông thú và cây cỏ, đồi núi và đồng ruộng, bầu trời và biển cả cùng với 14 hoạt động kèm theo các chủ đề này. Lớp 2 có các chủ đề như mùa xuân, mùa hè, lá rụng và mùa đông cùng với 16 hoạt động kèm theo các chủ đề này.
Nội dung CT tích hợp của Lớp 1& 2 được tổ chức thành các chủ đề và hoạt động chính. Các chủ đề chính dựa trên cơ sở kinh nghiệm hàng ngày của HS; còn các chủ đề hoạt động chính được lựa chọn từ các chủ đề này. Để thực hiện CT tích hợp này, thời gian, địa điểm cần vận dụng linh hoạt phù hợp với các đặc điểm và điều kiện của địa phương và nhà trường.
2. Tích hợp từ lớp 3 đến lớp 10
Hai môn học tích hợp rõ nhất trong giai đoạn từ lớp 3 đến hết GD cơ bản là Tìm hiểu xã hội và Khoa học.
TÌM HIỂU XÃ HỘI
a) Đặc điểm
Là một môn học ở đó HS lựa chọn các đơn vị kiến thức từ khái niệm và nguyên tắc của môn KHXH như: địa lý, lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội học, nhân loại học và luật, hệ thống xã hội và chức năng, các vấn đề xã hội và các giá trị; nghiên cứu phương pháp và quy trình, khám phá các hiện tượng xã hội.
Trong môn tìm hiểu XH, điều quan trọng nhất là hiểu được đất nước mình nhận biết được lịch sử của cha ông mình, hiểu được hiện thực theo quan điểm lịch sử; có tính cách Hàn Quốc và phẩm chất của công dân toàn cầu.
Nhấn mạnh sự phù hợp của trình độ HS với các vấn đề xã hội.
- HS Tiểu học phải hứng thú với các số liệu và hiện tượng XH xung quanh chúng, học về những kiến thức và kỹ năng cơ bản trong cuộc sống với thái độ sáng tạo. HS cần học những số liệu và các khái niệm cơ bản để hiểu các hiện tượng XH và khả năng tư duy phù hợp với những hiểu biết về các vấn đề xung quanh mình. Ngoài ra chúng cần phải phát triển thái độ tích cực nhằm chuyển những suy nghĩ ấy thành các hành động xã hội.
- Học sinh THCS phải biết khám phá và thích ứng với những kiến thức quan trọng trong mỗi lĩnh vực của phạm vi khoa học, phát triển khả năng giải quyết các vấn đề cá nhân và xã hội, tham gia hoạt động cộng đồng.
- Học sinh THPT hiểu các hiện tượng XH, phát triển tư duy phê phán và khả năng đưa ra quyết định, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội như một công dân.
b) Cấu trúc nội dung
Bao gồm ba phân môn: Lịch sử, địa lý và khoa học xã hội. Riêng lớp 3 chưa phân rõ các nội dung thuộc 3 phân môn đã nêu mà tiếp tục học các chủ đề chung bao gồm: Chúng ta sống ở đâu? Đặc điểm cộng đồng địa phương, Văn hóa địa phương, Con người tụ họp ở đâu? Chuyển động và giao tiếp, Những cách sống khác nhau.
Bắt đầu từ lớp 4, các nội dung được chia theo 03 phân môn, nhưng không phải lớp nào cũng học đầy đủ các phân môn ấy. Ví dụ:
Lớp
|
Lịch sử
|
Địa lý
|
Khoa học XH
|
4
|
Không học
|
- Môi trường tự nhiên và cách sống trong cộng đồng địa phương chúng ta
- Các địa điểm liên quan đến cộng đồng địa phương chúng ta
- Cách sống của các vùng miền khác nhau
|
- Nhà ở tự do và sự phát triển đô thị
- Các hoạt động kinh tế trong đời sống …
- Sự thay đổi xã hội trong cuộc sống của chúng ta
|
5
|
- Một dân tộc thống nhất
- Động lực văn hóa thời Koryo
- Đạo Khổng và tín ngưỡng thời Chosun
- Sự thay đổi trong xã hội Chosun
- Sự chấp nhận nền văn hóa mới và phong trào dân tộc
- Sự phát triển của Cộng hòa Hàn Quốc và HQ ngay nay
|
Không học
|
Không học
|
MÔN KHOA HỌC
a) Đặc điểm
Mục tiêu của chương trình môn khoa học là giúp cho học sinh hiểu những khái niệm khoa học cơ bản thông qua những câu hỏi lý thú về các hiện tượng tự nhiên, phát triển kỹ năng tư duy khoa học và khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Do đó, học sinh có thể phát triển kiến thức khoa học cần thiết cho việc giải quyết những vấn đề của cuộc sống hàng ngày một cách sáng tạo và khoa học.
“Môn khoa học” có mối liên hệ chặt chẽ với“môn cuộc sống thông minh” (intelligent life) của lớp 1 và lớp 2 ở cấp tiểu học, và môn Vật lý I, Hóa học I, Khoa học cuộc sống I, Khoa học trái đất I, Vật lý II, Hóa học II, Khoa học cuộc sống II,
Khoa học trái đất II của lớp 11 và lớp 12 ở cấp Trung học phổ thông.
b) Cấu trúc nội dung
Nội dung tích hợp của môn Khoa học được xây dựng theo 04 chủ đề chính: chuyển động và năng lượng; vật chất, cuộc sống, trái đất và vũ trụ. Bên cạnh đó, môn khoa học còn có các nội dung tự chọn, cung cấp cho HS những chủ đề dựa theo hứng thú nhằm làm tăng niềm say mê khoa học và phát triển khả năng sáng tạo của các em.
Trong “môn khoa học”, việc dạy học xoay quanh các hoạt động dựa trên sự khám phá, tìm tòi, bao gồm: quan sát, thí nghiệm, điều tra, thảo luận,… dựa vào các khả năng của HS. Việc dạy học nhấn mạnh các hoạt động độc lập cũng như các hoạt động nhóm để nuôi dưỡng thái độ khoa học và các kỹ năng giao tiếp bao gồm: tính phê phán, sự cởi mở, tính chính trực, sự cộng tác,… Việc dạy học nhấn mạnh sự hiểu biết toàn diện các khái niệm cơ bản hơn là việc thu được các kiến thức rời rạc, chắp vá, và nhấn mạnh khả năng giải quyết một cách khoa học các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày bằng các kiến thức đã học.
Những khái niệm cơ bản của môn khoa học được dạy cùng mối liên hệ chặt chẽ với những kinh nghiệm đã có của HS, và HS được tạo cơ hội áp dụng các kiến thức và kỹ năng khoa học để giải quyết các vấn đề trong xã hội và cuộc sống. Thông qua việc học môn khoa học, HS có thể nhận ra mối quan hệ giữa khoa học, công nghệ và xã hội cũng như giá trị của khoa học.
II. Phân hóa trong chương trình GDPT Hàn Quốc
Chương trình phân hóa (differentiated curriculum) của Hàn Quốc bắt đầu thực hiện từ đầu thế kỷ XX (CT lần thứ bảy) với việc giới thiệu nội dung và mục tiêu học khác nhau cho các nhóm HS khác nhau; xem xét và cân nhắc càng sâu rộng càng tốt những đòi hỏi của các nhà trường, HS và phụ huynh. Kết quả đã thể hiện rõ trong sự gia tăng số giờ cho các hoạt động tự chọn; số giờ dành cho địa phương tự quyết định cũng gia tăng từ 0-1 giờ đến 2 giờ/ tuần ở Tiểu học và từ 1-2 lên 4 giờ/ tuần với THCS. Nhà trường hoàn toàn tự quyết định sử dụng số giờ cần thiết cho các hoạt động nếu thấy phù hợp với HS của mình. Những HS trung bình được học các nội dung và bài tập phù hợp với khả năng, trình độ của cá nhân.
1) Phân hóa từ lớp 1 đến lớp 10
Đối với HS từ lớp 1 đến lớp 10, CT phân hóa theo hướng sau:
- Phân hóa theo trình độ: Toán và tiếng Anh: Toán chia ra 10 trình độ từ lớp 1-10; tiếng Anh 4 trình độ từ lớp 7- lớp 10. Mỗi trình độ chia làm hai mức ( sub-level) mỗi mức tương ứng với 1 học kỳ.
- Phân hóa bổ sung và đào sâu thực hiện cho các môn Tiếng Hàn từ lớp 1 đến lớp 10; môn Tìm hiểu xã hội và môn Khoa học từ lớp 7 đến lớp 10; và Tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 6.
- HS lớp 10 học các môn học với thời lượng như sau:
Môn học
|
Số tiết / năm
|
GD đạo đức
|
34
|
Tiếng Hàn
|
136
|
Toán
|
136
|
Tìm hiểu xã hội
|
170 ( 68 cho tìm hiểu lịch sử Hàn Quốc)
|
Khoa học
|
102
|
GD thể chất
|
68
|
Âm nhạc
|
34
|
Nghệ thuật
|
34
|
Thực hành nghệ thuật (Công nghệ và kinh tế gia đình)
|
102
|
Ngoại ngữ
|
136
|
Hoạt động ngoại khóa
|
68
|
Các khóa học tự chọn / nhà trường sử dụng tùy ý
|
204
|
Tổng số giờ (50 ph/giờ với trường THPT )
|
1,224
|
2. Phân hóa bằng tự chọn ở lớp 11 và 12
Như đã nêu lên lớp 11 và 12 HS Hàn Quốc học theo CT tự chọn. CT này được cấu trúc bởi các môn và khóa học theo hai cấp độ: các khóa tự chọn cơ bản (general elective courses) và các khóa tự chọn chuyên sâu (intensive elective courses)
2.1. Các khóa học tự chọn cơ bản
Các môn học
|
Các môn học chung
|
Các khóa học tự chọn
|
|
Toàn quốc
|
Cơ bản
|
Chuyên sâu
|
Tiếng Hàn
|
Tiếng Hàn ( 8)
|
Đời sống ngôn ngữ Hàn (4)
|
Nói (4); Đọc (8);Viết luận (8); Ngữ pháp (4); Văn học (8)
|
Giáo dục đạo đức
|
Giáo dục đạo đức ( 2)
|
Đạo đức công dân (4)
|
Đạo đức và tư tưởng (4); ĐĐ truyền thống (4)
|
Tìm hiểu xã hội
|
Tìm hiểu xã hội (10) trong đó lịch sử Hàn quốc (4)
|
Môi trường và xã hội con người (4)
|
Địa lí Hàn (8); Địa lý thế giới( 8); Địa lý kinh tế (6); Lịch sử Hàn quốc hiện đại và ngày nay(8); Lịch sử thế giới (8); Luật và xã hội (6); Xã hội và văn hóa (8)
|
Toán
|
Toán (8)
|
Thực hành toán (4)
|
Toán I (8); Toán II (8); Tích phân và vi phân (4); Xác xuất và thống kê (4); Toán rời rạc (4)
|
Khoa học
|
Khoa học (6)
|
Cuộc sống và khoa học (4)
|
Vật lý (4); Hóa I (4) Sinh I (4); KH trái đất I(4); Vật lí II (6); Hóa II (6); Sinh II (6); KH trái đất II (6); KH nông nghiệp (6)
|
Công nghệ và
Kinh tế gia đình
|
Công nghệ và kinh tế gia đình (6)
|
Máy tính và xã hội thông tin (4)
|
Công nghệ công nghiệp (6); Quản lý kinh doanh (6); KH biển (6); KH gia đình (6)
|
Giáo dục thể chất
|
Giáo dục thể chất (4)
|
Thể dục và sức khỏe (4)
|
Lý thuyết thể dục (4); Thực hành thể dục (4)*
|
Âm nhạc
|
Âm nhạc (2)
|
Âm nhạc và cuộc sống (4)
|
Nhạc lý (4); Thực hành âm nhạc (4)*
|
Nghệ thuật
|
Nghệ thuật (2)
|
Nghệ thuật và cuộc sống (4)
|
Lý luận nghệ thuật(4) Thực hành nghệ thuật (4)*
|
Ngoại ngữ
|
Tiếng Anh (8)
|
Tiếng Đức I (6)
Tiếng Pháp I (6)
Tây Ban Nha I (6); Trung quốc I (6); Nhật bản I (6); Nga I (6); Ả rập I (6)
|
Anh I (8); Anh II(8); Tiếng Anh văn phạm (8); Tiếng Anh đọc hiểu (8); Viết luận tiếng Anh (8); Tiếng Đức II (6); Pháp II (6); Tây Ban Nha II(6); Trung quốc II(6); Nhật bản II(6); Nga II (6); Ả rập II(6)
|
Chữ Hán
|
|
Chữ Hán cổ (6)
|
Văn học viết bằng chữ Hán (6)
|
Huấn luyện quân sự
|
|
Huấn luyện quân sự (6),Triết học (4); Logic (4); Tâm lý (4); Giáo dục học (4)
|
|
Nghệ thuật tự do
|
|
Cuộc sống kinh tế (4); Tôn giáo (4); Kinh tế và môi trường (4); Vị trí và nghề nghiệp tương lai (4); Những vấn đề khác (4)
|
|
Tổng các units
|
(56)
|
Trên 24
|
Dưới 12
|
Hoạt động tự chọn
|
(12)
|
|
|
Hoạt động ngoài giờ
|
(4)
|
|
|
Tổng toàn bộ
|
(216)
|
|
|
(Nguồn: KEDI- Understanding Korean Education (Tlđd – Tr 93-96)
a) Các số trong vòng đơn là số đơn vị bài học (units) cần hoàn thành.
b) Số units được phân cho các khóa học chung cơ bản và các hoạt động tự chọn cùng với 4 units hoạt động ngoại khóa được hoàn thành vào lớp 10.
c) Chương trình chuyên sâu về GD thể chất, âm nhạc và nghệ thuật được đánh dấu hoa thị (*) sẽ được lựa chọn từ các môn học chuyên sâu GD thể chất, và nghệ thuật.
d) Chương trình tự chọn chuyên sâu không bắt buộc nhà trường có thể lựa chọn các môn học chuyên sâu trong CT quốc gia hoặc tự đề xuất các khóa học mới phù hợp với địa phương với sự cộng tác của cơ quan GD tỉnh/ thành phố ( MPOE)
2.2. Các khóa học tự chọn chuyên sâu
Học tự chọn ở THPT được chia theo ba cấp độ: Lĩnh vực môn học, các khóa học và ngành học. Chương trình nêu lên các lĩnh vực lớn sau đây:
- Nông nghiệp
- Công nghiệp
- Thông tin thương mại
- Nghề cá và vận tải biển
- Kinh tế gia đình và giáo dục nghề
- Khoa học
- Giáo dục thể chất
- Nghệ thuật
- Tiếng nước ngoài
- Quan hệ quốc tế
Trong mỗi lĩnh vực lớn lại có nhiều khóa học và ngành học. Chẳng hạn:
Lĩnh vực
|
Nông nghiệp
|
Khóa học
|
Những hiểu biết về nông nghiệp; Kỹ thuật cơ bản về nông nghiệp; Quản lý thông tin nông nghiệp; Quản lý nông nghiệp; Sinh học cơ bản; Trồng trọt; Kỹ thuật thu hoạch sản phẩm; Rừng và con người; Kỹ thuật trong tài nguyên rừng, Nghề làm vườn;Đời sống nghề làm vườn; Sản xuất vật liệu; Kỹ thuật làm vườn I và II; Động vật và khoa học; Kỹ thuật sinh sản; Con tằm và nhà máy sợi; Kỹ thuật quay tơ; Máy nông nghiệp; Máy động cơ trang trại; Kỹ thuật máy nông nghiệp I và II; Nước và nông nghiệp; Nông thôn và phát triển đất nông nghiệp; Ứng dụng kỹ thuật nôn nghiệp I và II; Khoa học lương thực; Hệ thống vệ sinh thực phẩm;Kỹ thuật chế biên thức ăn I và II; Bảo vệ môi trường ; Quản lý môi trường I và II; Tạo Phong cảnh; Kỹ thuật kiến trúc phong cảnh I và II; Phân phối sản phẩm nông nghiệp; Quản lý lưu thông I và II; Những vấn đề khác…
|
Ngành học
|
Tài nguyên thực vật; Quản lý nông nghiệp; Chế biến thức ăn; Tạo phong cảnh; Bảo vệ môi trường; Tài nguyên động vật; Ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp; Máy nông nghiệp; Phân phối sản phẩm nông nghiệp; Những lĩnh vực khác…
|
2.3. Hướng dẫn chung về tự chọn ở lớp 11 và 12
Đối với HS lớp 11 và 12 có một phạm vi rộng để lựa chọn các môn học phù hợp với khả năng của họ, đó là CT các khóa học tự chọn (elective-courses programs).
- Tổng số units cần hoàn thành cho CT tự chọn 2 năm 11 và 12 là 144 trong đó 136 units phân bổ cho các khóa học tự chọn và 8 units cho các hoạt động ngoại khóa.
- Tổ chức và thực hiện CT trong nhà trường THPT cơ bản:
a) Các khóa học tự chọn cho các môn chung sẽ được chia thành: tự chọn cơ bản và tự chọn chuyên sâu.
b) Các khóa học tự chọn cơ bản được sắp xếp theo nhiều hướng đề tài tự do và cuộc sống hàng ngày, còn các khóa học chuyên sâu thì được thiết kế nhằm giúp HS phát triển thái độ, hứng thú học tập và sự tiến bộ trong định hướng nghề nghiệp.
c) Bảo đảm sự cân đối trong phân bố các khóa học, tự chọn cơ bản sẽ chia làm 5 nhóm:
- Khoa học XH- nhân văn: ngôn ngữ Hàn, GD đạo đức, tìm hiểu xã hội
- Khoa học và công nghệ: toán, khoa học, công nghệ và kinh tế gia đình
- Nghệ thuật và GD thể chất: GD thể chất, âm nhạc, nghệ thuật
- Ngoại ngữ: ngoại ngữ
- Tìm hiểu chung: chữ Hán và văn học cổ điển Trung quốc; quân sự.
Mỗi HS phải nắm được ít nhất 02 khóa học từ các nhóm tìm hiểu chung và ít nhất 01 khóa học từ mỗi nhóm vừa nêu trên. HS có thể được miễn từ khóa tự chọn cơ bản trong nhóm mà HS đó muốn tìm hiểu sâu phù hợp với nghề mình chọn.
+ Học sinh bắt buộc phải hoàn thành tương ứng với các khóa học I trước khi chuyển sang khóa học tự chọn chuyên sâu, nhưng nhà trường có thể miễn hoặc thay thế yêu cầu về khóa học tùy vào tình huống cụ thể, yêu cầu của HS và đặc điểm của môn học.
d) Cơ quan GD Tỉnh / thành phố và nhà trường có thể chọn 28 units trong 136 khóa học tự chọn đã sắp xếp. Cuối cùng HS có nhiệm vụ phải chọn 50% các khóa tự chọn cho mình. Điều này bắt đầu từ các nhà trường, nơi có thể quyết định về điều kiện của nhà trường và cộng đồng địa phương.
e) Số lượng units chuẩn của mỗi khóa học trong các môn tự chọn cơ bản có thể mở rộng hoặc thu hẹp lại với 2 units; tuy nhiên các khóa học có 4 units thì không được thu hẹp.
III. Đề xuất hướng tích hợp và phân hóa cho GDPT Việt Nam
Dựa vào cấu trúc chương trình các môn học được nêu trong chương trình GDPT Hàn Quốc, nghiên cứu các điểm mạnh và những tồn tại của việc tích hợp và phân hóa đã và đang thực hiện ở Hàn Quốc; xem xét thực tiễn của GD Việt Nam và tham khảo xu thế quốc tế về phát triển chương trình, có thể đề xuất phương án tích hợp và phân hóa cho GDPT Việt Nam[1] như sau:
1. Lớp 1 và lớp 2. Học sinh chỉ học 03 môn: Toán, Ngữ văn và Cuộc sống quanh ta. Trong đó Ngữ văn và Cuộc sống quanh ta là môn học tích hợp. Ngữ văn không chỉ dạy tiếng Việt, văn học mà còn góp phần GD đạo đức; Cuộc sống quanh ta tích hợp nhiều nội dung tổng hợp như:
a) Nhà trường: nhằm giúp HS thích nghi với môi trường mới trong những tháng đầu tiên…
b) Gia đình: các thành viên gia đình, xưng hô và mối quan hệ, vật nuôi…
c) Thiên nhiên: cây cối, hoa cỏ, các hiện tượng tự nhiên…
d) Xã hội: láng giềng, bạn bè, các hiện tượng xã hội…
2. Từ lớp 3 đến lớp 5
Học sinh học 07 môn: Ngữ văn, Tìm hiểu xã hội/ đạo đức; Toán; Khoa học/ thực hành; GD sức khỏe; Nghệ thuật/Âm nhạc và tiếng Anh. Trong đó môn Ngữ văn, Khoa học, Tìm hiểu xã hội và GD sức khỏe là những môn học tích hợp.
Ngữ văn không chỉ tích hợp các phân môn như văn học, tiếng Việt và làm văn mà còn tích hợp cả các nội dung giáo dục đạo đức.
Môn Khoa học bao gồm các chủ đề vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, khoa
học trái đất…
Môn Tìm hiểu xã hội có các nội dung về lịch sử, địa lí, đạo đức, GD công dân.
Môn GD sức khỏe gồm hoạt động thể dục và những hiểu biết về sức khỏe, vệ sinh cơ thể, phòng chống bệnh tật, các chất gây nghiện…
3. Từ lớp 6 đến lớp 9 (THCS)
Học 07 môn: Ngữ văn; Tìm hiểu XH (cả lịch sử và đạo đức); Toán; Khoa học/công nghệ/tin học; GD Sức khỏe; Nghệ thuật ( âm nhạc/ mỹ thuật); Tiếng Anh;
Trong đó Ngữ văn; Tìm hiểu XH; Khoa học; GD sức khỏe là các môn học tích hợp với các nội dung phát triển tiếp nối với tiểu học ( từ lớp 3-5).
Tự chọn: một số chủ đề văn học, máy tính, môi trường và tăng trưởng xanh, ngoại ngữ, nghề và việc làm.
4. Từ lớp 10 - lớp 12 (THPT)
Lớp 10 học các môn chung gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lí, GD công dân, Vật lý, Hóa học, Sinh vật, GD sức khỏe, Công nghệ và tin học.
Lớp 11 và 12 học 3 môn cơ bản bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, còn lại HS tự chọn các môn/ chủ đề theo hai yêu cầu:
- Tự chọn bắt buộc 2 môn chuyên ngành từ các môn: Toán, Ngữ văn, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Tin học, Ngoại ngữ…Đây là các môn có nội dung gắn với yêu cầu của các chuyên ngành khi học lên cao, nhiều nước gọi là Toán II, Ngữ Văn II, Lý II… để phân biệt với CT cơ bản bắt buộc.
- Tự chọn tùy ý 3 chủ đề thuộc 1 hoặc 2, 3 lĩnh vực nghề[2] gồm: công nghiệp, thương mại, nông nghiệp; du lịch, dịch vụ văn phòng, môi trường, thể thao…
5. Đánh giá và cấp bằng
a) Tiểu học và THCS:
+ Thực hiện như hiện hành, cần tăng vai trò của đánh giá thường xuyên.
b) Với THPT:
+ Các sở GD&ĐT cấp bằng tốt nghiệp THPT bằng cách kết hợp kết quả xếp loại hàng năm (đánh giá thường xuyên) với kết quả các bài thi cuối lớp 12 của các môn chung (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ 1) .
+ Thi đại học và cao đẳng: 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) cộng với 1-2 môn hoặc lĩnh vực tự chọn tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo các trường đại học, cao đẳng.
6. Ưu điểm và hạn chế của phương án đề xuất.
a) Ưu điểm:
- Giảm gánh nặng học hành cho HS trong nhà trường theo hướng: mỗi thời điểm học chỉ 7 môn học; chuyển một số nội dung sang các hoạt động.
- Tích hợp cao một số môn học nhất là ở tiểu học và THCS, đưa vào các nội dung gần gũi, thiết thực, tăng sự hứng thú và phát triển năng lực cho HS.
- Giảm áp lực của kỳ thi Tốt nghiệp THPT, giảm các môn học bắt buộc, tăng tự chọn ở các lớp cuối cấp THPT.
b) Hạn chế:
- Thay đổi hệ thống môn học và cách thức biên soạn CT, SGK môn học, nhất là các môn học tích hợp và phân hóa sâu theo hướng nghề nghiệp. Trình độ và kinh nghiệm biên soạn CT và SGK của Việt Nam còn nhiều bất cập.
- Đội ngũ GV khó đáp ứng được yêu cầu dạy học tích hợp và phân hóa; cần quan tâm đầu tư và thay đổi phương hướng đào tạo và bồi dưỡng.
- Trình độ quản lý và quan niệm truyền thống về nội dung, hệ thống các môn học là những lực cản; cần phải đổi mới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1) Bộ GD&ĐT ( 2011) - Chiến lược phát triển GD Việt Nam 2011-2020 và dự thảo Đề án Đổi mới chương trình GDPT sau 2015.
2) Education in Korea (2007~ 2008) - Ministry of Education & Human Resources Development, Republic of Korea
3) KICE (2006)- National Curriculum. http://www.kice.re.kr
4) KICE (2007)- Proclamation of the Ministry of Education and Humamn Resources Developement
5) KEDI (2007)- Understanding Korea Education- Copyright Published by the Korean Educational Development Institute.
6) MEST and KEDI (2009) - Secrets of an Education Powerhouse
7) Yangrak Lee ( 2012)- Educational Reforms for Creativity and Humanity Education in Korea - Ha noi 10/2012
8) Lee, Keunho ( 2012)- Development and Implementation of the National Curriculum in Korea – Ha noi 10/2012
9) Đỗ Ngọc Thống ( 2010) - Giáo dục Hàn Quốc và đôi điều suy nghĩ - KHGD số 59
Hà Nội, tháng 11/2012
Đ.N.T
[1] Phương án này có khác so với phương án của các nhóm nghiên cứu về tích hợp và phân hóa của Bộ
[2] Mỗi lĩnh vực có nhiều chuyên đề, HS có thể chọn 3 chuyên đề trong một lĩnh vực hoặc mỗi lĩnh vực 1 chuyên đề.