CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Giáo dục

THƠ MỚI LÃNG MẠN VÀ NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG VIỆT NAM

Thứ hai ngày 14 tháng 5 năm 2012 12:00 AM

Vài nét về PGS.TS ĐỖ NGỌC THỐNG

PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống - Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện KHGDVN kiêm Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu GD phổ thông. Vốn là học sinh chuyên văn trường THPT Lam Sơn (Thanh Hóa); sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm, từng là lính lục quân trong thời kỳ “bành trướng Bắc Kinh” (1979-1982). Năm 1983 giải ngũ về làm giáo viên chuyên văn, trường THPT Lam Sơn. Bảo vệ TS năm 1994, được phong PGS năm 2006; từ 1995 đến nay công tác tại Viện KHGD Việt Nam.

Nghề: Chuyên nghiên cứu về Chương trình giáo dục nói chung và Chương trình môn học Ngữ văn trong nhà trường phổ thông; chủ biên, đồng chủ biên, tác giả của nhiều bộ sách giáo khoa và sách tham khảo về môn học Ngữ văn trong nhà trường phổ thông Việt Nam, đặc biệt là sách Bồi dưỡng HS giỏi môn văn.

Nghiệp: Yêu thích nghiên cứu và phê bình văn học...

Bài viết dưới đây của ông chuẩn bị cho buổi Tọa đàm của Viện văn học Việt Nam về 80 năm ngày Thơ Mới ra đời tổ chức vào 9/4 sắp tới.

1. Khi tác phẩm văn học bước vào trang sách nhà trường...

Hầu như tất cả các tác phẩm văn học khi mới ra đời đều có vị trí và giá trị gần như ngang nhau, bình đẳng trước bạn đọc. Thế rồi theo thời gian, với nhiều nhân tố tác động khác nhau, mỗi tác phẩm bắt đầu có số phận riêng, bắt đầu lênh đênh, chìm nổi rất khác nhau... và đại đa số là mất hút trong biển đời “vô tăm tích”, số còn lại thật ít ỏi so với số đã mất. Đương thời Hoài Thanh từng tâm sự: để làm được cuốn Thi nhân Việt Nam, ông đã đọc “ tất cả một vạn bài thơ và trong số ấy có non 1 vạn bài dở”, chỉ còn lại chừng ấy tác giả và tác phẩm trong Thi nhân Việt Nam. Thế mà có người vẫn chê ông là quá dễ dãi “ thi sĩ đâu mà lắm thế? Mới hơn mười năm mà trên bốn chục người!”. Thực ra, Hoài Thanh có quan niệm rất đúng về tài năng đích thực. Theo ông trong số hơn 40 người có thơ trích trong đó “may mắn ra 4 người sẽ có tên lưu truyền hậu thế”[1]

Có rất nhiều yếu tố góp phần tạo nên sức sống lâu bền và quyết định số phận của tác phẩm văn học. Một trong những yếu tố đó là nhà trường phổ thông. Cứ thử làm một phép so sánh: 01 tác phẩm được coi là khá nổi trội nếu xuất bản thì số lượng in cũng chỉ vài chục ngàn. Trong số này liệu có bao nhiêu người sẽ đọc tác phẩm đó một cách nghiêm túc, cẩn thận? Câu trả lời không cần khảo sát cũng sẽ là: rất ít. Trong khi cũng chính tác phẩm đó, nếu đưa vào chương trình (CT) và sách giáo khoa ( SGK) nhà trường, số lượng in sẽ là hàng trăm ngàn bản, chưa kể năm nào cũng in lại. Không những thế tác phẩm đó còn được giáo viên và học sinh đọc, giảng dạy, phân tích, bình luận, trao đổi kỹ càng về cả nội dung và nghệ thuật, cả hoàn cảnh ra đời và thân thế sự nghiệp tác giả; rồi hàng loạt sách tham khảo tiếp tục mổ xẻ, phân tích thêm về tác phẩm ấy để giúp học sinh mở rộng, đào sâu.... Có thể nói không nơi nào có điều kiện và cơ hội giới thiệu, phổ biến tác phẩm văn học cho một công chúng đông đảo như nhà trường phổ thông. Hàng năm có tới gần 20 triệu học sinh phổ thông các cấp được giáo dục và trang bị tri thức văn học. Không phải ngẫu nhiên mà trong ký ức mỗi người đã trưởng thành, những áng thơ văn in đậm nhất vẫn là những câu thơ, lời văn trong trang sách học trò. Và như vậy cũng có nghĩa là thâm nhập vào nhà trường là một trong những điều kiện cần để tác phẩm văn học có cơ hội sống lâu hơn, tuổi thọ cao hơn, phổ cập rộng hơn... Đành rằng không phải tác phẩm nào cũng như thế, nhưng phần lớn là như thế. Với ý nghĩa đó, những tác phẩm văn học khi đã được tuyển vào nhà trường giống như các di tích lịch sử đã được xếp hạng. Có tác phẩm thuộc diện bảo tồn của thế giới, UNESCO phong tặng là di sản tinh thần của nhân loại; có tác phẩm thuộc di tích lịch sử quốc gia và có tác phẩm là di tích của tỉnh, thành phố...

Ngữ văn là một môn học dễ có nhiều ý kiến đa dạng, trái chiều; nhiều góp ý phong phú và hình như góp ý dễ nhất. Hình như ai cũng thấy cứ đọc được chữ là hiểu được văn. Rất ít người không thấy rằng đọc văn cũng như đọc nhạc, đọc hội họa và các ngành nghệ thuật khác – nó rất cần một vốn tri thức và những hiểu biết căn bản về văn học, văn chương. Hơn nữa, cũng như tác phẩm văn chương, Ngữ văn là một môn học rất nhạy cảm với “thời tiết chính trị”, được dư luận khá quan tâm và thường có nhiều ý kiến “chỉ đạo”, “uốn nắn”. Việc tuyển chọn tác phẩm vào CT và SGK nhà trường do đó là một công việc đòi hỏi rất công phu, cẩn trọng và nặng nhọc, đôi khi không tùy thuộc tất cả vào người biên soạn được... Tác phẩm được tuyển phụ thuộc vào khá nhiều tiêu chí và điều kiện khác nhau, trước hết là quan điểm chính trị, tư tưởng; quan niệm thẩm mĩ; quan niệm dạy học tác phẩm văn chương...của mỗi thời kỳ lịch sử. Chính vì thế nhìn vào CT và SGK văn học các thời kỳ khác nhau, nếu tác phẩm nào xuất hiện nhiều lần, thì đó là dấu hiệu của một tác phẩm lớn; nó thuộc về nhiều thời đại, nhiều khuynh hướng, nhiều ý thức thẩm mĩ và phù hợp với nhiều quan niệm dạy học tác phẩm văn chương.

Thơ Mới nói riêng và văn học lãng mạn giai đoạn 1930-1945 nói chung là một sự kiện quan trọng, nổi bật trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Giá trị, ý nghĩa và vai trò của bộ phận văn học này như thế nào, đã có rất nhiều công trình bài viết, nghiên cứu, đánh giá. Ở đây chúng tôi chỉ nhìn nhận và xem xét thơ Mới vào nhà trường phổ thông như thế nào? Cụ thể là Thơ Mới nói riêng và văn học lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930-1945 nói chung vào CT và SGK nhà trường từ khi nào? Ý nghĩa của sự kiện đó? Những tác phẩm, tác giả nào của bộ phận văn học này được học? Có thể rút ra được những kết luận gì từ việc xuất nhập của một số tác phẩm văn học lãng mạn/ thơ Mới qua các lần thay đổi CT và SGK văn học? Chương trình Ngữ văn sau 2015 nên ứng xử với thơ Mới và văn học lãng mạn như thế nào?... Đó là những câu hỏi cần được làm sáng tỏ.

2. Văn học lãng mạn và thơ Mới vào CT và SGK như thế nào?

Chúng ta đều biết, cách mạng tháng Tám 1945 khép lại một giai đoạn lịch sử và cũng là sự kết thúc của văn học lãng mạn trong đó có thơ Mới. Nếu dựa vào các văn bản chương trình môn học Ngữ văn, thì có thể thấy văn học lãng mạn vào nhà trường khá sớm. Chương trình giáo dục do Hoàng Xuân Hãn và nhóm giáo sư trường Khải Định (Huế) biên soạn năm 1946 là văn bản chương trình đầu tiên chủ trương dạy Tự lực văn đoàn và thơ Mới trong nhà trường trung học chuyên khoa (lớp đệ tam ban Hán tự, ban khoa học AB và sinh ngữ). Văn bản chương trình Hoàng Xuân Hãn ghi rõ:

Giảng văn: Thơ văn có chịu ảnh hưởng phương Tây: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, phái Đông Dương tạp chí và phái Nam phong. Tự lực văn đoàn, Nguyễn Khắc Hiếu và các nhà thơ Mới[2]

Như thế ngay những ngày đầu sau cách mạng tháng Tám 1945, văn học lãng mạn đã dược dạy trong nhà trường phổ thông. Ngay cả trong kháng chiến chống Pháp, nhằm đưa sự nghiệp giáo dục đi vào ổn định và có bước phát triển mới trong hoàn cảnh kháng chiến, tháng 1-1948, Trung ương Đảng đã xác định nhiệm vụ của Bộ GD là “họp hội nghị giáo giới chấn chỉnh mở mang việc học trong thời chiến, định chương trình học cho các cấp, soạn sách giáo khoa mới, định cách dạy học trò theo lối mới, vừa tránh được nạn nhồi sọ của thời thuộc Pháp, vừa thích hợp với tinh thần kháng chiến và dân chủ”[3]. Tuy nhiên về cơ bản, Chương trình dạy và học trong nhà trường phổ thông trong cả nước ( từ vùng tự do đến vùng quốc gia) trong những năm từ 1945 đến 1952-1953, đều sử dụng Chương trình Hoàng Xuân Hãn[4] tuy có sửa đổi ít nhiều.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc 1954, Nam - Bắc chia làm hai miền. Chương trình GDPT cũng đi theo hai hướng khác nhau. Văn học lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930-1945 lại xuất hiện trong chương trình của miền Nam (1957). Chương trình Việt văn [5] yêu cầu học văn học lãng mạn ở các lớp 7 và 11, nhưng chỉ học các tác giả và tác phẩm của Tự lực văn đoàn, cụ thể là Đoạn tuyệt của Nhất Linh, Nửa chừng xuân của Khái Hưng và tập tiểu luận Mười điều tâm niệm của Hoàng Đạo. Mỗi tác phẩm như thế ngoài bài học khái quát về tác phẩm còn học khá nhiều đoạn trích cụ thể.

Cho đến các lần thay đổi sau này, về căn bản chương trình của miền Nam[6] vẫn không có gì khác đối với văn học lãng mạn; vẫn chủ yếu là Tự lực văn đoàn với ba tác giả, tác phẩm đã nêu. Trong cuốn Việt văn đệ nhị[7], tác phẩm Nửa chừng xuân được trích tới tám đoạn để giảng cho học sinh, Đoạn tuyệt được trích sáu đoạn, Mười điều tâm niệm trích năm đoạn. Bài khái quát cũng được soạn khá chi tiết. Tầm quan trọng đặc biệt của Tự lực văn đoàn còn thể hiện ở chỗ nó đặt ở trọng tâm của các lớp đi thi, và hầu như năm nào trong kỳ thi tú tài người ta cũng ra đề thi về Tự lực văn đoàn.

Trong khi đó cũng thuộc trào lưu lãng mạn, nhưng thơ Mới lại ít được nhà trường miền Nam chú ý. Thơ Mới chỉ đề cập tới khi giảng dạy học sinh những tư tưởng bắt nguồn từ Tây phương như: tư tưởng lãng mạn, tư tưởng dân chủ, và Thiên chúa giáo. Ở đây, những tác phẩm lãng mạn tiêu biểu được đưa ra làm dẫn chứng như Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, Thơ say của Vũ Hoàng Chương, thơ Hàn Mặc Tử… Chương trình Ngữ văn của miền Nam trong vòng 20 năm (1955-1975) hầu như bỏ quên hoàn toàn đối với văn học cách mạng và văn học hiện thực phê phán.

Đối với chương trình và SGK miền Bắc ( sau 1954), văn học lãng mạn Việt Nam (1930-1945) vào nhà trường rất muộn. Nếu như miềm Nam chỉ hơn 10 năm sau cách mạng tháng Tám, văn học lãng mạn đã có mặt trong CT nhà trường, thì ở miền Bắc phải sau hơn 40 năm, tức những năm cuối thập kỉ 80 thế kỉ trước, bộ phận văn học này mới chính thức xuất hiện trong CT và SGK của nhà trường phổ thông. Cụ thể là khoảng năm 1987-1988 bên cạnh SGK Văn học chính thức, Bộ Giáo dục cho biên soạn Tài liệu bổ sung về văn học lãng mạn dưới dạng phụ lục để đưa vào học trong nhà trường. Nội dung phụ lục này nêu một số tác giả và tác phẩm của văn học lãng mạn giai đoạn 1930-1945. Tuy nhiên có điều khác với miền Nam, phụ lục này chủ yếu là đưa các tác phẩm thơ Mới, văn xuôi chỉ tuyển vào truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam.   

Cho đến năm 1989 khi xây dựng CT Văn học cho bậc PTTH thì bộ phận thơ văn lãng mạn mới được chính thức ghi vào CT học giảng văn. Nhưng chủ yếu vẫn là thơ Mới với nhiều tác giả và tác phẩm. Cụ thể là:

- Xuân Diệu được học với tư cách tác gia (5 tiết) với bài khái quát giới thiệu Xuân Diệu - Tiểu sử và con người. Vị trí tiêu biểu của Xuân Diệu trong phong trào "Thơ mới". Xuân Diệu và thơ Pháp. Tư tưởng và phong cách nghệ thuật thơ Xuân Diệu. Xuân Diệu viết văn xuôi và phê bình văn học. Xuân Diệu sau Cách mạng tháng Tám. Sau đó học giảng văn các tác phẩm : Phấn thông vàng (Tỏa nhị Kiều);  Đây mùa thu tới; Thơ duyên.

- Huy Cận  học bài thơ  Tràng Giang       
- Hàn Mạc Tử : Đây Thôn Vĩ Dạ                                                  
- Thâm Tâm : Tống biệt hành                                                       

Ngoài ra còn đưa vào Đọc thêm các tác giả, tác phẩm sau :

- Thế Lữ với Tiếng sáo Thiên Thai.
- Xuân Diệu: Vội vàng Nguyệt cầm
- Nguyễn Bính với bài Tương tư

Với văn xuôi thì vẫn chỉ học Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

Cho đến CT Ngữ văn phân ban (1993), về cơ bản văn học lãng mạn Việt Nam vẫn giữ nguyên như CT văn học 1989, song có bổ sung một số tác phẩm đọc thêm như :

- Hoài Thanh: Một thời đại trong thi ca                                      
- Khái Hưng: Cháu Ái  ( trích Nửa chừng xuân)
- Hồ DZếnh : Em Dìn 
- Thạch lam: Dưới bóng hoàng lan

Chương trình Ngữ văn hiện hành (sau 2000) tiếp thu và kế thừa CT và SGK các lần trước nên không có sự thay đổi lớn về văn học lãng mạn và thơ Mới. Chỉ khác mấy điểm sau :

a) Đưa văn học lãng mạn Việt Nam (1930-1945) vào CT Ngữ văn THCS[8]. Cụ thể là  lớp 8 học  các tác phẩm như: Ông đồ - Vũ Đình Liên, Nhớ rừng - Thế Lữ, Quê hương - Tế Hanh. Văn xuôi Thạch Lam: Gió lạnh đầu mùa.

b) Với CT Ngữ văn THPT các tác phẩm thơ Mới được tuyển vào có ít nhiều thay đổi. Chẳng hạn: Tản Đà học Hầu trời thay cho Thề non nước (trước đây), Xuân Diệu học Vội vàng chính thức mà không phải là Đây mùa thu tới hay Thơ duyên

3. Một số suy nghĩ và bình luận

3.1) Như trên đã nêu, văn học lãng mạn Việt Nam (1932-1945) nói chung và thơ Mới nói riêng được đưa vào nhà trường phổ thông từ rất sớm. Với chương trình Hoàng Xuân Hãn thì gần như là cùng thời với bộ phận văn học này. Các tác giả chương trình không hề có ý phân biệt và đánh giá thấp văn học lãng mạn về lập trường tư tưởng mặc dù đất nước đã bước sang một thời kỳ mới (sau 1945), với một chính thể mới.

Sau kháng chiến chống Pháp, văn học lãng mạn vào nhà trường miền Nam Việt Nam sớm hơn rất nhiều so với miền Bắc, mặc dù chủ yếu học các tiểu thuyết của Tự Lực văn đoàn[9] còn thơ Mới không học giảng văn[10] mà chỉ giới thiệu về thể văn. Trong khi đó nhà trường miền Bắc phải sau hơn 40 năm bộ phận văn học này mới vào phụ lục và mãi năm 1991-1992, tức là vừa tròn sáu mươi năm kể từ khi nó ra đời mới thực sự vào SGK Văn học lớp 11.

Việc lý giải tại sao văn học lãng mạn nói chung, thơ Mới nói riêng xuất hiện khá muộn trong nhà trường phổ thông miền Bắc không có gì khó. Với tội danh “căn bản là bạc nhược suy đồi", thơ Mới nói riêng và văn học lãng mạn nói chung làm thế nào mà vào được nhà trường phổ thông. Phải đến những năm 1988-1989, bộ phận văn học này mới xuất hiện là nhờ công cuộc đổi mới đất nước sau Đại hội Đảng lần thứ 6 (tháng 12 năm 1986). Cũng chính thời điểm này một không khí đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt bao trùm lên mọi lĩnh vực của đời sống văn học nghệ thuật, hàng loạt tác phẩm, tác giả xuất sắc xuất hiện: Nguyễn Huy Thiệp với Tướng về hưu, Những ngọn gió Hua-tát, Vàng lửa, Kiếm sắc…Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh[11], Tạ Duy Anh với Bước qua lời nguyền …báo Văn nghệ ở giai đoạn khởi sắc ; không khí học thuật sôi động ; tư tưởng đổi mới lí luận phê bình văn học bắt đầu làm lung lay cách nhìn cũ, những định kiến nặng nề; hàng loạt các vụ án văn chương bắt đầu được xem xét, nhìn nhận lại với ánh sáng mới đã làm đảo lộn sự phán quyết các giá trị một thời…Trong bối cảnh đó Bộ GD quyết định đưa văn học lãng mạn, một bộ phận văn học cấm kỵ vào nhà trường phổ thông là một quyết định mạnh mẽ nhưng không khó hiểu[12]. Tuy việc đưa văn học lãng mạn nói chung và thơ Mới nói riêng chính thức vào văn bản Chương trình 1989 và SGK văn lớp 11(1991) đã được hoan nghênh chào đón của nhiều đối tượng khác nhau, nhưng cũng gặp không ít sự phản đối dữ dội vào đầu những năm 1990, với sự quy kết rằng nhà trường đã quá đề cao văn học lãng mạn, hạ thấp văn học cách mạng.

3.2 ) Khác với miền Nam (trước 1975), chương trình văn học phổ thông trung học năm 1989 lại tập trung nhiều vào thơ Mới, Tự Lực văn đoàn chỉ giới thiệu qua và học một truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, đọc thêm Tỏa nhị Kiều (Xuân Diệu) và Dưới bóng hoàng lan (Thạch Lam). Việc nhà trường miền Nam (trước 1975) chỉ dạy Tự Lực văn đoàn với ba tác giả như nêu trên phải chăng là do yếu tố chính trị? Trước hết bối cảnh miền Nam khi đó phù hợp với tôn chỉ mục đích của nhóm Tự Lực văn đoàn "Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ. Theo chủ nghĩa bình dân, không có tính cách trưởng giả quý phái. Tôn trọng tự do cá nhân. Làm cho người ta biết đạo Khổng không hợp thời nữa. Đem phương pháp Thái Tây áp dụng vào văn chương An Nam". Tiếp theo, liệu có phải dạy các tác phẩm của Tự Lực văn đoàn nhằm góp phần hình thành và nuôi dưỡng những tình cảm ủy mị, xa rời thực tế, những tư tưởng tự do phóng túng, tư tưởng hướng về cái tôi ích kỉ, nhỏ hẹp hoặc đôi khi những tư tưởng cải lương không tưởng?

Nhưng tại sao nhà trường miền Nam trước 1975 lại không chú ý giảng văn thơ Mới lãng mạn? Phải chăng thực chất cũng là do yếu tố chính trị? Phần lớn các tác giả thơ Mới còn sống đều ở miền Bắc[13], đang là những nhà thơ chiến sĩ, đang làm thơ ca ngợi chủ nghĩa xã hội và cuộc sống mới ở miền Bắc. Điều này cũng giống như nhà trường miền Nam trước 1975 tuyệt nhiên không học các tác giả, tác phẩm của bộ phận văn học hiện thực phê phán (Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Nguyên Hồng…) và càng “xa lạ“ với bộ phận văn học cách mạng và kháng chiến. Về mặt lịch sử  văn học, CT miền Nam (1955-1975) dừng lại giai đoạn 1930-1945, không học văn học đương đại của cả hai miền. Điều này khác hẳn CT miền Bắc giai đoạn này học rất nhiều văn học đương đại, kể cả các tác phẩm mới in còn chưa khô mực trong 2 cuộc kháng chiến.

Dường như ngược lại với nhà trường miền Nam trước 1975, chương trình năm 1989 dù đã rất đổi mới so với trước, nhưng vẫn chủ yếu giảng văn thơ Mới với các bài thơ nhẹ nhàng, thể hiện tình yêu quê hương đất nước như Tràng giang (Huy Cận) ; Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), Đây mùa thu tới, Thơ duyên (Xuân Diệu), Chợ Tết ( Đoàn Văn Cừ)…Những bài thơ này chưa chắc đã là tiêu biểu cho phong cách của mỗi nhà thơ. Chẳng hạn như Xuân Diệu: Đây mùa thu tới là một bài thơ hay, nhưng Vội vàng mới tiêu biểu cho phong cách và tư tưởng nghệ thuật Xuân Diệu hơn. Cũng vì thế thơ Chế Lan Viên trước cách mạng chỉ được nhắc đến trong bài khái quát chứ không có tác phẩm được trích giảng. Còn Tự lực văn đoàn chỉ học Thạch Lam giảng văn truyện Hai đứa trẻ (THPT) và Gió lạnh đầu mùa (THCS) cũng là các tác phẩm nhẹ nhàng, tinh tế, phù hợp với bối cảnh chính trị- xã hội. Và vì thế cũng dễ hiểu chương trình không đưa vào học giảng văn hay đọc hiểu một số tác giả Tự Lực văn đoàn khác như Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng…thay vào đó là học văn học cách mạng trước 1945 và văn học đương đại sau 1945, nhằm tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, chính trị phục vụ kháng chiến.

3.3) Thơ Mới lãng mạn 1932-1945 là một hiện tượng văn học tiêu biểu, một cuộc cách mạng thơ ca, đánh dấu bước tiến mạnh mẽ trong lịch sử phát triển của văn học dân tộc. Nó nằm trong "văn mạch dân tộc", là văn hóa dân tộc. Nó cần được coi là một trong những viên gạch tạo nên học vấn phổ thông của một công dân có văn hóa. Và vì thế CT Ngữ văn trong nhà trường không thể không chú ý. Tuy nhiên nhìn nhận, tuyển lựa và định hướng dạy học thơ Mới như thế nào là một vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi. Thơ Mới học với tư cách lịch sử văn học có lẽ chỉ lên bậc đại học, còn ở nhà trường phổ thông thơ mới học với định hướng đọc hiểu văn bản theo thể loại. Thơ Mới có một phong cách riêng, có tư tưởng và những đặc trưng thi pháp nổi bật, vì thế nó cần có một cách đọc, cách giải mã phù hợp. Dạy đọc hiểu văn bản thơ mới trong nhà trường chính là giúp HS biết cách giải mã, biết cách đọc đúng thơ Mới thông qua một số bài thơ cụ thể, tiêu biểu, để từ đó người học biết tự đọc, tự khám phá các bài thơ Mới khác. Chính vì thế cần chọn được một số bài thơ thật sự tiêu biểu cho tư tưởng, phong cách và đặc trưng của bộ phận thơ này để làm văn liệu cho việc học cách tiếp cận, cách giải mã thơ Mới.

Hà Nội 10/2/2012

           ĐNT

Tài liệu tham khảo
1)     Giáo dục mỹ thuật bộ (1946)- Chương trình trung học Hoàng Xuân Hãn
2)     Bộ Giáo dục (1951)- Chương trình học trường phổ thông 9 năm (cấp 2,3)
3)     Bộ Giáo dục Việt Nam cộng hòa (1957)- Chương trình quốc văn cấp 2.
4)     Bộ Giáo dục (1963)- Chương trình văn học cấp 2,3 - NXB GD. HN.
5)     Bộ Giáo dục (1965)- Chương trình ngữ văn phổ thông cấp 2 - NXB GD. HN.
6)     Bộ Giáo dục (1971)- Chương trình 1971- NXB GD. HN.
7)     Bộ GD Việt Nam cộng hòa (1971)- Chương trình cập nhật hóa. Sài Gòn.
8)     Bộ Giáo dục (1985,1989)- Chương trình văn- tiếng Việt THCS và THPT.
9)     Bộ GDĐT (2006)- Chương trình GD phổ thông môn Ngữ văn. NXB GD.
10) Đỗ Ngọc Thống (2011)- Chương trình Ngữ văn trong nhà trường phổ thông Việt Nam - NXBGD


[1] Hoài Thanh – Nhỏ to ( Thi nhân Việt Nam)

[2] Giáo dục mỹ thuật bộ  (1945)- Chương trình trung học, trang 6. CT chỉ ghi khái quát như trên, còn giảng tác phẩm nào tùy vào người dạy lựa chọn.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 9, 1948, Nxb CTQG,Hà Nội, 2001, tr 35.

[4] Xem Nguyễn Q. Thắng – Khoa cử và giáo dục Việt Nam- sách dã dẫn, trang 196

[5] Bộ Quốc gia GD Việt Nam cộng hòa (1957), Chương trình trung học. Sài Gòn

[6] Như Chương trình Cập nhật hóa hoặc Chương trình THPT tổng hợp những năm 70 của thế kỷ XX,

[7] Võ Thu Tịnh (1970), Việt văn đệ nhị abcd Tập 1và 2, NXB Hải Vân

[8] CT Văn học (CCGD) biên soạn 1986 chưa có văn học lãng mạn, mãi đến lần chỉnh lý SGK Văn học THCS (1993) thì mới  học một số bài thơ Mới như Ông Đồ ( Vũ Đình Liên), Nhớ rừng ( Thế Lữ), Quê Hương ( Tê Hanh); Chợ Tết (Đoàn Văn Cừ)…

[9] Mà cũng chỉ tập trung vào ba tác giả là Nhất linh (Đoạn tuyệt), Khái Hưng (Nửa chừng xuân) , Hoàng Đạo (Mười điều tâm niệm)

[10] Nhiều giáo viên văn miền Nam trước giải phóng cho biết: họ vẫn dạy thơ Mới, nhưng ở đây chúng tôi căn cứ vào văn bản chương trình.

[11] Năm 1987 in lần đâu mang tên Thân phận tình yêu.

[12] Người có công đề xuất các tác giả văn học lãng mạn vào Phụ lục để dạy trong nhà trường PTTH năm 1987-88 là TS Vũ Quốc Anh và TS. Hà Bình Trị, hai chuyên viên phụ trách môn văn bậc trung học.
[13] Có thể kể Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Thế Lữ, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh, Anh Thơ, Nam Trân, Hoài Thanh …

Hình ảnh giao diện: Sách do PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chủ biên.


Bình luận

        Rất hân hạnh, bạn là người đầu tiên gửi lời bình luận đến chúng tôi !
Gửi lời bình
  • Mã xác nhận
  •  
  • Họ tên
  • Email
  • Nội dung
Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook