CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Nghiên cứu - Phê Bình

Nam Cao và "những cái mặt không chơi được"

Chủ nhật ngày 13 tháng 5 năm 2012 12:00 AM

Đọc các tác phẩm và quan sát thế giới nhân vật của Nam Cao, người ta dễ bắt gặp những khuôn mặt xấu xí, dị mọ, những“cái mặt không chơi được”như nhan đề một truyện ngắn của ông. Đặc biệt là nhân vật Thị Nở.

Chẳng thế mà lâu nay dân gian vẫn lưu truyền câu ca:

Trông xa cứ tưởng nàng Kiều
Lại gần mới hóa người yêu Chí Phèo

Không chỉ đích danh, nhưng ai cũng biết “người yêu Chí Phèo” là Thị Nở, người tình duy nhất trong cuộc đời u tối của Chí. Cứ theo câu ca trên thì Thị Nở tồn tại trong tâm lý dân gian như là hiện thân của cái Xấu; sự đối nghịch của cái Đẹp; phản Thẩm mỹ. Chí Phèo chết một phần do Thị Nở và cũng chính vì Thị một phần mà Nam Cao “mang tai mắc tiếng”. Nghĩ cho cùng, oan cho Thị và oan cả cho Nam Cao.

Nếu tách đoạn văn Nam Cao đặc tả Thị Nở trong Chí Phèo ra mà xem xét thì quả không sai. Bạn đọc dễ nhận thấy: Khó mà tìm được trong văn chương ta một nhân vật nào của “phái đẹp” mà lại “xấu”; lại hội tụ tất cả những gì kém cỏi nhất của cõi người đến thế! “Một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn”. Hãy thử đọc lại đoạn văn tả chân dung Thị Nở mà xem, Nam Cao viết: "Cái mặt thị thực là một sự mỉa mai của hóa công: nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang hơn bề dài, thế mà hai má lại bóp lại mới thật là tai hại. Nếu má phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như là mặt lợn, là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng trên cổ người. Cái mũi thị vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi. Có lẽ vì quá cố cho nên chúng nứt nẻ như rạn ra. Đã thế thị lại ăn trầu thuốc, hai môi dày được bồi cho dày thêm một lần, cũng may quyết trầu sánh lại che được cái màu thịt trâu xám ngoách. Đã thế những cái răng lại rất to, lại chìa ra, ý hẳn chúng nghĩ sự cân đối che được vài phần cho sự xấu. Đã thế thị lại dở hơi. Đó là một sự ân huệ đặc biệt của thượng đế chí công".

Một chân dung như thế thì câu ca trên có gì là quá! Chân dung ấy, giọng văn ấy, khiến một thời nhiều người cho Nam Cao đã “phạm tội” mạt sát con người; có biểu hiện “tự nhiên chủ nghĩa”. Không ít thầy giáo, cô giáo khi giảng đều coi đó là hạn chế của Nam Cao... Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết luận tai hại trên là người ta đã tách nhân vật này ra khỏi hệ thống hình tượng của toàn bộ tác phẩm; thoát ly hẳn mối quan hệ với nhân vật trung tâm Chí Phèo và không xét đến chủ đích nghệ thuật của Nam Cao.

Viết tác phẩm Chí Phèo, Nam Cao muốn ném ra giữa cuộc đời một nhân vật “khốn khổ, tủi nhục nhất của người dân cùng ở một nước thuộc địa[1]; một con người bị tước đoạt triệt để trên mọi phương diện; một kiếp người khốn khó bị đẩy xuống “dưới đáy” xã hội, biến thành lưu manh và đã phải trả một giá quá đắt khi muốn trở lại cõi người. Xã hội ấy đã đẩy Chí vào một tình huống nghiệt ngã, tưởng như một nghịch lý cuộc đời: Muốn TỒN TẠI thì phải LƯU MANH, muốn SỐNG thì phải CHẾT.

Để làm nổi bật hình tượng này, toàn bộ các nhân vật khác đều xoay quanh Chí, đều “góp phần” làm cho Chí trở thành “khốn khổ tủi nhục nhất” trong đám cùng đinh trước cách mạng tháng Tám (1945). Thị Nở được hình thành và khai sinh không ngoài cảm hứng và chủ đích nghệ thuật đó.

Có thể thấy rất rõ rằng Nam Cao đã “cố tình” tạo ra Thị Nở như là “sự mỉa mai của hóa công”. Chẳng thế mà trong đoạn văn đặc tả ngắn ngủi ấy, ông dùng đến ba lần chữ “đã thế” hai lần “và Thị lại”. Tuy nhiên, sự “cố tình” này của Nam Cao là nhằm tạo ra một hiệu quả nghệ thuật khác. Thị Nở xuất hiện, tính chất bi kịch của cuộc đời Chí tăng vọt tới tột cùng. Như một tỉ lệ thuận, Thị Nở càng xấu thì sự “khốn khổ, tủi nhục” của Chí càng cao. Thị xuất hiện làm sống lại những mong muốn mơ hồ từng có trong Chí: Lấy vợ. Và thật tủi nhục cho Chí biết bao: Nào có mơ ước gì “cành vàng lá ngọc”, nào phải một Tiên Dung hay một Quỳnh Nga, thậm chí dù chỉ là một người đàn bà bình thường mà “thất bại” cho cam, đây chỉ mong được “một người mà người ta tránh Thị như tránh một vật gì rất tởm” cũng không được, thế thì còn gì là đáng sống?

Thị Nở - Ánh sáng leo lét cuối cùng trong cuộc đời mịt mù của Chí chợt bừng lên rồi tắt ngấm, để lại cho Chí nỗi đau tình phụ và một nỗi uất hận trả thù. Chính Thị là chất xúc tác trực tiếp làm cho phản ứng tự sát của Chí diễn ra nhanh hơn, quyết liệt và bi thảm hơn. Ngẫm kỹ, việc mô tả sự xấu của Thị ở đây, không phải là để “mạt sát” con người mà khắc sâu thêm nỗi đau của con người, về con người.

Mặt khác, việc miêu tả cái xấu của Thị Nở đã mang lại cho thế giới nhân vật của Nam Cao một Đôi lứa xứng đôi [2]; trao cho Chí Phèo một tri kỷ “đồng bệnh tương liên", tạo nên trước là sự đồng cảm, thương xót, sau là mối tình thuần hậu đến nao lòng. Nghệ thuật miêu tả ở đây có tác dụng thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc và ý thức trách nhiệm với con người của tác giả Nam Cao.

Chẳng phải là Chí Phèo và Thị Nở đã yêu nhau sao? Suốt thời gian ấy, Thị cũng làm duyên, cũng e lệ, làm tình, cũng lườm, cũng âu yếm, khi gọi tiếng vợ chồng cũng “ngường ngượng và thinh thích”; khi xa cũng nhơ nhớ, bâng khuâng...  cuối cùng cũng đau khổ, say sưa và tức giận... Phải kể tất cả các trạng thái và cung bậc tình yêu ra như thế mới thấy ngòi bút của Nam Cao nhân đạo biết nhường nào!

Hỡi ôi! Có mấy ai nghĩ được, tin được hai con người ấy lại có một tình yêu, cũng biết yêu và cần một tình yêu. Nam Cao cất tiếng đòi quyền sống, quyền lương thiện đã đành mà thêm vào đó là quyền được yêu cho những con người đã bị vất ra lề xã hội với biết bao phần người không hoàn thiện. Cái xã hội làng Vũ Đại đã chối bỏ một cách quyết liệt và thẳng thừng “đôi lứa” ấy, nhưng Nam Cao vẫn nhìn thấy trong những con người méo mó, cực nhục này lấp lánh những mảnh vỡ của nhân tính, những ngọn lửa dù leo lét mà vẫn ấm áp tình người.

Trong khi gần gũi, yêu đương, Thị Nở đã nhìn thấy ở Chí những điểm tốt lành mà người đời không thấy. Và Chí cũng thấy “Trông Thị thế mà có duyên”, “Xấu mà e lệ thì cũng yêu” và đặc biệt Thị đã khơi gợi được trong Chí ước muốn làm người lương thiện, Chí nghĩ: “Thị sẽ mở đường cho hắn”. Đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng Tám (1945) thì cách nhìn, cách nghĩ về “đôi lứa” ấy như thế, chẳng phải là một cái nhìn nhân đạo hay sao?

Trong thế giới nhân vật của Nam Cao, Thị Nở là điển hình cho cái xấu cho những “cái mặt không chơi được” như đã nói . Nhưng đâu phải chỉ mình Thị Nở mà còn rất nhiều nhân vật, những chân dung đặc sắc khác. Đây là Nhi trong truyện Nửa đêm:

" Nó chẳng lấy gì làm đẹp, có thể nói thẳng ngay rằng xấu. Nhưng nó trắng lắm, trắng như con lợn cạo. Người nó phục phịch quá, giá có phải lợn cũng bán được đến hơn hai mươi đồng. Bàn chân to và đầy hùm hụp nhấc được lên kể đã là khó nhọc. Cái mặt thì chỉ thịt rồi lại thịt, nẫu lên là những thịt. Hai má phị, cái mũi to mà lỗ thì lại nhỏ gần như đặc. Mắt không còn chỗ để phô ra, cái mí mắt đủ đầy như một cái môi và cái môi thì dày như... không có gì dày đến thế . Nhưng nó rất hay cười và rất hay phải chửi. "

Còn đây là mụ Lợi trong truyện Lang Rận :

"Không còn người đàn bà nào có thể xấu hơn. Mụ béo tròn, béo trục. Mặt rỗ như tổ ong bầu. Mắt trắng, môi thâm mà đen như thằng quỷ. Ở quanh đấy người ta vẫn lấy tên mụ ra mà dọa bọn trẻ...”.

Nhi hay mụ Lợi có khác gì Thị Nở. Còn Chí Phèo thì có khá nhiều phiên bản; chẳng hạn đây là nhân vật Lang Rận :

 "Anh chàng có cái mặt trông dơ dáng thật. Mặt gì mà nặng chình chĩnh như mặt người hổ phù, da như da con tằm bủng, lại lấm tấm đầy những tàn nhang. Cái trán ngắn ngủn ngắn ngùn lại gồ lên. Đôi mắt thì híp lại như mắt lợn sề. Môi rất nở, cong lên bịt gần như kín hai lỗ mũi con con, khiến anh ta thở khò khè. Nhưng cũng chưa tệ bằng những lúc anh ta cười. Bởi vì lúc anh ta cười thì cái trán chau chau, đôi mắt đã híp lại càng híp thêm, mà tiếng cười toàn bằng hơi thở thoát ra khìn khịt. Trời đất ơi, cái mặt ấy dẫu có rửa một ngày ba lượt xà phòng bà Cựu thấy vẫn còn buồn nôn, huống chi anh chàng lại còn bẩn gớm, bẩn ghê. Có lẽ mỗi buổi sáng ra cầu ao anh chỉ nhúng mấy ngón tay rửa độc một thứ đầu mũi mà thôi. Mặt anh mốc meo lên còn quần áo thì gố ghỉnh, thì dày dỉ, đứng cách ba thước còn ngửi thấy mùi chua, mà rách rưới, mà mất cúc, mà sứt chỉ, mà lôi thôi lếch thếch...hèn chi mà rận lắm hơn giòi. Chúng bò lổm ngổm ở trên cổ, ở hai vai, ở dưới lưng, chúng bò lổm ngổm xuống cả cái giường của anh nằm."

Một nhân vật khác nữa cũng rất tiêu biểu – nhân vật Trạch Văn Đoành: "Ngay cái tên cũng khó nghe rồi. Thà cứ là kèo, là cột hay là Hạ, là Đông, là gì cũng còn dễ nghe. Nhưng hắn ta lại là Trạch Văn Đoành. Nghe như súng thần công. Nó chọc vào lỗ tai. Đã thế cái mặt hắn lại vuông vuông ngậu xị thế nào... Đôi lưỡng quyền nhô ra như gây sự với người ta. Hai má thóp vào để tiếp sức cho cái lưỡng quyền. Cái mũi hóp lại ở trên để cho dưới được bạnh ra: nó phệ bụng ngồi trên một cái vành trăng khuyết màu đen dường như hai cái sừng trâu chắp liền với nhau, ấy là những cái ria ngoắt hẳn lên. Cái hàm răng vổ làm môi trật hẳn ra. Những cái răng dọa nạt ai y như một con chó khi nó gừ gừ với một con chó khác. Nhưng tất cả những cái ấy còn có thể tha thứ được, lỗi là tay bà mụ nặn. Song con mắt, những con mắt nó là tấm gương của linh hồn, mới đáng ghét vô cùng. Chúng chỉ bé thôi nhưng chúng lăn tăn, chúng láu lỉnh như nhạo như cười, như khinh khỉnh với người ta. Chúng chẳng nhìn xuống bao giờ, chúng nhìn thẳng, chúng nhìn nghiêng, cái nhìn tự đắc như cái nhìn của kẻ muốn nhấc người ta lên như nhấc một cái lông. Ghét lắm. Cái đầu Trạch Văn Đoành không húi như đầu của chúng ta. Mình một lối riêng, hắn gọi là mốt "tiền văn minh, hậu nhà sư ". Đằng trước có mấy món tóc dài để lật lên. Đằng sau cạo nhẵn thín như quả bưởi ; cho nó sạch, hắn tắc lưỡi mà bảo thế những lúc vui miệng " (Đôi móng giò)

Nếu như ta đã bắt gặp một Chí Phèo với cái mặt “không trẻ cũng không già; nó không còn phải là cái mặt người: nó là cái mặt của một con vật lạ, nhìn mặt những con vật có bao giờ biết tuổi ?... Cái mặt hắn vàng vàng mà lại muốn sạm màu gio. Nó vằn dọc, vằn ngang không thứ tự, biết bao nhiêu là sẹo. Vết những mảnh chai của bao nhiêu lần ăn vạ kêu làng, bao nhiêu lần hắn nhớ làm sao nổi " thì trong Đôi móng giò, ngoài nhân vật Trách Văn Đoành vừa nêu trên, còn có một khuôn mặt khác đặc sắc không kém gì những Chí và Đoành. Đó là chân dung Lê Văn R:

"Hắn ngoài ba mươi tuổi. Da đen như cột nhà cháy, mặt rỗ tổ ong, trán thấp và bóp lại ở hai bên, tóc cờm cợp dở ngắn dở dài, mắt ti hí nhưng sáng như mắt cú vọ, đã thế lại còn được đôi lông mày rậm và dựng đứng như hai con sâu róm nằm trên trợ lực. Tất cả những cái ấy vào hùa với cái mũi ngắn và to hếch lên như cái mũi hổ phù. Đôi lưỡng quyền cao trên bờ những cái má trũng như hai cái hố; những cái xương hàm nổi bật lên và bộ răng cải mả nhai xương rau ráu cũng nhăn nhó, trừng trợn với nhau để tạo cho hắn một bộ mặt làm cho trẻ con trông thấy phải hét lên như ma bóp cổ” ( Đôi móng giò )...

Đọc những trang miêu tả chân dung nhân vật của Nam Cao, nếu không có một cách tiếp cận đúng hướng sẽ rất dễ quy kết cho người viết, rất dễ nghĩ rằng Nam Cao đã mạt sát và nhạo báng con người... Viết đến đây tôi bỗng nhớ có ai đó đã từng nhận xét: Xưa nay những nhà văn hiện thực xuất sắc đều đồng thời là những nhà nhân đạo chủ nghĩa cao cả. Đọc Chí Phèo nói riêng và các tác phẩm của Nam Cao nói chung, sau những trang viết với những con chữ lạnh lùng, tưởng như nhạo báng ấy là một trái tim rớm máu, luôn thổn thức vì những kiếp người và những bất công ngang trái trên đời.

Đó là cái Tâm của người viết. Nhưng cũng từ cách miêu tả chân dung các nhân vật như thế, Nam Cao còn thực sự thể hiện được cái Tài của mình.

Để thấy rõ điều này, bạn hãy làm một thử nghiệm: Ra đường, đứng vào một chỗ nào đó và lặng lẽ quan sát dòng người đang đi lại tấp nập. Bạn sẽ thấy một điều thật lạ kì: không thể có hai khuôn mặt nào giống nhau như đúc. Ngay cả hai anh em sinh đôi, nếu nhìn kỹ ta vẫn phân biệt được hai khuôn mặt khác nhau. Có thể nói, trái đất có bảy tỉ người là bảy tỉ khuôn mặt khác nhau. Đó là sự vĩ đại và kì diệu của Tạo hóa. Nhà văn là một tiểu hóa công, nhưng đã có ai ngồi tính sổ với chính mình xem cả đời viết văn ông ta đã "chế tạo"[3] ra được bao nhiêu nhân diện khác nhau? Nguyễn Du thiên tài là thế, tả hai nàng Kiều đúng là "mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười ", nhưng nếu buộc ông tả lấy năm nàng Kiều nữa thì chắc là sẽ... rất gay.

Nhiều người cứ tưởng có hình mẫu trước mặt là tả được ngay. Thực ra không phải như vậy. Hàng ngày chúng ta vẫn thường gặp bao nhiêu là con người thân thiết, bao nhiêu cảnh vật và sự việc đầy ấn tượng. Xa rồi vẫn thấy như còn ngời lên tất cả, thân thuộc và gần gũi như đang trước mắt mình. Nhưng bây giờ bạn hãy thử cầm bút miêu tả lại đi. Khi ấy bạn sẽ thấy không phải đơn giản, mặc dù tất cả vẫn ở ngay trước mặt của ta. Sở dĩ như vậy vì, những cái đó mới chỉ để lại trong óc những cảm giác miên man mà không có một cái gì sâu sắc đủ sức sống bằng hình ảnh, để sáng tạo "Nghĩ thì hay nhưng không đủ chữ để viết ra" như Tô Hoài từng nhận xét. Đó là chưa nói phải tả thế nào để toát lên được linh hồn và sắc thái riêng của mỗi con người, mỗi sự vật. Một nhà văn Pháp viết:"Một trăm thân cây bạch dương giống nhau cả trăm, một trăm ánh lửa giống nhau cả trăm. Mới nhìn tưởng thế, nhưng nhìn kĩ thì thân cây bạch dương nào cũng khác nhau, ngọn lửa nào cũng khác nhau. Trong đời ta gặp bao nhiêu người, phải thấy ra mỗi người mỗi khác nhau, không một ai giống ai"[4]

Người ta thường nói tả những khuôn mặt đẹp cho đa dạng là rất khó. Nhưng tả những chân dung xấu cho phong phú, khác lạ thì cũng đâu phải là chuyện giản đơn. Đọc Nam Cao, chưa nói đến cái Tâm, đến tư tưởng nghệ thuật; chỉ nghĩ có cái Tài để tả được chân dung, dù chỉ là những “cái mặt không chơi được” như ông, đã thấy khó biết nhường nào!

Bình luận
Viết bởi tran thi hong bang -- ritatran_hongbang@yahoo.com -- 6/27/2012 6:55:26 PM
buon qua di. may tac pham hay nhu the. ko du tien mau sach doc. cu len mang, doc riet chac can qua. nhung ma me may tacphamnay qua biet lam sao duoc
Viết bởi Trương Nữ Diệu Anh -- dieuanhtp@gmail.com -- 11/22/2013 9:05:02 PM
bài viết thật sâu sắc, chủ nghĩa nhân đạo của Nam Cao dường như được phơi bày ra trước mắt người đọc, thoát khỏi cái vỏ bọc xấu xí bên ngoài. Ngẫm ra mới thấy Nam cao của chúng ta thật tài, cái tâm chứa đựng trong hình ảnh mà người đọc thoáng qua tưởng đó là biểu hiện của "tự nhiên chủ nghĩa"
Gửi lời bình
  • Mã xác nhận
  •  
  • Họ tên
  • Email
  • Nội dung
Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook