CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Giáo dục

HƯỚNG TỚI NỀN GIÁO DỤC ĐA PHƯƠNG TIỆN

Thứ sáu ngày 3 tháng 1 năm 2014 12:00 AM

Lâu nay đối với nhà trường phổ thông Việt Nam, sách giáo khoa (SGK) bao giờ cũng là tài liệu dạy học quan trọng và gần như duy nhất. Mọi thông tin, kiến thức và kỹ năng đều được chuyển tải qua SGK, nhờ SGK và bằng SGK...

Nhận xét trên đây mặc nhiên được thừa nhận trong suốt một thời gian dài và ít ai thấy vô lý. Tuy nhiên, trước sự phát triển đến chóng mặt của khoa học, kỹ thuật, nhất là công nghệ - tin học, một câu hỏi đã đặt ra: liệu SGK có đáp ứng được tất cả các yêu cầu của việc cung cấp tri thức phổ thông cho học sinh (HS) trong thời đại ngày nay? Câu trả lời là không thể, cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Nhất là khi có dịp đến thăm và tìm hiểu nền giáo dục của một nước phát triển.


Quang cảnh thành phố Brisbane 
 

Australia chưa phải là một nước trong tốp đứng đầu về giáo dục nhưng câu trả lời trên cũng đã rất rõ. Thành phố Brisbane thuộc bang Queensland là thành phố lớn nhất bang này. Cơ sở hạ tầng tốt, môi trường xã hội, con người, thiên nhiên và khí hậu ttuyệt vời... Trong bối cảnh đó, giáo dục phát triển rất mạnh. Tìm hiểu chương trình, SGK và tình hình dạy- học trong nhà trường phổ thông cũng như đại học ở đây, ai cũng có thể thấy điểm nổi bật nhất là nhà trường tập trung hình thành, rèn luyện cho giáo viên cũng như học sinh tính linh hoạt, năng động, sáng tạo trong dạy và học trên cơ sở cung cấp cho họ một nguồn thông tin phong phú và công cụ làm việc hiện đại.

Chiếm toàn bộ một châu lục, diện tích Australia tương đương với diện tích Hoa Kỳ, nhưng chỉ có 06 bang và 02 vùng lãnh thổ, hầu hết các thành phố sầm uất nằm dọc theo bờ biển. Hàng năm có khoảng 3,3 triệu HS tốt nghiệp phổ thông. Tám lĩnh vực học chính thức trong nhà trường Australia là: Nghệ thuật; Tiếng Anh; Giáo dục thể chất; Ngoại ngữ; Toán, Khoa học; Nghiên cứu xã hội và môi trường; Công nghệ. Dựa trên khung chương trình (framework curriculum) của Nhà nước liên bang, mỗi bang tự soạn ra Chương trình học tập của bang mình nhằm chi tiết hoá các định hướng và chuẩn của liên bang cho phù hợp với địa phương. Việc soạn thảo này do cơ quan chuyên nghiên cứu về giáo dục của mỗi bang chịu trách nhiệm. Đến lượt mình, các nhà trường phổ thông ở tiểu bang lại căn cứ vào chương trình của bang để cụ thể hoá tiếp tục cho phù hợp hơn nữa với địa phương của mình. Chương trình này được gọi là chương trình làm việc (work program) hay còn gọi là chương trình nhà trường (school curriculum). Đây chính là chương trình thực học, chi tiết và cụ thể của mỗi nhà trường. Chương trình làm việc này được các tiểu ban của địa phương và các tổ trưởng chuyên môn các trường soạn thảo, hiệu trưởng nhà trường phê duyệt hàng năm. Như thế nội dung dạy học của mỗi trường có thể rất khác nhau, cơ quan giáo dục bang chỉ quản lý bằng chuẩn học tập của bang. Các trường tổ chức phân loại học sinh theo các nhóm xếp vị trí từ cao xuống thấp để xét vào đại học (không thi đại học). Việc xếp loại học sinh được tiến hành bằng nhiều cách và từ nhiều nguồn khác nhau: báo cáo, bài tập nghiên cứu, nhận xét của giáo viên, thực hành... (bài kiểm tra, thi chỉ là một trong các hình thức đó).

Có thể thấy việc quản lý chương trình và tổ chức dạy học ở đây hết sức linh hoạt, phân cấp khá rõ cho các cơ quan giáo dục, cấp trên không làm thay, không độc quyền, cấp dưới chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng các định hướng và yêu cầu của cấp trên.



Một giờ học lịch sử cổ đại tại thư viện
 

Điều quan trọng và đáng suy nghĩ nhất là tài liệu, cách thức tổ chức dạy học ở đây khá phong phú và mới mẻ. SGK có nhiều bộ khác nhau đã đành, nhưng điều quan trọng hơn: đó không phải là tài liệu học tập duy nhất. Khi được hỏi vai trò của SGK, hầu như tất cả mọi người từ lãnh đạo cơ quan quản lý giáo dục bang đến các cán bộ nghiên cứu đều trả lời thống nhất rằng SGK càng ngày càng ít quan trọng. Với họ, SGK chỉ là một trong các tài liệu học tập của giáo viên và học sinh. Căn cứ vào chương trình và yêu cầu cần đạt (chuẩn) người giáo viên cũng như học sinh có thể tham khảo và lấy từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau chẳng hạn đĩa CD, DVD, e-learning; internet; các sách báo ngoài nhà trường... cùng với SGK để giảng dạy và học tập. Có thể nói vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông ( ICT) là hết sức quan trọng trong việc học tập của nhà trường phổ thông ở Austrailia nói chung cũng như ở bang Queensland nói riêng.

Một trong những nội dung ICT được chú ý là Giáo dục media. Mục đích của giáo dục media là giới thiệu cho người học về đặc điểm, tiện ích, vai trò, tác dụng cũng như những hạn chế (cần phê phán) của các phương tiện thông tin đại chúng: CD, DVD, Cinema; Television; Radio; Internet; Video Games; Mobile phones; Newspapers and magazines... Tại sao nhà trường phải GD Međia? TS Michael Dezuanni, giảng viên khoa Công nghệ thông tin, Đại học Queesland lập luận như sau:  

- Văn hoá của trẻ con là văn hoá Media
- Công nghệ Media mới đang làm thay đổi xã hội
- Nhà trường muốn HS có những hiểu biết và tạo ra Media nhưng cũng phải trả lời các câu hỏi có tính phê phán về Media.
- Xóa mù Media phải bao gồm cả khả năng phê phán về Media.

Hình thức học tập trực tuyến (online) ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là một tâm điểm rất được chú ý trong giáo dục ICT ở Australia. GS. Kar-Tin Lee, Hiệu trưởng Trường toán, khoa học và giáo dục công nghệ ở Queesland khi trao đổi với chúng tôi đã nêu lên 10 ưu điểm của việc học trực tuyến là:

-   Học được bất kể lúc nào trong ngày
-   Học phù hợp với sức của mình
-   Học rất nhanh
-   Được tương tác nhiều hơn với giáo viên
-   Được thảo luận nhiều hơn
-   Có thể vươn tới nhiều nơi trên thế giới
-   Học được từ các chuyên gia giỏi
-   Học phí rẻ mà vận dụng được nhiều
-   Thu thập từ internet được nhiều nguồn thông tin
-   Được tiếp xúc với  một cộng đồng ảo (virtual communities)

Bà Lee cũng cho biết tỷ lệ học trên lớp (face to face) và học trực tuyến (online) của trường bà được tổ chức theo hướng tăng dần: ban đầu trợ giúp, bổ sung bằng trực tuyến, sau đó tích hợp các nội dung giảng dạy vào trực tuyến nhiều hơn và cuối cùng học trực tuyến chiếm tới 60%, lên lớp chỉ còn 40%. Không chỉ có hình thức học tập đến lớp, đến trường, học trên mạng (e-leaning) mà còn có nhiều hình thức học từ xa khác: học tại nhà, học qua thư điện tử (e-mail), học qua điện thoại, học qua truyền hình... Và đương nhiên tất cả các GV từ phổ thông đến Đại học đều phải biết sử dụng máy tính, biết vào mạng để truy cập thông tin, để giảng bài, để trao đổi và làm giàu tri thức của mỗi người. Ở đây người ta sẽ rất khó hình dung ra một nhà trường, một giáo viên hay một học sinh, sinh viên không biết vào mạng internet, không biết sử dụng máy vi tính, trong công việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Tất cả các hội thảo, diễn đàn, trao đổi, giới thiệu, giảng bài... đều dùng máy tính, máy chiếu... Trong trường đại học chỗ nào cũng có thể truy cập Internet không dây hoặc có dây... tất cả đều miễn phí.



Vườn thú Kangooro
 

Học tập theo tinh thần trên, người học luôn được tiếp xúc với rất nhiều nguồn thông tin đa dạng và phong phú khác nhau. Người GV phải biết hướng dẫn HS biết cách thu thập và xử lí thông tin, tổng hợp và lựa chọn từ nhiều nguồn khác nhau để tìm ra một kết luận đúng đắn, phù hợp. SGK vì thế không còn là nơi độc tôn chân lí, không còn là nguồn thông tin duy nhất. Học vấn phổ thông hiện nay không chỉ còn nằm trong mấy cuốn SGK nữa mà được tiếp cận từ nhiều nguồn khác nhau, được cập nhật, bổ sung và làm mới từ nhiều nguồn khác nhau. Với khối lượng tri thức khổng lồ, ngày một tăng nhanh đến chóng mặt, SGK không thể cập nhật nhanh chóng và bao quát hết được các lĩnh vực tri thức ấy. Hơn nữa SGK suy cho cùng vẫn chỉ là quan điểm, nhận thức của một hay một nhóm người về một vấn đề hay lĩnh vực nào đó. Nhiều bộ sách sẽ giúp người dạy và người học có nhiều nguồn thông tin, nhiều cách tiếp cận chân lý hơn, nhất là SGK văn học và khoa học xã hội. Và vì vậy suy rộng ra nếu GV và HS được tiếp cận và làm việc với nhiều phương tiện, nhất là công nghệ thông tin hiện đại, thì chắc chắn việc trang bị học vấn phổ thông; hình thành và rèn luyện kĩ năng thực hành sẽ nhanh chóng hơn nhiều.

Tất nhiên đi đôi với nhận thức phải là các điều kiện khác, trước hết là điều kiện vật chất, trang thiết bị dạy học. Các trường học ở Queesland đều có cơ sở vật chất rất lý tưởng: lớp học bao giờ cũng có các loại máy chiếu, máy vi tính được nối mạng, phông màn và các thiết bị điện tử khác…

Những năm gần đây, Việt Nam đang mở cửa, hội nhập, nhằm tiếp cận và bắt nhip được với các nền giáo dục tiên tiến. Chúng ta không thể không chú ý đến ICT. Những năm qua, ở những vùng phát triển ( thành phố, thị xã...) nhiều giáo viên và nhà trường đã bước đầu nhận thức và ứng dụng được khá nhiều ICT vào dạy học. Tuy  nhiên nhìn chung vẫn còn tự phát, chưa có kế hoạch; chưa mang tầm chiến lược và đặc biệt những điều kiện cơ sở vật chất trong điều kiện hiện nay, Việt Nam chưa thể đáp ứng được. Song, chúng tôi cho rằng, điều quan trọng nhất đối với giáo dục Việt Nam vẫn là việc chuẩn bị được một đội ngũ giáo viên có kiến thức, kỹ năng tốt trong việc khai thác, ứng dụng, giảng dạy bằng ICT, với ICT và về ICT.

Đ.N.T - Hà Nội  - 2014

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook