CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
CHÚNG TA VIẾT VỀ ĐỖ PHẤN

SONG SINH VÀ SỰ THÍCH THÚ CỦA VIỆC PHÂN TÁCH - NGUYỄN CHÍ HOAN

Thứ hai ngày 1 tháng 7 năm 2013 12:00 AM

ĐỌC TIỂU THUYẾT CON MẮT RỖNG CỦA ĐỖ PHẤN - NXB VĂN HỌC 2013

 

Đọc các tiểu thuyết của Đỗ Phấn có thể nhận ra một trong vài nét của cấu trúc nền tảng những câu truyện anh kể là tình trạng phân thân của nhân vật chính, hay của người kể truyện như trong “Chảy qua bóng tối” khi mà cứ đến cuối mỗi chương lại có một đoạn ngắn, in nghiêng, tách khỏi chính văn của truyện, nói rằng “mình” đã viết như thế, như thế, và các nhân vật có liên quan trong truyện đã nhận xét về cái viết đó của “mình” thế này thế khác; hay như trong “Vắng mặt” thì dường như khó nhận thấy hơn, tuy nhiên rất rõ khi mà nhân vật chính cứ đeo đẳng cái cảm giác anh ta có vẻ không hiện diện trước mắt người khác ở mọi chỗ anh ta đi và đến – cái cảm giác được diễn đạt một cách thuần chủ quan, hài hước chua chát, có lẽ dễ khiến người đọc nghĩ đến các kích thước xã hội của cái cá nhân, cái nỗi cô đơn, cái nhìn phê phán, v.v. mà quên không để ý rằng kích thước đầu tiên của cảm thức “vắng mặt” như thế là kích thước của một cặp song sinh dính liền, hay nói đúng sát hơn (hết sức xin lỗi nếu ai đó thấy cái so sánh này gây bất tiện) đó là kiểu song sinh thai trong thai khiến cho ra đời hai cá nhân khác nhau, tất nhiên là nhiều điểm chung đến tối đa song vẫn khác nhau, thiết nghĩ, khác và giống nhau một cách vừa vui vừa buồn đến thắt ruột, hay là, mượn cái diễn đạt của một bậc thầy, đấy là một “nỗi sầu muộn sung sướng, kỳ quặc”, mà đối với riêng tôi với tư cách một người đọc tôi chỉ tiếc sao tác giả lại không đi sâu hơn vào phương diện này trong nền tảng câu truyện của anh, bởi cảm giác phân thân là thứ rất khó nhận ra dù rất phổ biến, hay phải nói đấy là một nét căn bản cấu tạo nên cuộc đời chúng ta trong cả hai tư cách là cuộc sống thực và là một câu truyện tiềm tàng; hay như trong “Rừng người” thì sự phân thân diễn đạt chính nó bằng cảm nhận của một cái nội tâm luôn luôn lạc lõng, thất lạc sự để tâm của bạn bè hay người tình hay các đối tác thường nhật trong đời thường nhật, diễn đạt bằng sự không hài lòng và bình phẩm phê phán mọi điều diễn ra xung quanh – những biểu đạt của một cái nhân cách nó tách rời chủ thể bằng sự nổi trội hơn của giọng phê phán, bằng khả năng quan sát những vận động của cái hình hài chính mình và, đôi khi, thật sự làm phát lộ cảm thức xa lạ với chính mình bằng những quan sát như vậy. Tóm lại cảm nhận bao trùm về cái hiện hữu phân thân đó thể hiện một cách liên tục và ngầm ẩn day dứt, dai dẳng, trong cái viết của Đỗ Phấn; và nếu nhìn trên trình tự xuất bản thì dường như cái chủ đề hàng hai này chuyển dịch về phía tiêu điểm trong các câu truyện; và đến cuốn “Con mắt rỗng” này thì chủ đề phân tách cặp song sinh (- vẫn là cái hình ảnh ưa thích của tôi, một thứ ví von cũ, không thể trùng khớp với khái niệm về phân thân -) hay có thể nói chính sự phân thân của nhân vật chính họa sĩ Thế Hoàng góp phần tạo thành khung kết cấu của một truyện kể, về hội họa đương thời.  

 

Ngay trong phân cảnh đầu tiên mở truyện với trận mưa lớn nhìn từ một quán bia hơi vỉa hè trên phố nọ, nhân vật chính, cũng là nhân vật kể truyện, đã là hai con người được xưng thành “hắn” và “mình”; và việc để cho vai “mình” nắm giọng kể, nắm cốt truyện, chi phối cái nhìn toàn cục cũng như từng mỗi đoạn trần thuật, và nhất là nắm lấy vai trò kể về “hắn” từ cả bên trong lẫn bên ngoài, đã cho thấy một cách hiển ngôn cái ý thức về sự phân đôi cố hữu thành tạo một ảnh hình của nhân cách.

Tiến triển của truyện, cuộc song hành của “mình” với “hắn” sau đó qua những cảnh đời, những tình ái, bạn bè, công việc và nhất là những động thái suy nghĩ, bình luận về đời sống, về mỹ thuật, v.v. cho thấy cuộc chung sống và đồng hành này thực ra không mấy có những mâu thuẫn, xung đột gì ghê gớm hay đè nén ức chế lẫn nhau giữa hai kẻ trong một thân tâm-người. Cái diễn trình đó nhìn chung là hòa nhã, hay có thể nói là “Dĩ hòa vi quý hòa khí sinh tài”. Thực trạng này của câu truyện dường như còn có thể sắc bén hơn căn cứ trên tiềm năng biểu đạt, cái phương diện lựa chọn ngôn ngữ và lựa chọn mảng miếng biểu hiện các sắc thái của biểu đạt đó, nhưng đã đủ toát lên cái quan niệm đằng sau nó về cảnh trạng phân thân: nó dường như bảo ta rằng sự phân thân vốn là do hai con người hợp lại tạo thành, chứ không phải do chia tách kiểu hai-trong-một; nói đúng hơn, đấy là một quá trình thống hợp lại hai thành tạo vốn đã đầy đủ chức năng làm người mà mỗi bên chỉ thiếu đúng bên kia để làm thành một cá thể.

Nhưng, như truyện đã được kể ở đây, trong “Con mắt rỗng” này, cái quá trình trông có vẻ như nghiễm nhiên đúng rồi, như bẩm sinh không khác, như là một thỏa ước đã ký tắt ở chỗ tối cao chỉ còn trưng ra làm cho thành hợp thức, vậy mà hóa ra không phải thế.

Tương ứng với quá trình kéo cái khóa dây của sự phân thân đó để tạo thành một cá thể là con đường hội họa của nhân vật họa sĩ Thế Hoàng.

Thiết nghĩ những bình luận thuộc về con mắt mỹ thuật thể hiện trong chính văn của truyện đã là đầy đủ cho một cái nhìn, tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm ở đây một vài nét tương tác của chủ đề phân thân với chủ đề hàng đầu của cuốn tiểu thuyết này – về cảnh trạng lưỡng nan của hội họa đương thời.

Hai nhân vật nữ nổi bật bởi quan hệ với nhân vật họa sĩ Thế Hoàng – cô gái phóng túng tên Thu, và thiếu phụ vừa mặn mà vừa trí lự vừa có năng lực thưởng thức hội họa tên Diễm – nhìn trên toàn truyện đã tạo thành một biến tấu của cặp “hắn” và “mình”. Xin lưu ý rằng cả hai nữ nhân vật này, đặc biệt là nhân vật Thu, đều được mô tả có vẻ đẹp thuộc kiểu tân-cổ điển, với hình thể nhìn chung  đều là đầy đặn cân đối, nữ tính đậm đà thậm chí đôi lúc như một hình ảnh Vệ nữ thác sinh với chất nhục dục khỏe khoắn, được “vờn tỉa” những nét cong tròn trịa mơn mởn v.v. Một quan niệm về cái đẹp, rất tiêu biểu, toát ra từ hai hình hài nhân vật đó. Và ta đã biết, họ mang hai số phận khác nhau: Thu thì đã kết thúc bi thảm, Diễm thì còn đó trong cảnh êm đềm đầy lưỡng lự băn khoăn.

Ta thấy một phóng chiếu từ hai số phận đó với hai cái kết của tiểu thuyết này, và, có thể khá bất ngờ cho hướng dự đoán thiên vị cái “mình” trong nhân vật Thế Hoàng, cái kết thứ nhất, rất ảm đạm, đầy chất hoài nghi, mấp mé đến hư vô, lại là cái kết dành cho kẻ xưng “mình” đó, cái kết trong cảnh hoang phế đầy sắc thái biểu hiện; và, liên kết những hình ảnh này với nhân vật Thu, với sự thất bại của Hoàng trong bức chân dung anh vẽ với Thu làm mẫu, sự thất bại mà “mình” đã tự phân tích thấu đáo, cay đắng, hầu như tượng trưng cho thất bại của một ngả đường quen thuộc trong hội họa của anh, nói đúng hơn là trong một tư duy hội họa đã quen thuộc và dường như không còn bắt kịp con mắt suy tư kiểu mới nữa – liên kết với những tình tiết đó, ta thấy cái kết thứ nhất này rất mang màu sắc hiện đại chủ nghĩa, đầy năng lượng và gợi cảm hứng khi trong cảnh vãn chiều xế bóng của nghệ thuật đó cái “mình” cứ day dứt nghĩ về một “con mắt thứ ba” sẽ đưa “mình” vượt thoát cảnh giam hãm của một thứ mỹ thuật có lẽ đã thoái giảm thành ra một mặt phẳng tù túng.

Cái kết thứ hai, đúng là mang tên Diễm, êm đềm suôn sẻ nói chung, lại được dành cho vai “hắn” của Thế Hoàng, và như đã thế từ đầu, “hắn” nhìn cái kết chưa biết bao giờ mới hết của chính “hắn” một cách uể oải bỡn cợt chua chát, mà “hắn” gọi là cảnh “dở khôn dở dại”.

Thì “hắn” và Diễm cũng vẫn băn khoăn về tranh pháo, về thưởng thức, về sâu xa nghề nghiệp một họa sĩ; nhưng giọng điệu của phần kết này rất thiếu hy vọng, mất dần năng lượng, đến mức “hắn” bảo chắc là chết cũng chẳng cần nhắm mắt làm gì, vì chỉ còn là “con mắt rỗng” thôi – một trong những bằng chứng là tranh của “hắn” lúc này vẽ ra màu với hình cứ nằm yên gọn ghẽ trên mặt toan, chẳng hắt ra ngoài những mặt phẳng ấy một âm thanh ánh sáng nào, tức là chẳng tí sức sống nào nữa.

Vậy là “con mắt thứ ba” cùng “Con mắt rỗng” đã hoàn chỉnh cặp biểu hiện phân thân mở ra từ trang đầu truyện, và đó, trong khi những quá trình thống hợp các cặp đôi ấy trải ra thật là gay go – cam go và cay đắng dưới một thứ bề ngoài dù sao cũng vẫn đẹp, êm đềm như có thể, như là “Diễm” – thì chính là thế lưỡng phân đó tiềm ẩn thế năng, tiềm ẩn động lực, tiềm ẩn cái hứa hẹn về một thứ anh tin là biết rồi, có khi thấp thoáng thấy rồi, nhưng chưa hề thực sự nắm bắt: chỉ nói hẹp trong nghề của Thế Hoàng, đấy là  sự thống hợp có khả năng tạo nên một cá thể thật sự, một cá thể họa sĩ, một, và chỉ là một, có một.

 

Chia sẻ trên Facebook