CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
CHÚNG TA VIẾT VỀ ĐỖ PHẤN

HÀ NỘI CỦA ÔNG PHẤN

Chủ nhật ngày 24 tháng 7 năm 2022 12:00 AM
1. Viết về Hà Nội là một điều vô cùng khó, nhất là với ai có văn cách, theo cách hiểu là tư cách của người cầm bút (xin tạm theo nghĩa rộng của từ này, chứ chưa rạch ròi giữa “nhà văn” và “người cầm bút” như Hoài Thanh từng định nghĩa một cách rất chính đáng). Tất nhiên, với những người hồn nhiên đến mức “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” thì chữ nghĩa cứ việc tuôn ra đầu bút hay bàn phím cũng không sao. Cũng có thể tổng hợp thông tin từ mấy chục cuốn sách về Hà Nội thành vài chục mẩu nho nhỏ dăm ngàn chữ phổ biến kiến thức về Hà Nội và rồi cũng có thể thành sách. Đó là một cách. Còn đã có một ý thức về nghề thì mới thấy sự khó ấy. Hiếm có thành phố nào ở Việt Nam được viết, khảo, nghiên cứu (tôi vẫn nghĩ khảo và nghiên cứu là hai chuyện khác nhau, dầu có quan hệ) nhiều như Hà Nội. Thành phố để lại cho chúng ta cả một di sản đồ sộ không chỉ về văn hóa, kiến trúc,… mà cả những công trình về chính nó. Sẽ nghiên cứu thêm gì về Hà Nội khi đã có những nghiên cứu của Trần Huy Liệu, Trần Quốc Vượng, Đinh Gia Khánh, Nguyễn Kim Thản, Đặng Thái Hoàng, Nguyễn Bá Đang, Fujimori Terunobu, Philippe Papin, William S.Logan,… về đủ mọi khía cạnh của Hà Nội, từ lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, folklore, phong tục đến kiến trúc, quy hoạch? Sẽ khảo gì thêm về Hà Nội khi đã có những khảo cứu của Doãn Kế Thiện, Chu Thiên, Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Văn Uẩn, Giang Quân, Nguyễn Vinh Phúc … Rồi những tùy bút, tản văn, truyện kí của Thạch Lam, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Quang Dũng, Trần Lê Văn,… Đó là mới chỉ tạm nói đến những người viết phi hư cấu. Văn chương về Hà Nội thì không thể kể hết. Gần như không nhà văn nào quan trọng của văn chương Việt Nam đương đại không viết về Hà Nội, từ lớp người “tiền chiến” như Khái Hưng, Nhất Linh, Nguyễn Huy Tưởng, nhất là Nguyễn Huy Tưởng, đến những nhà văn lớp kế tiếp. Chẳng thế mà nhìn vào biên mục trong thư viện mới thấy dẫu sách về Hà Nội có đến cả ngàn tựa (thống kê sơ bộ theo biên mục của Thư viện quốc gia Tràng Thi) mà có những cuốn được tái bản đi tái bản lại như Hà Nội băm sáu phố phường, Món ngon Hà Nội, Phố phường Hà Nội xưa, Người và cảnh Hà Nội,… nhưng cũng có những nhà văn từng có tới cả gần chục đầu sách về Hà Nội nhưng rồi chỉ năm bảy năm sau khi in là tan biến vào quên lãng. Sự tái bản, không thể phủ nhận, cũng là một thước đo nhất định, dẫu không phải là duy nhất. Cái khó với người viết về Hà Nội là sẽ viết gì về mảnh đất này khi mọi thứ dường như đã được nói cả rồi. Điều ấy nhiều khi lại liên quan đến việc chọn một tư thế, một cách viết. Và tôi tin, ông Đỗ Phấn đã có một lựa chọn đúng trong việc ấy.

Mà thực ra, cái sự đúng đắn đó vô cùng giản dị: chỉ viết về những cái mình biết. Đã đành rằng ông không bị ràng buộc bởi trách nhiệm của người nghiên cứu hay biên khảo nghĩa là đi đến “cùng kì lí” một vấn đề, trong tất cả tính hệ thống cũng như tính lịch sử của nó. Đọc tản văn của ông Phấn, nói chung, khả tín bởi lẽ ngoài trí nhớ phi thường về những thứ vô cùng tỉ mẩn (trong Lan man nghìn năm phố, có những tục ngữ gắn với những địa danh, đặc sản có lẽ chỉ rất ít người “đằm đìa” trong văn hóa dân gian từ trước mới có thể biết được) còn có không ít thứ, muốn viết được cũng phải đọc sách vở cẩn trọng, phải cập nhật những tri thức về văn hóa, lịch sử. Tuy vậy, ông luôn giữ mình trong một khoảng cách với việc nghiên cứu/khảo cứu và cũng không lấy những thứ sách vở “độn” vào văn chương của mình như một cách làm dáng chữ nghĩa. Trong sự viết, ông cũng không bị ám ảnh bởi cái tham vọng làm như “biết tuốt”. Tản văn của Đỗ Phấn về Hà Nội là Hà Nội trong mắt của chính ông, một con người đã sống như thế, có những trải nghiệm như thế, có một gia cảnh như thế và một cuộc đời như thế. Những gì mà ông Phấn viết là những gì thấm thía nhất, gần gũi nhất, những thứ ông muốn viết và thấy thôi thúc viết. Điều đó, cũng là một khế ước thể loại (tôi xin mượn cách Philippe Lejeune nói về tự thuật), giữa nhà văn và độc giả về tản văn: nó là một thứ gợi ý, một thứ mách nước, một cuộc đối thoại mà ở đó, không chấp nhận sự lười nhác. Tản văn của Đỗ Phấn có thể gợi ý về rất nhiều điều nhưng để có một tri thức chắc chắn về điều đó thì người đọc sẽ phải khảo cứu, phải đối chứng, phải tìm hiểu rất nhiều nguồn khác. Nó không lừa phỉnh người ta trong một cảm giác giả tạo của một thứ khảo cứu hay uyên bác trá hình. Người viết chỉ trình bày lại cái kí ức và kinh nghiệm của mình. Người đọc không thể đơn giản coi những điều đó là chân lí. Suy cho cùng, đó cũng là một sự sòng phẳng đáng quý. Giống như những tản văn khác, Hà Nội trong Lan man nghìn năm phố là một Hà Nội của Đỗ Phấn, Hà Nội trong những trải nghiệm và kí ức của Đỗ Phấn, trong cả những suy nghĩ, chiêm nghiệm của ông về Hà Nội. Đó là một Hà Nội cá nhân hóa triệt để.
2. Cho đến Lan man nghìn năm phố, Đỗ Phấn đã viết mười lăm tập tản văn, một văn nghiệp không hề mỏng, nhất là khi đặt bên cạnh đó những tiểu thuyết và những tập truyện ngắn mà ông đã viết suốt từ đầu những năm 2000. Lan man nghìn năm phố chưa chắc đã là tập tản văn độc đáo nhất của ông. Nó cũng không thể hiện một thay đổi gì trong bút pháp hay tư tưởng. Tuy vậy, có thể chắc một điều đây là tập tản văn thể hiện rõ nhất con người Đỗ Phấn – người viết tản văn về Hà Nội, một trong số những con-người-sáng-tạo Đỗ Phấn. Trong tập sách này, hiện lên một cách trọn vẹn Hà Nội của ông Phấn, cả theo chiều không gian và chiều thời gian, cả trong những cảnh quan đặc trưng của nó cũng như những biến thiên của nó từ một thành phố ban đầu được dựng lên cho vài vạn dân cho đến lúc trở thành một đại đô thị gần chục triệu người với những vấn đề, những đổi thay và cả những hằng số của nó. Như đã nói, ông Phấn không có cái tham vọng dựng lên những “toàn cảnh” về thành phố mà chỉ điểm lại một vài nơi chốn, một vài nếp sinh hoạt và một vài con người. Đó là mấy cái chợ, không phải thứ chợ để người ta ghé vào mua những thức hàng ngày mà chủ yếu là nơi bán những thứ để chơi và để ăn ngon: chợ hoa ngày Tết, chợ mạn Bưởi, chợ Đồng Xuân (chỉ thoáng qua, thực ra không định nói về riêng chợ này) và nhất là chợ Hàng Bè, nơi có những thức thời trân theo mùa và những thực phẩm làm sẵn cho những dịp cỗ bàn, khách khứa hay để thay đổi bữa ăn “tươi” hơn ngày thường. Đó là những hàng quán, quán cóc vỉa hè cũng có mà thuộc hàng đặc sản cũng có, nhưng hết thảy đều in dấu một lớp người: thế hệ ông Tô Hoài, ông Nguyễn Tuân, ông Nguyễn Sáng, ông Bùi Xuân Phái, ông Hoàng Trung Thông, ông Trọng Hứa. Đó là một vài thức quà, từ những thứ quả dầm, kẹo kéo đến bánh cuốn chay, cái bánh rán, đĩa đậu rán, quả vải hay đơn giản chỉ là mấy bát nước chấm. Và một vài con người, chủ yếu là những họa sĩ mà Đỗ Phấn có may mắn được gần gũi: ông Mai Văn Hiến, ông Bùi Xuân Phái, ông Trần Lưu Hậu.

Cảnh quan phố trong tản văn Đỗ Phấn đã đành đẹp, một thành phố với những con phố dưới tán cổ thụ, một thành phố với những hồ nước và quay lưng ra sông, một thành phố kề bên những làng ngoại thành, thứ làng “nửa quê, nửa tỉnh” rất đặc biệt cung ứng cho thành phố và góp phần làm nên cảnh quan và hồn cốt đặc trưng của thành phố. Dẫu vậy, phải nói cho ngay rằng ở khía cạnh đó, phố của ông Phấn không phải là cái gì quá mới mẻ. Ít nhất, từ những năm 70, Hoàng Đạo Thúy đã phát hiện ra những nét ấy trong Người và cảnh Hà Nội, Nguyễn Tuân đã phát hiện ra cái nét đặc trưng phố ấy trong tranh Bùi Xuân Phái khi thốt lên về Phố Phái và đầu những năm 80 của thế kỉ trước, Trần Lê Văn, Quang Dũng đã tả rất đẹp trong Gương mặt hồ Tây. Ở cái khung khổ bao quát ấy, Đỗ Phấn không thêm vào gì nhiều. Cái độc đáo của tản văn Đỗ Phấn là ở cách mà ông quan sát, nhiều khi là những thứ rất nhỏ nhặt, bình thường, một cách tỉ mỉ, để từ đó có những phát hiện rất riêng và vô cùng tinh tế. Những trang viết về ẩm thực của Đỗ Phấn có thể đặt ngang cùng với những trang của Vũ Bằng về Món ngon Hà Nội. Đó là một thứ viết không phải từ sự khảo cứu trang nghiêm như kiểu Phạm Đình Hổ ngày trước mà là một thứ viết chắt lọc từ sự trải nghiệm. Viết về ẩm thực luôn là một thứ khó mà dễ. Dể bởi người ta có thể viết rất kĩ, rất sâu về món này, món nọ, thuần túy chỉ bằng cách nghe kể hoặc khảo cứu tư liệu. Nhưng chính cái sự dễ ấy lại là cái bẫy khiến văn chương về ẩm thực rất dễ trở thành một thứ sách dạy nấu ăn. Viết như ông Phấn, phải trải nghiệm đến mức thấm được cái hồn cốt của sự ăn uống, của từng món ăn. Thế nên ông mới viết về nước chấm, về cách mà người Hà Nội phối hợp gia vị để tạo thành thứ nước chấm cho từng món ăn, để chế ngự cả những thứ thô dã nhất như mắm tôm và lại dùng chính món chấm đó để vừa chế ngự tiếp cái quá độ của một vài thứ thịt cá nhưng đồng thời cũng làm phát lộ cái phần thơm thảo của chính thứ thực phẩm đó. Thế nên cũng là mắm tôm nhưng chế nó để ăn cùng chả cá lại có cách gia giảm riêng, khác với ăn đậu Mơ rán. Thế nên cũng là nước mắm nhưng để ăn với thủy cầm lại cần phải có những gia vị đi cùng khác với ăn nem rán hay ăn ốc. Phải trải nghiệm đến cùng cực với sự ăn uống mới có thể “gọi” được đúng cái khâu quan trọng nhất của việc chế biến cua đồng: giã cua trong cối đá. Phải hiểu về ấm thực lắm thì mới có thể chăm chú đến cách mà người ta “thái mỏng, sàng bỏ hột quả ớt” hay nâng cái việc ăn chả cá thành một thứ nghi thức mà người ăn phải biết “phân biệt và gọi tên đúng từng vị”, biết “thứ tự gia giảm” cả chục thứ đi kèm và biết cả điều tiết tốc độ ăn cho phù hợp với món nóng sôi mỡ”. Và phải yêu sự ăn đến hết lòng thì mới có thể nhận ra cái đẹp trong hình thể của một đĩa bánh cuốn chay hay một gói xôi xéo có những lát đậu xanh đồ phủ lên trên những hạt xôi được người bán hàng khéo léo sắp đặt như một nghệ sĩ.

Ông Phấn đã đem cả cái độc đáo đó của sự trái nghiệm, quan sát và chiêm nghiệm để nhìn nghệ thuật. Nhờ nó mà ông có được những trang tuyệt đẹp về tranh Bùi Xuân Phái. Ông Phấn viết về “phố Phái” giống như một nhà phê bình hay nghiên cứu văn chương viết về truyện Kiều: buộc mình phải viết về những thứ đã thành “cổ điển”, đã được “chỉ mặt đặt tên” từ lâu lắm. Nhưng chính trong sự tự đặt mình vào tuyệt lộ ấy ấy mà ông đã có được những trang tuyệt đẹp về “phố Phái”. Ông phát hiện ra thứ thi pháp riêng của phố Phái với “những khuôn cửa, những bức tường, những mái ngói,… lắp ghép vào nhau theo một trật tự viễn cận hoàn toàn chính xác đến ngay cả giới kiến trúc cũng khó lòng bao quát được đến thế”, thứ thi pháp với “những bố cục cắt cảnh hết sức bất ngờ. Những nét đen khỏe khoắn khúc chiết gần như áp đặt cho những con phố Hà Nội quanh co một trật tự hoàn toàn mới mẻ. Những bảng hòa sắc khi u buồn tĩnh lặng khi hân hoan rực rỡ”; ông chỉ ra được những biến đổi rất phong phú trong “phố Phái” với một phổ rất rộng “trong veo mơ mộng những sớm tinh sương có thể nghe thấy cả tiếng chuông của chiếc xích lô khuât dần trong phố. Trầm mặc ngói nâu phủ buồn lên mái phố xô lệch của một Hà Nội ngày chiến tranh. Thưa thớt hàng liễu trầm mặc bên Hồ Gươm với bóng Tháp Rùa trắng xa tít tắp. những đầu hồi nhà xám đen vết nước chảy, những con đường cong lượn vào ngõ vắng chênh chao chiếc cột đèn nghiêng ngả. Những câu chuyện dài ngắn bò lan theo từng góc phố nghe như có tiếng thở dài mệt nhọc của bác xích lô gò lưng đạp xe lên dốc”. Và quan trọng nhất là ông gọi ra được linh hồn của phố Phái, một người nghệ sĩ mà với phố, “khi cần ông có thể đặc tả nó đến độ làm cho người xem thán phục. Khi không, ông khái quát nó bằng một vệt bóng mờ trong tâm tưởng mà hình như đã chạm đến bản chất của một Hà Nội thanh lịch. Một cái gì đó nồng nhiệt mà không vồn vã. Đằm thắm đấy mà không hề lả lơi. Nghiêm nghị rất mực mà không khô cứng giáo điều” (người viết nhấn mạnh). Ở những trang văn của ông Phấn, văn và họa gặp nhau, tương hợp và nâng đỡ nhau, đẹp như một bài thơ tượng trưng.

3. Đỗ Phấn có một phát hiện rất xúc động về Bùi Xuân Phái: Ông Phái chỉ luôn tự nhận mình là một người học vẽ và rất ngần ngại khi người ta gọi nhau là họa sĩ. Có lẽ, Đỗ Phấn đã thấm được cái sự khiêm nhường ấy của Bùi Xuân Phái, cả trong nghiệp vẽ lẫn trong nghiệp viết. Trong những phát ngôn của mình, Đỗ Phấn luôn chỉ tự nhận mình là một nhà văn “tay ngang”. Nhưng nhìn vào số lượng tác phẩm cũng như nhìn vào văn của ông, ta mới nhận ra rằng đó là cái khiêm nhường của một người hiểu nghề và dám tự đặt ra để theo đuổi những chuẩn mực cao về nghề. Tạp văn của Đỗ Phấn có cái tinh tế của sự quan sát, cái sâu sắc của sự trải nghiệm và cái phong phú cùa một người am hiểu đến tận cùng những thứ mình đã yêu, những thứ đã thành máu thịt. Ông biến được tất cả những thứ ấy thành chữ, một thứ chữ chu đáo và nghiêm cẩn cái nghiêm cẩn của một người biết giá trị của chữ. Hơn thế nữa, đó là một thứ chữ có tư tưởng, trong cái nghĩa dung dị nhưng cần thiết nhất của điều này. Hồi mới Đổi mới, ông Lê Ngọc Trà có một quan niệm rất đúng đắn về văn chương: văn chương không phải là một sự phản ánh mà là một sự nghiền ngẫm hiện thực. Tản văn về Hà Nội của Đỗ Phấn không phải là một sự kể, tả về Hà Nội mà là một sự nghiền ngẫm về Hà Nội. Quan trọng không phải là nói cái gì, viết cái gì về Hà Nội mà là nhìn thấy cái gì của Hà Nội. Xâu chuỗi những thứ ông Phấn viết về Hà Nội, những thứ ông quan sát thấy ở Hà Nội, có thể thấy một phát hiện của ông về Hà Nội, về cái “căn cước” của những thị dân nơi thành phố này. Đó là một phát hiện về lối sống. Sau những cảnh vật, những câu chuyện về ăn, chơi, vẽ, cư xử với nhau mà Đỗ Phấn thu nhận được khi sống ở thành phố này, có thể đọc ra được một lối sống, một phong thái làm nên con người Hà Nội “gốc” (cái sự “gốc” không phải do việc “mấy đời sống ở phố” quyết định mà do việc có đạt đến cái chuẩn của một cách sống hay không). Đó là một lối sống luôn có được sự tự kiểm soát và một ý thức về mức độ. Đó là một thái độ kiêu hãnh trong cái vỏ của sự khiêm nhường, cái kiêu hãnh của người hiểu biết và sống có chuẩn mực cũng như tự trọng. Thanh nhã và ung dung trong cách ăn – chơi; chu đáo trong cách ăn ở, trong cả nghĩa hướng nội (mặc thế nào, sống thế nào, ăn thế nào, chơi ở đâu) lẫn nghĩa hướng ngoại (cư xử với bằng hữu lẫn lớp con cháu); luôn tìm được cách sắp xếp hợp lí cuộc sống; luôn tìm được sự tự do trong những khuôn khổ và hoàn cảnh, dẫu ngặt nghèo; tinh tế trong hưởng thụ và nghiêm cẩn trong lao động, tất cả những thứ ấy làm nên cốt cách của con người thị dân, thứ mà càng ngày, ta càng thấy cần thiết. Chính nhờ cái cốt cách ấy mà dẫu là trong một căn gác xép luôn thiếu ánh sáng hay một căn hộ tập thể bốn, năm con người cùng sống, những bậc thầy vẫn có thể vẽ và để lại những di sản đồ sộ. Chính nhờ cái cốt cách ấy mà người ta mới có thể chung sống mấy thế hệ dưới một mái nhà êm ấm và giữ được cái chậm rãi, điềm tĩnh, ôn hòa, không phô trương, ồn ào và nhất là không xu thời, không bị cuốn theo những thứ thời thượng nông nổi và lố bịch. Cái cốt cách ấy được thể hiện trong ăn, trong mặc, trong chơi và đi chơi, trong lao động và trong đối nhân xử thế để làm nên một con người thị dân điềm đạm và sâu sắc. Phải có một ý thức rất mạnh về chuẩn mực và giá trị thì con người mới có thể sống như thế, chơi như thế, làm như thế. Nhờ đó mà cái di sản của một thế hệ truyền lại cho thế hệ sau không phải là của cải vật chất mà là sự hiểu biết và những mối quan hệ để được dạy làm người và dạy làm nghề. Phát hiện độc đáo nhất của Đỗ Phấn về thế hệ Mai Văn Hiến, Bùi Xuân Phái, Trần Lưu Hậu không chỉ là phát hiện về những giá trị nghệ thuật (ông Phấn có những trang tuyệt bút về tranh Bùi Xuân Phái) mà là phát hiện về một cách làm nghề và một cách dạy dỗ con người: luôn biến được nhu cầu sáng tạo thành một thôi thúc nội tâm; luôn tìm được một con đường riêng giữa những ước thúc ngặt nghèo của hoàn cảnh; luôn biết cách khơi gợi cái tiềm năng trong mỗi đứa học trò qua lao động và nhất là luôn ý thức về cái rộng lớn, cái cao quý của nghề nghiệp cũng như giá trị của tri thức. Cái cốt cách ấy chính là cái mà chúng ta vẫn quen hình dung là văn hóa. Nhìn ra cốt cách ấy, Đỗ Phấn đã có những phát hiện rất độc đáo về Hà Nội. Ở thành phố ấy, một nhà hàng trở thành đặc sản không phải ở cách nấu những thứ xa xỉ và quái dị mà ở cách biết trân trọng những ông trí thức, văn nghệ sĩ một năm chỉ ghé vài lần và biết nấu nướng tinh tế cũng như biết “chiều” khách hàng một cách đàng hoàng mà không xu nịnh. Và chân dung thành phố ấy, “nhân vật điển hình” của thành phố ấy không phải là những trưởng giả hợm hĩnh mà là những trí thức khiêm nhường sống và cần mẫn lao động, góp phần làm nên một di sản tinh thần phong phú cho thành phố.

4. Cuối cùng, không thể nói về giá trị của tập tản văn Lan man nghìn năm phố mà bỏ qua một nhân vật đặc biệt: nhân vật người kể chuyện. Trong trần thuật, dù hư cấu hay phi hư cấu thì người kể chuyện luôn có một vai trò quan trọng. Có điều, nếu như trong trần thuật hư cấu, người kể chuyện là một yếu tố góp phần làm nên hình tượng nghệ thuật thì trong phi hư cấu, nhất là trong tản văn, người kể chuyện có một ý nghĩa quyết định bởi nhân vật chính của tản văn chính là người kể chuyện. Tản văn là cách mà người viết trình hiện ra những điều mình thấy, hiểu, biết, những điều mình nghiền ngẫm và thực ra là trình hiện ra chính mình. Nhân vật chính của Lan man nghìn năm phố, cùng với Hà Nội, chính là người kể chuyện, người kiến tạo ra diễn ngôn về thành phố.

Người thị dân ấy có một gia cảnh đặc biệt, được sống trong một gia đình có nền nếp, được “đằm đìa” trong những sinh hoạt đặc trưng của “dân phố”, được gần gũi với những trí thức lớn của đời sống văn nghệ một thời. Ông cũng đã đi qua những thăng trầm của lịch sử, cũng nếm trải cả đời sống quân ngũ lẫn đời sống báo chí một thời. Từ nhiều năm, ông rút mình ra khỏi cuộc sống “biên chế” để tạo một không gian riêng trong lao động nghệ thuật và giống như một thị dân đích thực, ông biết cách chuẩn bị cũng như sắp xếp cho cuộc sống của mình, cho những ngày còn có thể lao động cũng như cho tuổi già (trong tập tản văn có những suy nghĩ rất độc đáo về việc chuẩn bị cho tuổi già cũng như việc sắp xếp cho một cuộc sống “chơi một mình”). Ông biết cách hầu rượu những bậc cha chú, biết cách ăn một bữa chả cá nhưng cũng biết cả cách tự tay nấu một bát mì đẹp trong hòa sắc và tinh tế trong hương vị (cái sự nấu mì trong văn Đỗ Phấn cũng là một câu chuyện không mấy người viết được như vậy). Một cuộc đời như thế tạo nên cho người kể chuyện một vị thế đặc biệt: rút mình ra, không phải là bên lề, mà là giữ một khoảng cách với đời sống để từ đó ngắm nhìn và chiêm nghiệm để có thể đi “Tìm một chân dung Hà Nội”, đôi khi, bắt đầu từ một cuộc “Thong dong quà phố”. Lan man nghìn năm phố có một cái nhìn bao quát toàn bộ lịch sử của thành phố, ít nhất từ những năm 60 của thế kỉ trước cho đến bây giờ. Không chỉ nói về Hà Nội và cốt cách Hà Nội nhân vật người kể chuyện cũng thấm đẫm cốt cách đó thể hiện qua một giọng điệu tinh tế, hài hước và luôn giữ được sự cân bằng cũng như sự ôn hòa, luôn điềm tĩnh và mức độ. Sống qua lịch sử, ngắm nhìn những đổi thay của thành phố, ông nhớ về quá khứ nhưng không tuyệt đối hóa quá khứ (thế nên mới có thể viết hay đến thế về những khốn khó của thời bao cấp, những lúi xùi “từ xưa” của một thành phố hậu chiến hay những thói tật vốn dĩ đã thành kinh niên của “dân phố”) nhìn vào những bất cập, ngổn ngang của hiện tại nhưng cũng chấp nhận nó như một thứ tất yếu của sự phát triển. Dẫu là quá khứ hay hiện tại, dẫu “Ngồi nghe bụi phố” hay tìm lại “Những mùa đã xa”, cái nhìn của ông luôn giữ để không bao giờ sa vào sự cực đoan, một chiều và dẫu là nói về cái đẹp hay những gì bất cập thì vẫn luôn giữ được một sự đôn hậu đáng quý. Đỗ Phấn có một phát hiện rất thú vị về những ngôi chợ cũ ở Hà Nội: những ngôi chợ ấy đã quay về lại được cái bình lặng của chợ búa một thời, nơi người bán không vồ vập vồn vã mà người mua cũng giữ được sự nhỏ nhẹ mặc cả. Ấy là cái bình lặng của một nếp sống lấy nền móng là sự tự trọng. Nhìn ra được những thứ như thế, phải có một niềm tin mạnh mẽ vào những gì không thể thay đổi của một vài giá trị văn hóa căn bản. Diễn ngôn về Hà Nội của ông Phấn được xây dựng trên nền tảng của một niềm tin văn hóa như thế.

5. Hà Nội là một thành phố kì lạ. Những người xa nó khoảng chục năm, quay trở về chắc sẽ ngỡ ngàng về những thay đổi, nhiều khi không mấy đẹp đẽ gì của nó. Ngỡ ngàng đấy nhưng không hề xa lạ. Người ta vẫn có thể nhận thấy một dáng vẻ xưa cũ trong một vài con ngõ, một vài dãy phố, một vài con đường, thậm chí một vài tường rào ở ngay trung tâm thành phố, nơi vẫn giữ nguyên được dàn ti gôn hay một vài người bán hàng vẫn giữ nếp bán những đĩa hoa cúng thơm thảo gói trong mảnh lá dong sạch sẽ ngày rằm, mùng một. Có được điều đó là nhờ những thị dân giữa cơn điên của tiền bạc vẫn kiên quyết giữ một ngôi nhà mặt phố chính để bán sách (sách giấy) suốt mấy chục năm cho đến ngày nay hay kiên định giữ một hàng rào xưa cũ, mở một hiệu thuốc bán cho những khách hàng đi lại quen thuộc cả chục năm. Đó là một thứ kiêu hãnh của những người vô cùng giàu có. Tản văn của Đỗ Phấn viết về một Hà Nội như thế.

PGS.TS PHẠM XUÂN THẠCH - Tháng 7 năm 2022
Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook