(Tham luận tại Hội thảo quốc gia dạy học môn Đạo đức trong nhà trường phổ thông dự định tổ chức vào tháng 6/2013 tại Hà Nội)
Xu hướng toàn cầu hóa đang ngày càng đặt ra cho giáo dục các nước những yêu cầu và nhiệm vụ chung, nhằm hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, đẩy mạnh hội nhập theo hướng “thống nhất trong đa dạng”. Tìm hiểu và so sánh các nền giáo dục trong phạm vi khu vực hoặc rộng hơn là một nhu cầu cấp thiết và tất yếu, nên đã được rất nhiều nước quan tâm.
Chương trình (CT) môn học nào trong nhà trường phổ thông cũng phải trả lời 2 câu hỏi: 1) Dạy cái gì ? (Nội dung) và 2) Dạy như thế nào? (Phương pháp). Với câu hỏi 1, tùy vào đối tượng dạy học mà cần xác định và trả lời tiếp: Dạy đến đâu? (phạm vi, mức độ). Xu thế chung của CT các nước với tất cả các môn học là càng ở lớp thấp càng có nội dung gần nhau, giống nhau. Vì bất kỳ một đứa trẻ nào (không phân biệt dân tộc, nòi giống, đẳng cấp, màu da hay tôn giáo) khi mới sinh ra và bắt đầu lớn lên chúng đều có nhu cầu giống nhau và cần được đáp ứng nhu cầu ấy như nhau, trong đó có nhu cầu học tập. Bình đẳng về cơ hội học tập là mục tiêu GD chung của nhân loại.
Xét từ bình diện khác, như trên đã nêu, xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa đang đẩy các nước xích lại gần nhau, trong đó có yêu cầu gần nhau về nội dung GD nhằm tạo ra những công dân toàn cầu (thế hệ 3.0 như cách gọi của một số nước) với những năng lực và phẩm chất chung bên cạnh những nét đặc thù dân tộc, bản địa.
Đó chính là lý do tại sao lại chọn nội dung CT môn đạo đức ở 2 lớp đầu tiên của GD phổ thông hai nước để so sánh, nhận xét và bình luận. Mục đích chính của việc so sánh ở đây trước hết là để thấy sự tương đồng và khác biệt chứ không nặng về đánh giá hơn/kém. Sau nữa xin nêu một số nhận xét, bình luận, từ đó suy nghĩ và tham góp cho việc điều chỉnh, bổ sung, xây dựng CT môn GDCD của Việt Nam ngày một tốt hơn.
Nước Đức có một CT quốc gia chung, nhưng mỗi bang có một CTGD riêng. CT mỗi bang có khác với CT quốc gia. Chẳng hạn với cấp tiểu học nội dung giáo dục cơ bản được ghi trong CT quốc gia bao gồm:
- Dạy ngôn ngữ- Dạy toán- Dạy về phương tiện truyền thông- Giáo dục thẩm mỹ- Dạy thể thao- Tiếp cận với ngoại ngữ- Môi trường và sức khỏe- Gắn bó với quê hương và cởi mở với thế giới
Như thế không thấy có GD đạo đức, nhưng xem CT của bang Bayern, môn Tôn giáo/ đạo đức được dạy ở cả 3 cấp học, từ Tiểu học đến THPT. Những nội dung so sánh ở đây chính là lấy từ CT của bang Bayern ( CHLB Đức).
I. So sánh khái quát các nội dung đạo đức dành cho lớp 1-2 của hai nước
Các chủ đề chính của môn đạo đức lớp 1-2 trong CT hai nước gồm:
Việt Nam
|
Bang Bayern (Đức)
|
1) Quan hệ với bản thân
|
1) Tự khám phá bản thân
|
2) Quan hệ với người khác
|
2) Cùng nhau chung sống
|
3) Quan hệ với công việc
|
3) Coi trọng nhịp điệu và trật tự
|
4) Quan hệ với cộng đồng, dân tộc và nhân loại
|
4) Cảm nhận ý nghĩa của lễ hội và phong tục
|
5) Quan hệ với môi trường - thiên nhiên
|
5) Biết ngạc nhiên và trân trọng
|
|
6) Cư xử hợp với cảm xúc
|
Dễ nhận thấy CT đạo đức của Việt Nam căn cứ vào tiêu chí các mối quan hệ lớn của một con người để xây dựng nội dung dạy học; còn CT của Đức dựa vào tiêu chí nhu cầu sống của một cá nhân để xác định các nội dung dạy học. Tên các chủ đề của Việt Nam rất khái quát, gợi ra các vấn đề rất trọng đại, lớn lao… còn tên các chủ đề của Đức có vẻ rất cụ thể, hướng về cái tôi cá nhân, cá thể…nhưng gần gũi và thiết thực. Trong 5 chủ đề của CT Việt Nam chỉ 2 chủ đề đầu có nội dung gần với CT của Đức, còn lại các chủ đề sau giữa 2 CT đều khác nhau. Mỗi chủ đề đạo đức trong CT lớp 1-2 bang Bayern đều có ý nghĩa, gắn bó với việc hình thành nhân cách người học.
- Chủ đề 1 (Tự khám phá bản thân) hình thành và bồi dưỡng ý thức cá nhân, giúp HS nhận ra những khả năng của mình cũng như của những người khác. Qua đó học cách biết tự suy ngẫm và khích lệ khi nói về chính mình; cách biết chấp nhận và tôn trọng chính mình và cả những người xung quanh.
- Chủ đề 2 (Cùng nhau chung sống) giúp HS cảm nhận và biết được rằng mình không thể sống một mình; nhận thức được giá trị và sự phong phú của đời sống trong cộng đồng. Đặc biệt các em cần hiểu được ý nghĩa của gia đình. Qua bạn bè, trường lớp cũng như những người mình tin cậy, có thể tìm ra được điều gì tạo nên một cộng đồng dễ chịu và sẵn sàng góp phần tạo dựng một cộng đồng tích cực như thế.
- Chủ đề 3, (Coi trọng nhịp điệu và trật tự) hướng tới giúp HS nhận thức được rằng “mình gắn liền với nhịp điệu trong ngày, rằng nhịp điệu của một ngày không chỉ được xác định bởi các mốc thời gian mà chủ yếu qua mối tương quan giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi.” Đồng thời các em cũng nên coi mỗi ngày là một món quà, một nhiệm vụ; biết nhận thức và coi trọng ý nghĩa của từng khoảnh khắc.
- Chủ đề 4 (Cảm nhận ý nghĩa của lễ hội và phong tục) HS làm quen về tổ chức và ý nghĩa của các lễ hội, các phong tục, tập quán trong cộng đồng của mình cũng như của các nền văn hóa khác và coi đó là những yếu tố khiến đời sống thêm phong phú. Các em cũng nên học cách cùng nhau tổ chức một lễ hội.
- Chủ đề 5 (Biết ngạc nhiên và trân trọng) muốn HS trở nên “nhạy cảm với những điều vô hình trong môi trường xung quanh, những điều đáng được chú ý, quan sát, những điều khiến ta vui mừng và những điều ta thấy đẹp, đồng thời hiểu được những hình dung, quan niệm khác nhau về “cái đẹp”. Qua đó, các em học cách biết ngạc nhiên về những điều “kì diệu” nho nhỏ trong cuộc sống và biết coi trọng chúng”.
- Chủ đề 6 (Cư xử hợp với cảm xúc) học cách ứng xử với những cảm xúc và nhu cầu của bản thân, để có thể chống lại những nguy hại có thể xảy đến. “HS cần hiểu rằng không nên đè nén cảm xúc, đồng thời cũng nhận thức được cách biểu lộ cảm xúc cũng có thể gây tổn thương người khác. Trẻ cần học cách nhận biết cảm xúc của người khác, cách biểu lộ cảm xúc để có thể giúp đỡ chính mình và người khác”.
Trong mỗi chủ đề lớn có các nội dung cụ thể nhằm triển khai chủ đề lớn. Căn cứ vào các nội dung cụ thể này sẽ thấy được mục tiêu, phạm vi, tính chất và phần nào mức độ của yêu cầu dạy học. Thử so sánh nội dung cụ thể của một vài chủ đề đạo đức lớp 1- 2 trong CT 2 nước:
Việt Nam
|
Bayern ( Đức)
|
1) Quan hệ với bản thân
- Phấn khởi, tự hào đã thành HS lớp 1:
- Giữ vệ sinh thân thể và ăn mặc; giữ gìn sách vở, đồ dùng học tập.
- Sống gọn gàng, ngăn nắp, đúng giờ giấc
- Học tập sinh hoạt đúng giờ
- Khi có lỗi, biết nhận lỗi và sửa lỗi
|
1) Tự khám phá bản thân
- Cảm nhận được rằng mỗi người đều chỉ có một trên đời
- Quan sát xem người ta khác nhau thế nào
- Ngạc nhiên và biết công nhận những gì người khác đã có thể làm được
- Hình dung ra những gì mình còn có thể học
- Nhận thức về lỗi, điểm yếu của bản thân và học cách đối mặt với chúng
- Cư xử tế nhị với lỗi lầm và yếu điểm của người khác ; không cười nhạo, chê bai ai;
- Cho người khác thấy rằng mình coi trọng họ
|
2) Quan hệ với người khác
- Yêu quý những người thân trong gia đình; lễ phép với ông bà, cha mẹ, anh chị, nhường nhịn em nhỏ;
- Yêu quý thầy cô giáo, bạn bè, trường lớp; lễ phép, vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết với bạn bè;
- Mạnh dạn, tự tin khi giao tiếp. Biết chào hỏi, tạm biệt, cảm ơn, xin lỗi.
|
2) Cùng nhau chung sống
- Quan sát xem, ai là gia đình mình
- Nêu ra những điểm tốt mà gia đình có thể đem lại
- Nghĩ về việc cuộc sống gia đình cũng có thể gặp khó khăn
- Cảm nhận về việc cho và nhận trong cộng đồng
- Suy nghĩ và áp dụng những điều tạo không khí tốt đẹp cho một cộng đồng
|
Chúng tôi cố gắng tìm những chủ đề chung giữa CT 2 nước để thấy sự khác biệt trong việc xác định các nội dung dạy học và cách tiếp cận của việc xây dựng CT môn học. Từ bảng trên có thể thấy chủ đề thứ nhất cả 2 CT đều nói về bản thân người HS khi bắt đầu vào cấp 1. Nhưng cách tiếp cận của 2 CT khác nhau. CT Việt Nam chủ yếu nêu lên các yêu cầu của người lớn đối với trẻ, những điều mà người lớn thấy là tốt đẹp và cần thiết. Trong khi CT của Đức xuất phát từ bản thân người học, nhập thân vào đứa trẻ để hiểu và nêu lên những gì cần tìm hiểu. Tên của chủ đề Tự khám phá bản thân đã cho thấy điều đó và đây cũng chính là sự khác biệt so với CT Việt Nam. Cùng chủ đề này, CT Việt Nam lấy tên là Quan hệ với bản thân không rõ ở đây ai quan hệ với bản thân HS ? Đã là quan hệ thì ít nhất từ 2 phía, ở đây chỉ có thể hiểu là HS quan hệ với chính mình. Nhưng những nội dung cụ thể trong chủ đề này, chẳng hạn: “Giữ vệ sinh thân thể và ăn mặc”, “Sống gọn gàng, ngăn nắp, đúng giờ giấc”… lại chỉ như là các yêu cầu của người lớn đối với HS.
Xem xét chủ đề thứ 2 cũng tương tự, tên chủ đề này trong CT của Việt Nam là Quan hệ với người khác, thể hiện khá rõ tính chất quan hệ giữ chủ thể HS với những người khác, trước hết là người trong gia đình. Nhưng cách nêu nội dung lại vẫn xuất phát từ những yêu cầu của người lớn đối với đứa trẻ; chẳng hạn: “Yêu quý những người thân trong gia đình; lễ phép với ông bà, cha mẹ, anh chị, nhường nhịn em nhỏ;” hoặc “Yêu quý thầy cô giáo, bạn bè, trường lớp; lễ phép, vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết với bạn bè”… Trong khi cũng chủ đề này, CT của Đức lấy tên là Cùng nhau chung sống. Trước hết tên như thế rất gần gũi và thân thiết với trẻ em, và quan trọng các nội dung không yêu cầu chung chung ( đúng ở mọi nơi) mà đều xuất phát từ bản thân chủ thể HS với những hoàn cảnh có thể rất khác nhau, từ “Quan sát xem, ai là gia đình mình” đến “Nêu ra những điểm tốt mà gia đình có thể đem lại”, từ “ Nghĩ về việc cuộc sống gia đình cũng có thể gặp khó khăn” đến “Cảm nhận về việc cho và nhận trong cộng đồng”…
Toàn bộ chủ đề 1: Quan hệ với bản thân (VN) và Tự khám phá bản thân ( Đ) chỉ có 2 nội dung có vẻ gần nhau là nghĩ về bản thân và biết nhận lỗi. Nhưng ngay cả các nội dung này cách tiếp cận cũng khác. CT Việt Nam nêu yêu cầu đầu tiên “ Phấn khởi, tự hào đã trở thành HS lớp 1” là hướng tới cái chung, ai cũng phấn khởi tự hào là HS lớp 1, và điều đó hình như xa lạ với trẻ nhỏ ( liệu trở thành HS lớp Một có gì phấn khởi và tự hào ?). Trong khi CT của Đức yêu cầu: “Cảm nhận được rằng mỗi người đều chỉ có một trên đời”, rõ ràng là rất cụ thể và chú ý đến cái cá thể, duy nhất, nhằm nhấn mạnh: ai cũng là một con người riêng biệt và bình đẳng. Về nội dung biết nhận lỗi, CT Việt Nam yêu cầu: Khi có lỗi, biết nhận lỗi, sửa lỗi và cụ thể hóa nội dung ấy như sau:
+ Biết: khi mắc lỗi cần phải nhận và sửa lỗi+ Biết vì sao cần phải nhận và sửa lỗi+ Thực hiện nhận và sửa lỗi khi có lỗiCùng vấn đề này, CT của Đức yêu cầu: Nhận thức về lỗi, điểm yếu của bản thân và học cách đối mặt với chúng, từ đó cụ thể hóa nội dung ấy như sau:+ Người ta không cần phải làm được tất cả+ Điểm yếu cũng có thể là điểm mạnh+ Nghe và suy ngẫm về các câu chuyện với chủ đề: Không ai làm được tất cả; mình như thế này cũng ổn; “Chậm” thường có nghĩa là chắc và cẩn thận.
Ngoài ra, CT của Đức còn thêm các nội dung như: Cư xử tế nhị với lỗi lầm và yếu điểm của người khác với định hướng cụ thể: Không cười nhạo, chê bai ai; các câu chuyện tình huống, khích lệ trẻ; khen ngợi, quan tâm, các trò chơi khen ngợi; hoặc yêu cầu Cho người khác thấy rằng mình coi trọng họ với các nội dung như: “Điều mà tớ thích ở bạn!”, “Tớ quí bạn vì…”,“Thật tốt là có bạn trên đời này…”
Đi sâu hơn nữa vào nội dung chi tiết, để triển khai nội dung Phấn khởi, tự hào đã thành HS lớp 1, CT Việt Nam yêu cầu nội dung chi tiết như sau: Bước đầu biết được: trẻ em có quyền có họ tên, có quyền được đi học; Biết tên trường, tên lớp, tên cô giáo và một số bạn trong lớp; Biết tự giới thiệu về mình trước lớp; Vui thích được đi học. Các nội dung chi tiết này không liên quan mấy đến lòng tự hào và phấn khởi của HS. Trong khi để HS Cảm nhận được rằng mỗi người đều chỉ có một trên đời, CT của Đức có các nội dung chi tiết rất tập trung, cụ thể và gần gũi như Tên của mình; Vẻ ngoài, tuổi và giới tính của mình; Sở thích, điều mình ghét và yêu cầu: “Tự làm bảng tên: hỏi lại xem vì sao mình lại được đặt tên này, nêu lí do vì sao mình thích hoặc không thích tên ấy; tự vẽ chân dung, vẽ màu sắc, con vật yêu thích và các sở thích”.
Ngoài 02 nội dung khá gần với CT của Việt Nam nhau như đã nêu trên, còn lại các nội dung khác đều không giống với CT của Việt Nam. Ba nội dung lớn khác của chủ đề Quan hệ với bản thân, CT Việt Nam quan tâm đến các vấn đề :
- Giữ vệ sinh thân thể và ăn mặc; giữ gìn sách vở, đồ dùng học tập.- Sống gọn gàng, ngăn nắp, đúng giờ giấc- Học tập sinh hoạt đúng giờCòn CT của Đức lại tập trung vào các nội dung :- Quan sát xem người ta khác nhau thế nào- Ngạc nhiên và biết công nhận những gì người khác đã có thể làm được- Hình dung ra những gì mình còn có thể học
Có thể thấy, toàn bộ chủ đề Tự khám phá bản thân trong chương trình của Đức thể hiện chủ trương: “Học sinh nên học cách biết tự suy ngẫm và khích lệ khi nói về chính mình. Điều này giúp các em ý thức được sự đặc biệt có một không hai của bản thân cũng như của những người xung quanh, nhận ra những khả năng của mình cũng như của những người khác. Qua đó, các em có thể học cách biết chấp nhận và tôn trọng chính mình và cả những người xung quanh.” Rõ ràng đó là một cách tiếp cận mới về nội dung GD đạo đức mà Việt Nam cần suy nghĩ, tham khảo và học hỏi.
Về Phương pháp dạy học, trong văn bản CT của Đức nhiều chỗ nêu khuyến cáo về cách tổ chức dạy học gắn với mỗi chủ đề và các nội dung cụ thể. Chẳng hạn:
Nội dung dạy học
|
Gợi ý phương pháp - cách thức
|
Quan sát xem, ai là gia đình mình
|
Đem theo tranh, ảnh của gia đình; kể về bản thân và anh chị em (nếu có): là con đầu, con út, con một; nhiệm vụ của mình trong gia đình
|
Đưa ra những điểm tốt mà gia đình có thể đem lại
|
Tổ chức liên hoan sinh nhật, hội hè; đi dã ngoại, cùng chơi, viết các bản báo cáo về các trải nghiệm; cùng giúp việc nhà; cùng lo lắng, trợ giúp việc làm bài tập về nhà; chơi đóng vai; các bức tranh có chủ đề: gần gũi, che chở v.v; kể về ai đó biết lắng nghe, động viên mình; những tính cách hoặc năng lực đặc biệt của các thành viên khác trong gia đình…
|
|
Khuyến khích cách học liên môn và theo dự án
|
Cùng nhau chung sống
|
- Phát triển và tổ chức một trò chơi: cách cùng chung sống với nhau;
|
Coi trọng nhịp điệu và trật tự
|
- Làm một bức tranh tường về chủ đề: “Nhịp điệu và trật tự trong đời sống học đường”
- Cùng làm một cuốn sách có đoạn văn để tĩnh tâm cho nhóm buổi sáng
|
Cảm nhận ý nghĩa của lễ hội và phong tục
|
- Tổ chức lễ hội gặp gỡ
- Làm lịch lễ hội đa văn hóa (tranh ảnh, câu chuyện, bài hát v.v) trong lớp 2
|
Biết ngạc nhiên và coi trọng
|
- Tạo một “Con đường của sự ngạc nhiên” trong khuôn viên trường
- Đảm nhận đỡ đầu, ví dụ cho một hàng rào cây hoặc một con suối
|
II. Tham góp về hướng phát triển chương trình GDCD Việt Nam
1. Mấy vấn đề cần chú ý trong việc phát triển CT môn GDCD Việt Nam
CT môn GDCD là một bộ phận cấu thành của CT GDPT và do đó không thể xa rời các định hướng chung nhằm đổi mới căn bản toàn diện nền GD Việt Nam. Hiện nay Bộ GD&ĐT đang khẩn trương hoàn thiện Đề án xây dựng CTGDPT cho những năm sau 2015, trong đó nêu lên những định hướng đổi mới. Hai nội dung cần chú ý là:
- Xây dựng CT theo hướng phát triển năng lực
- Tích hợp mạnh ở các lớp thấp phân hóa dần và sâu ở các lớp THPT
Định hướng đổi mới ấy đặt ra cho môn GDCD nhiều câu hỏi phải trả lời:
- Để phát triển năng lực cho HS, môn GDCD có vị trí và vai trò như thế nào?
- Những năng lực chung và năng lực chuyên biệt mà môn GDCD đảm trách ?
- Phạm vi và giới hạn của lĩnh vực GDCD đối với nhà trường phổ thông? Để phát triển năng lực, HS phổ thông ở cấp/ lớp chỉ cần học một số ND thiết yếu nào?
- Môn GDCD bao gồm những mạch kiến thức và kĩ năng lớn nào? Những mạch nào có thể tích hợp vào các môn học khác mà không cần dạy ở môn GDCD?
- Những nội dung GDCD/ Đạo Đức nên bắt đầu đưa vào CT từ lớp nào và nên kết thúc ở thời điểm/lớp nào?
- Định hướng năng lực buộc thay đổi cách tiếp cận CT trong việc lựa chọn nội dung dạy học đạo đức- GDCD như thế nào? Nên xuất phát từ nhu cầu của bản thân HS hay từ yêu cầu của xã hội ( người lớn) để xác định nội dung CT ? Hay kết hợp từ cả hai yêu cầu ?
- Định hướng năng lực buộc đổi mới cách biên soạn SGK và đặc biệt cách dạy học như thế nào ? Chẳng hạn bớt thuyết giảng, tăng cường hoạt động, thực hành ứng xử, vận dụng giao tiếp qua hành vi, ngôn ngữ, cử chỉ; thông qua các việc làm, các trò chơi, các hoạt động tập thể, những sinh hoạt xã hội…
- Đánh giá chất lượng dạy học môn GDCD nên như thế nào? Có cho điểm hay chỉ nhận xét? Cho điểm những nội dung gì và nhận xét những gì? Những căn cứ, bằng chứng nào tin cậy và có giá trị trong đánh giá kết quả môn GDCD ? Nên kết hợp các hình thức đánh giá ở môn học này thế nào? Vai trò và ý nghĩa của kết quả đánh giá môn GDCD trong xếp loại và công nhận học vấn phổ thông?
2) Một số kiến nghị cụ thể
a) Cấu trúc lại phương thức GD đạo đức và GD công dân
- Giáo dục đạo đức/công dân là hết sức quan trọng và cần thiết trong việc thực hiện mục tiêu phát triển nhân cách người học. Nhưng việc GD đạo đức/công dân không phải chỉ dồn hết cho môn học này mà cần thực hiện ở tất cả các môn học (giống như yêu cầu về kĩ năng đọc-viết). Vì thế trong chương trình GDPT một số nội dung đạo đức/công dân cần tích hợp vào các môn học khác, đặc biệt là các môn KHXH như Ngữ văn, lịch sử, tìm hiểu xã hội… Ngoài ra cần kết hợp với GD gia đình, GD đoàn thể, GD qua các phương tiện truyền thông đại chúng…
- Song song với việc tích hợp ở các môn học trong suốt các cấp/lớp; lớp 1 và 2 tích hợp hoàn toàn vào môn Tìm hiểu xã hội và củng cố, khắc sâu ở phần đọc văn của môn Tiếng Việt/ Ngữ văn. Chỉ bắt đầu dạy học các nội dung đạo đức riêng từ lớp 3 đến lớp 6 (4 năm); nội dung môn GDCD được dạy từ lớp 7 đến lớp 10 (4 năm).
- Cấu trúc nội dung môn học này gồm các mạch kiến thức lớn thuộc phạm trù đạo đức, tư tưởng và pháp luật. Tôi đề nghị nên xem xét, trao đổi để có thể đưa vào một số hiểu biết cơ bản, thường thức về đạo Phật và đạo Thiên Chúa. Hai tôn giáo nổi trội và gắn bó nhiều với đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của dân tộc; cũng gần gũi với một bộ phận lớn HS, phụ huynh Việt Nam trước đây cũng như hiện nay.
b) Các mạch nội dung lớn cấu thành môn học
Theo tinh thần vừa nêu môn GD đạo đức/ công dân nên lấy tên chung là: GDCD theo nghĩa một công dân cần sống và chấp hành theo các chuẩn mực đạo đức và quy định pháp luật.
- Phân môn đạo đức sẽ/ và chỉ lựa chọn một số quy tắc chuẩn mực đạo đức tiêu biểu của dân tộc, xã hội về các quan hệ, phép ứng xử giữa cá nhân và các thành viên cộng đồng. Tuy không ghi thành văn bản pháp quy nhưng những chuẩn mực đạo đức có sức mạnh rất lớn bởi sự thôi thúc tự nguyện của lương tri và sức ép của dư luận xã hội. Chú ý cân đối hài hòa giữa các chuẩn mực cổ điển/ truyền thống với các chuẩn mực của xã hội hiện đại. Bên cạnh đó là một số kĩ năng sống có quan hệ mật thiết, gần gũi, thiết thực với đời sống tinh thần, sinh hoạt và ứng xử của đa số HS.
- Phân môn GDCD bao gồm các hiểu biết về pháp luật và tư tưởng; những quy định được thể chế hóa bằng các văn bản pháp quy, chi phối, điều hành đời sống một cộng đồng dân tộc ( cả đời sống tinh thần và vật chất). Với ý nghĩa đó, CT phân môn GDCD cần và chỉ lựa chọn một số nội dung thiết thực với HS phổ thông như:
+ Thường thức về Hiến pháp Việt Nam+ Các quyền lợi và nghĩa vụ của công dân+ Quyền và trách nhiệm của nhà nước+ Thường thức về một số tư tưởng lớn: Phương pháp duy vật biện chứng; Phật giáo và Thiên chúa giáo+ Những hiểu biết tối thiểu ( literacy) về kinh tế và chính trị - xã hội
c) Về sách giáo khoa, phương pháp, phương tiện và tổ chức dạy học
Đổi mới PPDH môn GDCD theo định hướng phát triển năng lực thực chất là coi trọng việc vận dụng những hiểu biết về đạo đức và pháp luật vào học tập và sinh hoạt hàng ngày; thông qua các hành vi, phép ứng xử, những cử chỉ, việc làm cụ thể; chứ không chỉ nói lí thuyết suông, nhớ máy móc các điều luật hay quy định công cộng…
Vì thế trong biên soạn SGK và dạy học GDCD cần hạn chế việc chỉ nêu lý thuyết nặng nề, khô khan; tăng cường giới thiệu các chuẩn mực đạo đức và các quy định luật pháp, các tư tưởng tốt đẹp bằng cách thông qua các câu chuyện, những hồi kí, giai thoại được truyền tụng trong lịch sử, sách vở, báo chí, các phương tiện truyền thông. Và nhất là thông qua các tấm gương người thật, việc thật- ưu tiên những người và việc mới xảy ra, cùng thời, cùng trang lứa với HS.
Tăng cường thời lượng cho việc tổ chức hoạt động, làm việc theo dự án; đặt ra các tình huống giả định để HS tranh luận, nêu suy nghĩ và phương hướng ứng xử, các cách giải quyết của cá nhân /nhóm/ tổ .
Tổ chức cho HS thăm quan các di tích lịch sử, bảo tàng; giao lưu với các nhân vật lịch sử, các tấm gương sáng về đạo đức, nghị lực, tinh thần dũng cảm, vượt khó; lòng nhân ái, đức bao dung…
Tổ chức các sinh hoạt tập thể, các câu lạc bộ, các buổi ngoại khóa theo chủ đề/ đề tài gắn với các nội dung đạo đức và pháp luật được học.
Tất cả các hình thức và phương pháp GDCD nêu trên cần và nên có đánh giá, lưu thành Hồ sơ HS để làm cơ sở, bằng chứng cho đánh giá kết quả học tập cuối cùng của môn học này.
*
Trên đây là một số suy nghĩ của một người ngoại đạo nhân đọc và nghĩ về CT môn GDCD. Đó là những suy nghĩ cá nhân và chắc chắn còn có sai sót, nhưng xuất phát từ một tinh thần trách nhiệm và lòng mong mỏi đổi mới CTGDPT nói chung, CT môn học này nói riêng. Mong được chia sẻ và thông cảm, lượng thứ.
Đ.N.T - Hà Nội, 7/5/2013
Tài liệu tham khảo:
1) Bộ GD và ĐT Việt Nam ( 2006), Chương trình GDPT- Môn GDCD, NXB GD
2) Bộ GD&VH bang Bayern (2000), Chương trình môn Đạo đức lớp 1-2
3) Phụ lục: Các chủ đề chính của CT môn Đạo đức của bang Bayern ( Đức)
Phụ lục
Các chủ đề chính của chương trình môn Đạo đức bang Bayern ( Đức)
Lớp 1 và 2
1) Tự khám phá bản thân
2) Cùng nhau chung sống
3) Coi trọng nhịp điệu và trật tự
4) Cảm nhận ý nghĩa của lễ hội và phong tục
5) Biết ngạc nhiên và trân trọng
6) Cư xử hợp với cảm xúc
Lớp 3
1. Cách chấp nhận khi thành công và thất bại
2. Cùng tìm đến nhau
3. Nghĩ về cuộc sống
4. Khám phá và coi trọng sự đa dạng về văn hóa
4.1. Cảm nhận các yếu tố trải nghiệm văn hóa
4.2. Tiếp xúc với tôn giáo: Đạo thiên chúa
4.3. Tiếp xúc với tôn giáo: Đạo do thái
5. Tiếp xúc thận trọng với thế giới tươi đẹp của chúng ta
6. Cách ứng xử khi mâu thuẫn
Lớp 4
1. Có khả năng mơ ước và từ bỏ mơ ước
2. Cùng nhau làm việc
3. Nghĩ về sự chết chóc và cái chết
4. Khám phá và coi trọng sự đa dạng về văn hóa
4.1. Cảm nhận các yếu tố trải nghiệm văn hóa
4.2. Tiếp xúc với tôn giáo: Đạo hồi
5. Góp sức vì môi trường đang bị đe dọa
6. Tự do và trách nhiệm
Cấp 3, hệ Gymnasium
Lớp
|
Chủ đề
|
Trọng tâm
|
5.1
|
Cảm nhận và thực tế
|
I
|
5.2
|
Nhu cầu và qui định
|
II, IV
|
5.3
|
Tự do, quyết định và hành động
|
II, III, IV
|
5.4
|
Học và chơi
|
IV
|
6.1
|
Gia đình
|
I
|
6.2
|
Tôi và những người khác
|
II, I
|
6.3
|
Đạo do thái và đạo thiên chúa
|
III, I
|
7.1
|
Trưởng thành
|
I
|
7.2
|
Mâu thuẫn và cách giải quyết
|
IV, II
|
7.3
|
Hình ảnh con người và đạo đức của đạo Hồi giáo
|
III
|
7.4
|
Lễ hội và ý nghĩa của nó đối với cộng đồng
|
IV, III
|
8.1
|
Những con đường giác ngộ trong đời sống hàng ngày
|
IV, I
|
8.2
|
Trách nhiệm đối với bản thân và với người khác
|
I, II, IV
|
8.3
|
Lập luận về dân tộc
|
II
|
8.4
|
Công nghệ môi trường
|
IV, II
|
9.1
|
Lương tâm và hành động
|
I, IV
|
9.2
|
Ý nghĩa tôn giáo của cuộc đời
|
III
|
9.3
|
Gia đình, vai trò giới tính, các mối quan hệ
|
I, IV
|
9.4
|
Công việc
|
IV, II
|
9.5
|
Đạo đức hòa bình
|
IV, II
|
10.1
|
Ý nghĩa dân tộc – triết học của con người
|
II
|
10.2
|
Triết học tôn giáo và so sánh cách nhìn của các tôn giáo khác nhau
|
III
|
10.3
|
Đạo đức của hoạt động thương mại
|
IV, II
|
10.4
|
Đạo đức y khoa
|
IV, II
|
11.1
|
Lý thuyết và thực tế của hành động
|
II, IV
|
11.2
|
Tự do và khẳng định mình
|
I, II
|
12.1
|
Luật pháp và sự công bằng
|
I, II
|
12.2
|
Định hướng giá trị và quan niệm sống
|
I, IV
|