Với tùy từng người, thỉnh thoảng ở Hà Nội hôm nay lại có những đoạn phố rất buồn. Thường thường bây giờ, nó hay nằm ở khu phố “Tây” cũ, đại loại biên dọc là đường Tràng Thi cho tới khoảng dài dọc đường Nguyễn Du quá lên nữa ngã năm Trần Hưng Đạo. Vài biệt thự cổ còn nguyên, vài cây xanh um tùm có tuổi còn nguyên. Vài mong manh thiếu nữ còn nguyên, mới tí tuổi đầu đã dậy thì kiêu sa khinh bạc. Tất nhiên chen vào đấy cũng có hàng mới, quán mới nhốn nháo không đông lắm người mới. Công sở nằm trên những phố buồn ấy, chỉ ở vẻ bên ngoài, không hiểu sao cứ rầu rĩ gần gần giống như thiếu phụ đã đi một hoặc hai lần đò. Đấy là ban ngày. Chiều muộn sẫm xuống, lác đác ẩn hiện ở khoảng hè thưa tối là nhầu nhĩ qua lại mấy cô gái ăn sương nghèo nàn ngoại tỉnh.
Đọc truyện ngắn Đỗ Phấn chợt nhiên thấy mình đang lang thang buồn bã phảng phất như cô đơn bàng hoàng đi trên cái phố ấy.
Cái phố của Đỗ Phấn dài miên viễn không có đầu có cuối chập chờn như không phố. Nó ngầy ngậy nôn nao một dục tính đàn bà và hầu hết các đàn bà ấy không còn trinh nữa. Kể cả cô bé chẳng biết gì trong “Trời xanh thăm thẳm”. Kể cả những nữ sinh viên năm cuối loay hoay sống trong “Ở trọ”. Những tâm trạng nghèn nghẹn ngậm ngùi được nhớ lại bằng một giọng như không muốn kể, câu chữ đàm đạm co kéo nhau cố tình là dẹt là phẳng.
Mặc dù không gian của chuyện chạy linh tinh trên nền trung du hay miền biển thì Đỗ Phấn vẫn là một người Hà Nội. Và bất cứ một người Hà Nội nào sâu sắc biết buồn thì thường thích tự mủm mỉm biết cười. Người đã sống lâu với Hà Nội thì có cái kiểu cười lạ lắm. Nếu không nhận ra cái nét lạ ấy là rất dễ giống một vài giáo sư văn chương đương đại hoảng hốt kêu lên rằng, ở đô thị người ta không viết văn nữa.
Văn của Đỗ Phấn có nhiều nặng trĩu buồn cười. Cái ánh cười mang nét sẫm của một phố đã từng khát khao cổ đang dần dần bị ồn ào tỉnh lẻ làm lộ sáng. Không khó trích dẫn để minh họa hay ví dụ, từ chuyện tình trong “Thác hoa”, từ độc thoại trong “Dự báo thời tiết”, từ tâm trạng trong “Người đẹp ô tô” có vô số nhiều những câu chan chứa hóm. Thế nhưng, nhỡ tay để rời ra là làm tổn thương mất tinh tế. Nó từa tựa như là tự nhiên. Cái nghĩa tự nhiên mà triết thánh Lão Tử giản dị giải thích “nó vốn là thế”. Đỗ Phấn chua chát đùa, tự nhiên như người Hà Nội, một thành ngữ của cái thời xa vắng khó khăn bao cấp.
Truyện của Đỗ Phấn nhan nhản rất nhiều công chức. Đơn giản, công chức là sản phẩm độc đáo của riêng đô thị. Cái thói a dua nhàn nhạt công chức không những hằn đậm ở các công sở tầm thường mà còn bàng bạc lây nhây giăng khắp những viện khoa học sang trọng những trung tâm nghiên cứu khả kính. Liên tiếp ở “Của riêng mình” rồi ở “Dự báo thời tiết”, Đỗ Phấn dùng một thuật ngữ rất cũ, “tổ nữ công”, để tả cái thân phận hành chính của phụ nữ bị dung tục. Thật ra, khoảng mươi năm nay, ở các cơ quan công chức không còn tồn tại cái “tổ nữ công” mang chức năng công đoàn kiểu ấy nữa. Nhưng người đọc vẫn tin, văn chương là thế, họ tin vào khoảng trống của chi tiết. Trưởng phòng rình nghe nữ nhân viên đi đái, một chi tiết không giống công chức nhưng độ liên tưởng lại tuyệt vời công chức “Nghe tiếng hổ gầm có thể hình dung ra răng nanh và những vằn đen dữ tợn”. Phải là một người viết đã quen thích nói tục, rồi mệt mỏi và phát chán với nói tục mới có thể “nhã” khủng khiếp như vậy.
Chủ đề sex trong cả tập truyện cũng được nhấn nhá kỹ, vì nó phải đi theo đàn bà. Những câu chuyện nức nở thiếu phụ băn khoăn thiếu nữ dồn dập ngập tràn bởi đàn bà cho đàn bà của đàn bà, kể cả nhân vật chính có là đàn ông. Thậm chí từ “Hàng xóm tầng ba” (một truyện ngắn viết có vẻ hơi vội) đến “Di trú” (rộng dài và kỹ tay) thì nhân vật chính đàn ông còn bị đẩy đi đến tuyệt tích.
Đàn bà nhìn đàn bà nghĩ và đàn bà âm thầm dằn vặt trong veo nước mắt. Cảm giác nhục thể trực tiếp soi rọi từ chính những đàn bà thường đòi hỏi những chi tiết câu rất đắt, non một tý là phản cảm. Nói chung, văn Đỗ Phấn rất giỏi ở những chi tiết câu, nhưng bố cục cả truyện thì chưa “đã”. Nó minh bạch dàn trải rõ ràng cổ điển. Tuy nhiên, người xưa vẫn nói: Đừng đem tu từ mà bàn với người thơ, đừng đem bố cục mà bàn với người vẽ. Với họ đấy là những thứ nhập môn hiển nhiên. Đỗ Phấn là một họa sĩ. Và hình như từ rất lâu anh đã thành danh và vượt thoát ra ngoài của bao nhiêu thành thạo.
Cuối cùng, bao trùm lên trên của tất cả những đô thị những đàn bà những công chức là một tâm cảm xót xa được viết điêu luyện bằng chất văn cố dìm đi day dứt. Độc giả dễ dàng đoán Đỗ Phấn là người có tuổi. Biết sao được, thì đành vậy. Ở vài lĩnh vực cao cả đẫm đầy nhọc nhằn ví như văn chương ví như hội họa, thỉnh thoảng lại có liên tục thần đồng. Hạnh phúc thay, chỉ riêng ở đau khổ, vĩnh viễn lâu lắm rồi tuyệt không thấy có./.
N.V.H