CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
CHÚNG TA VIẾT VỀ ĐỖ PHẤN

MỘT TIỂU THUYẾT, HAI LỊCH SỬ - HOÀI NAM

Thứ sáu ngày 2 tháng 5 năm 2014 12:00 AM

Có lẽ, dù viết gì đi nữa, họa sỹ - nhà văn Đỗ Phấn cũng chỉ nhằm tìm đến những đáp án khác nhau cho một câu hỏi mà thôi: Người ta đã, đang và sẽ sống như thế nào ở Hà Nội? Cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông, “Ruồi là Ruồi” (NXB Trẻ, 2014), không nằm ngoài việc ấy.

Nhưng vẫn có cái khác. Ở những tiểu thuyết trước đó (Vắng mặt, Rừng người, Chảy qua bóng tối, Gần như là sống, Con mắt rỗng), về đại thể, mối bận tâm đến trở thành một day dứt nhay đi nhay lại trong Đỗ Phấn là câu chuyện người sống ở Hà Nội lâu đời - tác giả gọi bằng “thị dân cũ” hay “dân phố cũ” – được gì, mất gì giữa thời buổi này, khi vẫn sống ở Hà Nội? Thì ở “Ruồi là ruồi”, vấn đề khiến tác giả bận tâm thực sự, đến mức rốt cuộc ông phải viết ra cả một cuốn tiểu thuyết dài hơn ba trăm trang, lại là: Giữa thời buổi này, để trở thành người Hà Nội, thành thị dân “đúng nghĩa”, người nhập cư sẽ được gì, mất gì?

Khái niệm “người nhập cư” vốn rất chung chung được Đỗ Phấn cụ thể hóa bằng hai nhân vật: Liên – cô điếm quê, và Hùng – nguyên chánh án hàng huyện. Hai nhân vật này xuất hiện bằng những cuộc chạy trốn. Chạy trốn khỏi quê hương bản quán, nơi họ đã mất hết khả năng dung thân. Chạy trốn đói nghèo, nhục nhã và tù tội. Chạy trốn quá khứ để tìm kiếm cuộc đời mới. Tác giả cho họ tìm về Hà Nội. Như tìm một đường sống, và như để nhấn mạnh một sự thật muôn đời: Người tứ xứ về Hà Nội là cả một khối vô cùng hỗn tạp, nhiều tinh hoa, nhưng cũng không bao giờ thiếu những phần tử bất hảo, nếu không muốn nói là cặn bã.

Ở Hà Nội, rốt cuộc thì Liên và Hùng cũng đạt được mục đích của mình, bằng  quyết tâm, liều lĩnh, thủ đoạn, và may mắn. Một cuộc đời mới. Một gia đình mới. Một danh phận mới. Những cái “mới” của hai con người chạy trốn này là niềm mơ ước xa vời của biết bao người khác. Nhưng họ vẫn phải sống trong nỗi bất an. Không phải bất an vì e sợ lúc nào đó cuộc đời cũ sẽ bị phanh phui, mà bất an vì cả một thế giới bí ẩn luôn đóng sập cửa trước mắt họ. Cố đến mấy họ cũng không thể dò hết cái nhiêu khê của đời sống đô thị, không thể hiểu nổi cung cách ứng xử phức tạp của “dân phố cũ”. Họ là khách ở đây. Và dẫu có trong tay bao nhiêu đất cát, cái mặc cảm tha hương vẫn cứ đeo bám họ không thôi.

Viết về Liên và Hùng, tác giả có dịp bày ra quang cảnh của Hà Nội ngày hôm nay, ngổn ngang, sôi sục, quay cuồng, như cái phông nền cho một “lịch sử của người”. Nhưng “Ruồi là ruồi” không chỉ có lịch sử của người, mà nó còn là “lịch sử của ruồi”. Những trang in chữ nghiêng trong cuốn sách, viết về ruồi, vừa như một hình đồng dạng mang chức năng soi chiếu, vừa như những phiến đoạn bổ sung cho cái “đích lịch trình khổ nạn” để trở thành thị dân của dân nhập cư. Hai lịch sử ấy quyện thấm lẫn nhau, tầm tã như chính cuộc sống ở những ngày này vậy…

Chia sẻ trên Facebook