CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Giáo dục

VẺ ĐẸP CỦA VĂN MIÊU TẢ

Thứ tư ngày 15 tháng 5 năm 2013 12:00 AM

(Dành cho giáo viên Ngữ văn và học sinh Trung học cơ sở)

1.Quan sát trong miêu tả

Bất kỳ sự tưởng tượng nào dù phong phú và kỹ vĩ đến đâu cũng đều bắt nguồn từ thực tế, gắn với đời sống hàng ngày. Nhưng không phải cứ sống lâu trong thực tế thì sẽ có trí tưởng tượng phong phú. Muốn có, phải lăn lộn, từng trải và nhất là cần phải biết quan sát. Những trang văn miêu tả hay, có hồn và sống động là những trang văn của những người biết quan sát, có tài quan sát và chịu khó quan sát. Nhà văn Tô Hoài sở dĩ làm đắm say thế hệ thiếu niên bằng những trang miêu tả về hoạt động, tính nết, "phong tục" của những chú Dế Mèn, Dế Trũi, Đại vương ếch Cốm, Thầy đồ Cóc ... là do ông đã gắn bó, bầu bạn và say mê quan sát cái thế giới rất nhiều cây cỏ và các loài vật trên bãi sông trước cổng làng ông.

Phải am hiểu và quan sát rất kỹ những tục lệ của Việc làng dưới thời phong kiến, Ngô Tất Tố mới có thể miêu tả chính xác, cụ thể và sinh động cảnh thằng mõ chặt thịt gà chia cỗ thành thạo và điệu nghệ như một diễn viên xiếc:

"Hắn lách lưỡi dao vào sườn con gà, cắt riêng hai cái tỏi gà bỏ ra góc mâm. Rồi lật ngửa con gà lên thớt, hắn ướm dao vào giữa xương sống và giơ dao lên chém luôn hai nhát theo chiều dài cái xương ấy. Con gà bị tách ra làm hai mảnh đều có một nửa xương sống. Một tay giữ thỏi thịt gà, một tay cầm con dao phay, hắn băm lia lịa như không chú ý gì hết. Nhưng mà hình như tay hắn đã có cỡ sẵn, cho nên con dao của hắn giơ lên, không nhát nào cao, không nhát nào thấp. Mười nhát như một, nó chỉ lên khỏi mặt thớt độ già một gang, và cách cái ngón tay hắn độ vài ba phân. Tiếng dao công cốc đụng vào mặt thớt, dịp dàng như tiếng mõ của phường chèo, không lúc nào mau, cũng không lúc nào thưa. Mỗi tiếng cốc là một miếng thịt băng ra. Miếng nào như miếng ấy, đứt suốt từ xương đến da, không còn dính nhau mảy may ..."   ( Nghệ thuật băm thịt gà - trích Việc làng )

Quan sát không chỉ là quan sát hành động bề ngoài, mà nhiều khi còn phải quan sát bên trong để thấu hiểu và thể hiện được những diễn biến nội tâm của nhân vật. Trong trường hợp này, nhà văn thường phải nhập thân vào nhân vật. Nam Cao là một trong những nhà văn có biệt tài như thế. Đây là tâm trạng của Chí Phèo sau đêm tỉnh rượu :  " Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh. Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài. Cũng như những người say tỉnh dậy, hắn thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn. Người thì bủn rủn, chân tay không buồn nhấc. Hay là đói rượu? Nghĩ đến rượu hắn hơi rùng mình. Ruột gan lại nôn nao lên một tí. Hắn sợ rượu cũng như người ốm thường sợ cơm. Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy... Chao ôi là buồn !" (Chí Phèo)

Miêu tả tâm trạng của một người có ý định lấy ví tiền của bạn, mặc dù không ai biết, nhưng đấu tranh mãi rồi tự mình trả lại. Trả xong vừa thanh thản, vừa thấy tiêng tiếc. Cái tâm lý phức tạp ấy đã được Thạch Lam miêu tả rất tài tình trong truyện ngắn Sợi tóc: "Gió lạnh thổi mát trên vừng trán nóng, và cái cảm giác mát ấy khiến tôi dễ chịu. Tôi nghĩ lại đến những cử chỉ và dự định của tôi lúc nãy, thật vừa như khôn khéo, vừa như người mất hồn . Tất cả những cái đó bây giờ xa quá! Tâm trí tôi giãn ra, như một cây tre uốn cong trở lại thẳng thắn lúc thường. Tôi cảm thấy một cái thú khoái lạc kỳ dị, khe khẽ và thầm lặng rung động trong người, có lẽ là cái khoái lạc bị cám dỗ, mà cũng có lẽ cái khoái lạc đã đè nén được sự cám dỗ. Và một mối tiếc ngấm ngầm, tôi không tự thú cho tôi biết và cũng có ý không nghĩ đến, khiến cho các cảm giác ấy của tâm hồn tôi thêm một vẻ rờn rợn và sâu sắc ".

Quả là muốn viết được, nhất thiết phải biết quan sát để ấn sâu thêm trí nhớ, giúp sức cho trí tưởng tượng bay bổng, như nhà văn Tô Hoài đã khẳng định .

2. So sánh, liên tưởng trong miêu tả

Văn miêu tả nhằm dựng người, dựng cảnh, dựng không khí, giúp người đọc hình dung ra sự vật, sự việc một cách sinh động, cụ thể. Vì thế khi viết văn miêu tả, người ta thường dùng liên tưởng, ví von, so sánh... Nhờ có liên tưởng, so sánh mà văn miêu tả khơi gợi được trí tưởng tượng, khích thích được óc sáng tạo của người đọc.

Hầu như giở bất cứ một trang văn miêu tả hay nào, chúng ta cũng sẽ dẫn ra được những liên tưởng, so sánh thú vị. Đó là những so sánh, liên tưởng vừa gần gũi quen thuộc, lại vừa rất bất ngờ, mới lạ khiến người đọc không khỏi ngẫm nghĩ, ngỡ ngàng, thậm chí kinh ngạc. Khi tả tiếng đàn Kiều đánh cho Kim Trọng nghe trong lần đầu gặp gỡ, Nguyễn Du đã dùng hàng loạt so sánh gợi cảm:"Trong như tiếng hạc bay qua - Đục như tiếng suối mới sa nửa vời - Tiếng khoan như gió thoảng ngoài - Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa ". Hồ Chí Minh ở chiến khu, đêm không ngủ đã nghe " Tiếng suối trong như tiếng hát xa" và thấy " Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa".  Nhà thơ Tố Hữu khi tái hiện lại hình ảnh Lượm đã có những so sánh, liên tưởng rất đẹp "Chú bé loắt choắt - Cái sắc xinh xinh - như con chim chích- nhảy trên đường vàng ". Để làm nổi bật sự vĩ đại, cao cả của Hồ Chủ Tịch, ông viết với những liên tưởng thật kỹ vĩ, đặc sắc:"Người rực rỡ một mặt trời cách mạng- Mà đế quốc là loại rơi hốt hoảng - Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người ". Miêu tả tâm hồn náo nức, say sưa khi bắt gặp lý tưởng cộng sản, Tố Hữu ví von "Hồn tôi là một vườn hoa lá - Rất đậm hương và rộn tiếng chim". Thể hiện sức mạnh quật khởi không gì cả nổi của một dân tộc, Nguyễn Đình Thi dùng hình ảnh so sánh " Súng nổ rung trời giận dữ - Người lên như nước vỡ bờ" và liên tưởng " Nước Việt Nam từ máu lửa- rũ bùn đứng dậy sáng lòa "...

Văn xuôi nghệ thuật dùng rất nhiều so sánh liên tưởng khi miêu tả. Đây là chân dung Cai Tứ  của Lan Khai: "Trạc tuổi độ 50, gầy đét như con mắm. Mặt dài, màu da cháy thẫm như sành. Trên trán mấy đường gân nổi to như chão. Cái mồm lão tối om như cửa hang...". Còn đây không nói ai cũng biết là văn của ai và tả về nhân vật nào "Cái mặt thị thực là một sự mỉa mai của hóa công: nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang hơn bề dài, thế mà hai má lại bóp lại mới thật là tai hại. Nếu má phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như là mặt lợn, là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng, trên cổ người. Cái mũi thị vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi...”

Tả người đã thế, tả cảnh càng cần hơn thế. Hãy đọc một số đoạn văn tả cảnh có nhiều so sánh, liên tưởng đẹp:

"Những cánh buồm nâu trên biển được nắng chiếu vào, hồng rực lên như đàn bướm múa lượn giữa trời xanh... Biển lặng, đỏ, đầy như mâm bánh đúc, loáng thoáng những con thuyền như những hạt lạc ai đem rắc lên trên... Những cánh buồm ra khỏi cơn mưa, ướt đẫm, thẫm lại, khỏe nhẹ bồi hồi, như ngực áo bác nông dân cày xong ruộng về bị ướt " (Biển đẹp -Vũ Tú Nam ).

"Dòng Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như những người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng. Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng được dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận."  (Rừng đước Cà Mâu- Đoàn Giỏi )

"Dưới gốc tre, tua tủa những mầm măng. Măng chồi lên nhọn hoắt như một mũi gai khổng lồ xuyên qua đất luỹ mà trỗi dậy, bè măng mọc kín thân cây non, ủ kĩ như áo mẹ trùm lần ngoài cho đứa con non nớt. Ai dám bảo thảo mộc tự nhiên không có tình mẫu tử? "( Lũy làng- Ngô Văn Phú ).

Những so sánh như thế này thấy xuất hiện nhiều trong văn Nguyễn Tuân: "đã có lần tôi nhìn sông Đà như một cố nhân... Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi thơ ". Ông tả hoa Quỳnh nở:" Phút long trọng nhất của hoa quỳnh là lúc nó đang như bà mẹ rặn đẻ... Cánh nó lẩy bẩy như những tiếng thơ còn ngập ngừng trên bản thảo " (Trang hoa ). 

Trong văn miêu tả, so sánh liên tưởng là cần thiết, nhưng cũng phải đúng lúc đúng chỗ, có mức độ  và tạo được hiệu quả thẩm mĩ. Nếu lạm dụng và dễ dãi, bài văn sẽ rơi vào sự nhàm chán, sáo rỗng .

3.Thái độ, tình cảm trong miêu tả

Văn miêu tả muốn hay, người viết không chỉ có tài quan sát và thể hiện bằng các từ ngữ, hình ảnh, bằng lối so sánh, ví von độc đáo... mà còn phải có tình. Cái tình ấy có thể là tấm lòng say đắm, là thái độ và tình cảm trân trọng mến yêu đối với cái đẹp, cái thiện, cái trong sáng, cao thượng... nhưng cũng có thể là sự căm ghét, khinh bỉ đối với cái ác, cái xấu, cái lố lăng, kệch cỡm ở đời. Không có tình, mọi sự miêu tả dù ngôn ngữ có sắc sảo, phong phú và mới mẻ đến bao nhiêu cũng chỉ là làm xiếc ngôn từ. Trong trường hợp này, bài văn miêu tả chỉ là cái xác không hồn, không gây được xúc động trong lòng người đọc.

Nhìn chung trong văn xuôi, khi miêu tả, thái độ và tình cảm của người viết thể hiện một cách gián tiếp thông qua cách nhìn nhận sự vật, cách dùng từ ngữ, ví von, so sánh. Phải yêu quê hương và gắn bó với cảnh vật làng quê này lắm, nhà văn Vũ Tú Nam mới miêu tả được thế này :

" Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim ríu rít. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ: hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng, hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh, tất cả đều lóng lanh, lung linh trong nắng. Chào mào, sáo sậu, sáo đen... đàn đàn lũ lũ bay đi bay về, lượn lên lượn xuống. Chúng gọi nhau trò chuyện, trêu ghẹo và tranh cãi nhau, ồn mà vui không thể tưởng tượng được. Ngày hội mùa xuân đấy." (Cây gạo).

Mặc dù không thể hiện trực tiếp nhưng đọc đoạn văn miêu tả cảnh ông Nghị ăn cơm, không ai không nhận ra thái độ châm biếm, giễu cợt, tình cảm căm ghét của Ngô Tất Tố đối với tên trọc phú Nghị Quế và thói trưởng giả, vô học của y:

"Ông Nghị đâm chéo đôi đũa qua mặt mâm, bưng bát nước canh húp đánh soạt. Rồi ông vừa nhai vừa nuốt, vừa giục thằng nhỏ lấy tăm. Ông bà Nghị, mỗi người nhúng ba ngón ta vào chậu, vuốt qua hai mép một lượt, rồi cùng uống nước xỉa răng ... Dứt mạch diễn thuyết, ông Nghị bưng tách nước uống một hớp lớn, xúc miệng òng ọc mấy cái rồi nhổ toẹt xuống nền nhà ..." (Tắt đèn ) .

Có khi ngay trong đoạn văn miêu tả, người viết không thể kìm được thái độ và tình cảm của mình trước đối tượng đành "nhảy" vào giữa trang viết để bày tỏ và thể hiện. Trường hợp Vũ Trọng Phụng với đoạn văn sau là như thế:

 "Chị Doãn là một người đàn bà có cái nhan sắc của một người đàn ông không đẹp giai. Hai con mắt nhỏ, gò má cao, cặp môi phàm phũ, dáng người thô tục, những ngón tay tròn và dài như những quả chuối ngự. Như vậy mà lại đi ăn mặc tân thời! Răng trắng nữa trời ạ! Cái áo dài lượt thượt màu xanh, cái quần nhiễu trắng trai lơ, đôi giầy cao gót có quai kiểu gái nhẩy, với mầu khăn vành rây, ngần ấy thứ lại càng làm lộ cái mĩ miều của sự thô tục, lại càng làm tăng cái choáng lộn của sự kệch cỡm. Đã thế, trong khi truyện trò, thỉnh thoảng lại chêm vào một vài câu tiếng Tây, ra ý khoe khoang rằng mình vốn là nữ học sinh. Tôi bỗng có cái cảm tưởng man mác rằng, người đàn bà này, những lúc vắng nhà, hẳn đã huýt còi như một ông lính Tây say rượu" (Lấy vợ xấu- Đông Dương tạp chí- 19- 8 -1937). Những cụm từ “như vậy mà lại”,“răng trăng nữa trời ạ”,“đã thế”… trong đoạn văn đã thể hiện rất rõ thái độ giễu cợt, châm biếm của người viết.

Bây giờ hãy đọc đoạn văn sau đây và thử nghĩ xem thái độ, tình cảm người viết ở đây là gì: "Mở sách tìm một ngày đại an trong tháng, ông tôi gọi mẹ tôi và thím tôi đến, phát lệnh chuẩn bị tắm. Hai bà chạy ríu cả chân vì mừng rỡ, người nào việc nấy, riêng tôi, trong khi chờ đợi thì chơi đùa quanh quẩn ngoài sân với mấy đứa em .

Gần trưa ông tôi tự đứng dậy đi men ra ngoài ngồi vào một cái chõng tre đặt bên mấy thau nước. Mẹ tôi cầm gáo từ từ dội, cũng có thể nói là tẩm nước lên khắp bờ vai và lưng ông, tấm lưng đóng vảy bóng như phủ bằng sáp, cũng không biết nên hiểu đấy là do tuổi già hay do ông lười tắm, vốn là một người ngại cả trời nóng, ngại cả trời rét, ông ít đi ra khỏi nhà, càng ít động đến nước và lửa . Nước trôi tuồn tuột từng gáo, từng gáo, cái vỏ mướp được kì thật mạnh vậy mà vẫn trượt đi, mấy lần tôi ngã dúi dụi, tấm lưng nhẵn như da rắn không thấm nước làm tôi hoang mang vì thấy mình bất lực, còn ông tôi thì cười khò khè ..." ( Mảnh vườn xưa hoang vắng - Đỗ Chu)

Nói là mỗi lần ông tôi tắm nhưng thực ra là mỗi lần tắm cho ông tôi. Chỉ mỗi việc tắm ấy mà nhà văn Đỗ Chu đã miêu tả và tái hiện lại hết sức sinh động. Bằng những quan sát vừa tinh tế vừa rất hóm hỉnh, kết hợp với một tình cảm chân thực và đầy trân trọng mến yếu đối với người ông, nhà văn đã tạo nên trước mắt người đọc "một bức tranh dân gian vừa vui, vừa cảm động" như có người đã nhận xét. Vui vì chỉ có chuyện tắm của ông mà cả nhà cứ "ríu cả chân lên vì mừng rỡ, người nào việc nấy"; vui vì tác giả đặc tả cái lưng ông già một năm có hai lần tắm thật độc đáo và chính xác "tấm lưng đóng vẩy như phủ bằng sáp... nước trôi tuồn tuột từng gáo, từng gáo... tấm lưng nhẵn như da rắn không thấm nước... kì bằng vỏ mướp thật mạnh mà vẫn cứ trượt đi "...Cảm động vì những tình cảm chân thực, những tấm lòng yêu thương, kính trọng người ông, thái độ yêu kính tuổi già, một tình cảm rất chân thành, nhân hậu đã thành truyền thống của con người Việt Nam.

4. Chữ nghĩa trong miêu tả

Dù tả cảnh hay tả người, cảnh đẹp, người đẹp, hay cảnh buồn, người xấu[1], tả cho hay đều khó. Tả hai cảnh, hai người giống nhau, lại lột tả được những nét đẹp khác nhau của cảnh và người ấy lại càng khó hơn. Dù cái đẹp giống nhau đến mấy cũng đều có nét khác nhau. Người tả giỏi là phải làm nổi bật lên vẻ đẹp khác nhau ấy. Muốn thế người viết phải có tài mà trước hết là phải rất giàu có về ngôn từ, chữ nghĩa. Đây là hai đoạn cùng tả cảnh mặt trời mọc :

(1) “Những tia lửa tỏa ra ở đằng Đông báo hiệu mặt trời mọc. Đám cháy ngày càng lớn; chân trời đỏ rực những lửa. Người ta đợi... vầng Thái dương chưa xuất hiện. Mãi sau” chiềng” lửa mới lừng lững nhô lên .

 Một điểm sáng như chớp nhoáng tung ra và bao trùm mọi vật trong khoảng đất, trời, tấm màn đen tối bị cuốn hẳn đi. Chúng nhân lại thấy rõ cảnh vật quanh mình có vẻ xinh tươi vì ánh triều dương tô điểm .

Sau một đêm mát mẻ cây cỏ tăng thêm sinh lực; nhờ ánh sáng sớm mai và muôn vàn tia sáng soi rọi, hoa lá đượm một màn hương mỏng mảnh, các hạt sương như kim cương lóng lánh phản chiếu trăm sắc ngàn màu .” (phỏng theo J.J Rousseau -  Việt luận )

 (2) “ Sau trận bão, chân trời, ngấn bể, sạch như tấm kính lau hết mây, hết bụi. Mặt trời nhú lên, dần dần, rồi lên cho kỳ hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên một mâm bạc, đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng. Y như  một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông.” (Cô Tô - Nguyễn Tuân )

Rõ ràng từ việc chứng kiến, suy nghĩ, quan sát đến việc thể hiện những điều tai nghe mắt thấy ấy lên trang viết cho mọi người đọc và cảm nhận được như chính bản thân người viết là một khoảng cách rất lớn. Tài năng của người cầm bút thể hiện rất rõ ở “công đoạn” này. Không có tài, dù có tâm bao nhiêu đi nữa, cũng đành chịu. Nên chịu. Mọi cố gắng ở đây đều sẽ là hoài phí. Có lẽ vì thế, những người có kinh nghiệm viết đều nghĩ: phải có tài hãy đi vào con đường văn chương. Xin dẫn tiếp một vài đoạn văn miêu tả để làm rõ thêm cái tài của người viết.

(1) " Bến đò Trà Cổ. Hai bên bờ sông, hai kẽ đá sừng sững như hai vết hoang tàn của một chiếc cầu lớn. Mặt trăng xế mãi phương Đoài, chiếu xuống lòng sông hơi gợn sóng một giải lung linh như nắm tơ vàng ngâm lơ lửng. Xe dừng lại, đỗ lù lù trên trên cánh đồng vắng, đợi con đò chập choạng bơi sang. Bốn bề im lặng, chỉ nghe tiếng ánh trăng lờ đờ trôi dưới sông khuya và tiếng mái chèo vỗ nước của con đò lẻ. Đò sang đến giữa dòng thì mặt trăng còn cách chân trời hơn một thước, chiếu dài một vệt rực lên như vàng cháy, phảng phất giống như một chữ I run rẩy chết giữa dòng sông, đang chơi vơi cố ngoi lên với lấy dấu chấm vàng là mảnh trăng treo lạnh lùng ở chân trời. Con đò lừ đừ nhập vào cái vòng ánh sáng vàng rực ấy. Xe sửa soạn xuống phà ... Chiếc phà lại buông ra giữa dòng, người tài xế cần kiệm tắt máy đi thành ra chuyến sang ngang âm thầm quá, chỉ nghe tiếng cây sào lớn chọc bì bõm xuống lòng sông..."    ( Trần Cư -Tiểu thuyết thứ Bảy - 1944 )

(2) " Cứ xem cái tướng mạo, cái hình dáng, kiểu cách bên ngoài thì chẳng có ai nghĩ Lê Lựu là một nhà văn. Trông anh nhôm nhoam, luộm thuộm và lúc nào cũng tất tả, nhếch nhác như một gã thợ cày vừa từ một thửa ruộng ngấu bùn nào đó bước lên. Gương mặt, đầu tóc, quần áo và toàn bộ con người anh như đang tỏa ra mùi bùn đất, mùi nắng gió, mùi bụi bặm của một vùng đồng bãi sông Hồng. Con người ấy có "đắp" com-lê, cà vạt, mũ phớt, kính gọng vàng, giày Môka, nghĩa là tất cả những trang bị, phụ tùng tối tân nhất của đời sống đô thị, thì trông anh vẫn chẳng ra anh trí thức cũng chẳng ra người thành phố. Mặc dù Lê Lựu sống ở Hà Nội, lấy vợ đẻ con ở đất kinh kì này, đã từng nện gót trên nhiều đường phố lớn thế giới, lại ba lần sang Mỹ, nhưng anh vẫn là gã lực điền của vùng đất Khoái Châu, Hưng Yên. Lê Lựu như hòn gạch xỉ, hay nói đúng hơn - như một tảng đá hộc. Đó là một tảng đá nguyên khối, xù xì của thiên nhiên hoang dã mà đời sống hiện đại đô thị và nền văn minh thế giới không thể đẽo gọt được, cũng không thể tác động vào được. Cái chất quê đặc sệt này là cái duyên riêng của Lê Lựu, cũng là cái Lê Lựu hơn người ..."  (Trần Đăng Khoa - Trích Chân dung và đối thoại -1999 )

Hơn nửa thế kỷ đã qua, đọc đoạn văn của Trần Cư, ta vẫn thấy rùng mình bởi cái lạnh lẽo, buồn bã, âm thầm của một chuyến đò đêm và như được sống lại cảm giác "vội vã của kiếp sông hồ lận đận ". Với đoạn văn của Trần Đăng Khoa, một ông Lê Lựu đã lù lù hiện lên, góc cạnh, sống động và không lẫn vào đâu được. Mỗi đoạn văn có cái hay riêng, nhưng cả hai đều có điểm chung là vốn chữ nghĩa của các tác giả rất phong phú, chính xác và sắc sảo. Chú ý những chữ in nghiêng trong các đoạn văn trên, ta sẽ thấy không phải ai cũng viết được một cách linh hoạt và sống động như thế.

Đ.N.T - Hà Nội, tháng 4-2013

 

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook