CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Giáo dục

LỰA CHỌN MÔ HÌNH GIÁO DỤC

Thứ bẩy ngày 13 tháng 10 năm 2012 3:44 PM

1. Xu hướng toàn cầu hóa hiện nay đặt ra cho giáo dục (GD) các nước những yêu cầu và nhiệm vụ chung, nhằm hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, hòa nhập mà vẫn giữ được bản sắc, hội nhập mà vẫn “tôn trọng sự khác biệt”. Toàn cầu hóa trong GD là một xu thế tất yếu và đang tạo ra một thế hệ HS 3.0. Đó là những người có khả năng thích nghi nhanh, “những con người lao động sáng tạo, giàu trí tưởng tượng, có năng lực phát minh, sáng chế, có thể làm việc bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào và với bất kỳ ai[1]. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước đặt ra mục tiêu xây dựng một CT mang tầm thế giới (“world-class curriculum”) để phát triển cho HS những phẩm chất và năng lực của một công dân toàn cầu (“global citizen”). Muốn thế GD các nước không thể không xích lại gần nhau hơn. Các chương trình đánh giá HS quốc tế có uy tín như PISA[2], TIMSS[3], PIRLS[4], READ[5]... đều dựa trên những tiêu chí và cách thức đánh giá giống nhau ở một số lĩnh vực chung để xác định thứ bậc của GD mỗi nước trong bản đồ GD của khu vực và thế giới.

Việt Nam là một quốc gia có quan hệ mật thiết với nhiều tổ chức quốc tế trước hết là các tổ chức Liên hợp quốc. Từ lâu Việt Nam là thành viên của khối ASEAN và gần đây đã gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) cho nên, sự phát triển của bất kỳ một lĩnh vực kinh tế - xã hội - văn hóa nào cũng liên quan đến vấn đề giữ gìn bản sắc dân tộc và hội nhập với cộng đồng quốc tế. Phát triển GD nói chung và chương trình giáo dục (CTGD) nói riêng cũng không thể không đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Trong việc Đổi mới giáo dục hay cụ thể hơn là Xây dựng và phát triển chương trình giáo dục, hầu như tất cả các nước đều phải nghiên cứu giáo dục quốc tế: bối cảnh, xu thế, chương trình và tiêu chí các nước phát triển, yêu cầu hội nhập… Việt Nam tham khảo, học tập các nền GD khác để phát triển, đổi mới là cần thiết và tất yếu.

Tuy nhiên một câu hỏi được đặt ra: Việt Nam nên tham khảo, học tập theo mô hình giáo dục nước nào? Hay rộng hơn Việt Nam nên học tập kinh nghiệm giáo dục nước ngoài như thế nào? Xin được nêu lên một số vấn đề xung quanh việc lựa chọn mô hình giáo dục nhằm đổi mới GD Việt Nam.

2.  Cần và có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm quốc tế những gì?  Theo chúng tôi có thể nêu lên một số phương diện tiêu biểu sau đây:

2.1. Mục tiêu giáo dục

Bất kỳ quốc gia nào khi đổi mới giáo dục, xây dựng CTGD cũng phải xác định mục tiêu. Bản chất của mục tiêu GD là mong muốn đào tạo những hình mẫu sau một quá trình học tập, rèn luyện và phấn đấu trong nhà trường. Mục tiêu ở đây được hiểu như là mô hình nhân cách với hai thành tố chính là phẩm chất và năng lực. Như thế mục tiêu GD vừa phải đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội, vừa phản ánh được nguyện vọng của cá nhân học sinh, gia đình.

Tham khảo, học tập mục tiêu GD của các nước là xem xét những yêu cầu về hình mẫu con người mà các nước đang mong muốn vươn tới. Hình mẫu ấy có những đặc điểm, phẩm chất, năng lực gì? Dựa vào cơ sở nào để xác định mục tiêu? Cấu trúc nội dung của mục tiêu bao gồm những thành tố nào? Mục tiêu ấy có phù hợp với yêu cầu và bối cảnh của Việt Nam không? Sự tương đồng và khác biệt về mục tiêu GD của Việt Nam so với các nước được khảo sát? Có thể học được gì về cách xác định và phát biểu/ trình bày mục tiêu GD của các nước ấy?.v.v…

2.2. Hệ thống giáo dục 

Mục tiêu GD sẽ được thực hiện thông qua một hệ thống GD tương ứng. Nghiên cứu hệ thống GD quốc dân của các nước sẽ có cơ hội xem xét và làm sáng tỏ các vấn đề như: cơ cấu của hệ thống GD quốc dân bao gồm những gì? (có những cấp/ bậc học nào? Mỗi giai đoạn học, cấp/ bậc học kéo dài bao nhiêu năm? Giai đoạn GD bắt buộc (compulsory education) là bao lâu? GD tiền học đường mấy năm? Bắt đầu đi học phổ thông ở độ tuổi nào? Tổng số năm dành cho GD phổ thông, GD nghề nghiệp và các bậc học cao hơn? Sự phân luồng sau GD bắt buộc như thế nào? .v.v…

2.3. Cách tiếp cận nhằm phát triển chương trình giáo dục

Trong lý luận về phát triển chương trình (curriculum development) thuật ngữ tiếp cận (to approach) chỉ cách thức vận dụng một số phương pháp để tìm hiểu, thiết kế một chương trình giáo dục (CTGD). Cách tiếp cận sẽ định hướng cho việc thiết kế toàn bộ các thành tố của CTGD. Đổi mới CTGD không thể không tham khảo xu thế quốc tế về cách tiếp cận phát triển CT, nhằm trả lời các câu hỏi như: từ trước tới nay có những xu thế tiếp cận phát triển CT nào? Ưu và nhược của mỗi cách tiếp cận? Xu thế hiện nay nhiều nước đang hướng tới là gì? CTGD của Việt Nam trước đây và hiện hành theo hướng tiếp cận nào? Và nên thay đổi theo hướng nào?.v.v…

2.4. Cấu trúc chương trình giáo dục

Cấu trúc CTGD mô tả các thành tố nội dung tạo nên một văn bản CTGD, chỉ ra vị trí và mối quan hệ của các thành tố ấy. Cấu trúc CT còn nêu lên các định hướng về tích hợp và phân hóa được thực hiện như thế nào trong GDPT các nước: có nhiều điểm chung, nhưng cũng không ít những khác biệt. Cùng với thời gian, cấu trúc CTGD của mỗi quốc gia ngày càng hoàn thiện. Cần khảo sát CTGD các nước tiên tiến để tìm ra những thành tố chung, nổi bật mà bất cứ nước nào cũng quan tâm mô tả và giới thiệu trong một văn bản chương trình.

2.5. Quy trình xây dựng và phát triển chương trình giáo dục

Quy trình phát triển CTGD (curriculum development process) thể hiện rất rõ tính chuyên nghiệp của việc xây dựng và phát triển CT. Nhìn vào quy trình này có thể thấy trình độ của một nền GD. Nghiên cứu quy trình phát triển nhằm chỉ ra các giai đoạn tiến hành để xác định, xây dựng và phát triển một CTGD. Các giai đoạn ấy là gì? Nội dung, vị trí và tầm quan trọng của từng giai đoạn?... Từ đó mà so sánh, đối chiếu với quy trình phát triển CT của Việt Nam, những ưu điểm và sự bất cập cần bổ sung, điều chỉnh…

2.6. Triển khai thực hiện và quản lý chương trình

Giữa CT và việc triển khai thực hiện CT bao giờ cũng có một khoảng cách, thậm chí là một khoảng cách khá xa đối với một số nước đang và kém phát triển. Nhiều tư tưởng, nội dung và mục tiêu tốt đẹp của CT khó trở thành hiện thực nếu không chú ý tới việc triển khai và quản lý CT. Nghiên cứu mô hình GD các nước cần chú ý xem xét các nguyên tắc và quy trình thực hiện CT của mỗi nước? Sự phân cấp trong quản lý CT như thế nào? Mấy cấp và ai chịu trách nhiệm? Nhất là điều kiện để thực hiện, quản lý CT như: chất lượng giáo viên, cơ sở vất chất, thiết bị dạy học; sự đổi mới đồng bộ giữa phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả .v.v…

2.7. Đánh giá Chương trình

Đánh giá CTGD là một khoa học, là khâu cuối cùng của vòng tròn phát triển CT. Xem xét quy trình phát triển CT của các nước sẽ làm rõ được các vấn đề như: Mục tiêu của việc đánh giá CT? Nội dung đánh giá CT gồm những gì?  Ai đánh giá CTGD? Quy trình và cách thức đánh giá một CTGD? Sử dụng kết quả đánh giá CT như thế nào?.v.v…

3Tham khảo và học tập như thế nào? Đây là điều quan trọng nhất : 

Việt Nam phải tự xây dựng cho mình một nền GD và một CTGD của riêng mình, không thể sao chép, áp dụng nguyên xi bất kỳ nền GD, CTGD nào cho dù đó là nền GD tiên tiến nhất .

- Tuy nhiên GD Việt Nam không thể đứng tách biệt: nó vừa phải mang bản sắc dân tộc, phù hợp với thực tiễn đất nước; vừa phải đuổi kịp các nền GD tiên tiến trong khu vực và thế giới để hội nhập quốc tế.

Từ quan điểm trên đây mà xác định cách học tập và tham khảo nước ngoài. Hiện có 2 xu hướng lớn:

a)  Nghiên cứu các nền GD và việc phát triển CTGD của nhiều nước tiên tiến sau đó rút ra xu thế chung về các vấn đề xung quanh việc đổi mới, phát triển GD và CTGD như đã nêu. Vận dụng xu thế chung này để xây dựng và phát triển, đổi mới GD nước mình. Đây là xu hướng phổ biến.

b) Nghiên cứu mô hình GD của một nước tiêu biểu (case study)[6] có hoàn cảnh và điều kiện tương tự như nước mình để tiếp thu và học hỏi trực tiếp nước đó về nhiều phương diện, thậm chí nhập khẩu cả chương trình và sách giáo khoa một số môn học  tự nhiên và ngoại ngữ…

Xu hướng này là không phổ biến vì ít nhất do các lý do sau:

- Trong thực tế rất khó có 2 nước nào mà điều kiện và hoàn cảnh tương tự, giống nhau (về lịch sử, địa lý, kinh tế, truyền thống văn hóa, …). Và vì thế CTGD đó có thể tốt đối với nước này nhưng không phù hợp với nước khác.

- Sản phẩm giáo dục (con người, nhân cách) là kết quả tổng hợp của một quy trình sống động, linh hoạt; phụ thuộc và bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố khác nhau trong những hoàn cảnh và điều kiện dạy- học cụ thể  khác nhau (CT, SGK, cơ sở vật chất - thiết bị, sĩ số lớp học, giáo viên, cách dạy, chất lượng HS, địa phương, phụ huynh…). Vì thế không thể áp dụng chung một CTGD, không thể nhập khẩu máy móc như các dây chuyền sản xuất công nghiệp.

-  Khó có một nền GD hay một CTGD nào tối ưu toàn bộ, hoàn chỉnh về mọi phương diện…

- Về lý thuyết, phải nghiên cứu tất cả hoặc hầu hết các nền GD trên thế giới mới có thể đi đến kết luận nền GD nào có điều kiện giống nước mình hơn. Điều này là rất khó.

4Đâu là giải pháp mang nhiều tính khả thi? Có thể đề xuất hướng giải quyết cho vấn đề lựa chọn mô hình GD theo tinh thần sau:

a) Trên cơ sở nghiên cứu mô hình GD của một số nước tiêu biểu như Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Đức, Úc, Hàn Quốc, ….các nước trong khu vực có ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam như Singapore, Thái Lan; Trung Quốc, Nga…, cần tổng kết và rút ra xu thế chung về đổi mới GD và xây dựng, phát triển CTGD ở tất cả các vấn đề đã nêu (mục 2), lựa chọn những yếu tố có tính khả thi cao, coi đó là kinh nghiệm quốc tế cần vận dụng cho GD Việt Nam. Đây là giải pháp chính. Cần lập nhóm tổng kết thực hiện giải pháp này.

b) Trong trường hợp nghiên cứu điển hình (case study) cần chú ý các nước có bối cảnh tương đối giống Việt Nam, sau đó lựa chọn một nước làm chỗ dựa chính để bổ sung, thêm bớt các yếu tố phù hợp và khả thi…Có thể nêu lên một số nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Australia… Trong bối cảnh hiện nay, qua nghiên cứu, chúng tôi cho rằng có thể dựa vào mô hình giáo dục Hàn Quốc là chính, trên cơ sở tham khảo thêm GD Trung Quốc, Singapore Úc và một số nước tiêu biểu, tương thích khác.[7]

5Vì sao nên tham khảo và học tập giáo dục Hàn Quốc?

Thứ nhất: Hàn Quốc và VN có nhiều điểm khá tương đồng về địa lý, lịch sử và tâm lý xã hội.

Hàn Quốc

Việt Nam

- Diện tích : 100,032 km2

331,690 km²

- Dân số: 50 triệu người ( 1/2010)

90.549.390 người  (7/2011)

- Thành lập nước: 1948

1945

- Chịu nhiều ảnh hưởng của nho giáo và nền GD coi trọng ứng thí, bằng cấp

- Chịu nhiều ảnh hưởng của nho giáo và GD coi trọng ứng thí, bằng cấp 

- Hai miền chia cắt lâu dài

Hai miền chia cắt từ 1954 -1975

- Tâm lý và tính cách Á đông

Tâm lý và tính cách Á đông

...

...

Thứ hai: Giáo dục Hàn Quốc gần đây có nhiều vấn đề cần giải quyết giống Việt Nam (thi cử, bằng cấp, quá tải, học thêm…) chẳng hạn:

Sự bất đồng về tính hợp lý của cấu trúc bậc học trong CT lần thứ 7

+ Chương trình phân hóa có tính khả thi kém

+  Sự lạm dụng các hoạt động tự chọn của các nhà trường

+  Chương trình tự chọn cho lớp 11 và 12 ít tính khả thi

+  Sự thất bại trong việc giảm tải 30% nội dung các môn học

+ Sự thiếu thống nhất giữa nguyên tắc chung và các nguyên tắc cụ thể

+ Trình độ nghiệp vụ của giáo viên thấp

+ Ảnh hưởng của kỳ thi vào Đại học – Cao đẳng

“Giáo dục ứng thí (Examination-centered education) là vấn đề cần phê phán mạnh mẽ nhất ở Hàn Quốc vì nó thấm vào mọi lĩnh vực của GD (bao gồm cả quản lý và phát triển chương trình), động cơ của mọi thực tiễn GD đều đổ dồn vào cái phương diện đáng phê phán này (kỳ thi CEE).”[8]

Thứ ba: Sau một thời gian GD Hàn Quốc đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, xây dựng được một nền GD tiên tiến, có hiệu quả và chất lượng cao, phục vụ đắc lực cho yêu cầu phát triển chung đất nước…

+ Kinh tế: năm 1963 đạt 100 USD/ người thì 1995 đã là 10.000 USD và 25.000 USD/người vào năm 2007; theo Goldman: Hàn Quốc sẽ trở thành nước giầu thứ 3 vào 2025 với GDP  52.000 USD/người.

Nếu cách đây 30 năm tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc chỉ đứng ngang với các nước nghèo ở châu Phi và châu Á thì hiện nay, tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc xếp thứ 10 trên thế giới.

+ Cần phải khẳng định để đạt được thành tựu ấy, trước hết Hàn Quốc có một nền tảng cơ sở vật chất kinh tế - xã hội phát triển hết sức mạnh mẽ. Thêm vào đó là việc đề cao vị trí đặc biệt của giáo dục đối với xã hội, cộng với tinh thần hiếu học và nhu cầu giáo dục cao của người dân đã góp phần thúc đẩy giáo dục Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ...

6. Có thể học tập và tham khảo GD Hàn Quốc những gì?

- Về mục tiêu GD: Giáo dục Hàn Quốc hướng đến “con người được giáo dục tốt nhấtnhằm giúp mỗi công dân phát triển cá tính và những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống của một công dân độc lập”

- Về hệ thống GD: Việt Nam có khác với Hàn Quốc. Hàn Quốc theo  mô hình 6-3-3. Như vậy, khác với Việt Nam, bậc Tiểu học của Hàn Quốc kết thúc ở lớp 6, trong khi giống Việt Nam, bậc Trung học cơ sở của Hàn Quốc kết thúc ở lớp 9 và bậc Trung học Phổ thông kết thúc ở lớp 12. Tuy vậy, như đã nêu ở trên, cấu trúc bậc học của Hàn Quốc được coi là không tương thích, thiếu hợp lý so với cấu trúc nội dung CT; vì thế VN vẫn nên giữ hệ thống phân cấp trong GDPT như hiện hành, nhưng cần thực hiện tốt việc phân luồng sau GD cơ bản.

Cách tiếp cận và định hướng phát triển CTGD:  Mỗi lần thay đổi CT có một tư tưởng chỉ đạo và một cách tiếp cận tương ứng. Chương trình lần thứ bảy và 2007 xác định:

“ Từ “hệ thống giáo dục khép kín” ('the closed educational system') thành “hệ thống GD mở” ('the open system') và từ “ hệ thống giáo dục hướng vào người sản xuất”( 'the producer-centered educational system') đến “hệ thống giáo dục hướng tới người tiêu dùng” ('the consumer-centered’)

Chương trình 2007 của Hàn Quốc không tuyên bố phát triển theo năng lực nhưng các yêu cầu đều hướng đến phát triển con người được giáo dục với chất lượng cao.

- Cấu trúc chương trình GD : Việt Nam có thể học Hàn Quốc xây dựng 2 giai đoạn: bao gồm Chương trình cơ bản chung của quốc gia và chương trình tự chọn ở THPT.

- Quy trình xây dựng và phát triển CTGD: Quy trình phát triển CT của Việt Nam khá giống Hàn Quốc.

- Quy trình thực hiện và quản lý CT: Có thể học Hàn quốc theo hướng Phân cấp quản lý chương trình.

+ Bộ GD biên soạn và quản lý CTGD quốc gia.

+ Các tỉnh thành phố hướng dẫn làm CT nhà trường .

+ Nhà trường xây dựng Sổ tay chương trình nhà trường (School Curriculum Handbook)

+ Giáo viên Xây dựng kế hoạch cho môn học và bài giảng

- Biên soạn SGK (nguyên tắc biên soạn, cấu trúc) và các loại học liệu khác: Theo cách của Hàn Quốc, Việt Nam nên có nhiều bộ SGK. Trong nhiều năm qua, Bộ GD giao quyền cho các công ty tư nhân tổ chức biên soạn và in ấn, phát hành SGK cho bậc Trung học trừ một số bộ môn, trong đó có bộ môn tiếng Hàn. Hiện nay giới hạn với các môn này cũng đã được dỡ bỏ. SGK do đội ngũ các GS đại học, cơ quan chuyên môn của Bộ, Viện CT và Đánh giá Hàn Quốc (KICE) tổ chức biên soạn... Các nhà xuất bản tự tổ chức và gửi lên trên để được xem xét, đánh giá và cấp phép.

Hàn Quốc rất chú ý phát triển SGK điện tử bên cạnh SGK giấy. Họ tuyên bố đến năm 2015 sẽ dùng phổ biến loại SGK điện tử.

Chính sách đối với giáo viên: Ở Hàn Quốc “Sự đãi ngộ ưu ái về tài chính và nghề nghiệp ổn định đã thu hút được nhiều tài năng cá nhân vào nghề sư phạm. Đội ngũ nhà giáo tuyệt vời của Hàn Quốc đã đóng góp to lớn vào chất lượng của giáo dục nhà trường”[9]. Lương của GV Hàn Quốc được xếp cao thứ 4 so với 32 nước trong khối OECD (khoảng 90.000 USD/năm) 

- Về tổ chức dạy học phân hóa và tự chọn: Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, Việt Nam nên tổ chức dạy một CT cơ bản từ lớp 1-9. Năm lớp 10 dùng để bổ khuyết, hoàn thiện và dự hướng phân luồng cho 2 năm cuối của THPT. Từ lớp 11 đến 12 học theo tự chọn. Như thế 10 năm đầu học chung một chương trình, chỉ có các hoạt động tự chọn và hoạt động ngoài giờ lên lớp (ngoại khóa). Đến 2 năm cuối THPT mới thực hiện các khóa học tự chọn. Tuy nhiên để xây dựng và thực hiện CT tự chọn như Hàn Quốc thì Việt Nam chưa thể làm được vì không đủ điều kiện thực hiện, nhất là với các môn học tự chọn chuyên sâu, các lĩnh vực và nội dung tự chọn phong phú, đa dạng.

Vì thế chỉ nên học tập Hàn Quốc ở phần các môn học tự chọn cơ bản và tổ chức biên soạn, giới thiệu một số chủ đề của các môn học tự chọn chuyên sâu ở một số lĩnh vực (ngành học) phù hợp và khả thi với Việt Nam. Chính CT tự chọn chuyên sâu của Hàn Quốc cũng đang được coi là thiếu tính khả thi. 

- Mở rộng quyền tự chủ cho các địa phương và trường học trong việc tổ chức và thực hiện CT, giảm tính chất “tập quyền” của CT. Nhà trường được phép mở rộng các hoạt động hợp lý bởi chính là nhà trường cần được tạo cơ hội nhiều hơn trong việc nâng cao năng lực về vận dụng CT với các công việc liên quan. Nó động viên khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu độc lập qua các hoạt động sáng tạo trong nhà trường.

7. Kết luận

Có thể thấy, trước 2007 Chương trình GDPT Hàn Quốc về cơ bản không khác mấy CTGDPT Việt Nam, nghĩa là cũng mang tính “tập quyền” rất cao, bắt buộc đối với tất cả các bậc học, từ mẫu giáo đến trung học phổ thông, áp dụng cho mọi loại hình trường, cả tư thục và công lập.... Ngay cả với CT hiện hành (CT lần thứ 7 và 2007), GD Hàn Quốc cũng đã gặp phải không ít hạn chế. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhất là 10 năm đầu thế kỷ XXI, GD Hàn Quốc vẫn đạt được nhiều thành tích. Năm 2006, là nước tham gia Chương trình đánh giá HS quốc tế (PISA), Hàn Quốc đã đạt kết quả rất cao, chỉ đứng sau Phần Lan, xếp hạng nhất về năng lực đọc - hiểu, thứ 2 về Toán và thứ 7 về khoa học trong số 33 nền kinh tế thành viên của tổ chức OECD.

Từ một quốc gia có nhiều điểm xuất phát giống Việt Nam, ngày nay Hàn Quốc đã thoát ra được tình trạng lạc hậu, có nền GD tiên tiến. Vì thế GD Việt Nam có thể học tập và tham khảo nhiều kinh nghiệm quý báu của Hàn Quốc để đổi mới và phát triển CTGD sau 2015 theo yêu cầu mới.

Nếu lấy Hàn Quốc làm mô hình chính vẫn nên nghiên cứu mô hình GD một số nước để rút ra xu thế chung, bổ sung vào những điểm cần thiết cho việc hội nhập quốc tế, phù hợp và có tính khả thi với thực tiễn của Việt Nam.

 

Tài liệu tham khảo

1. ACARA – Australia (2012) http://www.acara.edu.au/publications.html:

            - Curriculum Development Process (Version 6)

            -  Curriculum Design Paper( version 3)

            -  The Shape of Australia Curriculm ( version 3)

2. Bộ GD&ĐT (2006) – Chương trình GDPT Việt Nam – NXB GD

3. Crossley, Michael & Watson, Keith (2003)- Comparative and International Research in Education: Globalization, Context and Difference. London/New York

4. Đỗ Ngọc Thống (2010)- Quy trình phát triển CTGDPT Việt Nam từ góc nhìn so sánh – Tạp chí KHGD số 61.

5. INCA (2012), http://www. Inca.org.uk

6. KEDI (2007) – Understanding Korea Education- Copyright 2007 Published by the Korean Educational Development Institute.

7. KICE (2006)- National Curriculumhttp ://www.kice.re.kr

8. Mark Bray (2003)- Comparative education: continuing traditions, new challenges, and new paradigms – Kluwer Academic Publishers

9. MEST and KEDI ( 2009) Secrets of an Education Powerhouse

10. NEPAL Ministry of Education and Sports (2005)- National Curriculum Framework for school education (Pre-primary-12)Curriculum Development Centre – Bhaktapur- http://www.nepalvista.com/nepalfaq.

11.NIER (1999) - An International Comparative Study of School Curriculum

12. Robert F. Arnove, Carlos Alberto Torres (2003)- Comparative education: the dialectic of the global and the local

 

Hà Nội, 22 tháng 9/2012

Đ.N.T



[1] Bao giờ cho tới GD 3.0 – Vietnam.net, 15/03/2010

[2] Programme for International Student Assessment

[3] Trends in International Mathematics and Science Study

[4] Progress in International Reading Literary Study

[5] Russian Education Aid forr Depelopemant

[6] Khi đổi mới GD và xây dựng CT, Nepal tham khảo các nước: Australia; India; Thailand and New Zealand

[7] Trung Quốc gần VN nhưng dân số quá lớn, ngược lại Singapore lại quá nhỏ; Úc thì điều kiện kinh tế, xã hội quá khác với Việt Nam

[8] KEDI (2007)- Understanding Korea Education- Copyright 2007 Published by the Korean Educational Development Institute - P 78

[9] Secrets of an Education Powerhouse (2009)- MEST and KEDI


 

Chia sẻ trên Facebook